Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?

Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?

Immanuel Kant (sinh ngày 22.04.1724 tại Königsberg- Preussen - mất ngày 12. 02. 1804 tại Königsberg-Preussen) thường được xem là triết gia Ðức lớn nhất, hơn nữa là triết gia lớn nhất của thời cận đại (Neuzeit), của nền văn hóa tân tiến (moderne Kultur) và của nhiều lãnh vực khoa học nhân văn khác. Học thuyết ""Triết học siêu việt" (Transzendental-philosophie) của ông đã đưa triết học Ðức bước vào một kỷ nguyên mới. "Danh tiếng của ông đã đẩy lùi những gì đi trước vào bóng tối và tỏa sáng lên trên những gì đi sau", như nhận xét của triết sử gia J.Hirschberger. Trong tương quan với triết học thế giới của thời khai sáng, triết học của ông đã cống hiến những lý thuyết cơ bản cho tư tưởng khai sáng của thời cận đại. Nhân dịp 200 năm ngày mất của triết gia lỗi lạc này xin giới thiệu tiểu luận "Beantwortung der Frage: Was ist die Aufklärung?" (Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?). Bản tiếng Ðức trong "KANT, WERKE IN XII BAENDEN, XI, THEORIE - WERKAUSGABE, SUHRKAMP 1968, tr 53- 61.Trong bài dịch, những chữ in lớn viết hoa là của chính tác giả, những chữ in đậm do người dịch thêm vào hầu giúp người đọc dễ theo dõi nội dung.

- Người dịch

(5. 12. 1783 trang 516 (1))

KHAI SÁNG LÀ SỰ THOÁT LY CỦA CON NGƯỜI RA KHỎI TÌNH TRẠNG VỊ THÀNH NIÊN DO CHÍNH CON NGƯỜI GÂY RAVỊ THÀNH NIÊN(2) là sự bất lực không thể vận dụng trí tuệ của mình một cách độc lập mà không cần sự chỉ đạo của người khác. Tình trạng vị thành niên này là do TỰ MÌNH GÂY RA, một khi nguyên nhân của nó không phải do sự thiếu sót trí tuệ, mà do sự thiếu sót tính cương quyết và lòng can đảm, dám tự mình dùng trí tuệ phục vụ cho mình mà không cần đến sự chỉ đạo của người khác. Sapere aude(3)! Hãy có can đảm tự sử dụng trí tuệ CỦA CHÍNH MÌNH! đó là câu phương châm của Khai Sáng.

Lười biếng và hèn nhát là những nguyên nhân, tại sao một phần lớn số người như thế của nhân loại, sau khi thiên nhiên đã giải phóng họ ra khỏi sự chỉ đạo ngoại lai (naturaliter maiorennes) mà suốt đời lại vẫn thích lưu lại trong tình trạng vị thành niên; và là nguyên nhân tại sao thật là dễ dàng cho một số người khác, tự ném mình giao phó mình cho người đỡ đầu. Ở trong tình trạng vị thành niên thì thật là khỏe khoắn. Tôi có một cuốn sách, quyển sách ấy có trí tuệ thay tôi, có một người đỡ đầu linh hồn, người ấy có lương tâm giùm tôi, có một người thầy thuốc, vị ấy chẩn định sự ăn kiêng cho tôi, vv và vv: như thế tôi khỏi phải lo lắng cho chính mình. Tôi không cần phải suy nghĩ bận tâm, nếu tôi chỉ có thể trả tiền; người khác sẽ chu tất cho tôi mọi công việc phiền não. Sự kiện một phần lớn nhất của nhân loại (trong đó có phái rất đẹp) còn cho rằng bước tiến đến trưởng thành, ngoài việc bước ấy rất khó khăn, còn là rất nguy hiểm; điều ấy những người đỡ đầu kia đã lo chu tất, những người đã hết lòng nhận lãnh cho mình trách nhiệm giám thị tối cao trên những kẻ vị thành niên. Sau khi họ đã làm cho đàn gia súc của họ trước hết ngu đần đi, và chăn giữ một cách cẩn thận không cho những sinh vật yên lặng này được phép dám mạo hiểm một bước ra khỏi chiếc xe kéo, trong đó họ giam những sinh vật ấy; sau đó họ chỉ cho những kẻ ấy sự hiểm nguy đang đe doạ, nếu những người này tìm cách đi một mình. Thật ra thì chính sự nguy hiểm này cũng không to tát chi cho lắm, bởi lẽ những kẻ ấy rốt cùng cũng sẽ học đi trong một vài trường hợp; tuy nhiên chỉ một thí dụ theo cách ấy cũng có thể làm rụt rè nhũn lòng, và thường làm nhát sợ xa lánh tất cả những bước thăm dò khác.

Như thế thật là khó khăn cho mỗi một người, tự mình gắng sức vươn lên để thoát ra khỏi tính vị thành niên hầu như đã trở thành một bản tính tự nhiên cho mình. Người ấy lại còn đâm ra yêu thích tính ấy và thật sự không còn khả năng để tự sử dụng trí tuệ của chính mình, bởi vì người ta đã không bao giờ để cho người ấy làm thử. Những nội qui và những công thức, loại dụng cụ máy móc cho công dụng hợp lý hay đúng hơn cho sự lạm dụng năng khiếu tự nhiên ấy, đều là những xích chân của một tình trạng vị thành niên dai dẳng vĩnh viễn. Kẻ nào vất bỏ nó đi, kẻ ấy cũng sẽ chỉ làm một bước nhảy không chắc chắn qua cái hố nhỏ hẹp, bởi vì kẻ ấy không quen làm động tác tự do theo kiểu ấy. Cho nên chỉ có một số ít thành công trong việc tự giải tỏa mình ra khỏi tình trạng vị thành niên qua sự thao luyện tinh thần, và tạo ra một bước đi vững chãi.

Nhưng sự kiện một QUẦN CHÚNG (Publikum) tự mình khai sáng cho mình, điều ấy có triển vọng; vâng điều ấy, nếu người ta chỉ để cho công chúng ấy TỰ DO thôi, hầu như chắc chắn có thể thực hiện được. Bởi vì trong trường hợp ấy sẽ luôn luôn tìm ra được một vài nhà tư tưởng độc lập, ngay cả trong nhóm những người đỡ đầu có nhiệm vụ canh chừng đống gia súc lớn kia, những người sau khi đã tự tay vất bỏ cái gông vị thành niên, họ sẽ quảng bá quanh mình tinh thần biết đánh giá hợp lý về giá trị thực sự và khuynh hướng thiên phú của mỗi con người nằm ở tư duy tự lập. Ðặc biệt ở đây là: nhóm công chúng trước đó bị những người đỡ đầu đưa vào gông cùm, chính công chúng này sau đó lại bắt buộc những người kia ở lại trong gông, nếu họ bị khiêu khích phải hành động như thế do một vài kẻ trong những người đỡ đầu ấy tự mình không có khả năng khai sáng; gieo trồng những định kiến thật tai hại đến như thế, bởi vì chúng sẽ trả thù lại chính những kẻ đã gây ra qua nhiều thế hệ. Do đấy quần chúng có thể chỉ nên dần dần đạt đến khai sáng mà thôi. Khai sáng bằng một cuộc cách mạng có lẽ sẽ chỉ đem đến sự truất phế một chế độ chuyên chế độc tài và sự đàn áp đầy tham muốn hưởng lợi và cai trị người khác của cá nhân độc tài, nhưng không bao giờ đem đến một sự sửa đổi chân chính thật sự cho cách thế tư duy cả; ngược lại những định kiến mới lại sẽ được sử dụng giống hệt như những cái cũ dùng để làm đường lối chỉ đạo cho đám lau nhau vô đầu óc kia.

Thực hiện khai sáng này không đòi hỏi gì hơn ngoài TỰ DO và là một tự do nguyên vẹn nhất trong tất cả những gì có thể gọi là tự do, đó là: hoàn toàn có thể SỬ DỤNG CÔNG KHAI LÝ TRÍ CỦA CHÍNH MÌNH. Thế nhưng giờ đây tôi nghe khắp mọi phiá đều kêu lên: ÐỪNG CÓ LÝ LUẬN! Ông sĩ quan nói: đừng lý luận, hãy thực hành! Ông cố vấn tài chánh: đừng lý luận! Hãy móc túi trả tiền! Nhà tôn giáo: đừng lý luận, hãy tin tưởng! (chỉ có một Ngài trên thế giới nói: HÃY LÝ LUẬN nhiều như các người muốn và về những gì các người thích; nhưng HÃY VÂNG LỜI!) Theo trên sự giới hạn tự do xảy ra ở tất cả các lãnh vực. Nhưng giới hạn nào sẽ cản trở sự khai sáng? giới hạn nào không cản trở mà ngược lại còn hỗ trợ nó? - Tôi trả lời: sự sử dụng CÔNG KHAI của lý trí phải được TỰ DO bất cứ lúc nào, và chỉ có nó mới có thể đem lại khai sáng đến với con người; còn sự sử dụng RIÊNG TƯ của lý trí thì có thể nhiều khi nên được giới hạn rất chặt chẽ mà không làm cản trở đặc biệt bước tiến của khai sáng. Nhưng tôi hiểu dưới sự sử dụng công khai lý trí của chính mình là sự sử dụng mà một người với tư cách là HỌC GIẢ có thể vận dụng lý trí trước tòan thể công chúng của THẾ GIỚI ÐỘC GIẢ. Tôi gọi sự sử dụng là riêng tư để chỉ sự sử dụng mà người học giả trong CHỨC VỊ công dân hay nhiệm sở mà người ấy được tín nhiệm giao cho. Ta nhận rằng, một số công việc có liên hệ đến quyền lợi cộng đồng cần có một guồng máy phục vụ, nhờ phương tiện đó một vài phần tử của cộng đồng chỉ cần hành sự một cách thụ động, để tạo nên một sự nhất trí giả tạo nào đó cho chính quyền nhằm phục vụ cho những mục đích công khai hay ít nhất để tránh sự phá hoại những mục đích ấy. Dĩ nhiên ở đây không được phép lý luận; mà phải tuân lời. Nhưng bao lâu phần tử của guồng máy đồng thời cũng là phần tử của cả cộng đồng, và hơn nữa của cả xã hội công dân thế giới, với phẩm cách của một người học giả, đang hướng về độc giả với những tác phẩm văn học trong tinh thần tự lập: trong trường hợp này nhất thiết người ấy có thể lý luận, mà không vì thế công vụ bị phiền nhiễu, công vụ này ông được ủy nhiệm phần nào với tư cách một hội viên thụ động. Cho nên trong trường hợp của vị sĩ quan, sẽ rất có hại, nếu người ấy đang được lệnh của cấp trên phải thi hành một lệnh để phục vụ cho mục đích và ích lợi của lệnh ấy mà lại muốn lý luận oang oang; người ấy phải vâng lời. Nhưng với tư cách là học giả thì khả dĩ có thể dành cho người ấy quyền nhận xét về những lỗi lầm trong công tác phục vụ chiến tranh và trình bày những nhận xét ấy trước công chúng để họ phán đoán. Người công dân không thể cưỡng lại không làm những việc mà anh ta được giao phó trách nhiệm; ngay cả một lời trách cứ vui vui về những công việc, khi chúng được giao phó cho anh ta có bổn phận phải hoàn thành, một lời trách cứ nhẹ thôi cũng có thể bị trừng phạt như một một điều bêu riếu (có thể gây nên những trường hợp bất tuân lệnh tổng quát). Nhưng chính người ấy sẽ không hành động ngược lại với bổn phận của một người công dân, nếu người ấy với tư cách của một học giả công khai dám phát biểu tư tưởng của mình chống lại sự vụng về hay sự bất công của những điều luật đưa ra. Cũng thế một người linh mục có bổn phận phải diễn giải cho môn sinh thụ giáo lý và giáo xứ của ông biểu tượng của nhà thờ mà ông ta phục vụ; bởi vì ông đã được thâu nhận với những điều kiện trên. Nhưng với tư cách học giả ông không những có đầy đủ tự do, vâng mà còn thấy đó là một nhiệm vụ hợp lý trong việc thông tin cho quần chúng tất cả những tư tưởng đã được kiểm điểm chặt chẽ và đầy thiện ý về tính cách sai lầm của biểu tượng kia, cũng như những đề nghị cho sự xây dựng tốt hơn thực thể tôn giáo và nhà thờ. Nơi đây không có gì có thể gây phiền toái cho lương tâm cả. Bởi vì những gì ông truyền dạy tuân theo chức vụ nhiệm sở của mình với tư cách là người thi hành công việc của nhà thờ, điều đó ông đã thuyết giảng trong giới hạn của bổn phận, trong đó ông không có chủ lực tự do để giảng dạy theo tư tưởng của riêng ông, và được chỉ định phải diễn giải theo với các điều lệ và nhân danh của một cá nhân khác. Ông ta sẽ nói rằng: nhà thờ của chúng ta dạy điều này hay điều nọ; đây là những dẫn chứng mà nhà thờ sử dụng... Sau đó ông ta rút ra tất cả những ích lợi cho giáo đồ từ những nội qui, mà chính ông sẽ không ký tên với tất cả sự thuyết phục, mặc dù ông có thể làm một vài diễn văn về đề tài đó, bởi lẽ có thể trong đó cũng có một phần nào chân lý, trong đó hoàn toàn không bao hàm điều gì mâu thuẫn với tôn giáo nội tâm của ông. Bởi vì nếu ông ta tìm thấy trong đó điều gì mâu thuẫn với tôn giáo nội tâm thì ông ta sẽ không thể điều hành chức vụ của mình với lương tâm yên ổn được, ông ta phải từ chức. Như thế sự sử dụng lý trí mà một vị Thầy giáo nhậm chức thực hiện trước nhóm quần chúng của ông chỉ là một SỰ SỬ DỤNG RIÊNG TƯ, vì nhóm quần chúng này vẫn chỉ là một cuộc tập họp nội gia, dù cho có lớn đến bao nhiêu; và trong tương quan với nó ông ta với tư cách là nhà giảng đạo, không tự do, cũng không được phép tự do, bởi vì ông ta đang thực hiện một công việc ngoại lai. Ngược lại với tư cách một học giả nói với công chúng thực sự, công chúng ấy là toàn thế giới, qua các tác phẩm của mình, và do đó là vị linh mục trong việc SỬ DỤNG CÔNG KHAI lý trí của mìnhvị ấy phải được hưởng một tự do không hạn chế dùng lý trí của chính mình và phát ngôn trong nhân cách của riêng mình. Bởi lẽ sự kiện chính các người đỡ đầu của nhân dân (trong những việc tinh thần) lại cũng vị thành niên, là một sự lạc vần, chạy dài đến vô cực của sự lạc điệu.

Nhưng một tập đoàn của những vị linh mục, ví dụ một đại hội nhà thờ, hay giai cấp (Classis) đáng kính (như họ tự mệnh danh như thế giữa người Hoà Lan) có nên được có thẩm quyền tuyên thệ với nhau tự cho mình có bổn phận đối với một biểu tượng nào đó bất di bất dịch, để thực hành càng mạnh hơn một chính sách đỡ đầu tối cao trên đầu mỗi người trong hội viên của họ và qua đó trên đầu nhân dân, và từ đó vĩnh viễn hoá chính sách ấy không?

Tôi nói: điều ấy hoàn toàn không thể được. Một thoả ước hầu chận đứng vĩnh viễn tất cả những khai sáng lâu dài hơn của loài người, được ký kết như thế, là tuyệt đối không được và không thể có được; và ngay cả trong trường hợp nó được xác nhận bởi một quyền lực tối cao, bởi hội đồng nhà nước và những hiệp ước hoà bình trọng thể nhất. Một thời đại không thể tự cấu kết với nhau và thề nguyền đặt thời đại kế tiếp trong một tình trạng, mà trong đó đối với thời đại đi sau mọi khả năng mở rộng những tri thức còn nhất thời, để tẩy sạch những sai lầm, và có thể tiến xa hơn trong sự khai sáng đều bị tiêu diệt. Ðiều đó sẽ là một tội ác nghịch lại bản chất con người, mà định nghiã nguyên thủy của nó nằm chính trong sự tiến bộ ấy; và như thế những kẻ hậu sinh hoàn toàn có quyền bác bỏ những quyết định đã được chấp nhận một cách vô thẩm quyền và càn bậy. Viên đá thử của tất cả những gì được xem là luật pháp quyết định trên nhân dân, đều nằm trong câu hỏi: rằng người dân có thể tự mình bó buộc vào một thứ pháp luật như thế không? Ðiều này có thể có trong một giai đoạn ngắn, trong khi chờ đợi một luật pháp tốt hơn, hầu tạo ra một trật tự nhất định nào đó; đồng thời người ta dành cho mỗi một người công dân, nhất là người linh mục được tự do, với tư cách của một nhà học giả, công khai, có nghĩa là qua những tác phẩm văn học, trình bày những nhận xét của ông về sự sai lầm của tổ chức ngày trước, trong lúc ấy trật tự đã được thiết lập vẫn còn luôn luôn tồn tại, cho đến khi nhận thức về sự hình thành của các tổ chức ấy đạt đến mức kiện toàn và được xác nhận rằng nhận thức ấy qua sự thống nhất của các tiếng nói (nếu không phải là của tất cả) có thể đưa ra trước ngai vàng một đề nghị, để bảo vệ cho những giáo xứ đã đồng ý với nhau sau khi nắm vững tri thức toàn thiện hơn về một cơ sở tôn giáo được thay đổi, mà không cản trở những giáo xứ vẫn còn bằng lòng với hình thức cũ. Nhưng thỏa thuận với nhau về một hiến chương tôn giáo cố định bất di bất dịch, không ai được quyền nghi ngờ một cách công khai, dù chỉ trong vòng thời gian của một đời người, và qua đấy đồng thời tiêu hủy một khoảng thời gian về sau dành cho sự tiến hoá của nhân loại trong hướng cải thiện, và làm cho vô hiệu quả, từ đó làm thiệt hại cho thế hệ sau, là một điều nhất thiết không được phép. Cho cá nhân mình, và cũng chỉ trong một thời gian ngắn, trong lúc phải tìm hiểu học hỏi, một người có thể hoãn lại sự khai sáng; nhưng triệt tiêu sự khai sáng, dù cho một cá nhân, mà hơn nữa còn cho cả thế hệ hậu sinh, điều ấy có nghiã vi phạm và chà đạp quyền thiêng liêng của nhân loại.

Vả chăng điều gì mà một dân tộc không bao giờ được phép quyết định cho chính mình, điều ấy một vị quân vương càng ít được quyền quyết định trên đầu của dân tộc hơn nữa; bởi vì uy tín ban hành luật pháp của ông thật sự nằm ở điểm ông là người hợp nhất toàn thể ý muốn của nhân dân. Nếu ông chỉ chú ý đến điều này: tất cả sự cải thiện chân thật hay sai lạc đều tồn tại chung với trật tự công dân: như thế ông chỉ cần để cho những kẻ bề tôi của ông tự ý làm những điều mà họ thấy cần thiết cho sự cứu rỗi linh hồn của họ; điều đó không can dự gì đến ông, nhưng có lẽ để đề phòng người này ngăn cản kẻ khác một cách bạo động, không cho kẻ ấy xây dựng số phận và sự thăng tiến của mình theo với khả năng riêng của người ấy. Vị quân chủ ấy sẽ làm thiệt hại uy thế đế vương, nếu ông ta cũng xen vào việc ấy, bằng cách đánh giá những tác phẩm theo sự giám thị của chính quyền ông, những tác phẩm mà nhờ đó kẻ thần dân của ông tìm cách thâu lượm những nhận thức trung thực, cũng như nếu ông phán xét từ nhận thức cao siêu nhất của chính riêng ông, chính ở đó ông sẽ bị người ta trách thán theo thành ngữ: ông vua không đứng trên những nhà văn phạm (Caesar non est supra grammaticos); cũng như thế trong những trường hợp kế tiếp, nếu ông hạ thấp quyền lực tối cao nhất của mình đến mức độ hỗ trợ chính thể chuyên chế tôn giáo của vài kẻ độc tài trong quốc gia của ông đối với những thần dân khác của ông.

Bây giờ nếu có câu hỏi đặt ra: Có phải chúng ta đang sống trong một thời đại đã được khai sáng không? Câu trả lời sẽ là: Không, nhưng chúng ta đang ở trong một thời đại của sự khai sáng!

Trong tình hình hiện tại, nói chung sự kiện con người có khả năng hay có thể được hướng dẫn vào trong khả năng ấy để tự vận dụng một cách vững chắc và thuần thục trí tuệ của mình mà không cần đến sự chỉ đạo của người khác trong những vấn đề tôn giáo, chính nơi đây vẫn còn thiếu sót rầt nhiều. Có điều bây giờ một cánh đồng đã được khai hoá cho con người có thể tự thân bồi đắp một cách tự do và những trở ngại ngăn cản sự khai sáng tổng quát hay sự thoát ly ra khỏi tình trạng vị thành niên do tự mình gây ra dần dần trở nên ít hơn, về những điều ấy chúng ta thấy có những dấu hiệu thật rõ rệ. Trong nhận xét ấy, thời đại này là thời đại của khai sáng hay thế kỷ của FRIEDRICH(4).

Một vị lãnh chúa, đã không thấy điều ấy là không xứng đáng cho mình, khi nói rằng, ông xem đó là BỔN PHẬN của ông, trong vấn đề tôn giáo không truyền lệnh cho con người, mà để họ hoàn toàn tự do trong việc ấy, cũng là người từ chối không nhận cho mình danh hiệu cao ngạo là BAO DUNG (Toleranz): chính vị lãnh chuá này đã được khai sáng và xứng đáng được cả thế giới hôm nay và thế giới mai sau đầy biết ơn ca ngợi là người đã giải phóng lần đầu tiên loài người ra khỏi tình trạng vị thành niên, ít nhất là từ phía chính quyền, và để cho mỗi người tự do, tự sử dụng lý trí của chính mình trong tất cả những gì thuộc vấn đề lương tâm. Dưới quyền ông, với tư cách của người học giả, những nhà linh mục đáng kính được quyền trình bày một cách tự do và công khai cho thế giới kiểm thảo những phán đoán và nhận thức của họ về những điểm vượt ra ngoài biểu tượng nhà thờ đã được công nhận; nhưng còn hơn thế nữa, dưới trướng của ông, mỗi một người không bị giới hạn vì bổn phận nhiệm sở đều được hành động như thế. Tinh thần tự do này cũng lan rộng ra ngoài giới hạn, ngay ở nơi mà nó phải tranh đấu với những chướng ngại bên ngoài của một chính phủ tự ngộ nhận mình. Bởi vì một thí dụ sẽ làm gương giác ngộ cho chính quyền ấy: rằng với tự do sẽ không có điều gì đáng lo sợ cho sự an dân công khai và sự nhất trí của cộng đồng cả. Con người tự mình dần dần sẽ rèn luyện mình vươn lên khỏi tính thô sơ, nếu người ta không cố ý nắn nót giả tạo để giữ con người lại trong trạng thái thô sơ ấy.

Tôi đã đặt điểm chính của sự khai sáng, trong nghiã sự thoát ly của con người ra khỏi tình trạng vị thành niên do chính con người gây ra, chủ yếu trong tương quan với những vấn đề tôn giáo: bởi vì đối với nghệ thuật và các ngành khoa học những người lãnh đạo của chúng ta không quan tâm đóng vai người đỡ đầu trên đầu kẻ tôi tớ của họ. Hơn nữa, cũng chính vì tình trạng vị thành niên trong tôn giáo không những là tình trạng tai hại nhất mà còn là tình trạng làm ô nhục nhất. Nhưng đường lối tư duy của một vị nguyên thủ quốc gia, nhân vật ưu việt cho trường hợp trên đây, còn đi xa hơn nữa và nhận chân được rằng: ngay cả trong tương quan với sự BAN HÀNH LUẬT PHÁP của ông thật sự không có gì nguy hiểm, khi cho phép người dân được quyền SỬ DỤNG CÔNG KHAI lý trí của mình, cũng như trình bày cho thế giới biết những tư tưởng của họ về sự biên soạn hoàn hảo hơn cho bộ luật kia, ngay cả với một sự phê bình khoáng đạt tự do về những điều đã có sẵn; chúng ta đã có một thí dụ sáng ngời về cách suy nghĩ trên, thí dụ cho thấy chưa có một vị quân chủ nào đi trước người mà chúng ta ngưỡng kính.

Nhưng cũng chỉ có người nào - chính mình đã được khai sáng,- không sợ bóng tối, và đồng thời có trong tay một đội quân đông đảo, có tinh thần kỷ luật nhằm bảo đảm sự an bình công khai, chỉ có người ấy mới có thể nói điều mà một quốc gia tự do (Freistaat) không dám mạo hiểm: HÃY LÝ LUẬN, NHIỀU NHƯ CÁC NGƯỜI MUỐN, VÀ VỀ NHỮNG GÌ CÁC NGƯỜI THÍCH; CHỈ NÊN VÂNG LỜI! Lời tuyên bố cho thấy một đường lối nhân sinh bất ngờ đáng kinh ngạc, hơn nữa nếu quan sát nó trong đại thể, thì hầu như tất cả mâu thuẫn đều bao hàm trong đó. Một cường độ khá lớn cho TỰ DO công dân có vẻ thuận lợi cho TỰ DO của tinh thần dân tộc nhưng đồng thời cũng đặt cho TỰ DO (dân tộc) này những giới hạn không thể vượt qua: một cường độ ít hơn của thứ tự do kia ngược lại có thể tạo ra cho tự do này khoảng không gian, có thể phóng rộng khả năng của nó ra tất cả mọi hướng. Bởi vì một khi thiên nhiên đã bóc ra hạt nhân nằm dưới cái vỏ cứng mà thiên nhiên đã chăm lo cho nó một cách nâng niu nhất, hạt nhân của lòng yêu TƯ DUY TỰ DO và chức năng thiên phú TƯ DUY TỰ DO: như thế dần dần hạt nhân này sẽ tác động trở lại trên cách thế cảm tính của nhân dân (nhờ đó nhân dân từ từ trở nên có khả năng TỰ DO để HÀNH ÐỘNG) và cuối cùng tác động ngay lên cả những nguyên tắc của chính quyền, một chính quyền bấy giờ nhận ra được rằng, đối xử con người theo đúng với phẩm cách của con người, con người như một thực thể hơn máy móc, thật là ích lợi cho chính thể.

I. Kant, Königsberg tại Preussen, ngày 30 tháng 9 năm 1784​


Nguồn: Immnanuel Kant,Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì? (Thái Kim Lan dịch và chú thích), Talawas, 12/2/2004

Chú thích:

(1) Chú thích của người dịch: tiểu luận này I. Kant đã viết để trả lời câu hỏi "Khai sáng là gì?" mà Linh muc Zoellner đặt ra trong bài viết của ông đăng trong tờ Nguyệt san Bá linh ngày 5. 12. 1783 trang 516, như chính Kant đã chú thích sau tựa đề: * Ghi chú trên về số trang (516) của tờ nguyệt san "Berlinische Monatsschrift" (Nguyệt san Bá linh) liên quan đến lời nhận xét sau đây trong bài viết đã đăng trong tờ báo ấy của ông linh mục Zoellner "Lành mạnh hoá sự kết hôn theo nhà thờ có thuận lợi hay không?", ông ta viết: "KHAI SÁNG LÀ GÌ? Câu hỏi này hầu như cũng quan trọng không kém câu hỏi: CHÂN LÝ là gì, cần phải được trả lời thỏa đáng trước khi người ta khởi công khai sáng! Tuy nhiên tôi đã không tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi ấy ở đâu cả!" 

(2) Vị thành niên: dịch nghĩa từ tiếng Ðức "Unmündigkeit". Ở đây tưởng nên nêu ra sự khác biệt tư tưởng nằm trong cách dùng chữ chỉ trạng thái "trưởng thành hay "không trưởng thành" của con người. Trong lúc thành ngữ "vị thành niên" theo tiếng Hán Việt dùng để chỉ tình trạng chưa trưởng thành của một con người tính theo năm tháng trên phương diện sinh vật lý thiên nhiên, trong ngôn ngữ Ðức có hai cụm từ: "volljährig" = thành niên theo năm tháng và "mündig" = trưởng thành trong tư tưởng và hành động. Từ ngữ Ðức "Unmündigkeit" được tạo thành từ chữ gốc"MUND" có nghĩa là MỒM, MIỆNG, từ đó tính từ "mündig" dùng để chỉ những gì thuộc về lĩnh vực MỒM MIỆNG, hay nói cách khác thuộc về lĩnh vực TIẾNG NÓI, PHÁT NGÔN, theo nghĩa bóng một người là "mündig" có nghĩa là người ấy trưởng thành, hay nói khác đi người ấy biết "ăn nói" vững vàng và có tiếng nói trong xã hội như một người công dân. Ðiều lý thú là trong ngôn ngữ dân gian Việt nam chúng ta cũng có một thành ngữ để chỉ thái độ ứng xử của một người chứng tỏ đã trở nên khôn ngoan trưởng thành tương tự như tiếng Ðức: người ấy biết "ĂN NÓI" hay "biết ăn biết nói biết gói biết mở". Danh từ "MÜNDIGKEIT" được tạo thành từ tính từ "mündig" có nghĩa là TRƯỞNG THÀNH (trong NGÔN TỰ, trong cách ĂN NÓI), cho thấy quan niệm của người Ðức về sự trưởng thành, hay sự thành NHÂN nằm ở cung cách ĂN NÓI, PHÁT NGÔN của mỗi con người, xa hơn nữa trên phương diện chính trị là người được quyền có tiếng nói (Stimme) trong việc bầu cử. Tình trạng ngược lại là "Unmündigkeit", không trưởng thành. Một người chưa trưởng thành về cách ĂN NÓI cần phải có một người đỡ đầu trước pháp luật, tiếng Ðức gọi là "VORMUND ", "VOR" là trạng từ chỉ nơi chốn hay thời gian có nghiã là: Ở TRƯỚC, ÐẰNG TRƯỚC, TRƯỚC ÐẤY. Người "Ở TRƯỚC MIỆNG" được gọi là ngưòi đỡ đầu, theo đó chức vụ của người đỡ đầu là nói thay cho những người chưa trưởng thành. 

Kant đã sử dụng chữ "UNMÜNDIGKEIT" trong lúc lý giải tinh thần khai sáng, bởi vì theo ông yếu tính của KHAI SÁNG nằm ở KHẢ NĂNG, Ý CHÍ (CAN ÐẢM CƯƠNG QUYẾT) và QUYỀN ĂN NÓI của mỗi con người khi đã rời khỏi tình trạng NÓI THEO vị thành niên - để có thể TỰ MÌNH PHÁT NGÔN ÐỘC LẬP khởi từ sự suy nghĩ tự lập của mỗi người. Từ đó theo Kant phương tiện thích hợp để khai sáng đại đa số quần chúng là sự quảng bá công khai và rộng rãi các tác phẩm văn chương văn học của những học giả trong quần chúng để giúp quần chúng tự khai sáng thay vì đại đa số quần chúng phải có những vị "VORMUND" nói thay cho họ. 

Tiểu luận của Kant cho thấy lập luận suy diễn rất chặt chẽ đi từ ý nghĩa của từng khái niệm, bởi vì chính ngôn ngữ là căn nhà của tư tưởng. Từ đó cũng có thể thấy được nét đặc thù của tư duy và triết học Ðức. 


(3) Sapere aude: thành ngữ La tinh: sapere: biết, tri thức. Aude: dám, mạo hiểm: sapere aude: có can đảm dám biết, dám tri thức. 

(4) FRIEDRICH: Vị vua mà Kant nói ở đây là Friedrich II, der Grosse (1712 - 1786), vua nước Ðức- Phổ (Preussen) thời bấy giờ, người đã bảo trợ tinh thần khai sáng trong thời cận đại tại nước Ðức. Ông đã cho phép phong trào khai sáng Pháp (Voltaire, Maupertuis, Lametrie) thành lập một diễn đàn trong viện Hàn Lâm Khoa Học Bá Linh để quảng bá tư tưởng khai sáng, ngay cả những tư tưởng duy vật cực đoan nhất.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
Dịch giả:
Thái Kim Lan