[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương X: Truyền bá sự thịnh vượng (Phần 4)
ĐI TÌM SỰ HIỆN ĐẠI
Mùa thu năm 1867, Ōkubo Toshimichi, quan cận thần nhất phẩm của lãnh địa Satsuma ở nước Nhật phong kiến, đi từ thủ phủ Edo, hiện nay là Tokyo, đến thành phố Yamaguchi. Ngày 14/10, ông diện kiến các nhà lãnh đạo lãnh địa Chōshū. Ông đưa ra một đề nghị đơn giản: họ sẽ kết hợp lực lượng, kéo quân đến Edo và lật đổ shogun (tướng quân), người đang cai trị Nhật Bản. Lúc đó, Ōkubo Toshimichi đã thuyết phục được giới lãnh đạo ở các lãnh địa Tosa và Hizen tham gia. Sau khi lãnh đạo của vùng Chōshū hùng mạnh đồng ý, Liên minh Satcho bí mật ra đời.
Năm 1868, Nhật Bản là một đất nước kém phát triển kinh tế dưới sự cai trị của dòng tộc Tokugawa từ năm 1600, được gọi là shogun từ năm 1603. Hoàng đế Nhật Bản bị gạt sang bên lề và đảm nhận một vai trò hoàn toàn có tính chất nghi lễ. Các tướng quân dòng họ Tokugawa là các thành viên chính của tầng lớp lãnh chúa phong kiến cai trị và đánh thuế trên lãnh địa riêng của họ, trong đó có lãnh địa Satsuma dưới sự cai trị của gia đình Shimazu. Các lãnh chúa này, cùng với các tướng lĩnh quân đội riêng, các samurai nổi tiếng, cai trị một xã hội tương tự như xã hội châu Âu thời trung cổ, với phân loại nghề nghiệp nghiêm ngặt, hạn chế về thương mại, và mức thuế cao đối với nông dân. Shogun cai trị từ thủ phủ Edo, nơi ông độc quyền và kiểm soát hoạt động ngoại thương và cấm người nước ngoài không được vào nước Nhật. Các thể chế chính trị và kinh tế có tính chiếm đoạt, và Nhật Bản là một nước nghèo.
Nhưng sự thống trị của shogun không bao trùm toàn vẹn. Ngay cả khi gia đình Tokugawa lên cầm quyền vào năm 1600, họ cũng không thể kiểm soát tất cả mọi người. Ở phía nam của đất nước, lãnh địa Satsuma vẫn khá tự trị và thậm chí còn được phép giao thương độc lập với thế giới bên ngoài qua đảo Ryūkyū. Chính ở thủ phủ Kagoshima của lãnh địa Satsuma này mà Ōkubo Toshimichi đã chào đời vào năm 1830. Là con trai của một samurai, ông cũng trở thành một samurai. Tài năng của ông sớm được Shimazu Nariakira, lãnh chúa Satsuma phát hiện, và nhanh chóng tiến cử ông vào bộ máy hành chính. Lúc bấy giờ, Shimazu Nariakira đã xây dựng một kế hoạch nhằm sử dụng quân đội Satsuma lật đổ shogun. Ông muốn mở rộng thương mại với châu Á và châu Âu, xóa bỏ các thể chế kinh tế phong kiến cũ, và xây dựng một nhà nước hiện đại ở Nhật Bản. Kế hoạch vừa mới phôi thai của ông sớm bị thui chột khi ông qua đời vào năm 1858. Người kế nhiệm ông, Shimazu Hisamitsu, thận trọng hơn, ít ra là lúc ban đầu.
Ōkubo Toshimichi ngày càng trở nên tin rằng Nhật Bản cần phải lật đổ chế độ tướng quân phong kiến (shogunate), và cuối cùng ông đã thuyết phục được Shimazu Hisamitsu. Để tập hợp sự ủng hộ cho sự nghiệp của mình, họ nấp dưới chiêu bài về lòng căm phẫn trước việc hoàng đế bị vô hiệu hóa. Trong hiệp ước mà Ōkubo Toshimichi ký với lãnh địa Tosa, họ khẳng định rằng “một nước không thể có hai vua, một nhà không thể có hai chủ, chính phủ phải chuyển giao cho một người cai trị”. Nhưng dự định thực sự của họ không chỉ đơn thuần là khôi phục lại quyền lực hoàng đế mà còn nhằm thay đổi hoàn toàn các thể chế chính trị và kinh tế. Từ lãnh địa Tosa, một trong những người ký kết hiệp ước là Sakamoto Ryūma. Trong khi Satsuma và Chōshū huy động quân đội, Sakamoto Ryūma trình bày với shogun một kế hoạch tám điểm, kêu gọi ông từ chức để tránh nội chiến. Bản kế hoạch rất cấp tiến, và mặc dù điều 1 nói rằng “quyền lực chính trị của đất nước phải được trả lại cho hoàng gia, và mọi sắc lệnh phải do triều đình ban hành”, nhưng nó còn bao gồm nhiều nội dung hơn chứ không chỉ là việc phục hồi quyền lực hoàng đế. Các điều 2, 3, 4, và 5 nêu rõ:
2. Hai cơ quan lập pháp, thượng viện và hạ viện sẽ được thành lập, và tất cả các chính sách của chính phủ cần được quyết định trên cơ sở ý kiến chung.
3. Những người có khả năng trong số các lãnh chúa, quý tộc và dân chúng nói chung sẽ được tuyển chọn vào cương vị các ủy viên hội đồng, và các bộ phận chức trách truyền thống của quá khứ không còn chức năng sẽ bị bãi bỏ.
4. Công tác đối ngoại sẽ được tiến hành căn cứ theo các quy định phù hợp được soạn thảo trên cơ sở ý kiến chung.
5. Pháp luật và các quy định trước đây sẽ được hủy bỏ, đồng thời một bộ luật mới và đầy đủ sẽ được xây dựng.
Shogun Yoshinobu đồng ý thoái vị, và thời kỳ Minh Trị Duy Tân được tuyên bố bắt đầu vào ngày 3/1/1868 với sự phục hồi quyền lực cho Hoàng đế Kōmei và cho con trai ông, Minh Trị, một tháng sau đó khi Kōmei băng hà. Mặc dù lực lượng Satsuma và Chōshū chiếm đóng Edo và kinh đô Kyōto, họ sợ rằng gia đình Tokugawa sẽ cố gắng giành lại quyền lực và xây dựng lại chế độ tướng quân, Ōkubo Toshimichi muốn tiêu diệt vĩnh viễn thế lực nhà Tokugawa. Ông thuyết phục hoàng đế xóa bỏ lãnh địa Tokugawa và tịch thu đất đai của họ. Ngày 27/1, nguyên tướng quân Yoshinobu bắt đầu tấn công lực lượng Satsuma và Chōshū; nội chiến nổ ra và kéo dài cho đến mùa hè, khi nhà Tokugawa cuối cùng bị đánh bại.
Tiếp theo thời kỳ Minh Trị Duy Tân là một quá trình biến đổi và cải cách thể chế ở Nhật Bản. Năm 1869, chế độ phong kiến được bãi bỏ; 300 thái ấp đã đầu hàng chính phủ và trở thành các quận, dưới sự kiểm soát của một thống đốc được bổ nhiệm. Hệ thống thuế khóa được tập trung hóa và một bộ máy nhà nước hiện đại thay thế cho nhà nước phong kiến cũ. Năm 1869, tất cả các tầng lớp xã hội đều trở nên bình đẳng trước pháp luật, đồng thời các quy định hạn chế di cư nội địa và thương mại cũng được bãi bỏ. Tầng lớp samurai (võ sĩ đạo) được giải tán cho dù nhà nước đã phải trấn áp một vài cuộc bạo loạn. Quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai được công nhận, đồng thời dân chúng được tự do tham gia và thực hiện mọi hoạt động buôn bán trao đổi. Nhà nước tích cực tham gia vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Trái với thái độ của các chính thể chuyên chế đối với đường sắt, vào năm 1869, chính quyền Nhật Bản tổ chức một tuyến tàu thủy chạy bằng hơi nước giữa Tokyo và Osaka, đồng thời xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên giữa Tokyo và Yokohama. Nhật Bản cũng bắt đầu phát triển công nghiệp sản xuất, và Ōkubo Toshimichi trên cương vị Bộ trưởng Tài chính, giám sát việc phát động các nỗ lực phối hợp của quá trình công nghiệp hóa. Lãnh chúa Satsuma là người đi đầu trong quá trình này, ông xây dựng nhà máy sản xuất đồ gốm, pháo hạm, sợi bông và nhập khẩu máy dệt từ Anh để xây dựng nhà máy dệt bông đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 1861. Ông cũng xây dựng hai xưởng đóng tàu hiện đại. Năm 1890, Nhật Bản là quốc gia châu Á đầu tiên thông qua hiến pháp, xây dựng một chế độ quân chủ lập hiến với quốc hội được bầu, được gọi là Nghị viện (Diet), và bộ máy tư pháp độc lập. Những thay đổi này là yếu tố quyết định giúp Nhật Bản hưởng lợi to lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp ở châu Á.
GIỮA THẾ KỶ 19, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều là những đất nước nghèo khổ, mỏi mòn dưới chế độ chuyên chế. Qua nhiều thế kỷ, chế độ chuyên chế của Trung Quốc vẫn giữ thái độ ngờ vực đối với sự thay đổi. Tuy có nhiều điểm tương đồng giữa Trung Quốc và Nhật Bản - chế độ tướng quân Tokugawa cũng bế quan tỏa cảng vào thế kỷ 17 hệt như các hoàng đế Trung Hoa đã làm trước đó, và phản đối các thay đổi về kinh tế và chính trị. Thế nhưng vẫn có những điểm khác biệt đáng lưu ý về mặt chính trị. Trung Quốc là một đế chế quan lại tập trung được cai trị bởi một hoàng đế chuyên chế. Hoàng đế chắc chắn phải đứng trước nhiều hạn chế về quyền lực của mình, quan trọng nhất là mối đe dọa bạo loạn. Trong giai đoạn từ năm 1850 đến năm 1864, toàn bộ miền nam Trung Quốc bị tàn phá bởi cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc với hàng triệu người thiệt mạng trong các cuộc xung đột hay do nạn đói. Nhưng sự chống đối hoàng đế đã không được thể chế hóa.
Cơ cấu của các thể chế chính trị Nhật Bản rất khác. Chế độ tướng quân đã gạt hoàng đế sang một bên, nhưng như chúng ta đã thấy, quyền lực của Tokugawa không có tính chất tuyệt đối, và các lãnh địa như Satsuma vẫn duy trì độc lập, thậm chí họ có thể giao thương với nước ngoài trên danh nghĩa của chính họ.
Cũng như Pháp, một hệ quả quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp Anh đối với Trung Quốc và Nhật Bản là tính dễ bị tổn thương về mặt quân sự. Trung Quốc phải nhún nhường trước sức mạnh trên biển của Anh trong cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất từ năm 1839 đến 1842, và mối đe dọa tương tự trở nên quá rõ ràng đối với người Nhật khi các tàu chiến Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đại tá Matthew Perry kéo vào Vịnh Edo năm 1853. Thực tế lạc hậu kinh tế dẫn đến lạc hậu về quân sự cũng là một phần của động lực đằng sau kế hoạch lật đổ chế độ tướng quân của Shimazu Nariakira, tiến hành công cuộc thay đổi để cuối cùng dẫn đến thời kỳ Minh Trị Duy Tân. Các nhà lãnh đạo Satsuma nhận ra rằng tăng trưởng kinh tế, hay có lẽ ngay cả sự sống còn của Nhật Bản, chỉ có thể đạt được thông qua cải cách thể chế, nhưng shogun phản đối điều này bởi vì quyền lực của ông gắn liền với các thể chế hiện hành. Để thực hiện cải cách, shogun phải bị lật đổ. Tình hình cũng tương tự như ở Trung Quốc, nhưng những khác biệt về thể chế chính trị ban đầu làm cho việc lật đổ hoàng đế khó khăn hơn nhiều, và điều này chỉ xảy ra vào năm 1911. Nhưng thay vì cải cách thể chế, Trung Quốc đã cố gắng chạy đua với quân đội Anh bằng cách nhập khẩu vũ khí hiện đại. Người Nhật xây dựng ngành công nghiệp vũ khí của riêng họ.
Như một hệ quả của những khác biệt ban đầu, mỗi quốc gia phản ứng khác nhau trước những thách thức của thế kỷ 19, Nhật Bản và Trung Quốc đã trở nên phân hóa đáng kể khi đối mặt với những thời điểm quyết định hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp. Trong khi các thể chế của Nhật Bản được chuyển đổi và nền kinh tế bắt đầu bước vào một con đường tăng trưởng nhanh chóng, thì ở Trung Quốc, lực đẩy để thay đổi thể chế không đủ mạnh, và các thể chế chiếm đoạt tiếp tục tồn tại vững chắc không suy suyển cho đến khi trở nên xấu hơn với cuộc cách mạng cộng sản của Mao Trạch Đông năm 1949.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)