Doanh nghiệp tiên phong trong nông nghiệp
Phát biểu tại “Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới” vừa qua tại Hà Nội, TS. Võ Trí Thành, nguyên phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương CIEM (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho rằng, để phát huy chuỗi giá trị nông nghiệp, gắn kết các khâu R&D, cung cấp nguyên liệu, sản xuất, chế biến và tiêu thụ, qua đó đem lại các sản phẩm có thương hiệu quốc tế cho nông nghiệp Việt Nam, cần tạo môi trường thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp tiên phong.
Trước hết, muốn xác định được thế nào là doanh nghiệp tiên phong, chúng ta cần làm rõ quan niệm doanh nghiệp nông nghiệp. Lâu nay chúng ta vẫn thường nhìn nhận nó theo nghĩa hẹp, đó là các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông nghiệp; song theo tôi, doanh nghiệp nông nghiệp bao gồm tất cả những doanh nghiệp tham gia vào các loại hình sản xuất và dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Nói cách khác, doanh nghiệp nào góp phần làm giảm chi phí giá thành, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp thì đều là doanh nghiệp nông nghiệp. Lấy ví dụ, nếu doanh nghiệp làm trong lĩnh vực giao thông vận tải mà chủ yếu tham gia vận chuyển mặt hàng nông sản, nhưng với việc giao hàng đúng hạn, đúng chất lượng cũng đủ để coi họ là doanh nghiệp nông nghiệp. Việc hiểu doanh nghiệp nông nghiệp theo một nghĩa rộng không chỉ đem lại cho chúng ta một cái nhìn thấu đáo hơn về tiềm năng của nông nghiệp, mà còn gợi ý cho các cấp quản lý nhà nước cách thức hỗ trợ, đầu tư thích hợp cho các doanh nghiệp nông nghiệp.
Hiện nay có thể thấy rằng, chỉ khoảng 1% doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp, số vốn và lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nông nghiệp cũng rất thấp. Ở đây có một câu hỏi đặt ra, tại sao ở một đất nước có truyền thống về nông nghiệp, có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp, mà doanh nghiệp lại không có ham thú đầu tư vào nông nghiệp và coi đó như một lĩnh vực đầu tư hứa hẹn, nhiều tiềm năng phát triển và đem lại lợi nhuận cao? Nhìn vào tình hình Việt Nam hiện nay có thể thấy tồn tại bốn vấn đề với doanh nghiệp nông nghiệp:
Thứ nhất, môi trường kinh doanh chung của Việt Nam tồn tại bốn nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp mà Báo cáo Việt Nam 2035 đã chỉ ra, đó là: (i) Quyền tài sản thiếu rõ ràng; (ii) thị trường thiếu cạnh tranh “sòng phẳng”; (iii) các thị trường yếu tố sản xuất (thị trường vốn, đất đai, lao động) méo mó; và (iv) chi phí giao dịch cho sản xuất kinh doanh cao. Nếu chúng ta hiểu doanh nghiệp nông nghiệp theo nghĩa rộng thì điều đó có nghĩa, môi trường kinh doanh hiện còn không ít khó khăn vướng mắc ảnh hưởng xấu đến hoạt động và sự phát triển của doanh nghiệp nông nghiệp.
Thứ hai, doanh nghiệp không muốn đầu tư vào nông nghiệp và coi đó là cuộc chơi chính của mình là vì nếu nông nghiệp đạt mức tăng trưởng trung bình tốt nhất, theo thống kê thông thường, thì cũng chỉ ở mức trên 3%. Mức tăng trưởng giá trị gia tăng thấp như vậy thì ai còn muốn đầu tư, trong khi có nhiều lĩnh vực đầu tư khác hứa hẹn nhiều lợi nhuận hơn, ví dụ như tài chính, bất động sản... Tuy nhiên, cách nhìn và đo lường này (cũng như theo cách nghĩ của phần đông xã hội) không chuẩn và có phần lệch lạc. Nếu chúng ta nhìn sản xuất nông nghiệp theo nghĩa rộng thì giá trị gia tăng đạt được sẽ không nhỏ và tăng trưởng sẽ không chỉ là 3%/năm. Việt Nam hiện hằng năm thu được hơn 30 tỷ USD từ việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trong khi mỗi năm cầu thế giới đối với lương thực, thực phẩm… là khoảng 15.000 tỷ USD. Hình ảnh đó cho thấy, với hội nhập hiện nay, doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội khai thác một thị trường khổng lồ, và qua đó có thể tạo thêm rất nhiều giá trị gia tăng.
Thứ ba có một tồn tại nữa là nông nghiệp Việt Nam không có lợi thế về quy mô khi vẫn tồn tại tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún. Tuy có tới 46% lực lượng lao động tham gia sản xuất nông nghiệp nhưng giá trị gia tăng của nông nghiệp vẫn chỉ chiếm 17% GDP; năng suất lao động rất thấp. Để giải quyết hai vấn đề này, có hai con đường, đó là tích tụ đất đai, qua đó tạo khả năng hấp thụ công nghệ và vốn cao, cùng dịch chuyển cơ cấu lao động. Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ là cả hai vấn đề này đều không phải là chuyện riêng của nông nghiệp và doanh nghiệp nông nghiệp. Chỉ khi nào câu chuyện đất đai và dịch chuyển cơ cấu lao động được giải quyết thực sự thì mới đem lại lợi thế về quy mô và tạo ra được sức hấp dẫn của lĩnh vực nông nghiệp, qua đó dẫn đến việc liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp mà chúng ta bàn thảo rất nhiều trong thời gian gần đây.
Thứ tư là sản xuất nông nghiệp luôn ẩn chứa rủi ro cao, xuất phát từ ba nguyên nhân: sản xuất nông nghiệp mang tính chu kỳ cao; độ co dãn tiêu dùng theo thu nhập mặt hàng nông sản thấp, ngay cả khi thu nhập của người tiêu dùng có tăng mạnh thì sức tiêu thụ mặt hàng này cũng không cao hơn nhiều; sản xuất phụ thuộc lớn vào thời tiết, khí hậu, dịch bệnh.
Vậy chúng ta giải quyết ba vấn đề này bằng cách nào? Theo tôi, có hai cách làm hiệu quả, nhất là đầu tư vào khoa học công nghệ nhằm giảm thiểu rủi ro do thiên tai, dịch bệnh,... trong sản xuất, đồng thời làm gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp, qua đó làm tăng độ co dãn của tiêu dùng. Cùng với đó là thực hiện chương trình bảo hiểm cho nông nghiệp. Chúng ta đã thí điểm bảo hiểm nông nghiệp từ nhiều năm qua đối với các hộ sản xuất nông nghiệp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhưng chưa đem lại kết quả khả quan như mong đợi.
Như vậy với cách nhìn rộng ra về việc hình thành và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, thì chúng ta đang đứng trước những cơ hội đầu tư và làm ăn rất lớn trong nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam thực sự hấp dẫn và là nơi có thể làm giàu. Tất nhiên, đây không chỉ là câu chuyện của riêng ngành nông nghiệp. Cả đất nước phải vào cuộc.
Từ những doanh nghiệp nông nghiệp như vậy, chúng ta sẽ hình thành được chuỗi liên kết và có được những doanh nghiệp tiên phong trong nông nghiệp. Có người hỏi tôi, thế nào là doanh nghiệp tiên phong, hiện những “ông lớn” đầu tư rầm rộ vào nông nghiệp như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai… có phải là doanh nghiệp tiên phong hay không? Theo tôi, muốn trở thành doanh nghiệp tiên phong thì doanh nghiệp đó phải làm chủ được ba khâu trọng yếu: thực sự có R&D, nghĩa là đầu tư vào khoa học và công nghệ và ứng dụng nó ngay trong các khâu sản xuất, chế biến của mình; tạo dựng được thương hiệu, đặc biệt với doanh nghiệp nông nghiệp thì thương hiệu đó phải gắn liền với tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm; nắm được khâu phân phối hàng hóa ra thị trường trong nước và quốc tế. Nếu doanh nghiệp trong các lĩnh vực tiêu dùng khác có thể chỉ cần làm tốt hai khâu là tạo dựng thương hiệu và nắm phân phối, thì doanh nghiệp tiên phong trong nông nghiệp phải làm được tốt cả ba khâu. Hiện nay, có thể nói chưa có doanh nghiệp nông nghiệp nào ở Việt Nam làm được trọn vẹn, đúng nghĩa ba khâu này.
Việc hình thành doanh nghiệp tiên phong sẽ góp phần thúc đẩy chuỗi liên kết giá trị trong nông nghiệp mà chúng ta đã bàn thảo khá nhiều trong những năm gần đây. Dù bước đầu một số nơi đã hình thành liên kết giữa các doanh nghiệp nông nghiệp và người nông dân, qua đó tạo vùng nguyên liệu và đảm bảo bao tiêu sản phẩm nông nghiệp nhưng chuỗi liên kết giá trị giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với nông dân vẫn chưa được đảm bảo. Vừa qua tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long (MDEC 2016), một doanh nghiệp đã phát biểu rất đúng về bản chất chuỗi liên kết phổ biến hiện nay trong nông nghiệp là các doanh nghiệp ở cùng một chuỗi liên kết cũng không hợp tác được với nhau, không chia sẻ được lợi ích với nhau, thậm chí còn “ngáng chân” nhau. Bên cạnh đó, việc tôn trọng hợp đồng giữa người nông dân và doanh nghiệp vẫn còn bị xâm phạm, trong đó có lỗi của cả hai phía, ví dụ nông dân thấy lợi nhuận trước mắt thì bỏ “ngang xương” việc cung cấp nông sản cho doanh nghiệp để đến với thương lái hoặc ngược lại, doanh nghiệp ép giá nông dân. Vì vậy dù các ngân hàng thương mại có cho các doanh nghiệp thực hiện chuỗi liên kết giá trị vay vốn đầu tư kinh doanh, sản xuất thì các doanh nghiệp đó vẫn khó làm tốt vai trò của mình, chứ chưa nói đến việc phải phấn đấu thành doanh nghiệp tiên phong. Để góp phần giải quyết vấn đề này, về trước mắt cũng như lâu dài, chúng ta cần làm tốt hai bài toán căn cơ, hai yếu tố đem lại sự gắn kết của chuỗi liên kết giá trị: 1. Đảm bảo lợi ích của người nông dân thông qua một hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh gắn với đặc điểm địa lý, đặc thù văn hóa vùng miền; 2. Tạo sự phối hợp thực sự giữa các thành viên trong chuỗi giá trị mà chúng ta xây dựng lên. Đây đều là những bài toán gắn với sự phát triển của doanh nghiệp nông nghiệp và tạo đà cho doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp tiên phong.
Trong bối cảnh này, vai trò hỗ trợ của nhà nước là vô cùng cần thiết và tập trung vào ba điều: 1. Tạo ra môi trường kinh doanh chung, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của doanh nghiệp nông nghiệp; 2. Nhà nước có thể hỗ trợ hoàn toàn (tạm gọi là cho không) trong những lĩnh vực có tính lan tỏa cao như kết cấu hạ tầng, đào tạo, R&D. 3. Còn với những hỗ trợ khác cho bản thân quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (chẳng hạn như về lãi suất) thì cơ bản áp dụng theo nguyên tắc “hỗ trợ có hoàn trả”. Nhà nước có thể hỗ trợ để chia sẻ ít nhiều rủi ro ban đầu và doanh nghiệp có thể tồn tại trong môi trường cạnh tranh. Song đây là “trò chơi thị trường”, nên nhà nước chỉ chia sẻ rủi ro một phần với doanh nghiệp (tất nhiên có xem xét, đánh giá kỹ lưỡng) và trong trường hợp thành công, doanh nghiệp cần hoàn trả phần hỗ trợ này.
Nguồn: Võ Trí Thành, Doanh nghiệp tiên phong trong nông nghiệp, Tạp chí Tia Sáng, 23/9/2016