[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương IV: Những khác biệt nhỏ và những thời điểm quyết định - Sức nặng của lịch sử
THẾ GIỚI MÀ DỊCH BỆNH TẠO RA
NĂM 1346, DỊCH HẠCH (hay còn gọi là Cái chết đen, “Black Death”) lan đến thành phố cảng Tana nơi cửa sông Don đổ ra biển Đen. Lây truyền qua bọ chét sống trên chuột, bệnh dịch tràn đến nơi này theo chân những thương nhân buôn bán dọc theo Con đường Tơ lụa, con đường thương mại xuyên Á vĩ đại. Thông qua các lái buôn Genoa, chẳng bao lâu chuột lan truyền bọ chét và dịch hạch từ Tana ra khắp Địa Trung Hải. Đầu năm 1347, dịch tràn đến Constantinople. Mùa xuân năm 1348, dịch bệnh lan khắp nước Pháp và Bắc Phi rồi vào Ý, đất nước hình chiếc ủng. Trận dịch quét sạch khoảng một nửa dân số ở bất kỳ nơi nào nó đi qua. Nhà văn Ý Giovanni Boccaccio đã tận mắt chứng kiến sự xuất hiện của bệnh dịch ở thành phố Florence. Về sau ông nhớ lại:
Ngay khi dịch hạch ùa tới, mọi sự khôn ngoan và khéo léo của con người đều vô ích… nạn dịch bắt đầu bộc lộ rõ ràng các ảnh hưởng thảm họa một cách kinh hoàng và khác thường. Nó không có hình thức như ở phương Đông, ở đó ai chảy máu mũi là điềm báo về cái chết chắc chắn. Trái lại, triệu chứng sớm nhất là sự xuất hiện các hạch sưng tấy ở bẹn hay nách, một vài hạch có hình như quả trứng trong khi những hạch khác có kích thước của một quả táo… Về sau, các triệu chứng bệnh thay đổi, và nhiều người bắt đầu thấy những đốm đen và thâm trên cánh tay, đùi và những bộ phận khác trên cơ thể… Chống lại bệnh dịch… mọi lời khuyên của bác sĩ và mọi sức mạnh của thuốc thang đều vô ích… Và trong hầu hết các trường hợp, cái chết xảy ra chỉ trong vòng ba ngày từ khi xuất hiện các triệu chứng vừa mô tả.
Dân chúng ở Anh biết bệnh dịch sắp đến và ý thức về cái chết đang lơ lửng. Vào giữa tháng 8/1348, vua Edward III yêu cầu tổng giám mục Canterbury tổ chức cầu nguyện và nhiều giám mục viết thư để các tu sĩ đọc ở nhà thờ nhằm giúp giáo dân đối phó với những gì sắp xảy ra với họ. Cha Ralph xứ Shrewsbury, giám mục xứ Bath, viết cho các tu sĩ:
Chúa trời toàn năng sử dụng sấm sét và những tai họa khác từ quyền năng của Người để trừng phạt những người con mà Người muốn cứu rỗi. Vì lẽ đó, từ khi một dịch bệnh thảm khốc từ phương Đông tràn tới vương quốc láng giềng, chúng ta hết sức lo sợ rằng, trừ khi chúng ta không ngừng dốc lòng cầu nguyện, dịch bệnh tương tự sẽ vươn những cánh tay độc hại vào vương quốc này, đánh gục và bắt mất con dân chúng ta. Do đó, chúng ta phải đến xưng tội trước Người, cùng hát khúc thánh ca.
Điều đó cũng không có tác dụng. Dịch bệnh lan truyền và nhanh chóng giết chết khoảng một nửa dân số Anh. Những tai họa như vậy có thể ảnh hưởng to lớn đến thể chế của xã hội. Cũng dễ hiểu vì sao nhiều người đã hóa điên. Boccaccio nhận xét: “Có người cho rằng phương thức đúng đắn để ngăn ngừa tai họa kinh hoàng này là hãy uống cho say, tận hưởng trọn vẹn cuộc sống, rong chơi khắp nơi ca hát vui đùa, thỏa mãn mọi khao khát của chúng ta bất kỳ khi nào cơ hội mang đến, nhún vai trước mọi việc như trước một câu chuyện đùa… và đó là lý do khiến những người phụ nữ sau khi bình phục dường như trở nên ít đạo hạnh hơn”. Thế nhưng dịch bệnh cũng có một tác động chuyển hóa về mặt xã hội, kinh tế và chính trị đối với các xã hội châu Âu thời Trung cổ.
Bước sang thế kỷ 14, châu Âu sống trong trật tự xã hội phong kiến. Cách tổ chức xã hội này xuất hiện trước tiên ở Tây Âu sau khi Đế quốc La Mã sụp đổ, dựa vào mối quan hệ tôn ti trật tự giữa nhà vua và giới lãnh chúa bên dưới vua, với tầng lớp nông dân ở dưới đáy xã hội. Vua sở hữu và ban phát đất đai cho các lãnh chúa để đổi lấy dịch vụ quân đội. Sau đó, các lãnh chúa phân bổ đất cho nông dân; đổi lại, nông dân phải cật lực làm việc không được trả công và phải chịu nhiều loại thuế khóa và lệ phí nộp phạt. Nông dân “nô lệ”, hay “nông nô”, bị ràng buộc với đất, không thể bỏ đi nơi khác nếu không được phép của chủ nô, vốn không chỉ là địa chủ, mà còn là quan tòa, thẩm phán và cảnh sát. Đó là một hệ thống có tính chiếm đoạt cao độ, với của cải chảy ngược từ đa số nông dân lên thiểu số lãnh chúa.
Tình trạng khan hiếm lao động do nạn dịch hạch gây ra đã làm lung lay nền tảng trật tự phong kiến. Nó khuyến khích người nông dân đòi hỏi mọi thứ phải thay đổi. Ví dụ, ở Eysham Abbey, nông dân yêu cầu phải giảm bớt nhiều khoản phạt và lao động không công. Họ nhận được những gì họ muốn, và hợp đồng mới của họ bắt đầu bằng lời khẳng định: “Vào thời điểm tử vong hay dịch bệnh xảy ra vào năm 1349, hai tá điền hiếm hoi vẫn ở lại trong điền trang, và họ bày tỏ dự định ra đi trừ khi đạo hữu Nicholas xứ Upton, khi đó là cha trưởng tu viện và chủ điền trang, phải ký kết thỏa ước mới với họ”.
Những gì xảy ra ở Eysham cũng xảy ra ở mọi nơi. Nông dân bắt đầu tự giải phóng khỏi các dịch vụ lao động cưỡng bức và nhiều nghĩa vụ với lãnh chúa. Tiền công bắt đầu tăng. Nhà nước cố gắng chấm dứt tình trạng này bằng cách ban hành Luật Lao động năm 1351, được mở đầu như sau:
Vì phần lớn nhân dân, đặc biệt là người lao động và phục vụ đã chết trong nạn dịch, nên một số người, nhìn thấy thực tế của chủ nhân và tình trạng khan hiếm người phục vụ, không muốn làm việc trừ khi họ nhận được tiền công quá đáng… Chúng ta, xem xét sự bất tiện nghiêm trọng xuất phát từ tình trạng thiếu thợ cày và người lao động, xét thấy phù hợp để ra lệnh như sau: mọi đàn ông và phụ nữ trong vương quốc Anh… sẽ phải phục vụ cho người xét thấy phù hợp để tìm kiếm lao động; và người lao động sẽ nhận tiền công, chế phục, phần thưởng hay lương ở nơi họ phục vụ như đã từng được hưởng vào năm trị vì thứ 20 của nhà vua Anh [Vua Edward III lên ngôi vào ngày 25/1/1327, vì thế năm thứ 20 ở đây là năm 1347] hay năm, sáu năm trước đó.
Bộ luật này thực chất là nỗ lực nhằm cố định tiền công ở mức từng trả trước nạn dịch hạch. Điều đặc biệt quan ngại đối với giới quyền thế Anh là “sự dụ dỗ” hay nỗ lực của một lãnh chúa nhằm thu hút nông nô khan hiếm từ một lãnh chúa khác. Giải pháp là trừng phạt bằng cách bỏ tù những người lao động ra đi mà không được phép của chủ nô:
Và nếu thợ gặt, người lao động hay người phục vụ khác bất kể ở vào điều kiện hay tình trạng nào, được giữ lại phục vụ cho một chủ nô, nhưng rời bỏ công việc phục vụ nói trên trước khi kết thúc thời hạn thỏa thuận mà không được phép hay không có nguyên nhân hợp lý, người đó sẽ bị phạt tù, và không ai… được phép trả công hay được thụ hưởng tiền công, chế phục, phần thưởng hay lương nhiều hơn so với trước kia như đã quy định trên đây.
Nỗ lực của nhà nước Anh để ngăn chặn sự thay đổi thể chế và tiền công xảy ra sau nạn dịch hạch đã không có tác dụng. Năm 1381, Khởi nghĩa Nông dân nổ ra, và các cuộc bạo loạn dưới sự lãnh đạo của Wat Tyler thậm chí đã chiếm phần lớn Luân Đôn. Cho dù cuối cùng họ bị đánh bại và Tyler bị hành quyết, nhưng không còn nỗ lực nào để cưỡng chế thi hành Luật Lao động nữa. Dịch vụ lao động phong kiến lụi tàn dần, một thị trường lao động có tính dung hợp bắt đầu nổi lên ở Anh, và tiền công gia tăng.
Trận dịch xem ra đã tác động đến phần lớn thế giới, và tỷ lệ tử vong ở mọi nơi là xấp xỉ nhau. Vì thế, tác động nhân khẩu học ở Đông Âu cũng giống như ở Anh và Tây Âu. Các áp lực xã hội và kinh tế cũng diễn ra tương tự. Lao động trở nên khan hiếm và dân chúng đòi hỏi nhiều tự do hơn. Nhưng ở Đông Âu, một lôgic trái ngược đã phát huy tác dụng mạnh mẽ. Ít người hơn có nghĩa là tiền công cao hơn trong một thị trường lao động dung hợp. Nhưng điều này mang lại cho giới lãnh chúa động cơ thôi thúc họ duy trì thị trường lao động có tính chất chiếm đoạt và sự phục dịch nô lệ. Ở Anh, động cơ này cũng nổi lên, như phản ánh qua bộ Luật Lao động. Nhưng người lao động có đủ sức mạnh để đạt được yêu sách của họ. Ở Đông Âu thì không được như vậy. Sau nạn dịch, giới địa chủ Đông Âu bắt đầu chiếm lĩnh những vùng đất rộng lớn và mở rộng sở hữu, vốn đã nhiều hơn so với ở Tây Âu. Các thành phố suy yếu hơn và ít dân cư hơn, và thay vì trở nên tự do hơn, người lao động bắt đầu thấy sự tự do hiện có của họ ngày càng bị xâm phạm nhiều hơn.
Các ảnh hưởng trở nên đặc biệt rõ ràng sau năm 1500 khi Tây Âu bắt đầu có nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp như lúa mì, lúa mạch đen và gia súc sản xuất ở Đông Âu. Có đến 80% lúa mạch đen nhập khẩu vào Amsterdam là từ các thung lũng sông Elbe, Vistula và Oder. Chẳng bao lâu, một nửa kim ngạch thương mại bùng phát của Hà Lan là với Đông Âu. Khi nhu cầu của Tây Âu ngày càng mở rộng, giới địa chủ Đông Âu siết chặt kiểm soát lực lượng lao động để gia tăng nguồn cung. Thời kỳ này được gọi là thời kỳ Nông nô thứ hai, đặc thù và có cường độ cao hơn so với hình thức ban đầu vào đầu thời Trung cổ. Giới lãnh chúa tăng thuế đối với đất riêng của nông dân và chiếm đoạt một nửa sản lượng. Ở Korczyn, Ba Lan, toàn bộ lao động cho địa chủ vào năm 1533 đều được trả công. Nhưng đến năm 1600, gần một nửa là lao động cưỡng bức không công. Năm 1500, người lao động ở Mecklenburg, miền đông nước Đức, mỗi năm chỉ có một vài ngày lao động không công. Đến năm 1550, số ngày lao động không công là một ngày mỗi tuần, và đến năm 1600 là ba ngày mỗi tuần. Con em người lao động phải làm việc không công cho địa chủ trong vài năm. Ở Hungary, địa chủ kiểm soát hoàn toàn đất đai vào năm 1514 và quy định mọi người lao động phải làm việc không công mỗi tuần một ngày. Năm 1550, quy định này tăng lên hai ngày mỗi tuần. Đến cuối thế kỷ là ba ngày mỗi tuần. Tỷ lệ nông nô phải chịu các quy định này lên đến 90% dân số nông thôn lúc bấy giờ.
Cho dù vào năm 1346 gần như không có gì khác biệt giữa Đông và Tây Âu trên phương diện thể chế chính trị và kinh tế, nhưng đến năm 1600, hai khu vực này đã trở thành những thế giới riêng biệt. Ở Tây Âu, người lao động không bị lệ thuộc vào thuế khóa, lệ phí nộp phạt, cũng như các quy định phong kiến, và trở thành thành phần then chốt của một nền kinh tế thị trường bùng phát. Ở Đông Âu, người lao động cũng tham gia vào một nền kinh tế thị trường như vậy, nhưng với vai trò nông nô bị cưỡng bức phải trồng cây lương thực và nông sản theo nhu cầu của Tây Âu. Đó là một nền kinh tế thị trường, nhưng không có tính dung hợp. Sự phân hóa thể chế này là hệ quả của một tình huống trong đó sự khác biệt giữa hai vùng thoạt đầu tưởng chừng rất nhỏ: ở Đông Âu, giới lãnh chúa được tổ chức tốt hơn đôi chút; họ có nhiều quyền hơn và sở hữu đất đai có tính cố kết hơn. Các thành phố yếu hơn và nhỏ hơn, người nông dân ít tổ chức hơn. Trong hệ thống lịch sử hùng vĩ, đây chỉ là những khác biệt nhỏ nhặt. Thế nhưng những khác biệt nhỏ nhặt giữa Đông và Tây đã mang lại những hệ quả to lớn đối với cuộc sống của dân chúng và con đường phát triển thể chế tương lai khi trật tự phong kiến bị lung lay bởi nạn dịch hạch.
Nạn dịch hạch là một ví dụ sống động về một thời điểm quyết định, một biến cố lớn hay sự tụ hợp của nhiều yếu tố đã phá vỡ thế cân bằng kinh tế và chính trị hiện hữu trong xã hội. Thời điểm quyết định này là con dao hai lưỡi có thể dẫn đến bước ngoặt hoàn toàn trong quỹ đạo của một quốc gia. Một mặt, nó có thể mở đường để phá vỡ hệ thống thể chế chiếm đoạt và giúp những thể chế dung hợp hơn xuất hiện. Mặt khác, nó có thể tăng cường sự vươn lên của các thể chế chiếm đoạt, như trong thời kỳ Nông nô thứ hai ở Đông Âu.
Tìm hiểu cách thức các thời điểm lịch sử quan trọng định hình đường lối thể chế kinh tế và chính trị như thế nào sẽ giúp chúng ta có một lý thuyết hoàn chỉnh hơn về nguồn gốc của sự khác biệt về đói nghèo và thịnh vượng. Thêm vào đó, điều này cũng giúp chúng ta tìm hiểu vị thế các nước ngày nay và giải thích lý do khiến một số quốc gia chuyển đổi sang các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp trong khi những quốc gia khác không làm điều đó.