Xây dựng sức chịu đựng của nền kinh tế sau đại dịch

Xây dựng sức chịu đựng của nền kinh tế sau đại dịch

Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh chưa từng có đến kinh tế toàn cầu và từng quốc gia. Chính phủ các nước đều thực hiện những giải pháp chính sách vượt qua đại dịch và phục hồi kinh tế, trong đó cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được coi là giải pháp chủ yếu. Các giải pháp hỗ trợ được phân chia theo 3 giai đoạn: dịch bệnh bùng phát; mở cửa lại nền kinh tế; phục hồi và xây dựng sức chịu của nền kinh tế.

Giải pháp mở cửa lại nền kinh tế 

Khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau thời gian dài phong tỏa, các giải pháp được áp dụng thường là chính phủ tiếp cận mô hình G2B (chính phủ với doanh nghiệp - DN) dựa trên công nghệ để cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và DN; áp dụng cách quản lý minh bạch, dựa trên phân tích, đánh giá mức độ rủi ro, cho phép quy định linh hoạt nhưng không giảm hiệu lực, hiệu quả chính sách công.

Các chính phủ đã đầu tư xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, chuyển sang thực hiện cung cấp dịch vụ G2B trực tuyến trong suốt thời gian giãn cách và bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế. 

Còn quá sớm để đánh giá hiệu lực của các giải pháp mở cửa lại nền kinh tế trong đại dịch, song dựa trên kinh nghiệm quốc tế có thể rút ra một số bài học. Một là sự linh hoạt trong quy định điều tiết, không được làm hại đến kết quả và hiệu lực của chính sách công. 

Hai là truyền thông kịp thời và rõ ràng về các giải pháp chính sách để đảm bảo DN nhận thức rõ những thay đổi và hướng dẫn mới nhất. Điều này đặc biệt quan trọng khi dịch bệnh vẫn tiếp diễn và hệ thống chính sách cũng phải được điều chỉnh tương ứng. 

Ba là sự tham vấn thường xuyên với khu vực tư nhân và dữ liệu chính xác, kịp thời cho phép chính phủ giám sát được tác động của khủng hoảng. 

Bốn là cung cấp dịch vụ G2B trực tuyến rất quan trọng trong bối cảnh giãn cách xã hội. Không phải ngẫu nhiên khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh xu hướng số hóa. Tuy vậy, công nghệ không phải là cây đũa thần, nhất là đối với các nước còn thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu và cơ sở pháp lý, số hóa vẫn chưa thể thực hiện được trong một vài tuần lễ. Do đó, trong nhiều trường hợp, đơn giản hóa hoặc thay đổi thể chế thực hiện trước khi các dịch vụ được cung cấp trực tuyến là giải pháp cần được ưu tiên. 

Cuối cùng, khủng hoảng có thể là xúc tác thúc đẩy cải cách. Một số nước đã tận dụng cơ hội để đưa ra các giải pháp không chỉ giúp chèo lái vượt qua khủng hoảng, còn tạo cơ sở để cải thiện bền vững, lâu dài môi trường kinh doanh. 

Cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh

Môi trường kinh doanh ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô trong và sau khủng hoảng. Môi trường kinh doanh thuận lợi cũng có ý nghĩa quan trọng đối với sức chống chịu lâu dài của nền kinh tế, giúp phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng do đại dịch.

Tại thời điểm khủng hoảng, ít rào cản gia nhập thị trường có thể giúp hạn chế suy giảm mật độ DN; khung khổ pháp lý minh bạch, hợp lý sẽ hỗ trợ đội ngũ doanh nhân theo đuổi các hoạt động sản xuất, các DN sẽ phân bố lại nguồn lực khan hiếm vào ngành, sản phẩm có tiềm năng trong giai đoạn khủng hoảng.

Ở không ít quốc gia, khủng hoảng kinh tế thúc đẩy cải cách thể chế một cách có hệ thống đã mang lại lợi ích đáng kể trong và sau khủng hoảng. Thực tế diễn ra tại các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á, nhất là ở Hàn Quốc, vào cuối những năm 1990 thế kỷ trước là thí dụ điển hình.

Hiện nay, việc tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh là điều cực kỳ quan trọng đảm bảo khôi phục kinh tế và phục hồi niềm tin của nhà đầu tư. Về trung và dài hạn, môi trường kinh doanh sẽ tác động đến cách thức vượt qua đại dịch và mức độ tận dụng cơ hội của DN khi bắt đầu quá trình phục hồi.

Do đó, có quy định pháp luật hiệu quả, dự đoán được, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng thúc đẩy cạnh tranh, có thể chế đảm bảo bảo vệ tài sản và các quyền giao kết hợp đồng, sẽ dễ dàng khởi sự kinh doanh, thích nghi với các quy định mới và nhanh chóng chuyển dịch các hoạt động kinh doanh đáp ứng nhu cầu mới của thị trường. Do đó, các chính phủ có thể tận dụng khủng hoảng đại dịch Covid-19 để thực hiện các cải cách.

Trong bối cảnh trên, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ DN, người dân đối phó với dịch bệnh, như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ; giảm, giãn nộp thuế, bảo hiểm xã hội; miễn, giảm phí một số dịch vụ công, giảm, giãn nộp tiền thuê đất; đưa ra các gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng của năm 2020 và 26.000 tỷ đồng cho năm 2021.

Tuy vậy, về triển khai thực hiện, hiệu lực một số gói hỗ trợ không cao; tinh thần giảm, nới lỏng, linh hoạt trong áp dụng quy định để hỗ trợ DN chống chịu với dịch vẫn còn thiếu vắng. Trong khi dịch còn lây lan, tác động xấu đến đầu tư kinh doanh, thì đề xuất áp dụng mã số mã vạch, gắn camera hành trình, bắt buộc sàn giao dịch điện tử phải khai báo, nộp thuế thay cho người bán hàng… là những thí dụ điển hình. 

Môi trường kinh doanh thuận lợi cũng có ý nghĩa quan trọng đối với sức chống chịu lâu dài của nền kinh tế, giúp phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng do đại dịch.Song điều đáng nói, cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh nói chung bị chững lại kể từ khi dịch bùng phát. Những phân tích, đánh giá xác định khu vực tiềm năng, ưu tiên chính sách - trọng tâm của cải cách thể chế - để phục hồi tăng trưởng nhanh sau đại dịch vẫn chưa rõ; quá trình hoạch định chính sách và chương trình nghị sự của các cơ quan có thẩm quyền không khác nhiều so với trước.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chương trình cải cách thể chế sâu rộng và bài bản là cần thiết để thúc đẩy phục hồi sau đại dịch. Kinh nghiệm ở Việt Nam trong mấy chục năm qua cũng chứng tỏ điều đó. Sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997, Luật DN mới được ban hành cùng với bãi bỏ hầu hết giấy phép không cần thiết, đã thổi “luồng sinh khí mới” vào môi trường kinh doanh, nhờ đó cải cách DNNN đã được thực hiện mạnh mẽ chưa từng có, khu vực tư nhân đã bùng nổ và phát triển.

Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009-2010, chương trình tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế đã được thực hiện (từ năm 2013); kế tiếp (từ năm 2014) là chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh để lại dấu ấn cho nhiệm kỳ 2015-2020.

Cần bộ lọc thu hút đầu tư

Như chúng ta đều biết, chất lượng của các thể chế chi phối môi trường kinh doanh như hiệu quả hành chính công, mức độ tham nhũng, bảo vệ sở hữu tài sản… đều có tác động tích cực đến thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Chính vì thế, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 1242/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư.

Việc thành lập tổ công tác lần này dựa trên cơ sở tổ chức lại Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài được thành lập theo Quyết định 850/QĐ-TTg ngày 17-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ, được thiết kế chủ yếu để nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài, cả về số lượng và chất lượng. 

Theo Quyết định 1242, tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư; giải thích, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định liên quan.

Bên cạnh đó, tổ công tác giúp Thủ tướng chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các bộ ngành và địa phương để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư; đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền; đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc… Nghĩa là hướng đến các dự án cụ thể không phải xúc tiến đầu tư chung chung.

Mục đích của tổ công tác là chủ động thu hút đầu tư, tìm kiếm các nhà đầu tư chất lượng, sàng lọc lấy các dự án tốt theo tiêu chí của chúng ta. Cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho dự án, bao gồm tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc; thiết kế cơ chế tốt cho dự án triển khai nhanh chóng, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội. Bởi lẽ, có những dự án tốt về mặt lợi nhuận cho nhà đầu tư, nhưng với xã hội lại không. 

Thực tế, đến nay chúng ta vẫn chưa có bộ tiêu chí đầy đủ với định lượng cụ thể để lựa chọn nhà đầu tư. Thí dụ, chúng ta đặt ra mục tiêu thu hút các dự án công nghệ cao, nhưng công nghệ thế nào gọi là công nghệ cao, vì mỗi ngành, mỗi lĩnh vực có những tiêu chuẩn, quy chuẩn hết sức khác biệt, không nói chung chung được. Tiêu chuẩn môi trường của từng lĩnh vực cũng rất cần.

Bên cạnh đó, chúng ta muốn tăng tính lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài, cụ thể là “kéo” được các nhà đầu tư trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ cho DN trong nước. Muốn làm được việc này phải có tiêu chí cụ thể, như chuyển giao công nghệ, nhưng chuyển cho ai? Ai sẵn sàng nhận công nghệ? Muốn nhà đầu tư chuyển giao phải tạo điều kiện gì cho họ? … 

Vì thế, đã đến lúc chúng ta phải chọn lựa, phải thay đổi, đầu tiên là khâu xúc tiến đầu tư. Theo đó, chúng ta phải xác định rõ những tiêu chí thu hút, lâu nay vẫn gọi là nôm na là “bộ lọc” để có được những dự án tốt, như đã nói ban đầu. Đã đến lúc cần lựa chọn, không tiếp nhận tất cả, không lãng phí nguồn lực cho những dự án không đem lại giá trị gia tăng đáng kể, hoặc cái giá môi trường phải trả quá lớn. 

Cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh cùng với việc ban hành bộ tiêu chí về dự án tốt để thu hút đầu tư, là những việc cần làm ngay để vượt khủng hoảng, phục hồi sau dịch.

Nguồn: Nguyễn Đình Cung, Xây dựng sức chịu đựng nền kinh tế sau đại dịch, Báo Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính, 2/8/2021