P/v ông Võ Trí Thành: Tiêu dùng nhân văn sẽ trở thành xu thế mới
Gần đây xảy ra vài câu chuyện đáng buồn gây mất lòng tin ở người tiêu dùng trước những phát hiện về hàng giả, hàng kém chất lượng như vụ Khaisilk. Vấn đề văn hóa kinh doanh và đạo đức kinh doanh càng cần được chú trọng hơn lúc nào hết. TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TƯ khẳng định: “Bây giờ đã bắt đầu hình thành khái niệm và cách thức tiêu dùng nhân văn – đó là xu thế. Nếu sản xuất hàng hóa, dịch vụ cho gia đình, trường học… không nhân văn, sẽ không bán được hàng nữa”.
Đa số vẫn là người tốt
- Thưa TS Võ Trí Thành, ông nghĩ gì trước những phát hiện về nhập nhèm hàng thật – hàng giả của thương hiệu Khaisilk, hay việc bắt lô hàng mỹ phẩm giả trị giá 11 tỷ đồng… liên quan trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng, trong đó đa phần là chị em phụ nữ?
- Chúng ta rất buồn khi phát hiện ra không ít doanh nghiệp Việt gạt bỏ quy tắc cũng như đạo đức kinh doanh để đạt được lợi ích của mình. Tôi rất lo ngại cho người tiêu dùng khi phải sống trong một môi trường thật - giả lẫn lộn và không biết phải lựa chọn ra sao. Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh là một vấn đề lớn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp chứ không phải là thị trường hay lợi nhuận. Chưa bao giờ văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh được chú trọng như hiện nay. Bởi đó chính là chìa khóa mang lại thành công cho doanh nghiệp. Tôi mong rằng, trong thời buổi nhiều nhiễu nhương, đất nước đang chuyển đổi và con người có nhiều tham vọng như hiện nay, chữ Doanh nhân - Doanh nghiệp được viết hoa đúng như ý nghĩa của nó.
- Ông nghĩ gì về niềm tin ở con người khi đã bị lung lay?
- Tôi nghĩ rằng, cái bình thường, cái tốt theo chuyển động vẫn là đa số. Nhiều doanh nghiệp Việt đang chuyển mình, đang đổi mới, sáng tạo và hướng về các giá trị nhân văn đấy chứ. Mọi thứ ở nước ta đang dần tốt lên, tuổi thọ tăng lên, đa số là người tốt, ở đây là vấn đề của truyền thông. Bình thường người tốt, ít ai kể, chẳng hạn như tôi tốt có ai nói đâu, nhưng tôi đi với cô chân dài, mọi người biết ngay… (Cười).
Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp nói thì hay nhưng khi xảy ra sự cố thì ứng xử rất tồi. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang chuyển mình tốt, trong số khoảng 600.000 doanh nghiệp, cái xấu chỉ chiếm số lượng nhỏ. Việc doanh nghiệp lấy mục tiêu cạnh tranh, lợi nhuận là điều bình thường, chỉ có điều, doanh nghiệp phải tôn trọng sự cạnh tranh đúng nghĩa.
- Ông có nói rằng tiêu dùng nhân văn sẽ trở thành xu thế mới. Điều này nên được hiểu như thế nào, thưa ông?
- Vừa rồi tôi đi Israel thấy quả trứng từ con gà đẻ trứng tự nhiên có giá cao hơn hẳn quả trứng từ con gà đẻ ép buộc (PV: trứng gà công nghiệp). Đó là ở trại gà có cả bầu trời và thiên nhiên tươi đẹp để con gà ra sân chạy nhảy, thích đẻ lúc nào thì đẻ, đó là “đẻ một cách nhân văn”. Ở châu Âu, nếu con lợn giết mổ mà không chết ngay thì người tiêu dùng sẽ tẩy chay sản phẩm thịt đó, bởi sẽ gây hại cho người sử dụng.
Bây giờ đã bắt đầu hình thành khái niệm và cách thức tiêu dùng nhân văn – đó là xu thế. Vì vậy, sản xuất hàng hóa, dịch vụ cho gia đình, trường học… không nhân văn là sẽ không bán được hàng nữa. Hay nói một cách khác, sản phẩm được làm ra bởi “lao động xanh” (PV: lao động không bị cưỡng bức, bóc lột, được người sử dụng lao động đối xử tốt), đảm bảo quyền lợi của phụ nữ, không bóc lột, áp bức lao động trẻ em, chính là cách thức sản xuất nhân văn để đáp ứng tiêu dùng nhân văn.
Có cạnh tranh mới là tốt
- Để doanh nghiệp có cách thức sản xuất nhân văn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nhân văn, hẳn có nhiều khó khăn?
- Doanh nghiệp muốn phát triển, đầu tiên là phải tôn trọng cạnh tranh đúng nghĩa, cạnh tranh lành mạnh. Khái niệm phát triển bao trùm cả sự thân thiện và văn hóa tiêu dùng xanh – sạch – thông minh, là biểu tượng nhân văn cần được tôn trọng hơn là thu được lợi nhuận không trong sạch. Chúng ta còn độc quyền, còn hàng giả thì không phải là cạnh tranh đúng nghĩa, còn bưng bít thông tin, không minh bạch, thì chưa phải là kinh tế thị trường. Chúng ta còn cần nhiều cái để chinh phục thị trường nhân văn. Bản thân doanh nghiệp, vì sự sống còn của họ, vì ý nghĩa nhân văn, vì đạo lý của họ, vì sự phát triển bền vững, chắc chắn họ phải thay đổi.
Không thể bỏ qua cảm xúc của con người
- Theo ông, cuộc Cách mạng 4.0 sẽ làm con người chúng ta phải thay đổi thế nào cho phù hợp?
- Cách mạng 4.0 là gì? Chính là smartphone bạn đang cầm trên tay, là một ngày bạn có thể bấm like cho cả trăm người trên mạng, nhưng chưa chắc có like nào cho người thân trong gia đình. Với cuộc Cách mạng 4.0, chúng ta còn rất nhiều vấn đề phải bàn đến. Đó là trong cuộc sống con người có lý trí, có trí tuệ, có sự khéo léo, giỏi giang, nhưng có một thứ quan trọng không thể bỏ qua là xúc cảm, bởi không còn xúc cảm thì không là con người. Cuộc cách mạng này đang làm thay đổi rất nhiều giá trị của xã hội, về giá trị văn hóa có cái tốt, có cái còn phải xem lại. Chẳng hạn, sau này chị em thích lấy người máy hơn hay lấy đàn ông. Đó còn là câu chuyện rất lớn.
- Xin cảm ơn ông.
Nguồn: Hồng Nga, TS. Võ Trí Thành – Tiêu dùng nhân văn sẽ trở thành xu thế mới, Tạp chí Gia đình và Trẻ em