[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương IX: Những nguyên nhân chính dẫn đến việc duy trì nền cộng hoà dân chủ ở Hoa Kỳ (Phần 6)
Ở HOA KÌ, LUẬT PHÁP PHỤC VỤ CHO VIỆC DUY TRÌ NỀN CỘNG HOÀ DÂN CHỦ NHIỀU HƠN LÀ NHỮNG NGUYÊN NHÂN VẬT CHẤT, SONG TẬP TỤC LẠI CÒN LÀM ĐƯỢC HƠN CẢ LUẬT PHÁP
Tất cả các quốc gia ở Mĩ đều có trạng thái xã hội dân chủ. − Nhưng các thiết chế dân chủ chỉ vững vàng ở khối người Mĩ gốc Anh. − Người Mĩ gốc Tây Ban Nha, tuy cùng được thiên nhiên ưu ái như người Mĩ gốc Anh, lại không chịu đựng nổi chế độ dân chủ cộng hoà. − Nước Mexico tuy chấp nhận Hiến pháp Hoa Kì nhưng không thể làm được như người Mĩ. − Người Mĩ gốc Anh ở miền Tây chịu đựng chế độ dân chủ cộng hoà khó khăn hơn người vùng phía Đông. Lí do vì sao lại khác nhau như thế.
Tôi đã nói rằng chúng ta nên gán cho hoàn cảnh, gán cho luật pháp và tập tục cái công lao duy trì được các thiết chế dân chủ ở Hoa Kì
Phần lớn người châu Âu chỉ biết đến nguyên nhân đầu tiên trong ba nguyên nhân đã nêu trên, và họ lại coi nguyên nhân đó có tầm quan trọng quyết định, là điều nó không có.
Đúng là người Mĩ gốc Anh có đem qua Tân thế giới tính bình đẳng của các điều kiện. Không bao giờ ta lại còn bắt gặp ở họ cả bình dân lẫn quý tộc. Ở Mĩ không ai biết đến những định kiến về nơi sinh cũng như định kiến về nghề nghiệp. Trạng thái xã hội như vậy một khi đã mang tính dân chủ, nền dân trị chẳng khó khăn gì mà không tạo được uy quyền.
Nhưng sự kiện này không chỉ riêng của Hoa Kì. Hầu hết các khẩn địa châu Mĩ đều được xây dựng bởi những con người bình đẳng với nhau hoặc là trở thành bình đẳng sau khi đến cư trú nơi đó. Không còn một phần bé nhỏ nào ở Tân thế giới để người châu Âu tạo ra được một tầng lớp quý tộc.
Thế nhưng các thiết chế dân chủ chỉ phát triển tốt đẹp ở Hoa Kì thôi.
Liên bang Mĩ không có kẻ thù để mà phải đánh lại họ. Hoa Kì nằm một mình giữa hoang vu như hòn đảo nằm giữa đại dương.
Nhưng thiên nhiên cũng cách li người Tây Ban Nha ở Nam Mĩ theo cùng cách thức ấy; vậy mà sự cách biệt đó vẫn không ngăn cản họ duy trì nhiều quân đội. Khi thiếu người ngoại quốc để mà đánh, thì họ gây chiến lẫn nhau. Cho tới nay, chỉ có nền dân trị của người Mĩ gốc Anh là có khả năng sống trong hoà bình.
Lãnh thổ của Liên bang Mĩ là một cánh đồng không bờ cho hoạt động của con người. Nó cung cấp thức ăn bất tận cho công nghiệp và cho lao động. Tình yêu các tài phú ở đó thay thế cho tham vọng, và hạnh phúc ấm no ở đó làm tắt ngấm lòng nhiệt huyết của các đảng phái.
Nhưng thử hỏi, có ở đâu trên thế giới này ta bắt gặp những hoang mạc còn màu mỡ hơn thế, những dòng sông còn lớn hơn thế, những tài nguyên chưa ai động tới và còn bất tận hơn thế như ở Nam Mĩ? Thế mà Nam Mĩ lại không chấp nhận được nền dân trị. Nếu các quốc gia muốn được sung sướng mà chỉ cần họ nằm riêng ở một góc trời và vươn dài vô tận đến những miền đất không ai ở, thì người Tây Ban Nha ở Nam Mĩ chẳng còn có điều gì phải phàn nàn cho thân phận mình. Khi họ không được hưởng chung số phận như những cư dân Hoa Kì, ít ra họ cũng còn làm cho người dân châu Âu cứ phải thèm thuồng. Thế mà, trên trái đất này chẳng có dân tộc nào lại khốn khó hơn những con người ở Nam Mĩ.
Vậy mà, không chỉ các nguyên nhân vật chất là không thể đem tới những kết quả giống nhau cho người Nam Mĩ và người Bắc Mĩ, mà những nguyên nhân vật chất đó thậm chí còn không tạo ra nổi ở người Nam Mĩ cái gì đó không thấp kém hơn những gì ta đã thấy có ở châu Âu, nơi không có những điều kiện vật chất như ở đây.
Vậy là các nguyên nhân vật chất không ảnh hưởng nhiều tới số phận các dân tộc đến mức như ta vẫn nghĩ.
Tôi đã gặp những con người ở New England sẵn sàng từ bỏ một tổ quốc nơi họ đủ sức có cuộc sống thoải mái để đi vào hoang mạc lập nghiệp. Cận kề với họ, tôi thấy những cư dân Pháp ở Canada chen chúc nhau trong một không gian quá chật chội với họ khi cũng vẫn những hoang mạc ấy chẳng cách đó bao xa. Và trong khi những người di dân Hoa Kì bỏ vài ngày công lao động để có một dinh cơ lớn, thì người Canada bỏ tiền mua đất với giá đất hệt như khi họ vẫn còn sinh sống bên Pháp.
Vậy là thiên nhiên khi trao cho người châu Âu những vùng đất mênh mông của Tân thế giới, thì cũng trao cho họ những báu vật mà không phải khi nào họ cũng biết cách đem dùng.
Tôi còn bắt gặp ở những quốc gia châu Mĩ khác cùng những điều kiện thịnh vượng như với người Mĩ gốc Anh, chỉ bớt đi luật pháp và tập tục như của bên kia; vậy mà các quốc gia đó lại thật là khốn khổ. Như vậy có nghĩa là luật pháp và tập tục của người Mĩ gốc Anh lại là một cái lí do đặc biệt nữa giải thích sự vĩ đại của họ và là cái nguyên nhân áp đảo mà tôi đang đi tìm.
Còn xa tôi mới dám quả quyết rằng có một sự tốt đẹp tuyệt đối trong luật pháp nước Mĩ: tôi cũng chẳng tin là chúng có thể đem áp dụng cho tất cả các quốc gia dân trị; và trong số các quốc gia dân trị đó, cũng có nhiều nước ở ngay trong Hoa Kì vẫn làm tôi cảm thấy trước mặt họ là vô vàn nguy cơ.
Song ta cũng chẳng thể nào chối bỏ điều này, rằng công cuộc lập pháp của nước Mĩ nói chung vẫn chưa thật ăn khớp với thiên tài của những con người nó phải chi phối và chưa thật ăn khớp với thế tự nhiên của đất nước.
Luật pháp Mĩ có thể nói là tốt, và ta thấy là nó tốt phần lớn là nhờ nhìn nó qua thành công của chính quyền dân trị ở nước Mĩ. Song tôi vẫn không nghĩ nguyên nhân chủ yếu sự thành công của chính quyền dân trị nước Mĩ lại là do luật pháp. Mà nếu như luật pháp Mĩ có vẻ ảnh hưởng nhiều đến hạnh phúc xã hội của người Mĩ hơn là những thuận lợi thiên nhiên của đất nước này, thì tôi cũng còn nhìn thấy những nguyên nhân để tin là tác động của luật pháp vẫn kém tác động của tập tục.
Luật pháp liên bang chắc chắn là bộ phận quan trọng hơn cả của công cuộc lập pháp Hoa Kì.
Nước Mexico, là nước cũng có vị trí may mắn như liên bang của người Anh-Mĩ, cũng sở hữu những luật lệ như thế, vậy mà lại không sao quen được với lối chính quyền dân trị.
Vậy là còn có một nguyên nhân khác, độc lập với những nguyên nhân về vị trí tự nhiên và về luật pháp, khiến cho phương thức dân trị có thể điều hành được đất nước Hoa Kì.
Nhưng đây còn là điều còn chứng minh cho rõ thêm nữa. Hầu hết những con người sống trên lãnh thổ Liên bang đều có chung dòng máu. Họ nói chung một ngôn ngữ, cùng cầu nguyện Chúa Trời theo cách như nhau, cùng chịu bị chi phối bởi các nguyên nhân vật chất như nhau, cùng tuân thủ những luật lệ như nhau.
Vậy từ đâu giữa họ với nhau lại sinh ra những khác biệt?
Tại sao ở phía Đông của Liên bang, chính quyền cộng hoà tỏ ra mạnh mẽ và chính quy, và họ tiến hành công việc một cách chín chắn và chậm chạp? Nguyên nhân nào khiến các việc họ làm đều mang dấu ấn khôn ngoan và bền vững?
Ngược lại, vì đâu mà ở phía Tây mọi quyền lực xã hội dường như cứ lần bước theo lối cầu may?
Vì sao trong sự vận hành mọi việc vẫn cứ có cái gì đó hỗn độn, mê đắm, có thể nói như thể là một cái gì run rẩy, chẳng tiên báo chút gì bền lâu cả?
Tôi chẳng đem người Mĩ gốc Anh ra so sánh với các dân tộc xa lạ nữa. Bây giờ tôi đem đối lập những người Mĩ gốc Anh với nhau, và tìm xem vì sao họ không giống nhau. Đến chỗ này, mọi lập luận về hoàn cảnh thiên nhiên của đất nước và sự khác nhau của luật pháp đều không đủ cho tôi nữa rồi. Phải tìm vào cái nguyên nhân gì khác nữa; và cái nguyên nhân này, liệu tôi còn phải đi tìm nơi đâu nếu không tìm trong các tập tục?
Chính ở vùng phía Đông là nơi người Mĩ gốc Anh sử dụng chính quyền dân chủ lâu dài hơn cả, và họ đã có thói quen và có những ý tưởng tối hảo cho việc duy trì chính quyền dân trị đó. Nền dân trị ở đó đã dần dần thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày, nó đi vào ý kiến và quan điểm, vào các hình thức và thủ tục; con người bắt gặp nền dân trị trong mọi chi tiết đời sống xã hội cũng như trong luật pháp. Chính ở vùng phía Đông là nơi nền giáo dục chữ nghĩa và công cuộc giáo dục thực hành cho nhân dân tỏ ra hoàn thiện hơn cả, và ở nơi đây Tôn giáo đã hoà trộn hoàn hảo vào với Tự do. Tất cả những thói quen đó, những ý kiến và dư luận đó, những thực hành hàng ngày đó, những niềm tin đó, chúng là gì vậy nếu không phải là cái tôi gọi tên là những tập tục?
Ở miền Tây thì ngược lại, vẫn còn chưa có một phần những thuận lợi kia. Rất nhiều người Mĩ miền Tây sinh ra trong rừng, và họ đem hoà lẫn vào nền văn minh của cha mẹ mình những ý tưởng và những phong tục của cuộc sống hoang dã. Đam mê của họ bạo liệt hơn, đạo đức tôn giáo kém mạnh mẽ hơn, các ý tưởng kém định hình hơn. Con người ở đó không kiểm soát được lẫn nhau vì họ mới chỉ làm quen với nhau thôi. Vì vậy mà, ở một mức độ nào đó, các quốc gia miền Tây bộc lộ sự thiếu kinh nghiệm và những thói quen lộn xộn của những quốc gia đang sinh thành. Thế nhưng ở miền Tây các xã hội lại được tạo thành bởi những yếu tố cũ; nhưng sự lắp ráp thì lại mới mẻ.
Vậy là những tập tục là cái đã đặc biệt khiến cho người Mĩ của Hoa Kì, những con người duy nhất trong tất cả những người Mĩ, có khả năng theo được thể chế dân trị; và cũng lại chính họ làm cho các nền dân chủ khác nhau của người Mĩ gốc Anh ít nhiều trở nên có nền nếp và thịnh vượng.
Vì thế mà ở châu Âu người ta có phóng đại thêm về ảnh hưởng của vị trí địa lí xứ sở này đối với sự kéo dài của các thiết chế dân chủ. Người ta đánh giá quá cao tầm quan trọng của luật pháp, còn tập tục thì bị coi quá thấp. Hẳn là ba nguyên nhân lớn đó đều giúp cho việc điều chỉnh và điều khiển nền dân trị Mĩ. Nhưng ta cần xếp loại chúng, và tôi muốn nói rằng, những nguyên nhân vật chất ở đó có phần đóng góp ít hơn luật pháp, và luật pháp thì kém tập tục.
Tôi tin rằng vị trí (địa lí) may mắn nhất và luật pháp có tốt đẹp đến mấy chăng nữa cũng không thể bất cần tập tục mà vẫn duy trì được một hiến pháp, còn tập tục thì cho dù hoàn cảnh có bất lợi đến mấy và luật pháp có tồi tệ đến mấy cũng vẫn tìm cách sống được. Tầm quan trọng của tập tục là một chân lí chung mà càng nghiên cứu và càng chiêm nghiệm càng thấy đi mãi loanh quanh rồi lại về đúng chỗ đó. Tôi cảm thấy là tập tục hình như nằm trong đầu óc tôi ở một vị trí trung tâm; mọi ý nghĩ của tôi đều dẫn tới tập tục.
Tôi chỉ còn một chút xíu nói thêm về chuyện này.
Nếu tôi vẫn chưa làm cho bạn đọc thấy được ở người Mĩ tầm quan trọng của kinh nghiệm thực hành, thói quen, ý kiến và quan điểm của họ, nói tóm lại là thấy rõ tầm quan trọng của tập tục của họ trong việc duy trì luật pháp, thì tôi vẫn chưa đạt được mục đích chính tự đặt ra khi viết tác phẩm này.