[Tinh thần dân chủ] Chương 13: Làm cho dân chủ hoạt động (Phần 2)

[Tinh thần dân chủ] Chương 13: Làm cho dân chủ hoạt động (Phần 2)

VÌ SAO CÁC CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ MỚI HOẠT ĐỘNG KÉM HIỆU QUẢ

Tại sao nhiều nước dân chủ mới sinh ra trong làn sóng thứ ba lại yếu và gặp nhiều rắc rối? Như chúng ta đã thấy trong các chương trước, những nước này có hệ thống quản trị yếu kém, hệ thống này lại có thành tích kém trong việc thực hiện chính sách đã đề ra và làm cho người dân thất vọng. Một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kì và Brazil đã cải thiện được bộ máy quản lý và thành tích trong phát triển. Một số nước như Nam Phi và Indonesia vốn là những nước mạnh, điều đó đã giúp họ giải quyết được những thách thức trong quá trình chuyển hóa. Nhưng phần lớn những nước dân chủ “đang gặp rủi ro”, bị đau khổ vì sự trì trệ hay đơn giản là quản trị yếu kém. Một số nước dường như bị dính mắc vào tham nhũng, lạm quyền, nhân trị, thật khó mà biết nếu không cải cách thì làm sao những chế độ dân chủ này có thể sống sót được.

Vấn đề của những nhà nước này, cũng như của phần lớn những nước chưa dân chủ, là quản trị tồi không phải là sự lầm lẫn hay căn bệnh để có thể tiến hành chữa trị. Đấy – như các nhà kinh tế học Douglass North, John Wallis, và Barry Weingast khẳng định một cách đanh thép – là tình trạng tự nhiên, tương tự như tư thế sai trong một cỗ máy vậy.1 Trong lịch sử, xu hướng tự nhiên trong xã hội loài người suốt mười ngàn năm lịch sử thành văn không phải là giới hạn quyền lực hay buộc quyền lực tuân thủ những đạo luật về minh bạch, tuân thủ những thiết chế và cạnh tranh của thương trường. Không những thế, đấy là sự lũng đoạn và độc chiếm quyền lực. Khi người dân không được tiếp cận với tiến trình chính trị thì quyền lực được sử dụng nhằm hạn chế cạnh tranh về kinh tế, sao cho nhóm nhỏ những kẻ ăn trên ngồi trốc nắm quyền có thể cướp đoạt số đông người khác trong xã hội. “Trật tự với quyền tiếp cận bị hạn chế” như vậy, hay tôi gọi là hệ thống cướp bóc, có thể giữ được ổn định nếu những kẻ ăn trên ngồi trốc nắm quyền dùng một số của cải mà họ thu được nhằm củng cố và giữ vững trật tự chính trị chứ không thúc đẩy phát triển kinh tế. Trật tự này không thể tương thích với chế độ dân chủ thật sự. Trong dài hạn, chế độ dân chủ ổn định và có chất lượng cao phải được gắn vào “trật tự với quyền tiếp cận cởi mở”, với những đặc điểm “cạnh tranh, tham gia và năng động” trong cả lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị.2

Tiếp cận cởi mở chỉ có thể được duy trì trong nền văn hóa và cơ cấu xã hội tương ứng, điều mà nhà chính trị học Robert Putnam gọi là cộng đồng dân sự.Trong cộng đồng dân sự mẫu mực sẽ có rất nhiều vốn xã hội – “niềm tin, các tiêu chuẩn và mạng lưới, tức là những điều kiện có thể cải thiện hiệu quả của xã hội bằng cách tạo thuận lợi cho những hành động có phối hợp.”4 Trong cộng đồng dân sự, người dân tin cậy lẫn nhau, kết hợp với nhau trong nhiều hình thức liên kết, và hợp tác để thực hiện những mục tiêu lớn hơn, mang tính tập thể. Nếu có khác biệt về niềm tin và ý kiến thì họ vẫn tôn trọng và khoan dung với nhau và họ cảm nhận được ý thức về sự gắn bó với cộng đồng hay dân tộc, vượt lên trên những khác biệt của họ. Các công dân coi nhau như những người bình đẳng về chính trị và tin vào sự bình đẳng về cơ hội, thâm chí ngay cả khi họ biết rằng bình đẳng hoàn toàn về kết quả là bất khả thi. Quan hệ giữa người với người chủ yếu là theo chiều ngang: người ta đến với nhau như những cá nhân có phẩm giá, quyền và trách nhiệm như nhau; và sự bình đẳng này được gắn vào luật pháp. Cá nhân đúng là công dân, họ quan tâm tới những vấn đề của xã hội và lo lắng cho sự thịnh vượng và tiến bộ của cộng đồng. Theo nghĩa này, ít nhất, ở mức độ nào đó họ đã được thúc đẩy bởi trách nhiệm công dân. Tương tự như chủ nghĩa tư bản, cộng đồng công dân không phải là cái do con người tưởng tượng ra mà là cộng đồng phù hợp với những xung năng thuộc về bản chất con người. Putnam viết:

"Công dân trong cộng đồng dân sự không cần phải là những người vị tha.

Công dân trong cộng đồng dân sự theo đuổi điều mà Tocqueville gọi là “tư lợi được hiểu một cách đúng đắn”, nghĩa là tư lợi được xác định trong phạm vi của những nhu cầu xã hội rộng lớn hơn, tư lợi “đã được khai minh” chứ không phải là “thiển cận”, tư lợi nhưng quan tâm tới quyền lợi của những người khác.5

Họ “quan tâm tới quyền lợi của những người khác” một phần vì họ tin rằng hầu hết những công dân khác cũng hành xử tương tự như thế.

Niềm tin này không phải đã ăn sâu bén rễ ngay trong nền văn hóa dân sự tin cậy lẫn nhau. Công dân có niềm tin như thế vì trong xã hội có những thiết chế quản trị mạnh mẽ, hiệu quả, khuyến khích và tưởng thưởng cho hành xử mang tính công dân. Nền văn hóa của sự tin cậy, hợp tác, nhân nhượng, kiềm chế, khoan dung và thỏa hiệp không thể tồn tại lâu dài trên bình diện quốc gia nếu không có những thiết chế chính trị ủng hộ cho nó. Nhân dân tuân thủ luật pháp, đóng thuế, tôn trọng các tiêu chuẩn đạo đức, tham gia bồi thẩm đoàn và những việc công ích khác không chỉ đơn thuần vì họ là những người có tinh thần mình vì mọi người mà còn vì họ tin rằng những người khác cũng thế và họ biết rằng có thể bị trừng phạt nếu không làm như thế. Nếu điều này phần nào làm ta nản lòng khi nghĩ rằng người ta sẽ ít giúp đỡ lẫn nhau nếu không có những thiết chế mang tính ép buộc thì cũng lại có những hệ luận tràn đầy hi vọng: Các nền văn hóa công dân cần những thiết chế hỗ trợ và nuôi dưỡng, do đó, nền văn hóa có tính cướp bóc, tham nhũng và tìm kiếm đặc lợi, phát đạt được là vì không có những thiết chế hiệu quả và có thể thay đổi bằng cách đưa các thiết chế đó vào.

Xã hội cướp bóc là cộng đồng dân sự lộn ngược đằng chân lên đầu. Thứ nhất, đây không phải là cộng đồng thực sự, không có cam kết chung về bất cứ quan niệm nào về lợi ích chung của xã hội và không tôn trọng luật pháp. Hành vi mang tính yếm thế và cơ hội chủ nghĩa. Những người giành được quyền lực tìm cách nắm giữ độc quyền và đặc lợi mà quyền lực mang lại cho họ. Như vậy là, nếu có những cuộc bầu cử mang tính cạnh tranh thì những cuộc bầu cử này cũng trở thành cuộc đấu tranh đẫm máu, với tổng bằng không, mọi thứ đều trở thành một canh bạc mà không ai dám để mình thua. Người ta liên kết với nhau nhằm tìm kiếm quyền lực và đặc quyền đặc lợi chứ không phải như những người bình đẳng. Thêm nữa, quan hệ ở đây theo lối tôn ti trật tự cứng nhắc. Người dân bình thường không phải là công dân thực sự mà là khách hàng của những ông chủ đầy quyền lực, những ông chủ này lại là khách hàng của những ông chủ có nhiều quyền lực hơn. Bất bình đẳng hiển nhiên về quyền lực và địa vị tích tụ lại thành những mắt xích của sự lệ thuộc và bóc lột từ trên xuống, được bảo đảm bằng quan hệ đỡ đầu và áp bức. Trong xã hội cướp bóc, các quan chức sống bám vào nhà nước và cướp bóc những người yếu đuối. Người giàu bóp nặn của cải của người nghèo và không cho họ hưởng thụ những tiện ích
xã hội. “Tham nhũng được nhiều người coi là bình thường”, tham gia chính trị được động viên từ trên xuống, xã hội dân sự thường không tham gia, ít khi có thỏa hiệp, và hầu như mọi người đều có cảm giác bất lực, bị bóc lột và bất hạnh.”6

Quần chúng nhân dân dưới đáy xã hội cướp bóc không thể hợp tác với nhau vì họ bị dính mắc vào mạng lưới tôn ti trật tự, bị xé lẻ ra và vì vậy mà không tin nhau. Thường thì sự phân mảnh được tăng cường bởi sắc tộc, ngôn ngữ và những hình thức phân chia theo bản sắc khác, làm cho những người bị áp bức không thể cộng tác với nhau và tạo điều kiện cho những kẻ đặc quyền đặc lợi củng cố sự ủng hộ về chính trị sẵn có. Thường thì những kẻ ăn trên nguồi trốc trong xã hội cướp bóc tìm cách huy động những căng thẳng giữa các sắc tộc hay chủ nghĩa dân tộc nhằm hướng sự bất mãn và oán giận sang phía khác, không còn chú ý tới hành động bóc lột của họ. Tuy nhiên, căng thẳng sắc tộc và oán hận mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa có nguồn gốc độc lập, không phụ thuộc vào thể chế xã hội, đấy là lý do vì sao giới ăn trên ngồi trốc thường thu được thành công đến như thế khi họ thổi bùng ngọn lửa hận thù. Từ Nigeria tới Congo, từ Colombia tới Kosovo, từ Serbia tới Sudan, bạo lực sắc tộc, đổ máu vì tinh thần dân tộc chủ nghĩa và nội chiến thường liên quan mật thiết với nạn tham nhũng của giới ăn trên ngồi trốc vô liêm sỉ.

Xã hội cướp bóc không thể duy trì được dân chủ, vì dân chủ ổn định đòi hỏi phải tuân thủ hiến pháp, thỏa hiệp, thượng tôn pháp luật. Xã hội cướp bóc cũng không thể có phát triển ổn định vì nó đòi hỏi phải có người đầu tư vào sản xuất. Trong xã hội cướp bóc người ta không thể giàu lên nhờ hoạt động sản xuất và chấp nhận rủi ro một cách chính đáng, mà người ta giàu lên bằng cách thao túng quyền lực và đặc quyền đặc lợi, bằng cách ăn cắp của cải của nhà nước, bằng cách bóp nặn những người yếu đuối và bằng cách trốn tránh pháp luật. Không có gì ngạc nhiên là xã hội cướp bóc có nhà nước yếu, nhiều kẽ hở, nhiều khả năng là sẽ sụp đổ hoàn toàn, Nigeria là một trong những ví dụ điển hình.

Những người hoạt động chính trị trong xã hội cướp bóc sẽ sử dụng mọi phương tiện và vi phạm mọi điều luật nhằm tìm kiếm quyền lực và của cải. Chính khách đút lót cho các quan chức bầu cử, đánh đập những người cổ vũ cho phe đối lập, và giết hại các ứng cử viên đối lập. Tổng thống thì bịt miệng những người chỉ trích và loại bỏ đối thủ bằng cách thao túng pháp luật, bắt giam hoặc giết hại họ. Điều quan tâm trước hết của các bộ trưởng là số tiền mà họ kiếm được, sau đó mới tới liệu hợp đồng mà họ đang kí có giá trị gì đối với xã hội hay không. Các thành viên cơ quan lập pháp nhận hối lộ trước khi bỏ phiếu thông qua dự luật, tạo ra hay phá vỡ liên minh cầm quyền. Các sĩ quan thì mua vũ khí trên cơ sở được lại quả là bao nhiêu. Quân nhân và cảnh sát tìm cách bóp nặn chứ không phải là bảo vệ xã hội, khoảng cách giữa cảnh sát và tội phạm là rất mong manh, đấy là nói nếu quả thật có khoảng cách như thế. Cảnh sát không thi hành luật pháp. Quan tòa không xử theo luật. Quan chức hải quan không kiểm tra hàng hóa. Người sản xuất không sản xuất, ngân hàng không đầu tư, người vay tiền không chịu trả, còn hợp đồng thì không bị buộc phải thực hiện. Tất cả các vụ giao dịch đều được vặn vẹo thế nào đó để được lợi ngay lập tức. Thời gian dành cho các khoản đầu tư cực kì ngắn vì không ai tin vào nhà nước và tương lai của nhà nước. Chính phủ thiên về âm mưu và tội phạm có tổ chức thâm nhập vào lĩnh vực chính trị và chính phủ.

Tôi đã vẽ ra bức chân dung có tính cực đoan về xã hội cướp bóc, những đất nước đang gặp rắc rối trên thế giới sẽ có những nét nào đó được thể hiện trong bức chân dung này. Nhưng những nước mà trật tự đang đổ nát và kinh tế đang trì trệ thì chắc chắn là mang tính cướp bóc nhiều hơn là dân sự. Và càng có tính cướp bóc thì chính quyền càng dựa vào con người chứ không dựa vào luật pháp và thiết chế –– chế độ dân chủ càng dễ bị bào mòn."

Chú thích:

(1) Douglass North, John Wallis, and Barry Weingast, “A Conceptual Framework for interpreting Recorded Human History”, Natural Bureau of Economic Research, Working Paper no. 12795, December 2006, http://www.nber.org/papers/w12795.
(2) Ibid., p. 6.
(3) Robert D. Putnam, Making Democracy Work: Civic Tradition in Modem Italy (Princeton, NJ.: Princeton University Press, 1993).
(4) Ibid., p.167.

(5) Ibid., p. 88. Đoạn thảo luận bên trên về cộng đồng dân sự chủ yếu được lấy từ trang 87-90.

(6) Ibid., p.115.

Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường