Ngọn nguồn của ý tưởng phong tỏa vào năm 2006
Giờ đây, thông tin trên hàng nghìn tờ báo và chương trình phát sóng tin tức hàng ngày đang cật lực để, bằng cách nào đó, bình thường hóa việc phong tỏa và tất cả sự tàn phá của nó trong vòng hai tháng vừa qua. Chúng ta đã không phong tỏa gần như toàn bộ đất nước vào các năm 1968/69, 1957, 1949-1952, hoặc thậm chí trong năm 1918. Nhưng trong một vài ngày kinh hoàng vào tháng 3 năm 2020, điều này đã xảy ra với tất cả mọi người, gây nên hàng loạt sự tàn phá đối với xã hội, văn hóa và kinh tế có thể kéo dài qua nhiều thời kỳ.
Điều này hoàn toàn không bình thường. Chính vì vậy, hãy cố gắng tìm hiểu những gì đã xảy ra với chúng ta trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Làm cách nào mà một kế hoạch tạm thời nhằm duy trì công suất bệnh viện lại biến thành tình trạng bị quản thúc tại gia từ hai đến ba tháng gần như trên toàn thế giới, kết quả là khiến công nhân tại 259 bệnh viện phải nghỉ việc, di chuyển quốc tế ngưng trệ, 40% người có thu nhập dưới 40,000 đô mỗi năm mất việc, mọi khu vực kinh tế bị tàn phá, sự hỗn loạn và suy sụp tinh thần bao trùm khắp nơi, tất cả các quyền cơ bản và tự do bị phớt lờ hoàn toàn, chưa kể đến hàng loạt tài sản tư nhân bị tịch thu cùng với hàng triệu doanh nghiệp buộc phải đóng cửa?
Dù câu trả lời là gì đi nữa, thì đây ắt phải là một câu chuyện kỳ lạ. Điều thực sự đáng ngạc nhiên là lý thuyết đằng sau việc phong tỏa và giãn cách thật sự đã bắt nguồn không lâu trước đây. Theo đó, cỗ máy trí tuệ tạo nên mớ hỗn độn này đã được phát minh ra cách đây 14 năm, không phải bởi các nhà dịch tễ học mà bởi những nhà mô hình hóa máy tính. Nó không được áp dụng bởi các bác sĩ có kinh nghiệm - những người vốn dĩ đã cảnh báo và phản đối dữ dội - mà bởi các chính trị gia.
Hãy bắt đầu với cụm từ giãn cách xã hội, sau này đã biến đổi thành sự chia cách bắt buộc giữa con người với nhau. Tôi nghe đến cụm từ này lần đầu trong bộ phim Contagion năm 2011. Lần đầu tiên nó xuất hiện trên New York Times là ngày 12 tháng 2 năm 2006:
Các chuyên gia cho rằng, nếu cúm gia cầm bùng phát thành đại dịch trong khi nguồn cung thuốc Tamiflu và vaccine vẫn còn thiếu hụt, thì cách bảo vệ duy nhất mà hầu hết người Mỹ sẽ có là “giãn cách xã hội”, đây là cách nói mới chính xác về mặt chính trị về từ “cách ly”.
Nhưng giãn cách còn chứa đựng những biện pháp ít quyết liệt hơn, chẳng hạn như đeo khẩu trang, không dùng thang máy - và chạm bằng khuỷu tay. Những chiến lược như vậy, theo các chuyên gia, sẽ viết lại cách mà chúng ta tương tác, ít nhất là trong một vài tuần khi làn sóng dịch cúm tràn đến.
Có thể bạn không nhớ rằng cúm gia cầm năm 2006 rốt cuộc không ảnh hưởng quá lớn. Đúng là bất chấp tất cả những cảnh báo nghiêm trọng về khả năng gây chết người của nó, H5N1 không hề nghiêm trọng đến vậy. Tuy nhiên, những gì nó làm là khiến tổng thống đương nhiệm, George W. Bush, phải đến thư viện đọc về bệnh cúm năm 1918 và kết quả thảm khốc của nó. Ông ấy đã yêu cầu vài chuyên gia gửi tới một số kế hoạch về những gì cần làm khi dịch cúm thật sự xuất hiện.
Thời báo New York (ngày 22 tháng 4 năm 2020) thuật lại câu chuyện này:
Mười bốn năm trước, hai bác sĩ của chính phủ liên bang, Richard Hatchett và Carter Mecher, đã gặp một đồng nghiệp tại một cửa hàng burger ở ngoại ô Washington để rà soát lần cuối cùng về một bản đề xuất mà họ biết rằng nó sẽ bị vùi dập cho đến khi đem đến được một kết quả đáng mong đợi: yêu cầu người Mỹ nghỉ làm và nghỉ học ở nhà khi một đại dịch chết người tiếp theo ảnh hưởng đến nước Mỹ.
Khi họ trình bày kế hoạch này không lâu sau đó, nó đã vấp phải sự hoài nghi và không ít sự chế nhạo của những quan chức cấp cao, những người cũng như bao người khác ở Hoa Kỳ đã quen với việc dựa vào ngành dược phẩm, với hàng loạt các phương pháp điều trị mới ngày càng phát triển, để đối mặt với những thách thức sức khỏe ngày một biến chuyển phức tạp.
Tiến sĩ Hatchett và Mecher đã đề xuất rằng, thay vào đó, người Mỹ ở một số nơi có thể phải quay lại cách tiếp cận tự cô lập như đã được sử dụng rộng rãi trong thời Trung cổ.
Làm thế nào mà ý tưởng xuất phát từ yêu cầu của Tổng thống George W. Bush nhằm đảm bảo đất nước sẵn sàng hơn để đối phó với đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm tiếp theo trở thành trọng tâm của sách lược quốc gia về ứng phó với đại dịch là một trong những câu chuyện chưa kể về cuộc khủng hoảng virus corona.
Điều này đòi hỏi những người đề xuất chủ chốt như Tiến sĩ Mecher, một bác sĩ của Bộ Cựu chiến binh và Tiến sĩ Hatchett, một bác sĩ ung thư sau đó là cố vấn Nhà Trắng - phải vượt qua sự phản đối dữ dội ban đầu. Việc này cũng giống như khi một đội ngũ trong Bộ quốc phòng được giao một nhiệm vụ tương tự.
Có một vài điểm lật không lường trước về ý tưởng phong tỏa, trong đó bao gồm việc đào sâu vào lịch sử của đợt cúm Tây Ban Nha năm 1918 và một phát hiện quan trọng bắt đầu từ một dự án nghiên cứu trung học mà con gái của một nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia theo đuổi.
Khái niệm giãn cách xã hội hiện đã trở nên gần gũi và quen thuộc với hầu hết tất cả mọi người. Nhưng cũng như lần đầu tiên vượt qua bộ máy hành chính liên bang vào năm 2006 và 2007, nó từng được coi là không thực tế, không cần thiết và bất khả thi về mặt chính trị.
Cần lưu ý rằng trong quá trình lên kế hoạch cho giãn cách, không có sự tham vấn và tư vấn của bất kỳ chuyên gia pháp lý hay kinh tế nào. Thay vào đó, công việc này nằm trong tay Mecher (người từng sống ở Chicago và là bác sĩ chăm sóc đặc biệt chưa từng có chuyên môn về đại dịch) và bác sĩ ung thư Hatchett.
Nhưng việc đề cập đến cô con gái 14 tuổi học trung học ở đây có ý nghĩa gì? Tên cô ấy là Laura M. Glass, và gần đây cô ấy đã từ chối phỏng vấn khi Tạp chí Albuquerque đào sâu thêm về sự kiện này.
Với sự hướng dẫn của cha mình, Laura đã nghĩ ra một mô phỏng máy tính cho thấy cách mọi người - các thành viên trong gia đình, đồng nghiệp, học sinh trong trường học, những người trong bối cảnh xã hội - tương tác với nhau. Điều cô phát hiện ra là những đứa trẻ khi đi học tiếp xúc với khoảng 140 người mỗi ngày, nhiều hơn bất kỳ nhóm nào khác. Dựa trên kết quả này, chương trình của cô ấy chỉ ra rằng trong một thị trấn giả định có 10.000 người, 5.000 người sẽ bị lây nhiễm trong một trận đại dịch nếu không có biện pháp nào được thực hiện, nhưng chỉ 500 người sẽ bị nhiễm nếu trường học đóng cửa.
Tên của Laura xuất hiện trên bài nghiên cứu cơ bản tranh luận về việc phong tỏa và buộc con người phải chia cách. Tên bài nghiên cứu đó là Targeted Social Distancing Designs for Pandemic Influenza (2006). Bài nghiên cứu đặt ra một mô hình cho sự chia cách bắt buộc, áp dụng chúng ngược trở lại vào trường hợp năm 1957 và đã cho ra một kết quả tốt. Chung quy lại, họ kết luận bằng một lời kêu gọi rùng mình về phong tỏa tuyệt đối, với một thái độ vô cùng bình thản.
Việc thực hiện các chiến lược giãn cách cách xã hội là một thách thức. Chúng có thể phải được áp dụng trong suốt thời gian xảy ra dịch tại địa phương và cũng có thể kéo dài cho đến khi phát triển được một loại vắc xin đặc hiệu và phân phối nó. Nếu thật sự tuân thủ chiến lược trong giai đoạn này thì có thể ngăn chặn được lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, nếu các khu vực lân cận không sử dụng các biện pháp can thiệp này, những người bị nhiễm bệnh ở gần sẽ tiếp tục lây cúm và kéo dài bệnh dịch tại địa phương, mặc dù ở mức độ hệ thống chăm sóc sức khỏe dễ dàng đối phó hơn.
Nói cách khác, đó là một thí nghiệm khoa học trung học nhưng cuối cùng đã trở thành quy luật, và thông qua một lộ trình quanh co được thúc đẩy bởi chính trị chứ không phải khoa học.
Tác giả chính của bài nghiên cứu trên là Robert J. Glass, một nhà phân tích hệ thống phức hợp của Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia. Ông ấy không được đào tạo về y tế, càng không có chuyên môn về miễn dịch học hay dịch tễ học.
Điều này lý giải cho việc Tiến sĩ D. A Henderson, người đứng đầu trong nỗ lực xóa bỏ bệnh đậu mùa trên toàn thế giới, hoàn toàn bác bỏ toàn bộ kế hoạch này.
NYT nói: Tiến sĩ Henderson đã bị thuyết phục rằng việc ép buộc các trường học đóng cửa hoặc tạm dừng các nơi tụ tập đông người là vô lý. Nhóm thiếu niên cũng sẽ trốn khỏi nhà để đi chơi trong các trung tâm thương mại; các bữa trưa tại trường học sẽ bị hủy và những trẻ em nghèo đói sẽ không có đủ đồ để ăn. Các nhân viên bệnh viện cũng sẽ vất vả hơn khi đi làm nếu những đứa con của họ cứ ở nhà mãi.
Các biện pháp được xiển dương bởi tiến sĩ Mecher và Hatchett sẽ “dẫn đến sự gián đoạn đáng kể trong hoạt động xã hội của cộng đồng và có thể dẫn tới các hệ lụy kinh tế nghiêm trọng.” Tiến sĩ Henderson đã phản hồi ý kiến của 2 tiến sĩ kia trong bài báo cáo khoa học của mình Ông quả quyết rằng, câu trả lời chính là đối mặt với nghịch cảnh: Cứ để đại dịch lan rộng, điều trị cho những người bị ốm và nhanh chóng phát triển vaccine phòng chống bệnh tái phát.
Phil Magness của Viện AIER đã bắt tay tìm kiếm các nghiên cứu liên quan đến bài nghiên cứu năm 2006 của Robert và Sarah Glass, và phát hiện ra bản tuyên ngôn mang tên: Các biện pháp giảm thiểu dịch bệnh trong đại dịch cúm. Các tác giả bao gồm D. A Henderson, cùng với 3 giáo sư khác từ Đại học John Hopkins: chuyên gia bệnh truyền nhiễm Thomas V. Inglesby, nhà dịch tễ học Jennifer B. Nuzzo và bác sĩ Tara O’Toole. Bài nghiên cứu của họ là một phản luận tương đối dễ đọc với toàn bộ mô hình phong tỏa.
Không có bất kỳ đánh giá về mặt lịch sử hoặc nghiên cứu khoa học nào lại ủng hộ cho việc hạn chế đi lại bằng cách cách ly các nhóm người có khả năng lây nhiễm cao trong thời gian dài mà có thể để làm chậm sự lây lan của bệnh cúm. Trong nửa thế kỷ vừa qua, rất khó để có thể xác định được một biến cố nào mà điều đó lại xảy ra khi cách ly với quy mô lớn đã từng được sử dụng triệt để trong việc kiểm soát bất kỳ dịch bệnh nào. Hậu quả của cách ly quy mô lớn nghiêm trọng tới mức các phương thức hạn chế như thế phải bị loại bỏ ra khỏi bất kì một suy xét nghiêm túc nào (như ép buộc những người khỏe phải bị cách li chung với những người bị bệnh, giới hạn tuyệt đối việc di chuyển ở các khu đông dân cư, cũng như sự khó khăn khi cần đưa nhu yếu phẩm, thuốc men và thực phẩm cho những người bên trong khu vực cách ly).
Cách ly tại nhà cũng dấy lên những nghi ngờ về mặt đạo đức. Áp dụng cách ly tại nhà có thể khiến những người khỏe mạnh, không bị lây nhiễm đối mặt với rủi ro lây nhiễm từ những thành viên bị ốm từ chính gia đình. Mọi người được khuyến cáo nên thực hiện các biện pháp giảm thiểu khả năng lây nhiễm (rửa tay, giữ khoảng cách với người bệnh 3 feet, v.v.), nhưng chính sách ép buộc cách ly tại gia cũng sẽ ngăn cản việc đưa con cái sang ở với họ hàng khi một thành viên trong gia đình bị bệnh, là một ví dụ. Chính sách như thế này cũng sẽ gây khó khăn và nguy hiểm với những người sống trong các khu vực gần nhau, nơi mà có rủi ro cao về lây nhiễm.
Ta có thể thấy, hạn chế lữ hành, như đóng cửa sân bay và soi chiếu hành khách tại các cửa khẩu, từ góc độ lịch sử, đã không còn hiệu quả. Nhóm Viết của Tổ chức Y tế thế giới đã kết luận rằng “việc khám lâm sàng và cách ly những du khách nhập cảnh ở các cửa khẩu quốc tế không ngăn được sự xâm nhập đáng kể của virus trong những đại dịch trước đây... và thậm chí có hiệu quả có khả năng còn thấp hơn trong thời đại hiện nay…” Có thể giả định rằng phí tổn thuần kinh tế của việc ngừng khai thác dịch vụ đường hàng không hoặc tàu hỏa sẽ rất cao, còn chi phí xã hội của việc ngừng tất cả các chuyến tàu hỏa và chuyến bay còn nghiêm trọng hơn. Trong suốt đại dịch cúm mùa, các sự kiện cộng đồng được kỳ vọng sẽ có một số lượng lớn khán giả thỉnh thoảng đã bị hoãn hoặc hủy bỏ, với lý do để giảm mức độ tương tác với những người có thể lây nhiễm. Tuy nhiên, không có bất cứ chỉ số nào chỉ ra rằng cách phản ứng này có bất kỳ tác động nhất định nào đến mức độ nghiêm trọng hoặc khoảng thời mà bệnh dịch kéo dài. Nếu phải cân nhắc việc kéo dài các biện pháp này trên quy mô rộng hơn, thì sẽ ngay lập tức nảy sinh câu hỏi về việc có bao nhiêu sự kiện sẽ bị ảnh hưởng. Có quá nhiều cuộc hội họp trong xã hội mà có tương tác gần giữa người với người và lệnh cấm này có thể bao gồm cho các buổi lễ nhà thờ, các sự kiện thể thao, có lẽ tất cả các buổi gặp mặt trên 100 người. Có thể rạp hát, nhà hàng, trung tâm thương mại các cửa hiệu lớn và quán bar cũng sẽ đóng cửa. Áp dụng các biện pháp kiểu này sẽ có nhiều hậu quả thực sự tai hại.
Các trường học thường đóng cửa sớm trong vòng từ 1 đến 2 tuần trong giai đoạn dịch cúm bùng phát trong cộng đồng, chủ yếu vì tỷ lệ học sinh vắng mặt cao, đặc biệt ở các trường tiểu học và cũng vì nhiều giáo viên bị nhiễm bệnh. Điều này có vẻ hợp lý về mặt thực tiễn. Tuy nhiên, đóng cửa trường học lâu dài không chỉ không thiết thực mà còn mang đến khả năng xảy ra những phản ứng ngược…
Do đó, hủy bỏ hoặc hoãn một số lượng lớn các buổi gặp mặt khả năng sẽ không có nhiều tác động lên sự tiến triển của đại dịch. Trong khi các địa phương có thể lo ngại và đưa ra lí do hợp lẽ để hủy bỏ của một vài sự kiện cụ thể, một chính sách nhắm đến việc hủy bỏ toàn bộ các sự kiện với quy mô trên toàn bộ cộng đồng dường như là không hề thích hợp. Đó là cách ly. Kinh nghiệm đã cho thấy, chẳng có cơ sở nào để khuyến nghị việc cách ly theo nhóm hay từng cá nhân. Vấn đề của việc áp dụng các biện pháp như thế này thật đáng kinh khủng, và tác động thứ cấp của việc chia tách cộng đồng cũng như các hậu quả nghiêm trọng kéo theo khác phải được suy xét một cách thấu đáo, có thể kể đến như việc mất lòng tin vào chính phủ của quần chúng nhân dân và sự kỳ thị đối với những người và nhóm người đi cách ly. Cuối cùng, có một kết luận đáng chú ý: Kinh nghiệm đã cho thấy rằng các cộng đồng từng đối mặt với dịch bệnh hoặc các biến cố bất lợi khác lại phản ứng một cách hiệu quả nhất và ít hoang mang nhất khi hoạt động xã hội thường nhật của cộng đồng ít bị gián đoạn nhất. Các yếu tố quyết định là đầu tàu trong y tế cộng đồng và chính trị, nhằm mang tới sự yên tâm và bảo đảm các dịch vụ y tế được cung cấp đầy đủ. Nếu một trong hai yếu tố kia ở dưới mức tối ưu, một đại dịch trong tầm soát có thể trở thành một thảm họa.
Đối mặt với dịch bệnh trong tầm soát và biến nó trở thành một thảm họa: đó dường như lại là lời miêu tả chính xác về mọi thứ đã và đang diễn ra trong cuộc khủng hoảng COVID-19 năm 2020.
Do đó, một số chuyên gia được đào tạo chuyên sâu và có kinh nghiệm về bệnh dịch đã cảnh báo bằng những lời hùng biện đanh thép phản bác lại bất cứ ai ủng hộ đề xuất lệnh phong tỏa. Ngay từ đầu, điều này thậm chí không phải là một ý tưởng thực tế và không có bất cứ hiểu biết gì về virus và phương thức giúp chống chọi bệnh dịch. Một lần nữa, ý tưởng được nghĩ ra từ một thí nghiệm khoa học trung học, sử dụng kỹ thuật mô hình mà không dựa trên nguyên mẫu nào trong đời sống, khoa học và y học thực tiễn.
Thế nên, câu hỏi trở thành: làm thế nào mà cái quan điểm cực đoan kia lại chiếm thế thượng phong? Tờ New York Times đã đưa ra câu trả lời: Chính quyền [Bush] cuối cùng cũng đứng về phía những người ủng hộ giãn cách xã hội và lệnh đóng cửa - mặc dù chiến thắng này ít được chú ý bên ngoài khu vực y tế công cộng. Chính sách của họ sẽ trở thành cơ sở cho việc hoạch định của chính phủ và được sử dụng rộng rãi trong quá trình chuẩn bị trước cho những đợt dịch, và, trong một giới hạn nào đó, từng là một phương án vào năm 2009 trong lần bùng nổ dịch cúm H1N1.
Sau đó, virus corona xuất hiện, và kế hoạch kia được triển khai trên toàn quốc lần đầu tiên.
Nguồn: Jeffrey A. Tucker, The 2006 Origins of the Lockdown Idea, American Institute for Economic Research, 15/5/2020