[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 34 - Friedman

[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 34 - Friedman

Nhà kinh tế học xuất chúng nhất thế kỷ 20 mà giờ đây Hayek thường được liên tưởng đến nhiều nhất là Milton Friedman. Qua các cuộc phỏng vấn, bài viết và qua các cuốn sách, Hayek từng nhắc tới và, ở mức độ nào đấy, thảo luận về Friedman. Tuy nhiên, không thể nói là Hayek dính dáng đến Friedman – rằng ông đã tìm thấy những nội dung hữu ích trong tư tưởng của Friedman và sửa đổi tư tưởng của mình theo đó. Điều này lại không đúng như thế đối với Friedman. Mặc dù tỏ ra thẳng thắn rằng Hayek không phải là nguồn cảm hứng chính cho tư tưởng của mình, và chắc chắn không phải tư tưởng kinh tế học, Friedman vẫn thường xuyên viện dẫn Hayek như là người có ảnh hưởng tốt đến mình. Trái lại, Hayek tương đối ít khi đề cập đến việc ông chịu ảnh hưởng xác thực của Friedman, hay việc ông nghĩ Friedman là một nhà tư tưởng xã hội đặc biệt quan trọng (ngoại trừ là một nhà phổ thông hoá), ngoại trừ trong lĩnh vực học bổng giáo dục.

Friedman từng một số lần khẳng định ông chịu ảnh hưởng trí tuệ của Hayek. Trong tác phẩm Chủ nghĩa tư bản và tự do (Capitalism and Freedom, 1962), đột phá lớn đầu tiên của ông nhằm tác động đến công luận, Friedman viết rằng ông “chịu ơn nhiều giáo viên, đồng nghiệp, và bạn bè… tại Đại học Chicago: Frank H. Knight, Henry C. Simons, Lloy W.Mints, Aaron Director, Friedrich A. Hayek, George Stigler, về triết lý trình bày trong cuốn sách này cũng như nhiều chi tiết của nó”; và trong lời giới thiệu ông viết, “mối đe doạ to lớn đối với tự do là sự tập trung quyền lực. Chính phủ là cần thiết để bảo vệ tự do của chúng ta… ; nhưng với việc tập trung quyền lực vào các bàn tay chính trị, thì nó [chính phủ] cũng là một mối đe doạ đối với tự do.”Trong cuốn Đường về nô lệ (The Road to Serfdom), Hayek lập luận, “không phải là nguồn gốc mà chính sự hạn chế quyền lực mới ngăn nó khỏi trở nên độc đoán.”Friedman cũng viết trong lời giới thiệu tác phẩm Chủ nghĩa tư bản và tự do về quyền lực dân chủ không hạn chế, “ngay cả khi những kẻ nắm quyền lực có thiện ý từ đầu…, thì quyền lực cũng sẽ vừa cuốn hút vừa nhào nặn nên những con người mang bản chất khác.”Hayek cũng nhấn mạnh là trong hệ thống tập thể chủ nghĩa, “cái xấu xa nhất lại vươn tới đỉnh cao.”

Trong lời giới thiệu tuyển tập các bài luận về Hayek năm 1976 của các thành viên Mont Pelerin, Friedman viết, “bao năm tháng qua, tôi vẫn thường xuyên hỏi những bạn bè vốn là tín đồ của xã hội tự do là làm thế nào mà họ tránh được khỏi sự lây lan của môi trường trí tuệ tập thể chủ nghĩa của mình. Không một cái tên nào được nhắc đến nhiều hơn Friedrich Hayek với tư cách ngọn nguồn của sự khai sáng và hiểu biết. Tôi không thể dành cho mình điều này, bởi tôi chịu ảnh hưởng theo hướng đó từ các giảng viên của mình tại Đại học Chicago trước khi quen biết Hayek hay công trình của ông. Nhưng tôi, giống như những người khác, cũng chịu ảnh hưởng to lớn của ông. Kể từ khi tôi đọc một số tác phẩm của Hayek lần đầu tiên, và thậm chí còn nhiều hơn nếu tính từ thời điểm giữa thập niên 1940 khi tôi gặp ông lần đầu, trí tuệ sâu sắc, tinh thần quả cảm, sự trình bày sáng suốt và luôn có nguyên tắc của ông đã giúp tôi mở rộng và khơi sâu hiểu biết về ý nghĩa và các điều kiện cần thiết của xã hội tự do.”Người chịu ảnh hưởng từ Hayek nhiều hơn cả và đến lượt chính ông ta lại có tác động quan trọng nhất đến công luận và chính sách là Friedman, mặc dù đóng góp của Friedman độc lập với Hayek.

Hayek và Friedman không gần gũi với nhau về mặt cá nhân trong thời gian mười hai năm khi cả hai người đều ở Đại học Chicago như đôi khi người ta vẫn nghĩ. Họ không có mối quan hệ tương tác giữa các khoa với nhau, vốn là cách để các nhà khoa học hàn lâm đi đến hiểu biết nhau tốt nhất. Họ là những đồng nghiệp thân thiện hơn là bạn bè cá nhân hay đồng nghiệp gần gũi. Friedman còn nhớ, hai đôi vợ chồng “lâu lâu mới gặp nhau,”và Helene cùng với Rose Friedman thỉnh thoảng đi dạo cùng nhau. Có lẽ Hayek có quan hệ cá nhân gần gũi với Keynes nhiều hơn so với Friedman, và từng biểu lộ mối quan hệ của ông với mỗi người.

Gary Becker 1, học trò cũ và đồng nghiệp của Friedman, cũng từng được trao giải Nobel, mô tả Friedman:

Milton Friedman đến khoa kinh tế của Đại học Chicago năm 1946 và ở đây cho tới năm 1977. Rõ ràng ông chính là thế lực chi phối tại cái khoa rất có thể từng là nơi cách tân và hoạt động tích cực nhất trong lĩnh vực kinh tế học. Ông đã củng cố và mở rộng danh tiếng trường phái Chicago… Khoa kinh tế ngày càng phản ảnh phương pháp tiếp cận và các mối quan tâm của ông, trong đó có sự cam kết sâu sắc vì chân lý, sự đánh giá cao thị trường và tự do kinh doanh, sự thảo luận thẳng thắn và bộc trực, và thái độ sốt sắng thuyết phục những kẻ ngoại đạo. Nhưng quan trọng hơn hết là sự tận tâm theo đuổi phân tích kinh tế của ông với đặc tính là một công cụ mạnh mẽ nhằm giải thích đời sống kinh tế và xã hội.

Trong phần lớn sự nghiệp ở Chicago, ông dạy một phần của loạt bài kéo dài hai học kỳ về lý thuyết giá cả, được trang bị cho toàn bộ nghiên cứu sinh kinh tế. Friedman thể hiện tốt nhất khả năng của mình qua khoá giảng này. Ông phát triển lý thuyết theo một cách thức rõ ràng, có hệ thống, và nhất quán logic. Ông cũng đưa ra vô số minh hoạ và ứng dụng. Các ứng dụng này giúp cho sinh viên tiếp thu được tầm nhìn của Friedman.

Friedman khuyến khích sự trao đổi với sinh viên. Ông hoan nghênh các câu hỏi, diễn đạt lại rõ hơn rất nhiều so với mức độ có thể của các sinh viên đang vật lộn với vấn đề, và sau đấy thường chỉ ra là tại sao chúng lại cho thấy tư duy rối rắm. Một số sinh viên nhận thấy sự căng thẳng của khoá học, trình độ đòi hỏi cao, và sự bộc trực thể hiện qua những lời bình luận của Friedman về các vấn đề cũng như về các tác phẩm vốn đã quá khó tiếp thu. Tuy thế, phần lớn đều nhận thấy phương pháp tiếp cận của Friedman đã mở mắt cho họ, và sẵn sàng để cho trí tuệ lỗi lạc của ông soi rọi.

Khi còn là nghiên cứu sinh tại Đại học Chicago, Becker có lần đề nghị Hayek đọc một bài sơ thảo về phân tích kinh tế và lựa chọn chính trị (political choice), tuy nhiên Hayek từ chối vì ông không đọc các bản thảo viết tay.

Hayek không tham dự các cuộc Hội thảo về Tiền tệ và Ngân hàng (Money and Banking Workshop), mà theo Becker thì Friedman đã ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu tại Đại học Chicago chủ yếu thông qua đó. D. Gale Johnson còn nhớ một số sinh viên kinh tế thập niên 1950 tỏ ra quan tâm đến Hayek. Friedman thuật lại, “ảnh hưởng của Hayek đến Đại học Chicago không phải thông qua khoa kinh tế, mà là thông qua việc các cá nhân như tôi đến seminar của ông và có quan hệ tương tác với ông.”

Hayek và Friedman không phát triển mối quan hệ công việc gần gũi nào, ngoại trừ phần lớn các hoạt động ngoại khoá, chủ yếu vì họ không ở cùng khoa. Trong mười hai năm tại Đại học Chicago, ông có những chuyến đi dài ngày đến nhiều nơi như Đại học Harvard, Đại học Virginia, và Châu Âu; còn Friedman dành một năm đi vòng quanh thế giới cùng một năm khác tại Trung tâm Nghiên cứu cao cấp về các môn Khoa học Hành vi (Center for Advanced Study in the Behaviorial Sciences) ở Palo Alto, bang California, và không tham dự hội nghị Mont Pelerin nào sau hội nghị đầu tiên cho tới năm 1957.

Hồi ký của Friedman củng cố thêm quan điểm cho rằng Hayek và Friedman không có quan hệ đặc biệt gần gũi về học thuật cũng như về xã hội. Suốt sự nghiệp của mình, Friedman có hàng chục đồng nghiệp gần gũi hơn Hayek. Những năm cuối thập niên 1950 họ xích lại gần hơn về mặt cá nhân, khi Friedman bắt đầu tham gia nhiều vào hội Mont Pelerin và qua sự kiện thành lập Hội Cá nhân Chủ nghĩa Liên Đại học (Intercollegiate Society of Individualists), mà cả hai đều là thành viên hội đồng cố vấn biên tập tờ chuyên san của nó, New Individualist Review. Friedman ủng hộ Hayek mạnh mẽ trong và sau hai cuộc hội nghị có tính quyết định năm 1960 và 1961 của Hội Mont Pelerin, xác lập tiến trình tương lai của hội. Năm 1963 Friedman là thư ký còn giai đoạn 1970-1972 là chủ tịch hội.

Friedman trả lời câu phỏng vấn, “Ngài sẽ mô tả ông ta về mặt cá nhân như thế nào?

Đáp: Hayek là người có tính cách rất phức tạp. Ông ta không hề là một người đơn giản. Ông rất thoải mái theo nghĩa nào đấy nhưng đồng thời, theo tôi, cũng rất riêng tư. Ông không thích sự chỉ trích nhưng lại không bao giờ để lộ ra. Khi bị phê phán thì thái độ của ông, như tôi nhận thấy, là sẽ nói, “Ồ, quả là một điều rất lý thú. Bây giờ thì tôi đương bận, nhưng tôi sẽ viết cho bạn nhiều hơn về chủ đề này sau.” Và rồi ông ấy sẽ không bao giờ. [cười]

Hỏi: Ngài muốn nói ông ấy là một người kiêu hãnh chăng?

Đáp: Ồ vâng, không còn nghi ngờ gì, ông ấy là con người kiêu hãnh… Ông rất tin chắc những ý tưởng của mình.

Cho dù Friedman ít chịu ảnh hưởng của Hayek về kinh tế học kỹ thuật, ông vẫn nhận xét trong tự truyện rằng “quan tâm” của ông “đến lĩnh vực chính sách công và triết học chính trị là khá hờ hững trước khi tôi gia nhập đội ngũ giảng viên của Đại học Chicago. Các cuộc thảo luận thông thường với đồng nghiệp và bạn bè đã khơi dậy thái độ quan tâm mạnh mẽ hơn, và nó được củng cố thêm qua cuốn Con đường tới nô lệ (The Road to Serfdom) đầy sức mạnh của Hayek, qua việc tham gia của tôi tại hội nghị Hội Mont Pelerin lần thứ nhất năm 1947, và qua các cuộc bàn thảo với Hayek sau khi ông gia nhập trường năm 1950.”Trong bài diễn văn tại lễ trao Giải Nobel năm 1976, “Lạm phát và Thất nghiệp” (Inflation and Unemployment), ông phát biểu, một “hiệu ứng từ sự gia tăng tính chất hay thay đổi của lạm phát là nó khiến cho giá cả thị trường trở nên kém hiệu quả hơn trong quá trình phối hợp các hoạt động kinh tế. Một chức năng cơ bản của hệ thống giá cả, như Hayek từng đặc biệt nhấn mạnh, là việc chuyển tải một cách cô đọng, hữu hiệu, và với chi phí thấp những thông tin mà các tác nhân kinh tế cần thiết.”

Tiếng tăm sau này của Hayek phần nào phản ảnh sự hiện diện chói sáng hơn của Friedman. Từ những năm 1960 trở đi, khác với ở Anh, Friedman là nhà trí thức tự do cá nhân nổi bật hơn trước mắt công chúng. Sử gia kinh tế Brian McCormick từng nêu lên vấn đề trên trong một mạch văn tiêu cực. Ông viết, “suốt những năm 1960 và 1970… [Hayek] chưa bao giờ có khả năng chi phối vũ đài học thuật và ông có xu hướng bị Friedman làm lu mờ.”Charlotte Cubitt, thư ký lâu năm và cuối cùng của Hayek, còn nhớ năm 1985 Hayek từng nhận xét, “Friedman xem ra đã giành được vị trí của mình.”Một chuyên gia về tiểu sử những nhân vật quá cố của Viện Nghiên cứu các Vấn đề Kinh tế (Institute for Economic Affairs) viết vào thời điểm Hayek mất, “đầu thập niên 1970, khi Hayek dường như ở vào giai đoạn kém thú vị nhất của mình… sự nổi lên của Milton Friedman bắt đầu đem tiếng tăm trở lại với ông.”Trong bối cảnh chủ nghĩa tự do cá nhân non trẻ nổi lên từ những năm 1940 đến thập niên 1990, Hayek và Friedman đã đóng vai trò chủ chốt.

Đóng góp vĩ đại nhất của Hayek là ở lĩnh vực triết học xã hội. Chính ông, hơn bất kỳ ai khác, đã đề xuất những ý tưởng về trật tự tự phát, sự phân hữu tri thức, và vai trò quyết định của giá cả nhằm vượt qua sự phân hữu đó. Friedman nhận xét về Hayek với tư cách một nhà lý thuyết tiền tệ, “trên thực tế, ông đã thực sự chấm dứt công việc ấy.”Hayek cũng nhắc đến điều tương tự, là sau khi Keynes mất, “tôi chỉ thực hiện những công việc ngẫu nhiên trong lĩnh vực kinh tế học.”

Hayek và Friedman khác nhau về cách tiếp cận mang tính phương pháp luận của họ. Hayek trao đổi trong một cuộc phỏng vấn năm 1985:

Hỏi: Trường phái Chicago – họ có chịu ảnh hưởng bởi việc ông ở Chicago hay không?

Đáp: Simons từng có hy vọng nhiều và cái chết của ông ấy là một dấu chấm hết. Còn những người khác, xét về mặt phương pháp luận, họ thực chất là các nhà kinh tế học vĩ mô chứ không phải là kinh tế học vi mô. Stigler thì không, còn Friedman thì rất đúng như vậy. Và đây luôn là một vấn đề đối với tôi. Milton và tôi đồng thuận gần như về mọi thứ, ngoại trừ chính sách tiền tệ. Nhưng điều này lại tạo ra một vấn đề đáng sợ trong phạm vi Hội Mont Pelerin, với nguy cơ thường trực là hội bị chia rẽ thành các phe nhóm của Friedman và Hayek. Và để tránh điều đó, tôi cố tránh thảo luận về lý thuyết tiền tệ.

Theo ý nghĩa này thì giờ đây toàn bộ nhóm, có nguồn gốc từ việc Wesley Clair Mitchell thành lập Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (Institute of National Economic Research), đều thực chất là các nhà thực chứng logic, về mặt phương pháp luận. Họ tin rằng các hiện tượng kinh tế có thể được giải thích như là các hiện tượng vĩ mô, rằng bạn có thể xác định chắc chắn những hiệu ứng nhân quả từ các giá trị gộp và giá trị trung bình. Tuy nhiên, theo một nghĩa nào đó, một sự quan sát là chân thực, dù ở đây không bao giờ có sự liên kết [thực nghiệm] cần thiết nào. Việc mọi giai đoạn lạm phát đều kết thúc với sự sụp đổ là điều hoàn toàn có thể, dù trên thực tế tôi thích chứng minh về mặt lịch sử hơn. Nhưng sự chứng minh về mặt lịch sử không phải là chứng cứ rằng nó phải như thế. Các nguyên nhân tại sao nó lại xẩy ra giờ đây có thể được giải thích bằng phân tích kinh tế vi mô chứ không phải vĩ mô. Điều này thì Friedman chỉ xem thường. Stigler, đúng thế, bạn có thể thảo luận về nó với ông ta. Ông ta sẽ nhìn ra vấn đề.

Người còn lại, có lẽ là tài năng nhất, trong trường phái Chicago ấy là Becker. Và về mặt lý thuyết anh ta cũng là nhà tư tưởng phức tạp hơn. Tuy nhiên, khả năng diễn luận của Friedman lại cừ khôi. Ông ta nghiên cứu hầu như về mọi thứ, các vấn đề thị trường nói chung, và có cơ sở. Tôi muốn ông ta ở bên phía tôi. Tôi muốn chí ít là toàn bộ nhóm Friedman sẽ rời khỏi Hội Mont Pelerin. Nhưng anh biết không, tôi phải nói thêm, tôi vẫn thường công khai phát biểu rằng một trong những điều mà tôi tiếc nuối hơn cả là đã không quay lại phê bình [tác phẩm Lý thuyết tổng quát của] Keynes. Tuy nhiên, việc đã không phê phán tác phẩm Kinh tế học thực chứng (Positive Economics) thật cũng đáng tiếc như thế, một tác phẩm cũng nguy hiểm như vậy xét từ góc độ nào đó.

Wesley Clair Mitchell từng dạy tại Đại học Columbia ở New York và là giám đốc Vụ Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (National Bureau of Economic Research). Ông nhấn mạnh phương pháp tiếp cận định tính và thực nghiệm trong kinh tế học. Năm 1948, trong một bài tưởng nhớ sau khi Mitchell qua đời, Hayek viết, Mitchell “có lẽ đã đóng góp nhiều hơn bất cứ nhà kinh tế học nào khác thuộc thế hệ mình vào việc định hình phương pháp tiếp cận chung trong kinh tế học, vốn là đặc điểm của nhiều công trình thực hiện ở Mỹ suốt ba mươi năm qua.”

Khi chỉ trích Friedman và những người khác vì họ là các nhà kinh tế học vĩ mô, Hayek muốn nói rằng Friedman đã không chia sẻ quan niệm theo trường phái Áo của ông về chu kỳ kinh doanh, trong đó có các trật tự các loại hàng hoá tư bản khác nhau và ở giai đoạn nền kinh tế co lại, chúng trở nên sai lệch về cơ cấu với mức cung tiết kiệm và nhu cầu tư bản thực sự của nền kinh tế. Hayek viết, “trường phái Chicago chủ yếu tư duy theo các thuật ngữ ‘kinh tế vĩ mô.’ Họ cố gắng phân tích theo các giá trị gộp và giá trị trung bình, tổng khối lượng tiền, tổng mức giá cả, tổng mức việc làm”;“Bạn không thể xây dựng một lý thuyết dựa trên dữ liệu thống kê, bởi không phải các giá trị gộp và giá trị trung bình tác động lẫn nhau mà chính là các hành động cá nhân.”Sự phê phán của Hayek đối với phương pháp tiếp cận kinh tế vĩ mô của Friedman hết sức gắn với quan niệm đặc thù theo trường phái Áo của ông về hoạt động kinh tế và chu kỳ kinh doanh.

Hayek đã sai lầm khi phê phán Friedman và các nhà kinh tế học theo trường phái Chicago khác vì họ là các nhà “thực chứng logic.” Sự chứng thực mang tính cốt yếu trong giản đồ thực chứng logic, tuy nhiên có sự khác nhau giữa việc lập luận (như xu hướng của các nhà thực chứng logic) rằng không nên coi một khẳng định là có tính khoa học trừ khi nó có thể được chứng minh về mặt thực nghiệm, và việc bảo lưu ý kiến (như Friedman) cho rằng một lý thuyết mà không thể đánh giá được về mặt thực nghiệm theo bất kỳ cách nào thì thường không có nhiều giá trị. Theo Rudolph Carnap, một trong những nhân vật chủ chốt của chủ nghĩa thực chứng logic, mục đích của chủ nghĩa thực chứng logic là “sự chứng minh cuối cùng đối với mọi khẳng định.”

Quan điểm phương pháp luận của Friedman trên một số khía cạnh gần gũi với quan điểm của chính Hayek. Trong tác phẩm “Phương pháp luận của kinh tế học thực chứng” (The Methodology of Positive Economics) rất có ảnh hưởng của mình, Friedman viết, ở những đoạn thể hiện các quan điểm tương tự có thể tìm thấy qua các công trình của Hayek:

Thực tế theo đó kinh tế học giải quyết những mối quan hệ lẫn nhau của con người, và việc bản thân nhà nghiên cứu cũng là một phần của chủ đề đang được nghiên cứu…, gây khó khăn cho việc đạt được tính khách quan…

Mục tiêu cuối cùng của một môn khoa học thực chứng là sự phát triển của một “lý thuyết” hay “giả thuyết” đem đến những phán đoán có cơ sở và ý nghĩa (tức là không phải hiển nhiên) về những hiện tượng chưa quan sát được…

Bằng chứng thực tế có thể không bao giờ “chứng minh” được một giả thuyết; nó có thể chỉ không bác bỏ được giả thuyết ấy mà thôi, điều mà chúng ta thường hàm ý khi nói, hơi thiếu chính xác, là giả thuyết đã được “chứng thực” bằng kinh nghiệm…

Bằng chứng thực nghiệm có ý nghĩa cốt yếu ở hai giai đoạn khác nhau, dù quan hệ chặt chẽ với nhau: xây dựng giả thuyết và kiểm nghiệm căn cứ…

Sự cần thiết dựa vào kinh nghiệm không được kiểm soát (uncontrolled experience) thay vì thực nghiệm có kiểm soát (controlled experiment) dẫn đến khó tạo ra bằng chứng mạnh mẽ và rõ ràng để lý giải cho việc thừa nhận các giả thuyết thăm dò…

Tư liệu mô tả các đặc điểm trong hệ thống kinh tế của chúng ta và những hoạt động của nó đã được tập hợp trên quy mô chưa từng có. Điều này thì càng tốt. Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng hữu hiệu… những mô hình trừu tượng và tư liệu mô tả này, chúng ta phải có sự khám phá so sánh về những tiêu chuẩn nhằm quyết định mô hình trừu tượng nào là tốt nhất để sử dụng cho các loại vấn đề cụ thể.

Quan điểm phương pháp luận của Friedman phần nào gần gũi với quan điểm của chính Hayek. Người ta sẽ hỏi là liệu có phải việc dùng từ “thực chứng” (positive) của Friedman đã khiến cho Hayek nhầm lẫn quan niệm của Friedman – vốn một phần đáng kể là vai trò của việc chứng minh các lý thuyết về mặt thực nghiệm để tạm thời thừa nhận chúng – với chủ nghĩa thực chứng logic, xác minh chặt chẽ (logical, strict verificationist, positivism), hay không.

Friedman có cuộc trao đổi sau đây năm 2000:

Hỏi: Theo như tôi hiểu về phương pháp luận của ngài, đó là, sự chứng minh thực nghiệm có ý nghĩa quan trọng trong việc cố gắng xác minh lý thuyết.

Đáp: Nó hoàn toàn là của Popper.

Hỏi: Vâng. Còn câu hỏi ở đây… Hayek cũng từng nói ông ta chịu ảnh hưởng của Popper.

Đáp: Đúng vậy, nhưng ông ta không theo hoàn toàn. Ông ta không đến mức tệ như von Mises. Tuy nhiên, ông ta vẫn giữ một yếu tố lớn trong phương pháp tiếp cận vi nghiệm (praxeological approach 2) của Mises, theo đó tri thức đến từ bên trong chúng ta, chúng ta có nguồn dữ liệu mà chúng ta có thể dựa vào đấy và chúng ta có thể đạt tới chân lý qua đấy…

Hỏi: Tôi thì chỉ nghĩ đó là một quan điểm vô nghĩa.

Đáp: Theo tôi đó là một quan điểm hoàn toàn vô nghĩa. Tôi vẫn chưa thể hiểu nổi làm thế nào mà người ta lại có thể thừa nhận nó.

Năm 1995, Friedman nhận xét như sau về các quan điểm phương pháp luận của Hayek và đặc biệt của Mises:

Tôi chưa bao giờ có thể hiểu được tại sao người ta [tại LSE] lại có ấn tượng đến thế với các bài thuyết trình mà cuối cùng đưa tới tác phẩm Các mức giá cả và sản xuất (Prices and Production), và đến nay tôi vẫn không thể hiểu nổi. Ở điểm này, ông ta [Hayek] chưa giải phóng mình khỏi các quan điểm phương pháp luận của von Mises. Trọng tâm của các quan điểm ấy là ở chỗ, các dữ kiện không thật sự liên quan đến việc xác định và kiểm nghiệm lý thuyết. Nó chỉ liên quan đến việc minh hoạ lý thuyết, chứ không phải kiểm nghiệm, vì chúng ta lấy những tiên đề tự chân (self-evident proposition) làm cơ sở cho kinh tế học. Còn chúng là hiển nhiên bởi chúng là về con người, và chúng ta là con người. Do vậy chúng ta có nguồn gốc nội tại của tri thức cuối cùng, và không một sự kiểm nghiệm nào có thể bác bỏ được điều ấy. Đúng là thứ khoa học vi nghiệm (praxeology).

Theo tôi, cách tiếp cận phương pháp luận này có ảnh hưởng rất tiêu cực. Nó khiến cho việc từng bước xây dựng một chuyên ngành bất kể ở lĩnh vực nào cũng rất khó khăn. Nếu bạn cứ luôn quay về với những chân lý tự chân bên trong của mình, thì con người làm sao nâng nhận thức lên được? Và trên thực tế, năm sáu mươi năm sau khi von Mises công bố lý thuyết về tư bản của mình – những gì dính dáng đến lý thuyết tư bản của Hayek – cái gọi là các nhà kinh tế học trường phái Áo vẫn còn trung thành với nó. Chưa hề có chút tiến bộ nào.

Nó cũng có xu hướng khiến con người trở nên cố chấp. Nếu bạn và tôi đều là những người theo thuyết vi nghiệm, và chúng ta bất đồng về việc liệu một tiên đề hay khẳng định nào đấy có đúng hay không, thì chúng ta giải quyết được bất đồng ấy bằng cách nào? Chúng ta có thể la lên, có thể tranh cãi, có thể cố tìm một thiếu sót logic trong lập luận của nhau, nhưng rốt cục chúng ta không có cách nào để giải quyết nó ngoài việc cãi lộn, rằng bạn sai còn tôi thì đúng.

Trái lại, nếu bạn áp dụng phương pháp tiếp cận giống với Popper hơn, phương pháp cho rằng những gì mà chúng ta thực hiện trong lĩnh vực khoa học là việc đưa ra các giả thuyết về kết quả của những biến cố nhất định và, nếu chúng ta bất đồng, chúng ta có thể kiểm nghiệm chúng bằng cách cố tìm bằng chứng thực nghiệm mâu thuẫn với phán đoán của chúng ta – nếu bạn và tôi bất đồng, chúng ta có cách khác để giải quyết vấn đề của chúng ta, giải quyết bất đồng của chúng ta. Tôi chỉ cho bạn những thực tế nào mà tôi có thể tìm được sẽ thuyết phục bạn là tôi đúng còn bạn sai. Bạn chỉ cho tôi những thực tế nào mà tôi có thể tìm thấy sẽ chứng minh điều ngược lại. Rồi chúng ta cùng ra ngoài và quan sát thực tế. Đấy chính là cách mà khoa học tiến triển.

Giờ đây, như đã nói, tôi tin rằng Hayek khởi đầu là một người hoàn toàn theo Mises, nhưng ông đã thay đổi. Bầu không khí khoan dung hơn ở Anh, rồi sau đó là ở Mỹ, cùng với sự tiếp xúc của ông với nhiều học giả hơn, đã dẫn ông đi đến thay đổi quan niệm ấy.

Tư tưởng phương pháp luận của Hayek là tập hợp các quan điểm lý thuyết và thực nghiệm của Mises và Popper. Quan niệm của Friedman về phán đoán (prediction) không khác biệt nhiều với quan niệm của Hayek về sự “thấy trước” (foresight) – “toàn bộ tri thức là khả năng phán đoán,”như Hayek nhận định trong tác phẩm “Kinh tế học và tri thức” (Economics and Knowledge) – dù Hayek chắc chắn chưa nói điều này là đúng.

Hayek nghi ngờ giá trị của thông tin thống kê. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1977, ông nhận xét, “luận điểm” của ông là “chúng ta biết rất nhiều chi tiết về kinh tế học, nhiệm vụ của chúng ta là sắp xếp những tri thức ấy theo trật tự. Chúng ta gần như không cần bất cứ thông tin mới nào. Khó khăn lớn của chúng ta là tiêu hoá những gì mà chúng ta đã biết.”Ông từng viết từ thuở đầu, với những lời lẽ mà ông không bao giờ cân nhắc lại, “việc sử dụng số liệu thống kê có thể không bao giờ giúp chúng ta đào sâu thêm hiểu biết về lý thuyết của mình.”Ông tán đồng với A. Lowe khi trích dẫn, “‘các công trình mô tả hay kết quả tính toán về những quan hệ tương tác chưa hề làm cho hiểu biết của chúng ta về quan hệ lẫn nhau của các chu kỳ kinh tế phong phú thêm chút nào,’” và “chúng ta hoàn toàn đồng ý với ông [Lowe] khi ông… nói, ‘việc chờ đợi một bước tiến tức thì về lý thuyết từ một hiểu biết thêm về thực nghiệm nghĩa là đã hiểu sai mối quan hệ logic giữa lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm.’”

Hayek còn hiểu sai các quan điểm phương pháp luận của Friedman chí ít là ở một nghĩa quan trọng khác. Không chỉ Friedman không phải là nhà thực chứng logic theo nghĩa thực chứng chặt chẽ, mà việc sử dụng khái niệm “thực chứng” (positive) của ông còn chủ yếu với dụng ý nhằm phân biệt các dữ liệu thực tế (facts) với các giá trị (values). Cũng trong tác phẩm “Phương pháp luận của kinh tế học thực chứng,” ông viết, “về nguyên tắc kinh tế học thực chứng độc lập với bất kỳ một quan điểm đạo đức hay đánh giá quy phạm cụ thể nào. Như Keynes [John Neville, cha của John Maynard Keynes, bản thân cũng là một nhà kinh tế học đáng kể] nói, nó giải quyết vấn đề ‘là cái gì,’ chứ không phải ‘phải là cái gì.’”Theo định nghĩa ấy, mối quan tâm của Friedman với kinh tế học thực chứng ở đây là do có nhiều bất đồng về chính sách kinh tế tối ưu nảy sinh từ những ý kiến khác nhau về hậu quả của hành động. Việc Friedman sử dụng khái niệm “thực chứng” (positive) ở đây không liên quan gì đến chủ nghĩa thực chứng logic, và nó gợi lên câu hỏi về mức độ bất đồng do hiểu sai của Hayek với Friedman trong trường hợp này, cũng như bất đồng của ông với Mill về sau.

Hayek dường như chưa từng nhắc đến Ayn Rand trong các công trình do ông viết ra. Cùng với Mises, Friedman, và Hayek, bà là một trong những tác gia hấp dẫn nhất đối với những độc giả ở thế kỷ 20 thiên về chủ nghĩa tự do cá nhân. Charlotte Cubit, thư ký của Hayek, còn nhớ Hayek từng phát biểu vào đầu thập niên 1980 rằng Rand là một trong ba nhà nữ kinh tế học xuất chúng nhất (hai người khác, theo Hayek, là Joan Robinson và Vera Lutz 5).

Rand nổi tiếng chủ yếu qua tác phẩm hết sức được ưa chuộng và có ảnh hưởng năm 1957, Sự thờ ơ của Atlas (Atlas Shrugged 7). Bà từng một số lần đưa ra quan điểm của mình về Hayek. Năm 1946, bà viết thư cho Leonard Read, nhà sáng lập Quỹ Giáo dục Kinh tế (Foundation for Economic Education), “Tôi hoàn toàn đồng cảm với sự giận dữ của ngài trước những nhà bảo thủ khẳng định rằng họ phản đối sự cưỡng bức ngoại trừ vì lý do mà họ ưa thích. Đấy là thái độ thông thường của họ… Toàn bộ cái gọi là những hoạt động xuất bản đáng trân trọng, nằm trong tay các nhà bảo thủ, được bố trí với những người theo quan điểm chính trị cánh tả ôn hoà (pink), tiếp tục phong toả những người thực sự ủng hộ phe chúng ta. Chỉ có những người nhà Hayek và những kẻ thoả hiệp khác như thế mới được phép qua, đây là loại người đem lại lợi ích cho chính nghĩa cộng sản nhiều hơn cho chúng ta.”

Năm 1946, trong bức thư gửi cho Rose Wilder Lane, tác giả cuốn Sự khám phá về tự do (The Discovery of Freedom, 1943), Rand cũng viết tương tự, “Bây giờ với câu hỏi của bà: ‘Liệu những người hầu như ở bên phía chúng ta có gây tác hại nhiều hơn kẻ thù 100% hay không?’ Tôi không nghĩ câu này có thể được trả lời với một từ ‘có’ hoặc ‘không’ dứt khoát, bởi lẽ ‘hầu như’ là một từ rất rộng nghĩa. Nguyên tắc cần tôn trọng là: những người ở bên phía chúng ta, nhưng chỉ không đi đủ xa mà thôi, là những người có thể có lợi cho chúng ta. Còn những người đồng ý với chúng ta trên một số khía cạnh, nhưng đồng thời lại thuyết giảng những ý tưởng trái ngược, thì chắc chắn tác hại đến chúng ta còn hơn kẻ thù 100%. Tôi sẽ chỉ tên Ludwig von Mises như ví dụ về loại người mà ‘hầu như’ tôi sẽ dung thứ. Còn Hayek sẽ là minh chứng về kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng ta. Ông ta là thứ thuốc độc thực sự.”

Milton Friedman và vợ ông, Rose Friedman, đều ca ngợi Rand. Vợ chồng Friedman từng một số lần sử dụng lối ẩn dụ “thủy triều” để mô tả quá trình tiến hoá tư tưởng và hành động xã hội, “giả thuyết ở đây là, trước khi có sự thay đổi to lớn về chính sách xã hội và kinh tế là sự thay đổi về xu hướng quan điểm trí tuệ, mà bản thân nó lại bắt nguồn, chí ít một phần, từ những điều kiện xã hội, chính trị, và kinh tế đương thời.” Họ viết về ba cơn thuỷ triều: “sự thăng tiến của hình thái laissez-faire (xu hướng Adam Smith),” “sự thăng tiến của nhà nước phúc lợi (xu hướng Fabian),” và “sự hồi sinh của thị trường tự do (xu hướng Hayek).” Vợ chồng Friedman nhận thấy sự thay đổi cơ bản về quan điểm trong một số thập niên gần đây, và đặt câu hỏi, “Tại sao lại có sự thay đổi to lớn ấy trong thái độ công chúng? Sức mạnh thuyết phục của các cuốn sách như Con đường tới nô lệ của Hayek, Nguồn suối (The Fountainhead) và Sự thờ ơ của Atlas (Atlas Shrugged) của Ayn Rand, Chủ nghĩa tư bản và tự do (Capitalism and Freedom) của chúng tôi, cùng vô số cuốn sách khác,” và nhận xét, tác phẩm Con đường tới nô lệ “có lẽ là cuộc công kích thực sự đầu tiên nhằm vào quan niệm tư duy thịnh hành.”

Năm 1977, trong cuộc điều tra độc giả của tờ Individual Liberty, bảy mươi phần trăm số người được hỏi đã coi Rand là người có “ảnh hưởng lớn nhất” khiến họ đầu tiên lựa chọn chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarianism).Hai năm 1988 và 1998, tạp chí Liberty đã tiến hành điều tra độc giả của nó và các nhà hoạt động của Đảng Tự do Cá nhân (Libertarian Party), đề nghị họ đánh giá người có ảnh hưởng trí tuệ đến mình nhiều nhất theo thang điểm từ 1 ÷ 5, với điểm 5 là người có ảnh hưởng lớn nhất (xem bảng dưới đây).

Bảng 34.1

 

1998

1988

Rand

3,51

4,02

Jefferson

3,51

3,10

Friedman

3,08

2,95

Mises

2,76

3,65

Hayek

2,74

3,02

Rothbard

2,72

3,93

Goldwater

2,39

  2,4937

Đánh giá to lớn nhất mà Friedman dành cho Hayek nằm trong bài viết tưởng nhớ người bạn già của ông năm 1992. Ông nhận định, Hayek “chắc chắn… là vị lãnh tụ trí tuệ quan trọng nhất của cái trào lưu đã tạo nên sự thay đổi vĩ đại trong xu hướng quan điểm.”

Chú thích:

(1) Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1992 nhờ công trình liên kết lý thuyết kinh tế với các khía cạnh của hành vi con người, có tiếp cận đến các khoa học xã hội khác. (N.D.)

(2) Phương pháp tiếp cận các hiện tượng xã hội xuất phát từ việc xem xét các suy nghĩ và hành động cuả các cá nhân mà bản thân theo suy đoán của nhà nghiên cứu (N.D.)

(3) Nhà văn và triết gia Mỹ gốc Nga (1905-1982), nổi tiếng chủ yếu với những tiểu thuyết gây tranh cãi, chẳng hạn như The Fountainhead (1943), ủng hộ chủ nghĩa bảo thủ chính trị. (N.D.)

(4) Joan Robinson (1903-1983): Nhà kinh tế học người Anh, người tiếp tục phát triển lý thuyết kinh tế của Keynes. (N.D.)

(5) Vera C. Smith (Lutz): Nhà kinh tế học người Anh, học trò của Hayek tại LSE. (N.D.)

(6)  Vị thần bị thần Zues trừng phạt, phải đỡ thiên đường trên đôi vai của mình. (N.D.)

(7)  Tác phẩm xuất bản lần đầu năm 1957 ở Mỹ, với chủ đề là vai trò của trí tuệ trong cuộc sống và xã hội. Bà lập luận rằng tư duy độc lập, cùng tính sáng tạo và phát minh bắt nguồn từ đấy, là động lực phát triển của thế giới. Trong tác phẩm này bà cho thấy điều gì sẽ xẩy ra nếu “những con người của trí tuệ” bãi công: động cơ của thế giới sẽ ngừng hoạt động và nền văn minh sẽ tan rã. Tiêu đề của tác phẩm muốn ám chỉ điều ấy. (N.D.)

Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp, Chương 34, Nhà xuất bản Tri Thức 2007

Dịch giả:
Lê Anh Hùng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh

Tác giả liên quan