Thế tiến thoái lưỡng nan trong xử lý rác thải

Thế tiến thoái lưỡng nan trong xử lý rác thải

Các bãi rác quá tải, bốc mùi hôi thối làm ảnh hưởng tới cộng động dân cư xung quanh không phải là hình ảnh quá xa lạ tại các đô thị lớn ở Việt Nam, thậm chí đã nhiều lần người dân địa phương tìm mọi cách cản trở việc tập kết rác nhằm phản đối tình trạng ô nhiễm trầm trọng tại các bãi rác. Tuy nhiên, dường như các cơ quan quản lý vẫn đang loay hoay chưa tìm được lời giải cho bài toán này.

Gần 50% bãi chôn lấp rác đang quá tải

Lượng chất thải rắn (CTR) của Việt Nam luôn tăng ở mức hai con số trong nhiều năm trở lại đây. Mức gia tăng của giai đoạn 2011-2015 trung bình 12% mỗi năm và về xu hướng, mức độ phát sinh CTR sinh hoạt đô thị tiếp tục tăng trong thời gian tới. Theo thống kê, CTR sinh hoạt phát sinh ở các đô thị chiếm đến hơn 50% tổng lượng CTR sinh hoạt của cả nước mỗi năm. Đến năm 2015, tổng khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh tại các đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày. Riêng tại Hà Nội và TPHCM, khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh hiện nay đã từ 6.400-6.700 tấn/ngày.

Xử lý rác thải hiện nay vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp chôn lấp, chiếm khoảng 80-85% lượng rác thải thu gom. Trong khi đó, các phương pháp xử lý khác như đốt hoặc làm phân bón lại không khả thi do rác thải thường không được phân loại từ đầu nên lẫn nhiều tạp chất, không đủ điều kiện để đốt hay làm phân bón.

Hầu hết các bãi chôn lấp hiện nay đều chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao, do đó chiếm nhiều diện tích chôn lấp và phát sinh lượng lớn nước rỉ rác. Theo khảo sát của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), có gần 50% bãi chôn lấp rác đang trong tình trạng quá tải và sức chứa còn lại từ bốn năm trở xuống (chiếm 179/407 bãi rác khảo sát).

Tiến thoái lưỡng nan

Việc xử lý rác thải của Việt Nam đang ở trong thế tiến thoái lưỡng nan khi vừa phải cung cấp dịch vụ thu gom và xử lý rác thải với chi phí rẻ, vừa phải đảm bảo xử lý rác thải hiệu quả (đồng nghĩa với chi phí xử lý rác thải cao). Trong khi đó, nguồn ngân sách phân bổ cho hoạt động này cũng khá giới hạn.

Cụ thể, phí thu gom rác thải tại các đô thị ở mức 6.000 đồng/tháng cho các cá nhân và khoảng 130.000-500.000 đồng/tháng cho các hộ kinh doanh. Phần còn lại được hỗ trợ bằng ngân sách địa phương, trong đó Hà Nội và TPHCM chi khoảng 1.200-1.500 tỷ đồng mỗi năm cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, chiếm khoảng 3,5% chi ngân sách.

Các công nghệ xử lý rác thải hiện nay như chôn lấp, đốt lấy điện năng hoặc làm phân bón có giá từ 17-21 đô la Mỹ/tấn, nhưng cũng không đảm bảo xử lý được triệt để rác thải. Các công nghệ khác đảm bảo vệ sinh hơn như đốt bằng plasma có giá khoảng 32 đô la Mỹ/tấn, cao hơn nhiều so với khả năng chi trả của ngân sách địa phương.

Trong các hình thức xử lý rác thải, bên cạnh hình thức rẻ nhất là chôn lấp thì hình thức đốt rác lấy điện năng hoặc làm phân bón cũng có thể được xem xét. Như đã chỉ ra ở trên, với việc rác không được phân loại tại nguồn thì các đô thị của Việt Nam chỉ còn hai sự lựa chọn, hoặc là chôn lấp, hoặc là sử dụng công nghệ đốt hiện đại và tốn kém. Do giới hạn về ngân sách, chôn lấp dường như là sự lựa chọn khả dĩ hiện nay, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các hệ lụy về môi trường.

Để giải quyết được bài toán rác thải đô thị, có hai vấn đề mấu chốt cần được xử lý là việc phân loại được rác thải tại nguồn và tăng nguồn tài chính cho hoạt động xử lý rác thải. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa có phương án thấu đáo để giải quyết bài toán này.

 

Nguồn: Minh Huệ - Duy Hoàng, Thế tiến thoái lưỡng nan trong xử lý rác thải, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 20/2/2019