[Chế độ dân chủ: nhà nước và xã hội] - Chương 1: Thế nào là dân chủ?
Dân chủ (demos - nhân dân, kratos - chính quyền) một từ có gốc từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là chính quyền của nhân dân hay sự cai trị của nhân dân. Trong hàng ngàn năm, những bộ óc ưu tú nhất của loài người đã cố gắng tìm hiểu lịch sử phát triển của xã hội, đã tạo ra các hệ thống triết học, đã vẽ ra hình ảnh của xã hội lí tưởng, trong đó, mỗi người có thể cải thiện cuộc sống của mình, cũng như của đồng bào mình.
Chúng ta vẫn thường nghe nói và sử dụng từ “dân chủ”: “hình thức cai trị dân chủ”, “người dân chủ”, “quan điểm dân chủ”... Chúng ta đã đưa vào các khái niệm này những nội dung gì? Tại sao chúng ta lại hay sử dụng từ này như vậy?
Ta có thể thấy ngay rằng khái niệm “dân chủ”, tuy đơn giản và thường được sử dụng lại hàm chứa trong nó một số khó khăn cả về phương diện triết học cũng như phương diện thực tế. Vì vậy chúng tôi đặt ra mục tiêu cùng với các bạn tìm hiểu xem “dân chủ” là gì.
Đã có nhiều cuốn sách giải thích ý nghĩa khái niệm “dân chủ”. Các cuộc thảo luận và tranh luận xung quanh lí thuyết dân chủ chưa bao giờ ngưng suốt thời gian tồn tại của xã hội loài người. Ước mơ vĩnh hằng của con người là xây dựng một xã hội công bằng, dựa trên lí tính, theo cách hiểu của họ, đã sản sinh ra biết bao con người có lòng nhân ái vĩ đại cũng như những tên bạo chúa khát máu, những cuộc cải cách táo bạo cũng như các cuộc chiến tranh tàn khốc, đã sản sinh ra những lí thuyết làm mê hoặc trí tưởng tượng của hàng triệu người và các chế độ toàn trị. Loài người đã nghĩ ra hàng chục luận cứ ủng hộ và cũng bằng ấy luận cứ chống lại thiết chế dân chủ. Những người chống đối việc tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân vào các lĩnh vực quản lí thường nói như sau: “Chả lẽ mọi người ngồi trong ô tô đều tham gia lái ư: người thì cầm vô lăng, kẻ lên ga, kẻ nhấn phanh, kẻ bóp còi hay sao... giao cho một người có hiểu biết cầm lái, còn những người khác đóng vai hành khách lại chẳng tốt hơn hay sao?”
Những kẻ độc tài cũng như nhiều lãnh tụ đã giữ chặt tay lái để đưa hành khách đến cuộc đời “mới, tốt đẹp hơn”. Những người không đồng ý và những người nghi ngờ vào sự đúng đắn của con đường thường bị vất ra khỏi xe để làm bài học cho những kẻ khác.
1. Quan niệm của chúng ta về dân chủ
Dân chủ là gì? Trong rất nhiều định nghĩa, ta sẽ lấy định nghĩa nào làm cơ sở?
Xin bạn hãy suy nghĩ thêm về các định nghĩa và ý kiến trái ngược nhau về vấn đề dân chủ, hãy tôn trọng các tác giả của chúng và cố gắng lí giải xem vì sao nhà kinh tế học, triết gia và nhà hoạt động xã hội người Anh, J. S. Mill, lại quan ngại một nền tự do vô giới hạn khi cho rằng đấy là “nền độc tài của số đông”, còn Democritus, một triết gia Hi Lạp cổ đại, thì lại cho rằng thà sống “nghèo trong một nước dân chủ còn hơn cái gọi là cuộc đời hạnh phúc trong một nước độc tài, vì tự do tốt hơn nô lệ”. Các nhà chính trị học ngày nay thường định nghĩa dân chủ là hình thức tổ chức chính trị của xã hội dựa trên sự công nhận nhân dân như là nguồn gốc của quyền lực, dựa trên quyền của nhân dân trong việc tham gia giải quyết những vấn đề của quốc gia và trao cho các công dân một loạt quyền và quyền tự do thực sự. N. V. Gogol, trong Những linh hồn chết, đã viết về đặc điểm của người Nga như sau: “Nói chung, chúng ta chưa sẵn sàng cho các cuộc hội nghị mang tính đại diện. Tất cả các cuộc họp của chúng ta, từ những cuộc gặp gỡ trong làng cho đến các cuộc hội nghị khoa học đủ mọi loại, nếu không có một người đủ sức kiểm soát mọi việc đứng đầu, thường rất lộn xộn”. Cựu tổng thống Mĩ, R. Reagan, thì cho rằng dân chủ không chỉ là biện pháp cai trị mà còn là biện pháp giới hạn quyền lực của chính phủ, để nó không ngăn cản sự phát triển những giá trị quan trọng nhất mà con người nhận được từ gia đình và nhà trường.
Abraham Lincoln (luật sư, nhà hoạt động chính trị, năm 1860 được bầu làm Tổng thống Hoa Kì) thì cho rằng dân chủ là chính quyền của dân, do dân và vì dân. Bạn có thể sử dụng các cuốn từ điển và bách khoa toàn thư để tìm một định nghĩa khác, phù hợp với mình hơn...
Bạn sẽ ngạc nhiên là tại sao lại có nhiều định nghĩa, nhiều khi trái ngược nhau đến thế. Xin cứ bình tĩnh, bởi vì theo lời của triết gia người Anh, ông Karl Popper, thì chúng ta chọn dân chủ không phải vì nó có nhiều đức tính tốt mà chỉ là để tránh chế độ độc tài mà thôi.
Nhà sử học, nhà văn, nhà hoạt động xã hội người Pháp, ông Alexis de Tocqueville, ngay từ năm 1835, đã nhận thấy rằng những khuyết điểm và yếu kém của nền dân chủ rất dễ bị phát hiện và chứng minh được bằng các sự kiện rõ ràng (khó ra quyết định, thảo luận kéo dài...), trong khi các ưu điểm của nó lại khó nhận thấy hơn. Khuyết điểm thì lộ rõ ngay, còn ưu điểm thì phải sau một thời gian mới thấy được...
Tại sao dân chủ lại có sức lôi cuốn như thế? Trước khi trả lời câu hỏi này, xin hãy cùng suy nghĩ: chả lẽ tất cả mọi người đều muốn cai trị, đều muốn nắm quyền ư? Dĩ nhiên là không. Nhưng ý tưởng cho rằng phải tự mình quyết định điều gì là tốt, điều gì là xấu và chính sách là cái có ảnh hưởng tới tất cả mọi người phải được soạn thảo trên cơ sở đồng thuận là một tư tưởng có sức hấp dẫn cực kì mạnh mẽ. Như vậy, điều quan trọng đối với mỗi người chúng ta không phải là bản thân sự tham gia, mà là quyền được tham gia vào đời sống của đất nước, của tập thể, của gia đình, v.v...
Nói một cách khác, đặc điểm quan trọng nhất, bản chất của dân chủ là quyền tự do cá nhân, là sự tôn trọng cá nhân con người. “…công nhận phẩm giá vốn có của mọi thành viên gia đình nhân loại, công nhận các quyền bình đẳng và bất khả phân của họ là cơ sở của tự do, công bằng và hoà bình trên toàn thế giới...”, lời nói đầu của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền viết như thế .
Như vậy là, dân chủ đòi hỏi quyền bình đẳng của tất cả các công dân, không phụ thuộc vào màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, thành phần xuất thân, tài sản, đẳng cấp, niềm tin, v.v... Nhưng phải hiểu bình đẳng theo nghĩa rộng: bình đẳng về cơ hội, bình đẳng trước pháp luật và bình đẳng trong việc chọn người đại diện. Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi người phải sống như nhau, phải đọc cùng một loại sách, phải có thu nhập như nhau.
Nói đến dân chủ, trước hết, chúng ta hiểu rằng đấy là quyền của con người trong việc tham gia quản lí nhà nước thông qua các cơ chế khác nhau, quyền làm một thành viên bình đẳng trong một tập thể nào đó, quyền có điều kiện thể hiện quan điểm của mình và được lắng nghe.
Điều đó có nghĩa là chúng ta lựa chọn dân chủ trên cơ sở niềm tin vào sự bình đẳng của mọi công dân. Một mặt, đấy là niềm tin vào quyền tự do của mỗi người và mặt khác tin rằng tự do của người này không được trở thành cản trở đối với tự do của những người khác. Karl Popper minh hoạ điều đó trong thí dụ sau. Toà án xét xử vụ một tên lưu manh đánh người hàng xóm. “Tôi là công dân tự do”, tên lưu manh tự bào chữa, “tôi có quyền vung nắm đấm về mọi hướng chứ”. Quan toà đã khéo léo đáp: “Chuyển động của nắm đấm của anh bị giới hạn bởi mũi của người hàng xóm”. Nói cách khác, bạn được tự do hành động khi mà hành động đó không gây phương hại cho người khác, những người cũng có những quyền tự do như bạn.
Quyền bình đẳng tham gia vào việc bầu chọn các nhà lãnh đạo, cũng dựa trên cơ sở như thế. Trong chế độ dân chủ, mỗi người đều có một lá phiếu và các lá phiếu có giá trị ngang nhau. Trên thực tế, lí tưởng về tự do và bình đẳng dĩ nhiên cũng có một số khiếm khuyết. Không cần phải tiến hành những cuộc nghiên cứu phức tạp cũng thấy rằng ngay tại những nước có nền dân chủ phát triển, không phải tất cả các công dân đều bình đẳng trong việc sử dụng quyền tự do của mình. Thí dụ, cựu tổng thống Mĩ, Bill Clinton, đã định bãi bỏ điều luật, theo đó, để được tham gia bầu cử, người ta phải trải qua kiểm tra xem đã thoát nạn mù chữ hay chưa.
Cần phải hiểu rằng dân chủ không phải bắt đầu khi nhân dân được công nhận là nguồn gốc của quyền lực trên lời nói, mà phải là khi xây dựng được một hệ thống đảm bảo công dân được thực sự tham gia và kiểm soát được quyền lực. Dân chủ sẽ thắng lợi hoàn toàn khi tất cả các công dân thực sự tham gia và hoàn toàn bình đẳng trong việc giải quyết các công việc của quốc gia. Nhưng đây là mô hình lí tưởng. Trên thực tế, còn nhiều vấn đề khó khăn và phức tạp mà xã hội hiện chưa giải quyết được.
Đến giữa thế kỉ XX đã hình thành ba quan điểm chính về vấn đề dân chủ như sau:
1. Từ quan điểm nguồn gốc của quyền lực (dân chủ là chính quyền của dân)
2. Từ quan điểm mục đích (dân chủ là chính quyền hành động nhân danh và vì lợi ích của nhân dân)
3. Và cuối cùng, từ quan điểm các thủ tục thành lập chính phủ.
Quan điểm thứ ba là quan điểm được nhiều người chia sẻ nhất hiện nay. Trên thực tế, điều đó có nghĩa là các cuộc bầu cử được coi là có vai trò quan trọng nhất, vì chính tại các cuộc bầu cử mà hai đặc trưng chủ yếu của dân chủ là, thứ nhất, các chính khách sẽ cạnh tranh với nhau để giành cho được càng nhiều phiếu càng tốt và thứ hai, trong thời gian bầu cử, nhân dân có thể gây ảnh hưởng đến chính sách trong tương lai bằng cách ủng hộ ứng cử viên đáp ứng được các quyền lợi cơ bản của họ.
Như vậy, dân chủ có tính hấp dẫn trước hết là vì nó đáp ứng được nhu cầu tự thể hiện của con người, nó là động lực cho sáng kiến và tự do sáng tạo.
Quyền con người trong xã hội dân chủ phải được đảm bảo. Thí dụ, Hiến pháp nước Mĩ, mười tu chính đầu tiên, gọi là Bill of Rights, đảm bảo cho công dân các quyền như tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, v.v... Tất cả các khái niệm về quyền công dân trong đó được xây dựng trên cơ sở giả thiết rằng nhà nước và chính phủ tồn tại là để phục vụ nhân dân. Con người có quyền là vì anh ta là người chứ không phải vì nguồn gốc xuất thân, dân tộc, giới tính, v..v... Mọi công dân đều có một số quyền xác định, bất khả phân, mà không một chính phủ nào có quyền tước đoạt hay hạn chế.
Nhưng công dân trong một xã hội dân chủ không chỉ cố gắng thỏa mãn các quyền và lợi ích của mình, mà còn chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình và ở một mức độ nào đó trách nhiêm với đời sống của những người khác nữa. Dựa vào nhân dân mà cai trị nhân dân có nghĩa là công dân của xã hội dân chủ không chỉ sử dụng các phúc lợi của xã hội mà còn chịu trách nhiệm với xã hội mà anh ta đang sống, nghĩa là anh ta chia sẻ các khó khăn của xã hội (bằng những hình thức sẽ được xem xét trong những chương sau).
Theo nghĩa này, mỗi người đều là thiêng liêng và đều cần được bảo vệ. Immanual Kant, cha đẻ của nền triết học cổ điển Đức, từng nhấn mạnh: “Con người, cá nhân luôn luôn và trong tất cả mọi việc đều là mục đích, không bao giờ là phương tiện. Kể cả phương tiện để đạt mục đích”. Ngay cả nếu đấy là mục đích cao cả và vĩ đại.
Nhưng trong lịch sử loài người, ta lại thường thấy những lời tuyên bố về quyền và tự do công dân vang lên như những lời kêu gọi, những khẩu hiệu và không được tôn trọng trong thực tế cuộc sống.
Tự do và bình đẳng sẽ trở thành những lời nói rỗng tuyếch nếu con người không được bảo vệ về mặt pháp lí và xã hội. Thí dụ điển hình trong trường hợp này là nước Nga sau Cách mạng năm 1917. Quyền con người ở nước Nga được ghi trong hiến pháp các năm 1936 và 1977, nhưng trên thực tế, chế độ toàn trị đã được thành lập với các đặc trưng cơ bản sau đây:
1. Nhà nước hoá đảng cầm quyền. Đảng cộng sản độc chiếm quyền lực, tiếm đoạt các chức năng của nhà nước, kiểm soát toàn bộ đời sống của xã hội nói chung và cá nhân nói riêng. Trong những năm 1917-1918, sự kháng cự của các tổ chức đối lập với những người cộng sản như Menshevik, dân chủ-xã hội và các đảng phái khác bị đập tan. Tháng Giêng năm 1918 người ta đã trắng trợn giải tán Quốc hội.
Một cơ chế mà trong đó nhân dân bị đẩy khỏi ra quyền lực đã được hình thành, các thể chế dân chủ chỉ còn đóng vai trò “bình phong” che đậy cho chế độ toàn trị. Ngay từ năm 1921, A. A. Sols, Chủ tịch Ủy ban kiểm tra trung ương của Đảng cộng sản Nga (Bolshevik), đã nhấn mạnh rằng: “Nắm quyền lực lâu trong thời đại chuyên chính vô sản đã tạo ra hiện tượng tha hoá... Đấy là nguyên nhân của tệ quan liêu, nguyên nhân của thói kiêu ngạo đối với những đảng viên thường và quần chúng ngoài đảng, đấy là nguyên nhân của thói lạm dụng quyền lực nhằm mục đích tranh giành quyền lợi vật chất cho bản thân mình. Đã hình thành đẳng cấp cộng sản”.
2. Thiết lập bộ máy đàn áp. Các biện pháp đàn áp khác nhau như Ủy ban khẩn cấp toàn Nga, Bộ nội vụ, toà án quân sự, trại tập trung được sử dụng. Các trại lao động và các cuộc huy động bắt buộc cũng được sử dụng như là các biện pháp nhằm nắm giữ và củng cố quyền lực.
3. Khống chế toàn diện thông tin, tiến hành thường xuyên công việc tuyên truyền. Một trong các nghị định đầu tiên của chính quyền Bolshevik là nghị định đóng cửa phần lớn các tờ báo đối lập và thành lập chế độ kiểm duyệt. Sau này đã hình thành độc quyền của nhà nước trong việc xuất bản sách báo.
Trong xã hội dần dần hình thành khuôn mẫu, trong đó con người bị chia thành địch ta rõ ràng. Xin hãy đọc đoạn trích từ tác phẩm Lí thuyết của nền văn hoá vô sản của N. I. Bukharin , một trong các lãnh tụ của phong trào cộng sản: “Giai cấp vô sản cầm quyền... có các kẻ thù sau: 1. tầng lớp ăn bám (bọn địa chủ cũ, bọn tư sản-doanh nhân tham gia vào quá trình sản xuất); tư sản thương nghiệp, bọn đầu cơ, ngân hàng, thị trường chứng khoán; 2. giới quí tộc hành chính xuất thân từ các tầng lớp nói trên (các quan chức thư lại, tướng lĩnh, tăng lữ); 3. các doanh nhân tư bản, giám đốc các tổ hợp (trùm thế giới công nghiệp, các kĩ sư có liên hệ với giới tư bản, các nhà phát minh, v.v...); 4. tầng lớp thư lại có tay nghề cả trong lĩnh vực hành chính, quân sự và nhà thờ; 5. giới trí thức trong lĩnh vực kĩ thuật và trí thức nói chung (kĩ sư, kĩ thuật viên, bác sĩ, giáo sư, luật sư, phóng viên, đa số giáo chức); 6. tầng lớp sĩ quan; 7. phú nông; 8. tư sản bậc trung và tiểu tư sản thành thị; 9. giới tu hành...”. Như vậy là trừ, bần cố nông, còn tất cả các tầng lớp dân cư khác đều bị coi là kẻ thù của giai cấp vô sản. Về thực chất, đây chính là “chương trình” hủy diệt cuộc sống, hủy diệt chính nhân dân Nga... Cái chính sách được tiến hành ở nước Nga trong suốt hơn 70 năm ấy lại được che đậy bằng những khẩu hiệu về sự thống nhất giữa đảng với dân.
Hạt nhân lãnh đạo của mọi phong trào toàn trị là đảng tòan trị với hệ thống cấp bậc, cấp dưới phục tùng cấp trên, địa phương phục tùng trung ương một cách nghiêm ngặt.
Cơ sở của các quan điểm tòan trị là tư tưởng cải tạo xã hội bằng bạo lực. Nói riêng về chủ nghĩa tòan trị xã hội chủ nghĩa thì đại diện của tất cả các trường phái xã hội chủ nghĩa đều lựa chọn chủ nghĩa xã hội cách mạng và nhà nước.
Đặc điểm cơ bản nhất của tất cả các hệ tư tưởng toàn trị là đàn áp tự do. Chủ nghĩa cá nhân tự do đặt cơ sở trên sự tôn trọng cá nhân con người, trên cơ sở trách nhiệm cá nhân, bị chế độ toàn trị đem đối lập với chế độ tập thể của đám đông (quần chúng), phi cá tính hoá, trách nhiệm tập thể (tội lỗi tập thể), quyền lợi giai cấp (chủ nghĩa Bolshevik), quyền lợi của tập đoàn (chủ nghĩa phát xít) hay quyền lợi dân tộc (chủ nghĩa xã hội quốc gia).
Trong chế độ toàn trị, kinh nghiệm cá nhân bị phủ nhận, quá khứ lịch sử bị xuyên tạc, các hình thức tổ chức đời sống và đạo đức cổ truyền bị phủ nhận. Chức năng cơ bản của hệ tư tưởng toàn trị là tìm mọi cách lôi kéo quần chúng vào cuộc đấu tranh với cái cũ và thuyết phục họ về tính đúng đắn của các quan hệ mới, bào chữa cho chính sách toàn trị.
Quốc danh hoá (nhà nước hoá) tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đã diễn ra một cách từ từ và khi nhà nước đã đặt được sự kiểm soát đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội thì ta có thể nói chế độ toàn trị ở quốc gia đó đã “chín muồi”.
Như vậy nghĩa là, lịch sử các chế độ toàn trị chứng tỏ rằng tuyên bố về các quyền và tự do cá nhân, thậm chí ghi điều đó vào hiến pháp cũng chưa đủ. Cần phải thiết lập được xã hội công dân và nhà nước pháp quyền là những thể chế thực thi chức năng kiểm soát đối với chính quyền, ngăn chặn, không để cho nó biến thành chế độ toàn trị. Đối với những nước khác nhau, hình thức của xã hội công dân và nhà nước pháp quyền có thể khác nhau rất xa (chúng ta sẽ thảo luận vấn đề này trong những chương sau).
2. Nhà nước pháp quyền
Nhà nước pháp quyền là gì? Theo chúng tôi, nhà nước pháp quyền là quy phạm pháp luật nhằm thực thi chủ quyền của nhân dân trong khuôn khổ tổ chức nhà nước. Nghĩa là tất cả quyền lực đều nằm trong tay nhà nước. Nhưng quyền lực đó được đặt trên cơ sở và thực thi theo những quy phạm pháp lí đã được ghi thành luật và được nhân dân thừa nhận.
Những đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền là gì? Nó có thể tồn tại trong những điều kiện như thế nào?
Trước hết, đấy là tinh thần thượng tôn pháp luật. Nhà nước, tất cả các cơ quan nhà nước, tất cả các tập thể và từng cá nhân, không phụ thuộc vào thành phần xuất thân và địa vị mà người đó nắm giữ, đều phải tuân thủ pháp luật. Quyền được pháp luật bảo vệ như nhau là cơ sở của mọi xã hội công bằng và dân chủ. Chuyên gia người Mĩ về quyền hiến định, John Frank, nhấn mạnh rằng, nhà nước phải đối xử công bằng đối với mọi công dân. Trong quan hệ pháp luật thì ngay cả những người đứng đầu nhà nước cũng bình đẳng như một bà nội trợ mà thôi, người đứng đầu nhà nước sẽ phải từ chức nếu vi phạm pháp luật.
Đáng tiếc là, trong lịch sử Liên Xô, đã có quá nhiều trường hợp quan chức lợi dụng pháp luật cho những mục đích cá nhân.
Thứ hai, có hệ thống kiểm tra và giám sát hữu hiệu việc tuân thủ pháp luật. Các tòa án và trọng tài độc lập..v..v... phải tiến hành kiểm tra việc thực thi pháp luật. Do lịch sử và truyền thống, cũng như đặc trưng dân tộc mà việc thành lập cũng như hoạt động của các cơ quan này ở những nước khác nhau được tiến hành theo những cách khác nhau. Ngoài ra, dư luận xã hội cũng có ảnh hưởng rất lớn.
Trong các nhà nước dân chủ, công dân thường tuân thủ pháp luật vì họ nhận thức được rằng chính họ, dù gián tiếp, đã tham gia vào quá trình lập pháp. Nhưng tự thân nguyên tắc pháp trị chưa phải là bảo đảm của dân chủ. Pháp trị có thể trở thành cái đối lập với chính nó, nghĩa là thành tình trạng vô luật pháp. Pháp trị chỉ thực sự tồn tại khi nó được thi hành trên thực tế, nghĩa là hữu hiệu.
Và cuối cùng, tuy nhiều người cho đây không phải là điều kiện bắt buộc, là tam quyền phân lập, là tách chính quyền thành ba nhánh: lập pháp, hành pháp và tư pháp (ta sẽ xem xét phần này trong chương IV)
Như vậy, dân chủ là tập hợp các tư tưởng và nguyên tắc đảm bảo cho quyền tự do, nó cũng bao gồm một tập hợp các tiêu chuẩn và thủ tục thực tế được hình thành trong suốt thời gian tồn tại của nó. Như thế nghĩa là, dân chủ là quyền tự do đã giành được quy chế pháp lí và các nguyên tắc dân chủ có thể được sử dụng:
1. Trong hệ thống các quan hệ nhà nước;
2. Trong việc thành lập và hoạt động của các tổ chức khác nhau (từ gia đình, trường học cho đến các phong trào và đảng phái chính trị).
3. Dân chủ có thể được coi là các giá trị xã hội và chính trị dưới hình thức các quyền con người.
Dĩ nhiên là, có thể tranh luận lĩnh vực nào trong ba lĩnh vực nói trên đóng vai trò quyết định. Điều đó phụ thuộc vào một loạt tác nhân, có biểu hiện khác nhau trong những nước khác nhau, phụ thuộc vào lịch sử, truyền thống, giá trị văn hoá, thế giới quan của con người. Nhưng khi và chỉ khi các nguyên tắc dân chủ trở thành chủ đạo trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trở thành thành tố quan trọng nhất của các giá trị văn hoá thì mới có thể nói rằng dân chủ đã chiến thắng.
Khó khăn là ở chỗ, không chỉ cách tiếp cận dân chủ mà cách tiếp cận độc tài hoặc sự kết hợp cả hai cách tiếp cận đó có thể được sử dụng trong mỗi lĩnh vực trên. Điều này tồn tại trong mỗi người chúng ta. Đôi khi có thể đạt được kết quả nhanh chóng và thấy được bằng con đường độc tài. Cho nên chúng ta thường thấy các nhà “dân chủ” tại công sở nhưng “độc tài” trong gia đình và ngược lại. Ngay mỗi chúng ta cũng đôi khi cũng nghĩ rằng, bắt một người nào đó làm một việc gì đó thì nhanh hơn là giảng giải, thuyết phục anh ta cần phải làm như thế.
Bây giờ ta sẽ cùng xem xét tại sao ở một số nước nguyên tắc dân chủ giành được thế thượng phong, trong khi một số nước khác người ta lại thích hành xử theo lối độc tài.
Quá trình phát triển của xã hội là một quá trình phức tạp và có nhiều biến động. Nhưng, mặc dù đa dạng như thế, mặc dù có những đan xen phức tạp như thế giữa dân chủ và độc tài, trong các thể chế nhà nước vẫn có những xu hướng chung mà chúng ta sẽ phân tích dưới đây. Trong thực tiễn khoa học thế giới đã có rất nhiều lí thuyết (phương pháp luận) được đem ra sử dụng để nghiên cứu xã hội loài người.
Ở nước ta, đến tận thời gian gần đây quan điểm giai cấp trong việc phân tích các tiến trình lịch sử vẫn thường được đem ra áp dụng. Sự phát triển của xã hội được giải thích như là sự thay thế một hình thái kinh tế xã hội này bằng một hình thái kinh tế xã hội khác và đấy là kết quả của những thay đổi trong lĩnh vực kinh tế. Cuộc đấu tranh của các giai cấp đối kháng được coi là động cơ của tiến bộ xã hội. Người ta thường nhấn mạnh rằng các quy luật kinh tế tạo ra bộ máy nhà nước, luật pháp, giá trị đạo đức; gọi chung là thượng tầng kiến trúc với những hình thức, cơ cấu và phương thức hoạt động khác nhau. Sự phát triển của xã hội được coi là quá trình chuyển tiếp từ công xã nguyên thủy sang chiếm nô, phong kiến, tư bản rồi xã hội chủ nghĩa. Tương tự như vậy, dân chủ cũng chia ra thành dân chủ thời tiền quốc gia, dân chủ của giai cấp chủ nô, dân chủ của giai cấp phong kiến, dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Các bạn hẳn biết rõ những quan điểm đó, các bạn đã sử dụng nó khi thảo luận về Roma cổ đại, hoặc khi thảo luận về nền Đệ tứ cộng hoà Pháp hay khi nói về sự phát triển của nước Nga chúng ta. Nhưng có một câu hỏi: Tại sao trong cùng một thời gian, cùng một giai đoạn phong kiến mà ở Anh diễn ra quá trình mở rộng dân chủ, bên cạnh Viện quí tộc có Viện thứ dân, mà ở Nga lại diễn ra quá trình ngược lại, những nguồn gốc cuối cùng của quyền lực của nhân dân bị hủy bỏ, một bộ máy nhà nước hoàn toàn lệ thuộc và chỉ lệ thuộc vào nhà vua được thiết lập?
Có thể đặt ra nhiều câu hỏi, dẫn ra nhiều thí dụ, mà nếu chỉ sử dụng quan điểm hình thái kinh tế hay quan điểm giai cấp sẽ không thể tìm ra câu trả lời. Phải làm sao đây?
Có thể là, trong khi phân tích sự phát triển của một khu vực hay một xã hội, chúng ta phải tính đến những hình thức khác của đời sống xã hội của con người chứ không chỉ sự phát triển kinh tế. Đấy là: tôn giáo, chính trị, văn hoá và nghệ thuật, sự tương tác với tự nhiên, các truyền thống tâm linh..v.v...
Nhờ thế, chúng ta có nhiều lựa chọn hơn: thứ nhất, ta có thể nghiên cứu sâu hơn các đặc điểm trong quá trình phát triển của một dân tộc hay một nhà nước nào đó; thứ hai, có thể tìm ra những điểm chung, khái quát hoá và xác định những xu hướng chung trong những giai đoạn phát triển khác nhau.
Theo chúng tôi, trong điều kiện hiện nay, vấn đề dân chủ là vấn đề mang tính toàn cầu. Vì vậy cần phải tiếp cận vấn đề trên bình diện toàn cầu.
Cùng với sự phát triển của nền văn minh nhân loại, các chế độ toàn trị đôi khi tự đối lập mình với cộng đồng thế giới, đã trở thành vấn đề vượt ra khỏi các biên giới quốc gia. Trên thực tế, nếu một kẻ độc tài khát máu đứng đầu một bộ lạc được trang bị cung tên tẩm thuốc độc, trong trường hợp xấu nhất cũng chỉ có thể tiêu diệt được các bộ lạc lân cận mà thôi. Nhưng nếu chế độ toàn trị có vũ khí nhiệt hạch và sẵn sàng đốt cháy nửa hành tinh nhân danh “tương lai tươi sáng” thì sao?
Cũng cần nhớ rằng, ngày càng có nhiều người nhận thức được ưu thế của các giá trị toàn nhân loại, chính vì vậy, ta mới nói đến quyền con người, quyền trẻ em, dù người đó đang sống ở bất kì đâu.
Con người của những nền văn hoá khác nhau, các dân tộc khác nhau, các tôn giáo khác nhau, có thể đạt được sự hoà hợp trong đa dạng của các hình thức biểu hiện của đời sống hay không? Chính điều đó sẽ quyết định tương lai của nền văn minh nhân loại và cuộc sống tốt đẹp hơn của mỗi chúng ta.
3. Lịch sử của nền dân chủ
Chúng ta hãy cùng làm một cuộc du ngọan ngắn ngủi vào những thời kì lịch sử xa xôi để xem nền dân chủ đã xuất hiện và tồn tại dưới những dạng thức như thế nào.
Lần đầu tiên, dân chủ như một hình thức cai trị xuất hiện trong các thành bang (polis) Hi Lạp cổ đại. Đấy là các thành phố không lớn và chỉ đàn ông mới được coi là công dân tự do. Yếu tố quan trọng nhất trong chế độ gọi là “dân chủ trực tiếp” là tất cả các công dân đều có thể tham gia giải quyết những vấn đề quan trọng của thành phố và đưa những giải pháp (luật) đó vào cuộc sống. Các công dân tự do thường tụ tập trên quảng trường để thảo luận và thông qua quyết định về một vấn đề nào đó.
Dân chủ trực tiếp từng tồn tại ở các nước khác nữa, thí dụ như ở nước Nga xưa. Tại Nga, chính quyền nhân dân ra đời trước khi nền cai trị của các công quốc được thiết lập. Biên niên sử cho chúng ta biết rằng trước khi chính quyền công quốc được thiết lập, các cuộc hội nghị nhân dân “đã là truyền thống lâu đời trong các đô thị, chứng tỏ nhân dân đã tham gia vào quản lí và có thể tạo cho họ lòng dũng cảm mà trong các quốc gia độc tài không có”. Nghĩa là người Slav, tuy phục tùng các công vương, nhưng vẫn giữ được một số quyền tự do và thường tham gia vào các hội nghị khi có các công việc quan trọng hay khi quốc gia lâm nguy.
Cũng phải công nhận rằng, nói chung, ở Nga, các cuộc hội nghị không được tổ chức định kì mà khi cần thì có thể họp một tuần mấy lần, mà cũng có khi cả năm không họp lần nào. Người ta thường tổ chức họp trong các trường hợp khẩn cấp: thất bại quân sự, kẻ thù xâm lược hoặc khi nhân dân bất mãn với chính quyền. Các vấn đề khác thường được công vương cùng với các đại diện là “các quân nhân, quan lại, thân binh cũng như các trưởng lão, những người nhờ tuổi tác, trí tuệ và lòng trung thực, xứng đáng là đại diện trong các công việc chung”.
Novgorod và Pskov có thể được coi là những thành phố điển hình của cách thức cai trị thông qua các hội nghị nhân dân như thế. Các hội nghị trong những thành phố này thực hiện chức năng lập pháp, bao gồm công nhận các công vương; thực hiện cả các công việc quản lí hành chính, bầu những người đại diện cho công vương ở các địa phương, bầu các tổng giám mục địa phận, cử các chỉ huy quân đội, duyệt các phương án xây dựng thành phố; thực hiện các chức năng của tòa án, xem xét các kiến nghị…
Cùng với thời gian, dân chủ trực tiếp ngày càng ít được sử dụng. Thay vào đó là chế độ dân chủ đại diện, đấy là nói tại những nước tránh được chế độ độc tài.
Dân chủ đại diện – hình thức cai trị, trong đó, công dân lựa chọn các nhà chức trách để quyết định các chính sách, ban hành luật pháp và đưa các chính sách đó vào đời sống. Nghĩa là chúng ta giao cho các công dân được chúng ta bầu lên một số quyền hạn và trách nhiệm thông qua các quyết định.
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta thường gặp cả hình thức dân chủ trực tiếp lẫn dân chủ đại diện. Thí dụ, lớp các bạn cùng làm ra được một số tiền. Các bạn bàn xem nên mua gì: đa số ủng hộ mua bóng và lưới để chơi bóng chuyền (Các bạn đã sử dụng nguyên tắc dân chủ trực tiếp). Sau đó các bạn sẽ giao cho một người đại diện đi ra cửa hàng chọn, trả tiền và mang hiện vật về nhà. Đấy là các bạn đã giao quyền cho người đó. Có thể nói, trong trường hợp này các bạn đã sử dụng hình thức dân chủ đại diện. Để có thể ra quyết định, chính phủ phải dựa vào một số quy tắc nhất định. Nói cách khác, cần phải có hiến pháp, bộ luật chủ yếu của nhà nước, xác định thể chế, cơ cấu của chính quyền và các quy tắc về việc ra quyết định.
Đa số các quốc gia hiện nay có hiến pháp; tại những nơi chưa có hiến pháp, việc quản lí xã hội được thực hiện dựa trên tập quán, truyền thống hay các quy định tôn giáo. Về nguyên tắc, hiến pháp có hiệu lực trong một thời gian dài và ít khi thay đổi, trừ trường hợp có chiến tranh hoặc có sự thay đổi đột ngột trong đường lối chính trị của đất nước. Thí dụ Hiến pháp của Cộng hòa Liên bang Đức, Ý và Nhật được thông qua sau thất bại của các nước này trong Chiến tranh Thế giới II. Hiến pháp của Mĩ đã có hiệu lực hơn 200 năm qua. Hiến pháp của Nga được thông qua vào năm 1993.
Anh là trường hợp đặc biệt, nước này không có văn kiện dưới hình thức hiến pháp, việc quản lí ở đây được thực hiện trên cơ sở các truyền thống xa xưa và các đạo luật riêng rẽ, mà về tổng thể, có hiệu lực không khác gì một văn kiện chính thức.
Hình thức chuyển giao quyền lực cũng là một đặc điểm quan trọng của chế độ dân chủ. Dưới chính thể quân chủ, quyền lực thường được chuyển giao theo kiểu cha truyền con nối hoặc là do kết quả của một cuộc đảo chính cung đình. Tại các nước Mĩ Latin hiện nay, các cuộc đảo chính quân sự là hình thức chuyển giao quyền lực phổ biến. Trong xã hội dân chủ, nhờ các cuộc bầu cử mà quyền lực được chuyển giao một cách hòa bình.
Bây giờ chúng ta sẽ thảo luận về thể chế nhà nước. Thay thế cho các nước cộng hòa Hi Lạp cổ đại là các các nước cộng hòa quí tộc hay tập đoàn thống trị.
Tầng lớp quí tộc là gì? Tầng lớp quí tộc thường được hiểu là tầng lớp quí phái đặc quyền đặc lợi. Tương tự như quí tộc, tập đoàn thống trị là chính quyền của thiểu số không có liên hệ với nhau bằng huyết thống, họ thường sử dụng quyền lực cho những mục đích ích kỉ của mình và tước đoạt quyền lực của quần chúng.
Khác với các nước dân chủ cộng hòa, tầng lớp quí tộc thời cổ đại chỉ đưa đại diện của giai cấp mình vào các cơ quan cai trị mà thôi. Chính trong giai đoạn này đã hình thành chế độ nhà nước và pháp luật, thay thế cho tập quán, điều tiết mọi khía cạnh của đời sống.
Như vậy là, nhà nước đã thay thế cho tổ chức bộ lạc huyết thống, pháp luật thay thế cho tập quán. Nhà nước đã xuất hiện một cách tự nhiên, từ trong lòng của xã hội và phát triển, cùng với quá trình tiến hóa của xã hội, ngày càng có thêm nhiều đặc điểm mới. Pháp luật, một phần không thể tách rời của nhà nước, cũng có xu hướng tương tự, cũng thay đổi cùng với sự thay đổi của các tiến trình kinh tế, chính trị và văn hóa của xã hội.
Quá trình hình thành các quốc gia trên thế giới dường như diễn ra theo hai kịch bản sau đây. Một mặt, các điều kiện tự nhiên tương tự nhau ở phương Đông đã đưa tới sự hình thành các quốc gia trên lưu vực của các con sông lớn, như sông Nile, Lưỡng Hà, sông Hằng, Hoàng Hà, v.v... Châu thổ phì nhiêu của các con sông này chỉ có thể được khai thác nhờ các cố gắng chung của cả cộng động, vì từng làng xã riêng biệt không thể đủ sức xây dựng hệ thống đê điều, tưới tiêu, đập nước..v..v... Hình thức sở hữu nhà nước và sở hữu công xã đã dần dần hình thành từ đấy. Nhà nước xuất hiện và đóng vai trò như lực lượng phối hợp các nỗ lực chung trong quá trình sản xuất và chống lại các bộ lạc du mục. Đấy chính là điều kiện tạo ra chính thể chuyên chế, có nghĩa là chính thể quân chủ với quyền lực vô giới hạn. Tất cả quyền lực, không bị giới hạn bởi luật pháp, đều nằm trong tay nhà vua, cha truyền con nối (Pharaoh, Sa hoàng...). Nhà vua thế tập cai trị bằng bộ máy quan liêu-quân phiệt, được hình thành từ những người thuộc hoàng tộc, từ tầng lớp quí tộc và giới sĩ quan, tức là những tầng lớp có nhiều đặc quyền đặc lợi. Bản thân nhà vua được coi là thần thánh ngay từ khi còn sống và cả sau khi đã chết. Chế độ chuyên chế có ảnh hưởng đến cả thế giới quan của người dân. Con người cảm thấy mình là một với tự nhiên, cuộc sống diễn ra một cách đều đặn, không có gì thay đổi. Nghi lễ và truyền thống có ý nghĩa rất lớn. Dưới ảnh hưởng của tôn giáo, nhận thức của con người nhuốm màu phi lí, hướng vào thế giới bên kia, hiện thực bị coi là tạm thời, chóng qua.
Khác với phương Đông, ở châu Âu gần như không có sở hữu nhà nước. Quan hệ tiền hàng đóng vai trò quan trọng hơn nhiều, quá trình tan rã công xã diễn ra nhanh chóng. Quan hệ thị trường buộc người ta phải sử dụng áp lực kinh tế thay cho áp lực phi kinh tế của chế độ nô lệ hay nông nô. Sở hữu tư nhân cũng có ảnh hưởng rất lớn. Kết quả là, trong cơ cấu chính trị và pháp chế của nền văn minh Âu châu, các nguyên tắc dân chủ chứ không phải nguyên tắc độc tài thường được sử dụng. Việc truyền bá các tiêu chuẩn pháp luật La Mã dưới hình thức nhà nước pháp quyền cũng có ảnh hưởng to lớn.
Pháp luật của nước Cộng hoà La Mã, ở một mức độ nào đó, đã trở thành nền tảng của các nhà nước pháp quyền, chính nước cộng hoà này còn là thí dụ về sự kết hợp giữa quyền lực của người đứng đầu chính phủ (Consul) và các cơ quan đại diện. Cơ quan quan trọng nhất là Thượng viện. Về hình thức, Thượng viện là cơ quan tư vấn, nhưng trên thực tế, Thượng viện phụ trách các vấn đề về tài chính, tôn giáo, đối ngoại và cai trị các tỉnh. Theo luật pháp của Cộng hòa La Mã, quyền lập pháp thuộc về các hội nghị toàn dân. Nhưng các hội nghị này lại không có quyền đưa ra các dự thảo mà chỉ xem xét các dự luật đã được Thượng viện thông qua. Người đứng đầu chính phủ, các viên kiểm duyệt và các viên chức khác, do dân bầu, thực hiện công tác quản lí hàng ngày. Vì các chức vụ đều không được trả lương, nên thường do các tầng lớp hữu sản nắm giữ.
Hệ thống này, sau khi đã được cải tiến, chính là hình mẫu của chế độ phân quyền trong các nhà nước dân chủ pháp quyền sau này.
Việc phát triển của Thiên chúa giáo, một tôn giáo hướng người ta đến các tiêu chuẩn đạo đức cụ thể, gần gũi với con người, cũng có ảnh hưởng rất lớn. Ngay từ thời cổ đại, con người ở đây đã coi mình là thước đo của mọi sự, mọi vật, là chủ nhân ông của thiên nhiên. Ước mơ trở thành người tự do đã thấm dần vào máu thịt của người Âu Châu. Friedrich von Hayek, nhà kinh tế và hoạt động chính trị người Áo, giải thưởng Nobel về kinh tế, đã từng nhấn mạnh rằng, không được lẫn lộn giữa chủ nghĩa cá nhân, nền tảng của các giá trị phương Tây, với thói ích kỉ và tính tự phụ. Đặc điểm cơ bản nhất của chủ nghĩa cá nhân là sự tôn trọng đối với cá nhân con người, là tinh thần bao dung.
Dĩ nhiên là không nên coi lịch sử nền văn minh phương Tây là một cuộc hành trình thẳng tiến về phía trước. Đã có những bước thụt lùi và những giai đoạn phát triển vượt bậc. Nhưng từng bước một, các quốc gia thuộc nền văn minh phương Tây đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm về dân chủ.
Nước Nga nằm ở điểm tiếp xúc giữa hai nền văn minh. Về mặt lịch sử, nước Nga liên kết mật thiết với phương Tây, nhưng các đặc điểm và truyền thống phương Đông cũng tạo nhiều ảnh hưởng đối với sự phát triển của Nga. Ách cai trị của người Tacta-Mongol đã để lại những dấu ấn nhất định. Kết quả là, những đặc trưng của phương Tây và phương Đông đan xen vào nhau một cách tài tình trong lịch sử nước Nga. Một mặt, Nga đã trải qua những giai đoạn phát triển tương tự như các nước Tây Âu. Chế độ đẳng cấp và đẳng cấp đại diện ở Nga thế kỉ XV - XVI cũng giống như tại các nước châu Âu khác. Nghị viện ở Anh, ở Pháp, ở Hà Lan, ở Đức, ở Ba Lan và ở Nga, dù có những khác biệt là do những điều kiện phát triển chính trị và kinh tế, tôn giáo cụ thể ở mỗi nước, vẫn có rất nhiều điểm chung. Nhưng tiến trình phát triển các thiết chế đại diện của Nga đã bị cắt đứt vào giữa thế kỉ XVII, chế độ quân chủ đại diện đã biến thành chế độ chuyên chế. Kết quả là, ở Nga đã hình thành một bộ máy quan liêu quân sự và hệ thống quản lí nhà nước với những đặc điểm của chế độ chuyên chế.
Tính chất khép kín của đời sống kinh tế và chính trị kiểu công xã cho ta thấy truyền thống phương Đông.
Xét theo quan điểm này, lịch sử Nga chứa đầy mâu thuẫn. Có thể đấy chính là một trong những nguyên nhân của những khó khăn mà nước ta đang gặp phải trong giai đoạn chuyển tiếp sang chế độ dân chủ hiện nay.
Nguồn bản dịch: V. M. Voskresenskaia và N. B. Davletshina, Chế độ dân chủ: Nhà nước và xã hội. Phạm Nguyên Trường dịch, NXB Tri Thức 2009. Link bản dịch: https://phamnguyentruong.blogspot.com/2016/01/che-o-dan-chu-nha-nuoc-va-xa-hoi-ki-1.html