Tự do kinh tế
Linh hồn run rẩy mà giờ đây trú ngụ trong cụm từ laissez faire (từ tiếng Pháp, có nghĩa “hãy để tự nhiên”, "hãy để tự do” - ND), đã từng là biểu tượng của tinh thần chiến đấu bất khả chiến bại. Nó không thuộc về chủ nghĩa tư bản. Nó thuộc về chế độ tự do. Ngày nay, nó gắn liền với chủ nghĩa tư bản cũng chỉ vì tư bản là đại diện cho chế độ tự do.
Khi cuộc đấu tranh đòi tự do cá nhân bùng nổ tại châu Âu, mối quan tâm trong đời sống tâm hồn của tất cả mọi người chính là tôn giáo. Cái mà con người muốn chính là sự tự do để thờ phụng Chúa Trời theo cách riêng của họ, tự do để tin và không tin, tự do để được mai táng trong điệu du dương của bài thánh ca. Chiến tranh tôn giáo thật khủng khiếp. Nó chỉ kết thúc khi sự thèm khát cuồng tín đã được thỏa mãn. Lý tính trỗi dậy, và sau đó, hòa bình được lập lại, dựa trên nguyên lý laissez faire trong địa hạt tôn giáo. Thực ra, thời đó thuật ngữ này chưa xuất hiện dù bản chất nó là như thế. Từ đó trở đi, chừng nào vẫn còn trong địa hạt tôn giáo, chừng đó cá nhân còn được để cho tự do.
Sự chuyển biến lớn trong tâm hồn con người cũng có động lượng, có sự thay thế, có phương hướng, nhưng lại không đột phá; không có một sự chuyển hướng đột ngột nào từ thời này sang thời khác. Một thời gian dài sau khi khái niệm laissez faire được chấp nhận tại châu Âu, sự chuyên chế tôn giáo lại tiếp tục. Con người có quyền tự do đến bất cứ nhà thờ nào mà họ muốn, nhưng nếu họ là một người theo thần học Calvin, họ sẽ thấy mình lại rơi vào vòng xiềng xích của những lề lối xét xử không chỉ liên quan đến tinh thần của họ mà còn liên quan đến cuộc sống hàng ngày và cả những ứng xử trong kinh doanh.
Do đó, giai đoạn tiếp theo trong cuộc đấu tranh giành tự do tại châu Âu là nhắm đến tự do kinh tế. Nếu nói rằng sự thay đổi mạnh mẽ trong đời sống tôn giáo sẽ dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ trong đời sống kinh tế thì đó đơn thuần chỉ là một tuyên bố dựa trên những sự kiện có tính biên niên sử. Hai điều này liên quan với nhau như thế nào? Liệu chúng có phải là hai khía cạnh của cùng một vấn đề? Trong lời mở đầu cuốn Religion and the Rise of Capitalism [Tôn giáo và sự trỗi dậy của Chủ nghĩa tư bản], R. H. Tawney viết:
…những người nhìn thấy mối liên kết giữa cấp tiến tôn giáo và cấp tiến kinh tế ngay từ cái nhìn đầu tiên là những người không xa cái nhìn thiển cận là mấy. Trong khi chờ đợi việc đưa ra lý lẽ chính đáng để bác bỏ tuyên bố của họ, tốt hơn là chúng ta cứ thừa nhận rằng họ biết mình đang nói về cái gì. Nhưng chính xác, mối liên kết đó được nhìn nhận như thế nào, dĩ nhiên lại là một câu hỏi khác. Hiển nhiên là nó có hai mặt. Ở một mức độ nào đó, tôn giáo có ảnh hưởng đến quan điểm của một người về xã hội, dù là ngày nay điều này khó còn được chấp nhận. Các thay đổi về kinh tế và xã hội có ảnh hưởng mạnh mẽ tới tôn giáo.
Lối suy nghĩ chung của con người đã được đưa vào trong kinh thánh. Những người có cha ông bị tra tấn, bị treo trên giàn thiêu, bị chôn sống vì tội tự đọc Kinh thánh, có lẽ khi đọc Kinh thánh, sẽ diễn giải nó theo kiểu bề nổi và có khuynh hướng tiêu cực. Và sự thực đúng là vậy. Cuốn Pilgrim’s Progress [Quá trình hành hương] của Bunyan đích thực là một bản ghi chép về những gì diễn ra đối với những linh hồn công chính khi chuyển từ thế giới này sang thế giới bên kia. Người nghèo là bạn của Chúa Trời. Họ biết chắc chắn rằng họ cũng không thể gặp người giàu trong vương quốc Thiên đàng. Tham lam là tội lỗi, là chết chóc. Theo đuổi lợi lộc là con đường dẫn đến sự nguyền rủa. Người đổi tiền, kẻ đầu cơ, và thương nhân luôn luôn vì bản thân họ, và điều đó đồng nghĩa với việc dùng bữa cùng với quỷ dữ. Mua rẻ bán đắt là lừa đảo. Chỉ có sở hữu đất đai mới là một dạng giàu có liêm chính. Kinh doanh là một phần ti tiện của cơ thể xã hội.
Kỷ nguyên khám phá
Tuy nhiên, thế giới cần phải tự lên tiếng cho chính mình, và thế giới cũng cần có niềm tin. Bằng cách nào đó, lần đầu tiên trong lịch sử tư duy của loài người, tư tưởng về sự tiến bộ đã xuất hiện. Đó chính là Kỷ nguyên Khám phá. Tri thức không ngừng phát triển; đó không chỉ là tri thức của tương lai mà còn là tri thức của hiện tại. Xét cho cùng, dù thích hay không thì mọi người cũng đều phải đi qua thế giới này, vậy tại sao con người không cải thiện môi trường sống của mình trong phạm vi có thể bằng cách ứng dụng tri thức vào thực tế? Mặc dù vào lúc đó, không ai hiểu rõ về kinh tế, và những thuật ngữ về kinh tế vẫn chưa xuất hiện, nhưng những thay đổi lớn lao về kinh tế đang diễn ra, và trên thực tế là đang diễn ra ngoài tầm kiểm soát.
Các tín hữu cũng phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ có thể cảm nhận được một thế giới mới đang đến gần, đó như là điềm báo cho một kỷ nguyên hiện đại, nhưng họ không có cách nào để đương đầu với nó, chính xác hơn là họ bị Kinh thánh ràng buộc, không được phép đương đầu với nó. Do đó, họ dần vướng mắc vào sự mâu thuẫn cực độ. Ví dụ, cho vay lấy lãi là trái với đạo lý. Tiền đẻ ra tiền là cho vay nặng lãi, mà cho vay nặng lãi lại là tội lỗi. Tuy nhiên, nhu cầu giao thương ngày càng tăng, bằng một cách nào đó thì chức năng kinh tế của kẻ cho vay tiền phải được thực hiện. Kết quả là người Do Thái đã mang đến cho người Cơ Đốc cái mà bản thân người Cơ Đốc, về mặt đạo đức, không thể tự thực hiện được. Đó là một trong những lý do tại sao người Do Thái lại trở thành một trong những chủ nợ lớn nhất châu Âu.
Câu hỏi là: liệu người Cơ Đốc, người hùng của Bunyan, vừa có thể là một con người kinh tế lại vừa có thể cùng lúc cứu rỗi linh hồn được không? Người Hà Lan lần đầu tiên khẳng định vô cùng tích cực rằng câu trả lời là có. Điều này vô cùng có ý nghĩa, bởi người Hà Lan đã phải trả giá cho tự do tôn giáo nhiều hơn bất kỳ dân tộc nào khác. Họ đã tiến hành những cuộc đấu tranh bằng chủ nghĩa anh hùng đáng kinh ngạc. Trước khi thấy được thành quả, họ sẵn sàng chấp nhận sự phán xét cuối cùng. Sự kháng cự của họ đã làm Tòa án Dị giáo nổi giận đến mức đưa ra lời kết tội vào ngày 16 tháng 2 năm 1568 rằng tất cả nhân dân Hà Lan đều bị tuyên án tử hình, với tội danh là những kẻ dị giáo và những kẻ đọc Kinh thánh, chỉ trừ một vài cá nhân đặc biệt được liệt kê trong sắc lệnh. Trong tác phẩm kinh điển của Montley, The Rise of the Dutch Republic [Sự trỗi dậy của Cộng Hòa Hà Lan], có một đoạn viết rằng:
Hàng ngày, hàng giờ, những người ở vị trí quan trọng nhất đều bị đưa lên giàn thiêu. Bằng cả biểu đồ đường thẳng và đường cong Phillips, Alva đã khách quan thống kê số người bị hành quyết diễn ra ngay sau khi tuần Dị giáo kết thúc lên đến 800 người.
Lòng khoan dung và thương mại
Nếu tinh thần laissez faire không phải là một thứ bất diệt thì nó đã không bao giờ có thể vượt qua thung lũng của cái chết. Tuy nhiên, nổi lên từ đống tro tàn của những thánh tử đạo, Cộng hòa Hà Lan đã đóng góp vào việc giành quyền tự do tâm hồn, giương cao ngọn đuốc soi đường cho cả thế giới.
Và rồi điều kỳ diệu đã xảy ra. Sự phát triển thịnh vượng của Hà Lan trở thành niềm khao khát và đố kỵ của cả châu Âu. Trong hoạt động thương mại quốc tế, đất nước này đã vươn lên vị trí đầu bảng, giành được vị thế mà Tawney gọi là “bậc thầy kinh tế” đối với toàn bộ châu Âu trong thế kỷ XVII.
Sức mạnh của chủ nghĩa cá nhân lần đầu tiên được giải phóng để tạo ra những minh chứng cho riêng nó. Kết quả là lòng khoan dung và thương mại phát triển hưng thịnh cùng nhau.
Người Anh đến với con đường này chậm rãi và vòng vèo hơn. Xuất phát từ Geneva, thuyết thần học Calvin là một giáo lý khắt khe và vô cùng cứng nhắc. Nó nhận thức rõ rằng con người có ba mặt: linh hồn, chính trị và kinh tế; nhưng vì hai mặt kia vô cùng xấu xa và đầy cám dỗ nên nhà thờ phải có trách nhiệm chăm sóc phần linh hồn, cũng như áp đặt các quy định ngặt nghèo lên những hoạt động kinh tế và chính trị. Những quy định về thương nghiệp của nó vô cùng lạc hậu và khắt khe. Những phép tắc đạo đức và xã hội được sử dụng để giám sát vấn đề về sử dụng vốn, cho vay lãi, giá chuẩn, lợi nhuận, nguồn gốc lợi nhuận, tiền công, quan hệ lao động và thỏa thuận buôn bán.
Tuy nhiên, những người theo Thanh giáo ở Anh lại dựa vào lý trí để xây dựng giáo lý này. Họ không hiểu tại sao Chúa lại không thể ủng hộ những thành công trong công việc của họ. Chẳng phải xây dựng vũ trụ không phải công việc của Người hay sao? Tại sao không thể cho rằng kế hoạch xây dựng vũ trụ là để cho các con cháu của Người nỗ lực làm việc và thành công? Nếu kiếm tiền là mối đe dọa tới linh hồn thì lại càng có thêm một lý do để thẳng thắn với Chúa. Để làm được việc này thì phải để Chúa giám sát trong phân xưởng. Còn có nơi nào chắc chắn về sự hiện hữu, sự ban phước của Người hơn nơi này? Trong giáo lý Thanh giáo, từ “triệu tập” (calling) có một nghĩa đặc biệt: “Chúa triệu tập tất cả đàn ông và đàn bà, mỗi người làm một công việc đặc biệt để phục vụ cả quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể.” Ở đó, có cả sự triệu tập linh hồn cũng như triệu tập thể xác. Dấu hiệu duy nhất để Chúa chứng giám và hài lòng đó là các con chiên phải tham gia vào những công việc có ích trên thế giới, đạt được thành công trên thế giới. Khi sự giàu có đến với con người thì đó cũng là lúc vinh quang đến với Chúa. Nhưng nhàn rỗi, hoang phí, ngông cuồng chắc chắn là vô đạo đức.
Như vậy, tín ngưỡng Thanh giáo đã giúp dung hòa cả tự do tôn giáo và tự do kinh tế. Thay vì can thiệp vào hoạt động kinh doanh, nhà thờ tin rằng, Chúa sẽ giám sát phân xưởng và bảo vệ nó tránh khỏi cái ác.
Tự do chính trị và cuộc Cách mạng Công nghiệp
Tiếp theo là cuộc chiến nhằm giải phóng thương nghiệp khỏi những giới hạn mà chính quyền áp đặt; không phải dưới cái mác đạo đức mà dưới danh nghĩa chính sách.
Cơn bão đi qua, laissez faire hoàn tất chiến thắng, mở rộng cánh cửa giải phóng năng lượng ở châu Âu, và dẫn đến cuộc Cách mạng Công nghiệp, mà đi đầu là nước Anh.
Thời kỳ Trung cổ đã chấm dứt. Chủ nghĩa cá nhân được đề cao như là một phần của cuộc sống. Việc thiết lập nền sản xuất tư bản hiện đại được xác định. Quyền lực của chính quyền bị giới hạn. Tự do kinh doanh bắt đầu. Trong việc theo đuổi mục tiêu kinh tế, và trên con đường thay đổi thế giới, người châu Âu đã được giải phóng khỏi những giới hạn, chế tài do chế độ chuyên chế của Giáo hội và chế độ hành chính quan liêu áp đặt. Sau này, khi nhìn lại quá khứ, lúc mọi hệ quả đã rõ ràng, Montesquieu, triết gia và sử gia người Pháp đã nói rằng: “Người Anh đã có bước tiến xa hơn mọi dân tộc khác trên cả ba phương diện trọng yếu: tôn giáo, thương mại và tự do”.
Đó là vào khoảng năm 1750. Tinh thần laissez faire đã vươn lên không gì cản nổi, dù cho cái tên gọi này vẫn chưa được biết đến, trong hơn 200 năm. Thuật ngữ này đã được một người theo phái trọng nông sử dụng vào năm 1736 tại Pháp, nhưng không được phổ biến ở những nơi khác. Thậm chí 60 năm sau, thuật ngữ này vẫn còn xa lạ với tất cả mọi người dân Anh, tức vào năm 1810, khi Hạ nghị viện Anh tuyên bố:
Bất kỳ cơ quan lập pháp nào cũng không có quyền can thiệp vào quyền tự do kinh tế và quyền tự do đầy đủ của mỗi cá nhân trong việc dùng thời gian của mình hoặc lao động của mình để làm cái điều mà anh ta phán xét là có lợi nhất với anh ta, miễn là hành động của anh ta không vi phạm những quy định chung liên quan đến vấn đề lợi ích và thịnh vượng của cộng đồng.
Thực tiễn đi trước nguyên tắc
Trong đoạn văn đó, chính quyền, chí ít là chính quyền Anh quốc, đã bãi bỏ quyền can thiệp vào hoạt động kinh doanh. Có lẽ không cần thiết phải có thêm văn bản tuyên bố thẳng thừng về giáo lý laissez faire nào nữa. Tuy nhiên, cụm từ laissez faire lại không xuất hiện trong lời tuyên bố trên. Nó có nguồn gốc từ Pháp, đầu tiên được viết là laissez nous faire nghĩa là “hãy để chúng tôi yên”, sau đó mới là laissez faire nghĩa là “cứ để vậy đi”. Từ này thể hiện một quan điểm triết học. Sự vận động của xã hội là không có giới hạn, không phải là nhân tạo và nếu cứ để nó diễn ra thì kết quả cuối cùng, hay nói cách khác, theo thuật ngữ của các nhà kinh tế học, là về lâu về dài, nó sẽ mang lại lợi ích tốt hơn cho toàn xã hội. Đó chính là ý tưởng về trật tự tự nhiên, ở đó có một sự dung hòa ngấm ngầm giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể.
Điểm mấu chốt là tinh thần laissez faire đã mang đến cho thế giới tự do tôn giáo và tự do kinh doanh, và sự hình thành của cái mà ngày nay gọi là chủ nghĩa tư bản laissez faire đã diễn ra trước cả khi thuật ngữ này trở nên quen thuộc và mang ý nghĩa nhất định.
“Nguồn gốc của cải các quốc gia”
Hầu hết mọi người đều cho rằng, cẩm nang của chủ nghĩa tư bản laissez faire được viết bởi Adam Smith. Cuốn Weath of Nations [Nguồn gốc của cải các quốc gia] của Adam xuất hiện năm 1776. Một số nhà kinh tế học của Pháp đã sử dụng cụm từ này 40 năm trước đó, vậy nên Adam Smith có thể đã nghe đến, nhưng trong bảng chú giải cuốn Weath of Nations (Phiên bản do Cannan biên tập) không hề đề cập đến những tài liệu tham khảo liên quan. Sau đó mọi người cho rằng: “Đúng thế, nhưng đó là hiểu ngầm” và yêu cầu bạn phải nhớ đoạn văn nổi tiếng về bàn tay vô hình. Trong bảng chú giải cuốn Weath of Nations có một tài liệu tham khảo liên quan đến đoạn văn này:
Do vậy, nếu mỗi cá nhân cố gắng hết sức có thể để sử dụng nguồn vốn làm lợi cho công nghiệp nội địa và định hướng công nghiệp nội địa để cho ra sản phẩm với giá trị cao nhất, mỗi cá nhân tất yếu sẽ nỗ lực lao động để hoàn trả lại doanh thu cho xã hội nhiều nhất có thể. Thực ra, họ không hề có ý định làm lợi cho xã hội, cũng không hề biết là đang thực hiện ở mức độ nào…họ chỉ có ý định làm lợi cho chính mình và trong trường hợp này, hay rất nhiều trường hợp khác, họ bị một bàn tay vô hình dẫn dắt đến kết quả cuối cùng nằm ngoài dự kiến ban đầu của họ. Nằm ngoài dự kiến không phải lúc nào cũng gây hại cho xã hội. Bằng cách theo đuổi lợi ích riêng của bạn thân, họ sẽ thúc đẩy xã hội hiệu quả hơn nhiều so với việc họ chủ ý làm vậy. Tôi chưa bao giờ thấy điều tốt đẹp đáng kể nào được thực hiện bởi những người làm giao dịch thương mại vì mục đích cộng đồng.
Bạn có thể lấy ví dụ đó để diễn tả nguyên lý laissez faire trong kinh tế, nhưng ý nghĩa thực sự nằm ngoài phạm vi kinh tế học, ý nghĩa đó thuộc về triết lý của chủ nghĩa cá nhân, được hình thành dựa trên niềm tin rằng sự tự phát của con người có ý nghĩa nhiều hơn những gì họ có thể giải thích. Adam Smith không phải là người sáng tạo ra triết lý đó, cũng không phải là người vượt trội hơn những tiền bối đã viết ra trước đó để phổ biến rộng rãi trong công chúng; trong những vị tiền bối ấy, đáng chú ý là Adam Ferguson, người đã phát biểu rằng:
Các quốc gia đều tình cờ có được các thiết chế, tuy thực chất là kết quả hành động của con người, nhưng lại không phải là kết quả do con người chủ ý tạo ra.
Về thơ ca, ý tưởng tương tự cũng đã được thể hiện trong Fable of the Bees [Truyện ngụ ngôn về những chú ong] của Mandeville. Trước Adam Smith một thế kỷ, John Moore đã phát biểu tại Anh:
Một câu châm ngôn không thể phủ nhận, đó là: dưới sự soi sáng của tự nhiên và lý trí, con người sẽ làm những điều đem lại lợi ích lớn nhất cho bản thân…. Bước tiến của những cá nhân riêng lẻ cũng chính là bước tiến của cộng đồng.
Hai mươi năm sau khi Weath of Nations xuất hiện, Edmund Burke, một nhà tư tưởng khai phá chủ nghĩa cá nhân đã đề cập:
…trật tự sắp đặt khôn ngoan và ôn hòa đã khiến con người, dù muốn hay không, thì trong khi theo đuổi lợi ích cá nhân, các lợi ích cộng đồng cũng sẽ được kết nối với thành công của cá nhân ấy.
Ông ấy không cần phải lấy ý tưởng này từ Adam Smith bởi lúc đó tư tưởng laissez faire đã phát triển trong nền kinh tế thế giới; những nguyên lý của nó đã được biết đến và tính hiệu quả đã được kiểm nghiệm.
Phản đối laissez faire
Gần 150 năm trước, Sismondi và những người bạn đã phát triển lý thuyết chủ nghĩa xã hội nhà nước để phản bác laissez faire ở bốn điểm:
1. Sự dung hòa tưởng tượng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể là không hề tồn tại, do đó quyền tự do cá nhân trong việc theo đuổi những lợi ích kinh tế cho bản thân đồng nghĩa với việc để mặc cho nhu cầu của con người trong hoảng loạn.
2. Nó sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng nghiêm trọng trong việc phân phối của cải.
3. Nó đề cao chủ nghĩa vật chất và thành công;
4. Nó sẽ đưa xã hội đến thảm họa như thất nghiệp hàng loạt.
Dự đoán này được đưa ra trước khi có tàu chạy bằng hơi nước, đường ray, nguồn điện, xăng dầu, động cơ xe, những cỗ máy tự động hay nền sản xuất hàng loạt, thậm chí trước cả khi một cỗ máy nông nghiệp thô sơ xuất hiện trên thế giới.
Lúc đó, tất cả những quan điểm kinh tế và chính trị tại châu Âu cơ bản đều theo khuynh hướng bi quan. Không ai có thể tưởng tượng được rằng ở những thế hệ tiếp theo, trong chế độ tư bản laissez faire, hàng hóa tiêu dùng được nhân rộng với số lượng khổng lồ đến nỗi những hàng hóa xa xỉ của người giàu trong thế hệ này cũng có thể trở thành những loại hàng hoá thiết yếu của người nghèo ở thế hệ kế tiếp; và càng ngày thặng dư (một thuật ngữ lạ lẫm cho một điều phi thường) càng có ít vai trò hơn trong việc dẫn đến đại suy thoái kinh tế và thất nghiệp. Trước đó, chưa bao giờ có thặng dư. Chưa bao giờ một thứ lại có quá nhiều. Nghèo đói được cho là sẽ tồn tại mãi mãi và không thể thuyên giảm.
Trên con đường chống nghèo đói
Ý tưởng cho rằng nghèo đói có thể bị xóa bỏ không xuất phát từ châu Âu. Đó là ý tưởng của người Mỹ. Nó xuất phát tại đây không phải vì đất nước này có tài nguyên thiên nhiên giàu có mà bởi vì điều kiện hình thành chế độ tư bản laissez faire tại đây rõ rệt hơn ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Dưới áp lực của cạnh tranh không giới hạn và không kiểm soát, chúng ta đã phát hiện ra rằng “quy luật sắt về tiền công” của châu Âu đã bị phá vỡ – quy luật này chỉ ra rằng vì tiền công được trả theo lợi nhuận trên vốn, quỹ tiền công bị giới hạn bởi quỹ vốn, trong khi đó tăng quỹ vốn là một quá trình vô cùng khó khăn và chậm chạp, do bị giới hạn bởi sức tiêu thụ.
Chúng ta khám phá ra rằng tiền công không được trả theo lợi nhuận, mà nó được trả theo năng suất. Do đó, tiền công và lợi nhuận có thể cùng tăng nếu tăng được năng suất. Hơn thế nữa, chính sản xuất sẽ tạo ra vốn, giống như trong ví dụ của Ford – một công ty bắt đầu với 28.000 USD tiền mặt, sau 45 năm hoạt động, công ty có 1 tỉ USD tiền vốn bao gồm cả vốn ban đầu và vốn tạo ra từ sản xuất. Điều này được thực hiện bởi vì công ty sản xuất ô tô quá rẻ, đến nỗi hầu hết những người không quá nghèo đều có thể sở hữu và tận hưởng một chiếc.
Tư bản Mỹ
Những người nói về chế độ tư bản chủ nghĩa như thể nó là một loại trật tự tự nhiên, với hệ thống cấp bậc, tín ngưỡng, chánh tín thì, hoặc là không biết phân biệt, hoặc là thấy sự phân biệt đó không phù hợp với luận cứ của mình. Chế độ tư bản chủ nghĩa nảy mầm từ đất đai và khí hậu nơi nó sinh trưởng. Chế độ tư bản Mỹ rất khác chế độ tư bản châu Âu, đến nỗi mà hai hạt giống ấy không thể cấy ghép được. Tại sao chế độ tư bản Mỹ lại năng suất hơn bất cứ chế độ tư bản nào khác trên thế giới? Hạt giống đến từ châu Âu, nhưng nơi đâm chồi nảy mật thì lại không phải ở đấy. Tại sao cái cây này lại có thể phát triển tốt tươi và trĩu quả một cách kỳ diệu đến nỗi bất cứ ai cũng mong chờ đến mùa thu hoạch?
Không phải là người châu Âu không có kiến thức và kỹ năng. Nhưng sau năm thế hệ, với chưa đầy một phần mười diện tích thế giới, một phần mười lăm dân số thế giới mà giờ đây (1949), nước Mỹ đã nắm trong tay một nửa sản lượng công nghiệp thế giới. Ngôi sao châu Âu không hề tàn lụi. Không có chuyện đó. Thực ra, ngôi sao nước Mỹ đã làm lu mờ ngôi sao châu Âu. Điều gì đã tạo nên sự khác biệt giữa khả năng sáng tạo của nước Mỹ và khả năng sáng tạo của châu Âu?
Điểm khác biệt chính là: điều kỳ diệu của tự do đã phát huy tác dụng tại đây như chưa bao giờ xảy ra trước đó ở những nơi khác.
Lord Acton nói rằng, nếu không có bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ thì lịch sử của nền tự do đã trở thành “lịch sử của một thứ khác.”
Chế độ tư bản Mỹ không chỉ thành công nhất thế giới mà nó còn là thành trì vững chắc cho nền kinh tế tự do tồn tại và mang trên mình trách nhiệm bảo vệ văn minh Cơ đốc giáo khỏi những thế lực thù địch phương Đông. Từ đó, khi so sánh tư bản và chủ nghĩa cộng sản, thì thực ra đó là phép so sánh giữa chủ nghĩa tư bản Mỹ, trên cơ sở truyền thống Thanh giáo, với chủ nghĩa cộng sản Nga, trên cơ sở chủ nghĩa duy vật và vô thần.
Hai kẻ thù cổ xưa của laissez faire là hệ thống nhà nước và hệ thống nhà thờ. Laissez faire đại diện cho nguyên lý cấp tiến trong cả tôn giáo lẫn kinh tế. Thuyết cấp tiến là thanh gươm của tự do. Cả chính quyền và nhà thờ đều chưa bao giờ yêu thích tự do. Nhưng giờ đây, cái gì bảo thủ lại được coi là cấp tiến và laissez faire, với bản chất là cấp tiến, lại bị coi là phản động. Bánh xe luôn quay tròn như thế.
Nguồn: Trích chương 3 cuốn Nền tảng đạo đức của kinh tế thị trường, “Mark W. Hendrickson (chủ biên), The Morality of Capitalism, The Freeman”, 4/1964