Hệ thống lựa chọn trường học giúp giáo viên chúng tôi có nhiều lựa chọn

Hệ thống lựa chọn trường học giúp giáo viên chúng tôi có nhiều lựa chọn

Tags: Giáo dục

Trong lúc thảo luận nhóm tại một buổi phát triển chuyên môn, một giáo viên ngồi gần tôi đưa ra ý kiến:

"Trong thời gian ở đây tôi đã học được một vài điều, chẳng hạn như chỉ thực hiện những buổi (thảo luận chuyên môn) kiểu này khi có ban quản trị giám sát."

Trong hầu hết trường học, dường như luôn có một không khí thù địch âm ỉ giữa giáo viên và quản trị viên. Ta cảm nhận được điều này trong các cuộc họp nhân viên hay khi các giáo viên bàn chuyện phiếm. "Giá như các quản trị viên tin tưởng giáo viên hơn và cho phép chúng tôi tự do làm công việc của mình", các giáo viên thất vọng chia sẻ.

Bản thân sự căng thẳng này là một vấn đề, song nó cũng là dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn. Trên thực tế, có rất nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau dựa trên các nền tảng lý thuyết khác nhau, nhưng trường công thì lại không theo hẳn một phương pháp nào và rút cục bắt giáo viên vật lộn với một hỗn hợp các thuyết đến khó hiểu. Tỉ lệ nhập học vào các trường tư - nơi có nhiều chương trình giảng dạy gắn kết với niềm tin cá nhân - chỉ chiếm 10%, và thế nghĩa là hầu hết giáo viên phải dạy một chương trình giảng dạy hỗn tạp mà họ không đồng ý. Đây rút cục là vấn đề sự lựa chọn bị cản trở.

Bản chất vấn đề

Cần có một cái nhìn tổng quan về hai lý thuyết rộng về giáo dục mà các giáo viên quy chiếu để hiểu được vấn đề này. Nhóm thứ nhất ủng hộ lý thuyết cổ điển, xem trường học là nơi đào tạo những cá nhân có hiểu biết chung và toàn diện; nhấn mạnh vào nội dung. Nhóm thứ hai là các nhà giáo dục hướng đến kỹ năng, xem trường học là nơi đào tạo một thế hệ công dân văn minh tiếp theo cho xã hội. Hai nhánh này lại tách ra làm nhiều nhánh nhỏ khác, với những thực tiễn khác nhau.

Câu hỏi "Chúng ta nên đọc gì và đọc như thế nào trong lớp?" minh họa cho sự đa dạng của các phương pháp giảng dạy. Chẳng hạn, các trường đặc cách (charter school) sẽ mô hình hóa một phương pháp có hệ thống để phân tích văn bản, thực hành với lớp rồi sau đó yêu cầu học sinh thực hiện bài đánh giá. Những nhà giáo dục cấp tiến ở thành thị thì sẽ coi văn bản như một hiện vật văn hóa để so sánh và đối chiếu các hệ thống áp bức trong các thời đại khác nhau. Một trường tư Thiên chúa giáo sẽ đọc một tác phẩm và hướng dẫn học sinh hiểu đúng theo ý tác giả. Những trường Montessori lại yêu cầu học sinh tự chọn sách và thảo luận về những cuốn sách đó. Đấy là chưa kể các cách tiếp cận khác tại các trường dạy nghề, trường STEM, hay nghệ thuật.

Trong "thị trường lựa chọn" này, không có phương pháp nào ưu việt hơn hẳn những phương pháp còn lại. Mỗi kiểu đều có ưu và nhược điểm riêng. Tuy nhiên, mỗi cách tiếp cận đều yêu cầu một bộ kỹ năng riêng để tạo ra một nhóm học sinh duy nhất. Xét từ bản thân tôi mà nói thì tôi đã được giáo dục theo phương pháp cấp tiến ở đô thị và tự học để hình thành phương pháp giảng dạy cho mình tại một trường đặc cách (charter school). Trong năm đứng lớp đầu tiên, một quản trị viên đã yêu cầu tôi thiết kế lớp học theo một kiểu mà tôi chưa từng biết. Trong vài tuần, lớp học của tôi trở nên hỗn loạn, tôi không biết làm sao để làm theo những gì quản trị viên yêu cầu, và rồi chính tôi, cũng như người giáo viên trong câu chuyện tôi vừa kể, đã học cách để lờ đi những nhiệm vụ hành chính.

Vấn đề này tạo ra sự ngột ngạt trong môi trường làm việc. Nhiều giáo viên được yêu cầu dạy Shakespeare phải vật lộn tìm hiểu một tác giả mà họ không những không hiểu mà còn không tôn trọng. Những thầy cô khác thì lại có đơn vị triển khai phương pháp đọc tùy chọn theo kiểu Montessori, trong khi họ không có đủ kiến thức để giúp học sinh có tư duy sâu sắc hơn khi mỗi đứa trẻ trong lớp có một cuốn sách khác nhau. Robert Pondiscio, một thành viên cấp cao tại viện Fordham (một viện nghiên cứu chính sách giáo dục ở Washington), nói:

"Thà rằng để con tôi học giáo viên là môn đồ nhiệt thành của một chương trình hay phương pháp sư phạm mà tôi không thích, còn hơn bắt giáo viên phải miễn cưỡng theo phương pháp sư phạm mà tôi thích."

Lợi ích của tự do lựa chọn

Lựa chọn trường học sẽ tạo ra một hệ thống trong đó không tạo ra mâu thuẫn căng thẳng giữa tự do của giáo viên và các nhiệm vụ hành chính. Hệ thống này gắn với việc tài trợ trên đầu sinh viên và bãi bỏ các quy định của hệ thống, do đó cho phép đa dạng hóa các trường học để cạnh tranh thu hút các giáo viên giỏi.

Nhiều giáo viên lo lắng rằng một hệ thống như vậy sẽ dẫn đến giảng dạy phản khoa học, công khai phân biệt chủng tộc, hoặc đơn giản là chất lượng giảng dạy nói chung sẽ đi xuống. Có hai quan điểm phản bác mối lo này.

Thứ nhất, các trường học có thể tự duy trì chất lượng tối thiểu mà không cần chính quyền liên bang điều hành, nếu như các trường sử dụng phối hợp các biện pháp như đảm bảo tiêu chuẩn hàm lượng địa phương hoặc tiểu bang, các bài kiểm tra được chuẩn hoá hoặc thanh tra trường học.

Quan trọng hơn, hệ thống này tạo ra áp lực thị trường để thúc đẩy trách nhiệm giải trình của trường học. Nếu một trường học không hiệu quả, phụ huynh có thể chọn gửi con cái của họ đi nơi khác. Khi mất nguồn thu do cạnh tranh thì những trường học vận hành kém buộc phải thay đổi hoặc đóng cửa.

Đáng buồn thay, 79 phần trăm giáo viên từ đảng Cộng hòa và Dân chủ đều phản đối hệ thống voucher học tập. Bên cạnh lo ngại về trách nhiệm giải trình, nhiều giáo viên tin rằng voucher học tập khiến tiền lương của họ bị chảy sang các trường tư, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra điều hoàn toàn ngược lại. Thay vào đó, đây là hệ thống đem đến cho họ sự tự do mà họ hằng ao ước.

Tiến sĩ Ashley Berner của đại học John Hopkins đã viết trong một bài đánh giá nghiên cứu về hệ thống lựa chọn trường học rằng "nhiều nhà giáo dục sẽ thấy hệ thống đa nguyên (này) là hấp dẫn xét trên khía cạnh nghề nghiệp. Việc tài trợ cho ngày càng nhiều trường học có thể sẽ tạo ra môi trường làm việc sáng tạo cũng như văn hóa trường học phản chiếu trung thực các cam kết cá nhân và phong cách sư phạm của các giáo viên.”

Một môn đồ của nền giáo dục cổ điển có thể vứt bỏ chương trình giảng dạy tầm thường ở trường công và giảng dạy ngữ pháp chuẩn chỉnh thông qua triết học ở một trường tư. Một nhà giáo dục cấp tiến có thể bỏ qua Shakespeare để dạy đọc những tác phẩm phù hợp với văn hóa đương đại hơn. Những người theo Montessori có thể nói lời tạm biệt hoàn toàn với các chương trình giảng dạy và để bọn trẻ tự thích nghi với lớp học theo kiểu riêng của chúng.

Khi nộp đơn xin việc trong thời gian học cao học, tôi đã rất vui khi được phỏng vấn tại một trường đặc cách Cơ đốc giáo được tài trợ bởi chương trình lựa chọn trường học trong một khu phố nghèo ở Milwaukee. Các giáo viên trong ngôi trường đó đều chia sẻ tầm nhìn và phương pháp sư phạm chung, tạo nên một không khí đầy năng lượng mà mãi đến nay tôi vẫn chưa cảm nhận lại được ở nơi nào khác.

Một giáo sư khác lại tỏ ra kinh hãi khi nhìn thấy chương trình giảng dạy tại trường này. "Sao họ lại có thể dạy như thế này được", bà ấy thốt lên. Bà phản đối với hầu hết mọi lựa chọn ngoại khóa mà trường này đưa ra, trong khi tôi khen ngợi tất cả. Trong một hệ thống dựa trên lựa chọn, bà ấy có thể chọn một trường phù hợp hơn với niềm tin của mình, và để cho tôi hạnh phúc trong một môi trường phù hợp với tôi.

* Daniel Buck

Daniel Buck là giáo viên trường công lập ở Wisconsin, tốt nghiệp Đại học Wisconsin - Madison. Ngoài công việc chính, ông thường xuyên viết bài bình luận về giáo dục và văn học cho các ấn phẩm như The Foundation for Economic Education, The Federalist, và Quillette. Ông cũng là người đứng đầu chuyên mục tại Lone Conservative, một website nhằm cố vấn và xuất bản tư tưởng của những cây bút trẻ.

Nguồn: Daniel Buck, School Choice Also Gives Teachers Like Me More Choice, FEE, 31/1/2019

Dịch giả:
Phan Thị Mai Trang
Hiệu đính:
Nguyễn Văn Thịnh