[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 19 - Tâm lí học

[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 19 - Tâm lí học

CHƯƠNG XIX. TÂM LÝ HỌC

Công trình nghiên cứu tâm lý học thuộc vào loại khó nhất trong số các trước tác của Hayek, như chính ông thừa nhận. Ông không bao giờ đánh mất mối quan tâm ban đầu về tâm lý học. Sau tác phẩm Con đường tới nô lệ (The Road to Serfdom), với việc đã thực hiện một điều dường như là sự “hoàn thành nghĩa vụ,”1 ông quyết định tự ban thưởng cho mình bằng việc không quan tâm đến những gì mà người ta vốn chờ đợi ở ông và thay vì thế lại thực hiện điều mà ông quan tâm hơn hết vào lúc ấy, đó là ý tưởng lâu năm về tâm lý học lý thuyết. Ông từng một lần “có tác động thực tiễn nhất định”2 và đồng thời cũng kiếm được số tiền kha khá. Ông muốn dành sức lực cho nghiên cứu thuần tuý trừu tượng một thời gian.

Hayek dành năm năm nghiên cứu công trình Trật tự cảm giác (The Sensory Order), cả ở London và Chicago. Thời kỳ này cuộc sống cá nhân của ông đang trong giai đoạn chuyển tiếp sau khi ly hôn với vợ, rồi ông thành lập Hội Mont Pelerin. Khả năng cống hiến thời gian cho nghiên cứu học thuật của ông bị hạn chế hơn so với giai đoạn thập niên 1930 và đầu thập niên 1940, ít nhiều do ông dành thêm công tác quản lý và giảng dạy tại LSE.

Bất chấp sự khó khăn của nó, ông vẫn coi nghiên cứu tâm lý học thuộc loại quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình. Năm 1978, ông trao đổi với James Buchanan 1, nhà kinh tế học được trao Giải Nobel:

Hỏi: Ngài từng viết một cuốn sách về tâm lý học?

Đáp: Tôi vẫn tin đó là một trong những đóng góp quan trọng của mình cho tri thức. Cuốn sách bây giờ đã hai mươi lăm năm, còn cái ý tưởng thì đã năm mươi năm có lẻ.

Hỏi: Ngài có thể tóm lược khái niệm đó chăng?

Đáp: Tôi nghĩ điều thực sự có ý nghĩa quan trọng đối với nó, và điều mà tôi đã không thể thực hiện khi hình dung ra ý tưởng lần đầu tiên, là việc trình bày vấn đề mà mình cố gắng giải đáp hơn là lời giải đáp mà mình muốn tìm. Và vấn đề nằm ở chỗ, Điều gì quyết định sự khác nhau giữa các phẩm tính cảm giác (sensory qualities)? Nỗ lực ở đây là nhằm quy nó về những quan hệ nhân quả, hay như bạn có thể nói là những liên kết nhân quả, trong đó phẩm tính của một cảm giác cụ thể – thuộc tính của nỗi buồn, hay bất kể thứ gì – trên thực tế chính là vị trí của nó trong hệ thống những liên kết tiềm tàng dẫn đến hành động. Về mặt lý thuyết, bạn có thể mô phỏng loại sơ đồ diễn tả bằng cách nào mà một tác nhân kích thích lại khơi dậy những tác nhân kích thích khác và sau đó là những tác nhân kích thích xa hơn nữa, điều này về nguyên tắc là có thể mô phỏng toàn bộ các quá trình tâm thần.3

Một dịp khác, khi nói về công trình tâm lý học của mình, Hayek cho biết là ông đã viết một cuốn sách trong đó ông “cố gắng đưa ra chí ít là một giản đồ nhằm giải thích việc làm thế nào mà các quá trình sinh lý lại có thể tạo nên sự đa dạng phong phú về đặc tính mà các giác quan của chúng ta đem lại. Cuốn sách kết thúc với bằng chứng là trong khi chúng ta có thể đưa ra lời giải thích về nguyên tắc hoạt động của nó, thì chúng ta lại không thể đưa ra lời giải thích chi tiết, bởi bộ óc của chúng ta, có thể nói, là một bộ máy phân loại. Và mọi bộ máy phân loại đều phải phức tạp hơn những gì mà nó phân loại; vì thế nó không thể tự phân loại chính nó. Bộ óc con người không thể giải thích được chi tiết của chính nó.”4

Việc xem xét bối cảnh của nhóm (thực chứng logic) Vienna cùng chủ nghĩa thực chứng logic (logical positivism) sẽ giúp đánh giá công trình của Hayek trong các lĩnh vực liên quan đến tâm lý học. Nhóm thực chứng logic Vienna do Moritz Schlick thành lập năm 1925, người đã tiếp nhận vị trí giáo sư sử học và triết học của Ernst Mach trong các môn khoa học đại cương tại Đại học Vienna. Nhóm chỉ là một seminar cá nhân do Schlick tổ chức, với các thành viên do chính ông mời. Hayek từng dự các buổi thuyết trình của Schlick, mặc dù ông chưa bao giờ là thành viên của nhóm thực chứng logic Vienna hay là một nhà thực chứng logic.

Không nên nhầm lẫn chủ nghĩa thực chứng logic với chủ nghĩa thực chứng Pháp thế kỷ 19 của Auguste Comte, mà Hayek phê phán trong tác phẩm Cuộc cách mạng ngược trong khoa học (The Counter-Revolution of Science). Tuy thế, chủ nghĩa thực chứng của Comte lại soi sáng chủ nghĩa thực chứng thế kỷ 20. Comte đặt ra thuật ngữ (tiếng Pháp) positivisme từ positif, trong tiếng Pháp nó là từ có ý nghĩa hiện thực vật chất (trái với sự tin chắc) nhiều hơn so với từ tương đương “positive” trong tiếng Anh. Khía cạnh mang tính vật chất vật lý rõ hơn của chủ nghĩa thực chứng thể hiện trong nguồn gốc tiếng Pháp của nó sau này đã giúp lý giải từ nguyên trên khía cạnh triết học của thuật ngữ. Comte bắt tay vào việc xây dựng một khoa học xã hội dựa trên cơ sở tri thức vật chất chặt chẽ – tương phản với siêu hình hay lý thuyết. Ông không quan tâm nhiều đến bản chất của chân lý hay tri thức thực chất, như các nhà thực chứng logic thế kỷ hai mươi. Ông quan tâm đến ý nghĩa xã hội trong lý thuyết của mình.

Những chủ đề thực chứng logic nổi bật sau này gồm có sự cần thiết của sự chứng thực đối với tri thức; ý nghĩa riêng biệt của toán học, logic, và khoa học với vai trò tri thức; và sự bác bỏ đạo đức, siêu hình học, và tôn giáo (về mặt tri thức). Các nhà thực chứng logic quan tâm đến cơ sở của tri thức: Cái gì làm cho điều gì đó là đúng, hay chân lý có thể thích hợp với ấn tượng/tiếp nhận cảm giác như thế nào? Họ khai thác mạnh mẽ công trình của các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa Anh trước đó như David Hume, người tin rằng tri thức cuối cùng phải được quy về các ấn tượng giác quan, cùng các triết gia gần đây hơn về các lĩnh vực toán học, logic, và khoa học chẳng hạn như Ludwig Wittgenstein và Bertrand Russell 2. Thế giới quan chủ yếu của nhóm thực chứng Vienna và các nhà thực chứng logic nói chung có thể được nắm bắt qua câu nói của Schlick, “ý nghĩa của một định đề là ở phương pháp kiểm chứng nó.”5 Kiểm chứng là trọng tâm của giản đồ thực chứng logic. Các định đề phải được đưa ra theo cách có thể xác minh bằng thực nghiệm thì mới có tính khoa học.

Sự phản bác của Hayek đối với chủ nghĩa thực chứng logic thể hiện phần nào qua trích đoạn sau từ cuốn Hiến pháp về quyền tự do (The Constitution of Liberty). Ông viết, ông không “muốn đánh giá thấp giá trị của cuộc đấu tranh bền bỉ và không mệt mỏi ở thế kỷ 18 và 19 chống lại những niềm tin cho thấy rõ là sai lầm. Tuy nhiên, việc mở rộng khái niệm mê tín đến tất cả những niềm tin vốn không tỏ ra là đúng lại thiếu vắng một cơ sở phán xét tương tự và thường có thể gây tai hại. Việc chúng ta không nên tin tưởng bất kỳ điều gì đã được chứng minh là sai lầm không có nghĩa là chỉ nên tin tưởng vào những gì đã được chứng minh là đúng.”6

Hayek có quan niệm về tri thức mang tính gợi mở hơn, do đó rộng hơn, so với các nhà thực chứng logic. Theo Hayek, chân lý không bị giới hạn trong phạm vi những gì có thể được chứng minh về mặt thực nghiệm. Trên thực tế, cùng với Popper và Friedman, ông cho rằng không tồn tại những thứ như bằng chứng tuyệt đối, và phần chân lý tốt nhất khả dĩ đạt được luôn luôn phải cần tu chỉnh thêm. Quan niệm về chân lý mang tính gợi mở này có liên quan nhất định đến ý tưởng theo đó không phải tất cả tri thức đều có thể được diễn đạt bằng lời và ý tưởng về quá trình phát triển tiến hoá, bất định hướng của xã hội.

Hayek nhận xét trong tự truyện rằng mối quan tâm về tâm lý học của mình chủ yếu được khơi dậy qua mối quan tâm đến công trình của nhà vật lý và nhà nhận thức luận Ernst Mach. Chính khi đọc các trước tác triết học của Mach, Hayek “đã hình thành cái ý tưởng mà tôi từng cố gắng bất thành nhằm lý giải nó qua một bài viết ngắn năm 1920 và cuối cùng ba mươi hai năm sau xuất bản trong cuốn Trật tự cảm giác.”7

Chủ nghĩa thực chứng logic và các ý tưởng tâm lý học của Hayek thoát thai riêng rẽ từ công trình của Mach. Năm 1977, Hayek viết về tác phẩm Phân tích các cảm giác (Analysis of Sensations) của Mach:

Ông đã phân tích sâu sắc về việc bằng cách nào mà những cảm giác thuần tuý cơ sở, theo như nhìn nhận của ông, tương ứng với các tác nhân kích thích giác quan đơn lẻ lại nhờ kinh nghiệm để đi đến chỗ được sắp xếp xa hơn theo những đặc điểm thu được chẳng hạn như các tín hiệu cục bộ. Điều này khiến tôi, trong một khoảnh khắc bừng sáng bất ngờ của trí tuệ, đã nhận thấy rằng giả thiết theo đó cốt lõi của cảm giác đầu tiên gắn với xung lực [khởi động] hướng tâm là một giả thiết thừa, và tất cả các thuộc tính của quá trình trải nghiệm giác quan (và ngay tiếp sau đó, tất cả các phẩm tính tinh thần) đều có thể được giải thích theo một cách nào đấy qua vị trí của chúng trong hệ thống các mối liên kết. Tôi bắt đầu nhận thấy là có hai trật tự qua đó chúng ta có thể lĩnh hội cùng một tập hợp biến cố – hai trật tự giống nhau trên một số khía cạnh nhưng lại khác nhau chính xác theo cách thức mà bức tranh cảm giác của chúng ta về thế giới và quan niệm khoa học của chúng ta về bức tranh đó là khác nhau.

Ông kết luận, thế giới các đặc tính tâm thần cung cấp cho chúng ta một bản đồ gien không hoàn hảo với những đơn vị chỉ tồn tại trong địa hạt tâm thần ấy, nhưng lại có tác dụng định hướng chúng ta thành công ít nhiều trong môi trường của mình. Kết luận này dẫn tôi đến với quan điểm triết học về mối liên hệ giữa thế giới vật chất và thế giới cảm giác mà thời điểm ấy mới được nhà vật lý Max Planck xét lại, nhưng trên thực tế nó lại trở về với Galileo Galilei 3, người vào năm 1623 đã viết: “Tôi cho rằng những vị, mùi, màu… này chẳng qua là những cái tên, nhưng chỉ trú ngụ trên cơ thể nhậy cảm, do vậy, nếu khử bỏ phần động vật đi, thì bất kỳ đặc tính nào như vậy cũng sẽ bị loại trừ và triệt tiêu.”

Vì thế, tôi rút ra kết luận ở giai đoạn đầu: các hiện tượng tâm thần là một trật tự đặc thù của những hiện tượng vật chất nằm trong một hệ thống con của thế giới vật chất, liên kết hệ thống thế giới con lớn hơn mà ta gọi là một tổ chức hữu cơ (mà chúng là bộ phận của nó) với hệ thống tổng thể qua đó cho phép tổ chức hữu cơ ấy tồn tại.

Công trình của ông ở đây cũng theo truyền thống Kant 4, người đã lập luận rằng sự trải nghiệm cảm giác xuất hiện trong một tổ chức hữu cơ thay vì có tư cách bản thể học (ontology) riêng.

Có lẽ phần lý thú và thích hợp nhất trong tác phẩm Trật tự cảm giác là phần “ý nghĩa triết học” trong các ý tưởng của Hayek, được ông lấy làm tiêu đề chương cuối cùng của cuốn sách. Ông viết cuốn sách để phần nào cho thấy giới hạn tột cùng của tri thức về thế giới vật chất. Vì những gì mà một cá nhân có thể biết về thế giới nhận thức qua giác quan là có giới hạn, nên những gì mà một cá nhân có thể biết về thế giới vật chất thực tế còn thể hiện sự hạn chế rõ hơn; theo Hayek, cuối cùng người ta có thể không hiểu gì về thế giới vật chất thực tế.

Sự hạn chế tri thức là chìa khoá trong tư tưởng kinh tế học cũng như tâm lý học của Hayek. Thế giới cảm giác, giống như xã hội, có tính phức hợp. Theo tư tưởng Hayek, cả trong thế giới cảm giác cũng như thế giới xã hội, ý tưởng về tính phức hợp hết sức có ý nghĩa. Tính phức hợp ngăn cản sự phán đoán và kiểm soát chi tiết.

Hayek tin rằng hữu thức (consciousness) được quyết định qua quá trình tiến hoá. Ông lập luận trong tác phẩm Trật tự cảm giác, “bộ máy [trí óc] mà qua đó chúng ta biết về thế giới bên ngoài là sản phẩm của một loại kinh nghiệm.” Trong cuốn Cuộc cách mạng ngược trong khoa học, ông viết: “sự phân loại các tác nhân kích thích trong hệ thống thần kinh trung ương của chúng ta có lẽ mang tính ‘thực dụng’ cao ở chỗ nó nhấn mạnh những mối quan hệ giữa thế giới bên ngoài với cơ thể chúng ta, mà trong quá trình tiến hoá chúng đã cho thấy ý nghĩa của mình đối với sự tồn tại của các loài.” Sự tiến hoá xuyên suốt tư tưởng của ông về tâm lý học, kinh tế học, và trật tự xã hội. Theo ông, ý nghĩa của tác phẩm Trật tự cảm giác là “đã làm sống lại mối quan tâm của tôi về lĩnh vực tiến hoá sinh học,” ý tưởng về sau được ông áp dụng vào trật tự xã hội.

Ông luôn có ý định tiếp tục công trình về các chủ đề tâm lý học cùng bài viết của mình một phần tư thế kỷ trước. Trong lời giới thiệu cuốn Trật tự cảm giác ông viết, “thời gian mà lúc đó tôi nghĩ là chỉ gác lại bản lược thảo một vài năm đã trở nên dài hơn rất nhiều.” Cuốn sách là “kết quả của ý tưởng tự nảy ra trong tôi khi còn là một thanh niên rất trẻ.”

Hayek cảm thấy công trình nghiên cứu tâm lý học của mình không được đánh giá cao, và đến nay nó vẫn chưa được đánh giá cao, ngoại trừ một nhóm rất nhỏ các nhà tâm lý học hàn lâm. Tuy nhiên đối với ông, “tri thức mà tôi thu được từ giai đoạn đầu năm 1920 hay sau này trong thập niên 1940 có lẽ là những sự kiện phấn khích nhất từng xẩy ra với tôi, định hình tư tưởng của tôi.”13 Chúng đã dạy ông “rất nhiều về phương pháp luận khoa học, ngoài cái chủ đề đặc biệt. Những gì mà tôi viết về chủ đề này, lý thuyết về các hiện tượng phức hợp, đều là kết quả như nhau từ công trình của tôi về kinh tế học cũng như tâm lý học.”

Năm 1977, tại cuộc hội nghị về tư tưởng kinh tế học và tâm lý học của ông, Hayek nhận xét là ở “cả hai trường hợp chúng ta đều gặp những hiện tượng phức hợp mà ở đó đòi hỏi một phương pháp sử dụng tri thức phân tán rộng rãi.” Giữa quan niệm chung về thế giới vật chất mà mỗi một người đều có khả năng hình thành xét trên phương diện tâm lý học, và sự mong muốn về những nguyên tắc chung nhằm định hướng xã hội, là có sự tương đồng. Tri thức cá nhân cụ thể cũng như sự kiểm soát xã hội cụ thể đều không khả thi; theo Hayek, những gì tốt nhất khả dĩ hy vọng là tri thức về một mô thức của thế giới vật chất và việc xây dựng khuôn khổ pháp lý mà ở đó quá trình ra quyết định cá nhân có thể diễn ra.

Giữa tư tưởng tâm lý học, kinh tế học và xã hội của Hayek còn có mối liên hệ khác. Trong lời giới thiệu tác phẩm Trật tự cảm giác, Heinrich Kluver viết, từ một “góc độ rộng rãi, lý thuyết của ông có thể được coi là sự minh chứng cho câu châm ngôn của Goethe ‘tất cả thực tế đều đã là lý thuyết’ trong lĩnh vực các hiện tượng cảm giác và tâm lý học khác… Nhận thức luôn là một sự diễn giải.” Cũng trong một tư tưởng khác của Hayek, ông nhấn mạnh lý thuyết đi trước quan sát thực nghiệm.

Tri thức bị phân chia, không hoàn chỉnh, và phức tạp. Phần tri thức của mỗi người là vô cùng nhỏ. Những phán đoán duy nhất có tính khả thi khi tính phức hợp càng ngày càng tăng là những phán đoán chung là ý tưởng phù hợp với hệ thống xã hội mà ở đó chỉ có những thông số rộng nhất ràng buộc các hành động được xác lập. Pháp luật cho phép vượt qua tính phức tạp của xã hội. Trong một bức thư năm 1948, ông mô tả công trình tâm lý học của mình là “điều quan trọng nhất mà tôi từng thực hiện;” nhiều năm sau ông cũng bày tỏ rằng “chưa ai hiểu được nó.”

Vào cuối đời, Hayek từng một số lần bộc lộ nhận định: “giữa thập niên 1940 – tôi nghĩ mình có vẻ rất kiêu ngạo – tôi đã cho rằng mình được biết đến với tư cách một trong hai nhà kinh tế học chủ yếu gây nhiều tranh cãi, Keynes và tôi. Bấy giờ Keynes đã mất [tháng 4 năm 1946] và trở thành một vị thánh; còn tôi thì lại tự ngờ vực bản thân bằng việc ấn hành cuốn Con đường tới nô lệ.”19 Một dịp khác ông nói, “dẫu chừng nào Keynes còn sống ông ta còn gây tranh cãi – rất nhiều tranh cãi – thì sau khi mất ông ta lại được nâng lên tầm một vị thánh. Sau khi Keynes qua đời, suốt thời gian hai mươi năm tôi đã chua chát hối tiếc về việc từng một lần nói với vợ rằng mình có lẽ là nhà kinh tế học nổi tiếng nhất còn sống. Nhưng chỉ mười ngày sau thì điều đó có lẽ không còn đúng nữa. [cười] Chính vào lúc ấy, Keynes trở thành một nhân vật vĩ đại, còn tôi thì dần dần bị lãng quên với danh nghĩa một nhà kinh tế học.”

Những người khác không chia sẻ quan điểm với Hayek, rằng vào thời điểm Keynes qua đời, ông được coi là một trong hai nhà kinh tế học hàng đầu. Ronald Coase nói, ở Anh “những người khác sẽ không nghĩ thế. Theo Friedman, điều này “sẽ không đúng ở Mỹ. Tôi không thể nhớ thời điểm nào ở Mỹ khi tên của Keynes được đặt cạnh Hayek với cùng mức độ xuất chúng trong kinh tế học. Trên thực tế, có thể nói Robbins có lẽ có nhiều khả năng được liên hệ với Keynes nhiều hơn trong con mắt người Mỹ.” Cho đến hôm nay, thời điểm mà Hayek cảm nhận được sự chú ý lớn nhất của công chúng là mùa xuân năm 1945 ở cả Anh và Mỹ. Chắc chắn ông đã nhận thấy ý tưởng trong tác phẩm Con đường tới nô lệ bắt nguồn từ những công trình trước đó của mình theo cách mà những đối thủ hay bạn bè của ông không thấy được rõ ràng như thế. Sau khi Công Đảng giành thắng lợi vang dội trong cuộc tổng tuyển cử năm 1945 – và sau sự chỉ trích nhằm vào ông trong tua thuyết trình ở Mỹ cùng chiến dịch tổng tuyển cử ở Anh – theo như lời một số “người quen có quan điểm thiên về cánh tả hơn” của Hayek thì ông “chấm dứt” vai trò một “nhà khoa học và trở thành một nhà tuyên truyền.” Nhà tư tưởng Hayek trở thành biểu tượng Hayek ở Anh cũng như ở Mỹ sau thắng lợi của Công Đảng năm 1945.

Thư từ đương thời của Hayek cho thấy sau đó ông nghĩ rằng mình đã sai lầm khi vẫn còn lưu lại nước Anh sau chiến tranh. Ông tránh xa khỏi đồng nghiệp ở LSE. Mặc dù ông có nhiều bài công bố trên tờ Economica suốt thập niên 1930 và đầu 1940, thì sau bài viết về lịch sử LSE đăng trên số tháng 2 năm 1946, ông không còn đăng gì nữa trên tờ chuyên san của LSE suốt bốn năm cuối cùng ở London. Tháng 11 năm 1947, Hayek viết cho L. B. Miller thuộc Ban Nghiên cứu Chính phủ (Bureau of Governmental Research) rằng ông cảm thấy vô dụng và không được đánh giá cao ở Anh, ông dạy quá nhiều, quan điểm của ông bị coi là cực đoan, và những góp ý của ông không được lưu tâm – ông bổ sung là lẽ ra trước đó ông nên chấp nhận một số lời mời ở Mỹ.

Năm 1948, Hayek cân nhắc phần tái bút cho tác phẩm Con đường tới nô lệ, bổ sung một số phát triển từ khi nó được công bố. Ông lo lắng vì những hành động của chính phủ Công Đảng sau chiến tranh, đặc biệt là việc quốc hữu hoá và sự điều tiết nhiều hơn của chính phủ đối với một số mặt quan trọng của nền kinh tế Anh. Điều lý thú là Hayek từng dự định dùng lời đề từ của Lord Acton cho phần tái bút khả dĩ này, nhưng cuối cùng ông lại chọn nó làm lời đề từ cho phần tái bút tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do, “những người bạn của tự do trong tất cả mọi thời đại đều hiếm hoi, và sự thắng lợi của tự do là nhờ những nhóm thiểu số, họ chiếm ưu thế bằng cách liên kết với quân đội đồng minh, những kẻ thường có mục tiêu khác với họ; và sự liên minh này, vốn luôn nguy hiểm, đôi khi đã dẫn đến thảm hoạ.” Có lẽ bố cục công trình sau (Hiến pháp về quyền tự do) đã sớm hình thành trong đầu ông.

Theo Bruce Caldwell, người biên tập tập thứ chín và thứ mười của Hayek toàn tập (Hayek’s Collected Works), “Thời gian Hayek cư trú ở Anh kết thúc buồn bã. Về phương diện chính trị, tất cả những gì mà ông từng đấu tranh chống lại đều đang diễn ra như dự đoán.” Lịch sử diễn ra sau đấy đã ảnh hưởng đến cách mà người ta nhớ đến cuốn Con đường tới nô lệ. Sự kiện chính phủ Công Đảng đa số lần đầu tiên được bầu ra đã đem đến, như thực tế phản ảnh, một bầu không khí tinh thần mới, cuốn sách trở nên ít lôi cuốn và mang nhiều tính chất phản tiến bộ hơn. Việc công chúng Anh và Mỹ khám phá ra vụ Holocaust khiến cho cuốn sách dường như còn cực đoan hơn. Liên minh thời chiến với Liên bang Xôviết chấm dứt và sự phát triển thịnh vượng thời kỳ hậu chiến làm cho nó càng ít được lưu ý. Hayek bắt đầu được coi là một nhà bảo thủ nổi tiếng nhất thời trong tâm trí công chúng.

Tác phẩm Con đường tới nô lệ ngay lập tức được dịch ra một số ngôn ngữ khác ở Châu Âu và sau đó xuất hiện dưới rất nhiều ngôn ngữ khác trên toàn thế giới. Hayek chú ý đến “sự đón nhận đặc biệt nhiệt thành của thế hệ hậu Quốc xã ở Đức.” “Kỷ niệm xúc động nhất” của ông với tư cách nhà thuyết trình diễn ra ở nước Đức sau chiến tranh. Ông “phát hiện là mọi người đang lưu hành các bản copy đánh máy của cuốn Con đường tới nô lệ, mặc dù nó chưa được xuất bản ở Đức.” Ông cũng từng thuyết trình tại những nơi khác ở Châu Âu lục địa.

Năm 1946, lần đầu tiên sau chiến tranh Hayek trở lại thăm Áo để gặp người vợ tương lai của mình cùng những họ hàng khác. Ông thường đi một mình. Một lần, khi đến thăm Đại học Stanford, ông được bố trí một mình trong căn phòng chung rộng rãi, và ông coi đấy là sự xem thường hữu ý của lãnh đạo nhà trường vì quan điểm chính trị của mình.

Chú thích:

(1) James McGill Buchanan (1919-): Nhà kinh tế học người Mỹ, được trao giải Nobel Kinh tế năm 1986 nhờ áp dụng các lý thuyết kinh tế vào việc phân tích quá trình ra quyết định chính trị. (N.D.)

(2) Bertrand Russell (1872-1970): Triết gia, nhà toán học, nhà phê bình xã hội và nhà văn người Anh, người có ảnh hưởng sâu sắc đến logic biểu tượng (symbolic logic), chủ nghĩa thực chứng logic, và lý thuyết tập hợp trong toán học. Các tác phẩm của ông gồm có Principa Mathematica (1910-1913) (với Alfred North Whitehead, và A History of Western Philosophy (1945). Ông giành giải Nobel Văn học năm 1950. (N.D.)

(3) Immanuel Kant (1724-1804): Triết gia duy tâm Đức, người lập luận rằng lý trí là phương tiện qua đó các hiện tượng kinh nghiệm được chuyển tải thành hiểu biết. Các tác phẩm kinh điển của ông gồm Critique of Pure Reason (1781) and Critique of Practical Reason (1788). (N.D.)

(4) Galileo Galilei (1564-1642): Nhà thiên văn và nhà vật lý người Italia. (N.D.)

(5) Nạn diệt chủng người Do Thái của chế độ Quốc xã. (N.D.)

 
Hiệu đính:
Lê Anh Hùng
Biên tập:
Đinh Tuấn Minh

Bài viết liên quan