[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp] chương 3: Giai đoạn học đại học tại Vienna

[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp] chương 3: Giai đoạn học đại học tại Vienna

Thành Vienna đã không còn như xưa khi đón chàng trai Hayek 19 tuổi trở về tháng 11 năm 1918, sau cuộc tháo chạy của người Áo, sau lần suýt bị bắt làm tù binh vào những ngày khép lại cuộc chiến, và sau khi đã mắc phải căn bệnh sốt rét khiến ông phải mất tới một năm rưỡi mới dứt điểm được. Chế độ cổ xưa bị xóa sổ ở Trung, Đông và Nam Âu. Ở Nga, gia tộc Romanov thoái vị năm 1917 và bị hành quyết năm 1918; ở Đức gia tộc Hohenzollerns bước xuống vũ đài với sự thoái vị của Hoàng đế Wilhelm Đệ nhị; triều đại 700 năm tuổi Habsburg cũng chấm dứt sự tồn tại ở Áo-Hung năm 1918. Toàn bộ kết cấu của trật tự xã hội lung lay đến tận rường cột. Sự chuyển hóa bên trong chỉ bị che khuất bởi quá trình tái định hình cơ cấu chính trị bên ngoài. Tám nhà nước mới cùng Liên bang Xô viết ra đời, biên giới dịch chuyển trên khắp Đông, Trung và Nam Âu.

Trong số năm mươi triệu dân Áo-Hung thì hơn một triệu người đã bỏ mạng vì cuộc chiến. Mười triệu người trên khắp Châu Âu bị giết. Đế chế Áo-Hung bị giải tán. Nước Cộng hoà Áo mới ra đời với số dân không bằng một phần bảy dân số trước đấy của nó, và về lãnh thổ thì chỉ chiếm một phần nhỏ bé của cái đế chế già nua từng háo hức phát động cuộc chiến, mỉa mai thay, lại nhằm mục đích củng cố chế độ của mình.

Khi mới bước chân vào Đại học Vienna cuối năm 1918, Hayek thực sự không biết mình muốn làm gì. Ông còn phân vân giữa tâm lý học và kinh tế học. Ông tập trung vào luật học vì kinh tế học là một nhánh của luật khoa, nhưng ông lại quan tâm đến tâm lý học và kinh tế học như nhau. Cuối cùng ông buộc phải chọn lĩnh vực mà mình quan tâm nhất. Vì những lý do ban đầu về tài chính và nghề nghiệp, ông đã quyết định ngả theo kinh tế học.

Hayek lập kế hoạch kết hợp giữa luật khoa và kinh tế học như một phần trong sự nghiệp của mình, mà ông hình dung có thể là ở trong ngành ngoại giao. Ông chỉ có một ý tưởng chung chung về những gì mình muốn làm. Ông kể lại, “Trong ba năm ở đây, sự phát triển của tôi không hề vướng bận gì tới sự nghiệp tương lai của mình, dĩ nhiên ngoại trừ truyền thống gia đình đã làm chúng tôi cảm thấy rằng chức vị giáo sư đại học là tất thảy thành tựu, là đỉnh cao mà bạn có thể hy vọng, nhưng ngay cả điều đó cũng không phải là rất khả dĩ.”1 Một người bạn đã tiên đoán ngày nào đó ông sẽ trở thành một quan chức cấp cao của một bộ nào đó. 

Như phần lớn người Đức gốc Áo, ông từng cho rằng cuộc chiến sẽ còn kéo dài hơn. Khi còn tại ngũ, ông đã quyết định sẽ vào học viện ngoại giao, “nhưng là từ một lý do khác thường. Tất cả chúng tôi đều cảm nhận cuộc chiến sẽ tiếp diễn không thể xác định được, và tôi muốn rời khỏi quân đội, nhưng lại không muốn mình trở thành một kẻ hèn nhát. Vì thế tôi quyết định tình nguyện vào không quân để chứng tỏ mình không phải là kẻ hèn nhát. Nó đem lại cho tôi cơ hội nghiên cứu những gì mà tôi chờ đợi sẽ là kỳ thi tuyển sinh vào học viện ngoại giao, và nếu còn sống sót sau sáu tháng như một phi công chiến đấu, tôi nghĩ mình sẽ được quyền xuất ngũ. Thế rồi tất cả những thứ đó sụp đổ vì sự kết thúc của cuộc chiến.” Hayek tiến xa tới mức đã nhận được lệnh gia nhập trường huấn luyện bay, điều mà cuối cùng ông không bao giờ thực hiện được. “Hungary sụp đổ, học viện ngoại giao biến mất, và sự thôi thúc ấy trở nên nhạt nhoà.”2

Thành Vienna sau chiến tranh nghèo nàn đến tuyệt vọng. Nước Áo mới chịu ảnh hưởng của nạn đói, khan hiếm nhiên liệu, lạm phát và dịch cúm. Nền kinh tế tan rã. Sau chiến tranh, nhà nước cộng hoà mới xóa bỏ tước hiệu quý tộc và không cho phép cá nhân đề cập đến bản thân với danh nghĩa “von.” Hayek cũng dừng lối danh xưng như thế. Tuy nhiên, nhiều năm sau “von” lại xuất hiện trên giấy khai sinh khi ông được nhập quốc tịch Anh, và tên tiếng Anh của ông “bỗng trở thành von Hayek. Chuyện này xảy ra vào thời điểm [1938] tôi đang rất nôn nóng giải quyết tấm hộ chiếu Anh cho kỳ nghỉ ở Châu Âu.”3

Lần đầu tiên tại Vienna sau Thế chiến I, ông nhận thấy sự hợp lưu của một số ý tưởng và quan niệm (sự kiện về sau được ông nhắc tới trong tác phẩm Đường về nô lệ) và sau đó xuất hiện ở các nước khác. Ông cho rằng chính những ý tưởng và quan niệm này đã đặt nền móng cho sự cai trị của chủ nghĩa tập thể. Sự cận kề với chủ nghĩa cộng sản – Budapest, nơi chỉ cách vài tiếng ô tô, sau vài tháng đã thành lập một chính phủ cộng sản với một số lãnh tụ trí thức của chủ nghĩa Marx hoạt động tích cực nhưng rồi lại nhanh chóng xuất hiện ở Vienna như những kẻ tị nạn – sự sùng bái học thuật đột ngột đối với chủ nghĩa Marx; sự tăng trưởng mạnh mẽ của cái thể chế mà từ đấy chúng tôi mới được biết đến dưới cái tên nhà nước phúc lợi; khái niệm còn mới mẻ lúc bấy giờ về ‘nền kinh tế kế hoạch hóa’; và trên hết là hiện tượng lạm phát tới mức độ mà không một người Châu Âu nào còn sống nhớ nổi, thảy đều được xác định như những chủ đề tranh luận chủ yếu.”4 Đó là thời kỳ của những biến động chính trị, kinh tế và xã hội căng thẳng.

Giai đoạn mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa nhẹ nhàng, trẻ trung của Hayek kéo dài trong độ tuổi khoảng từ mười bảy tới hai ba. Ông “chưa bao giờ bị chủ nghĩa Marx cuốn hút. Ngược lại, khi bắt gặp chủ nghĩa xã hội dưới cái hình thái Mác Xít và học thuyết cứng nhắc đáng sợ ấy, nó chỉ gây cho tôi ác cảm; những người theo chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Marx ở Vienna lại mang tính học thuyết cứng nhắc hơn cả so với phần lớn nơi khác.”5 Ngoài ra, khi nhận xét về tính chủ nghĩa xã hội buổi đầu của mình, Hayek còn nói là nó đã khiến ông “quan tâm đến kinh tế học. Ý tôi muốn nói, tính hiện thực của các kế hoạch xã hội chủ nghĩa này là thế nào khi mà người ta thấy chúng hấp dẫn đến vậy?”6 Thế chiến I làm tăng nhu cầu cải tổ – nó đã xóa bỏ triệt để trật tự cũ, cũng như chỉ ra những khả năng của trật tự xã hội mới qua cách thức tổ chức cuộc chiến. Ông tìm cách biến mình thành một phần của công cuộc cải tổ đang đến, và mối quan tâm của ông tới kinh tế học được nâng lên đáng kể nhờ niềm khát khao muốn biết liệu chủ nghĩa xã hội có khả thi hay không, câu hỏi đã ám ảnh ông suốt quãng đời còn lại của mình, và câu trả lời mà ông dành cho nó là “không.”

Hayek mô tả Đại học Vienna vào thời điểm ông nhập học là “một nơi sôi động khác thường.” Mặc dù hoàn cảnh kinh tế nghèo đói và tình hình chính trị hỗn tạp, nhưng điều đó chỉ “ảnh hưởng chút ít đến trình độ tư duy trí tuệ vốn đã được gìn giữ từ những ngày trước chiến tranh.”7 Ở mức độ nào đấy, Đại học Vienna đã thực sự thu được nhiều lợi ích nhờ dòng học giả đổ về từ khắp nơi thuộc đế chế cũ. Ông “lao đầu” vào nghiên cứu và vào “cuộc sống xã hội hết sức năng động.”8 Ông làm việc suốt ngày và tham gia vũ hội vào buổi tối, dù tình trạng khan hiếm than buộc người ta phải hạn chế bớt ánh sáng. Ông mô tả đời sống xã hội thuở đầu của mình trong một cuộc phỏng vấn. “Ông nói, ‘Đây chủ yếu là các buổi vũ hội của trường đại học. Các cô gái là họ hàng của các giáo sư và đại loại thế. Tính nghi thức ở đây khá đáng kể. Bạn có thể mời một cô gái đi chơi – xem opera chẳng hạn – nhưng luôn có một nữ giám hộ đi kèm.’ Ông được phép đi dạo với cô gái này là vợ thứ hai của ông mà không có người giám hộ, tuy nhiên điều này chỉ nhờ hai người là anh em họ xa.”9

Ông tham gia thành lập Đảng Dân chủ Đức với tư cách sinh viên nhằm tạo một nhóm trung gian giữa các nhà bảo thủ và các nhà xã hội chủ nghĩa. Hệ thống tiền tệ Áo sụp đổ trong thời gian ông học tập. Từ tháng 10 năm 1921 đến tháng 8 năm 1922, giá cả tăng lên tới 7.000 lần.

Ở Đại học Vienna, Hayek được giới thiệu đến với truyền thống kinh tế thị trường tự do, không hạn chế, dòng chảy mà ông đắm mình suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời. Một trong những người đầu tiên có ảnh hưởng đến ông nhiều nhất là Carl Menger, người sáng lập trường phái kinh tế học Áo. Nhân một dịp bàn về ảnh hưởng của các nhà kinh tế học trường phái Áo đối với mình, Hayek nói ông là một “sinh viên trực tiếp của Wieser, và đầu tiên ông có ảnh hưởng lớn nhất đến tôi. Tôi chỉ gặp Mises sau khi đã nhận văn bằng. Nhưng giờ thì tôi đã nhận ra – mà lúc ấy thì không – chính việc đọc tác phẩm Các nguyên lý kinh tế học (Principles of Economics) của Menger là ảnh hưởng có tính quyết định. Có lẽ nghiên cứu của tôi không chỉ bắt nguồn nhiều từ cuốn Các nguyên lý kinh tế học mà còn từ tác phẩm Tìm hiểu phương pháp nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội, đặc biệt là kinh tế học (Investigations into the Method of the Social Sciences with Special Reference to Economics) (1883) của Menger.” Ông bắt đầu bị kinh tế học cuốn hút khi nhận thấy tác phẩm Các nguyên lý kinh tế học của Menger “là một cuốn sách thực sự lôi cuốn – thật đáng đọc.”10

Vị trí của Menger trong tư tưởng xã hội và kinh tế ngày một lớn cùng thời gian, một phần đáng kể, dù không phải hoàn toàn, là nhờ những người kế tục xuất chúng, gồm Eugen von Böhm-Bawerk, Friedrich von Wieser, Hayek, và Ludwig von Mises. Năm 1934, Hayek nhận xét về trường phái kinh tế học Áo, “tất cả các ý tưởng nền tảng của nó đều của mỗi một Carl Menger.”11 Năm 1929 Mises ca ngợi Menger, “toàn bộ tư tưởng kinh tế học ngày nay đều liên quan đến những gì mà Menger và trường phái của ông từng chứng minh. Năm 1871, năm công bố tác phẩm Các nguyên lý kinh tế học, thường được coi là thời điểm mở đầu cho một kỷ nguyên mới trong lịch sử ngành khoa học của chúng ta.”12 Hayek cũng viết, “trong giới sử gia không ai có thể nghi ngờ rằng nếu trường phái Áo chiếm giữ một vị trí gần như độc nhất trong quá trình phát triển của kinh tế học, thì điều này hoàn toàn là nhờ những nền móng mà một mình con người ấy đã xây đắp nên.”13 

Hayek coi đóng góp vĩ đại nhất của Menger là phương pháp luận cá nhân chủ nghĩa hay chủ quan, nó xác định trung tâm của mọi hoạt động kinh tế nằm trong các hành động, các quyết định, các giá trị và tri thức của các cá nhân. Trong tư tưởng kinh tế kỹ thuật của mình, Hayek cũng chịu ảnh hưởng quan trọng từ quan niệm của Menger về các “thứ bậc” khác nhau của hàng hóa. Menger trình bày ý tưởng này trong tác phẩm Các nguyên lý kinh tế học (1871) như sau:

Vấn đề xem ra có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với bộ môn khoa học của chúng ta là cần làm sáng tỏ mối liên lệ nhân quả giữa các loại hàng hóa. Bánh mì mà chúng ta ăn, bột mà chúng ta dùng để nướng bánh, lúa mì mà chúng ta xay thành bột, và cánh đồng trồng lúa mì - tất cả những thứ đó đều là hàng hóa. Tuy nhiên, hiểu biết về thực tế này vẫn chưa đủ cho những mục đích của chúng ta. Ngược lại, từ góc độ của mọi khoa học thực nghiệm khác, chúng ta cần bắt tay vào việc phân loại những hàng hóa khác nhau dựa trên thuộc tính cố hữu của chúng nhằm xác định vị trí của mỗi loại hàng hóa trong chuỗi liên kết nhân quả của hàng hóa, và cuối cùng là nhằm khám phá ra những quy luật kinh tế mà chúng là đối tượng. Bên cạnh những hàng hóa phục vụ trực tiếp nhu cầu con người (để ngắn gọn, sau đây gọi là “hàng hóa bậc một”), chúng ta còn phát hiện ra một số lượng lớn những thứ khác trong nền kinh tế vốn không thể được ghép vào bất kỳ một mối liên hệ nhân quả trực tiếp nào với việc thoả mãn nhu cầu con người, nhưng chúng cũng mang trong mình thuộc tính hàng hóa không hề kém hàng hóa bậc một. Trên thị trường, bên cạnh bánh mì và những hàng hóa khác có khả năng thoả mãn trực tiếp nhu cầu con người, chúng ta cũng bắt gặp những số lượng khác về bột mì, nhiên liệu, và muối. Tất cả những thứ này, dù với số lượng lớn đến thế nào chăng nữa, cũng không thể thoả mãn nhu cầu con người bằng bất kỳ cách thức trực tiếp nào. Việc chúng tuy thế cũng được đối xử như hàng hóa trong nền kinh tế của chúng ta, giống như hàng hóa bậc một, là từ thực tế chúng phục vụ cho quá trình sản xuất ra hàng hóa bậc một, và do đó một cách gián tiếp, cho dù không trực tiếp, có khả năng thoả mãn nhu cầu con người.14

Hayek cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ tác phẩm Tìm hiểu phương pháp nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội, đặc biệt là kinh tế học của Menger, nó bắt nguồn từ Methodenstreit (cuộc tranh luận về phương pháp luận) giữa trường phái lịch sử Đức trong kinh tế học, vốn đang có ảnh hưởng chi phối thời bấy giờ, với Menger và các học trò của ông. Nửa thế kỷ sau, Hayek nhận thấy rằng “lợi ích chủ yếu” của tác phẩm Tìm hiểu đối với “nhà kinh tế học trong thời đại chúng ta dường như nằm ở sự soi rọi khác thường của nó vào bản chất các hiện tượng xã hội, vốn tình cờ lộ ra qua sự xem xét nguồn gốc và tính đặc trưng của các thiết chế xã hội.”15 Sau này ông nói, “dưới cái khuôn thức mà Adam Smith đưa ra, thì câu nói con người trong xã hội ‘không ngừng thúc đẩy những mục đích vốn không phải là một phần ý định của mình’ đã lột tả được vấn đề trung tâm của các ngành khoa học xã hội. Vấn đề ‘làm thế nào mà những thiết chế [xã hội] phục vụ cho mục đích phúc lợi chung và có ý nghĩa quan trọng hơn hết đối với sự thăng tiến của nó lại có thể xuất hiện mà không có sự hiện hữu của một ý chí chung nào nhằm mục đích tạo ra chúng,’ được đưa ra sau Smith một trăm năm bởi Carl Menger, người đã có đóng những góp lớn hơn bất kỳ tác giả nào khác sau Smith trong việc làm sáng tỏ luận đề này. Đây vẫn còn là ‘một vấn đề quan trọng, có lẽ quan trọng nhất, của các khoa học xã hội.’”16

Vấn đề trật tự tự phát là một trong những khám phá uyên thâm nhất của Hayek. Một xã hội thanh bình và hiệu quả có thể xuất hiện bằng cách nào khi không tồn tại một chủ thể chỉ huy? Câu trả lời của Hayek là pháp trị. Pháp luật phù hợp tạo nên – là – cơ cấu hay nền tảng xã hội cho sự phát triển của nhân loại.

Trong tác phẩm Nghiên cứu, Menger đã viết về “sai lầm của những kẻ quy biến tất cả các thiết chế [xã hội] thành những hành vi của cái ý chí chung tích cực,” và “các thiết chế [xã hội] là những kết quả không dự liệu trước.” Ông nhấn mạnh, “khi quan sát kỹ các sinh vật tự nhiên, hầu như không có ngoại lệ nào, ta thấy chúng đều phô bày tính chức năng thật đáng thán phục ở tất cả các bộ phận nằm trong mối tương quan với tổng thể, tính chức năng đó không phải là kết quả của sự toan tính của con người, mà là của một quá trình tự nhiên. Tương tự, chúng ta có thể quan sát trong vô số thiết chế xã hội tính chất chức năng hết sức rõ ràng nằm trong mối tương quan với tổng thể. Nhưng khi soi xét cận cảnh hơn, ta vẫn không nhận thấy chúng là kết quả của một dự định nhằm vào mục đích ấy, tức là, kết quả của sự đồng thuận giữa các thành viên xã hội. Tương tự như thế, chúng tự cho thấy rằng đúng hơn chúng là những sản phẩm tự nhiên. Người ta chỉ cần nghĩ tới ngôn ngữ, nguồn gốc của thị trường, cộng đồng và nhà nước, v.v.”17

Các nguyên tắc phù hợp không phải định ra chi tiết mà là ranh giới cho quan hệ qua lại giữa người với người. Chính phủ không nên chỉ huy nền kinh tế mà xác lập và thi hành pháp luật về sở hữu và trao đổi cho phép cá nhân quan hệ qua lại với nhau theo cách thức đem đến hiệu quả vật chất cao nhất. Quan niệm một cách đúng đắn, tự do không phải là sự thiếu vắng luật lệ mà chính là sự thống trị của nó.

Hayek chỉ gặp Menger một lần, khi Menger sải bước qua trong một cuộc diễu hành tại Đại học Vienna năm 1920, lúc ông khoảng tám mươi tuổi. Trong một cuộc phỏng vấn, Hayek kể lại, “phần khôi hài của câu chuyện là sau đấy tôi viết một chuyên luận tiểu sử về ông, có một câu tôi dựa vào kinh nghiệm của mình và lại chính là câu duy nhất bị sai. Vì khi ấy ông đập vào mắt tôi với dáng vẻ rất ấn tượng, nên tôi đã miêu tả ông là một người cao ráo, nhưng sau đó mọi người nói lại với tôi rằng ông là người tầm thước.”18 Sau khi Menger qua đời, Hayek được mời làm cố vấn cho việc bán thư viện của ông, do đó Hayek nhìn thấy thư viện của tất cả các nhà kinh tế học chủ chốt người Áo, dù ông thấy thư viện của Eugen von Böhm-Bawerk, cũng như trường hợp của Menger, chỉ khi ông này đã qua đời.

Ngoài Menger, hai thành viên chủ chốt khác của trường phái kinh tế học Áo là Eugen von Böhm-Bawerk (mất năm 1914) và Friedrich von Wieser, vốn là các đồng nghiệp và người kế tục vị trí của Menger tại Đại học Vienna, đồng thời giữa họ có quan hệ anh em rể và cũng là bạn chí cốt của nhau. Böhm-Bawerk nhấn mạnh đến tư bản và lãi suất và nêu bật tính ưu việt của phương pháp sản xuất “đường vòng” – đây cũng chính là gốc rễ của các công trình chu kỳ kinh doanh của Hayek và Mises. Böhm-Bawerk trở thành chính khách hàng đầu của Áo và là nhà kinh tế học người Áo tiếng tăm nhất suốt một số thập niên, phần nào nhờ vai trò trong chính phủ của mình. Böhm-Bawerk cũng được biết đến với sự đối lập rõ ràng ngay từ đầu của mình với tư tưởng kinh tế Mác Xít, vốn tương đối nổi bật ở các nước nói tiếng Đức trước khi lan sang thế giới nói tiếng Anh.

So với Böhm-Bawerk và Menger, Wieser có khuynh hướng theo chủ nghĩa tập đoàn và chủ trương nhà nước can thiệp nhiều hơn. Hayek hồi tưởng, khi còn là sinh viên ông “rất ý thức là có hai học phái trong trường phái Áo – học phái Böhm-Bawerk và học phái Wieser. Wieser có hơi hướng cảm tình xã hội chủ nghĩa Fabian.”19 Về quan hệ sau này của ông với Mises, người “đại diện cho học phái Böhm-Bawerk,” ông nhận xét, “có lẽ tôi là người gặt hái được nhiều lợi ích hơn cả nhờ sự dạy dỗ của ông bởi tôi đến với ông với tư cách một nhà kinh tế học bài bản, được đào tạo trong một nhánh song song thuộc trường phái kinh tế học Áo mà từ đấy ông dần dần, tuy không bao giờ hoàn toàn, chinh phục được tôi.”20

Sử gia kinh tế người Áo Joseph Schumpeter, cũng là học trò của Böhm-Bawerk, đã viết về Menger, “phép thử quyết định đối với sức thuyết phục của một luận điểm là liệu nó có thể được coi là có tính quyết định tự thân hay không hay còn phải cần một loạt luận điểm bổ trợ khác. Ý tưởng cơ bản trong lý thuyết của Menger là con người coi hàng hóa có giá trị vì họ cần đến chúng. Thực tế giản đơn ấy cùng với nguồn gốc của nó trong các quy luật về nhu cầu của con người hoàn toàn đủ để giải thích những dữ kiện cơ bản của toàn bộ các hiện tượng phức hợp trong nền kinh tế trao đổi hiện đại. Nhu cầu của con người là động lực của cỗ máy kinh tế.”21 Theo quan điểm của người Áo, kinh tế học cuối cùng quan tâm tới việc thoả mãn những mong muốn, nhu cầu, và khát khao của con người, cùng với tiêu chuẩn cuộc sống vật chất cao nhất, điều này cần đến hầu hết tri thức khoa học.

Schumpeter cũng viết về công trình của Menger, “mọi hiện tượng kinh tế đặc thù đều có thể được nắm bắt trong khuôn khổ quá trình hình thành giá cả. Từ góc độ kinh tế thuần tuý, hệ thống kinh tế chỉ đơn giản là một hệ thống các loại giá cả phụ thuộc. Mục tiêu chính của ông là khám phá quy luật hình thành giá.”22 Trong phần khép lại lời tựa của cuốn Các nguyên lý kinh tế học, Menger viết rằng ông tìm cách “xác lập một lý thuyết về giá cả trong đó gom nhặt hết thảy các hiện tượng giá cả đặt dưới một quan điểm thống nhất – qua đó chúng ta thu nhận được những hiểu biết sâu sắc quan trọng về nhiều quá trình kinh tế khác nhau.”23 Ludwig von Mises khám phá vai trò của các mức giá cả trong bài toán kinh tế khi ông cố gắng bài bác chủ nghĩa xã hội cổ điển. Hayek khám phá vai trò của các mức giá cả trong trật tự tự phát nhiều hơn bất kỳ một học trò nào theo đuổi dòng tư tưởng của Menger, dù rằng Hayek là một sui generis (minh chứng duy nhất).

Hayek kể về khoa kinh tế của Đại học Vienna ngay sau cuộc chiến, “đầu tiên trông nó thật đáng e sợ, nhưng cảm giác ấy chỉ kéo dài một năm. Lúc bấy giờ không còn ai ở đấy cả. Wieser đã rời khỏi đấy để trở thành bộ trưởng trong chính phủ Áo cuối cùng; Böhm-Bawerk mất một thời gian ngắn trước đó; khi tôi đến nơi thì không còn ai ngoại trừ nhà sử học về kinh tế xã hội chủ nghĩa,” Karl Grunberg. Sau đó Wieser trở lại. Hayek mô tả Wieser là một “giáo viên ấn tượng nhất, con người hết sức xuất chúng mà tôi từng ca ngợi rất nhiều. Tôi nghĩ đây là trường hợp giáo viên duy nhất khiến tôi khâm phục, như những thanh niên trẻ tuổi vẫn thường thế. Giữa hai thế hệ chúng tôi, ông là một nhân vật vĩ đại được ngưỡng mộ, hơi giống với cương vị một người ông. Ông rất tốt bụng, là người mà như tôi thường nói, ngự cao trên đầu sinh viên của mình như một kiểu chúa trời, nhưng một khi quan tâm đến một sinh viên nào đó ông lại trở nên hết sức tốt bụng và nhiệt tình giúp đỡ. Một thời gian dài, ông là thần tượng của tôi trong lĩnh vực mà tôi nghiên cứu, qua ông tôi được thụ giáo những kiến thức nhập môn tổng quan chủ yếu về kinh tế học.”24 Ông ngoại Hayek có quen biết Wieser.

Năm thứ nhất ở Đại học Vienna, Hayek chủ yếu nghiên cứu tâm lý học. Quan tâm ban đầu của ông đến tâm lý học có ý nghĩa quan trọng. Chuyên ngành tâm lý học mà ông theo đuổi là tâm lý học triết học, mà trong trường hợp của ông có thể được mô tả là về bản chất của sự nhận thức tinh thần của con người về thế giới vật chất. Trong lĩnh vực này ông phần lớn chịu ảnh hưởng của nhà vật lý và triết học Ernst Mach, người từng giảng dạy tại Đại học Vienna một số năm trước khi qua đời năm 1916 và các ý tưởng triết học của ông chi phối các cuộc thảo luận học thuật ở Vienna suốt những năm tháng sinh viên của Hayek.

Năm thứ hai ở trường, ông phân chia thời gian đều hơn giữa tâm lý học và kinh tế học, và trong vài tuần của một kỳ nghỉ ông đã tới thăm phòng thí nghiệm của một nhà giải phẫu não ở Zurich, truy tìm các bó dây thần kinh đi qua não. Năm thứ ba và giai đoạn nghiên cứu sau đại học, ông chú tâm đến kinh tế học.

Quan hệ của ông với Wieser trở nên mật thiết hơn kể từ năm thứ ba khi ông nghiên cứu văn bằng thứ hai của mình. Văn bằng thứ nhất của ông về luật khoa được trao tháng 11 năm 1921. Ông hồi tưởng về chế độ học hành của mình ở trường: “Đôi khi tôi ngạc nhiên là mình có thể làm được nhiều đến thế trong ba năm nếu như bạn biết rằng nghiên cứu chính thức của tôi là luật khoa. Tôi hoàn tất mọi kỳ thi luật với điểm số xuất sắc, và lại còn phân chia thời gian gần như đều nhau giữa tâm lý học và kinh tế học. Tôi tham dự tất cả các buổi thuyết trình khác ở đây và đến nhà hát hầu như mọi buổi tối.”25 Dù là sinh viên luật khoa chính thức, nghiên cứu về luật khoa của ông lại mang tính chất “ngoài lề.”26 Ông chịu ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực này qua khóa học ba kỳ về lịch sử pháp luật.

Các buổi thuyết trình và khóa học đa dạng mà ông tham gia còn gồm cả giải phẫu học. “Tôi có sự tiếp cận dễ dàng. Em trai tôi nghiên cứu ở khoa giải phẫu học; vì thế thi thoảng tôi lẫn vào các buổi thuyết giảng và thậm chí vào phòng phân tích giải phẫu.”27 

Cuối những năm 1910 và đầu 1920, chương trình giáo dục cao học trong thế giới Giécmanh khác với ở Mỹ hay bất cứ ở đâu vào thời điểm hiện nay. “Sự truyền đạt kiến thức hầu như hoàn toàn chỉ giới hạn trong những bài thuyết trình chính thức. Không có bài kiểm tra nào ngoại trừ ba kỳ thi chính, phần lớn lại rất sát cuối kỳ học; vì thế ngoài yêu cầu chỉ mang tính chính thức thuần tuý là giáo sư phải xác nhận sự có mặt của sinh viên, thì họ không chịu bất kỳ sự quản lý nào. Chúng tôi thực sự hoàn toàn tự do về những việc mình làm, với điều kiện là phải sẵn sàng cho bài kiểm tra vấn đáp. Suốt khóa học chúng tôi không phải làm một bài viết nào, hay không có bài viết bắt buộc. Có một số bài thực hành về các môn pháp lý trong đó chúng tôi bàn luận về những vấn đề cụ thể, nhưng thậm chí chúng cũng không phải bắt buộc. Và đặc biệt ở khoa luật, đa số sinh viên hầu như không nhìn thấy trường đại học mà thay vào đó họ đến nhà giáo viên hướng dẫn và giáo viên này sẽ trang bị kiến thức để họ tham dự kỳ thi cuối.”28

Chỉ một tỷ lệ nhỏ sinh viên là thực sự quan tâm đến tri thức. Số khác chỉ đơn giản muốn vượt qua kỳ thi. Nhóm sinh viên nhỏ này “thực sự không chuyên sâu vào một ngành duy nhất nào. Tôi thường dự các buổi thuyết trình về sinh học, lịch sử nghệ thuật, triết học… Tôi cứ xoay vòng thử từ chuyên ngành này đến chuyên ngành khác. Nếu bạn nằm trong nhóm, bạn sẽ thường xuyên gặp chính những người đó. Tất cả đều diễn ra trong cùng một tòa nhà.”29

Thời gian này, trong các trường đại học thuộc thế giới Giécmanh có một quãng cách đáng kể giữa tính kỷ luật có tổ chức của trường cấp hai và sự tự do của trường đại học. Người ta phải “học để tìm phương pháp cho mình, và phần lớn những ai kha khá một chút là đã học được cách tự mình nghiên cứu mà chỉ cần một ít chỉ giáo và khích lệ từ các bài giảng.”30 Thời gian thụ giáo đại học của Hayek căng thẳng và ngắn ngủi khi ông nhận văn bằng đầu tiên của mình.

Ông kể lại trong một cuộc phỏng vấn là với những sinh viên hàng đầu thì

thậm chí trong môn của mình, họ cũng dành thời gian nghiên cứu nhiều hơn mức độ cần thiết cho kỳ thi. Phần lớn những người sẵn sàng tự nguyện tham gia seminar ngoài các bài giảng chính thức thường không chỉ quan tâm đến kinh tế học mà còn vượt ra ngoài khuôn khổ ấy.

Hỏi: Quan điểm của ông về những lợi thế của sự chuyên sâu hay theo đuổi nghiêm túc nhiều lĩnh vực cùng lúc, cách mà ông và những người ưu tú cùng thời với mình từng làm?

Trả lời: Ồ, ở thời chúng tôi điều này có rất nhiều lợi ích. Tôi nghĩ chúng tôi hay đặt câu hỏi hơn và sẵn sàng hơn cho việc đó, nhưng chúng tôi lại nắm bắt thực tế kém sinh viên bây giờ. Bạn không gặp phải vấn đề gì nếu bỏ qua một môn, cho đến một mức độ nào đó. Tôi nghĩ là thông qua bất kỳ hình thức kiểm tra năng lực về một môn học chuyên sâu nào, chúng tôi có lẽ cũng không được đào tạo tốt như sinh viên bây giờ. Mặt khác, chúng tôi có quan điểm nghiên cứu đa dạng; chúng tôi quan tâm đến rất nhiều thứ; dù không phải là những nhà chuyên môn được đào tạo tốt, nhưng chúng tôi biết làm cách nào để thu được kiến thức về một môn nào đó. Và ngày nay tôi nhận thấy rằng ngay cả những người rất tiếng tăm trong lĩnh vực của mình cũng không biết làm thế nào để đạt được mục đích của mình nếu buộc phải học một môn mới. Với chúng tôi thì điều này không thành vấn đề. Chúng tôi từng thường xuyên làm như thế. Chúng tôi có sự tự tin là nếu ai đó thực sự muốn theo đuổi một môn học thì người ấy hẳn là đã biết được phương pháp nghiên cứu môn học đó.31

Về cuối đời ông nhận xét, Vienna là “một trong những trung tâm trí tuệ của thế giới. Không gì có thể sôi động hơn thành Vienna những năm 1920 đầu 1930.”32 Trong các nguồn gốc khiến cho thành phố này trở nên vĩ đại về trí tuệ thì trước hết là nhờ cộng đồng Do Thái của nó, một trong những cộng đồng lớn nhất và có lẽ tài năng nhất trên thế giới, với chừng hai trăm ngàn người, trong đó chỉ còn chưa đầy tám ngàn người tiếp tục ở lại Vienna sau Thế chiến II. Đầu thế kỷ 20, dân số thành phố xấp xỉ hai triệu người.

Quan hệ qua lại của Hayek với người Do Thái lúc đầu chỉ mang tính hời hợt. Trước khi bước vào đại học, ông không biết rõ một người Do Thái nào. Trong khuôn khổ văn hóa Cơ đốc giáo Áo đương thời, thì khi ở trường đại học quan hệ qua lại giữa ông với người Do Thái thuộc về phía tự do hay tiến bộ. Ông có quan hệ rộng, trên phương diện cá nhân cũng như chuyên môn, với một số sinh viên và giáo viên Do Thái.

Mức độ truyền đạt tri thức tại Đại học Vienna hết sức cao. Ngoài số giảng viên biên chế ở trường còn có hệ thống giảng viên tư thục hoạt động. Giảng viên tư thục là những người được cấp giấy phép giảng dạy sinh viên và không được trường đại học trả lương, mà nhận các khoản thanh toán rất khiêm tốn từ sinh viên. Nhiều giảng viên tư thục là người Do Thái, trong đó có Mises và Sigmund Freud. Hayek trầm trồ nhớ lại, “Các giảng viên chính đều thuộc đẳng cấp thứ nhất. Mọi giảng viên, hầu như tất cả, đều rất thông thái” và họ có lẽ đều đã có những đóng góp nhất định cho học thuật. “Họ buộc phải giỏi nếu không sẽ không có sinh viên theo học.”33

Hayek nhớ là có ba nhóm quan hệ qua lại trong phạm vi cộng đồng tri thức đặc biệt của Vienna – nhóm toàn Thiên chúa giáo, nhóm hỗn hợp Thiên chúa giáo – Do Thái, và nhóm toàn người Do Thái. Hayek không có quan hệ nào với nhóm cuối, vì thế không có quan hệ với Freud. Ông có quan hệ qua lại với nhóm Thiên chúa giáo và nhóm hỗn hợp.

Về thói quen nghiên cứu của mình, Hayek nói, ông “nhanh chóng từ bỏ mọi nỗ lực ghi chép bài giảng – ngay khi tôi cố ghi lại thì tôi cũng ngừng hiểu bài luôn. Những điều thu lượm được từ việc nghe và đọc suy nghĩ của người khác đã làm thay đổi sắc thái các quan niệm của riêng tôi. Những gì tôi nghe hay đọc không giúp tôi tái tạo tư tưởng của họ nhưng lại làm thay đổi tư tưởng của tôi.”34 Một lần khác ông nhận xét về vấn đề này, “điều này rất đáng tò mò. Tôi thật khó có thể nhắc lại ý tưởng của người khác bởi tôi đọc và thu nạp những gì mà mình thích vào suy nghĩ của mình. Tôi không thể đọc một cuốn sách và liệt ra những luận điểm của nó. Có lẽ điều tôi có thể nói là mình đã học được gì từ cuốn sách ấy. Nhưng nếu có phần luận điểm nào đó mà bản thân tôi không đồng cảm thì tôi bỏ qua.”35

Hayek là một tác gia có sức sáng tạo phi thường. Không phải lúc nào ông cũng hấp thu được hầu hết ánh sáng trí tuệ của người khác và vì thế điều này dẫn đến sự thiếu chuẩn xác trong các quan điểm nghiên cứu của mình. Nhờ năng lực trí tuệ siêu việt, ông thực sự có khả năng dẫn dắt được các lý thuyết dựa trên giả định tới mức độ rất xa. Giống như các tác gia vĩ đại khác, những gì ông viết ra được đôi khi lại hay hơn suy nghĩ của ông.

Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek- Cuộc đời và sự nghiệp, Phần I, Chương 3, Nhà xuất bản Tri Thức 2007

Chú thích:

(1) UCLA, 2.

(2) Sđd, 1-2.

(3) North/Skousen phỏng vấn Hayek.

(4) CW IV, 20-21.

(5) UCLA, 12.

(6) Sđd. (7) CW IV, 20.

(8) HH, 48.

(9) Johnson, Daily Telegraph, 33.

(10) UCLA, 248, 174.

(11) CW IV, 62.

(12) Bettina Bien Greaves, Austrian Economics: An Anthology (Irvington-on-Hudson, New York: Foundation for Economic Education, 1996), 47.

(13) CW IV, 62.

(14) Carl Menger, Principles of Economics (Grove City, Pennisylvania: Libertarian Press, 1994), 55-57.

(15) CW IV, 79.

(16) CRS, 83.

(17) Carl Menger, Investigation into the Method of the Social Sciences with Reference to Economics (New York University Press, 1985), 149, 151, 130.

(18) North/Skousen phỏng vấn Hayek.

(19) UCLA, 49-50.

(20) KES, 18.

(21) Joseph Schumpeter, Ten Great Economists (London: George Allen & Unwin), 80, 83-84.

(22) Sđd, 84.

(23) Menger, Principles of Economics, 49.

(24) UCLA, 13-14.

(25) Sđd, 25.

(26) CW IV, 173.

(27) UCLA, 24-25.

(28) Sđd, 27-28.

(29) Sđd, 25, 28.

(30) Sđd, 29.

(31) Sđd, 27-30.

(32) IEA, 13.

(33) North/Skousen phỏng vấn Hayek.

(34) NS, 52.

(35) Shehadi phỏng vấn Hayek.

Dịch giả:
Lê Anh Hùng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh

Tác giả liên quan