[Từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo phát triển] - Chương 1: Xây dựng hệ thống chính trị một đảng thống lĩnh thân thiện với thị trường và xã hội dân sự (Phần 1.3)
1.3. MÔ HÌNH HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ MỘT ĐẢNG THỐNG LĨNH: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN MỘT SỐ NƯỚC
1.3.1. Phân loại các mô hình hệ thống chính trị
Phân loại hệ thống chính trị hiện đại dựa chủ yếu trên tiêu chí mức độ cạnh tranh (competion) (Schumpeter, 1942) hoặc đua tranh (contestation) (Dahl, 1971) trong việc cầm quyền. Dựa theo tiêu chí này, chúng ta sẽ có mô hình chính trị chuyên quyền (autocracy) nằm ở một thái cực, tại đó chỉ có một hoặc một nhóm người độc quyền lãnh đạo và đe dọadọa sử dụng vũ lực ngăn cản bất kỳ sự cạnh tranh nào, và mô hình dân chủ đa đảng (multi-party system) nằm ở một thái cực khác, tại đó có nhiều đảng phái cạnh tranh lẫn nhau. Giữa hai mô hình thái cực này là các mô hình như cạnh tranh lưỡng đảng, theo đó chỉ có hai đảng hoặc hai liên minh thực sự cạnh tranh lẫn nhau, hay một đảng thống lĩnh, theo đó chỉ có một đảng hoặc một liên minh cầm quyền lâu dài, mặc dù vẫn có rất nhiều đảng phái chính trị nhỏ khác tồn tại song hành trong cả hai mô hình đó.
Mô hình chuyên quyền, do tập trung quyền lực vào một hoặc một nhóm người nhất định trong hệ thống chính trị, nên có một số ưu điểm nhất định về khả năng thực thi chính sách, tính ổn định tương đối của xã hội, tuy nhiên lại gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến chế độ pháp quyền và trách nhiệm giải trình. Ngược lại, trong mô hình chính trị dân chủ đa đảng, quyền lực bị phân tán giữa các đảng phái dẫn đến việc hình thành các chính sách thường chậm hơn, đôi khi bị đảo ngược khi chính đảng khác cầm quyền. Đổi lại, chế độ pháp quyền cũng như mức độ giải trình thường tốt hơn.
Kể từ sau Thế chiến 2 trở lại đây, các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia giành được độc lập, thoát khỏi hệ thống thuộc địa, đã lựa chọn những mô hình chính trị khác nhau để tạo ra một nhà nước đại diện cho quyền lợi của đa số người dân, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân. Như Hình 1.3 chỉ ra, theo phân loại thống kê của Center for Systemic Peace, một tổ chức nghiên cứu độc lập, trong những thập kỷ đầu tiên sau Thế chiến 2, tỷ lệ lựa chọn mô hình độc đoán và mô hình dân chủ là tương đối ngang nhau. Tuy nhiên, mô hình chính trị mang tính dân chủ đa đảng ngày càng được nhiều quốc gia lựa chọn hơn kể từ những năm 1980 trở lại đây.
Hình 1.3. Xu hướng phát triển của mô hình nhà nước trên thế giới
Chú thích: Đo lường bằng tổng điểm của 167 nước về 7 chỉ số quản trị quốc gia. Cột dọc là tổng mức điểm của 6 tiêu chí quản trị nhà nước của 167 quốc gia nghiên cứu. Điểm càng cao thì mức độ dân chủ trong hệ thống này nước càng cao.
Nguồn: Marshall và Cole (2015).
Tuy xu hướng dịch chuyển sang mô hình dân chủ đa đảng ngày càng rõ nét trên thực tiễn, các tranh luận học thuật về lựa chọn mô hình hệ thống chính trị phù hợp với các nước thế giới thứ ba để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và xã hội của những nước này vẫn chưa ngã ngũ, đặc biệt với sự thành công trên thực tiễn của các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Indonesia... trong giai đoạn từ những năm 1960 đến những năm 1990.
Sự thành công của các nước trên, đặc biệt là trong giai đoạn khi nền chính trị của các quốc gia này vẫn đang ở trong giai đoạn chuyên quyền, độc đoán, khiến có nhiều người tin rằng có một “lối đi khác” cho các nước thế giới thứ ba có thể phát triển mà không cần phải trải qua quá trình xây dựng thể chế dân chủ như các nước phương Tây. Tranh cãi được đẩy lên đến mức độ về việc có thể hay không tồn tại một nhà nước phi lý tưởng hoá, tức không tuyệt đối dựa vào bất kỳ nền tảng tư tưởng nào như hệ thống chính trị của các quốc gia thời Chiến tranh Lạnh, mà tập trung vào hiệu quả hoạt động đo bằng phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội, hiệu quả của bộ máy nhà nước, và ổn định xã hội. Điển hình cho mẫu hình đó là mô hình phát triển nhà nước của Singapore:
“Một chính phủ phải thực dụng, phải tìm các giải pháp để hoạt động hiệu quả, chứ không bắt đầu từ bất kỳ giả định nào về ý thức hệ. Một chính phủ như thế phụ thuộc đáng kể vào nền tảng thị trường tự do, bởi thị trường giúp nền kinh tế hiệu quả. Nhưng cùng lúc đó, chính phủ không né tránh một vai trò rất tích cực trong phát triển, như xây dựng nhà ở công cộng, giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng. Hệ thống chúng tôi đang xây dựng là trung dung, chứ không phải là sự phân chia giữa các nhóm lợi ích kinh tế hoặc các nhóm chủng tộc, hoặc giữa người giàu và người nghèo, hoặc giữa cánh tả và cánh hữu.” (Lý Hiển Long, 2015).
Việc tìm kiếm một mô hình hệ thống chính trị mang tính trung dung giữa hai thái cực, dựa trên thực tiễn của mỗi quốc gia ngày càng được nhấn mạnh. Điều này xuất phát từ việc mẫu hình dân chủ đa đảng của các nước phương Tây hoạt động hiệu quả đòi hỏi cần phải có một thời gian thử nghiệm và học hỏi lâu dài. Như lời của cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown, thì phải mất ít nhất 400 năm để xây dựng hệ thống pháp quyền trong xã hội1. Nói như North (1990), trong khi thể chế chính thức có thể thay đổi qua một đêm, nhưng thể chế phi chính thức phải mất vài chục, thậm chí là vài trăm năm để theo kịp. Xây dựng một mô hình dân chủ đa đảng khi chưa có đầy đủ các yếu tố của thể chế phi chính thức thì hệ thống này sẽ không hoạt động một cách hiệu quả, thậm chí trong nhiều trường hợp còn tác động tiêu cực đến tiến trình phát triển của quốc gia. Nguy cơ trước tiên là việc mô hình nhà nước dân chủ tự do có thể bị hướng tới việc xây dựng mẫu hình nhà nước dân tuý, khi mọi chính sách được quyết định không phải vì bản thân hiệu quả của nó, mà là từ cảm quan phi lý trí của đám đông. Điều này dễ dẫn đến tình trạng mà De Tocqueville (2006 [1835]) gọi là “chuyên chế của đám đông” (tyranny of the majority). Các quyết sách của nhà nước dân tuý thường được đưa ra nhằm mua chuộc sự ủng hộ của đa số dân chúng mà không tính đến hậu quả trung và dài hạn cho quốc gia. Đặc trưng của mô hình nhà nước dân tuý là các nước Mỹ Latinh trong giai đoạn 1960 - 1990, Venezuela giai đoạn từ năm 2000 đến nay, hay Thái Lan giai đoạn cầm quyền của Thaksin Shinawatra (2001 - 2006) và Yingluck Shinawatra (2011 - 2014) với chính sách thu mua lúa gạo của nông dân.
1.3.2. Mô hình hệ thống chính trị một đảng thống lĩnh: thành công và thất bại
Mô hình hệ thống chính trị một đảng thống lĩnh (DPS) là lựa chọn được nhiều quốc gia áp dụng sau khi gây dựng nền độc lập khắp nơi trên thế giới. Theo thống kê của Templeman (2014), trong giai đoạn từ 1950 đến 2012, có 30 quốc gia trên thế giới, tại đó hệ thống DPS hiện diện với một đảng thống lĩnh cầm quyền liên tục ít nhất 20 năm. Ngoài những quốc gia được biết đến nhiều như Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Nam Phi, Botswana, Mexico... còn có nhiều nước phương Tây như Áo, Tây Đức, Bỉ, Israel... (xem Bảng 1.2).
Bảng 1.2. Danh sách các đảng thống lĩnh cầm quyền trên 20 năm tại các nước có chế độ bầu cử cạnh tranh, 1950-2012
Quốc gia |
Đảng |
Thời điểm bắt đầu |
Thời điểm kết thúc |
Thời gian cầm quyền (tháng) |
Antigua và Barbuda |
LP |
11/1981 |
03/2004 |
268 |
Úc |
LP+CP |
12/1949 |
12/1972 |
276 |
Áo (I) |
OVP |
12/1945 |
04/1970 |
292 |
Áo (II) |
SPO |
04/1970 |
02/2000 |
358 |
Bỉ |
CVP |
04/1974 |
07/1999 |
303 |
Botswana |
BDP |
09/1966 |
- |
483* |
Cameroon |
CDMP |
10/1992 |
- |
242* |
Canada |
LP |
10/1935 |
06/1957 |
260 |
Gambia |
PPP |
02/1965 |
07/1994 |
353 |
Tây Đức |
CDU+CSU |
09/1949 |
10/1969 |
241 |
Guyana |
PPP |
10/1992 |
12/2012 |
242* |
Ấn Độ |
INC |
08/1947 |
03/1977 |
355 |
Israel |
Mapai/ Labor |
05/1948 |
07/1977 |
349 |
Ý |
DC |
04/1948 |
06/1981 |
426 |
Nhật Bản |
LP/LDP |
12/1954 |
08/1993 |
464 |
Liechtenstein (I) |
FBP |
07/1928 |
03/1970 |
500 |
Liechtenstein (II) |
VU |
04/1978 |
04/2001 |
276 |
Luxembourg (I) |
CSV |
10/1945 |
06/1974 |
344 |
Luxembourg (II) |
CSV |
07/1979 |
- |
329* |
Malaysia |
UMNO/BN |
08/1965 |
- |
496* |
Mexico |
PRI |
07/1946 |
12/2000 |
653 |
Namibia |
SWAPO |
03/1990 |
12/2012 |
273* |
Nga |
Yeltsin/UR |
12/1991 |
12/2012 |
252* |
Samoa |
HRPP |
04/1988 |
12/2012 |
296* |
Senegal |
PS |
02/1978 |
04/2000 |
266 |
Singapore |
PAP |
08/1965 |
- |
496* |
Nam Phi |
NP |
06/1948 |
05/1994 |
551 |
Thụy Điển |
SAP |
09/1936 |
10/1976 |
481 |
Trinida và Tobago |
PNM |
08/1962 |
10/1986 |
292 |
Zimbabwe |
ZANU-PF |
04/1980 |
- |
320* |
Chú thích: * Đảng thống lĩnh vẫn đang cầm quyền. Thời gian cầm quyền chỉ tính đến hết tháng 12/2012.
Nguồn: Templeman (2014.)
Mô hình chính trị DPS có thể đi song hành với mô hình nhà nước kiến tạo phát triển (developmental state) để tạo ra một “nhà nước mạnh” với một đảng lãnh đạo nhằm thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển. Mô hình này nhấn mạnh đến vai trò định hướng của nhà nước một cách lý tính để phát triển kinh tế, với các quyết sách phát triển được đưa ra bởi một nhóm tinh hoa thay vì trải qua một quá trình thảo luận phức tạp như ở mô hình dân chủ đa đảng. Tuy nhiên, mô hình chính trị DPS chứa đựng nhiều yếu tố phi dân chủ, cụ thể như chuyên quyền trong việc ra quyết định chính sách, hạn chế nhiều quyền cá nhân (tự do báo chí, tự do ngôn luận). Mặc dù vậy, đây vẫn được coi là một “lối đi trung dung” giữa mô hình dân chủ và mô hình chuyên quyền, cố gắng vừa đảm bảo được các yếu tố dân chủ trong hệ thống, vừa gây dựng được sự ổn định vốn có trong các chính thể chuyên quyền (Adrian và Barnes, 1974). Do yếu tố lịch sử, mô hình này thường được lựa chọn ở các nước mới giành được độc lập hoặc đang trong bước đầu của quá trình phát triển/tái thiết.
Thực tiễn cho thấy mô hình chính trị DPS này không hẳn luôn đem lại thành công cho các quốc gia áp dụng. Trong khi mô hình này được coi là thành công ở Đông Á thì lại thất bại ở các nước Mỹ La-tinh, dù cả hai đều có cùng một xuất phát điểm và được cho là thực thi chính sách phát triển giống nhau. Giai đoạn đảng vượt trội của Ấn Độ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh của Nehru cũng tỏ ra không hiệu quả, khiến Ấn Độ dường như bị bỏ lại sau các nước láng giềng Đông Á.
Sự thành công hay thất bại của mô hình chính trị DPS phụ thuộc chủ yếu vào việc liệu mô hình này có hình thành được một nhà nước hạn quyền hay không. Như phân tích các ví dụ minh hoạ dưới đây chỉ ra, sự thành công của mô hình này tại các nước Đông Á như Đài Loan và Nhật Bản chủ yếu là vì các quốc gia này đã xây dựng được các thể chế chính trị hạn chế và chế ngự được quyền lực của nhà nước. Trong khi đó, tại Ấn Độ và Nga, hệ thống chính trị này đã không thành công trong việc hạn chế quyền lực của nhà nước, biến nhà nước trở thành công cụ phục vụ lợi ích cho một nhóm người với cái giá phải trả là sự thua thiệt của đa số còn lại.
1.3.2.1. Hệ thống chính trị một đảng thống lĩnh ở Liên bang Nga (2000 - nay)
Quá trình hình thành
Sau khi Liên bang Xô-viết tan rã vào năm 1991, nước Nga nhanh chóng chuyển sang mô hình dân chủ đa đảng. Tuy nhiên, do chưa có đủ sức mạnh về thể chế để tạo ra một nền dân chủ mạnh, nước Nga, quốc gia giữ vai trò của Liên Xô, rơi vào trạng thái hỗn loạn về cả kinh tế và chính trị trong giai đoạn Tổng thống Boris Yeltsin cầm quyền.
Đảng Nước Nga thống nhất (United Russia) là đảng cầm quyền của Nga, lãnh đạo bởi Thủ tướng Vladimir Putin. Đảng này được thành lập vào năm 2001, sau sự sáp nhập của Đảng Tổ quốc - Toàn Nga (Fatherland - All Russia, FAR) và Đảng Thống nhất của Nga (Kremlin - backed bloc Unity), tạo nên một liên minh lớn với 235 trên 450 ghế của hạ viện. Năm 2003, đảng này đã thắng lớn tại cuộc bầu cử quốc hội năm 2003 và trở thành đảng hậu thuẫn trực tiếp cho Tổng thống Vladimir Putin.
Sau khi giành được quyền lực, giới lãnh đạo Nga đã đưa ra một loạt những cải cách thay đổi thể chế nhằm nâng cao vị thế độc quyền cho đảng cầm quyền trên trường chính trị. Đầu tiên, các rào cản thành lập đảng và sáp nhập đảng được nâng cao. Việc đăng ký thành lập đảng trở nên khó khăn hơn: số đảng viên tối thiểu được nâng từ 10.000 lên 50.000 thành viên, với các chi bộ phải hiện diện trên 2/3 khu vực toàn quốc, thay vì 1/2 như lúc trước. Liên minh thành lập khối bị nghiêm cấm, và ngưỡng bầu cử (electoral threshold) trong hạ viện và quốc hội địa phương tăng từ 5% lên 7%. Một số cải cách khác như ủy thác bắt buộc (đại biểu nào rời bỏ đảng cũng sẽ bị mất ghế trong quốc hội), áp dụng phương pháp bỏ phiếu điện tử, và tối thiểu hóa vai trò của người giám sát bầu cử độc lập trong cuộc bầu cử, cũng giúp thiết lập vị thế vượt trội của Đảng Nước Nga thống nhất. Nước Nga, từ một mô hình dân chủ đa đảng chưa hoàn thiện, trên thực tế trở thành một nước có hệ thống chính trị một đảng thống lĩnh.
Bộ máy nhà nước
Tính độc lập của bộ máy hành chính với đảng lãnh đạo thực tế không còn nhiều sau khi Đảng Nước Nga thống nhất, với sự lãnh đạo của Putin, trở thành đảng thống lĩnh. Đây là xu hướng mà một số học giả cho là sự tiếp nối của truyền thống hệ thống quan liêu của các chế độ đi trước - Sa hoàng và Xô-viết.
Quá trình chuyển đổi thể chế ở Nga diễn ra quá nhanh chóng khiến hệ thống tinh hoa thay thế chưa kịp xuất hiện để dẫn dắt bộ máy quan liêu (Shevtsova và Eckert, 2001). Trên thực tế, nước Nga dưới thời tổng thống Putin không có chính sách cụ thể để đãi ngộ nhân tài hay phát triển hệ thống hành chính dựa trên nhóm tinh hoa. Hạn chế về tự do học thuật cũng như tự do ngôn luận cũng khiến nhiều trí thức nổi tiếng của Nga đã phải rời quốc gia này trong giai đoạn Putin nắm quyền. Ví dụ tiêu biểu nhất là sự cố của kinh tế gia Sergei Guriev, nhà kinh tế học đương đại nổi tiếng nhất của LB Nga, phải tị nạn chính trị sau khi bị tra khảo bởi cơ quan an ninh sau khi đưa ra những đánh giá mang tính khoa học về vụ án của Mikhail Khodorkovsky (Guriev, 2013).
Sau cải cách chính trị những năm đầu, nền kinh tế Nga, cũng như những nền kinh tế hậu cộng sản khác, trải qua thời kỳ tư hữu hóa nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc tư nhân hoá các công ty nhà nước quá nhanh và vội vàng đã khiến nước Nga hậu Xô-viết thất thoát một lượng tài sản khổng lồ. Chỉ trong vòng sáu năm (1990 - 1996), số tài sản cố định của DNNN đã giảm từ chiếm 91% tổng tài sản cố định trong nền kinh tế xuống chỉ còn 23% (hình 1.4).
Hình 1.4. Tỷ trọng tài sản cố định của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân của Liên bang Nga, 1990-2008
Nguồn: Rosstat, Thống kê thường niên của Nga
Mức tài sản cố định của DNNN xoay quanh khoảng 24% được giữ ổn định cho đến thời điểm hiện tại (2015). Các DNNN của Nga có quy mô rất lớn, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp liên quan đến cơ sở hạ tầng, dịch vụ tài chính, và truyền thông. Hoạt động của các DNNN này của Nga nhưng không đi kèm với cơ chế hoạt động minh bạch, dẫn đến tình trạng chúng bị lợi dụng để trở thành công cụ chính trị. Cụ thể, trong những năm gần đây, chính phủ Nga thường xuyên sử dụng tập đoàn dầu khí Gazprom như là một công cụ để mặc cả chính trị với các nước châu Âu.
Hệ thống pháp quyền
Cơ quan tư pháp là một trong những tổ chức công tham nhũng nhất nước Nga, như đã được miêu tả trong báo cáo của tổ chức minh bạch quốc tế năm 2013 (Transparency International, 2013). Tư pháp ở Nga bị phụ thuộc vào cơ quan hành pháp. Theo như tổ chức Freedom House trong báo cáo Freedom in the World năm 2014, can thiệp chính trị vào việc lựa chọn thẩm phán và các vụ kiện là chuyện thường xảy ra. Các tòa án là các cơ quan có chỉ số tham nhũng cao nhất trong số các cấp bậc của hệ thống tư pháp tại Nga (Bertelsmann Stiftung, 2014). Tuy nhiên, theo Luật liên bang số 262 năm 2012, đòi buộc các tòa án phải công khai công bố hoạt động, đã giúp tăng tính minh bạch trong việc lựa chọn thẩm phán và việc thi hành pháp luật trong phòng ngừa xung đột lợi ích và hối lộ thẩm phán (Bureau of Economic and Business Affairs, 2014).
Trách nhiệm giải trình
Mặc dù trên danh nghĩa các quyền cá nhân của công dân đều được tôn trọng, các thang đo về các quyền cá nhân ở Liên bang Nga đều đi xuống trong giai đoạn hình thành đảng thống lĩnh kể từ năm 2001 tới nay.
Tự do báo chí ở Nga là một vấn đề gây tranh cãi. Giám đốc các cơ quan truyền thông không dám thực hiện các chính sách một cách độc lập, các nhà báo bị hạn chế trong việc tiếp cận nguồn thông tin và bị áp lực khi viết tới những nội dung nhạy cảm. Truyền thông ở Nga bao gồm tivi, kênh radio, tạp chí và internet, mà theo như Luật của Liên bang Nga, có thể được sở hữu bởi nhà nước hoặc tư nhân.
Tự do báo chí ở Nga có nhiều vấn đề và bị chỉ trích bởi các tổ chức quốc tế. Hiến pháp của Nga cho phép tự do ngôn luận và báo chí. Tuy nhiên, dưới áp lực của chính phủ, báo chí đã bị ép phải tự kiểm duyệt, không được động chạm tới những vấn đề gây tranh cãi. Trên thực tế, quyền tự do báo chí đã bị xâm phạm. Theo Human Rights Watch, chính phủ Nga đã kiểm soát xã hội dân sự thông qua các điều luật bổ sung, các biện pháp cấm đoán và hạn chế. Năm 2013, Nga đứng thứ 148 trên 179 nước trên thế giới về chỉ số tự do báo chí, xếp hạng bởi Phóng viên không biên giới (Reporters Without Borders, 2013). Báo cáo của Freedom House năm 2015 đánh giá Nga ở mức 83 điểm (100 là điểm tệ nhất), phần lớn bởi luật mới được công bố vào năm 2014 gia tăng quyền kiểm soát của nhà nước đến giới truyền thông.
Trong những thập kỷ vừa qua, xã hội dân sự của Nga đã có những phát triển nhất định, nhất là ở những thành phố lớn. Nhưng ngay cả sự phát triển mới chớm này cũng bị đe dọa bởi quyền lực của Putin, nhất là trong thời kỳ chế độ của Putin được cho là độc đoán nhất. Từ năm 2006, chính phủ Nga áp đặt một điều luật mới đối với các tổ chức phi chính phủ (NGOs), buộc các tổ chức này phải đăng ký với chính quyền nếu muốn hoạt động tiếp. Theo luật mới, tài trợ từ nước ngoài cho các NGOs bị hạn chế, và chính phủ có quyền điều tra các tổ chức này cũng như yêu cầu tòa án cho đóng cửa nếu hoạt động của NGOs mâu thuẫn với chính quyền. Thực tế, đã có vài ngàn tổ chức phải giải tán dưới luật mới này. Bị can thiệp mạnh nhất là các tổ chức nhân quyền, những tổ chức có nguồn tài trợ chủ yếu từ nước ngoài. Kể từ khi có luật mới năm 2006, chính phủ Nga trở thành nguồn chi chính cho hoạt động của các NGOs ở Nga, trợ cấp lên tới khoảng 51 triệu đô la hằng năm. Theo Human Rights Watch (2008), 44% NGOs ở Nga nhận tiền trợ cấp từ chính phủ, điều này cho thấy các NGOs khó có thể hoạt động chống lại chính quyền .
Khi sử dụng các biện pháp đo lường xã hội dân sự thông thường, xã hội dân sự Nga được coi như là yếu nhất so với các xã hội dân sự của các nước khác ở khu vực Tây Âu, và thậm chí còn yếu hơn cả những khu vực thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước đây ở châu Âu. Theo báo cáo Life in Transition Survey II, thực hiện bởi Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) và Ngân hàng Thế giới vào năm 2010 trên khoảng 39 ngàn hộ gia đình trên 34 quốc gia, Nga có mức độ thấp nhất về công dân tham gia vào các tổ chức tình nguyện (active membership), thấp nhất về mức độ tham gia đình công và biểu tình, và thấp nhất về mức độ kiện cáo trong tất cả các nước châu Âu sau khi khối xã hội chủ nghĩa tan rã (EBRD và WB, 2011). Một số nước hậu cộng sản năm 2010 đã đạt tới mức độ phát triển xã hội dân sự bằng với các nước khu vực Tây Âu nếu tính theo cách đo lường này. Tuy nhiên, Nga tiếp tục bị bỏ xa lại phía sau, không chỉ tụt hậu so với các nước Tây Âu mà còn so với các nước châu Âu hậu cộng sản khác. Hơn nữa, theo Hình 1.5, người Nga không có nhiều niềm tin vào các tổ chức dân sự. Chỉ có 12% người Nga tin vào các NGOs, một mức rất thấp so với các nước Tây Âu và châu Âu hậu cộng sản khác.
Hình 1.5. Mức độ tin tưởng vào các tổ chức phi chính phủ tại một số quốc gia
Nguồn: Ngân hàng Tái thiết và phát triển Châu Âu (2010).
1.3.2.2. Hệ thống chính trị một đảng thống lĩnh ở Ấn Độ (1950 - 1989)
Quá trình hình thành
Sau khi chính thức giành được độc lập từ Anh vào năm 1947, lãnh thổ tự trị Ấn Độ thuộc Anh bị chia cắt ra làm hai quốc gia độc lập: Pakistan và Ấn Độ. Sau khi chính thức khai quốc vào năm 1950, Ấn Độ, dưới sự lãnh đạo của Jawaharlal Nehru đã xây dựng nền kinh tế theo mô hình chủ nghĩa xã hội với các chính sách như: không đánh thuế nông dân, quốc hữu hoá ngành công nghiệp nặng, thiết lập hệ thống lương tối thiểu cho công nhân. Những chính sách này, cộng với năng lực chính trị của Nehru và gia đình nhà Gandhi, đã giúp đảng Quốc đại nắm quyền kiểm soát Quốc hội Ấn Độ trong suốt giai đoạn từ 1950 - 1989. Tuy nhiên kể từ năm 1990 trở lại đây, đảng Quốc đại phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt của đảng Bharatiya Janata.
Bộ máy nhà nước
Khác với những quốc gia Đông Á trong giai đoạn áp dụng mô hình chính trị một đảng thống lĩnh để xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, Ấn Độ không hình thành được bộ máy hành chính có tính kỹ trị để thực hiện chiến lược công nghiệp hoá. Hệ thống công chức ở Ấn Độ có xu hướng đi theo sự chỉ đạo của các chính trị gia và chủ các doanh nghiệp lớn hơn là thực thi các chính sách phát triển độc lập do họ thiết kế. Tuy có thành lập Ủy ban Kế hoạch Quốc gia trong giai đoạn Thủ tướng Nehru nắm quyền, nhưng vai trò của Ủy ban này của Ấn Độ hạn chế hơn rất nhiều so với các ủy ban tương tự ở Đông Á (Herring, 1999). Thêm vào đó, nghiên cứu của Gorud (2011) cho rằng bộ máy hành chính nhà nước của Ấn Độ trong giai đoạn cầm quyền của đảng Quốc đại đã không có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ to lớn của nó: không đánh giá tính khả thi khi thi hành các kế hoạch 5 năm theo mô hình Xô-viết, quá lạc quan về khả năng thực thi chính sách của cơ quan nhà nước, không tính đến vấn đề hạn chế về nguồn lực, và mức độ chia sẻ thông tin giữa các cơ quan là rất thấp.
Các nhà hoạch định chính sách của chính quyền trung ương tuy không phải chịu nhiều áp lực từ các nhóm lợi ích nhưng đã không chống lại được những nhóm tạo áp lực lên chính quyền địa phương để ngăn cản những thay đổi rộng lớn từ chính sách. Các quan chức trong bộ máy hành chính địa phương bất mãn với chính quyền trung ương và thường bỏ ngoài tai những ý kiến của các lãnh đạo trung ương để theo đuổi tư lợi; trong khi đó hệ thống giấy phép nhiều tầng nấc lại tạo điều kiện cho nhiều quan chức cấp thấp trong bộ máy hành chính bòn rút các công ty tư nhân (Gorud, 2011). Kết quả là, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ thời kỳ này chỉ đề ra những kế hoạch không bao giờ thực hiện được.
Ở giai đoạn đảng Quốc đại giữ vị trí thống lĩnh, Ấn Độ theo chủ nghĩa bảo hộ, áp dụng chính sách công nghiệp hóa theo hướng thay thế hàng nhập khẩu và hạn chế đầu tư nước ngoài vào trong nước. Nhà nước can thiệp mạnh vào nền kinh tế bởi các nhà lãnh đạo, đặc biệt là Thủ tướng Jawaharlal Nehru, không tin vào khu vực kinh tế tư nhân nhỏ bé cũng như mong muốn xây dựng một nền kinh tế mang màu sắc xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô-viết (Gorud, 2011).
Theo chủ trương này, khu vực DNNN được nhà nước tập trung nguồn lực để phát triển, trong khi khu vực kinh tế tư nhân lại bị kìm hãm bởi nhiều biện pháp hành chính khác nhau. Một trong những công cụ giúp nhà nước thực hiện chính sách này là hệ thống giấy phép Raj. Theo đó, các công ty tư nhân buộc phải xin phép chính phủ trong mọi hoạt động kinh doanh. Cụ thể, các công ty này phải xin dấu của 80 cơ quan chính phủ để có thể hoạt động. Không những thế, nhà nước còn điều tiết sản lượng được phép sản xuất của từng ngành. Hệ thống giấy phép này là nguồn gốc của “tốc độ tăng trưởng Hindu”, ám chỉ mức tăng trưởng rất thấp, của Ấn Độ trong thời kỳ này (Schuman, 2010) .
Hệ thống pháp quyền
Hệ thống pháp luật của Ấn Độ trong giai đoạn đảng Quốc đại nắm quyền thống lĩnh thừa kế ảnh hưởng từ nhiều nguồn, bao gồm tư pháp thời thuộc địa Anh và hệ thống luật lệ của các tiểu vương quốc Ấn Độ khoảng giữa thế kỷ XIX trở về trước. Cơ quan tư pháp phân ra làm nhiều cấp độ tòa án, mỗi tòa án có quyền hành khác nhau phụ thuộc vào cấp độ và thẩm quyền được trao khác nhau. Hiến pháp quy định tư pháp Ấn Độ độc lập với hành pháp và lập pháp. Tuy nhiên, dưới thời Thủ tướng Nehru, trong nhiều trường hợp, như cải cách ruộng đất vào đầu những năm 1950, Hiến pháp và luật được diễn giải theo hướng biện minh cho những quyết định quan trọng đưa ra bởi chính quyền (Mandrinath, 2015).
Tham nhũng là một trong những vấn đề nhức nhối của Ấn Độ trong giai đoạn đảng Quốc đại thống lĩnh, và chính một trong những cáo buộc tham nhũng liên quan đến lãnh đạo của đảng Quốc đại đã khiến đảng này thất bại trong cuộc bầu cử 1977. Ở chính quyền cấp địa phương, tham nhũng còn trầm trọng hơn, khi các công chức, viên chức thường không coi trọng những chỉ đạo từ phía trên, mà chạy theo lợi ích cá nhân. Hệ thống giấy phép Raj mang nặng tính xin cho tạo điều kiện cho tham nhũng tràn lan ở cấp địa phương (Herring, 1999).
Trách nhiệm giải trình
Ở giai đoạn hậu thuộc địa, nhà nước Ấn Độ, với sự lãnh đạo của đảng Quốc đại, tự nhận mình là người bảo vệ và có trách nhiệm xóa đói giảm nghèo cũng như phát triển con người. Nhà nước thời Nehru đã tập trung được quyền lực rất mạnh vào tay trung ương để theo đuổi lý tưởng thực thi công bằng xã hội và tự do xã hội. Chính việc tin tưởng quá mạnh vào sự lãnh đạo của Nehru và đảng Quốc đại đã khiến cho hoạt động của xã hội dân sự trong giai đoạn đảng này nắm quyền thống lĩnh tại Ấn Độ không thực sự có sức sống và dần dần bị mất tự do.
Sau khi giành độc lập, nhiều NGOs hoạt động dưới quyền của nhà nước và trở thành công cụ thực thi chính sách của nhà nước. Trong giai đoạn điều hành của Indira Gandhi (1967 - 1977), xã hội dân sự bị kìm kẹp chặt chẽ hơn nữa. Điều này bắt nguồn từ luật Tình trạng Khẩn cấp của bà Indira Gandhi, theo đó, nhiều quyền chính trị và quyền dân sự của người dân bị cấm đoán. Các hoạt động chính trị bị cấm, thông tin bị kiểm duyệt chặt chẽ. Có 26 tổ chức chính trị từ cánh tả tới cánh hữu bị cấm hoạt động. Các chính trị gia đối lập bị bỏ tù và cuộc bầu cử quốc hội tháng 3 năm 1976 bị hủy bỏ. Chính phủ cấm các tổ chức tình nguyện hoạt động và cho phép duy nhất các NGOs phi chính trị liên quan tới phúc lợi xã hội và dịch vụ phân phối. Theo khoản 5 của luật này, chính phủ có quyền xóa sổ bất cứ tổ chức chính trị nào không thuộc đảng phái của đảng cầm quyền (Sahoo, 2013).
Sau một quãng thời gian gián đoạn, đánh mất vị trí thống lĩnh do thất bại trong tổng tuyển cử năm 1977, Đảng Quốc đại của bà Gandhi trở lại cầm quyền trong giai đoạn 1980-1984. Khi lên nắm quyền trở lại, bà Gandhi hạn chế hoạt động của phong trào tình nguyện, vốn nở rộ trong giai đoạn đảng đối lập Janata cầm quyền. Bà buộc các NGOs nhận tài trợ từ nước ngoài phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, lập tài khoản riêng và chỉ được nhận tất cả các khoản tài trợ bằng tài khoản đó, và phải thông báo với cơ quan chủ quản số tiền nhận được. Luật này cho phép nhà nước cấm bất cứ tổ chức nào được nhận tiền từ nước ngoài, nếu nhà nước thấy tổ chức đó có hoạt động chính trị thay vì là một NGO trung lập. Như vậy, các NGOs thời Indira Gandhi bị giới hạn hoạt động chỉ trong lĩnh vực phúc lợi xã hội và các hoạt động phi chính trị.
Cùng chung với sự hạn chế phát triển của xã hội dân sự, các quyền cá nhân khác như quyền tự do thông tin, tự do báo chí, tự do ngôn luận không được bảo đảm tuyệt đối trong xã hội Ấn Độ giai đoạn đảng Quốc đại nắm quyền thống lĩnh, đặc biệt trong giai đoạn gia đình Gandhi cầm quyền.
1.3.2.3. Hệ thống chính trị một đảng thống lĩnh ở Đài Loan (1949 - 1990)
Quá trình hình thành
Tháng 12 năm 1949, Tưởng Giới Thạch dời chính phủ của ông đến Đài Loan, và Đài Bắc biến thành thủ đô tạm thời của Trung Hoa Dân Quốc (còn được gọi là "thủ đô thời chiến"). Từ thời điểm này trở đi, Quốc Dân Đảng kiểm soát Đài Loan, Kim Môn, quần đảo Matsu. Quốc Dân Đảng tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với "Trung Quốc", mà đảng này định nghĩa bao gồm Trung Hoa Dân Quốc đại lục, Đài Loan, Mông Cổ và các khu vực khác.
Năm 1950, Tưởng Giới Thạch nhậm chức tại Đài Bắc. Quốc Dân Đảng thống trị Đài Loan trong chế độ độc tài một đảng cho đến khi cải cách diễn ra từ những năm 1970 đến những năm 1990. Trong những năm 1970, Quốc Dân Đảng mới bắt đầu cho phép các cuộc bầu cử bổ sung được diễn ra tại Đài Loan để lấp đầy ghế trống trong Quốc hội. Mặc dù các đảng phái đối lập không được phép hoạt động, nhưng các đại diện ngoài đảng được cho phép tham gia quốc hội.
Trong những năm giữa thập niên 1980, chính phủ do Quốc Dân Đảng lãnh đạo quyết định thay đổi chính sách, chuyển từ hệ thống một đảng sang đa đảng; cũng trong thời gian này, phong trào “Tangwai” - một phong trào chính trị ủng hộ việc bầu cử cho những người không thuộc Quốc Dân Đảng từ cuối thập niên 1970 - ngày càng thu hút được nhiều sự ủng hộ của dân chúng. Phong trào này dẫn đến sự ra đời của Đảng Dân chủ Tiến bộ ngày 28 tháng 9 năm 1986, từ đó đảng này cạnh tranh với Quốc Dân Đảng trong các cuộc bầu cử nghị viện. Đài Loan chuyển từ chế độ một đảng thống lĩnh sang đa nguyên lưỡng cực (polarized pluralism).
Bộ máy nhà nước
Trước khi quá trình dân chủ hóa tại Đài Loan diễn ra, Đài Loan có một bộ máy hành chính nhà nước tương đối nhiều quyền lực, ít phải chịu trách nhiệm giải trình đối với người dân và gắn bó chặt chẽ với hệ thống đảng của Quốc Dân Đảng. Tuy nhiên, khi quá trình dân chủ hóa diễn ra, mối liên hệ giữa đảng này và bộ máy hành chính nhà nước đã bị suy giảm, dù rằng vào những năm 1990, mối quan hệ này vẫn còn rất gần gũi. Với sự thành lập của Lập pháp Viện (Legislative Yuan) vào cuối những năm1990, cơ quan lập pháp trở nên độc lập hơn với cơ quan hành pháp. Đặc biệt, các chính trị gia đối lập từ Đảng Tiến bộ Dân chủ và Đảng Mới (the New Party) đã có thể nâng cao tầm ảnh hưởng nhằm tạo điều kiện cho họ tác động đến việc ra chính sách. Vai trò của Quốc dân Đảng trong Lập pháp Viện và tầm ảnh hưởng của nó tới việc bầu cử cũng như bổ nhiệm các vị trí dân sự cũng bị suy yếu dần.
Mặc dù là một đảng độc tài duy nhất tại Đài Loan sau năm 1949, Quốc Dân Đảng đã tạo dựng được một chính quyền kỹ trị tập trung vào thực hiện những cải cách kinh tế theo hướng thị trường tại quốc đảo này. Các cải cách quan trọng trong thập kỷ 1950 bao gồm ổn định kinh tế vĩ mô, đầu tư lớn vào nông nghiệp và phát triển nông thôn, thực hiện công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu. Đầu những năm 1960, chính phủ bắt đầu thực hiện các chính sách định hướng xuất khẩu.
Cũng trong thập niên 1950, tại Đài Loan đã diễn ra cuộc tranh luận trong nội bộ Quốc Dân Đảng về việc lựa chọn khu vực tư nhân hay khu vực nhà nước làm động lực tăng trưởng kinh tế. Cuối cùng khu vực tư nhân đã được lựa chọn. Nếu như vào năm 1952, khu vực DNNN chiếm tới 56% tỉ trọng giá trị sản xuất công nghiệp thì vào đầu thập niên 1970, con số này xuống còn 20% (Amsden, 1979). Kết hợp với chính sách định hướng xuất khẩu, các doanh nghiệp tư nhân Đài Loan đã cạnh tranh với các doanh nghiệp của các quốc gia khác để giành thị phần xuất khẩu sang các nền kinh tế thị trường lúc bấy giờ, đặc biệt là Mỹ.
Mặc dù vậy, chính quyền của Quốc Dân Đảng vẫn duy trì khu vực DNNN tương đối lớn trong nhiều lĩnh vực công nghiệp nặng như luyện thép, luyện nhôm, hoá dầu, đóng tàu và tài chính ngân hàng. Trong suốt 40 năm thiết quân luật, tất cả các lãnh đạo của DNNN đều là các đảng viên trung thành với Quốc Dân Đảng. Từ những năm 1980, chính phủ Đài Loan bắt đầu tiến hành tư nhân hóa mạnh mẽ các DNNN.
Song song với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Quốc Dân Đảng dành sự quan tâm nhất định đến khía cạnh phân phối thu nhập. Nhờ việc thúc đẩy tăng trưởng thông qua các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Đài Loan không có những tập đoàn kinh tế khổng lồ như ở nhiều quốc gia Đông Á khác. Thu nhập được phân bổ đều hơn. Hơn thế, chính quyền Đài Loan đã đầu tư rất nhiều vào hệ thống giáo dục. Nhờ chính sách đầu tư thích đáng cho giáo dục, Đài Loan đã trang bị được vốn con người cho người dân nước mình, qua đó đảm bảo được thu nhập thông qua công việc chứ không trông đợi vào hệ thống phúc lợi của chính phủ.
Có thể thấy Quốc Dân Đảng đã thành công trong việc xây dựng một bộ máy hành chính nhà nước kiến tạo phát triển. Tuỳ từng giai đoạn, Quốc Dân Đảng đã chuyển hoá nền kinh tế Đài Loan từ một quốc đảo phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp và thuỷ sản sang một nền kinh tế định hướng xuất khẩu hàng hoá gia công và cuối cùng trở thành một nền kinh tế sáng tạo, năng động vào bậc nhất châu Á. Đài Loan trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á gia nhập nhóm Các nền kinh tế công nghiệp mới (New Industrialized Economies - NIEs) (Lau, 2002).
Hệ thống pháp quyền
Vào những năm 1950, Quốc Dân Đảng thông qua một đạo luật khiến cho tòa án hiến pháp gặp khó khan trong việc kiểm soát các hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, đảng này chưa bao giờ giành được toàn bộ quyền lực của tòa án. Quốc Dân Đảng đã áp dụng nhiều biện pháp và kênh dẫn truyền khác nhau để can thiệp vào hệ thống tư pháp, bao gồm quản lý nhân sự, chuyển giao việc làm, quản lý tài chính cũng như quản lý và tổ chức nội bộ. Nghiên cứu của Wu và Huang (2004) chỉ ra rằng bởi các tòa án đã từ lâu đã thao túng chính trị, trong giai đoạn này xã hội mất lòng tin vào hệ thống tư pháp. Đại đa số các ứng cử viên của hệ thống tư pháp là thành viên của đảng cầm quyền. Một trong những hậu quả là ngành tư pháp đã không thể điều tra nghiêm ngặt việc mua bán phiếu bầu trong các cuộc bầu cử. Các cơ quan tư pháp dù đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn nhưng vẫn không thu được kết quả mong muốn .
Trong quá trình phát triển về sau, thẩm phán bắt đầu được phân cấp thứ bậc, và họ có xu hướng đi theo truyền thống của Nhật Bản hơn là Trung Hoa đại lục. Nền tảng của nền tư pháp độc lập tại Đài Loan được bắt nguồn từ những thẩm phán này (Ginsburg, 2010).
Trách nhiệm giải trình
Trong giai đoạn Quốc Dân Đảng thống lĩnh, xã hội dân sự Đài Loan bị suy yếu để phục vụ cho mục đích điều hành. Không có tổ chức chính trị nào được phép thành lập trong giai đoạn này. Các biện pháp hành chính được triển khai nhằm quản lý khu vực xã hội và thiết lập trật tự xã hội. Chính quyền Tưởng Giới Thạch ngăn cấm sự hình thành các hoạt động tình nguyện, bởi lo sợ rằng các tổ chức tình nguyện có nguy cơ hình thành nên các lực lượng chống lại chính phủ. Cách điều hành trật tự xã hội áp đặt từ trên xuống ngăn chặn sự tương tác xã hội trong mọi lĩnh vực (Lin, Liao, và Field, 2005).
Dưới chế độ thiết quân luật (1949 - 1987), chính phủ áp đặt kiểm soát báo chí, cấm đoán các đảng phái chính trị khác hoạt động, hạn chế tự do ngôn luận, tự do báo chí và lập hội. Hơn thế, từ năm 1950 đến năm 1952, Quốc Dân Đảng thiết lập một mạng lưới các chi bộ đảng của mình trong chính phủ, quân đội và xã hội, buộc mọi đảng viên phải tuân theo các chỉ thị hoặc nghị quyết của đảng. Tuy nhiên, các quyền cá nhân của công dân không bị kiểm soát, miễn là chúng không mâu thuẫn với chính sách của chính quyền, và không liên quan đến các hoạt động chính trị.
Trong những năm đầu thập niên 1980, nhiều phong trào đấu tranh trong xã hội nổ ra, khiến Quốc dân Đảng nới lỏng kiểm soát với các xã hội dân sự. Các phong trào này là nguồn gốc hình thành Đảng Dân chủ Tiến bộ. Năm 1987, Tưởng Kinh Quốc, con trai Tưởng Giới Thạch kết thúc gần bốn thập niên chế độ thiết quân luật của Đài Loan, nới lỏng quyền kiểm soát của chính phủ đối với người dân, và thực hiện những bước tiến quan trọng để tiến tới việc bảo vệ nhân quyền cũng như tạo nên một chế độ chính trị dân chủ, bao gồm cả việc chấm dứt hầu hết các chính sách cấm đoán đối với truyền thông.
1.3.2.4. Hệ thống chính trị một đảng lãnh đạo ở Nhật Bản (1955 - 1990)
Quá trình hình thành
Hệ thống chính trị một đảng thống lĩnh của Nhật Bản hình thành vào giai đoạn sau Thế chiến 2, khi nước Nhật bại trận và phải chịu sự kiểm soát của quân Đồng minh, đại diện là Mỹ. Đảng Dân chủ Tự do (LDP) được thành lập vào năm 1955 thông qua việc sáp nhập hai đảng bảo thủ lớn của Nhật Bản là Đảng Tự do Nhật Bản và Đảng Dân chủ Nhật Bản. Được chính quyền Mỹ ủng hộ, LDP giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 1955 và lãnh đạo nước Nhật trong một thời gian dài mà không bị thách thức bởi các chính đảng khác cho đến thời điểm hiện tại (ngoại trừ giai đoạn 1993 - 1994 và 2009 - 2012).
Bộ máy nhà nước
Mặc dù LDP là đảng thống lĩnh tại Nhật Bản trong 70 năm qua nhưng đất nước này vẫn duy trì được sự độc lập đáng kể giữa bộ máy hành chính nhà nước với bộ máy chính trị (Gorud, 2011). Bộ máy hành chính nhà nước tương đối tự chủ trong việc xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế và phối hợp chính sách giữa các bộ ngành và với khu vực doanh nghiệp để phát triển kinh tế. Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế (MITI) được thành lập từ sau Thế chiến 2 đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong việc điều tiết định hướng nền kinh tế. MITI có mối quan hệ khá khăng khít với LDP. Với các vấn đề liên quan đến chính sách công nghiệp, LDP cho phép MITI có khoảng không gian tự chủ rất lớn để hành động. Rất hiếm có một bộ nào ở Nhật Bản cũng như ở ngoài Nhật Bản được hưởng quyền tự chủ lớn đến vậy (Okimoto, 1989, tr. 181). Với sự ổn định về hệ thống chính trị, các quan chức của MITI, với sự hỗ trợ của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao, đã có thể xây dựng và theo đuổi được những chính sách phát triển công nghiệp dài hạn.
Các chính sách phát triển do bộ máy nhà nước của Nhật Bản đề xuất ít gặp phải sự phản đối của các nhóm lợi ích, chủ yếu là nhờ LDP đã xây dựng được một hệ thống các chi bộ đảng rộng khắp và bao trùm mọi tầng lớp của Nhật Bản, từ nông thôn cho tới thành thị, từ tầng lớp lao động cho tới giới thương gia. Một bộ phận đảng viên của LDP xuất thân từ các tầng lớp dân cư khác nhau được đưa vào tham gia bộ máy nhà nước, trở thành cầu nối quan trọng giữa LDP và bộ máy nhà nước.
Nhờ việc cho phép bộ máy nhà nước hoạt động tương đối độc lập trong việc xây dựng và theo đuổi các chính sách kinh tế dài hạn, hệ thống chính trị một đảng thống lĩnh ở Nhật Bản đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao tại Nhật Bản trong suốt bốn thập niên sau Thế chiến 2. Không những thế, đảng này còn đảm bảo được sự phân phối thu nhập tương đối bình đẳng trong xã hội Nhật Bản. Để làm được điều này, Chính phủ Nhật Bản đã tăng đáng kể tỷ lệ chi tiêu ngân sách trên GNP, đặc biệt cho an sinh xã hội. Cụ thể, từ năm 1970 tới năm 1982, tỉ lệ tổng chi tiêu ngân sách trên GNP đã tăng từ mức 7% lên 17%. Cũng trong thời gian này, chi tiêu cho an sinh xã hội đã tăng từ 4 nghìn tỷ yên lên 36 nghìn tỷ yên (Okimoto, 1989, tr. 191). Nhờ chính sách này, Nhật Bản luôn nằm trong nhóm đầu của các nước OECD xét trên khía cạnh bình đẳng thu nhập. Đây là một thực tế quan trọng cho thấy lợi ích của tăng trưởng kinh tế được phân bổ cho hầu hết các tầng lớp dân cư chứ không phải trong nhóm ủng hộ LDP.
Hệ thống pháp quyền
Do sự thống lĩnh của LDP, hệ thống lập pháp của Nhật Bản tương đối gắn kết với bộ máy hành pháp. Nghiên cứu của Johnson (1995) chỉ ra rằng hệ thống công chức Nhật Bản nắm vai trò quan trọng trong quá trình lập pháp và đệ trình các dự án luật lên Nghị viện (Diet) để đảm bảo mục tiêu xây dựng chính sách nhất quán trong dài hạn.
Trong khi đó, hệ thống tư pháp lại độc lập gần như hoàn toàn với giới chính trị, được người dân hết sức tin tưởng. Sự độc lập của hệ thống tư pháp Nhật Bản là di sản được hình thành từ thế kỷ XIX, được quy định ngay trong Hiến pháp 1889 của Nhật Bản. Các thẩm phán Nhật Bản rất liêm chính. Tham nhũng trong xét xử là điều hiếm khi xảy ra (Haley, 2002).
Trách nhiệm giải trình
Theo Hiến pháp, người dân Nhật Bản được đảm bảo các quyền cá nhân rộng rãi nhất. Tuy nhiên, theo truyền thống, người dân Nhật Bản rất tin tưởng vào chính phủ. Trong các thập niên 1960 và 1970, một bộ phận người dân Nhật Bản bắt đầu thực hành các quyền dân sự của mình như tự đứng ra tổ chức các phong trào hoà bình, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, v.v. Mặc dù vậy, các phong trào này chỉ mang tính địa phương và hiếm khi mở rộng ở cấp độ toàn quốc. Chỉ từ giữa thập niên 1990 trở lại đây, người dân Nhật Bản mới quan tâm hơn đến các hoạt động của xã hội dân sự. Điển hình là những cuộc vận động liên quan đến việc đóng cửa căn cứ quân sự Mỹ tại Okinawa, phong trào chống đối việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử, v.v. (Vosse, 1999).
Sự tin tưởng của người dân vào bộ máy nhà nước xuất phát từ tinh thần trách nhiệm phụng sự nhân dân của công chức Nhật Bản. Theo truyền thống, công chức luôn nhấn mạnh đến trách nhiệm theo nghĩa bổn phận với dân, và bởi công chức cảm thấy rằng mình đã làm tròn bổn phận của mình nên họ thấy không cần thiết phải giải trình hoặc giải thích các hành động của mình. Ý niệm về trách nhiệm giải trình với dân chỉ mới được đưa vào trong hệ thống bộ máy nhà nước Nhật Bản cuối thập kỷ 1990. Đạo luật công bố thông tin hành chính mới chỉ được ban hành vào năm 1999, theo đó “chính phủ giải trình các hoạt động của mình cho người dân”. Cũng vào năm 1999, Đạo luật về lấy ý kiến người dân (public comment procedure) đối với viện ban hành pháp luật hoặc những chính sách quan trọng cũng được ban hành (Kadomatsu, 2011).
Chú thích:
(1) “The two Mexicos”, Economist, 19/09/2015.http://www.economist.com/news/leaders/21665027-its-combination-modernity-and-poverty-mexico-provides-lessons-all-emerging
Nguồn: Đinh Tuấn Minh và Phạm Thế Anh (chủ biên) (2017). Từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo phát triển . NXB Tri Thức. (Báo cáo được thực hiện bởi các nhóm nghiên cứu: CIEM, VIE, VEPR, VCCI).