Chủ nghĩa Tự do cá nhân (Phần 2)
Chủ nghĩa Tự do cá nhân kết quả
Trong khi chủ nghĩa tự do cá nhân phiên bản Nozick tìm thấy nguồn cảm hứng của nó ở Locke và Kant, thì có một phiên bản chủ nghĩa tự do cá nhân khác tìm thấy nguồn cảm hứng của nó từ David Hume, Adam Smith, và John Stuart Mill. Các nguyên tắc chính trị của dạng chủ nghĩa tự do cá nhân này không đặt trên nền tảng tự sở hữu hay quyền tự nhiên của con người, mà trên hệ quả có lợi mà các quyền và thiết chế tự do cá nhân tạo ra so với các khả năng lý thuyết và thực tiễn khác. Các nhà lý thuyết mà cho rằng, kết quả, và chỉ duy kết quả, mới được sử dụng để biện minh cho chủ nghĩa tự do cá nhân, họ được coi là những người theo thuyết kết quả. Một trong các dạng (dựa trên) kết quả này của chủ nghĩa tự do cá nhân là thuyết công lợi. Nhưng thuyết kết quả không đồng nhất với thuyết công lợi, và phần này chúng ta sẽ tìm hiểu sự bảo vệ của thuyết công lợi định lượng, thuyết kết quả (dựa trên) truyền thống đối với chủ nghĩa tự do cá nhân.
Thuyết công lợi định lượng
Về mặt triết học, cách tiếp cận trong đó tìm cách biện minh cho các thiết chế chính trị thông qua việc cho thấy khả năng tối đa hóa lợi ích chung (công lợi) của chúng có nguồn gốc rõ ràng nhất từ tư tưởng của Jeremy Bentham, một nhà lý thuyết đạo đức và cải cách pháp lý. Dù Bentham không ủng hộ cho chủ nghĩa laissez-faire (tự do tuyệt đối trong kinh doanh), song cách tiếp cận của ông có ảnh hưởng to lớn đối với các nhà kinh tế học, đặc biệt là Trường phái Áo và Chicago, nhiều người trong hai trường phái này đã sử dụng phân tích công lợi để ủng hộ cho các kết luận chính trị tự do cá nhân. Một số nhà kinh tế học ảnh hưởng là các nhà tự do cá nhân (tự ý thức) – nổi tiếng nhất trong số đó là Ludwig von Mises, Friedrich Hayek, James Buchanan, và Milton Friedman (Ba người sau được trao giải Nobel).
Sự bảo vệ kiểu công lợi cho chủ nghĩa tự do cá nhân thường bao gồm hai nhánh:lập luận công lợi ủng hộ cho sở hữu tư nhân và trao đổi tự do, và lập luận công lợi chống lại các chính sách của nhà nước mà vượt quá ranh giới của nhà nước tối thiểu. Sự bảo vệ mang tính công lợi đối với sở hữu tư nhân và trao đổi tự do rất đa dạng, tuy nhiên ở đây chúng ta chú ý đến hai luận điểm chính vốn đặc biệt ảnh hưởng: luận điểm “Bi kịch sở hữu chung” cho sở hữu tư nhân và luận điểm “Bàn tay vô hình” cho tự do trao đổi.
Bi kịch sở hữu chung và sở hữu tư nhân
Luận điểm bi kịch sở hữu chung cho rằng trong một số điều kiện nào đó khi tài sản được sở hữu chung, hay không được sở hữu bởi bất cứ ai, thì nó sẽ không được sử dụng hiệu quả và nhanh chóng bị thoái hóa. Trong miêu tả của mình về sở hữu chung, Hardin bảo chúng ta tưởng tượng về một bãi cỏ để mở cho tất cả, trên đó những người chăn gia súc thả gia súc của mình. Mỗi khi thêm gia súc chăn thả thì có nghĩa là anh ta sẽ thu được một lợi ích lớn hơn, và lợi ích này hoàn toàn thuộc về anh ta. Dĩ nhiên, việc tăng lượng gia súc trên bãi cỏ sẽ phải trả một một cái giá đó là cho bãi cỏ thoái hóa, nhanh chóng biến mất, nhưng điều quan trọng là cái giá phải trả cho việc thêm gia súc này, không giống như lợi ích, được phân bổ cho tất cả những người chăn gia súc. Vì mỗi người chăn gia súc nhận được toàn bộ lợi ích của việc tăng thêm gia súc nhưng chỉ gánh một phần của cái giá “phân tán” này, nên sẽ có lợi cho anh ta để thêm nhiều hơn gia súc trên đồng cỏ. Song vì lô gic tương tự được áp dụng như nhau cho tất cả những người chăn gia súc, nên chúng ta hiểu rằng họ sẽ hành động tương tự, kết quả là số lượng động vật nhanh chóng vượt quá giới hạn mà đồng cỏ có thể đáp ứng. Đây gọi là bi kịch sở hữu chung.
Bi kịch sở hữu chung đặc biệt rõ ràng nếu chúng ta phân tích nó dựa trên lý thuyết Tình thế tiến thoái lưỡng nan của người tù, trong đó xem xét hệ quả của việc lựa chọn thả thêm gia súc gia súc của mỗi bên. (Xem hình bên dưới, nơi A và B đại diện cho hai người chăn gia súc, “thả thêm” và “không thả thêm” là các lựa chọn của họ, và có bốn kết quả khả dĩ của các hành động kết hợp của họ. Trong các ô, các con số đại diện cho lợi ích mà mỗi người chăn gia súc nhận được, và kết quả của A là con số bên trái, và B bên phải). Như thảo luận ở trên, kết quả tốt nhất đối với mỗi người chăn gia súc là khi họ chăn thêm gia súc, còn người kia thì không (5)- ở đây người chăn gia súc thu về mọi lợi ích và chỉ chịu một phần cái giá phải trả cho việc chăn thêm. Trái lại, kết quả xấu nhất đối với mỗi người chăn gia súc là không chăn thêm gia súc, trong khi người kia chăn thêm (0) – trong hoàn cảnh này, người chăn gia súc phải gánh vác giá phải trả (đồng cỏ bị thoái hóa do người khác chăn thêm gia súc) nhưng không nhận được thêm lợi ích. Còn hai kết quả khả hữu khác. Trong đó, cả hai người chăn gia súc sẽ ở trong tình trạng tốt hơn nếu không ai thêm gia súc (3), so với kết quả trong đó cả hai thêm gia súc (1). Lợi ích lâu dài của việc chăn thả trong phạm vi mà đồng cỏ có thể cung cấp, lớn hơn lợi ích ngắn hạn của việc chăn thả thêm của cả hai người chăn gia súc. Tuy nhiên, với lôgic về tình thế tiến thoái lưỡng nan của người tù, những người chăn gia súc, vốn là những người duy lý và tư lợi sẽ không lựa chọn việc ràng buộc lẫn nhau để không chăn thêm gia súc. Điều này là vì, bao lâu mà cái giá phải trả cho việc thả thêm gia súc được chia một phần cho những người cùng sử dụng nguồn lực, thì đối với cá nhân mỗi người chăn gia súc sẽ có lợi hơn khi thả thêm gia súc mà không cần quan tâm đến điều gì mà phía bên kia sẽ làm. Theo ngôn ngữ của lý thuyết chò trơi, thì việc thả thêm gia súc sẽ thắng thế việc tự chế ước (lẫn nhau giữa những người chăn gia súc để không thả thêm). Kết quả, không chỉ nguồn lực chung bị cạn kiệt, mà hoàn cảnh sẽ tệ hại hơn đối với mỗi cá nhân so với khi thả thêm gia súc.
|
B |
||
Không thả thêm |
Thả thêm |
||
A |
Không thả thêm |
3, 3 |
0, 5 |
Thả thêm |
5, 0 |
1, 1 |
Lời giải kinh điển đối với Bi kịch sở hữu chung là sở hữu tư nhân. Nhớ rằng bi kịch xuất hiện bởi vì những người chăn thả không phải chịu toàn bộ cái giá phải trả đối với hành động của họ (chăn thả và chăn thả thêm gia súc). Bởi vì đất đai là của chung, chi phí chăn thả thêm được chuyển một phần cho những người cùng sử dụng nguồn lực khác (có thể chăn thả thêm hoặc không chăn thả thêm). Nhưng sở hữu tư nhân thay đổi điều này. Nếu, thay vì được sở hữu chung bởi tất cả, đồng cỏ được phân chia thành các mảnh nhỏ hơn, và được giao cho tư nhân, thì những người chăn thả gia súc sẽ có quyền để loại bỏ người khác khỏi việc sử dụng tài sản riêng của họ. Một người chỉ chăn thả gia súc trên cánh đồng của mình, hay trên cánh đồng của người khác theo các điều khoản của người chủ sở hữu cánh đồng đó, và điều này có nghĩa rằng chi phí của việc chăn thả thêm đó sẽ do một mình anh ta gánh vác. Sở hữu tư nhân buộc các cá nhân chịu trách nhiệm cho hành động của mình, và điều này một lần nữa khuyến khích cá nhân sử dụng nguồn lực một cách khôn ngoan.
Bài học là bằng việc tạo ra và tôn trọng quyền sở hữu tư nhân đối với nguồn lực bên ngoài, chính quyền cung cấp cho cá nhân sự khuyến khích để sử dụng những nguồn lực này theo cách hữu hiệu, mà không cần phải quy định quản lý và giám sát nghiêm ngặt đối với các nguồn lực này. Những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân sử dụng tầm nhìn cơ bản này để bảo chữa việc: bảo vệ quyền tư hữu, tư nhân hóa các công trình công cộng, như đường sá, trường học... cũng như coi đó là một lời giải cho các vấn đề về môi trường.
Bàn tay vô hình và trao đổi tự do
Những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân tin rằng các cá nhân và các nhóm nên được tự do để trao đổi bất cứ thứ gì với bất cứ ai mà họ muốn, với rất ít hoặc không có sự can thiệp của chính quyền. Do đó, họ phản đối những bộ luật ngăn cấm một số dạng trao đổi nào đó (chẳng hạn, các quy định cấm mại dâm và bán các loại thuốc bất hợp pháp, hay luật về lương tối tiểu mà sẽ cấm các thỏa thuận lao động với lương thấp…) cũng như các bộ luật trong đó áp đặt một gánh nặng lên sự trao đổi thông qua áp đặt chi phí giao dịch cao (như thuế nhập khẩu).
Lý do mà những người theo chủ nghĩa tự do công lợi ủng hộ sự tự do trao đổi là, họ cho rằng, nó có xu hướng phân bổ các nguồn lực vào tay những người sẽ coi trọng chúng nhất, và khi làm như vậy sẽ tăng tổng lượng lợi ích (công lợi) của toàn xã hội. Bước đầu tiên để thấy điều này là, việc hiểu rằng ngay cả nếu thương mại là cuộc chơi zero-sum liên quan đến các đối tượng được trao đổi (không thứ gì được tạo ra hay phá hủy, mà chỉ chuyển đổi), thì đó là một cuộc chơi positive – sum về mặt công lợi (mang lại lợi ích tích cực cho các bên trao đổi). Điều này là vì các cá nhân có đánh giá khác nhau lợi ích mà họ gán cho các đối tượng. Một người có kế hoạch di chuyển từ Chicago tới Sandiego sẽ gán một giá trị tương đối thấp cho đồ đạc lớn và nặng của cô ta. Rất khó và đắt để chuyển, và có thể không phù hợp với kiểu cách ngôi nhà mới. Nhưng đối với ai đó vừa chuyển đến một căn phòng trống ở Chicago, thì đồ đạc đó lại rất có ích. Nếu người đầu định giá đồ đạc là 200$, và người thứ hai định giá nó 500$, cả hai sẽ được lợi nếu họ trao đổi cho một mức giá mà nằm giữa những giá trị này. Mỗi người sẽ từ bỏ thứ gì mà họ xem là ít có giá trị để đổi lại thứ mà họ xem là có giá trị hơn, và từ đó lợi ích chung sẽ tăng lên.
Như Hayek đã chỉ ra, nhiều thông tin về giá trị tương đối được gán cho các hàng hóa khác nhau được truyền cho các tác nhân khác nhau trên thị trường thông qua hệ thống giá cả. Một sự gia tăng về giá của một hàng hóa biểu thị nhu cầu cho hàng hóa đó tăng lên tương đối so với nguồn cung. Người tiêu dùng có thể phản ứng với sự tăng giá này bằng cách tiếp tục sử dụng các hàng hóa với giá thấp hơn, hoặc chuyển sang dùng hàng hóa thay thế, hoặc không tiếp tục sử dụng hoàng hóa đó. Quyết định của mỗi cá nhân bị ảnh hưởng bởi giá cả của các hàng hóa có liên quan lẫn có ảnh hưởng đến giá cả đến mức mà nó làm tăng hoặc giảm tổng cung và tổng cầu. Do đó, dù họ không biết về điều này, song quyết định của mỗi người là một phản ứng đáp lại các quyết định của hàng triệu người tiêu dùng và các nhà sản xuất hàng hóa khác, mỗi trong số họ đặt quyết định của mình trên kiến thức cụ thể, cục bộ của mình về các hàng hóa. Và dù tất cả những gì họ cố gắng làm là tối đa hóa lợi ích của mình, mỗi người sẽ được dẫn dắt để hành động theo cách mà làm cho các nguồn lực, hàng hóa được sử dụng với giá trị cao nhất của nó. Những ai thu được lợi ích nhiều nhất từ hàng hóa sẽ trả giá cao hơn người khác để sử dụng nó, và người khác sẽ tìm kiếm các hàng hóa khác rẻ hơn.
Theo giải thích này, vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Trường phái kinh tế Áo, thị trường là một quá trình với sự canh tranh, khám phá, đổi mới liên tục. Thị trường không bao giờ ở trong một trạng thái cạnh tranh cân bằng, và nó sẽ luôn “thất bại” theo tiêu chuẩn về tính hiệu quả hoàn hảo. Nhưng chính sự thất bại của thị trường, cung cấp cơ hội trong tương lai cho các doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận thông qua các phát minh mới. Cạnh tranh là một quá trình, không phải là một mục tiêu để đạt đến, và nó là một quá trình được thúc đẩy bởi các quyết định cụ thể của các cá nhân, những người hầu như không ý thức về xu hướng tổng thể và dài hạn của các quyết định của họ. Song dù không ai quan tâm đến việc làm gia tăng tổng lợi ích của toàn xã hội, nhưng anh ta, như Adam Smith viết, “bị dẫn dắt bởi bàn tay vô hình để thúc đẩy một mục đích vốn không nằm trong dự định của anh ta”. Và trong thực tế, tất cả những gì mà chính quyền được đòi hỏi phải làm để đạt được kết quả này là định nghĩa và củng cố các quyền sở hữu tư nhân một cách rõ ràng cũng như cho phép hệ thống giá cả tự do điều chỉnh để đáp lại sự thay đổi của hoàn cảnh.
Lý lẽ chống lại sự can thiệp của chính quyền
Hai lý lẽ ở trên, nếu thành công, giải thích rằng thị trường tự do và sở hữu tư nhân tạo ra các kết quả công lợi tích cực. Nhưng ngay cả khi điều này đúng, thì vẫn có thể là sự can thiệp có chọn lọc của chính quyền vào nền kinh tế có thể tạo ra các kết quả mà thậm chí còn có thể tốt hơn. Chính quyền có thể sử dụng thuế cùng các cưỡng bức khác nhằm mang lại lợi ích công, hay ngăn một số dạng thất bại của thị trường như độc quyền. Hoặc chính quyền có thể thực hiện sự tái phân phối thuế trên cơ sở giảm bớt mức lợi ích (vốn có tác dụng ít ỏi) của người giàu, nhưng khi làm như vậy lại tạo ra một mực độ cao hơn về lợi ích tổng thể. Để bảo vệ sự phản đối của mình đối với sự can thiệp của chính quyền, những người tự do cá nhân đã tạo ra các lý lẽ nhằm cho thấy rằng các chính sách như vậy sẽ không tạo ra lợi ích lớn hơn so với chính sách laissez-faire. Việc tạo ra các lý lẽ như vậy là một công việc phức tạp của các nhà kinh tế học tự do cá nhân, và ở đây chúng ta không bàn chi tiết đến. Tuy nhiên có hai lý lẽ đặc biệt có ảnh hưởng. Chúng ta có thể gọi chúng là lý lẽ khuyến khích và lý lẽ lựa chọn công.
Lý lẽ khuyến khích xuất phát từ tuyên bố cho rằng các chính sách của chính quyền được thiết kế để thúc đẩy công lợi lại thực sự tạo ra sự khuyến khích cho các cá nhân hành động theo cách trái ngược với việc thúc đẩy công lợi. Một số ví dụ về lý lẽ khuyến khích bao gồm (1) phúc lợi được cung cấp bởi chính quyền ngăn cản cá nhân chịu trách nhiệm cho sự thịnh vượng kinh tế của họ, (2) luật về lương tối thiểu bắt buộc tạo ra sự thất nghiệp ở người lao động không có kĩ năng, (3) sự ngăn cấm pháp lý đối với các thuốc “cấm” tạo ra thị trường chợ đen với giá cả bị thổi phồng, chất lượng thấp… (4) thuế cao khiến cho mọi người lao động và đầu tư ít hơn, và từ đó dẫn đến giảm bớt sự phát triển kinh tế.
Mặt khác, lý lẽ lựa chọn công thường được các nhà tự do cá nhân sử dụng để làm suy yếu khẳng định cho rằng chính quyền sẽ sử dụng sức mạnh của mình để thúc đẩy lợi ích công theo cách mà theo người dân mong muốn. Lựa chọn công là một lĩnh vực dựa trên giả định rằng mô hình tư lợi duy lý được sử dụng rộng rãi bởi các nhà kinh tế nhằm cho biết trước hành vi của các tác nhân thị trường cũng có thể được sử dụng để dự báo hành vi của các tác nhân cai trị. Đó là, thay vì cố gắng để tối đa lợi ích công, các tác nhân cai trị luôn hướng đến việc tái cử (trong trường hợp của quan chức được bầu) hay duy trì hoặc mở rộng ngân sách lẫn sự ảnh hưởng (trong trường hợp của giới quan liêu). Từ mô hình phân tích cơ bản này, các nhà lý thuyết lựa chọn công cho rằng (1) thực tế là chi phí cho nhiều chính sách được phân chia rộng rãi cho những người đóng thuế, trong khi lợi ích thì thường tập trung vào một số ít thụ hưởng, đồng thời một khi các chính sách hoàn toàn không hiệu quả như vậy được ban hành, rất khó để dỡ bỏ, (2) các chính trị gia và công chức sẽ thực hiện các hành vi “tìm kẽ hở” bằng cách lợi dụng quyền lực từ địa vị của mình cho các mục đích cá nhân hơn là lợi ích chung, và (3) một số lợi ích chung nào đó sẽ được cung cấp dư thừa, trong khi các lợi ích khác thì lại thiếu bởi chính tiến trình chính trị, vì chính quyền thiếu cả tri thức và động cơ cần thiết để cung cấp các lợi ích như vậy một cách hiệu quả. Những vấn đề này là căn bệnh đặc thù gắn liền với tiến trình chính trị, và không dễ để chỉnh sửa về mặt lập pháp hay hiến pháp. Từ đây, nhiều người kết luận rằng cách duy nhất giảm bớt các vấn đề của quyền lực chính trị là tối thiểu phạm vi của quyền lực chính trị, khiến nó chỉ sử dụng trong một vài lĩnh vực của đời sống.
Chủ nghĩa kết quả (dựa trên) truyền thống
Các nhà công lợi định lượng vừa duy lý lẫn cấp tiến trong cách tiếp cận của họ đối với các cải cách xã hội. Đối với họ, việc tối đa lợi ích là nguyên tắc đầu tiên không phải bàn cãi, từ đó các chính sách có thể được đưa ra dựa trên các đánh giá kinh nghiệm về quan hệ nhân quả. Từ Bentham đến Singer, các nhà công lợi định lượng ủng hộ sự cải cách mạnh mẽ đối với các thiết chế xã hội, tất cả được bảo vệ nhân danh lý tính và tính đạo đức mà các thiết chế này mang lại.
Tuy nhiên, có một khuynh hướng khác của chủ nghĩa kết quả, ít tin tưởng hơn vào khả năng của lý tính để cải cách các thiết chế xã hội một cách cấp tiến cho các mục đích tốt hơn. Đối với những người theo chủ nghĩa kết quả này, các thiết chế xã hội là sản phẩm của một quá trình tiến hóa, mà quá trình tiến hóa lại là sản phẩm của hàng triệt các quyết định của các cá nhân riêng rẽ. Mỗi cá nhân lại sở hữu tri thức mà, dù có thể không quan trọng, nhưng khi gộp chung lại thì không một nhà cải cách xã hội riêng lẻ nào có thể so sánh được. Sự yếu kém của con người, chứ không khả năng duy lý, được dạng chủ nghĩa kết quả này ủng hộ.
Mặc dù nó có mối quan hệ với các nguyên tắc bảo thủ như các nguyên tắc của Edmund Burke, Michael Oakeshott, và Russell Kirk, nhánh chủ nghĩa kết quả này có ảnh hưởng to lớn đối với chủ nghĩa tự do cá nhân thông qua các tác phẩm của Hayek. Tuy nhiên, Hayek cố gắng giữ khoảng cách với ý thức hệ bảo thủ, và lưu ý rằng sự tôn trọng của ông đối với truyền thống không dựa trên việc tôn thờ cho sự nguyên trạng hay phản đối sự thay đổi, mà sâu xa hơn, đó là trên các nguyên tắc tự do. Đối với Hayek, truyền thống là có giá trị, bởi vì, nó tiến hóa theo cách phi tập trung và hòa bình. Các chuẩn mực xã hội, vốn được lựa chọn bởi các cá nhân tự do và tồn tại thông qua quá trình cạnh tranh với các chuẩn mục khác mà không thông qua sự ép buộc, là đáng nhận được sự tôn trọng ngay cả khi chúng ta không ý thức về tất cả những lý do tại sao các thiết chế này còn tồn tại. Ta thấy phần nào đó khá nghịch lý khi Hayek tin rằng chúng ta có thể củng cố một cách duy lý các thiết chế mà chúng ta thiếu những cơ sở biện minh thực sự cho việc củng cố chúng. Lý do điều này có thể là duy lý là, ngay cả khi chúng ta thiếu những cơ sở biện minh thực sự, thì chúng ta vẫn có cơ sở biện minh về mặt phương thức, đó là thực tế rằng, các thiết chế là kết quả của một sự tiến hóa nào đó, thực tế này cho chúng ta cơ sở để tin rằng có những cơ sở biện minh thực sự cho nó, ngay cả khi chúng ta không biết cơ sở này là gì.
Theo Hayek, về cơ bản thì các phương thức mà cung cấp sức mạnh biện minh cho các thiết chế là các phương thức cho phép cá nhân tự do hành động như họ mong muốn bao lâu họ không hành động gây hấn đối với người khác. Tuy nhiên, theo Hayek, nguyên tắc này không phải là một chân lý đạo đức mà theo sau từ niềm tin của ông vào những giới hạn và cách sử dụng tri thức trong xã hội. Một bộ phận quan trọng trong lập luận của Hayek liên quan đến hệ thống giá cả là tuyên bố của ông cho rằng mỗi cá nhân sở hữu một tập hợp độc nhất các kiến thức về hoàn cảnh, sự quan tâm, ước muốn, khả năng của anh ta. Hệ thống giá cả, nếu được phép hoạt động tự do mà không có các quy định trần, sẽ phản ánh tri thức này và truyền nó tới những cá nhân có quan tâm khác, do đó cho phép xã hội sử dụng hữu hiệu tri thức phân tán này.
Nhưng sự bảo vệ của Hayek đối với hệ thống giá cả chỉ là một sự áp dụng của một nguyên lý tổng quát hơn. Sự kiện tri thức thuộc tất cả các dạng tồn tại trong dạng thức phân tán giữa các cá nhân là một sự kiện căn bản trong sự tồn tại của con người. Và vì tri thức này liên tục thay đổi để đáp lại sự thay đổi của hoàn cảnh và do đó không thể tập hợp và chỉ đạo bởi một cơ quan trung ương, nên cách duy nhất để làm cho việc sử dụng tri thức này hiệu quả là cho phép các cá nhân tự do hành động theo cách của chính họ. Điều này có nghĩa rằng chính quyền phải không chấp nhận việc các nhân bị cưỡng ép từ các cá nhân khác, và cũng phải không được cưỡng ép chính họ. Trật tự xã hội mà các hành động tự nguyện như vậy tạo ra là trật tự mà, với sự phức tạp của hệ thống kinh tế xã hội và sự giới hạn hết sức to lớn trong khả năng của chúng ta để đạt được tri thức về các chi tiết cụ thể này, không thể được áp đặt bởi các mệnh lệnh, nhưng tiến hóa một cách tự phát theo cách từ dưới lên. Hayek, giống như Mill trước ông, ủng hộ thực tế rằng một xã hội tự do là một xã hội cho phép cá nhân tham gia vào “những thử nghiệm sống động” và do đó, như Nozick lập luận trong phần thứ ba trong tác phẩm Vô chính phủ, nhà nước, không tưởng của ông, nó có thể phục vụ như một “không tưởng cho các không tưởng” nơi các cá nhân tự do tổ chức các quan niệm riêng của họ về đời sống tốt lành với người khác, những người tự nguyện chia sẻ tầm nhìn của họ.
(Còn nữa)
Nguồn: Internet Encyclopedia of Philosophy: Libertarianism
Nguồn: Nhóm Tinh thần khai minh: Chủ nghĩa tự do cá nhân và các nhà tư tưởng của chính nó