Hai nghịch lý của GDP ở Việt Nam

Hai nghịch lý của GDP ở Việt Nam

Cho đến nay ở Việt Nam, GDP luôn được coi là chỉ số đo lường kết quả (và thành tích) kinh tế quan trọng nhất của các tỉnh thành cũng như của toàn quốc. Thế nhưng bản thân số liệu GDP của Việt Nam hiện nay đang tồn tại nhiều sự không nhất quán, thậm chí là nghịch lý, hai trong số này sẽ được thảo luận dưới đây.

Nghịch lý 1: Tất cả các địa phương đều tăng trưởng cao hơn mức trung bình của cả nước. Vì khuôn khổ bài báo không cho phép liệt kê danh sách tất cả các tỉnh, thành trong toàn quốc nên bảng 1 chỉ tóm tắt tốc độ tăng GDP của các vùng. Theo bảng này, nếu tổng hợp số liệu GDP do cục thống kê của các tỉnh, thành công bố thì tốc độ tăng GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2000-2007 là 10,8%, trong khi nếu theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì con số này chỉ là 7,7% - một tỷ lệ “lạm phát GDP” lên tới 40,3%.

Nghịch lý 2: Đóng góp vào tăng trưởng GDP của 20% số tỉnh lớn hơn của cả nước (bảng 2). Nghịch lý này trên thực tế là hệ quả của Nghịch lý 1, tuy nhiên vẫn được phân tích để cung cấp một cái nhìn rõ ràng hơn về mức độ lạm phát GDP ở cấp độ địa phương. Số liệu của bảng 2 cho thấy chỉ riêng 11 tỉnh đứng đầu về GDP của cả nước trong cả ba năm 2008, 2009, và 2010 cùng nhau “đóng góp”… trên 100% cho tăng trưởng GDP của cả nước. Thậm chí trong năm 2010, tỷ lệ “đóng góp” này còn lên tới 121%.

Nghịch lý về GDP ảo và lạm phát GDP đã tồn tại dai dẳng từ lâu và nghịch lý không kém là mặc dù tất cả các cơ quan thống kê và hoạch định chính sách kinh tế đều biết, nhưng tình trạng này không hề được sửa chữa, trong đó hai nguyên nhân chính là “bệnh thành tích GDP” đã trở thành mãn tính và sự hạn chế về năng lực thống kê.

Ở cấp độ địa phương, khi tốc độ (chứ không phải chất lượng) tăng trưởng GDP được sử dụng làm thước đo quan trọng nhất cho thành tích phát triển kinh tế thì một cách tự nhiên, mỗi địa phương sẽ chạy theo các lợi ích cục bộ, tìm mọi cách để tăng tốc GDP.

Đối với hơn 50 tỉnh không tự chủ được ngân sách, cách đơn giản nhất có lẽ là xin đầu tư từ trung ương. Hơn nữa, do không có cơ chế điều phối hữu hiệu giữa các địa phương nên các tỉnh đều mạnh ai nấy xin trung ương, mạnh ai nấy đầu tư, cho dù có thể biết rằng làm như vậy sẽ triệt tiêu hiệu quả đầu tư chung của cả vùng.

Theo cách này, vô hình trung địa giới hành chính đã bị biến thành biên giới kinh tế giữa các địa phương. Kết quả là nền kinh tế quốc gia bị phân mảnh thành 63 nền kinh tế nhỏ, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, tư duy “nhiệm kỳ” khiến việc chạy đua GDP càng trở nên gấp gáp, và thường thì quyết định càng vội vã, xác suất phạm sai lầm càng lớn, nhất là khi người ra quyết định nhiệm kỳ sau không còn ở đó để nhận lãnh trách nhiệm cho quyết định của mình.

Tương tự như ở địa phương, GDP cũng là thước đo quan trọng nhất cho thành tích kinh tế của chính quyền trung ương. Việc chạy theo và dựa vào GDP ảo để ra chính sách có nhiều hệ lụy quan trọng. Chạy theo GDP ảo khiến nguồn lực bị phân bổ kém hiệu quả. Dùng GDP ảo (cũng như các số liệu vĩ mô thiếu chính xác khác) thì sẽ không thể nào chẩn đoán đúng sức khỏe của nền kinh tế, và do vậy “kê đơn” chính sách cũng khó có thể chính xác được.

Nói như vậy không phải chúng ta không cần tới thước đo GDP mà ngược lại, chúng ta cần một thước đo GDP chính xác. Hơn nữa, thước đo GDP này phải được đặt trong một hệ thống tổng thể các chỉ số kinh tế vĩ mô khác chứ không phải có tính “độc tôn” như hiện nay. Không hiểu các vị đại biểu dân cử sẽ nghĩ gì khi sắp phải giơ tay biểu quyết về chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2012?

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 3/11/2011

 

 

Bài viết liên quan

Tác giả liên quan