Hành chính công và phát triển kinh tế tại Việt Nam: Cải cách nền hành chính cho thế kỷ 21
Báo cáo nghiên cứu chính sách này xem xét hệ thống hành chính công của Việt Nam được xây dựng trên khuôn khổ của Chương trình Tổng thể Cải cách Hành chính (CCHC) giai đoạn 2001-2010 nhằm đưa ra một số đánh giá về vai trò của hệ thống hành chính công trong công cuộc phát triển kinh tế hiện nay. Báo cáo nêu lên một số vấn đề cần giải quyết, bao gồm: Hệ thống hành chính công đóng góp thế nào vào tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo? Cải cách hành chính thúc đẩy hay kìm hãm việc cung cấp dịch vụ công tốt hơn, đặc biệt cho người nghèo như thế nào? Loại hình hành chính công nào Việt Nam cần theo đuổi để đạt được và duy trì mức thu nhập bậc trung?
Loạt bài báo cáo nghiên cứu chính sách về Cải cách hành chính công và Chống tham nhũng của UNDP
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) là mạng lưới phát triển toàn cầu của Liên Hợp quốc, tuyên truyền vận động cho sự đổi mới và là cầu nối giữa các quốc gia với tri thức, kinh nghiệm và nguồn lực để giúp người dân xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng tôi có mặt ở 166 quốc gia, giúp họ nghiên cứu và đưa ra giải pháp riêng của mỗi quốc gia nhằm giải quyết những thách thức trong phát triển của quốc gia và toàn cầu. Khi những quốc gia này hướng tới tăng cường năng lực quốc gia, họ có thể dựa vào sự hỗ trợ của UNDP và rất nhiều đối tác của chúng tôi.
Loạt bài báo cáo nghiên cứu chính sách về Cải cách hành chính công và Chống tham nhũng này do Ông Jairo AcuñaAlfaro, Cố vấn Chính sách về Cải cách hành chính và Chống tham nhũng của UNDP Việt Nam, điều phối và biên tập. Đây là những nghiên cứu phân tích xu thế của các tiến trình và biện pháp thực hiện cải cách hành chính công trong các lĩnh vực cụ thể của nền hành chính công ở Việt Nam. Để giải quyết những thách thức về kinh tế, xã hội, chính trị và môi trường mà Việt Nam đang phải đối mặt, các nhà hoạch định chính sách cần những luận cứ thực chứng.
Những bài nghiên cứu chính sách này nhằm cung cấp một số nội dung cho những thảo luận hiện nay về đổi mới chính sách, từ đó góp phần thúc đẩy hơn nữa những nỗ lực phát triển của Việt Nam. Ba nguyên tắc chủ đạo trong thực hiện những nghiên cứu chính sách này là:
(i) nghiên cứu thực chứng,
(ii) sâu sắc về học thuật và độc lập trong phân tích, và
(iii) hợp lý về mặt xã hội và có sự tham gia của các bên liên quan.
Để đạt được ba nguyên tắc đó đòi hỏi cách tiếp cận nghiên cứu chuyên sâu và xác định một cách hệ thống và cặn kẽ các biện pháp chính sách nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng.