[Luật pháp] - Phần 2
Nạn nhân của cướp bóc hợp pháp
Người dân đương nhiên là sẽ đứng lên chống lại bất công mà họ là nạn nhân. Vì vậy, khi cướp bóc được luật pháp tổ chức nhằm phục vụ lợi ích của những người làm ra luật thì tất cả các giai cấp bị cướp bóc đều tìm những biện pháp - hòa bình hay cách mạng - để có thể tham gia vào quá trình ban hành luật pháp. Tùy vào mức độ giác ngộ, trong khi tìm cách tranh giành quyền lực chính trị, các giai cấp bị cướp bóc có thể đề xuất một trong hai mục đích hoàn toàn khác nhau: Họ có thể muốn chấm dứt nạn cướp bóc hợp pháp hoặc muốn tham gia vào quá trình này.
Nếu tuyệt đại đa số các nạn nhân của nạn cướp bóc hợp pháp - trong khi giành giật quyền ban hành luật pháp - lại ủng hộ mục đích thứ hai thì đấy là đại họa cho quốc gia!
Khi chuyện đó chưa xảy ra, thiểu số tìm cách cướp bóc hợp pháp đa số, khi quyền tham gia vào việc ban hành luật pháp nằm trong tay vài người thì đây là hiện tượng phổ biến. Nhưng sau đó, tham gia vào việc ban hành luật pháp trở thành công việc của tất cả mọi người. Và người ta tìm cách cân bằng những lợi ích xung đột bằng cách làm cho nạn cướp bóc trở nên phổ quát. Không những không đào tận gốc trốc tận rễ bất công trong xã hội, mà họ còn làm cho bất công trở thành hiện tượng phổ biến.
Ngay sau khi các giai cấp bị cướp bóc giành được quyền lực chính trị, họ liền thiết lập hệ thống đàn áp các giai cấp khác. Họ không xóa bỏ nạn cướp bóc hợp pháp (Mục tiêu này sẽ đòi hỏi mức độ giác ngộ cao hơn mức độ mà họ đang có). Không những thế, họ còn “thi đua” với những người tiền nhiệm độc ác của mình bằng cách tham gia vào vụ cướp bóc hợp pháp này, thậm chí ngay cả khi nó trái ngược với lợi ích của chính họ.
Trước khi vương quốc của công lí xuất hiện, dường như mỗi người đều bị báo thù một cách tàn nhẫn - một số, vì sự độc ác của họ, còn số khác thì vì sự thiếu hiểu biết của họ.
Kết quả của cướp bóc hợp pháp
Không gì có thể làm xã hội thay đổi lớn hơn và đưa vào xã hội cái ác lớn hơn là biến luật pháp thành công cụ cướp bóc.
Việc xuyên tạc luật pháp như thế sẽ gây ra những hậu quả như thế nào? Phải viết mấy tập sách mới mô tả hết. Vì vậy chúng ta phải hài lòng với việc chỉ ra những hậu quả ấn tượng nhất.
Trước hết, nó làm cho người ta không còn phân biệt được công lí và bất công.
Nếu luật pháp không được tôn trọng, ở một mức độ nhất định nào đó, thì xã hội không thể tồn tại được. Biện pháp an toàn nhất làm cho người ta tôn trọng luật pháp là làm cho luật pháp đáng được tôn trọng. Khi luật pháp và đạo đức mâu thuẫn với nhau thì người công dân đứng trước lựa chọn khắc nghiệt: đánh mất ý thức về đạo đức hoặc không tôn trọng luật pháp nữa. Hai cái xấu này đều gây ra hậu quả như nhau và người ta sẽ khó lựa chọn.
Bản chất của luật pháp là duy trì công lí. Trong tâm trí của đa số người, luật pháp và công lí là một và chẳng khác gì nhau. Tất cả chúng ta đều có thiên hướng tin rằng cái gì hợp pháp thì cũng là chính đáng. Niềm tin này phổ biến đến nỗi nhiều người có quan niệm sai lầm cho rằng sự kiện nào đó là “chính đáng” vì luật pháp quy định như thế. Vì vậy, muốn làm cho cướp bóc trở thành chính đáng và thiêng liêng thì chỉ cần ban hành và phê chuẩn luật lệ là được. Chế độ nô lệ, những biện pháp hạn chế và cơ sở độc quyền được không chỉ những người hưởng lợi mà cả những người bị chúng làm cho đau khổ ủng hộ.
Số phận của những người không tuân phục
Nếu bạn cảm thấy nghi ngờ tính đạo đức của các thiết chế đó thì người ta sẽ tuyên bố như đinh đóng cột rằng: “Bạn là một nhà cải cách, một người không tưởng, một lí thuyết gia, một người có tư tưởng lật đổ nguy hiểm; bạn có thể làm lung lay nền tảng của xã hội”. Nếu bạn giảng dạy đạo đức hay chính trị học thì sẽ có những tổ chức của nhà nước kiến nghị với chính phủ tư tưởng đại loại như sau: “Không nên tiếp tục dạy môn khoa học đó chỉ từ quan điểm của thương mại tự do (của quyền tự do, của quyền sở hữu và của công lí) như từ trước đến nay nữa. Chỉ được giảng dạy môn khoa học này theo quan điểm của các sự kiện và pháp luật điều tiết ngành công nghiệp Pháp (sự kiện và luật pháp mâu thuẫn với quyền tự do, quyền sở hữu, và công lí). Nghĩa là các chức danh giảng dạy do nhà nước tài trợ, các vị giáo sư phải hết sức kiềm chế, không được gây nguy hiểm, dù là nhỏ nhất, cho sự tôn trọng luật pháp hiện hành”1.
Do đó, nếu có luật công nhận chế độ nô lệ hay độc quyền, áp bức hay cướp bóc, dù hình thức có như thế nào, thì cũng không được nhắc tới. Vì làm sao có thể nhắc tới nó mà không làm giảm thái độ tôn trọng của người ta đối với nó? Hơn thế nữa, đạo đức và kinh tế chính trị học phải được dạy theo quan điểm của bộ luật này, với giả thiết cho rằng nó phải là công chính chỉ đơn giản vì nó là luật.
Ảnh hưởng khác của việc xuyên tạc luật pháp đầy kịch tính này là nó gán cho các đam mê và xung đột chính trị và chính trị nói chung ý nghĩa đã bị thổi phồng.
Tôi có thể chứng minh nhận định này bằng hàng ngàn cách. Nhưng, bằng cách minh họa, tôi sẽ tự giới hạn vào chủ đề mà thời gian gần đây đã chiếm tâm trí của tất cả mọi người: phổ thông đầu phiếu.
Ai phán xét?
Các tín đồ của trường phái tư tưởng của Rousseau - những người tự coi mình là rất tiến bộ, nhưng tôi coi họ là lạc hậu tới hai mươi thế kỉ - sẽ không đồng ý với tôi về vấn đề này. Nhưng phổ thông đầu phiếu - với ý nghĩa chặt chẽ nhất của từ này - không phải là một trong những tín điều thiêng liêng mà kiểm tra hay nghi ngờ nó đã là tội ác rồi. Trên thực tế, có thể đưa ra những ý kiến phản đối nghiêm túc đối với quyền phổ thông đầu phiếu.
Trước hết, từ “phổ thông” che giấu một sai lầm hiển nhiên. Ví dụ, ở Pháp có 36 triệu người. Do đó, để thực hiện quyền phổ thông đầu phiếu thì phải có 36 triệu cử tri. Nhưng hệ thống mở rộng nhất cũng chỉ cho phép 9 triệu người đi bầu cử mà thôi. Cứ bốn người thì có ba người bị loại. Và hơn thế nữa, họ bị người thứ tư loại ra. Người thứ tư này dùng nguyên tắc không đủ năng lực làm lí do loại bỏ, không cho những người khác tham gia bầu cử.
Lúc đó, phổ thông đầu phiếu có nghĩa là phổ thông đầu phiếu cho những người có năng lực. Nhưng vẫn còn câu hỏi sau đây: Ai là người có năng lực? Chỉ có trẻ vị thành niên, phụ nữ, người điên và những người phạm các tội ác lớn nào đó mới bị coi là những người không có năng lực?
Lí do làm cho bầu cử trở thành hạn chế
Xem xét kĩ hơn đề tài này cho chúng ta thấy động cơ dùng giả định về không đủ năng lực làm cơ sở cho quyền bỏ phiếu. Động cơ là cử tri hay người đi bầu cử không thực hiện quyền này cho bản thân mình, mà cho tất cả mọi người.
Về mặt này, các hệ thống bầu cử mở rộng nhất và các hệ thống bầu cử hạn chế chẳng khác gì nhau. Chúng chỉ khác nhau ở chỗ cái gì được coi là bất lực. Không có sự khác biệt về nguyên tắc, chỉ có khác biệt về mức độ.
Nếu như các đảng viên cộng hòa theo trường phái tư tưởng Hi Lạp và La Mã ngày nay đòi hỏi - người ta có quyền phổ thông đầu phiếu ngay từ khi chào đời - thì không cho phụ nữ và trẻ em tham gia bầu cử là bất công. Tại sao lại không cho? Bởi vì họ bị coi là không đủ năng lực. Và tại sao không đủ năng lực lại là lí do để không cho người ta bỏ phiếu? Bởi không chỉ cử tri đi bầu cử phải gánh chịu hậu quả của lá phiếu của mình, vì mỗi lá phiếu động chạm và ảnh hưởng đến tất cả mọi người trong toàn bộ cộng đồng, bởi các thành viên trong cộng đồng có quyền yêu cầu một số biện pháp bảo vệ trước những hành động mà phúc lợi và sự tồn tại của họ phụ thuộc vào.
Câu trả lời là giới hạn luật
Tôi biết có thể trả lời như thế nào, biết những lời phản bác có thể được đưa ra. Nhưng đây không phải là chỗ tranh cãi về vấn đề như thế. Tôi muốn chỉ đơn giản nhận xét ở đây rằng cuộc tranh cãi về phổ thông đầu phiếu (cũng như về hầu hết các vấn đề chính trị khác) tức là cuộc tranh cãi đang khuấy động, kích thích và lật đổ các quốc gia, sẽ mất đi gần như tất cả tầm quan trọng của nó nếu luật pháp luôn là cái mà nó phải là.
Trên thực tế, nếu luật pháp chỉ là để bảo vệ tất cả mọi người, tất cả các quyền tự do và tất cả tài sản; nếu luật pháp chỉ là sự kết hợp có tổ chức của quyền tự vệ của cá nhân; nếu luật pháp là sự cản trở, ngăn chặn, trừng phạt tất cả những sự áp bức và cướp bóc - thì chúng ta, những người công dân có còn tranh luận nhiều về quy mô của quyền bẩu cử nữa không?
Trong hoàn cảnh như thế, chả lẽ quy mô của quyền bầu cử sẽ gây nguy hiểm cho lợi ích tối thượng, cho nền hòa bình xã hội hay sao? Chả lẽ những giai cấp không có quyền bầu cử sẽ không chịu chờ đợi trong hòa bình quyền được bầu cử của mình hay sao? Chả lẽ những người có quyền bỏ phiếu sẽ bảo vệ đặc quyền của họ một cách quyết liệt hay sao?
Nếu luật pháp chỉ làm những chức năng phù hợp của nó thì mọi người sẽ quan tâm tới luật pháp như nhau. Chả lẽ không phải rõ ràng là, trong những hoàn cảnh như thế, những người đã bỏ phiếu có thể gây phiền hà cho những người không bỏ phiếu ư?
Tư tưởng cực kì sai lầm của cướp bóc hợp pháp
Nhưng mặt khác, xin hãy tưởng tượng là nguyên tắc cực kì sai lầm sau đây đã được áp dụng: Lấy cớ là tổ chức, chỉnh đốn, bảo vệ hoặc khuyến khích, luật pháp lấy tài sản của người này và đem cho người khác; luật pháp lấy của cải của tất cả mọi người và đem cho một số ít người - nông dân, các nhà sản xuất, các chủ tàu, các nghệ sĩ, hay diễn viên thì cũng thế. Trong những hoàn cảnh như thế, chắc chắn là giai cấp nào cũng sẽ muốn nắm được luật pháp và làm thế là hợp lí.
Những giai cấp bị loại ra sẽ đòi quyền bầu cử với thái độ giận dữ - và sẽ lật đổ xã hội nếu không nhận được quyền đó. Lúc đó, ngay cả những người ăn mày và những kẻ lang thang cũng sẽ chứng minh cho bạn biết rằng họ cũng có quyền bầu cử mà không ai có thể phủ nhận được. Họ sẽ nói với bạn:
“Chúng tôi không thể mua rượu, thuốc lá hay muối mà không phải đóng thuế. Và luật pháp lại cho phép lấy một phần thuế mà chúng tôi đóng để cấp cho những người giàu có hơn chúng tôi - dưới dạng đặc quyền đặc lợi hay trợ cấp. Còn một số người khác thì sử dụng luật pháp nhằm nâng giá bánh mì, thịt, sắt hoặc vải vóc. Như vậy, vì tất cả những người khác đều sử dụng luật pháp vì lợi ích riêng của mình, cho nên chúng tôi cũng muốn sử dụng luật pháp vì lợi ích của chúng tôi. Chúng tôi yêu cầu luật pháp quyền được cứu trợ, nghĩa là cướp bóc vì người nghèo. Muốn có được quyền này, chúng tôi cũng phải trở thành cử tri và trở thành các nhà lập pháp để có thể tổ chức Hội Ăn Mày rộng khắp cho giai cấp của chúng tôi, như các vị đã tổ chức Hội Bảo Vệ rộng khắp cho giai cấp của quý vị. Xin đừng nói với chúng tôi, những kẻ ăn mày, rằng các vị sẽ hành động vì chúng tôi rồi sau đó làm như ông Mimerel đề xuất - cho chúng tôi 600.000 franc để chúng tôi không quậy phá nữa - có khác gì ném cho chúng tôi cục xương. Chúng tôi có những yêu sách khác. Dù sao mặc lòng, chúng tôi mong muốn tự mình thương lượng cũng như các giai cấp khác tự thương lượng cho họ vậy!”.
Trả lời sao đây!
(Đón đọc kì sau)
Chú thích:
(1) Tài liệu của Ủy ban tối cao của Pháp về công nghiệp, nông nghiệp và thương mại (ghi chú của bảng tiếng Anh).