Cơ chế giá bán lẻ điện: cần thêm đột phá!
(TBKTSG) - Năm 2018, áp lực tăng giá điện cao nhưng cơ quan quản lý kiềm chế không cho tăng, để rồi giá điện tăng vọt 8,36 % vào tháng 3-2019, mức tăng cao nhất trong vòng tám năm qua. Tuy nhiên, tăng bao nhiêu thực ra không quan trọng bằng cách tăng như thế nào.
Mới đây, Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo quyết định mới nhằm thay đổi cơ chế điều chỉnh giá điện bán lẻ. Dự thảo này liệu có thúc đẩy cải cách thị trường?
Lợi nhuận định mức chưa rõ căn cứ
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo Quyết định Quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Dự thảo này ngay lập tức gây chú ý dư luận, đặc biệt về việc cho phép tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có lợi nhuận định mức 3% vốn chủ sở hữu.
Liệu cho phép một doanh nghiệp nhà nước hưởng lợi nhuận thông qua can thiệp giá có xung đột với mục tiêu phát triển thị trường điện cạnh tranh?
Theo góp ý cho dự thảo quyết định này của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lợi nhuận định mức như trên là hợp lý vì lẽ nó đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ (1), và giúp EVN có nguồn vốn để đầu tư các dự án điện mới trong bối cảnh nhu cầu điện của Việt Nam tăng nhanh hơn tốc độ tăng công suất phát điện trong vài năm qua.
Việc đưa lợi nhuận định mức vào cách tính giá điện là không mới. Ảnh: Thành Hoa / Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Kỳ thực, việc đưa lợi nhuận định mức vào cách tính giá điện là không mới. Trong cách tính cũ, nhiều loại chi phí hợp thành giá điện như chi phí mua điện, truyền tải điện, phân phối, quản lý điều độ hệ thống điện đã tích hợp lợi nhuận định mức. Dự thảo quyết định lần này chỉ đơn giản hợp nhất tất cả các lợi nhuận định mức trong các chi phí thành phần trên và xác định rõ ràng đây là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), và có giá trị tối thiểu 3%.
Việc phân định tỷ suất lợi nhuận rõ ràng còn có tác dụng khuyến khích nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vào ngành điện. Hiện nay, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam cần khoảng 25 tỷ đô la Mỹ đầu tư của tư nhân trong giai đoạn 2014-2020 mới có thể đáp ứng được nhu cầu đầu tư vào ngành điện phục vụ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nhà đầu tư tư nhân chắc chắn sẽ không bỏ vốn nếu như cứ phải bù lỗ cho giá điện, như Nhà nước đang làm hiện nay.
Ngoài ra, kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy nếu EVN muốn vay vốn đầu tư từ các tổ chức tài chính quốc tế mà không thông qua bảo lãnh Chính phủ thì EVN buộc phải nâng hạng mức tín nhiệm của mình bằng việc có tăng trưởng lợi nhuận ba năm liên tiếp.
Tuy nhiên, tại sao tỷ suất lợi nhuận của EVN lại là 3% mà không phải một con số khác? Theo báo cáo thường niên của EVN năm 2017, ROE trong hai năm 2015 và 2016 chỉ đạt mức rất thấp, lần lượt là 1,98% và 2,16%. Như vậy, ngưỡng lợi nhuận mới có vẻ khá gần và dễ đạt được mà không phải điều chỉnh giá điện quá nhiều.
Song, theo VCCI, cách xác định lợi nhuận định mức của EVN là không dựa vào nhu cầu đầu tư thực tế mà phụ thuộc nhiều vào cân đối kinh tế vĩ mô, do đó tác dụng sẽ hạn chế. Còn theo khuyến cáo của WB, ngưỡng ROE có thể chấp nhận được để thu hút được đầu tư tư nhân phải ở mức từ 5-20%. Thiết nghĩ, dù với mục đích gì, cơ quan chức năng cũng cần lý giải kỹ lưỡng về mức lợi nhuận định mức này để tránh gây hiểu lầm, thiếu đồng thuận từ dư luận.
Vẫn thiếu minh bạch!
Quy định mới về cách tính giá điện bán lẻ vẫn chưa khắc phục được sự thiếu minh bạch trong cách tính các loại chi phí giá điện. Điển hình là các loại chi phí khác không được nêu cụ thể, không rõ căn cứ và cũng không có giới hạn mức độ. Trước vấn đề này, VCCI đã nêu lên nghi vấn về việc đưa các chi phí không hoàn toàn liên quan trực tiếp tới cung ứng điện như chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện. Vừa là người bán điện, vừa là người hô hào tiết kiệm điện, dễ thấy EVN khó có thể tuyên truyền hiệu quả được do xung đột lợi ích.
Ngoài ra, việc thanh tra, kiểm soát thường xuyên đối với EVN cũng cần sự tham gia nhiều hơn của các đối tượng sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cho sinh hoạt chịu tác động trực tiếp khi giá điện tăng, như Hiệp hội Thép, Dệt may... Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, đại diện cơ quan truyền thông... Rất tiếc dự thảo quyết định mới vẫn chưa đáp ứng được điều này.
Nhưng thừa bất định
Một điểm khá thất vọng trong dự thảo quyết định lần này là không hề có quy định thông báo trước cho người dân về sự thay đổi giá điện. Điện là đầu vào quan trọng trong sản xuất kinh doanh, không tiên lượng được sự biến đổi giá sẽ khiến doanh nghiệp sống trong bất định, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh.
Theo quy định hiện tại, nếu giá điện tăng từ 3-5%, EVN có thể trực tiếp điều chỉnh mà không cần báo trước, hoặc xin phép Bộ Công Thương. Ngay cả khi giá tăng trên 5%, thì EVN cũng chỉ cần thông báo và xin phép Bộ Công Thương 15 ngày.
Giả dụ Bộ Công Thương có công khai phương án giá điện mới thì đó vẫn là khoảng thời gian quá ngắn, không đủ để doanh nghiệp thay đổi các kế hoạch kinh doanh của mình. Trong bối cảnh các loại chi phí tính giá điện không được công khai thì việc tiên lượng trước sự thay đổi của giá điện là hết sức khó khăn cho tất cả mọi người, ngoại trừ chính EVN.
Cần thêm đột phá để phát triển bền vững
Dự thảo quyết định mới về cách tính giá điện bán lẻ, một cách công bằng, là tiến bộ. Ngoài những điểm đã nêu trên, các quy định trong dự thảo này còn có một số thay đổi khác để tính đủ hơn giá thành sản xuất điện. Ví dụ, tính giá căn cứ cả các kết quả kiểm tra, kiểm toán chi phí sản xuất điện từ hai năm trước; quy định rõ thời hạn, thời gian trả lời của các cơ quan chức năng về thay đổi giá và giảm bớt gánh nặng tính toán, báo cáo quá nhiều cho EVN.
Thật đáng tiếc là các quy định mới này dường như thiếu tính đột phá, vì không thực sự đưa ra được một lộ trình tăng giá điện cụ thể, rõ ràng, có thể tiên lượng trước được cho doanh nghiệp, người dân. Các quy tắc vẫn nặng tính chất “kê đơn, bốc thuốc” thay vì các quy tắc điều chỉnh rõ ràng, tự động, có thể tiên lượng. Thêm vào đó, quy định mới cũng không đưa ra được những cơ chế bình ổn giá khi có các biến động lớn về tỷ giá, điều kiện thủy văn và giá nhiên liệu.
Theo khuyến nghị của WB, việc tăng giá điện là cách hữu hiệu và cần thiết nhất để giải quyết nhu cầu đầu tư vào ngành điện của Việt Nam. Song chỉ tăng giá điện thôi là chưa đủ! Ngành điện cần có những giải pháp bổ trợ, như thành lập quỹ bình ổn giá và một lộ trình tăng giá điện hợp lý để khôi phục sự lành mạnh tài chính.
Việc tăng giá điện chỉ có thể thành công khi có sự đồng thuận của xã hội, khi doanh nghiệp và người dân tin tưởng rằng giá tăng cao nhưng phản ánh đúng chi phí và chất lượng dịch vụ cũng được cam kết cải thiện.
Nguồn: Nguyễn Văn Thịnh, Cơ chế giá bán lẻ điện: cần thêm đột phá!, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 9/4/2019
Chú thích:
(1) Quyết định 219/QĐ-TTg ngày 13/2/2018 của Thủ tướng về phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm năm 2016-2020