[Nền dân trị Mỹ] - Chương II: Về điểm xuất phát và tầm quan trọng của cấu hình bề mặt Bắc Mỹ đối với tương lai người Mỹ gốc Anh (Phần 2)
LÍ GIẢI MỘT SỐ ĐIỂM ĐẶC BIỆT TRONG LUẬT PHÁP VÀ TẬP TỤC CỦA NGƯỜI MĨ GỐC ANH
Một số dấu vết còn sót của các thiết chế quý tộc trị trong lòng một nền dân trị hoàn hảo bậc nhất. − Tại sao? − Cần phải phân biệt chỗ nào có nguồn gốc Thanh giáo và chỗ nào có nguồn gốc dân tộc Anh.
Đọc những phần vừa rồi, mong rằng bạn đọc không nên rút ra ngay những hệ luận quá chung chung và quá tuyệt đối. Không nghi ngờ gì, điều kiện xã hội, tôn giáo và tập tục của những người di dân đầu tiên đã có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến số phận tổ quốc mới của họ. Dẫu sao, công việc xây dựng xã hội lại không phụ thuộc vào họ, vì đó là cái xã hội mà điểm xuất phát lại không đặt ở ngay bên trong những con người này. Chẳng có một ai biết cách thoát ra hoàn toàn khỏi quá khứ. Đã có tình trạng khi vô tình khi hữu ý họ đã lẫn lộn các tư tưởng và cách làm riêng của mình với những tư tưởng và cách làm được đào tạo nhờ nền giáo dục và truyền thống dân tộc trước đó trên đất nước họ.
Khi ta muốn biết rõ và phán xét những người Mĩ gốc Anh ngày nay, ta cần phân biệt kĩ cái gì mang nguồn gốc Thanh giáo và cái gì mang nguồn gốc dân tộc Anh.
Ta thường gặp ở Hoa Kì những luật lệ hoặc tập tục trái ngược với môi trường xung quanh. Những luật lệ đó có vẻ như được biên soạn bởi một đầu óc đối lập với tư tưởng lập pháp ngự trị nước Mĩ. Những tập tục đó dường như trái ngược với toàn bộ trạng thái xã hội. Nếu các khẩn địa Anh đã được xây dựng trong một thế kỉ tối tăm xa xưa, hoặc nếu như nguồn gốc các khẩn địa đó đã mất hút trong thời gian, thì câu hỏi sẽ không giải đáp nổi.
Tôi xin kể ra một dẫn chứng để bạn đọc hiểu ý tôi.
Việc lập pháp dân sự và hình sự của người Mĩ chỉ biết tới hai cách hành động: dùng nhà tù hoặc là dùng tiền bảo lãnh. Hành động đầu tiên trong tố tụng là thu được tiền bảo lãnh của bị cáo, hoặc nếu anh ta từ chối, thì tống vào tù. Sau đó người ta mới tranh tụng về tội danh hoặc sự trầm trọng của cáo trạng.
Rõ ràng một thứ thủ tục tố tụng như vậy chống lại người nghèo và chỉ có lợi cho người giàu.
Người nghèo không bao giờ có được tiền bảo lãnh, ngay cả là bảo lãnh dân sự, và nếu anh ta bị buộc phải vào tù mà chờ đợi công lí, thì bị buộc phải ngồi im một chỗ rồi sẽ đưa anh ta tới cảnh khốn cùng.
Ngược lại, người giàu luôn luôn có khả năng thoát cảnh tù tội về những vấn đề dân sự. Hơn thế, nếu anh ta phạm tội, thì cũng dễ dàng thoát khỏi sự trừng phạt đang đợi anh ta; sau khi nộp phạt, anh ta biến luôn. Vậy là ta có thể nói rằng đối với anh ta mọi hình phạt theo luật chỉ còn quy về phạt tiền. Còn gì quý tộc trị hơn là một thủ tục tố tụng như vậy?
Song, ở nước Mĩ, chính người nghèo mới là người làm luật, và thông thường họ giữ lại cho mình những thuận lợi to tát nhất của xã hội.
Ta phải đi tìm cách lí giải hiện tượng này ở Anh, vì các luật vừa mới nói đến là luật của Anh. Người Mĩ đã chẳng thay đổi chúng lấy mảy may, cho dù chúng trái ngược với toàn bộ công việc lập pháp và toàn bộ tư tưởng của họ.
Điều mà một dân tộc ít thay đổi hơn cả sau sử dụng là lập pháp dân sự. Các luật dân sự chỉ quen thuộc với những nhà luật pháp học, tức là những người quan tâm trực tiếp đến việc duy trì các luật như vốn có, dù tốt dù xấu thì cũng duy trì chúng, vì lí do là họ biết rõ các luật đó. Phần lớn mọi người trong nước hiểu biết không nhiều về các luật đó. Họ chỉ nhìn thấy luật trong những trường hợp riêng biệt, họ khó mà nắm bắt được xu hướng của chúng và có tuân theo luật thì cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều.
Tôi đã kể ra một thí dụ, thực ra còn có thể kể vô khối nữa.
Hình ảnh xã hội Mĩ, nếu tôi có thể diễn đạt như sau, được một lớp màn dân chủ bên trên che phủ, bên dưới đó thỉnh thoảng lại thấy thò lên những màu sắc quý tộc trị xưa cũ.
CHÚ THÍCH
(E)
Cho dù cái tính nghiêm túc Thanh giáo đã ngự trị sự ra đời các khẩn địa Anh ở nước Mĩ này đã bị suy yếu rất nhiều, ta vẫn còn thấy trong lối sống và trong luật pháp của họ những dấu vết lạ lùng.
Năm 1792, vào đúng cái thời kì nước Cộng hoà Pháp Phản Ki Tô giáo bắt đầu sống vật vờ, bộ phận làm luật của Massachusetts đề ra đạo luật buộc các công dân phải tôn trọng ngày chủ nhật. Đây là lời nói đầu và các điều chỉnh cốt của luật này, chúng đáng để bạn đọc lưu tâm lắm lắm:
“Nhân vì việc tôn trọng ngày chủ nhật là vấn đề toàn thể mọi người đều quan tâm; vì nó tạo ra một sự ngưng nghỉ cần thiết trong mọi công việc; vì nó buộc mọi con người phải suy nghĩ về các nghĩa vụ với cuộc sống và những lầm lạc loài người rất dễ dàng mắc phải; vì nó cho phép con người ở nơi công cộng cũng như ở chốn riêng tư được vinh danh Chúa sáng thế và cai quản vũ trụ, và có thể tham gia vào các công việc từ thiện tô điểm và an ủi cuộc sống các cộng đồng Ki Tô giáo;
Nhân vì có những con người vô tín ngưỡng hoặc nhẹ dạ, do chỗ họ quên mất các nghĩa vụ phải làm ngày chủ nhật và quên mất mối lợi ngày đó đem lại cho xã hội, những con người này đã biến tính thánh thiện thành điều ngoại đạo bằng cách lao vào vui chơi hoặc lao động; vì cung cách sống này là trái với quyền lợi của chính họ với tư cách là những người theo đạo; vì hơn nữa bản chất hành vi của họ làm rối lòng những ai không đua theo họ và đem lại điều bất lợi cho toàn thể xã hội khi nó du nhập cái lòng ham thích phung phí cùng những lối sống thiếu phẩm cách;
Thượng viện và viện đại biểu nhân dân ra lệnh như sau:
1./ Không được mở cửa hàng và công xưởng vào ngày chủ nhật. Cũng vào ngày này, không được làm việc gì hoặc công chuyện bất kì nào, không dự bất kì cuộc hoà nhạc, vũ hội hoặc biểu diễn bất kì thể loại nào, không được tham gia dưới bất kì phương thức săn bắn, cờ bạc, giải trí nào, nếu vi phạm sẽ bị phạt. Khoản tiền phạt không được dưới 10 shilling và cao hơn 20 shilling cho mỗi vụ vi phạm.
2./ Không du khách nào, không tài xế, người đánh xe nào, ngoại trừ trường hợp cần thiết, được đi lại xê dịch vào ngày chủ nhật, vi phạm sẽ bị phạt như đã quy định bên trên.
3./ Các chủ quán rượu, người bán lẻ, chủ quán trọ phải ngăn cấm không để bất kì cư dân nào sinh sống trong cùng công xã lại tới cửa hàng của mình vào ngày chủ nhật để qua ngày ở đó mà vui chơi hoặc làm lụng. Khi vi phạm, chủ quán và khách hàng cũng chịu phạt. Ngoài ra, chủ quán có thể bị tước giấy phép hành nghề.
4./ kẻ nào khoẻ manh và không có lí do chính đáng mà trong ba tháng lại không tới nơi công cộng lễ Chúa sẽ bị phạt 10 shilling.
5./ Kẻ nào ở trong phạm vi một nơi thờ phụng mà có hành vi không đúng đắn sẽ bị phạt từ 5 đến 40 shilling.
6./ Chịu trách nhiệm thực thi đầy đủ luật này là các tythingmen công xã. Những người này có quyền vào ngày chủ nhật đến thăm các căn phòng cho thuê của các quán trọ hoặc xem xét các nơi công cộng, chủ quán nào từ chối cho họ vào kiểm tra sẽ bị phạt 40 shilling riêng cho hành động này.
Các tythingmen phải bắt giữ những người đang đi trên đường và điều tra rõ nguyên nhân vì sao họ phải đi lại trong ngày chủ nhật. Người nào trong bọn này từ chối trả lời sẽ bị phạt tới 5 bảng.
Nếu người đang trên đường trả lời tythingmen không thoả mãn thì tythingmen sẽ phải dẫn người này về cho quan toà an ninh hàng tổng. (Luật ngày 8 tháng Ba năm 1792. General Laws of Massachusetts (Các đạo luật chung của Massachusetts), tập I, trang 410.”
Ngày 11 tháng Ba năm 1797, lại có đạo luật mới tăng thêm số tiền phạt trong đó một nửa được trao cho người theo dõi kẻ phạm luật. Tài liệu trên, tập I, trang 525.
Ngày 16 tháng Hai năm 1816, có đạo luật mới xác nhận các biện pháp đó. Tài liệu trên, tập II, trang 405.
Có những điều khoản tương tự cũng đã tồn tại trong luật lệ của bang New York, được sửa đổi vào năm 1827 và 1828. (Xin xem Revised Statutes/Các thể lệ được sửa đổi, phần I, chương XX, trang 675). Trong các đạo luật này có nói vào ngày chủ nhật không ai được đi săn, đi câu, chơi bài hoặc đến những nhà có mời uống rượu. Không ai được đi đâu nếu không có lí do khẩn cấp.
Đó không phải là dấu vết duy nhất về tinh thần tôn giáo và các tập tục khắc khổ của những di dân đầu tiên đã để lại trong luật pháp.
Trong các thể lệ được sửa đổi của bang New York tập I, trang 662, ta đọc được như sau:
“Ai trong vòng hai mươi bốn giờ mà ăn hoặc thua khi chơi bạc hoặc cá cược món tiền bằng 25 dollar (khoảng 132 franc) sẽ bị coi là phạm tội (misdemenor − tác giả cho thêm, ND), và dựa trên bằng cứ chắc chắn sẽ bị phạt ít nhất năm lần giá trị của món tiền ăn hoặc thua; tiền phạt đó sẽ nộp cho thanh tra công việc về dân nghèo của công xã.
Kẻ nào thua 25 dollar hoặc nhiều hơn có thể khiếu đòi tại Toà. Nếu y ta không làm việc đó, thanh tra công việc về dân nghèo có quyền khiếu kiện kẻ được bạc và bắt nộp món tiền được bạc cùng món nữa gấp ba số đó cho quỹ người nghèo.”
Những luật chúng tôi mới kể được xây dựng vào thời gian rất gần đây. Nhưng làm sao có thể hiểu nổi chúng mà lại không chịu lội ngược đến tận ngọn nguồn của các khẩn địa? Tôi không nghi ngờ gì rằng bây giờ phần hình phạt của luật này hiếm khi phải đem áp dụng. Luật pháp thì cứ cứng quèo trong khi tập tục thì đã thay đổi theo cuộc xoay vần của thời gian. Dẫu sao thì luật về ngày chủ nhật ở nước Mĩ vẫn là điều khiến cho người nước ngoài thấy thật là kì lạ.
Đặc biệt có một thành phố lớn ở Mĩ ở đó kể từ chiều thứ bảy thì mọi hoạt động xã hội coi như treo giờ. Bạn hãy đi ra phố vào cái giờ lẽ ra là thời khắc mời mọc người trung niên đi công chuyện và mời người thanh thiếu niên đi vui chơi, và bạn thấy mình cô đơn khủng khiếp. Không phải chỉ vì chẳng có ai làm việc hết, mà hình như không có ai còn sống nữa. Không nghe thấy tiếng vận động của các nghề công nghiệp, không cả những âm thanh của niềm vui, không có cả tiếng thì thầm hỗn độn không ngừng dâng lên từ một thành phố lớn. Xung quanh nhà thờ có chăng những sợi xích. Cửa sổ các nhà khép hờ chỉ khẽ cho ánh mặt trời tằn tiện lọt vào bên trong gian nhà các công dân. Rất hiếm hoi ta được bắt gặp một ai đó đang rảo bước qua các ngã tư vắng ngắt và dọc những con phố không người.
Hôm sau, từ rất sớm, lại bắt đầu nghe thấy tiếng xe lăn bánh, tiếng búa nện, tiếng người gọi nhau. Thành phố thức giấc. Một dòng người nét mặt âu lo bước vội tới những trung tâm mua bán và sản xuất. Tất cả lại ngọ nguậy, tất cả lại cựa quậy, tất cả lại hối hả quanh bạn. Thoát ra khỏi cơn ngủ say co cứng cả cơ thể là một hoạt động run rẩy. Tưởng chừng như ai ai cũng chỉ có một ngày duy nhất cho mình để có của cải và hưởng thụ của cải.
(F)
Thật chẳng có ích gì khi nói như trong chương sách chúng ta vừa mới đọc rằng tôi không có ý định viết lịch sử nước Mĩ. Mục đích duy nhất của tôi là tìm cách để bạn đọc đánh giá xem các quan niệm và tập tục của những di dân đầu tiên đã có ảnh hưởng thế nào đến số phận của các khẩn địa và nói chung là số phận của Liên bang Hoa Kì. Vậy là tôi phải giới hạn mình ở chỗ chỉ trích dẫn ra những mảng rời rạc mà thôi.
Tôi không biết liệu mình có nhầm không, nhưng hình như nếu cứ đi theo con đường tôi vạch sơ qua ra ở đây, ta có thể phác hoạ được cái thuở ban đầu của các nước cộng hoà châu Mĩ qua những bức tranh cũng đáng để thu hút sự chú ý của công chúng, và hẳn là cũng đem lại những điều để các chính khách suy nghĩ. Biết rằng cá nhân tôi không đủ sức một mình làm công việc đó, tôi những mong rằng ít nhất những gì mình làm có thể giúp cho những người khác làm tiếp công việc đó dễ dàng hơn. Cho nên ở đây tôi phải trình ra một bộ danh pháp (nomenclature − ND) ngắn ngủi và một sự phân tích thu gọn những công trình có thể có ích hơn cả để chúng ta cùng khai thác đến kiệt cùng.
Trong số những tài liệu tổng quát mà ta có thể tham vấn tốt, tôi xếp trước nhất tác phẩm Historical collection of State papers and other authentic documents, intended as materials for an history of the United States of America (Bộ sưu tập lịch sử các văn bản nhà nước và các tài liệu tin cậy khác, nhằm dùng làm vật liệu cho một bộ Lịch sử Hoa Kì) của Ebenezer Hazard.
Tập đầu của bộ sưu tập này in ở Philadelphia năm 1792 gồm có bản chép lại nguyên văn tất cả các pháp lệnh của hoàng gia Anh cho những người di dân cùng với những nghị định chính của các chính quyền trong những thời kì khẩn địa ban đầu. Trong tập này ngoài ra còn có rất nhiều tài liệu đáng tin cậy về các công chuyện của New England và bang Virginia trong thời kì này.
Tập hai gần như dành đăng toàn bộ các văn bản hiệp ước liên bang Mĩ năm 1643. Bản hiệp ước liên bang này do các khẩn địa New England kí kết với nhau với mục đích chống cự lại người Anh điêng là thí dụ đầu tiên về sự liên minh của người Mĩ gốc Anh. Còn có nhiều hiệp ước liên bang loại này nữa cho tới hiệp ước năm 1776 dẫn tới tuyên ngôn độc lập của các khẩn địa.
Bản sưu tập lịch sử của Philadelphia hiện nằm ở Thư viện hoàng gia.
Mỗi khẩn địa ngoài ra còn có các tượng đài kĩ niệm lịch sử của mình trong đó có rất nhiều cái rất quý giá. Tôi xin bắt đầu xem xét từ Virginia, là bang có dân di cư tới ở sớm nhất.
Nhà sử học đầu tiên trước mọi nhà viết sử bang Virginia chính là người sáng lập bang này, đại uý John Smith. Đại uý Smith đã để lại cho chúng ta một tập sách khổ lớn tiêu đề The general history of Virginia and New England, by Captain John Smith, some time governor in those countries and admiral of New England (Thông sử Virginia và New England của đại uý John Smith người đôi ba lần làm thống đốc các bang này và là đô đốc New England), in tại London năm 1627. (Tập sách này có ở Thư viện Hoàng gia). Tác phẩm của Smith có nhiều bản đồ và bản khắc rất ngoạn mục có từ thời in sách đó. Nhà viết sử đã kể những chuyện diễn ra từ năm 1584 đến năm 1626. Sách của ông Smith được trọng vọng và xứng đáng được trọng vọng. Tác giả là một trong những người phiêu lưu nổi tiếng nhất hạng từng xuất hiện và sống trọn cái thế kỉ đầy phiêu lãng ấy: cuốn sách chứa chất đầy hơi thở nhiệt tình khai phá, tinh thần xây dựng đặc trưng cho con người thuở ấy. Ta còn thấy trong sách những tập tục của hạng “người hùng” khi tham gia buôn bán đổi chác nhằm mục đích làm giàu.
Nhưng cái đáng chú ý hơn hết trong con người đại uý Smith ấy là ông pha trộn vào các đức tính người đương thời của mình những phẩm chất vẫn còn xa lạ với phần lớn những con người đó. Văn phong của ông giản dị và trong sáng, mọi chuyện ông kể đều mang dấu ấn của cái thực, các miêu tả không hề tô điểm.
Tác giả này rọi những chùm ánh sáng quý giá lên tình trạng người Anh điêng vào thời kì khám phá ra Bắc Mĩ.
Nhà sử học thứ hai chúng ta nên tham vấn là Beverley. Tác phẩm của Beverley, in khổ nhỏ, đã được dịch sang tiếng Pháp và in ở Amsterdam năm 1790. Tác giả kể những chuyện diễn ra từ năm 1585 cho tới năm 1780. Phần đầu cuốn sách có những tài liệu lịch sử đích thực liên quan đến thời thơ ấu của khẩn địa. Phần thứ hai là bức hoạ kì thú về tình trạng người Anh điêng vào thời kì xa xưa ấy. Phần thứ ba đưa ra những ý tưởng rất sáng sủa về các tập tục, trạng thái xã hội, luật pháp và các nếp sinh hoạt chính trị của người Virginia sống cùng thời đó với tác giả.
Beverley gốc gác ở Virginia, điều đó được nói ngay từ đầu sách, “tác giả cầu xin bạn đọc không săm soi phê phán quá cứng rắn tác phẩm, do chỗ ông sinh ra ở vùng các đảo thuộc châu Mĩ (tác giả viết: vùng Indies) nên khó có thể dùng tiếng Anh trong sáng được”. Mặc dù có sự khiêm tốn đó của người dân khẩn địa, trong suốt cuốn sách tác giả tỏ ra đã hết kiên nhẫn chịu đựng tổ quốc cũ trên đầu mình. Ta cũng thấy trong tác phẩm của Beverley vô số dấu vết của cái tinh thần tự do dân sự ấy, cái đã khuấy động các khẩn địa Anh ở Mĩ từ thời đó. Ta cũng bắt gặp trong sách dấu vết những sự chia rẽ tồn tại khá lâu giữa các khẩn địa và đã khiến chúng chậm đi đến nền độc lập. Beverley ghét những người hàng xóm theo đạo Ki Tô ở Maryland hơn là ghét chính phủ Anh. Văn phong của ông giản dị, những điều ông kể lắm khi rất thú vị và làm ta tin cậy. Bản dịch tiếng Pháp của cuốn lịch sử của Beverley có ở Thư viện Hoàng gia.
Tôi có thấy ở bên Mĩ, nhưng không thấy lại ở Pháp, một cuốn sách cũng đáng cho ta tham vấn. Tên sách đó là History of Virginia, by William Smith (Lịch sử Virginia của William Smith). Sách này cho ta những chi tiết kì thú, nhưng tôi cảm thấy sách đó dài dòng lê thê.
Cuốn sách cũ nhất và là tài liệu tốt hơn cà mà ta có thể tham vấn về lịch sử các vùng Carolina là một cuốn sách mỏng khổ lớn nhan đề The history of Carolina, by John Lawson (Lịch sử Carolina của John Lawson), in ở London năm 1718.
Tác phẩm của Lawson mở đầu bằng chuyến đi khai phá vùng Tây Carolina. Chuyến đi được ghi lại dưới dạng nhật kí. Các câu chuyện kể bị lẫn lộn. Nhận xét hời hợt. Trong sách chỉ có một miêu tả khá ấn tượng về những tàn phá do bệnh đậu mùa và rượu trong thổ dân thời đó và một miêu tả khá kì thú về sự đồi bại hoà tập tục cũ trong lòng đám cư dân đó và được sự hiện diện của người châu Âu khuyến khích thêm.
Phần thứ hai công trình của Lawson dành cho việc phác hoạ đặc điểm tự nhiên của vùng Carolina cùng các sản vật của vùng.
Trong phần thứ ba, tác giả miêu tả kì thú các tập tục, đời sống thường ngày và cách cai trị của người Anh điêng thời đó.
Có nhiều chỗ có tư tưởng hay và độc đáo trong phần sách này.
Sách lịch sử của Lawson kết thúc bằng sắc chỉ ban cho vùng Carolina vào thời vua Charles II.
Văn phong chung của cuốn sách này nhẹ nhõm, nhiều khi phóng túng, trái ngược hoàn toàn với văn phong cực kì nghiêm trang trong các tác phẩm xuất bản viết về thời kì lịch sử đó ở New England.
Cuốn lịch sử của Lawson là một tài liệu cực kì hiếm ở Mĩ và ở châu Âu thì không thấy có. Chỉ có một bản để ở Thư viện Hoàng gia.
Từ cực Nam Hoa Kì tôi chuyển ngay lập tức sang cực Bắc. Không gian ở giữa hai vùng đó chỉ mãi về sau này mới dần dần có nhiều người tới ở kín thôi.
Trước hết, tôi phải chỉ ra một bộ sưu tập khá kì thú có tên là Collection of the Massachussetts historical Society (Bộ sưu tập của Hội lịch sử Massachussetts) in lần đầu tại Boston năm 1792 và in lại năm 1806. Tác phẩm này không thấy có ở Thư viện Hoàng gia, và tôi chắc là cũng chẳng ở đâu có.
Bộ sưu tập này (liên tục bổ sung) có vô số tài liệu rất quý liên quan đến lịch sử các bang khác nhau của New England. Trong đó có những thư tín trao đổi chưa từng công bố và những văn bản gốc hoàn toàn tin cậy được vốn bị mất tăm trong các văn khố hàng tỉnh. Tác phẩm trọn vẹn của Gookin viết về người Anh điêng được đưa vào bộ sưu tập này.
Trong chương sách liên quan đến chú thích này, tôi nhiều lần nhắc tới công trình của Nathaniel Morton có tên là New England’s Memorial (Tượng đài của New England). Những gì tôi đã nói là đủ để chứng minh rằng sách đó xứng đáng thu hút sự chú ý của những ai muốn hiểu rõ lịch sử New England. Sách của Nathaniel Morton là tập một bộ sách kích thước trung bình được in lại ở Boston vào năm 1826 và không thấy có sách này ở Thư viện Hoàng gia.
Tài liệu được đánh giá cao hơn cả và quan trọng hơn cả mà chúng ta có được về lịch sử New England là công trình của R. Cotton Mather tên là Magnalia Christi Americana, or the ecclesiastical history of New England, 1620-1698, (Magnalia Christi Americana, hay là lịch sử giáo chức Ki Tô giáo của New England) hai tập, khổ nhỏ, in lại tại Harford năm 1820. Tôi không nghĩ là còn tìm được sách này ở Thư viện Hoàng gia.
Tác giả phân chia tác phẩm của ông thành bảy phần.
Phần một là lịch sử những điều kiện chuẩn bị và dẫn tới việc dựng lên New England.
Phần hai nói về cuộc đời các quan thống đốc đầu tiên và các đại pháp quan chính đã cai quản nước này.
Phần ba nói về cuộc đời và công trạng của các mục sư đã chăn dắt phần hồn dân chúng trong cùng thời kì đó.
Trong tập bốn, tác giả nói về việc xây dựng và phát triển Đại học Cambridge (bang Massachusetts).
Trong tập năm, tác giả trình bày những nguyên lí và kỉ luật Giáo hội ở New England.
Tập sáu phác hoạ lại một số sự kiện Mather cho là Thiên Mệnh đã tác động tốt đẹp đến những con người ở New England.
Cuối cùng, trong tập bảy, tác giả cho biết những vấn đề dị giáo và những lộn xộn rắc rối xảy đến với Giáo hội tại New England.
Cotton Mather vốn là một mục sư sinh ra ở Boston và qua đời tại đó.
Những câu chuyện ông kể tràn trề sống động lòng nhiệt tình và những đam mê tôn giáo đã dẫn tới sự hình thành New England.
Ta thường xuyên bắt gặp những dấu vết một thị hiếu xoàng xĩnh trong cách viết của ông. Nhưng cuốn sách hấp dẫn vì ông tràn trề nhiệt tình và cuối cùng tinh thần đó cũng truyền được sang bạn đọc.
Ông thường tỏ ra không khoan dung, rất nhiều khi tỏ ra cả tin, nhưng ta không thể thấy chỗ nào trong sách ông định đánh lừa bạn đọc. Đôi khi sách của ông có những đoạn văn đẹp và những suy nghĩ thật và sâu, chẳng hạn như sau đây (tập I, chương IV, trang 61):
“Trước khi những người Thanh giáo tới đây, người Anh đã nhiều lần tìm cách đưa dân tới ở cái xứ sở chúng ta đang ở bây giờ. Nhưng do chỗ họ không có tầm nhìn xa hơn những mong muốn thành công vật chất, nên họ bị các trở ngại đánh bại. Tình hình khác đi với những con người qua đất Mĩ với động cơ thúc đẩy là tinh thần tôn giáo cao cả. Dù rằng những con người này có thể gặp nhiều kẻ thù hơn bất kể người thành lập khẩn địa nào, họ vẫn kiên trì mục đích và đã dựng lên những gì vẫn còn cho chúng ta tới ngày nay.”
Đôi khi trong sách Mather chen lẫn những miêu tả khắc khổ với những hình ảnh đầy dịu ngọt yêu thương: sau khi kể về một phu nhân Anh được nhiệt tình tôn giáo lôi cuốn sang Mĩ cùng chồng và đã sớm gục ngã vì nhọc nhằn mỏi mệt trong cảnh lưu đày, ông viết thêm “về phần người chồng, Isaac Johnson, ông này cố sống thiếu vắng bà và không chịu đựng nổi ông đã chết” (Tập 1 trang 71).
Sách của Mather cho ta hiểu biết những điều tuyệt vời về cái thời và cái xứ sở ông tìm cách miêu tả.
Khi muốn cho chúng ta hiểu về những động cơ đã khiến những người Thanh giáo đi tìm chốn nương náu bên kia đại dương, ông nói:
“Chúa Trời cất tiếng gọi những người trong đám con dân Chúa đang sống trên đất nước Anh. Cùng lúc Chúa cất tiếng với cả ngàn con người trong đời chưa hề gặp gỡ quen biết nhau. Chúa khiến họ tràn đầy mong ước rời bỏ tiện nghi cuộc sống đã có trên tổ quốc để vượt qua đại dương khủng khiếp tới sinh sống giữa những hoang mạc còn khủng khiếp hơn nữa, mà mục đích duy nhất chỉ là yên lành tới đó sống theo luật Chúa.”
Tác giả viết tiếp: “Trước khi đi xa hơn, rất cần tìm hiểu xem đâu là những động cơ của công cuộc này, sao cho hậu thế hiểu được thật rõ mọi điều. Quan trọng hơn nữa là nhắc nhớ những gì đã qua cho người thời nay, vì e rằng do chỗ đã không còn nhìn thấy trước mắt những gì cha anh họ đã làm, mà họ khinh khi quyền lợi của New England. Vì vậy tôi muốn lưu lại đôi ba điều đã được nói ra về những động cơ ấy từ một bản thảo.
“Động cơ thứ nhất: hẳn đây sẽ là một việc trọng đại phụng sự Giáo hội một khi đem được Tin Lành tới vùng đất này của thế giới (Bắc Mĩ) và dựng lên một tường thành che chở dân Đạo khỏi bọn chống Đạo đang cố gây dựng cơ đồ trên khắp thế gian.”
“Động cơ thứ hai: Tất cả các Giáo hội khác ở châu Âu đều bị rơi vào nguy cơ suy tàn, và thật đáng lo ngại một khi Chúa cũng phán quyết như vậy với Giáo hội nước ta. Biết đâu Người đã lại chẳng chuẩn bị chốn này (New England) để làm nơi trú chân cho tất cả những ai muốn cứu nguy cho Đạo khỏi bị huỷ diệt hoàn toàn?”
“Động cơ thứ ba: Đất nước chúng ta đang sống đây hình như đã mệt mỏi vì cư dân chốn này. Con người, thứ quý giá nhất trong các tạo vật, nhưng ở đây nó lại kém giá trị hơn mảnh đất nó đang xéo lên mà đi. Người ta thấy việc sinh con đẻ cái, việc có bạn bè và việc sống với hàng xóm láng giềng như một gánh nặng. Người ta trốn tránh kẻ nghèo hèn. Người nào cũng thế đều xua đuổi mọi thứ gì khả dĩ tạo ra những niềm vui lớn nhất hạng trên đời này nếu những thứ đó tồn tại giản dị tự nhiên.”
“Động cơ thứ tư: Chúng ta đã đam mê quá đỗi, và nay ta đã đạt tới cái độ con người không còn có thể dùng một gia sản đủ để giữ mãi cho mình đứng vững ngang bằng với mọi người. Thế mà, ai không thể đạt tới điểm đó thì lại chỉ khiến mọi người khinh rẻ. Kết quả là làm nghề gì thì con người cũng tìm mọi cách để làm giàu bằng mọi cách bất minh, và thật khó khăn cho con người có thể sống thoải mái ở đời mà không mất danh dự.”
“Động cơ thứ năm: Tất cả các nơi dạy dỗ cho con người về khoa học và tôn giáo đều thối nát hết, đến độ hầu hết trẻ em, và thường khi lại là những trẻ em tốt nhất, lại là những trẻ em xuất sắc nhất trong bọn, những trẻ em khả dĩ làm nảy sinh những hi vọng chính đáng nhất, thì lại hoàn toàn bị vô vàn tấm gương xấu diễn ra trước mắt chúng và sự buông tuồng bao vây chúng làm cho suy đồi đi.”
“Động cơ thứ sáu: Trái đất chẳng phải là mảnh vườn của Chúa đó sao? Chúa đã chẳng trao mảnh vườn đó cho con cái của Adam canh tác và tô điểm đó sao? Tại sao chúng ta lại chịu chết đói chỉ vì thiếu không gian sinh sống trong khi những vùng đất hoàn toàn có thể trao được cho bàn tay con người lại để hoang vắng không người và không canh tác?”
“Động cơ thứ bảy: Xây dựng một Giáo hội cải tổ và nuôi dưỡng nó ngay từ thuở ấu thơ. Tập hợp mọi sức mạnh của chúng ta với sức mạnh của những con người sùng đạo để tăng cường sức mạnh cho nó, làm cho nó phát đạt và tránh cho nó khỏi mọi bất ngờ, và có thể còn tránh cho Giáo hội ấy khỏi nỗi bần cùng hoàn toàn nếu không nhận được sự trợ giúp như thế, còn công trình nào cao sang và đẹp đẽ hơn thế nữa, còn sự nghiệp nào xứng đáng hơn thế đối với một kẻ theo đạo?”
“Động cơ thứ tám: Nếu những con người ai ai cũng biết đó là những người có lòng bác ái đang sinh sống nơi đây (nước Anh) trong giàu sang và hạnh phúc, nếu nay họ từ bỏ mọi thuận lợi đó và đi xây dựng cái Giáo hội cải tổ kia, và thuận tình chia sẻ với Giáo hội đó một số phận còn mù mờ và đầy khốn khó, hẳn sẽ là một tấm gương lớn và hữu ích khơi dậy lại niềm tin cho các giáo đồ trong các lời nguyện họ cầu xin phước lành cho nơi khẩn địa và lôi cuốn vô vàn con người khác theo mình.”
Ở những đoạn viết tiếp đó, khi trình bày những nguyên lí đạo đức của Giáo hội New England, Mather mãnh liệt lên tiếng chống lại lối chuốc rượu chúc mừng nhau khi vào bữa, coi đó là thói quen tà đạo và khả ố.
Ông cũng lên án mạnh mẽ như thế những thứ chị em phụ nữ trang trí trên đầu tóc họ và kết án không thương tình cái ông gọi là mốt hở cổ và hở cánh tay đang thịnh hành ở trang phục của chị em.
Trong một phần khác của tác phẩm này, ông kể lể dài dòng về những trò ma thuật làm khiếp hãi con người ở New England. Ta thấy là với ông những hành động hiện hình của ma quỷ trong mọi việc ở thế giới đó dường như là một sự thật không bắt bẻ được và đã được chứng minh.
Cùng trong cuốn sách đó, ta thấy hiện lên ở nhiều chỗ cái tinh thần tự do dân sự và độc lập chính tri đặc trưng cho những người đương thời với tác giả. Các nguyên lí chính quyền được thấy rõ từng bước một. Chẳng hạn như việc thấy người dân Massachusetts ngay từ năm 1630, mười năm sau khi dựng nên thành phố Plymouth, đã góp mỗi đầu người 500 bảng Anh để xây dựng trường Đại học Cambridge.
Nếu bây giờ phải chuyển từ những tài liệu chung liên quan đến lịch sử New England sang những tài liệu liên quan đến các bang riêng rẽ, trước hết tôi phải chỉ ra tác phẩm hai tập khổ trung có tên The History of the colony of Massachusetts, by Hutchinson lieutenant-governor of the Massachusetts province (Lịch sử khẩn địa Massachusetts của tác giả Hutchinson phó thống đốc tỉnh Massachusetts). Tại Thu viện Hoàng gia có một bản cuốn sách này, in lần thứ hai tại London năm 1765.
Cuốn lịch sử của Hutchinson mà tôi nhiều lần nhắc đến trong chương sách liên quan đến chú thích này viết những việc bắt đầu từ 1628 và kết thúc năm 1750. Toàn bộ công trình toát lên một độ xác thực cao, văn phong giản dị, không chải chuốt, nội dung viết rất chi tiết.
Về bang Connecticut, tư liệu tốt nhất để tham vấn là cuốn lịch sử do Benjamin Trumbull viết nhan đề A complex History of Connecticut, civil and ecclesiastical, 1630-1764 (Lịch sử Connecticut dân sự và giáo chức 1630-1764), sách khổ nhỏ, in năm 1818 tại New Haven. Tôi không tin là cuốn sách của Trumbull hiện có ở Thư viện Hoàng gia.
Cuốn lịch sử này trình bày sáng sủa và lạnh lùng mọi sự kiện xảy ra ở Connecticut trong thời kì chỉ ra ở tên sách. Tác giả đã thu nhặt tư liệu từ những nguồn tốt nhất và những điều ông kể mang dấu ấn của sự thật. Mọi điều ông nói về thời kì đầu của Connecticut cực kì thú vị. Đặc biệt chú ý trong sách ông về Hiến pháp năm 1639, trong tập I, chương VI, trang 100, và cả Các bộ luật hình sự của Connecticut, trong tập I, chương VII, trang 123.
Ta cũng có lí khi đánh giá cao công trình lịch sử của Jérémie Belknap tựa đề History of New Hampshire, hai tập khổ nhỏ, in ở Boston năm 1792. Trong tác phẩm của Belknap xin đặc biệt chú ý chương III của tập một. Trong chương này, khi nói đến các nguyên lí chính trị và tôn giáo của những người Thanh giáo, về các nguyên nhân di cư sang Mĩ, về luật pháp của họ, tác giả cung cấp những chi tiết cực kì quý báu. Trong đó ta thấy cả lời thề ngồ ngộ này được họ tuyên thệ năm 1663: “New England cần ghi nhớ không ngừng rằng xứ sở được lập nên vì mục đích tôn giáo chứ không vì mục đích thương mại. Hằn trên vầng trán xứ sở này là sự trong sạch về giáo lí và kỉ luật. Những dân buôn và tất cả những ai chăm lo chắt bóp từng đồng xu nhỏ hãy nhớ rằng mục đích xây dựng khẩn địa này là tôn giáo chứ không phải sự kiếm chác. Nếu trong chúng ta có ai đánh giá cuộc đời mang số 13 và tôn giáo mang số 12, kẻ đó không có trong lòng những tình cảm của một người con chân chính của xứ New England.” Bạn đọc còn gặp trong tác phẩm của Belknap nhiều ý tưởng tổng quát hơn và nhiều sức mạnh tư duy hơn so với những tác giả người Mĩ viết lịch sử ngày nay.
Tôi không rõ sách này có ở Thư viện Hoàng gia không.
Trong các bang lâu đời ở miền Trung đáng chú ý, nổi bật lên có bang New York và Pennsylvania. Cuốn sách lịch sử tốt hơn cả về bang New York là cuốn History of New York của William Smith, in ở London năm 1757. Sách này có một bản dịch tiếng Pháp cũng in ở London năm 1769, một tập, cỡ nhỏ. Smith cung cấp cho chúng ta những chi tiết hữu ích về các cuộc chiến tranh của người Pháp và người Anh tiến hành ở bên Mĩ. Trong tất cả các nhà viết sử người Mĩ, ông này giúp cho ta hiểu biết rõ hơn cả về cái liên minh nổi tiếng của người Iroquois.
Còn về bang Pennsylvania, tôi chỉ có thể dẫn ra cuốn sách có tên The History of Pennsylvania, from the original institution and settlement of that province, under the first proprietor and governor William Penn, in 1681 till after the year 1742, (Lịch sử Pennsylvania, kể từ lần xây dựng và định cư đầu tiên ở tỉnh này dưới thời ông chủ và thống đốc đầu tiên William Penn, năm 1681 cho tới sau năm 1742), tác giả là Robert Proud, hai tập, khổ trung bình, in ở Philadelphia năm 1797.
Cuốn sách này bạn đọc nên đặc biệt chú ý. Nó có vô số tài liệu rất kì thú về ông Penn, giáo lí của người quaker, tính cách, tập tục, cách sống của những cư dân đầu tiên ở Pennsylvania. Theo chỗ tôi biết, sách này không có ở Thư viện Hoàng gia.
Tôi không cần nói thêm rằng trong số tài liệu loại quan trọng hơn cả liên quan đến Pennsylvania, có những trước tác của chính ông
Penn và của Franklin. Các tác phẩm của hai ông này được vô số bạn đọc biết tới.
Trong thời gian tôi lưu lại bên Mĩ, tôi đã tham khảo phần lớn những cuốn sách vừa mới dẫn ra. Thư viện Hoàng gia đã có nhã ý cho tôi mượn vài cuốn. Những cuốn khác do ông Warden, cựu tổng lãnh sự Mĩ ở Paris và là tác giả một công trình xuất sắc về nước Mĩ, cho tôi mượn. Tôi không muốn kết thúc đoạn chú thích này mà lại không bày tỏ lòng biết ơn đối với ông Warden.
Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)