Mô hình trường chuyên từ góc độ chính sách công
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”(1), “Đất nước thịnh vượng tất ở việc cử hiền”(2). Việc lựa chọn, bồi dưỡng nhân tài từ lâu đã được coi là việc cần thiết, ưu tiên của các bậc đế vương. Thời nay, ngân sách nhà nước trợ cấp mạnh cho các trường chuyên cũng trên cơ sở tin tưởng rằng những tài năng này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Vậy trường chuyên liệu có thực sự đem lại hiệu quả dưới góc nhìn của khoa học chính sách công hay không?
Trợ cấp cho trường chuyên là trợ cấp cho nhân tài
Theo lý thuyết chính sách công, cơ sở chủ yếu để biện minh cho trợ cấp giáo dục tại trường chuyên là “ngoại ứng tích cực”(3). Giáo dục tại các trường chuyên sẽ mang lại ngoại ứng tích cực cho xã hội nếu có thể phát hiện, bồi dưỡng các nhân tài, nhà khoa học hoặc các lãnh đạo cộng đồng.
Để đơn giản cho việc hình dung, ta giả định chỉ có trường chuyên đào tạo được nhân tài và số lượng nhân tài trong xã hội được xác định bởi cung nhân tài do các trường chuyên đào tạo (đường S)(4) và cầu nhân tài của xã hội (đường D)(5) như thể hiện trong hình 1. Trên thị trường tự do, các trường chuyên sẽ cung ứng nhân tài tại điểm cung và cầu gặp nhau, tương ứng với điểm A.
Chúng ta đầu tư lớn với kỳ vọng những học sinh chuyên sẽ trở thành những lãnh đạo tài năng dẫn dắt cộng đồng. Dẫn dắt như thế nào đây trong khi họ không có đủ sự thấu cảm hoặc thậm chí còn không biết tới “các tầng mây khác” trong xã hội?
Việc các trường chuyên đào tạo thêm một nhân tài sẽ tạo ra tác dụng phụ có lợi cho xã hội. Các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ quan nhà nước có thể tiếp cận được nhân lực chất lượng cao hơn mức bình quân, thu về nhiều lợi nhuận hơn mà không phải trả chi phí đào tạo. Các cộng đồng cũng phát triển ổn định, tiến bộ hơn nhờ có được những nhà lãnh đạo tài năng. Nói cách khác, mỗi nhân tài tạo ra thêm một khoảng lợi ích biên cho xã hội tương đương với khoảng MB trên đồ thị.
Nếu để các trường chuyên tự gánh chi phí, họ sẽ luôn cung ứng ít nhân tài hơn mức tối ưu của xã hội do chi phí biên để đào tạo thêm một nhân tài của trường (PMC) cao hơn chi phí biên của xã hội (SMC). Sự thiếu hụt nhân tài còn làm xã hội tổn thất một khoảng lợi ích bằng diện tích ABC, là phần mất không do nguồn lực không được phân bổ tối ưu. Để giải quyết vấn đề này, trên lý thuyết, nhà nước có thể trợ cấp cho trường chuyên ngân sách đào tạo là MB, qua đó cân bằng chi phí biên của trường chuyên với chi phí biên xã hội. Được trợ cấp, đường cung nhân tài của trường chuyên sẽ dịch chuyển từ S sang S’, cung gặp cầu tại điểm B, xã hội có số lượng nhân tài tối ưu ở mức Q2.
Các vấn đề nảy sinh
Tuy vậy trên thực tế, không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định được lợi ích biên (MB) để trợ cấp cho phù hợp. Thêm vào đó, việc trợ cấp cho trường chuyên quá mức sẽ dẫn đến sự lệ thuộc vào bầu sữa ngân sách và suy giảm chất lượng đào tạo. Các trường muốn tối đa hóa số tiền trợ cấp, có thể phân bổ đầu tư vào cơ sở vật chất nguy nga và vô bổ thay vì đầu tư vào học sinh, giáo viên, chương trình dạy.
Trợ cấp cao cũng tăng thêm rủi ro “lựa chọn nghịch” khi mà các trường chọn nhầm người để đào tạo do những người hám lợi nhất cho dù không thực sự có tài, sẽ tìm đủ mọi cách để vào trường. Việc tuyển chọn đầu vào trường chuyên thông qua một kỳ thi, cho dù được tổ chức nghiêm túc, chỉ có thể đánh giá được kết quả tại thời điểm chứ không phản ánh đầy đủ năng lực hoặc tiềm năng của một con người. Do đó, cũng không có gì đảm bảo trường chuyên chọn lọc được đúng nhân tài.
Hiện nay, các ưu đãi ngân sách quá lớn cho học sinh trường chuyên, đặc biệt ở Hà Nội và TPHCM(6), càng khuyến khích các phụ huynh “chạy đua vũ trang” cho con mình từ rất sớm.
Trên phương diện cá nhân, việc học thêm cực nhọc, gian khổ trong quá trình luyện thi vào trường chuyên và áp lực giành giải quốc gia, quốc tế khi học chuyên sẽ ảnh hưởng xấu tới sự phát triển cả về thể lực lẫn trí lực của học sinh. Trong dài hạn, các khiếm khuyết này sẽ giảm thiểu năng suất lao động và khả năng đóng góp cho xã hội của các tài năng trẻ.
Ngoài ra, việc các học sinh trường chuyên được học tập trong một môi trường khá đồng nhất với toàn bạn bè, thầy cô giỏi, gia cảnh tương đồng sẽ khiến họ thiếu đi trải nghiệm cần thiết với các bạn bè có năng lực khác, ở các tầng lớp khác trong một xã hội đa dạng. Điều này có thể dẫn đến tâm lý “mây ở tầng nào sống ở tầng đấy” như đã thể hiện qua nhiều phát biểu, bình luận bảo vệ trường chuyên của chính các cựu học sinh trường chuyên. Chúng ta đầu tư lớn với kỳ vọng những học sinh chuyên sẽ trở thành những lãnh đạo tài năng dẫn dắt cộng đồng. Dẫn dắt như thế nào đây trong khi họ không có đủ sự thấu cảm hoặc thậm chí còn không biết tới “các tầng mây khác” trong xã hội?
Tăng cường đầu tư vào trường chuyên gây ra chi phí cơ hội đó là sự thiếu đầu tư tại các trường trung học phổ thông (THPT) không chuyên. Thiếu thầy cô giỏi, cơ sở vật chất tốt và chương trình học phù hợp, học sinh các trường THPT thường hoặc trường đào tạo nghề chắc chắn sẽ thiếu cạnh tranh hơn trong cuộc đua vào trường đại học và thị trường lao động. Trong dài hạn, việc thiếu đầu tư tại đa số trường công sẽ tác động tiêu cực tới khả năng tăng năng suất lao động của nền kinh tế vì lẽ 98% lực lượng lao động của xã hội là những học sinh “không chuyên”.
Trong giai đoạn 2013-2017, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đã tăng trưởng trung bình 12,4%/năm trong khi tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt khoảng 7,9%/năm. Chi tiêu mạnh tay cho giáo dục không nhất thiết cải thiện năng suất lao động một cách tương xứng.
Do đó, việc chúng ta xem xét kỹ càng các khoản chi tiêu cho giáo dục, đặc biệt là trợ cấp ngân sách cho các trường chuyên càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn.
Giải pháp nào cho trường chuyên?
Để trường chuyên có thể thực hiện tốt sứ mệnh của mình, người viết có một số đề xuất sau:
Thứ nhất, cơ quan cấp ngân sách nên có khảo sát toàn diện về kết quả đầu ra của trường chuyên để làm cơ sở đánh giá lợi ích, chi phí của mô hình này, từ đó đặt ra các mức trợ cấp tương xứng. Kết quả đầu ra của trường chuyên nên được đo lường cụ thể bằng triển vọng thu nhập, năng suất lao động, khả năng lãnh đạo cộng đồng, năng lực nghiên cứu trong trường đại học và sự tham gia vào khu vực công của các cựu học sinh.
Thứ hai, trợ cấp cho trường chuyên sẽ dẫn tới lãng phí nếu sử dụng sai mục đích, tuyển sai đối tượng hoặc đối tượng nhận trợ cấp đi du học và định cư nước ngoài. Trong các trường hợp này, xã hội sẽ nhận được rất ít ngoại ứng tích cực. Do đó, chúng ta nên giảm trợ cấp cho các trường chuyên có đầu tư cơ sở vật chất xa hoa, quy trình tuyển chọn sai sót hoặc có tỷ lệ học sinh du học quá nhiều.
Thứ ba, chúng ta nên cân đối giữa đầu tư cho nhân tài và đầu tư cho nguồn lực lao động chung của xã hội. Giảm bớt trợ cấp cho các trường, khối chuyên không hiệu quả và tăng cao suất đầu tư cho học sinh các trường công, trường dạy nghề sẽ có tác dụng cải thiện năng suất lao động của lực lượng lao động chính trong xã hội.
Thứ tư, thị trường hóa sẽ cải thiện ngân sách chung cho giáo dục, giúp tăng nguồn lực để trợ cấp tốt hơn cho các nhóm yếu thế và giáo dục phổ thông bắt buộc(7). Các nhà đầu tư, các nhà cải cách giáo dục tư nhân khi được tham gia vào sở hữu và điều hành các trường chuyên sẽ cải thiện quản trị, tính cạnh tranh và chất lượng của các trường chuyên để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đa dạng của thị trường. Với kinh nghiệm dày dặn về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ hoàn toàn có thể tự tin cổ phần hóa các trường chuyên tiềm năng để xây dựng được một nền giáo dục đa dạng, hiệu quả và không bỏ lại bất kỳ ai.
Nguồn: Văn Thịnh, Mô hình trường chuyên từ góc độ chính sách công, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 9/7/2020
Chú thích:
(1) Thân Nhân Trung (1442)
(2) Lê Thái Tổ (1419) “Chiếu cầu hiền”
(3) Ngoại ứng tích cực (positive externality) là các tác động phụ có lợi mà một người khác được hưởng miễn phí. Ví dụ một người đầu tư tiền bạc để nâng cao học vấn, trình độ văn hóa thì hàng xóm của họ cũng được nhờ.
(4) Đường cung S, xác định bằng chi phí biên của trường chuyên (PMC) để đào tạo thêm một nhân tài
(5) Đường cầu S, xác định bằng lợi ích biên mà cá nhân (PMB) và xã hội (SMB) nhận được khi có thêm một nhân tài
(6) Chênh lệch trợ cấp giữa trường chuyên và trường công thường là 12,2 triệu đồng/học sinh/năm tại TPHCM và 10,7 triệu đồng/học sinh/năm tại Hà Nội
(7) Giáo dục phổ thông bắt buộc bao gồm tiểu học và trung học cơ sở còn mang lại ngoại ứng tích cực lớn hơn cho xã hội so với giáo dục các bậc cao hơn