[Thị trường và đạo đức] Chương 4: Chữa bệnh kiếm lời và động cơ của lòng trắc ẩn
Tác giả tiểu luận này đưa ra suy nghĩ của mình, trên cơ sở trải nghiệm của chính ông trong quá trình điều trị bệnh đau lưng. Đây không phải là học thuyết xã hội, cũng không phải là đóng góp vào môn khoa học xã hội. Đây chỉ là một cố gắng nhằm làm rõ quan hệ giữa công việc kinh doanh và lòng trắc ẩn mà thôi. Chữa bệnh kiếm lời 1 chắc chắn là công việc khủng khiếp và phi đạo đức. Lúc nào tôi cũng nghe thấy người ta tấn công nó như thế. Thực vậy, tôi đang nghe thấy người ta tấn công các bệnh viện tư trên sóng của CBC (Hãng phát thanh & truyền hình Canada - ND). Khi các bác sĩ, y tá và những nhà quản lí bệnh viện chỉ nghĩ đến thu nhập thì lòng trắc ẩn sẽ được thay thế bằng tính ích kỉ nhẫn tâm, nhiều người nói như thế. Nhưng tôi vừa ngộ ra chuyện này sau khi phải đến hai bệnh viện - một bệnh viện tư nhân và cái kia là bệnh viện hoạt động phi lợi nhuận 2 - để chữa bệnh đau lưng.
Gần đây tôi bị thoát vị đĩa đệm cột sống, đau không thể tưởng tượng nổi. Tôi đến gặp một chuyên gia tại một bệnh viện tư trong khu vực, ngay trong vòng một giờ đồng hồ ông ta đã sắp xếp cho tôi chụp MRI tại một phòng chụp X-quang tư nhân ở gần đó. Sau đó ông ta lại sắp xếp cho tôi tiêm thuốc tê để làm giảm viêm dây thần kinh cột sống, đấy chính là nguồn gốc của cơn đau. Tôi bị đau đến mức gần như không cử động được. Cái khoa chữa bệnh đau lưng tư nhân trong cái bệnh viện tư mà tôi đến chữa bệnh gồm toàn những bác sĩ và y tá cực kì tử tế và họ đã cư xử với tôi một cách nhẹ nhàng. Sau khi cô y tá giảng giải cho tôi thủ tục và chắc chắn là tôi đã hiểu rõ tất cả các quy định thì bà bác sĩ phụ trách việc tiêm thuốc tê tự giới thiệu, bà giảng giải từng bước sau đó mới tiến hành công việc với tính chuyên nghiệp cao và sự quan tâm thấy rõ đối với tôi.
Sau đó vài tuần. Tôi vẫn còn đau và yếu, nhưng đã khá hơn rất nhiều. Bà bác sĩ đề nghị tôi tiêm một mũi nữa. Thật không may là cái khoa chữa bệnh đau lưng lại đang chữa trị cho những người đã giữ chỗ trước suốt ba tuần lễ. Tôi không muốn chờ lâu và tôi gọi điện cho một vài bệnh viện nữa trong khu vực. Một bệnh viện công nổi tiếng và được đánh giá cao có thể tiếp nhận tôi sau hai ngày. Tôi vui mừng xin hẹn gặp bác sĩ sau hai ngày nữa.
Khi đến bệnh viện công, trước hết tôi hỏi chuyện mấy ông bà đã về hưu nhưng lại mặc những bộ đồng phục tình nguyện viên khá gọn gàng. Đấy rõ ràng là những người nhân đức, đúng như người ta có thể nghĩ về bệnh viện công. Sau đó tôi mới tập tễnh chống gậy đi vào khoa chữa trị đau lưng, rồi ngồi xuống bên cạnh một cái bàn. Một cô y tá đi ra, cô gọi tên tôi và sau khi tôi lên tiếng thì cô ngồi xuống bên cạnh tôi ngay trong phòng chờ đó. Cuộc phỏng vấn diễn ra giữa đám đông những người lạ mặt như thế. May là cũng không có câu nào có thể làm người ta lúng túng. Tôi nhận thấy là những cô y tá khác cũng đang lên giọng hạ lệnh cho các bệnh nhân xung quanh. Một cô y tá bảo một bà rõ ràng là đang bị đau chuyển sang một cái ghế khác và sau khi bệnh nhân nói rằng nếu bà cứ được ngồi ở đấy thì tốt hơn, cô y tá đã chỉ tay vào cái ghế bên cạnh và gằn giọng: “Không. Ngồi sang kia!”. Khi cô y tá này tiến lại chỗ tôi, tôi nghĩ là ánh mắt của mình đã cho cô ta thấy rằng tôi không muốn bị đối xử như những học sinh trong trường giáo dưỡng. Cô ta không nói gì, chỉ lấy tay ra hiệu cho tôi đi vào phòng khám.
Vị bác sĩ điều trị bước vào. Không giới thiệu. Không tên tuổi. Không bắt tay. Ông ta nhìn hồ sơ của tôi, lầm bầm cái gì đó, rồi ông ta bảo tôi ngồi lên giường, và ông ta cởi quần áo của tôi ra. Tôi bảo ông ta rằng lần trước tôi được nằm nghiêng, tư thế đó tiện hơn vì ngồi rất đau. Ông ta bảo rằng thích tôi ngồi. Tôi trả lời rằng tôi thích nằm nghiêng. Ông ta nói rằng ngồi dễ làm hơn, điều đó đáp ứng cả quyền lợi của tôi lẫn của ông ta nên tôi đồng ý. Sau đó - không như bà bác sĩ trong bệnh viện tư - ông ta ấn mạnh mũi kim tiêm và tiêm đau đến nỗi tôi phải la lên. Sau đó ông ta rút kim, rồi ghi hồ sơ và biến mất. Cô y tá đưa cho tôi tờ giấy và chỉ lối cho tôi đi ra. Tôi trả tiền rồi biến.
Lợi nhuận và lòng trắc ẩn
Đấy là những kinh nghiệm nhỏ giúp ta so sánh bệnh viên tư và bệnh viện công. Nhưng nó có thể nói cho ta biết về động cơ vụ lợi và quan hệ của nó với lòng trắc ẩn. Không chỉ bệnh viện tư mới hấp dẫn những người tử tế và có lòng trắc ẩn vì những người tình nguyện già nua trong bệnh viện công chắc chắn cũng là những người tử tế và có lòng trắc ẩn. Nhưng tôi nghĩ rằng các bác sĩ và y tá làm việc trong khoa chữa bệnh đau lưng ở bệnh viện tư được khuyến khích thể hiện lòng trắc ẩn trong khi họ làm việc. Xét cho cùng, nếu cần chữa nữa hoặc nếu có người tham khảo ý kiến thì tôi sẽ nghĩ đến bệnh viện tư. Nhưng tôi sẽ không quay lại hay khuyên ai tới bệnh viện công, tôi nghĩ rằng tôi biết lí do: các bác sĩ và y tá ở đó chẳng có lí do gì để muốn gặp tôi. Và tôi còn hiểu được vì sao bệnh viện công lại tiêm tôi nhanh như thế. Tôi ngờ rằng họ chẳng có mấy khách quay lại lần thứ hai.
Kinh nghiệm này không nói rằng lợi nhuận là điều kiện cần hay thậm chí điều kiện đủ để cho người ta thể hiện lòng trắc ẩn, nhân từ hay nhã nhặn. Tôi làm tại một tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức này sống dựa vào sự ủng hộ của những nhà tài trợ. Nếu tôi không hoàn thành trách nhiệm thì họ sẽ không tài trợ cho công việc của tôi nữa. Chuyện là, tôi và các đồng nghiệp của tôi làm việc ở đây vì chúng tôi và những nhà tài trợ cùng có những mối quan tâm chung, cho nên công việc diễn ra một cách hài hòa. Nhưng khi nhà tài trợ, người làm công và “khách hàng” (dù là người bị đau hay nhà báo hoặc nhà giáo cần thông tin và kiến thức thì cũng thế) không chia sẻ những giá trị và mục tiêu như nhau - ví dụ như trong bệnh viện công ở trên - thì động cơ lợi nhuận sẽ hành động một cách quyết liệt nhằm làm cho những mục đích của họ trở nên hài hòa. Lợi nhuận kiếm được trong khuôn khổ pháp luật rõ ràng và có hiệu lực (khác với lợi nhuận của một tên ăn cắp có hạng) có thể làm cho người ta không còn lãnh đạm mà có lòng trắc ẩn. Muốn có lợi nhuận thì bác sĩ phải để ý tới quyền lợi của bệnh nhân bằng cách đặt ông ta hay bà ta vào vị trí của bệnh nhân, buộc họ phải tưởng tượng được những đau khổ của người khác và phải có lòng trắc ẩn. Trong nền kinh tế thị trường tự do, động cơ lợi nhuận có thể trở thành tên gọi khác của động cơ trắc ẩn.
Chú thích:
(1) Để cho đơn giản từ đây sẽ gọi là bệnh viện tư.
(2) Để cho đơn giản từ đây sẽ gọi là bệnh viện công.
Nguồn bản dịch: Tom Palmer (chủ biên) (2011). The morality of Capitalism: What your professors won't tell you. Published by Jameson Book. Phạm Nguyên Trường dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính. Bản tiếng Việt được xuất bản bởi NXB Tri Thức với tiêu đề "Thị trường và Đạo đức" năm 2012.