Bàn về thuật ngữ “chủ nghĩa tự do”

Bàn về thuật ngữ “chủ nghĩa tự do”

Đây là phần Mises ghi chú về thuật ngữ "chủ nghĩa tự do" trong cuốn sách "Chủ nghĩa tự do truyền thống" xuất bản năm 1929. Độc giả cần lưu ý niên đại này để hiểu được bối cảnh chính trị-xã hội của thuật ngữ. - TTTD Academy

Những người đã từng quen với các tác phẩm viết về chủ nghĩa tự do trong những năm trước đây và với cách sử dụng trong sách báo chính trị hiện nay có thể phản bác rằng, cái gọi là chủ nghĩa tự do trong tác phẩm này không phải là cái mà thuật ngữ hiện nay ám chỉ. Tôi hoàn toàn không có ý định bác bỏ điều này. Trái lại, như tôi đã chỉ rõ: hiện nay, nhất là ở Đức, thuật ngữ này ám chỉ điều hoàn toàn ngược lại với cái mà lịch sử tư tưởng từng gọi là “chủ nghĩa tự do”, tức là nội dung chủ yếu của cương lĩnh tự do trong các thế kỉ XVIII và XIX. Hầu như tất cả những người hiện nay tự xưng là “người tự do” đều không ủng hộ quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất mà lại ủng hộ những biện pháp can thiệp và xã hội chủ nghĩa. Họ tìm cách biện hộ rằng bản chất của chủ nghĩa tự do không phải là tôn trọng quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất mà là phải phát triển chủ nghĩa tự do để nó không còn ủng hộ quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất nữa mà ngược lại, ủng hộ chủ nghĩa xã hội hoặc chủ nghĩa can thiệp.

Có thể những người theo trường phái tự do giả mạo đó phải khai minh cho chúng ta “phát triển chủ nghĩa tự do” nghĩa là như thế nào. Chúng ta đã nghe nói nhiều về lòng nhân đạo, tính khoan dung và tự do thật sự .v.v. Đấy là những tình cảm trong sáng và cao thượng và ai cũng tán thành. Thực ra thì mọi hệ tư tưởng cũng đều tán thành cả. Trừ một vài trường phái tư tưởng vô liêm sỉ, còn tất cả những hệ tư tưởng khác đều tin rằng họ ủng hộ lòng nhân ái, tính khoan dung và tự do thực sự v.v. Sự khác nhau giữa các hệ tư tưởng không phải là mục đích tối thượng – hạnh phúc cho tất cả mọi người mà tất cả các hệ tư tưởng này đều nhắm đến – mà là biện pháp thực hiện mục đích đó. Đặc trưng của chủ nghĩa tự do là sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất.

Nhưng cuối cùng thì vấn đề thuật ngữ cũng chỉ có tầm quan trọng thứ yếu mà thôi. Quan trọng không phải là tên gọi mà là cái mà nó thể hiện. Nhưng một người dù có chống đối quyền tư hữu đến mức nào đi nữa thì ít nhất người đó cũng phải công nhận rằng người khác có thể ủng hộ nó. Và khi đã công nhận như thế thì dĩ nhiên là phải để cho người ta tìm tên để đặt cho trường phái tư tưởng đó. Cần phải hỏi những người tự nhận mình là người theo phái tự do xem họ định dùng tên gì để gọi hệ tư tưởng ủng hộ quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Có khả năng là họ sẽ trả lời rằng họ muốn gọi hệ tư tưởng này là “Manchesterism”. Khởi kỳ thủy từ "Manchesterism" là một từ dùng để diễu cợt và sỉ nhục. Tuy nhiên, điều đó cũng không cản trở việc dùng từ này để biểu thị hệ tư tưởng của chủ nghĩa tự do, nếu không có sự kiện là từ trước đến nay từ này vẫn được dùng để chỉ chương trình kinh tế chứ không phải là cương lĩnh của chủ nghĩa tự do.

Dù sao mặc lòng, trường phái tư tưởng ủng hộ quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất cũng phải có một cái tên. Tốt nhất là hãy bám lấy truyền thống. Chỉ có một rắc rối. Đấy là khi người ta dùng từ này theo lối mới, khi đó ngay cả những người ủng hộ chính sách bảo hộ, những người xã hội chủ nghĩa, thậm chí cả những kẻ hiếu chiến cũng tự nhận là “người tự do”, nếu được lợi.

Một câu hỏi được đặt ra là liệu ta có nên đặt cho hệ tư tưởng tự do một cái tên mới để tạo điều kiện cho việc truyền bá các tư tưởng tự do, khiến cho những thiên kiến chống lại nó, đặc biệt là ở Đức, không còn chỗ đứng nữa. Đây là một đề nghị đầy thiện chí nhưng lại hoàn toàn trái với tinh thần của chủ nghĩa tự do. Từ nhu cầu nội tại, chủ nghĩa tự do phải tránh mọi mánh lới tuyên truyền và những phương tiện dối trá nhằm giành được sự thừa nhận của mọi người đối với phong trào, cũng như không được từ bỏ tên gọi cũ chỉ vì nó không còn thông dụng nữa. Chính vì ở Đức từ “người theo phái tự do” có ý nghĩa tiêu cực cho nên chủ nghĩa tự do phải bám lấy nó. Không thể dễ dàng đưa mọi người đến tư duy tự do, vì quan trọng không phải là tuyên bố rằng mình là người theo phái tự do mà trở thành người theo phái tự do, suy nghĩ và hành động như những người theo phái tự do.

Người ta cũng có thể phản bác thuật ngữ được sử dụng trong tác phẩm này vì là chủ nghĩa tự do và chế độ dân chủ ở đây không được coi là những khái niệm trái ngược nhau. Hiện nay ở Đức “chủ nghĩa tự do” thường được dùng để chỉ học thuyết với lí tưởng chính trị là chế độ quân chủ lập hiến, còn “dân chủ” được coi là học thuyết với lí tưởng chính trị là chế độ quân chủ đại nghị của phái cộng hòa. Quan điểm này, ngay cả về mặt lịch sử, cũng không đứng vững được. Chủ nghĩa tự do đấu tranh cho chế độ quân chủ đại nghị chứ không phải chế độ quân chủ lập hiến và về mặt này thì nó đã thất bại chính vì ở Đức và Áo nó mới giành được chế độ quân chủ lập hiến mà thôi. Các lực lượng bài chủ nghĩa tự do giành được chiến thắng là do quốc hội Đức quá yếu; đấy là câu lạc bộ của những kẻ – nói một cách không được lịch sự nhưng mà đúng – “ba hoa chích chòe”. Lãnh tụ của đảng bảo thủ đã nói rất chính xác: muốn giải tán quốc hội thì chỉ cần một viên trung úy với mươi người nữa là đủ.

Chủ nghĩa tự do là khái niệm bao trùm nhất. Đấy là hệ tư tưởng bao quát toàn bộ đời sống xã hội. Hệ tư tưởng của chế độ dân chủ chỉ bao gồm lĩnh vực quan hệ có dính líu tới cơ cấu nhà nước mà thôi. Phần thứ nhất của tác phẩm này đã trình bày lí do vì sao mà chủ nghĩa tự do nhất định phải đòi cho bằng được chế độ dân chủ, chế độ dân chủ cũng là hậu quả chính trị tất yếu của chủ nghĩa tự do. Chứng minh rằng tất cả các phong trào bài chủ nghĩa tự do, trong đó có chủ nghĩa xã hội, chắc chắn cũng là những phong trào phi dân chủ là nhiệm vụ của những công trình nghiên cứu nhằm đưa ra một bản phân tích toàn diện đặc trưng của những hệ tư tưởng đó. Tôi đã thử làm việc đó đối với chủ nghĩa xã hội trong tác phẩm cùng tên rồi.

Người Đức dễ bị lầm lẫn vì họ luôn nghĩ đến những người tự do mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa và dân chủ xã hội. Nhưng những người tự do mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa, ngay từ khởi thủy – ít nhất là trong vấn đề hiến pháp – đã không phải là đảng tự do rồi. Họ là cánh của đảng tự do cổ điển, tức là cánh tự nhận là có quan điểm dựa vào “thực tế như chúng vốn là”. Họ coi thất bại mà chủ nghĩa tự do phải chịu trong cuộc xung đột hiến pháp giữa phái “hữu” (Bismarck) và phái “tả” (người theo phái Lassalle) là không thể đảo ngược được.

Những người dân chủ xã hội chỉ dân chủ khi họ không phải là đảng cầm quyền, nghĩa là khi họ chưa cảm thấy đủ mạnh để có thể đàn áp phe đối lập bằng vũ lực. Ngay khi nghĩ rằng mình là người mạnh nhất, họ liền tuyên bố ủng hộ chế độ độc tài – những người cầm bút của họ còn khẳng định rằng tốt nhất là tuyên bố ngay lúc đó. Chỉ khi các băng nhóm vũ trang của các đảng cánh hữu giáng cho họ những đòn đau họ mới lại trở thành những người dân chủ mà thôi. Những người cầm bút trong đảng của họ viết về chuyện đó như sau: “Trong các hội đồng của các đảng dân chủ xã hội, cánh ủng hộ dân chủ đã thắng cánh ủng hộ chế độ độc tài”.

Chỉ có đảng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào – ngay cả khi nó là đảng mạnh nhất và đang nắm quyền – cũng luôn ủng hộ các thể chế dân chủ, mới có thể được coi là đảng thực sự dân chủ mà thôi.

Nguồn: Ludwig von Mises, Liberalism - The Classical Tradition. Edited by Bettina Bien Greaves, Liberty Fund, Inc. 2005

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh