P/v ông Nguyễn Đức Thành: Doanh nghiệp Việt trước thách thức chuỗi giá trị
Sản phẩm Việt và các vấn đề về xuất xứ hàng hóa luôn là câu chuyện thời sự trong quá trình phát triển của doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế Việt Nam. Forbes Việt Nam có cuộc trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), chia sẻ một góc nhìn về vị thế của doanh nghiệp Việt trước thách thức của chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Forbes Việt Nam: Có nhiều doanh nghiệp Việt thành công khi đưa sản phẩm Việt tới các thị trường khó tính nhất thế giới, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính thị trường nội địa kinh doanh mập mờ. Theo ông tình trạng như vậy phản ánh những vấn đề nào về chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt?
- TS. Nguyễn Đức Thành: Tình trạng kinh doanh mập mờ, hàng hoá không rõ xuất xứ không phải mới xảy ra gần đây. Theo tôi có hai lý do chính: Thứ nhất, vì năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt còn yếu, ở một số ngành đặc thù phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Ví dụ ở ngành điện tử, đại đa số thiết bị linh kiện phải nhập từ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc hay Nhật, rồi lắp ráp thành phẩm đưa ra thị trường. Khi chúng ta không tự tạo ra được nguyên liệu sản xuất, nghĩa là vị thế của chúng ta trong chuỗi giá trị bị hạn chế và phụ thuộc nhiều vào những nước khác.
Nguyên nhân thứ hai, do các doanh nghiệp Việt thường tận dụng sự ưu ái của khách hàng với thương hiệu nội địa, đặc biệt khi phong trào "Người Việt dùng hàng Việt" được lan tỏa. Nếu doanh nghiệp Việt tự sản xuất và bán với mức giá cao hơn, người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chi tiêu. Nhưng sự cố chỉ xảy ra khi họ chỉ lắp ráp từ linh kiện nhập khẩu, bán với giá cao hơn sản phẩm nhập khẩu nhưng chất lượng không có sự khác biệt. Sự mập mờ trong kinh doanh khiến cho người tiêu dùng Việt dần mất niềm tin vào hàng nội địa.
- Những nhóm ngành gặp vấn đề, gây hệ lụy cho thị trường đa số đều nằm ở khâu nguồn gốc xuất xứ. Một khi những khúc mắc trên toàn chuỗi cung chưa được giải quyết, đâu là những hành xử cần thiết của doanh nghiệp?
- Khi nhìn vào những nhóm ngành mà chúng ta vẫn thường tự hào như viễn thông, điện tử hay xây dựng, tỷ trọng nhập khẩu rất lớn. Trong chuỗi cung ứng, khi nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn, nghĩa là vai trò của doanh nghiệp Việt chủ yếu ở khâu lắp đặt hoặc cung cấp dịch vụ. Số liệu Viện Nghiên cứu Kinh tế Chính sách cho thấy, từ năm 1995 tới nay, tỷ lệ đóng góp trung bình của khu vực nội địa vào một sản phẩm xuất khẩu được sản xuất ra trong nước ngày càng giảm đi, chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị sản phẩm cuối cùng.
Điều ấy phản ánh một hiện thực là tuy xuất khẩu tăng trưởng nhưng tỷ trọng nhập khẩu cũng tăng theo, đồng nghĩa rằng tỷ lệ đóng góp của Việt Nam trong nền kinh tế sản xuất không tăng. Đó là hiện thực không vui, cho thấy nền kinh tế chúng ta chưa phát triển theo chiều sâu, hay còn gọi là nền kinh tế gia công.
Tôi cũng muốn làm rõ vấn đề toàn cầu hoá, một sản phẩm xuất đi khắp thế giới, thì việc sản phẩm có nhiều thành phần xuất xứ nhiều nơi là bình thường. Các quốc gia đều có các loại thuế khác nhau với các sản phẩm có xuất xứ khác nhau. Nếu mổ xẻ chuỗi giá trị tạo ra hàng hoá, dễ thấy chỉ có khoảng 10-30% thành phần xuất xứ từ Việt Nam, nếu xuất khẩu những hàng hoá như thế, chúng ta không thể hưởng được mức thuế thấp hơn những quốc gia khác.
"Mập mờ trong xuất xứ hàng hóa không phải là hiện tượng bùng phát, mà là câu chuyện dài, nó phản ánh chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt có vấn đề. Đây cũng không phải câu chuyện riêng của nhóm hàng nào mà là lỗ hổng của nhiều ngành khác nhau." - TS. Nguyễn Đức Thành |
- Dễ dãi về sở hữu trí tuệ và xuất xứ hàng hóa khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào “cạm bẫy” trong chuỗi giá trị, điều này cần tiếp tục cảnh báo ra sao, thưa ông?
- Chúng ta sử dụng nguyên liệu thì phải có nghĩa vụ trả cho nhà cung cấp một khoản chi phí. Khi mọi thứ được trao đổi sòng phẳng và công bằng, Việt Nam hoàn toàn có đủ quyền lợi và tự tin trong giao thương. Trong thời gian ngắn, doanh nghiệp có thể sẽ phải chịu thêm một khoản chi phí, nhưng nếu nhìn xa hơn, đây là khoản đầu tư mang lại lợi ích dài lâu.
Ví dụ, khi doanh nghiệp chịu thêm một khoản phí sở hữu trí tuệ cho các bên cung ứng, họ sẽ được nhận những ưu đãi mới nhất, những dịch vụ tốt nhất, và đối tác của họ cũng sẵn sàng đi đường dài thay vì những hợp tác tạm thời và không bền vững.
Vì lẽ đó các doanh nghiệp nên chú trọng quan tâm đầu tư, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm hoặc thương hiệu của mình. Đa số doanh nghiệp khi xuất khẩu thường chỉ tập trung vào kinh doanh, hoặc dễ dàng bắt tay đối tác mà bỏ qua vấn đề sở hữu trí tuệ vì ngại thủ tục và chi phí.
- Các hiệp định tự do thương mại đang xóa bỏ dần các rào cản thương mại, thu hút đầu tư nhưng cũng là sức ép lớn với nhiều doanh nghiệp Việt. Theo ông làm gì để không bị bỏ lại phía sau ngay trên thị trường nội địa?
- Theo tôi, sự cạnh tranh lớn nhất khi các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam là họ sẽ thu hút đa số nguồn lao động tốt, đó sẽ là thách thức lớn với doanh nghiệp nội địa, vì muốn thu hút người tài, phải tăng chi phí nhân công. Đây cũng là một hệ quả khi năng lực chúng ta chưa theo kịp những thuận lợi có được từ các hiệp định thương mại tự do.
Nếu ví thương mại toàn cầu như một cái chợ, thì chúng ta đang chỉ là người cho thuê sân bãi, hoặc cung cấp các dịch vụ liên quan chứ chưa phải là một người bán hàng trong thị trường. Điều này sẽ dẫn tới hệ quả tiếp theo là khi "cơn bão" qua đi, các doanh nghiệp lớn rút đi, chúng ta có thể không còn ai để cung cấp dịch vụ.
Doanh nghiệp nội địa, theo quan sát của tôi, vẫn đang thay đổi và cố gắng cải thiện năng lực cạnh tranh của họ trong vòng vài chục năm qua, nhưng có những thứ họ không thể kiểm soát, ví dụ như chính sách. Chính phủ trong nhiều năm có nhiều ưu đãi dành cho khối doanh nghiệp FDI và khối doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ mới là đối tượng cần được tạo điều kiện nhất. Để giải quyết khoảng cách này, có lẽ chính sách kinh doanh cũng phải thay đổi cho phù hợp với sự cải thiện năng lực của doanh nghiệp.
"Để hàng Việt có chỗ đứng thật sự, tôi nghĩ điều đó còn đến từ lòng tự trọng của nhà sản xuất nội địa, nếu họ nâng cao chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng Việt sẽ đi theo và ủng hộ." - TS. Nguyễn Đức Thành |
- Các “sú sốc thuế quan” hay các bàn cãi về giá trị “thương hiệu Việt” gần đây đều không mới, nó diễn ra nhiều năm và lặp lại ở nhiều doanh nghiệp, ngành nghề, làm sao để tăng sức đề kháng, với cả doanh nghiệp lẫn chính sách phát triển kinh tế?
- Nó đều là dấu hiệu cho thấy năng lực sản xuất của chúng ta còn yếu kém và không đủ sức cạnh tranh trong một cuộc chơi lâu dài và bình đẳng. Để tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp, chính phủ rất cần dồn tâm sức và nguồn lực để cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung nhiều hơn cho các doanh nghiệp tư nhân, vốn là khu vực đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.
Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp trên 40% GDP của nền kinh tế và sẽ tiếp tục tăng nhanh. Trong giai đoạn 2017-2019, vốn đầu tư của kinh tế tư nhân tăng trưởng lần lượt 17,1% và 18,5% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng của tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 11-12%/năm).
Kinh tế tư nhân còn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại. Trong hai năm 2017-2018, chiếm tỷ trọng 25,3-26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và 34,7-34,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, gấp hơn 10 lần về xuất khẩu và gần 7 lần về nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp nhà nước (không kể dầu thô).
Các chính sách hiện đã tương đối bình đẳng, nhưng khó nhất đối với doanh nghiệp tư nhân là thiếu cơ sở hạ tầng để mở rộng sản xuất, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo tôi, điều đầu tiên có thể làm là cải thiện chính sách về đất đai đối với doanh nghiệp.
Thứ hai là xử lý những vấn đề pháp lý để đảm bảo doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các mô hình kinh doanh vừa và nhỏ không bị chèn ép bởi những người thi hành pháp luật.
Thứ ba là xây dựng hệ sinh thái cho doanh nghiệp tư nhân, trong đó có doanh nghiệp tư nhân trụ cột, nhưng quan trọng là họ phải đảm bảo sử dụng các doanh nghiệp vừa và nhỏ để làm nhà cung ứng, khuyến khích để họ tận dụng chuỗi cung ứng và các dịch vụ từ chính doanh nghiệp nội địa vừa và nhỏ.
Cuối cùng, tôi nghĩ cần có sự điều chỉnh trong mua sắm của chính phủ, tăng cường sức mua đối với hàng Việt Nam. Để hàng Việt có chỗ đứng thật sự, tôi nghĩ điều đó còn đến từ lòng tự trọng của nhà sản xuất nội địa, nếu họ nâng cao chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng Việt sẽ đi theo và ủng hộ.
Nguồn: Linh Chi, Doanh nghiệp Việt trước thách thức chuỗi giá trị, Forbes Việt Nam, 26/7/2019