[Chủ nghĩa tự do truyền thống] - Chương 2: Chính sách kinh tế tự do (Phần 2)
Đây là phần trích đăng từ chương "Liberal Economic Policy" trong cuốn sách "Chủ nghĩa tự do truyền thống", tác phẩm kinh điển, có tính chất đặt nền móng cho chủ nghĩa tự do cá nhân của Ludwig von Mises, xuất bản lần đầu năm 1929. Nhan đề bài viết do TTTD Academy đặt.
- Thị trường Tự do Academy
3. Tư hữu và chính phủ
Tất cả các nhà cầm quyền, tất cả các chính phủ, vua chúa, và các chính quyền cộng hòa, đều có thái độ nghi ngờ sở hữu tư nhân. Tất cả các chính quyền đều có xu hướng không chịu công nhận bất kì giới hạn nào đối với hoạt động của mình, và đều muốn khuếch trương lĩnh vực cai trị của mình càng rộng càng tốt. Quản lí tất cả, không để cho bất cứ thứ gì có thể tự ý xảy ra mà không có sự can thiệp của chính quyền - đấy là mục tiêu mà tất cả những người có quyền đều ngầm hướng tới. Nếu như không có sở hữu tư nhân ngáng đường! Sở hữu tư nhân tạo cho người ta lĩnh vực mà ở đó người ta có thể sống độc lập với nhà nước. Nó tạo ra giới hạn cho việc thực thi ý chí của chính quyền. Như vậy, sở hữu tư nhân trở thành nền tảng của tất cả những hoạt động độc lập với với sự can thiệp mang tính bạo lực từ phía nhà nước. Đấy là mảnh đất ươm mầm hạt giống của tự do, và là nơi cung cấp dưỡng chất cho sự độc lập của các cá nhân cũng như sự phát triển, cả về vật chất lẫn tinh thần, của xã hội nói chung. Theo nghĩa như thế, người ta thậm chí còn gọi sở hữu tư nhân là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của cá nhân. Nhưng câu nói đó chỉ có thể được chấp nhận trong những chừng mực nhất định vì sự đối lập giữa cá nhân và tập thể, giữa các tư tưởng và mục đích mang tính cá nhân và tập thể, đã trở thành những quan điểm lỗi thời rỗng tuếch.
Như vậy tức là chẳng bao giờ có lực lượng chính trị nào chịu tự nguyện từ bỏ thói quen cản trở sự phát triển và hoạt động của thể chế sở hữu tư nhân đối với các tư liệu sản xuất. Các chính phủ chấp nhận sở hữu tư nhân khi họ buộc phải làm như thế, nhưng họ không tự nguyện công nhận tính tất yếu của nó. Ngay cả các chính khách theo đường lối tự do sau khi giành được quyền lực, dù ít dù nhiều, cũng thường tìm cách đẩy những nguyên tắc tự do xuống hàng thứ yếu. Xu hướng áp đặt những hạn chế mang tính áp bức đối với sở hữu tư nhân, lạm dụng quyền lực chính trị, không chịu tôn trọng hay công nhận bất kì lĩnh vực tự do nào nằm ngoài sự chi phối của nhà nước đã bén rễ rất sau vào tâm trí của những người nắm quyền kiểm soát bộ máy cưỡng bức và đàn áp; không bao giờ họ có thể tự nguyện chống lại được cám dỗ đó. Chính phủ tự do là chính phủ contradictio in adjecto [mang trong mình nó mâu thuẫn nội tại - tiếng Latin - ND]. Do áp lực của dư luận mà các chính phủ phải chấp nhận chủ nghĩa tự do, chính phủ tự nguyện trở thành chính phủ tự do là hi vọng viển vông.
Điều gì buộc những người cai trị phải công nhận quyền sở hữu của các thần dân? Không khó hiểu nếu đấy là một xã hội gồm toàn những điền chủ giàu có như nhau. Trong chế độ xã hội như thế, bất kì nỗ lực nào nhằm hạn chế quyền sở hữu sẽ đều gặp phải sự phản đối tức thời của tất cả các thần dân, và chính phủ sẽ bị lật đổ. Nhưng tình hình sẽ khác hẳn nếu đấy không phải là xã hội thuần nông mà có cả sản xuất công nghiệp nữa, đặc biệt là nếu có các doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp bỏ nhiều vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp, khai khoáng và thương mại. Trong xã hội như thế, những người nắm quyền trong chính phủ có thể dễ dàng thực hiện những hành động nhằm chống lại sở hữu tư nhân. Trên thực tế, tấn công vào sở hữu tư nhân bao giờ cũng mang lại cho chính phủ nhiều thuận lợi hơn cả - rất dễ dàng kích động quần chúng đứng lên chống lại những người có nhiều đất đai và vốn liếng. Vì vậy mà liên kết với “nhân dân” nhằm chống lại giai cấp có của đã và vẫn là tư tưởng của tất cả các vua chúa, những nhà độc tài và bạo chúa từ xưa đến nay. Đế chế thứ hai của Louis Napoléon không chỉ là chế độ được xây dựng trên những nguyên tắc của chủ nghĩa Caesar. Nhà nước độc tài của dòng họ Hohenzollerns ở Phổ cũng nắm lấy tư tưởng về việc giành sự ủng hộ của giai cấp công nhân trong cuộc chiến chống lại giai cấp tư sản tự do bằng chính sách của chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa can thiệp do Lassalle đưa vào nền chính trị Đức trong cuộc đấu tranh hiến pháp ở Phổ. Đấy chính là nguyên tắc căn bản của “chế độ quân chủ xã hội”, một chế độ được Schmoller và trường phái của ông ta hết sức tán dương.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả những sự ngược đãi như thế, thể chế sở hữu tư nhân vẫn tiếp tục tồn tại. Cả sự tức giận của chính phủ, cả những chiến dịch đầy thù hận của những nhà văn và những nhà đạo đức học, của nhà thờ và các tôn giáo lẫn sự oán hờn của quần chúng – có nguồn gốc từ sự ghen tức mang tính bản năng – đều không thể tiêu diệt được nó. Mọi cố gắng nhằm thay nó bằng phương pháp tổ chức sản xuất và phân phối khác đều nhanh chóng chứng tỏ rằng đó là việc là phi lí và bất khả. Người ta buộc phải công nhận rằng thể chế sở hữu tư nhân là thể chế tối cần thiết, và dù muốn hay không người ta phải quay về với nó.
Tuy nhiên, cho đến nay người ta vẫn không chịu hiểu rằng lí do của việc quay trở lại với thể chế sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất là: về nguyên tắc đó là nền tảng của hệ thống kinh tế nhằm phục vụ các nhu cầu và mục đích của con người. Người ta vẫn không thể giả thoát khỏi hệ tư tưởng đã bám vào đầu óc họ, mà cụ thể là tin rằng sở hữu tư nhân là cái ác mà ta phải chấp nhận cho đến khi nhân loại đủ trưởng thành về mặt đạo đức. Mặc dù các chính phủ - trái ngược với những ý định của mình, và tất nhiên là cũng trái ngược với xu hướng của mọi trung tâm quyền lực – chấp nhận sự tồn tại của sở hữu tư nhân, nhưng họ vẫn tiếp tục bám chặt vào (không chỉ bằng biểu hiện bên ngoài mà cả trong suy nghĩ) hệ tư tưởng thù địch với quyền tư hữu. Thực ra, họ cho rằng về nguyên tắc phản đối sở hữu tư nhân là đúng, và chỉ vì yếu đuối hoặc phải tính đến quyền lợi của những nhóm có nhiều ảnh hưởng mà họ phải đi chệch khỏi nguyên tắc này.
4. Chủ nghĩa xã hội là bất khả thi
Người ta thường nghĩ rằng chủ nghĩa xã hội chưa thành hiện thực vì dân chúng chưa có những phẩm chất mà xã hội xã hội chủ nghĩa yêu cầu. Người ta lo ngại rằng dưới chế độ chủ nghĩa xã hội phần đông sẽ không nhiệt tình thực hiện trách nhiệm và công việc như họ đã từng thể hiện trong những công việc hằng ngày trong chế độ dựa trên quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Trong xã hộ tư bản, mỗi người đều biết rằng làm nhiều thì hưởng nhiều, làm ít thì hưởng ít, thu nhập tỉ lệ thuận với thành quả lao động. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, mỗi người đều nghĩ rằng hiệu suất lao động của anh ta chẳng có giá trị bao nhiêu, vì đằng nào thì anh ta cũng được chia một phần nhất định, còn sự lười nhác của bất kì người nào cũng chẳng làm cho tổng tài sản giảm đi đáng kể. Đáng sợ là điều này sẽ trở thành nhận thức chung của tất cả mọi người, và năng suất lao động của chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ giảm đi trông thấy.
Sự phản đối chống lại chủ nghĩa xã hội như vậy là hoàn toàn có lí, nhưng nó không đi vào thực chất của vấn đề. Nếu trong chế độ xã hội chủ nghĩa ta có thể xác định được thành quả lao động của mỗi người với độ chính xác như việc tính toán kinh tế trong hệ thống tư bản chủ nghĩa thì tính khả thi của chủ nghĩa xã hội sẽ không phụ thuộc lòng tốt của bất cứ người nào. Ít nhất xã hội cũng có thể, trên cơ sở đóng góp của mỗi người, xác định được phần sẽ chia cho người đó. Chủ nghĩa xã hội bất khả thi chính vì chủ nghĩa xã hội không thể thực hiện được công việc tính toán kinh tế như thế. Trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, tính toán lợi nhuận sẽ là chỉ dấu cho người nghiệp chủ biết rằng xí nghiệp mà anh ta đang vận hành có nên hoạt động tiếp hay không trong các điều kiện hiện tại, và liệu nó có hoạt động hữu hiệu nhất hay không, nghĩa là có hoạt động với chi phí sản xuất thấp nhất hay không. Nếu không có lãi thì từ góc độ của người tiêu dùng, nguyên vật liệu, bán thành phẩm và lao động cần dùng ở xí nghiệp đó có thể được các xí nghiệp khác sử dụng cho những mục đích cấp bách hơn và cần thiết hơn hoặc sử dụng cho những mục đích đó nhưng tiết kiệm hơn (nghĩa là với chi phí thấp hơn về lao động và vốn). Ví dụ, khi việc dệt vải bằng biện pháp thủ công không mang lại lợi nhuận nữa thì đó là tín hiệu chứng tỏ rằng vốn và lao động sử dụng trong ngành công nghiệp dệt bằng cách sử dụng máy móc tạo ra nhiều sản phẩm hơn, và điều này cũng có nghĩa là sẽ không kinh tế nếu cứ bám lấy phương pháp sản xuất mà với cùng đồng vốn và lao động nhưng lại tạo ra ít sản phẩm hơn.
Khi lập kế hoạch xây dựng một nhà máy, người ta có thể dự tính liệu nó có mang lại lợi nhuận hay không, và mang lại bằng cách nào. Ví dụ, nếu có ý định xây dựng một tuyến đường sắt thì người ra có thể đánh giá số lượng hàng hóa và hành khách cần vận chuyển, giá vé, để tính toán xem có nên đầu tư vốn và lao động vào tuyến đường đó hay không. Nếu kết quả tính toán cho thấy tuyến đường dự kiến xây dựng không mang lại lợi nhuận, thì đó là tín hiệu cho thấy vốn và lao động nên được đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết hơn cho xã hội; thế giới chưa giàu có tới mức có thể cho phép người ta chi tiêu những khoản như thế. Nhưng ý nghĩa quyết định của việc tính toán giá trị và lợi nhuận không chỉ dừng lại ở khâu khởi sự một dự án mới mà nó còn được nghiệp chủ dùng để kiểm soát mọi bước đi của doanh nghiệp.
Tính toán kinh tế tư bản chủ nghĩa – phương cách duy nhất để khiến việc sản xuất trở thành hữu lí – là tính toán bằng đơn vị tiền tệ. Chỉ vì giá của tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ trên thị trường đều có thể biểu hiện dưới dạng đơn vị tiền tệ cho nên ta có thể đưa các loại hàng hóa và dịch vụ này – dù chúng có khác biệt nhau đến đâu – vào cùng một phép tính sử dụng những đơn vị đo lường đồng nhất. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, nơi tất cả các phương tiện sản xuất đều là sở hữu toàn dân, và vì thế, đấy cũng là nơi không có thị trường cũng như sự trao đổi cho các hàng hóa và dịch vụ làm tư liệu sản xuất, là nơi không thể định giá bằng tiền cho các hàng hóa và dịch vụ được tạo ra tại các công đoạn sản xuất cao hơn (trong chuỗi sản xuất). Như vậy nghĩa là xã hội đó không có phương tiện quản lí hữu lí các xí nghiệp, tức là không thể tính toán kinh tế. Tính toán kinh tế sẽ không thể thực hiện được nếu tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ không thể quy về một mẫu số chung.
Xin xem xét một trường hợp đơn giản nhất. Đường sắt nối điểm A với điểm B có thể được xây dựng theo những tuyến khác nhau. Giả sử giữa A và B có một ngọn núi. Có thể xây dựng tuyến đường vắt qua núi, đi vòng quanh núi hoặc theo đường hầm xuyên qua núi. Trong xã hội tư bản chủ nghĩa tính xem đoạn đường nào có lợi nhất là việc cực kì đơn giản. Người ta sẽ xác định giá thành xây dựng của mỗi đoạn đường và sự chênh lệch về chi phí vận hành trong quá trình khai thác trên mỗi cung đường. Từ những tính toán như thế sẽ dễ dàng xác định cung đường nào có lợi nhất. Nhưng xã hội xã hội chủ nghĩa lại không thể làm được những tính toán như thế. Vì nó không đưa tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau mà ta cần phải hạch toán vào một đơn vị đo lường thống nhất. Chủ nghĩa xã hội sẽ bất lực trước những vấn đề quản lí kinh tế diễn ra thường xuyên, hàng ngày, vì nó không thể hạch toán được.
Hiện nay chúng ta có được sự thịnh vượng đủ sức nuôi được nhiều người hơn thời tiền tư bản chính là vì phương pháp tư bản chủ nghĩa tạo ra những chuỗi sản xuất có nhiều công đoạn hơn, mà không thể vận hành nếu không có tính toán kinh tế bằng tiền. Đấy là điều bất khả dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Những người cầm bút theo đường lối xã hội chủ nghĩa chỉ mất công khi tìm cách chứng minh rằng có thể quản lí được sản xuất mà không cần tính toán dựa trên giá cả và tiền tệ. Tất cả những cố gắng của họ trong lĩnh vực này đều sẽ thất bại.
Như vậy là, những người cầm quyền trong chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ phải đối mặt với một vấn đề mà họ sẽ không thể nào giải quyết. Không thể nào xác định được trong vô vàn phương án hành động, phương án nào sẽ hữu lí nhất. Sự hỗn loạn trong lĩnh vực kinh tế chắc chắn sẽ dẫn đến hiện tượng nghèo khổ một cách toàn diện, không thể đảo ngược và sẽ thoái hóa trở lại tình trạng bán khai mà tổ tiên ta từng sống.
Lí tưởng xã hội chủ nghĩa, nếu được thực thi đến cùng, sẽ dẫn đến một trật tự xã hội trong đó tất cả các tư liệu sản xuất sẽ nằm trong tay toàn thể nhân dân. Quá trình sản xuất sẽ nằm hoàn toàn trong tay chính phủ, trong tay trung tâm quyền lực của xã hội. Chính phủ sẽ tự quyết định sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, và phân phối hàng hóa ra sao. Nhà nước xã hội chủ nghĩa tương lai như thế dù được dựng lên bằng con đường dân chủ hay bằng những con đường khác cũng chẳng tạo ra sự khác biệt nào. Ngay cả nhà nước xã hội chủ nghĩa theo mô hình dân chủ cũng phải thiết lập một bộ máy quan liêu được tổ chức một cách chặt chẽ, trong đó mỗi người, trừ những quan chức cao cấp nhất, đều là một nhân viên của bộ máy, có trách nhiệm thực thi vô điều kiện các chỉ thị của chính quyền trung ương, dù rằng anh ta, với vai trò của một cử tri, có thể tham gia vào quá trình soạn thảo ra các chỉ thị như thế.
Một nhà nước xã hội chủ nghĩa kiểu như thế khác hẳn với những xí nghiệp quốc doanh, bất kể quy mô nào, mà chúng ta thấy ở châu Âu, đặc biệt là Đức và Nga, trong mấy chục năm gần đây [Ý nói nước Nga trong giai đoạn kinh tế mới (NEP) – chú thích của bản tiếng Nga - ND]. Tất cả các xí nghiệp này đều phát triển bên cạnh những xí nghiệp do các nhà tư sản nắm giữ và quản lí, và họ nhận được từ những xí nghiệp như thế những động lực khác nhau củng cố cho hoạt động của mình. Ví dụ như những tuyến đường sắt do nhà nước vận hành được những nhà sản xuất đầu máy, toa xe, thiết bị truyền tín hiệu và những thiết bị khác cung cấp máy móc đã từng được sử dụng trên những tuyến đường nằm trong tay tư nhân. Như vậy là, xí nghiệp quốc doanh được khuyến khích cải tiến để theo kịp về mặt công nghệ và phương pháp quản lí kinh doanh đang diễn ra xung quanh.
Ai cũng biết rằng các xí nghiệp quốc doanh và xí nghiệp địa phương nói chung đều thất bại: chúng vừa tiêu tốn nhiều tiền của vừa thiếu hiệu năng, và phải lấy thuế ra để trợ cấp thì chúng mới tiếp tục hoạt động được. Dĩ nhiên là trong những lĩnh vực mà doanh nghiệp nhà nước nắm vị thế độc quyền – ví dụ như phương tiện giao thông công cộng, chiếu sáng, nhà máy điện – thì sự thiếu hiệu quả không phải bao giờ cũng được thể hiện dưới dạng thiệt hại về tài chính khả thị. Trong một số hoàn cảnh người ta còn có thể che giấu bằng cách để cho doanh nghiệp độc quyền nâng giá sản phẩm và dịch vụ của nó lên cao đến mức có thể làm cho doanh nghiệp có lời mặc dù việc quản lí nó có phi kinh tế đến mức nào. Phương pháp sản xuất xã hội chủ nghĩa có năng suất lao động thấp, nhưng được biểu hiện theo một cách khác và khó nhận ra hơn. Nhưng bản chất vấn đề thì vẫn thế.
Không có một thử nghiệm về quản lí xí nghiệp theo lối xã hội chủ nghĩa nào có thể cung cấp cho chúng ta bất cứ cơ sở nào để nói rằng điều gì sẽ xảy ra nếu lí tưởng xã hội chủ nghĩa về sở hữu tập thể tất cả các tư liệu sản xuất trở thành hiện thực. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa tương lai, nơi không còn chỗ cho các doanh nghiệp tư nhân tự do hoạt động bên cạnh các xí nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và do nhà nước quản lí, cơ quan lập kế hoạch ở trung ương sẽ không còn tiêu chí để đánh giá toàn bộ nền kinh tế do thị trường và giá cả thị trường cung cấp nữa. Trên thị trường, nơi tất cả hàng hóa và dịch vụ được mang ra trao đổi, có thể xác định được tỉ lệ trao đổi (được biểu hiện bằng đơn vị tiền tệ) cho tất cả những thứ được bán và mua. Và như thế, trong chế độ xã hội đặt nền tảng trên sở hữu tư nhân người ta có thể sử dụng hạch toán bằng tiền để kiểm tra kết quả của tất cả các hoạt động kinh tế. Có thể dùng các phương pháp kế toán và hạch toán giá thành để kiểm tra năng suất lao động của tất cả các giao dịch kinh tế. Cần nói thêm rằng các doanh nghiệp nhà nước không thể sử dụng phương pháp hạch toán giá thành như các doanh nghiệp tư nhân. Nhưng tính toán bằng tiền vẫn có thể cung cấp cho xí nghiệp của nhà nước hay xí nghiệp tập thể một số cơ sở để kết luận rằng doanh nghiệp đã thành công hay thất bại. Nhưng trong hệ thống xã hội toàn trị, điều đó sẽ không thể xảy ra vì không còn sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất thì sẽ không còn trao đổi các hàng hóa vốn trên thị trường, và như vậy không còn giá cả tính bằng tiền và không còn tính toán bằng tiền nữa. Vì vậy mà ban lãnh đạo chế độ xã hội toàn trị sẽ không còn phương tiện để quy tất cả những món hàng khác nhau mà họ có ý định sản xuất về một mẫu số chung.
Tính toán chi phí bằng hiện vật và so sánh với tiết kiệm bằng hiện vật cũng không giúp ích được gì. Không thể tính toán được nếu không đưa được số giờ lao động có chất lượng khác nhau, không đưa được sắt, than đá, vật liệu xây dựng, máy móc và tất cả những thứ cần thiết khác cho hoạt động và quản lí doanh nghiệp về cùng một đơn vị đo lường. Chỉ có thể tính toán được khi ta có thể đưa được tất cả các hàng hóa đang xem xét về cùng đơn vị tiền tệ. Dĩ nhiên là tính toán bằng tiền cũng có những khuyết tật và hạn chế, nhưng không có phương tiện nào khác có thể thay thế được nó. Khi hệ thống tiền tệ còn đủ tin cậy thì tính toán bằng tiền là đủ để đáp ứng được những mục đích thực tiễn của cuộc sống. Nếu chúng ta từ bỏ tính toán bằng tiền thì ta sẽ không thể thực hiện được bất kì tính toán kinh tế nào. Đấy là lí lẽ quyết định mà kinh tế học đưa ra nhằm phản bác lại tính khả thể của chủ nghĩa xã hội. Xã hội xã hội chủ nghĩa sẽ phải từ bỏ phân công lao động một cách thông minh, được thể hiện trong sự hợp tác của tất cả các doanh nhân, địa chủ. và người lao động trong vai trò là những nhà sản xuất và người tiêu dùng trong việc hình thành giá cả thị trường. Không có tính toán dựa vào giá cả và tiền tệ thì tính duy lí, tức khả năng tính toán kinh tế, sẽ trở thành điều không tưởng.
Nguồn bản gốc: Liberalism - The Classical Tradition. Edited by Bettina Bien Greaves, Liberty Fund, Inc. 2005
Nguồn bản dịch: Mises, Ludwig von (2013[1927]). Chủ nghĩa tự do truyền thống. Phạm Nguyên Trường dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Liberalism (1927) Liberalismus (bản tiếng Đức)