Kiểm định toàn diện nền kinh tế thị trường Việt Nam dựa trên bộ chỉ số Tự do kinh tế thế giới (EFW) của Viện Fraser, Canada (2020)

Kiểm định toàn diện nền kinh tế thị trường Việt Nam dựa trên bộ chỉ số Tự do kinh tế thế giới (EFW) của Viện Fraser, Canada (2020)

Tài liệu sách: File Audio File PDF

Việt Nam là một trong những nền kinh tế có triển vọng nhất trên thế giới. Bộ chỉ số Tự do kinh tế thế giới (EFW), được công bố hàng năm bởi viện nghiên cứu Fraser Canada, cung cấp một bức tranh hoàn thiện hơn về mức độ phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam trong mối tương quan với các quốc gia khác trên thế giới. Theo Báo cáo EFW 2019, chỉ số EFW của Việt Nam mới chỉ đạt 6,27 trên thang điểm 10, xếp ở vị trí 119 trong tổng số 180 nước. Báo cáo này nhằm rà soát chỉ số EFW của Việt Nam một cách toàn diện, cùng với những phân tích chi tiết đằng sau mỗi chỉ tiêu, trong mối tương quan với các quốc gia tương đồng khác nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của thị trường và năng lực của nhà nước trong vai trò thúc đẩy kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế có triển vọng nhất trên thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người một năm từ 4% năm 2012 đến 6% trong 2018. Tốc độ tăng trưởng GDP thực dự kiến vào năm 2020 – 2021 trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra là khoảng 6,5%. Từ 2002 đến 2018, hơn 45 triệu người dân đã thoát khỏi đói nghèo và GDP bình quân đầu người đã tăng 2,5 lần, đạt mức 2.700 đô la Mỹ vào năm 2019.[1]

Việt Nam hiện nay về cơ bản là một nền kinh tế thị trường có độ mở thương mại quốc tế tương đối cao, với tỷ lệ kinh ngạch xuất nhập khẩu trên GDP năm 2019 là 210,4% (so sánh với Thái Lan, 109,6%) (Worlbank Data).[2] Gần đây, Việt Nam đã hoàn thành việc ký kết khoảng 16 Hiệp định tự do thương mại và tham gia nhiều tổ chức để có thể mở rộng thị trường, giành được những nguồn lực giúp thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế.

Dân số Việt Nam vào khoảng gần 97 triệu người vào năm 2019 (tăng từ 60 triệu dân vào năm 1986) và được dự đoán sẽ tăng lên tới gần 115 triệu người vào năm 2050. Dân số cũng đang già hóa nhanh chóng, độ tuổi trung bình tăng từ 28,5 tuổi vào năm 2010 đến 35,6 vào 2030 và 39,6 vào 2050. [3] Trong khi đó, tầng lớp trung lưu sẽ tăng từ mức 11% dân số vào năm 2015 lên tới 28% vào năm 2025 và 52% vào năm 2035.[4]

Những con số thống kê trên phản ánh đôi nét về mức độ phát triển nền kinh tế thị trường của Việt Nam cũng như thách thức mà Việt Nam đang gặp phải để tiếp tục cải thiện hơn nữa thu nhập của người dân. Bộ chỉ số Tự do kinh tế thế giới (EFW), được công bố hàng năm bởi viện nghiên cứu Fraser Canada, sẽ cung cấp cho chúng ta một bức tranh hoàn thiện hơn về mức độ phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam trong mối tương quan với các quốc gia khác trên thế giới. Nhà kinh tế học Douglass North đoạt giải Nobel năm 1993 từng gọi bộ chỉ số EFW là “thứ gần nhất mà chúng ta có”, một miêu tả về “cách thị trường vận hành hiệu quả” dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế. Sáu mươi nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới từ nhiều chuyên ngành, bao gồm ba nhà kinh tế đoạt giải Nobel, đã tham gia vào việc thiết kế chỉ số này.[5]

Theo Báo cáo EFW 2019, chỉ số EFW của Việt Nam mới chỉ đạt 6,27 trên thang điểm 10, xếp ở vị trí 119 trong tổng số 180 nước. Tại sao điểm số và xếp hạng của Việt Nam thấp như vậy sau 30 năm đổi mới? Những cấu phần nào của nền kinh tế thị trường Việt Nam đã có nhiều tiến bộ (như tự do thương mại đề cập ở trên) và những cấu phần nào vẫn còn yếu kém? Việc rà soát chỉ số EFW của Việt Nam một cách toàn diện, cùng với những phân tích chi tiết đằng sau mỗi chỉ tiêu, trong mối tương quan với các quốc gia tương đồng khác sẽ cho chúng ta câu trả lời để đánh giá hiệu quả hoạt động của thị trường và năng lực của nhà nước trong vai trò thúc đẩy kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Báo cáo này được xây dựng chủ yếu dựa trên dữ liệu có sẵn về EFW. Nhóm nghiên cứu sử dụng các dữ liệu này để đánh giá mức độ phát triển nền kinh tế thị trường của Việt Nam với nhóm các quốc gia lựa chọn so sánh. Các phân tích sâu về Việt Nam một phần dựa trên kết quả từ Tọa đàm “Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam” tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội vào tháng 7/2020. Tại buổi Tọa Đàm, các diễn giả và khách mời tham gia đã trao đổi về vị trí của Việt Nam trong bộ chỉ số này. Các khách mời tham gia hội thảo là những nhà nghiên cứu kinh tế, các nhà lập pháp, quan chức chính phủ, nhà báo có uy tín tại Việt Nam. Các khách mời đều được gửi tài liệu hội thảo, chuẩn bị dữ liệu về bộ chỉ số theo chuỗi thời gian từ năm 2005, trước khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cho đến năm 2017.  Tại cuộc hội thảo, các chuyên gia của Fraser Canada và Việt Nam đã chuẩn đoán những thách thức và cơ hội hội cho sự phát triển của kinh tế thị trường ở Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh các nội dung thảo luận tại hội thảo, nhóm chuẩn bị báo cáo đã gặp gỡ thêm trực tiếp với các chuyên gia tham gia hội thảo để thảo luận kỹ hơn về các vấn đề mà Việt Nam gặp phải trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ cũng như gợi ý các giải pháp cần thiết để vượt qua các trở ngại.

 

[1] Tính toán bởi nhóm tác giả từ số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam.

[2] Tính toán của nhóm tác giả từ dữ liệu của Ngân hàng thế giới.

[3] Tổng cục thống kê (2019). Dự báo dân số Việt Nam giai đoạn 2019 – 2069. https://vietnam.unfpa.org/sites/default/files/pub-pdf/final_population_projection_vie_to_upload.pdf

[4] Ngân hàng thế giới (2016). Tiếp bước thành công: nhóm ưu tiên tăng trưởng toàn diện và bền vững. https://documents1.worldbank.org/curated/en/199441476437862446/pdf/108348-VIETNAMESE-PUBLIC-VietnamSCDfinalVNOct.pdf

[5] Xem thêm Phụ lục 2.