Ở Việt Nam, mua hóa chất độc hại dễ như mua kẹo
Vụ nổ kinh hoàng ở Beirut tuần qua đã làm rung động thế giới với ít nhất gần 200 người chết và ít nhất 6.000 người bị thương. Nguyên nhân chính của vụ nổ được xác định là do gần ba ngàn tấn amoni nitrat lưu kho ở cảng. Hóa chất này từ lâu đã là một hợp chất gây nổ nguy hiểm bị kiểm soát chặt chẽ ở nhiều quốc gia với hàm lượng chỉ định không được vượt quá ngưỡng 45%. Nhưng ở nước ta, hóa chất này với độ tinh khiết 99% hoàn toàn có thể được đặt mua trực tuyến qua mạng với giá chỉ 65.000 đồng/250 gram với cam kết chuyển về tận nhà trong ba ngày.
Mua được đủ loại chỉ với 100.000 đồng
Có thể nói, hiếm có nơi nào mua bán hóa chất dễ dàng như ở Việt Nam khi mà chỉ với một cú click chuột cũng đủ tìm chỗ đặt mọi loại chất độc cần thiết. Với 100.000 đồng thì mua được gì ở cửa hàng hóa chất? Câu trả lời là bạn sẽ mua được tất cả những gì được bán với giá đó, dù là một bình cồn công nghiệp sáu lít, can axit sunfuric năm lít, chai xyanua một lít... Mọi hóa chất cho mục đích từ phân hủy xác nhanh cho tới pha nước rửa tay đều có thể tiếp cận dễ dàng. Ngay cả độc chất xyanua cũng được bày bán tràn lan trên mạng và tại các cửa hàng dân sinh.
Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), lượng hóa chất sử dụng của Việt Nam ước tính là hơn 9 triệu tấn/năm, đa phần tập trung tại các nhà máy lớn và khu công nghiệp. Song, chưa có một số liệu thống kê nào về con số hóa chất trôi nổi trên thị trường, mà trong đó có những loại chỉ cần tính bằng gam cũng đã đủ cướp đi sinh mạng hoặc gây thương tật cho người bị hại suốt đời.
Các vụ việc thương tâm như thảm án em gái định đầu độc chị họ bằng cách bơm xyanua vào trà sữa khiến một người khác chết, sự cố một cháu bé 11 tuổi uống nhầm axit sunfuric đựng trong chai lavie hay người dân ngộ độc rượu giả, thực phẩm tẩm hóa chất bảo quản... đã dấy lên hồi chuông cảnh báo khi hóa chất độc hại bị sử dụng với mục đích không lành mạnh.
Báo cáo của Cục Hóa chất cho thấy, ý thức tuân thủ pháp luật cũng như vấn đề an toàn hóa chất của các doanh nghiệp, đặc biệt là hộ cá thể kinh doanh nhỏ lẻ còn thấp, đặc biệt là nạn buôn bán hóa chất tràn lan tại chợ Kim Biên (TPHCM); phố Hàng Hòm, Hàng Buồm (Hà Nội). Khâu buôn bán nhỏ lẻ hóa chất tại Việt Nam hầu như chưa tuân thủ các quy định về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS).
Đáng chú ý, vấn đề san chiết hóa chất bằng chai lọ, bình, can, túi không nhãn mác rất phổ biến. Ví dụ, khi mua xyanua để chế tác kim loại quý, người mua cũng chỉ biết đó là loại chất dùng để khui sắt chứ không biết hóa chất đó là gì do người bán đã tự pha sẵn rồi, và cả người mua lẫn người bán cũng không ý thức được bao nhiêu gam xyanua là đủ chết người.
Tình trạng hóa chất không đề tên, nấu hóa chất như nấu rượu đã diễn ra tràn lan nhiều năm nay. Vô hình trung, đây chính là kẽ hở để cho các cơ sở kinh doanh trái phép hoạt động như đãi vàng (cần xyanua), khai thác đá (cần thuốc nổ), khai thác than (cần axit), khai thác cát (cần bazơ), chăm sóc sắc đẹp (cần kem trộn), chế biến thực phẩm bẩn hay bảo quản bằng hóa chất độc hại.
Chỉ quản lý chặt chẽ trên giấy
Về hành lang pháp lý, Luật Hóa chất năm 2007, Nghị định 113/2017/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn đã ban hành một khung pháp luật tương đối đầy đủ, chặt chẽ về việc sản xuất, kinh doanh hóa chất. Tuy nhiên, việc thực thi còn nhiều hạn chế đặc biệt là kinh doanh hóa chất của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ lẻ do thiếu một số thông tư hướng dẫn một số điều khoản(1).
Việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp còn hạn chế, tần suất thấp và chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, sự phổ biến của kinh doanh hóa chất trực tuyến thông qua thương mại điện tử đã đặt ra thách thức mới cho cơ quan chức năng thực hiện thanh tra, giám sát.
Hạn chế thứ hai của quản lý thị trường hóa chất đến từ sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ban ngành. Quản lý thị trường hóa chất cũng như rủi ro từ hóa chất đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ, trao đổi thông tin thường xuyên của nhiều chủ thể từ các bộ cho đến ủy ban nhân dân các tỉnh. Song hiện nay vẫn chưa rõ cơ chế phân bổ trách nhiệm, nghĩa vụ đối với các nỗ lực phối hợp liên ngành.
Quy trình mua hóa chất ở nước ngoài vô cùng khó
Ở Úc, việc mua bán hóa chất cực kỳ khó khăn đối với dân thường, chỉ có các phòng thí nghiệm nghiên cứu và các công ty đúng chức năng mới có thể tiếp cận đặt hàng. Ngay cả cồn ethanol tinh khiết dùng để pha dung dịch sát khuẩn, cũng không thể tự đặt nếu không có giấy phép hành nghề liên quan. Tại Mỹ, hóa chất đặt mua không thể được chuyển tới nhà riêng mà phải là một địa chỉ trực thuộc một cơ quan có thẩm quyền sử dụng chất hóa học.
Việc quản lý hóa chất chặt chẽ giúp giảm thiểu các sự cố đáng tiếc, song cũng khá rườm rà cho người làm công tác hóa học. Ví dụ, trong bối cảnh thành phố Melbourne mỗi ngày có khoảng 500 ca nhiễm Covid-19 mới, cá nhân tôi muốn mua cồn để về tự pha thành dung dịch sát khuẩn phục vụ cá nhân và cộng đồng, buộc phải đặt qua phòng thí nghiệm ở trường đại học.
Để đặt qua trường, tôi phải chứng minh rằng tôi đủ khả năng sử dụng cồn bằng một văn bản liệt kê ra những rủi ro có thể xảy ra như khả năng gây cháy nổ, tác hại với sức khỏe, nồng độ an toàn, cách thức xử lý khi có cháy nổ... Mọi rủi ro dù nhỏ nhất cũng phải được liệt kê chi tiết trong báo cáo cùng với biện pháp phòng vệ để hạn chế rủi ro đó như mặc đồ bảo hộ PPE, làm trong tủ hút có kính chắn bảo vệ và khu vực làm phải gần bình cứu hỏa.
Ngoài ra, tôi còn bắt buộc phải trải qua khóa huấn luyện về sử dụng cồn đồng thời phải xin được chữ ký xác nhận của cấp trên, quản lý phòng thí nghiệm và đồng nghiệp rằng hóa chất đặt mua là an toàn, người mua đủ điều kiện sử dụng và nằm trong giới hạn của đề tài nghiên cứu. Chưa đề cập tới các hóa chất phức tạp khác, chỉ với một chai cồn bình thường mà đã phải trải qua các cửa kiểm duyệt chặt chẽ như vậy.
Giải pháp nào cho thị trường hóa chất?
Có một thực tế là hầu hết hóa chất đều còn nguồn gốc từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc bởi năng lực tự sản xuất hóa chất của nước ta có hạn nên chỉ làm ra được những hợp chất cơ bản như cồn, đồng sunfat hay axit sunfuric.
Do đó, hóa chất nên được kiểm soát chặt chẽ ngay từ cửa khẩu cho tới lúc chạm đến tay người dùng. Chúng ta có thể đánh số theo dõi từ hải quan và nhập lên hệ thống được giám sát bởi Bộ Công Thương với từng mục hóa chất, bao gồm quá trình vận chuyển, trung gian bán hàng và đối tượng sử dụng. Dù chỉ sử dụng hay bán ra một liều lượng rất nhỏ vài microgram cũng phải khai báo rõ ràng và trung thực. Cùng với công nghệ quản lý 4.0, Nhà nước sẽ thanh - kiểm tra và quản lý hóa chất hiệu quả hơn.
Việt Nam có thể học tập mô hình quản lý hóa chất ở nước ngoài, như Úc, Mỹ, Nhật hay các nước tiên tiến khác để cải thiện hệ thống. Phải đẩy mạnh công tác thanh - kiểm tra, phối hợp quản lý giữa các bộ, ban ngành và địa phương để hạn chế tối đa tình trạng làm luật và lách luật khi cán bộ địa phương cố tình nhắm mắt làm ngơ.
Nhưng sau cùng, ý thức của người chấp hành, bao gồm cả người thực thi công vụ và người dân, mới là yếu tố then chốt. Nhiều người dân mỗi khi nghĩ tới cụm từ hóa chất đều đánh đồng đó là chất độc hại, nhưng hại bao nhiêu thì lại không rõ.
Quá nhiều cái hại nên trong tư duy trung bình cộng, mọi thứ lại thành hại không đáng kể, hoặc nói cách khác, là gần với vô hại. Cho nên, giáo dục an toàn hóa chất và đạo đức kinh doanh có vai trò tối quan trọng trong việc nâng cao ý thức cho người dân, đặc biệt là các chủ cơ sở kinh doanh hóa chất.
Hóa chất chỉ là một mắt xích rất nhỏ trong dòng chảy hàng hóa hiện nay nhưng chỉ cần một sự cố hy hữu thôi cũng đủ đem lại hậu quả khôn lường. Một khi chất hóa được quản lý hiệu quả, một loạt vấn nạn liên quan như vàng tặc, đá tặc, cát tặc rồi thực phẩm bẩn sẽ tự động tiêu tan như là một sản phẩm phụ. Bởi trong cuộc chiến trường kỳ này, sự bảo đảm về tính mạng và sức khỏe của mỗi người dân Việt Nam mới là sản phẩm chính của phản ứng cân bằng.
Nguồn: Đặng Nhật Minh, Nguyễn Văn Thịnh, Ở Việt Nam, mua hóa chất độc hại dễ như mua kẹo, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 15/8/2020
Chú thích:
(*) Đặng Nhật Minh là nghiên cứu sinh ngành Khoa học vật liệu nano tại ARC Training Center in Surface Engineering for Advanced Materials, Melbourne, Úc.
(1) Kiên quyết tìm ra lỗ hổng quản lý cồn công nghiệp và các loại hóa chất độc hại!, Báo Công Thương, 24/3/2017