Có nên để DNNN dẫn dắt đổi mới sáng tạo?
Gần đây, dự thảo đề án “Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu, nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác...” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt là các câu hỏi hoài nghi về tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp, nguy cơ gây mất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, chệch định hướng của chủ sở hữu nhà nước...
Tuy nhiên, rất ít ý kiến đề cập tới một mục tiêu và nhóm giải pháp quan trọng của đề án là thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn hình thành các chuỗi đổi mới sáng tạo.
Mục tiêu và các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong đề án
Trải qua hơn ba thập niên cải cách đầy gian nan, trắc trở, thăng trầm cùng với ba lần thí điểm mô hình các doanh nghiệp nhà nước1 (DNNN) quy mô lớn, DNNN vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế và lẽ dĩ nhiên không thể đứng ngoài cuộc chơi đổi mới sáng tạo của cách mạng công nghiệp 4.0.
Bởi thế, đề án lần này đã xác định một trong ba mục tiêu chính là: “củng cố, phát triển DNNN quy mô lớn trên cơ sở hình thành các chuỗi - đổi mới sáng tạo với định hướng không sử dụng ngân sách nhà nước, thu hút các nguồn lực thông qua cổ phần hóa, đa sở hữu”.
Liên quan đến việc thực hiện mục tiêu trên, đề án đã đưa ra ba nhóm giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, nghiên cứu hình thành Quỹ đổi mới sáng tạo, đầu tư mạo hiểm cho DNNN được lựa chọn: với mục đích tiếp tục thử nghiệm, điều chỉnh hoàn thiện sản phẩm và thương mại hóa để khai thác hết kết quả từ nghiên cứu khoa học và tạo ra những sản phẩm mới.
Thứ hai, mạnh dạn trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số DNNN để phát triển các hạ tầng nền tảng để có thể ứng dụng kinh tế chia sẻ, đẩy mạnh phát triển công nghệ số trong tương lai với một số chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số (sand box). Tăng cường đầu tư khoa học công nghệ thông qua hình thức đầu tư mua công nghệ và tham gia mua cổ phần hoặc các dự án nước ngoài đã có sẵn công nghệ để phát triển và làm chủ công nghệ.
Thứ ba, tạo cơ chế chính sách để Nhà nước hoặc DNNN tham gia phát triển các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, mang tính mới, có khả năng chiếm lĩnh thị trường và vươn ra thế giới thông qua việc sử dụng nguồn lực của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước hoặc cùng phối hợp với các DNNN lớn khác.
Điều đáng nói là chưa rõ bằng cách nào có thể thực hiện các giải pháp trên mà không sử dụng tới ngân sách nhà nước theo như định hướng nêu trong mục tiêu của đề án. Việc vừa đặt ra mục tiêu tham vọng về “hình thành các chuỗi đổi mới sáng tạo” của DNNN, thực hiện đầu tư mạo hiểm, thử nghiệm công nghệ mới, phát triển công nghệ cao và chiếm lĩnh thị trường thế giới..., vừa định hướng “không sử dụng ngân sách nhà nước”, không vi phạm luật về “bảo toàn và gia tăng giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chống thất thoát vốn, tài sản của nhà nước” là một mâu thuẫn tự thân rất khó để hòa giải.
DNNN có thể thực hiện chức năng đổi mới sáng tạo?
Giả sử chúng ta có thể giải quyết bài toán cấp vốn cho DNNN thực hiện đổi mới sáng tạo mà không dùng tới ngân sách, đồng thời chấp nhận được những rủi ro khổng lồ khi DNNN phát triển công nghệ cao, thì câu hỏi đặt ra lúc này là liệu DNNN có thể làm tốt được vai trò thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế như kỳ vọng hay không?
Các lý thuyết kinh tế cho thấy động lực của đổi mới sáng tạo hay sự “hủy diệt sáng tạo” (Schumpeter 1942) không đến từ một chủ thể kinh tế nào như nhà nước hay DNNN. Động lực thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo chính là cạnh tranh (Kasper & Streit, 1998).
Các nghiên cứu về hiệu quả đổi mới sáng tạo của DNNN cho đến nay cho thấy đổi mới sáng tạo xuất hiện ít hơn ở khu vực DNNN so với các doanh nghiệp thuộc khu vực khác do các vấn đề cố hữu của DNNN: vấn đề đại diện kép; sự chồng chéo các mục tiêu hoạt động; yếu kém trong quản trị và thiếu áp lực cạnh tranh. Mặt khác, DNNN để có thể thực hiện được các đổi mới sáng tạo thường cần những tác động khác từ bên ngoài, ví dụ như đa dạng hóa sở hữu, đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, sự tham gia của cổ đông nước ngoài, áp lực cạnh tranh khi tham gia vào hoạt động xuất khẩu (Girma, Gong & Görg 2009).
Kinh nghiệm quốc tế về DNNN và đổi mới sáng tạo
Liệu các quốc gia khác có trao trọng trách “sếu đầu đàn” cho DNNN để hình thành, phát triển các chuỗi giá trị đổi mới sáng tạo hay không?
Câu trả lời là có.
Đó chính là trường hợp Trung Quốc. Theo tìm hiểu và tổng hợp của tác giả, thì ngoại trừ Trung Quốc, không có một quốc gia nào mà DNNN được xác định là động lực dẫn dắt thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế.
Cách tiếp cận của Trung Quốc, có thể được gọi là cách tiếp cận đổi mới sáng tạo do nhà nước dẫn dắt, điển hình là chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”2. Trong cách tiếp cận này nhà nước chủ động gia tăng kiểm soát, can thiệp và đầu tư vào nền kinh tế để thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nội địa để thay thế nhập khẩu công nghệ và hướng tới trở thành nhà vô địch trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đối lập với cách tiếp cận của Trung Quốc, đa số các quốc gia có cách tiếp cận thứ hai, tạm gọi là “đổi mới sáng tạo theo mô hình hệ sinh thái”, với điển hình tiêu biểu là chiến lược Industry 4.0 và Society 5.0 của Nhật Bản, Thái Lan 4.0, Korea IR4.0 của Hàn Quốc và Singapore 4.0. Trong cách tiếp cận này, nhà nước thực hiện vai trò kiến tạo, phá bỏ các rào cản giữa các ngành, lĩnh vực, công ty, quốc gia, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, cải thiện sự linh hoạt của thị trường lao động, tạo ra hệ sinh thái kết nối các loại hình doanh nghiệp ở nhiều thành phần để thúc đẩy hợp tác, nghiên cứu liên ngành, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác-công tư với trọng tâm là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cách tiếp cận này có điểm giống với cách tiếp cận ở Trung Quốc là nhà nước chọn lọc một số ngành ưu tiên và có các chính sách hỗ trợ phát triển các ngành, khuyến khích nghiên cứu và phát triển (R&D). Tuy nhiên, các chiến lược này hướng tới thúc đẩy môi trường cạnh tranh, bình đẳng cho cả nhà đầu tư trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài chứ không ưu tiên nội địa hóa, thay thế nhập khẩu như chiến lược của Trung Quốc. Bên cạnh đó, các chiến lược này không đề cập tới mục tiêu phát triển DNNN trở thành động lực dẫn dắt đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ 4.0.
Hướng đi nào cho Việt Nam?
Căn cứ vào mục tiêu và các giải pháp trong dự thảo Đề án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng ta có thể thấy Việt Nam đang chọn con đường của Trung Quốc, khi thêm một lần nữa đặt trọng trách vào các DNNN quy mô lớn trong một lĩnh vực cực kỳ gian khó là đổi mới sáng tạo.
Chúng tôi nhận thấy, để thực hiện được chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo dựa trên sự dẫn dắt của nhà nước với động lực là các DNNN quy mô lớn, cơ quan hoạch định chính sách cần hết sức cân nhắc một số điểm sau:
- Thứ nhất, nếu DNNN đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình đổi mới sáng tạo có thể làm chậm quá trình này do những ràng buộc về tài chính và yêu cầu bảo toàn vốn, tài sản nhà nước có thể khiến DNNN ít dám chấp nhận rủi ro hơn, ít động lực đầu tư cho R&D. Bản thân các DNNN đang được lựa chọn cũng chịu tương đối ít sức ép cạnh tranh và đã bị phân tán nguồn lực vì nhiều trách nhiệm an sinh xã hội khác.
- Thứ hai, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ngoại trừ Trung Quốc, không có một quốc gia nào đặt DNNN là động lực dẫn dắt đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, Trung Quốc có một đặc trưng khác biệt với Việt Nam là DNNN có tiềm lực mạnh về công nghệ và một thị trường nội địa rộng lớn.
- Thứ ba, mô hình đổi mới sáng tạo dựa trên sự dẫn dắt của nhà nước trong đó DNNN đóng vai trò chủ đạo có thể tạo ra nguy cơ bị các đối tác thương mại khiếu kiện do vi phạm cam kết quốc tế, hợp định song phương về tự do thương mại.
- Thứ tư, khi các DNNN quy mô lớn được chọn làm các “sếu đầu đàn” của nền kinh tế, nhưng nếu buông lỏng quản lý, thiếu kỷ cương của nhà nước và kỷ luật của thị trường, đồng thời được ban phát quá nhiều đặc quyền, đặc lợi thì có nguy cơ mối quan hệ giữa Nhà nước và các doanh nghiệp này bị biến thành mối quan hệ thân hữu và tham nhũng. Chúng ta đã nếm trải nhiều bài học thất bại đều chung một công thức này.
Chú thích:
(1) Lần thứ nhất: thành lập các tổng công ty 90, 91 vào năm 1994. Lần thứ hai: thành lập thí điểm các tập đoàn kinh tế quy mô lớn từ giữa thập niên 2000. Lần thứ ba: thí điểm 7 DNNN quy mô lớn 2021.
(2) Made in China 2025 (中国制造2025) được công bố bởi Quốc vụ viện Trung Quốc tại trang web: http://english.www.gov.cn/2016special/madeinchina2025/ bản dịch tiếng Anh http://www.cittadellascienza.it/cina/wp-content/uploads/2017/02/IoT-ONE-Made-in-China-2025.pdf
Nguồn: Văn Thịnh, Có nên để DNNN dẫn dắt đổi mới sáng tạo?, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, 8/4/2021