[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp] Chương 27: Luật pháp, pháp luật và tự do

[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp] Chương 27: Luật pháp, pháp luật và tự do

Thế giới quan của Hayek có lẽ đã có nhiều thay đổi sau khi tác phẩm Luật pháp, pháp luật và tự do (Law, Legislation and Liberty) ra đời. Ông hẳn đã nghĩ rằng hình ảnh của mình có thể xuất hiện trên tạp chí Time, chứ không phải là không thể có lấy một bài phê bình nào ở đó. Mặc dù thập niên 1950 Hayek thường được liên tưởng như một nhà tư tưởng bảo thủ hàng đầu ở Mỹ, ông vẫn chưa bao giờ có được bước đột phá tới ý thức đại chúng trong suốt thời gian ở Chicago, như từng diễn ra với tác phẩm Con đường tới nô lệ (The Road to Serfdom).

Ông bắt đầu giảng dạy tại Đại học Freiburg, Tây Đức, từ mùa thu năm 1962. Rất nhiều công trình của ông đã được viết ra suốt những năm 1960 ở Freiburg. Luật pháp, pháp luật và tự do, một trong hai công trình vĩ đại nhất của ông, cùng với Hiến pháp về quyền tự do (The Constitution of Liberty), chủ yếu được viết tại Freiburg.

Erich Streissler, đồng nghiệp của Hayek lúc bấy giờ, còn nhớ một số giai thoại về ông, kể cả nỗ lực thực sự của ông để giành được vị trí ở trường. Hiệu trưởng Đại học Freiburg đặc biệt đánh giá cao tư tưởng của ông, dù Hayek phần lớn đã bị lãng quên ở Châu Âu lục địa. Streissler còn nhớ việc Hayek đến Freiburg tuy thế cũng đúng là một sự kiện trong thế giới hàn lâm nói tiếng Đức.

Hayek nổi tiếng trong giới sinh viên. Suốt thập niên 1960, seminar của ông có nhiều người tham gia, kể cả các giáo sư xã hội chủ nghĩa. Khi đến đây, Hayek là người có thâm niên cao thứ hai ở khoa, căn cứ vào công việc đầu tiên với chức danh giáo sư – khoa được sắp xếp theo thứ tự thâm niên. Trong chương trình giảng dạy, ông nhấn mạnh chính sách kinh tế, thay vì lý thuyết đương thời. Ông suýt trở thành hiệu trưởng Đại học Freiburg, nhưng lại làm hỏng cơ hội đó do việc ủng hộ nỗ lực của chính phủ nhằm chấm dứt kỳ nghỉ đông và đề xuất Otto von Habsburg (thuộc gia tộc hoàng gia cũ) vào khoa chính trị.

Sử gia kinh tế Henry Spiegel cùng vợ là Cecile từng đến thăm Hayek vào giữa những năm 1960 tại Freiburg. Họ còn nhớ ông đã tỏ ra bực dọc khi không thể tham dự buổi trình diễn vở Tiếng sáo thần1 (The Magic Flute) với họ vì chỉ mua được có ba vé, thay vì bốn (họ nghĩ tình trạng nặng tai sẽ khiến ông không tham dự). Hayek cũng phàn nàn với họ về tỷ lệ đánh thuế cao ở Tây Đức.

Ngay sau khi trở về Châu Âu, ông nối lại liên hệ thường xuyên với con cái. Con dâu của ông còn nhớ chồng mình đã nói, “Giờ thì anh lại có bố rồi”2, sau khi Hayek quay về Châu Âu. Hayek dành nhiều thời gian hơn để thăm nom gia đình ở Áo, gồm mẹ và các em, và gia đình Helene. Mẹ ông sống đến tận tuổi 92 năm 1967.

Ông mô tả những năm tháng của mình ở Freiburg thập niên 1960 là “rất thành công”3, và nhận xét, ngoài nghiên cứu học thuật, ông và vợ còn đi đây đi đó nhiều hơn lúc nào hết so với trước đấy. Trong số này có bốn chuyến đến Nhật với các chuyến đi ngắn sang Đài Loan, Indonesia, Tahiti, Fiji, New Caledonia, và Ceylon, cũng như một học kỳ tại Đại học California, Los Angeles. Ông nói, trong thời gian ở Freiburg từ năm 1962 đến 1969, ông đã tận dụng được gần như hết thời gian với “toàn bộ nghị lực”, “sức khoẻ”, và “khả năng làm việc”4 của mình.

Luật pháp, pháp luật và tự do – đặc biệt tập đầu tiên của nó, Các nguyên tắc và trật tự (Rules and Order) – là một công trình vĩ đại trong sự nghiệp của Hayek và đã bị thờ ơ một cách không đúng mực. Mối quan hệ giữa hai tác phẩm Hiến pháp về quyền tự doLuật pháp, pháp luật và tự do luôn không được rõ, vì người ta chưa lúc nào hiểu được tác phẩm sau. Khi xem xét hai công trình này người ta thường quên mất rằng mặc dù tác phẩm sau mãi đến những năm 1970 mới xuất bản nhưng nó lại chủ yếu được viết ở thập niên 1960, chỉ một số năm sau tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do.

Tác phẩm Luật pháp, pháp luật và tự do cần được nhìn nhận nhiều hơn như là sự tiếp nối các ý tưởng trong luận thuyết trước đó chứ không phải một công trình hoàn toàn khác. Nó ra đời sau khi những ý tưởng và thông tin vừa được khơi dậy qua quá trình viết tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do đã lắng đọng lại trong tâm trí Hayek, và được hoàn tất vào cuối những năm 1970, thời kỳ mà ông làm việc rất hiệu quả và sáng tạo.

Trong lời giới thiệu tác phẩm Luật pháp, pháp luật và tự do, khi mô tả mối liên hệ giữa hai công trình vĩ đại nhất của mình, Hayek viết, trong “một cuốn sách khác tôi đã cố gắng trình bày lại, và hy vọng làm sáng tỏ ở mức độ nhất định, học thuyết truyền thống về chủ nghĩa hợp hiến tự do (liberal constitutionalism). Nhưng chỉ sau khi hoàn thành công trình này tôi mới hiểu rõ tại sao những lý tưởng đó lại không duy trì được sự ủng hộ của các nhà duy tâm chủ nghĩa, những người đã tạo nên tất cả các trào lưu chính trị vĩ đại.”5 Luật pháp, pháp luật và tự do là tác phẩm có tính sáng tạo hơn trong hai chefs-d’oeuvre (tuyệt tác) của ông. Trong lời tựa tập thứ ba của tác phẩm, ông nhận xét, mặc dù Luật pháp, pháp luật và tự do là “sự bổ sung chứ không phải thay thế” cho Hiến pháp về quyền tự do, thì nó vẫn là tác phẩm “có tính sáng tạo hơn”. Vì thế Hayek cũng nói trong cuốn sách đó là đối với một “độc giả không chuyên”, ông sẽ đề nghị đọc tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do trước khi tiếp tục đi sang “sự luận bàn chi tiết hay xem xét cụ thể hơn về những vấn đề mà tôi cố gắng đưa ra giải pháp trong các tập sách này”6.

Luật pháp, pháp luật và tự do được viết ở trình độ cao hơn so với Hiến pháp về quyền tự do, vì tác phẩm trước nhằm dành cho độc giả phổ thông hơn. Hayek nhận thấy công trình của mình sẽ không thấu đạt tới tầng lớp độc giả phổ thông hơn, và vì thế trong tác phẩm Luật pháp, pháp luật và tự do, ông thậm chí không diễn đạt nó cho bất kỳ ai khác ngoài các nhà chuyên môn. Nó sẽ được đánh giá cao nhất sau một số lần đọc, đồng thời nếu độc giả có được nền tảng tri thức đáng kể về lý thuyết chính trị và kinh tế và lịch sử nói chung, và về các công trình khác của Hayek.

Luận thuyết thứ hai này ban đầu được hình dung là một “cuốn sách mỏng”7, có lẽ vào năm 1962. Đầu tiên Hayek dự định sẽ tiếp nối tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do bằng một công trình bổ sung về lĩnh vực phân hữu tri thức. Năm 1960 ông viết thư cho Popper, “Dù tôi không có ý định tập trung chủ yếu vào lĩnh vực phương pháp luận, thì Cách nhìn mới về lý thuyết kinh tế (A New Look at Economic Theory), tập bài thuyết trình mà tôi đang tiến hành và có thể dẫn tới cuốn sách với tiêu đề đó, vẫn buộc phải bắt đầu với nỗ lực trình bày lại các quan điểm của tôi về bản chất của lý thuyết kinh tế, và quan niệm về những yếu tố thường xuyên (regularities) ở trình độ cao hơn mà tôi đã hình thành lúc ấy vẫn tiếp tục khiến tôi phải bận tâm và xem ra đem lại kết quả vượt xa lĩnh vực kinh tế học.”8

Trong tác phẩm Luật pháp, pháp luật và tự do, Hayek có đề cập đến cuốn Luật tự nhiên (Natural Law) (1951) của A. P. d'Entreves, và trước đó cũng đã nói, “nghiên cứu súc tích và tốt nhất”9 về các lý thuyết về luật tự nhiên đa dạng mà ông từng biết đến là công trình của d'Entreves. Công trình này đáng được chúng ta điểm qua để hiểu được đầy đủ hơn quan niệm của Hayek về pháp luật. d'Entreves viết, “chức năng cốt lõi của pháp luật là làm cho cuộc sống trong xã hội khả thi. Pháp luật đưa ra giả thuyết về xã hội. Sự trải nghiệm pháp lý gắn liền với khái niệm cộng đồng. Pháp luật của con người chỉ chế định những khía cạnh trong hành vi con người mà ở đó hàm ý có sự phối hợp với người khác. Vì vậy, nói đúng ra, pháp luật của con người không phải chủ yếu nhằm mục đích thúc đẩy phẩm chất đạo đức, mà chỉ nhằm đảm bảo cho việc sinh sống hoà thuận với nhau: nó không cấm tất cả những gì xấu xa, mà chỉ cấm những gì gây nguy hại cho xã hội; nó không bao quát tất cả những gì là tốt đẹp, mà chỉ những gì gắn liền với phúc lợi chung.”10

Hayek vừa đồng ý vừa không đồng ý với lời khẳng định trên về pháp luật. Mặc dù cũng tin tưởng pháp luật gắn liền với lợi ích chung, trái với lợi ích cá nhân, ông vẫn cho rằng tập quán và luân lý đóng vai trò hết sức quan trọng. Chúng là bộ phận cơ bản của chất kết dính ràng buộc con người trong xã hội với nhau, song, không giống như pháp luật, chúng không bị chính phủ cưỡng bức thi hành. Pháp luật, tập quán, và luân lý cùng nhau tạo nên xã hội. Pháp luật là những gì có thể đòi hỏi mang tính cưỡng bức đối với con người thông qua bàn tay chính phủ. Tập quán và luân lý là chuẩn mực phi cưỡng bức.

Ông hết sức quan tâm đến khái niệm hệ thống, theo đó, theo thuật ngữ vật lý, không thể tồn tại một hành động nào mà lại không có một phản ứng xác thực và ngang bằng ở một nơi nào khác và tại một thời điểm nào khác trong hệ thống. Đây chính là một phần của ý tưởng về cân bằng, và từ những khía cạnh nhất định, lý thuyết kinh tế là nỗ lực nhằm áp dụng vào xã hội những chân lý của thế giới vật chất.

Tác phẩm Luật pháp, pháp luật và tự do bắt nguồn từ công trình của ông về lý thuyết kinh tế. Ông dần dần nhận ra pháp luật, tập quán, và luân lý của một xã hội xác định và tạo nên xã hội ấy. Pháp luật, tập quán, và luân lý là một cách nhìn về thế giới, một Weltanschauung11, một thế giới quan, một mô hình. Chúng chủ yếu tồn tại trong đầu óc của các thành viên xã hội chứ không phải trong gạch và vữa. Chúng là những giá trị được chia sẻ. Chúng đem đến sự nhất quán, hợp lý, và ổn định cho các thành viên xã hội, qua đó cho phép quá trình tương tác đem lại kết quả nhiều ít khác nhau.

Freiburg là một thành phố xinh đẹp với 200.000 dân. Trường Đại học Albert-Ludwigs (Albert-Ludwigs University) của nó được thành lập năm 1457 và có khoảng 25.000 sinh viên. Đây là trường đại học lâu đời thứ ba ở Đức. Thành phố tọa lạc trên vùng đất lõm cực nam và cực tây nước Đức, cách Pháp và Thuỵ Sỹ hai mươi lăm dặm. Những ngọn đồi cao cả ngàn mét vươn mình sát ngay một bên trung tâm thành phố, và chắc chắn nhà leo núi kỳ cựu Hayek từng đặt chân qua những ngọn đồi này. Kề thành phố là những vườn nho trên một đồng bằng nằm theo hướng ngược lại. Nổi bật trên nền trời là Munster, “Nhà thờ quý bà của chúng ta”. “Freiburg” có nghĩa là “lâu đài tự do”. Thời trung cổ từng có một cái chợ ở đây. Thành phố bị huỷ hoại đáng kể trong Thế chiến II, nhưng sau chiến tranh đã được khôi phục lại.

Lời mời giảng dạy tại Freiburg mà Hayek không ngờ tới đã cho phép ông làm việc ở đây nhiều hơn ba năm so với ở Chicago và còn kèm theo khoản lương hưu suốt đời, điều này có ý nghĩa quan trọng về mặt tài chính đối với ông. Những lo lắng về tài chính từng đè nặng tâm trí ông. Một nhà báo đã mô tả khi ông có mặt ở London không lâu sau khi bắt tay vào công việc tại Freiburg, “Giọng nói nhỏ nhẹ và thận trọng với cách phát âm nặng. Vào buổi tối thứ tư, ông nổi bật đầy thân thiện trong số những vị khách mời tại Viện Nghiên cứu các Vấn đề Kinh tế (Institute of Economic Affairs), đấy là một người to cao lóng ngóng với bộ ria xám nhỏ, trong bộ đồ màu xám khổng lồ với cái cổ áo cứng nhắc, lỗi thời một cách ngang ngạnh trên trang phục cũng như quan điểm, trông giống một gã đấu giá nhà quê hơn là một savant (học giả) người Phổ (tuy thế, thực tế ông là người Áo), ông không uống rượu mạnh mà dùng loại vang bình thường.”12

Trong bài thuyết trình ra mắt chức vụ giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Freiburg, ông phát biểu, không biết nhờ “ngôi sao chiếu mệnh tốt lành” nào mà “lần thứ ba trong đời cái chuyên khoa ấy đã khiến tôi vinh dự được mời đảm nhận một cương vị mà tôi hẳn sẽ quyết định ngay nếu như tôi hoàn toàn được tự do trong việc lựa chọn những việc như thế.” Vì Freiburg nằm giữa Vienna và London, “hai địa danh… đã hun đúc nên trí tuệ của tôi” và tọa lạc trên khu vực từng là một phần thuộc Đế chế Áo trong hàng thế kỷ, nên việc chuyển đến đây mang lại “cảm giác gì đó giống như là trở về nhà”13.

So với Trường Kinh tế London cũng như Đại học Chicago thì môi trường học thuật tại Đại học Freiburg có nhiều điểm tương đồng hơn với những gì mà ông từng trải qua tại Đại học Vienna trên ba mươi năm trước. Kinh tế học nằm trong khoa luật. Ông “đặc biệt coi trọng cơ hội lại được dạy tại khoa luật, trong bầu không khí đã đem đến cho tôi nền tảng giáo dục của chính mình. Một người sau khi đã ba mươi năm nỗ lực giảng dạy kinh tế học cho những sinh viên vốn không có kiến thức luật hay lịch sử các thiết chế pháp lý, đôi khi lại thèm muốn được hỏi rằng liệu có phải việc chia tách giữa luật học và kinh tế học, rốt cục, có lẽ là đúng đắn hay không.”14 Trên thực tế, so với nhiều nhà kinh tế học Anh-Mỹ, các học giả Đức và Áo nhấn mạnh mối quan hệ giữa pháp luật và hệ thống kinh tế nhiều hơn và điều này có lẽ đã phản ánh cơ cấu của tổ chức này.

Khi Hayek tái định cư trong thế giới nói tiếng Đức, tiêu điểm quan tâm của ông đã có sự chuyển hướng nhất định. Ông lại bắt đầu nói tiếng Đức trước đồng nghiệp và sinh viên, và cũng viết bằng tiếng Đức nhiều hơn. Ông và người vợ thứ hai gần như luôn nói tiếng Đức. Hơn thế, ông lại “một lần nữa trở thành nhà kinh tế học.” Dù vậy, vì có thể tập trung vào các vấn đề chính sách kinh tế, trái với lý thuyết thuần tuý, nên ông nghĩ mình “vẫn còn có điều gì đó quan trọng để nói.”15 Ông lại tiếp tục với nhiệm vụ giảng dạy tích cực hơn, thuyết giảng, chủ trì hội thảo, và tham vấn cho sinh viên. Trong bài diễn văn ra mắt, ông phát biểu rằng ông từng hy vọng suốt quãng thời gian còn lại trong sự nghiệp năng động của mình, ông sẽ theo hướng những thành quả có được từ kinh nghiệm của “những năm tháng nghiên cứu dằng dặc tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, với thời gian dành cho nghiên cứu nhiều hơn cho giảng dạy.”16 Trong một bản thảo sơ bộ của tác phẩm Sự tự phụ chết người (The Fatal Conceit), ông nhận xét là nửa đầu tiên của cuộc đời ông đã dành cho nghiên cứu và nửa thứ hai dành cho giảng dạy.

Luận điểm của Hayek, tiếp sau d’Entreves, theo đó các nguyên tắc gắn liền với lợi ích chung, xứng đáng được nêu bật. Những gì mà tất cả mọi người đòi hỏi ở mỗi người không phải thuộc về lợi ích của người đó, mà ở chỗ anh ta không gây tác hại đến người khác. Lợi ích chung là phạm vi chức năng của các nguyên tắc – tức là pháp luật, tập quán, và luân lý. Những người khác có thể không đòi hỏi được ở một ai đó lợi ích cá nhân, thông qua pháp luật cưỡng bức cũng như luân lý phi cưỡng bức.

Hayek từng biết rõ Đại học Freiburg trong nhiều năm nhờ tình bạn thân thiết của ông với nhà kinh tế học tự do cổ điển Walter Eucken, người mất mười hai năm trước khi Hayek đảm nhiệm cương vị ở đây. Hayek cũng biết một số đồng nghiệp khác tại Freiburg, nhưng họ cũng qua đời trước khi ông đến. Viện Walter Eucken, tổ chức đóng vai trò đáng kể trong việc xuất bản công trình của Hayek trong thế giới nói tiếng Đức, hiện đóng tại Đại học Freiburg.

Thập niên 1960 về sau được đánh giá là thời kỳ hỗn độn và đầy biến động, nhưng điều này không đúng với hầu hết thời gian của Hayek tại Freiburg. Sự bùng nổ văn hoá của thập kỷ đến tận những năm cuối cùng mới diễn ra, và tình hình xã hội phồn vinh và tương đối thanh bình vốn là đặc trưng của thập niên 1950 vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi thuộc thế giới Phương Tây phát triển cho đến khoảng năm 1967.

Chú thích:

(1) Vở opera của nhạc sỹ vĩ đại người Áo, Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791), viết năm 1791 trước khi ông qua đời. (N.D.)

(2) Ebenstein phỏng vấn Esca Hayek.

(3) HH, 131.

(4) Sđd.

(5) LLL I, 2.

(6) LLL III, xiii.

(7) Jeremy Shearmur, Hayek and After, 89.

(8) HH, 28.

(9) CL, 493.

(10) A. P. d’Entreves, Natural Law (London: Hutchison University Library, 1951), 85-86.

(11) Triết lý toàn diện về thế giới hay là về cuộc sống con người. (N.D.)

(12) Sunday Telegraph (30/9/1962).

(13) Studies, 251.

(14) Sđd, 251-252.

(15) HH, 131.

(16) Studies, 251.

Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp, Phần V, Chương 27, Nhà xuất bản Tri Thức 2007

Dịch giả:
Lê Anh Hùng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh

Bài viết liên quan