Kiểm định toàn diện nền kinh tế thị trường Việt Nam dựa trên bộ chỉ số Tự do kinh tế thế giới (EFW) của Viện Fraser, Canada (2022)
Báo cáo này được xây dựng chủ yếu dựa trên dữ liệu có sẵn về EFW nhằm đánh giá mức độ phát triển nền kinh tế thị trường của Việt Nam với nhóm các quốc gia lựa chọn so sánh. Các phân tích sâu về Việt Nam một phần dựa trên kết quả từ Tọa đàm Đối thoại chính sách “Đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam, hướng tới nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030” tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội vào tháng 3/2023. Bên cạnh các nội dung thảo luận tại hội thảo, nhóm chuẩn bị báo cáo đã gặp gỡ thêm trực tiếp với các chuyên gia tham gia hội thảo để thảo luận kỹ hơn về các vấn đề mà Việt Nam gặp phải trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ cũng như gợi ý các giải pháp cần thiết để vượt qua các trở ngại.
MỤC LỤC
MỤC LỤC. 2
DANH MỤC BẢNG.. 4
DANH MỤC BIỂU ĐỒ.. 5
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT. 6
I. Giới thiệu. 7
II. Phương pháp đánh giá. 9
2.1. Tự do kinh tế và nền kinh tế thị trường tự do. 9
2.2. Chỉ số tự do kinh tế Thế giới 10
2.3. Các nước so sánh. 10
III. Kết quả hoạt động của nền kinh tế và chỉ số Tự do kinh tế Thế giới tổng thể. 13
3.1. Chỉ số Tự do kinh tế tổng thể của Việt Nam.. 13
3.2. Kết quả hoạt động của nền kinh tế. 16
IV. Các chỉ số thành phần của Chỉ số tự do kinh tế thế giới 18
4.1. Quy mô chính phủ. 18
4.2. Hệ thống luật pháp và quyền sở hữu. 23
4.3. Đồng tiền tốt 27
4.4. Tự do thương mại quốc tế. 31
4.5. Quy định quản lý thị trường tín dụng, lao động, và hoạt động kinh doanh. 36
V. Kết luận. 43
Phụ lục 1: Chỉ số Tự do Kinh tế Thế giới 46
LỜI GIỚI THIỆU
Năm 2020, Trung tâm nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế-xã hội (MASSEI), với sự hỗ trợ của trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Viện Fraser (Canada) đã lần đầu tiên triển khai đánh giá toàn diện nền kinh tế thị trường Việt Nam dựa trên số Bộ chỉ số Tự do kinh tế thế giới (EFW). Đây là bộ chỉ số được công bố hàng năm bởi viện nghiên cứu Fraser và mạng lưới các chuyên gia trên khắp toàn cầu. Bộ chỉ số này cung cấp cho chúng ta một bức tranh đa chiều về mức độ phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam trong mối tương quan với các quốc gia khác trên thế giới.
Kiểm định toàn diện nền kinh tế thị trường Việt Nam năm 2019 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ giới làm chính sách, các nhà nghiên cứu và cơ quan truyền thông tại Việt Nam. Báo cáo và các khuyến nghị kèm theo đã có những đóng góp nhất định vào quá trình xây dựng các chính sách kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn đại dịch covid-19 diễn ra khốc liệt trên khắp toàn cầu theo hướng thân thiện với thị trường. Các chính sách kinh tế thân thị trường của Việt Nam đã giúp nền kinh tế không những duy trì được tăng trưởng dương trong thời gian đại dịch mà còn củng cố các nền tảng vĩ mô, giúp tạo đà cho sự phát triển trong những năm tiếp theo.
Bối cảnh kinh tế-chính trị thế giới và Việt Nam sau Đại dịch Covid-19 đã có nhiều thay đổi. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng thế giới, thu nhập bình quân đầu người (GNI/đầu người) của Việt Nam năm 2021 ước đạt 3.590 USD. Với mức thu nhập này, Việt Nam đã tiến sát đến ngưỡng khởi đầu của nhóm các nước thu nhập trung bình cao (theo phân loại của World Bank năm 2021, từ 4.046 USD đến 12.535 USD).
Tuy nhiên, kinh nghiệm thế giới cho thấy, đa số các quốc gia khi chạm đến ngưỡng này thì tốc độ tăng trưởng chậm dần, nhiều bất ổn kinh tế xuất hiện mang tính cơ cấu rất khó chữa trị dứt điểm, trong khi lại phải đối mặt với nhiều vấn đề về giá hoá dân số, an sinh xã hội, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên v.v.. Hệ quả là chỉ rất ít các quốc gia vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Nỗ lực cải cách, phát triển nền kinh tế thị trường từ năm 1986 tới nay đã đưa Việt Nam từ quốc gia kém phát triển thành quốc gia có quy mô GDP nằm trong nhóm 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam xem xét, đánh giá các thể chế kinh tế thị trường của mình nhằm chuẩn bị tốt cho giai đoạn thuộc nhóm thu nhập trung bình cao; đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều bất ổn do ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19 và xung đột chiến tranh giữa Ucraine và Nga, dấn đến lạm phát cao, buộc các Ngân hàng trung ương trên toàn cầu phải thắt chặt tiền tệ, có nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, sự vận hành của nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện nay đang bộc lộ một số hạn chế, đó là:
- Nhà nước vẫn còn can thiệp nhiều vào cơ chế giá thị trường như giá xăng dầu, giá điện, giá vé máy bay, giá y tế, v.v. Những can thiệp này đã bộc lộ nhiều bất cập trong thời gian vừa qua như thiếu hụt xăng dầu, hãng hàng không quốc gia và tập đoàn điện lực bị thua lỗ nặng nề, các bệnh viện công rơi vào tình trạng thu không đủ chi v.v.
- Việc bảo vệ quyền sở hữu vẫn chưa được tốt. Cụ thể, đất đai nhiều nơi vẫn bị thu hồi phục vụ mục đích kinh tế của các tập đoàn bất động sản tư nhân; việc bảo vệ nhà đầu tư thiểu số trong doanh nghiệp vẫn chưa được chú trọng đúng mức; chưa xây dựng đc khung thể chế bảo vệ các loại tài sản mới như tiền kỹ thuật số...
- Nhiều loại thị trường hiện đại chưa được hình thành hoặc còn hạn chế sự tham gia của người dân, như các thị trường ngoại hối, thị trường vàng phái sinh, thị trường hàng hoá phái sinh v.v.
- Khu vực DNNN vẫn còn lớn, trong khi tiến độ cổ phần hoá các DNNN trong những năm vừa qua bị chững lại
- Hệ thống các văn bản pháp luật vẫn còn chồng chéo, khiến cho việc kinh doanh luôn có nguy cơ vi phạm pháp luật; bản thân các cán bộ nhà nước cũng gặp nguy cơ vi phạm pháp luật nếu hiểu sai các quy định, dẫn đến hiện tượng chậm trễ trong việc xử lý các thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trường hợp các doanh nghiệp BĐS gần đây là một ví dụ. Rất nhiều dự án không thể triển khai vì vướng thủ tục phâp lý, bị treo nhiều năm, không được giải quyết.
Trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình cao và với mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, việc cần phải tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, trong số 101 quốc gia có mức thu nhập trung bình trong thập niên 1960 chỉ có 13 quốc gia trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2008. Thực tiễn này cho thấy để biến ước vọng thành hiện thực, Việt Nam cần phải tiếp tục con đường đã chứng tỏ mang lại thành công cho Việt Nam trong hơn 30 năm qua, đó là phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.
Hiện nay, do hậu quả của những chương trình chi tiêu khổng lồ trong giai đoạn Đại dịch Covid-19 bùng phát, hầu hết các nước trên thế giới đều đang phải đối mặt với sức ép lạm phát chưa từng thấy kể từ thập niên 1980 trở lại đây. Để đối phó với lạm phát, từ FED cho đến Ngân hàng trung ương châu Âu đều phải nâng mạnh lãi suất điều hành, buộc ngân hàng trung ương của các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam phải tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ. Triển vọng phát triển kinh tế trong giai đoạn tới bị ảnh hưởng.
Nhưng kinh nghiệm của Việt Nam từ những lần suy giảm kinh tế trước đây, từ khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 hay đại suy giảm toàn cầu 2008-2009, cho thấy không phải các chương trình kích cầu, đầu tư công mang lại thành tựu phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo, mà chính là cải cách thể chế kinh tế mới là chìa khoá. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã kiên trì cải cách thể chế kinh tế thị trường theo hướng ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường hội nhập quốc tế đã mang đến cho Việt Nam một thể trạng kinh tế khoẻ mạnh hơn bao giờ hết, như dự trữ ngoại hối ở mức cao, tỷ lệ nợ công trên GDP ở mức thấp, đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất, nhập khẩu liên tục năm sau cao hơn năm trước v.v.
Những bài học quá khứ cho thấy, trong bối cảnh khó khăn hiện nay Việt Nam cần phải tiếp tục tìm ra những điểm nghẽn quan trọng về thể chế kinh tế để tháo gỡ, xem đây là chìa khoá để mang lại niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư cả trong, lẫn ngoài nước, đặc biệt trong bối cảnh cần chuẩn bị tốt cho quá trình gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao; trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn và bất ổn.
Vì lẽ đó, MASSEI tiếp tục phối hợp với trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Viện Fraser triển khai đánh giá toàn diện nền kinh tế thị trường Việt Nam dựa trên bộ chỉ số Tự do kinh tế thế giới (EFW) công bố năm 2022. Theo Báo cáo EFW 2022, chỉ số EFW của Việt Nam đạt 6,42 trên thang điểm 10, xếp ở vị trí 113 trong tổng số 180 nước. Mặc dù vị trí của Việt Nam vẫn còn thấp nhưng so với Báo cáo EFW năm 2019, Việt Nam đã tăng được 6 bậc. Điều này phần nào phản ánh các chính sách kinh tế thân thị trường mà Việt Nam theo đuổi trong giai đoạn đại dịch. Để giúp các nhà làm chính sách nắm bắt được những tiến bộ và hạn chế trong chính sách kinh tế của Việt Nam, việc rà soát chỉ số EFW của Việt Nam một cách toàn diện, cùng với những phân tích chi tiết đằng sau mỗi chỉ tiêu, trong mối tương quan với các quốc gia tương đồng khác là công việc cần thiết nhằm giúp Việt Nam tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình như nhiều các quốc gia đang phát triển khác.
Báo cáo này được xây dựng chủ yếu dựa trên dữ liệu có sẵn về EFW. Nhóm nghiên cứu sử dụng các dữ liệu này để đánh giá mức độ phát triển nền kinh tế thị trường của Việt Nam với nhóm các quốc gia lựa chọn so sánh. Các phân tích sâu về Việt Nam một phần dựa trên kết quả từ Tọa đàm Đối thoại chính sách “Đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam, hướng tới nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030” tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội vào tháng 3/2023. Tại buổi Tọa Đàm, các diễn giả và khách mời tham gia đã trao đổi về vị trí của Việt Nam trong bộ chỉ số này. Các khách mời tham gia hội thảo là những nhà nghiên cứu kinh tế, các nhà lập pháp, quan chức chính phủ, nhà báo có uy tín tại Việt Nam. Tại cuộc hội thảo, các chuyên gia của Fraser và Việt Nam đã chuẩn đoán những thách thức và cơ hội hội cho sự phát triển của kinh tế thị trường ở Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh các nội dung thảo luận tại hội thảo, nhóm chuẩn bị báo cáo đã gặp gỡ thêm trực tiếp với các chuyên gia tham gia hội thảo để thảo luận kỹ hơn về các vấn đề mà Việt Nam gặp phải trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ cũng như gợi ý các giải pháp cần thiết để vượt qua các trở ngại.