[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 31 - Lịch sử tư tưởng

[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 31 - Lịch sử tư tưởng

Chương 31. Lịch sử tư tưởng

Ấn phẩm chính của Hayek những năm 1960 ở Freiburg là Các nghiên cứu về triết học, chính trị và kinh tế học (Studies in Philosophy, Politics and Economics, 1967). Ông luôn thành công trong việc biến các bài viết chính của mình thành sách, từ Giá cả, lãi suất và đầu tư (Prices, Interest and Investment, 1939), Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế (Individualism and Economic Order, 1948), Cuộc cách mạng ngược trong khoa học (The Counter-Revolution of Science, 1952), Các nghiên cứu về triết học, chính trị và kinh tế học, cho đến Các nghiên cứu mới về triết học, chính trị, kinh tế học và lịch sử tư tưởng (New Studies in Philosophy, Politics and Economics and the History of Ideas, 1978).

Năm 1955, trong một bài ghi nhớ viết cho chính mình, dự kiến kế hoạch sáng tác sắp tới, Hayek cho thấy ông có thể viết hai công trình về trật tự tự do, Hiến pháp về quyền tự do (The Constitution of Liberty) và một tác phẩm về sức mạnh sáng tạo của nền văn minh tự do, với lưu ý công trình tiềm tàng thứ hai này sẽ quan tâm đến việc các thiết chế xã hội xuất hiện và phát triển như thế nào khi không có ai hoạch định. Ông nhận ra mối quan hệ thực sự giữa công trình tâm lý học Trật tự cảm giác (The Sensory Order) với nghiên cứu triết học của mình.1

Hayek từng ghi lại trong một cuốn Trật tự cảm giác là tác phẩm này “đã góp phần vào việc giải quyết vấn đề làm thế nào mà một phần của trật tự vũ trụ lại có thể thích ứng hành động của nó với trật tự của cả tổng thể”, nhấn mạnh cụ thể đến phần áp chót, “Giới hạn của sự giải thích” (The Limits of Explanation), ở chương cuối cùng, “Những hệ quả triết học” (Philosophical Consequences), của cuốn sách. Ông lập luận ở đây là có một “giới hạn tuyệt đối đối với những gì mà bộ óc con người có thể đạt được thông qua giải thích”, bởi vì “bất kỳ bộ máy giải thích nào cũng phải có cấu trúc với mức độ phức tạp cao hơn so với những đối tượng mà nó giải thích”.2 Nghĩa là, có thể nói trí óc sẽ phải có mức độ phức tạp cao hơn trí óc để giải thích chính nó.

Ông bộc lộ quan niệm hoàn toàn theo trường phái Kant về bản chất của tồn tại (bản thể học – ontology) trong tư tưởng tâm lý học của mình; tuy nhiên ông lại phát hiện ra rằng các quan niệm bản thể học của mình bắt nguồn từ Galileo. Ông tin tưởng một cách cơ bản là mọi ý nghĩa đều nằm trong trí óc. Không có những thứ tỷ như thế giới bên ngoài, ngoại trừ những gì mà trí óc nhận thức được. Ông phản bác quan niệm về “vật chất”, quy sự tồn tại tuyệt đối cho thế giới bên ngoài trí óc; việc duy trì một quan niệm như thế “hàm ý niềm tin siêu hình vào ‘thực tại’ cuối cùng và sự bất biến của thế giới hiện tượng mà bản thân chúng vốn ít có cơ sở biện minh”. Ông là nhà triết học hoài nghi theo truyền thống David Hume, người cũng không nhận thấy gì trong thực tại ngoài những gì mà bản thân cá nhân cảm nhận. Theo Hayek, người ta sẽ “không bao giờ thu hẹp được khoảng cách giữa lĩnh vực tinh thần và lĩnh vực vật chất”.3

Trong một bài viết về người anh họ Ludwig Wittgenstein – người mà ông từng định viết một cuốn tiểu sử – Hayek nhắc đến chuyện là khi tác phẩm Triết luận ngôn ngữ học (Tractatus Logico-Philosophicus) của Wittgenstein ra đời cuối năm 1921, ông là một trong “những độc giả đầu tiên” của nó, và công trình này đã “gây ấn tượng mạnh mẽ đối với tôi”4. Theo triết gia chính trị người Anh John Gray, ảnh hưởng của Wittgenstein đến Hayek là “sâu sắc, và thể hiện không chỉ ở văn phong và cách trình bày tác phẩm Trật tự cảm giác,… mà còn ở nhiều lĩnh vực nằm trong hệ thống tư tưởng Hayek”.5 Bên cạnh hình thức giải thích mà Trật tự cảm giác chia sẻ cùng tác phẩm Triết luận ngôn ngữ học, cách trình bày của Hayek còn có những chỗ lặp lại tư tưởng của Wittgenstein thực sự.

Wittgenstein xem xét bản chất của ngôn ngữ qua tác phẩm Triết luận ngôn ngữ học. Trong lời tựa cuốn sách ông lập luận, “toàn bộ ý nghĩa của cuốn sách có thể tóm lược như sau: điều gì có thể nói ra được thì có thể được nói ra một cách rõ ràng, và điều gì mà chúng ta không thể đề cập đến được thì chúng ta phải bỏ qua trong im lặng. Vì thế mục đích của cuốn sách là nhằm vạch ra một giới hạn cho tư tưởng, hay đúng hơn… sự diễn đạt ý nghĩ… Giới hạn … sẽ chỉ có thể được vạch ra trong ngôn ngữ, và những gì nằm ở phía bên kia của giới hạn sẽ đơn giản là vô nghĩa”.6 Khi Hayek viết trong tác phẩm Trật tự cảm giác rằng “toàn bộ ý tưởng về việc trí óc giải thích chính nó là một sự mâu thuẫn logic – vô nghĩa theo nghĩa đen của từ này”7, ông đã diễn tả một nội dung nào đấy trong các ý tưởng của Wittgenstein về hạn chế của ngôn ngữ và việc không phải mọi thứ đều có thể diễn tả được.

Trong một bài viết năm 1977, Hayek nói (như đã lưu ý trước đây) rằng kết luận về tư tưởng tâm lý học của ông là: “các hiện tượng tinh thần là một trật tự đặc thù của những hiện tượng vật chất nằm trong một hệ thống con của thế giới vật chất, liên kết hệ thống thế giới con lớn hơn mà ta gọi là một tổ chức hữu cơ (mà chúng là bộ phận của nó) với hệ thống tổng thể qua đó cho phép tổ chức hữu cơ ấy tồn tại.”8 Trong tác phẩm Trật tự cảm giác, ông có đề cập đến các bài luận Sự lạm dụng và suy tàn của lý trí, mà sau trở thành cuốn Cuộc cách mạng ngược trong khoa học (The Counter-Revolution of Science). Ông nhấn mạnh ở đây là “những hành động độc lập của các cá nhân sẽ đem đến một trật tự nằm ngoài dự định của họ”.9

Xuyên suốt tư tưởng tâm lý học cũng như kinh tế học của Hayek là ý tưởng về sự tiến hóa khôn lường và không chủ định của một trật tự hành động – cá nhân và tập thể – nhằm đạt tới những gì có ích cho cá nhân và nhóm thông qua việc khai thác tri thức vốn không một cá nhân nào có ở hình thái toàn vẹn của nó. Trả lời câu hỏi của thính giả đặt ra cho bài viết năm 1977 về mối quan hệ giữa tư tưởng tâm lý học và kinh tế học của mình, ông nói rằng ở “cả hai trường hợp chúng ta đều gặp những hiện tượng phức hợp mà ở đó đòi hỏi một phương pháp khai thác tri thức phân tán rộng rãi. Mấu chốt của vấn đề là mỗi thành viên (neuron, người bán, hay người mua) sẽ được xui khiến làm những việc mà trong toàn bộ quá trình sẽ đem lại lợi ích cho hệ thống. Mỗi thành viên có thể được sử dụng nhằm phục vụ cho những nhu cầu mà nó không hề biết.”10 Tư tưởng tâm lý học và triết học của ông phần lớn là song trùng.

Năm 1955, trong một bài ghi nhớ viết cho chính mình, phác thảo kế hoạch sáng tác trong tương lai, Hayek nhận xét rằng công trình tâm lý học thực sự là hình mẫu cho nghiên cứu triết học của ông về bản chất cùng những đòi hỏi của xã hội tự do và tiến bộ vật chất, bởi vì tư tưởng triết học của ông dựa trên một quan niệm về tâm lý học con người, vốn nhấn mạnh những giới hạn của tri thức cá nhân và sự tồn tại có tính tiến hoá của các cách nhận thức (và trong trường hợp xã hội là các thiết chế) giúp ích cho cuộc sống. Các thiết chế của con người cũng như các quá trình nhận thức cảm giác đều “dựa trên lịch sử phát triển của chúng ta.”11 Ông bắt đầu quan tâm đến sự tiến hoá xã hội của các thiết chế chủ yếu qua công trình tâm lý học của mình.

Sau khi hoàn thành tác phẩm Trật tự cảm giác, ông dự định viết một công trình về “các hệ thống nằm trong các hệ thống”, những gì có thể nói về một hệ thống cũng như trong phạm vi hệ thống – ở mức độ nào đấy dựa trên ý tưởng của ông theo đó một bộ máy phân loại thì không thể phân loại được cái gì đó có mức độ phức tạp cao hơn chính nó – nhưng ông nhận thấy công trình này “cực kỳ khó khăn”. Ngoài ra “không một ai mà tôi thử lại có thể hiểu được” nó.12 Trong số này có Popper. Thay vào đó ông viết bài “Các mức độ giải thích” (Degrees of Explanation), với dụng ý là bài viết đầu tiên trong loạt bài mà ông sẽ trình bày các ý tưởng của mình xa hơn theo hướng này. Trong bài “Các mức độ giải thích” ông lập luận, dù “chắc chắn là có thể phán đoán chính xác mà không cần có khả năng kiểm soát, nhưng rõ ràng chúng ta sẽ không thể kiểm soát được những diễn tiến xa hơn việc chúng ta có thể phán đoán các kết quả hành động của mình. Giới hạn mức độ phán đoán vì thế hàm ý giới hạn mức độ kiểm soát.”13 Kresge chỉ ra rằng “những luận điểm ủng hộ cũng như chống lại hiệu lực của kế hoạch hoá tập trung mà chủ nghĩa xã hội tất yếu đòi hỏi, hoặc là đứng vững, hoặc là sụp đổ, tuỳ thuộc vào… khả năng phán đoán kết quả của hành động.”14 Những giới hạn về tri thức khiến cho chủ nghĩa xã hội là bất khả thi.

Các công trình về sau theo hướng song song với “Các mức độ giải thích” được Hayek tập hợp trong phần đầu tác phẩm Các nghiên cứu về triết học, chính trị và kinh tế học năm 1967.

Ở mức độ nào đó, các bài luận này là sự tiếp nối kế hoạch của Hayek nhằm vạch ra cơ sở cho một lý thuyết về tự do, dựa trên quá trình phát triển tiến hoá của các thiết chế và các chuẩn mực xã hội không được định trước. Theo Hayek, quá trình sàng lọc của thị trường trở thành khuôn mẫu cho các xã hội với tính cách các tổng thể cùng những phức hợp các nguyên tắc, pháp luật, phong tục, luân lý, và tập quán của chúng. Giống như sự tồn tại của cạnh tranh giữa các nhà sản xuất các loại hàng hoá và dịch vụ khác nhau, giữa các xã hội cũng có sự cạnh tranh nhằm quyết định xã hội nào có năng suất vật chất cao nhất. Cuối cùng, các xã hội hiệu quả nhất về vật chất, và qua đó có các nguyên tắc và thiết chế tạo ra hiệu quả vật chất cao nhất, sẽ thắng thế. Trong chương 4 tác phẩm Các nghiên cứu về triết học, chính trị và kinh tế học, “Ghi nhận về quá trình tiến hoá của các hệ thống nguyên tắc ứng xử” (Notes on the Evolution of Systems of Rules of Conduct), ông viết, “quá trình chọn lọc tự nhiên đối với các luật lệ sẽ diễn ra dựa trên cơ sở tính hiệu quả nhiều hay ít của trật tự đang thành hình của nhóm”, và trích dẫn câu nói của Alexander Carr-Saunders (người kế tục William Beveridge làm giám đốc LSE) nhằm ủng hộ quan điểm này, “những nhóm nào thực hành những phong tục có lợi nhất sẽ chiếm ưu thế trong cuộc đấu tranh dai dẳng với với các nhóm liền kề.”15

Một số tác gia từng ca ngợi Hayek như một sử gia về tư tưởng. Ngoài George Stigler, sử gia kinh tế Henry Spiegel cũng đánh giá tác phẩm vĩ đại Lịch sử phân tích kinh tế (History of Economic Analysis) của Schumpeter là “thấm đẫm học vấn uyên thâm gần như vô song và chỉ có những đóng góp của Hayek vào lịch sử tư tưởng và Jacob Viner là mới sánh được trong thời hiện đại.”16 Bản thân Schumpeter nhận xét về cuốn Tín dụng hối phiếu (Paper Credit) của Henry Thornton do Hayek biên tập, “sự uyên bác thể hiện qua lời tựa mà Hayek viết cho tác phẩm chỉ chịu thua sự mê hoặc của chính nó. Độc giả nào chưa đọc phần ấy thì không chỉ tự tước đi của mình nhiều thông tin giá trị mà còn cả sự khoái cảm tinh tế.”17 Theo sử gia kinh tế Ben Seligman, Hayek là một sử gia về tư tưởng kinh tế “thượng thặng”.18

Công trình của Hayek về lịch sử tư tưởng xuyên suốt sự nghiệp của ông. Trong những năm đầu tiên của sự nghiệp hàn lâm ở Vienna, ông nghiên cứu lịch sử cũng như lý thuyết tiền tệ. Đột phá lớn đầu tiên của ông trong lĩnh vực lịch sử các ý tưởng là bốn chương viết về quá trình phát triển của chính sách và lý thuyết tiền tệ từ năm 1663 đến 1848, “Nguồn gốc của kim bản vị nhằm phản ứng trước chính sách tiền xu của Anh thế kỷ 17 và 18” (Genesis of Gold Standard in Response to English Coinage Policy in the 17th and 18th Century), “Tiền giấy đầu tiên ở Pháp thế kỷ 18” (First Paper Money in 18th-Century France), “Thời kỳ hạn chế, 1797-1821, và cuộc tranh luận về vàng khối ở Anh” (The Period of Restrictions, 1797-1821, and the Bullion Debate in England), và “Cuộc tranh luận giữa trường phái tiền tệ và trường phái ngân hàng, 1821-1848” (The Dispute between the Currency School and the Banking School, 1821-1848).19

Dù không bao giờ hoàn thành luận thuyết mà ông đã chấp bút từ sớm về lịch sử và lý thuyết tiền tệ, ông vẫn trao những ghi chép lịch sử còn lại cho một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại LSE, Vera Smith (về sau là Vera Lutz20). Sau đó bà sử dụng chúng để viết luận văn của mình, công bố năm 1936 dưới tiêu đề Cơ sở của ngân hàng trung ương (The Rationale of Central Banking). Chắc chắn từ tên của các chương luận văn này có thể thu lượm được cái gì đó sâu xa trong dòng chảy trí tuệ của ông – “Sự phát triển của ngân hàng trung ương ở Anh” (The Development of Central Banking in England), “Hệ thống của Scotland” (The Scottish System), “Quá trình phát triển của ngân hàng trung ương ở Pháp” (The Development of Central Banking in France), “Tổ chức hoạt động ngân hàng ở Mỹ: Phi tập trung hoá mà không có tự do” (The Organisation of Banking in America: Decentralisation Without Freedom), “Tổ chức hoạt động ngân hàng ở Đức” (The Organisation of Banking in Germany), “Các cuộc thảo luận lý thuyết về chủ đề này ở Anh và Mỹ trước năm 1848” (Discussions on the Theory of the Subject in England and America Prior to 1848), “Các cuộc thảo luận ở Pháp và Bỉ” (The Discussions in France and Belgium), “Các cuộc thảo luận ở Đức” (The Discussion in Germany), “Các cuộc thảo luận ở Anh sau năm 1848” (The Post-1848 Discussions in England), “Các cuộc thảo luận ở Mỹ trước khi thành lập Hệ thống Dự trữ Liên bang” (Discussions in America Prior to the Foundation of the Federal Reserve System), và “Xem xét lại những luận cứ ủng hộ ngân hàng trung ương” (The Arguments in Favour of Central Banking Reconsiderred). Trong chương cuối cùng, Smith viết rằng nguồn gốc của hoạt động ngân hàng trung ương sẽ được tìm thấy qua sự “xác lập những độc quyền, hoặc một phần hoặc hoàn toàn, về việc phát hành tiền giấy”. Bà cũng nhận xét, “những độc quyền trong lĩnh vực này đã tồn tại lâu hơn so với việc bãi bỏ chủ nghĩa bảo hộ đối với các ngành kinh tế khác”.21 Cuối sự nghiệp của mình, Hayek đi đến ủng hộ quá trình phi quốc gia hoá tiền tệ – có thể coi đây là biến thái của hoạt động ngân hàng tự do – và tin tưởng sự chấm dứt độc quyền nhà nước về cung tiền tệ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc duy trì xã hội tự do.

Các bài luận buổi đầu mang tính lịch sử của Hayek về các nhà kinh tế học bao gồm một bài viết tưởng nhớ thầy giáo Friedrich von Wieser năm 1926 và các bài giới thiệu các tác phẩm Quá trình phát triển của pháp luật về quan hệ con người (Development of the Laws of Human Relationship) (1929) của Hermann Heinrich Gossen, Tiểu luận về bản chất của thương mại nói chung (Essay on the Nature of Commerce in General) (1931), tuyển tập Carl Menger (1934), và Nghiên cứu bản chất và ảnh hưởng của tín dụng hối phiếu ở Anh (An Inquiry into the Nature and Effects of the Paper Credit of Great Britain) (1939). Ông cũng viết về lịch sử trường phái kinh tế học Áo nói chung và, vào giai đoạn cuối sự nghiệp, đã chấp bút một số bài luận về Mises. Ông coi công trình về lịch sử tư tưởng trong tác phẩm Cuộc cách mạng ngược trong khoa học (The Counter-Revolution of Science) – về những người theo Saint-Simon và về Comte – là “nỗ lực tham vọng nhất của mình trong một lĩnh vực vốn khiến tôi quan tâm từ lâu”.22 Tiếp theo nỗ lực cuối cùng ấy, Hayek tiến hành nghiên cứu rộng về John Stuart Mill. Ông từng một lần cân nhắc việc viết một cuốn sách về các nhà kinh tế học vĩ đại người Anh và theo truyền thống Whig23.

Cuối sự nghiệp của mình, Hayek viết về một số triết gia chính trị và nhà kinh tế học như David Hume, Bernard Mandeville, và Adam Smith. Hayek nhận xét về Hume rằng ông đã “đưa ra cho chúng ta lời tuyên bố có lẽ là toàn diện duy nhất về triết học pháp lý và chính trị (legal and political philosophy) mà sau này bắt đầu được biết đến như là chủ nghĩa tự do. Chính trong con người Hume, chúng ta tìm thấy lời tuyên bố đầy đủ nhất về học thuyết ấy”.24 Trong tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do (The Constitution of Liberty), ông nhận xét, Hume “sẽ trở thành người đồng đội chung thuỷ và người dẫn đường sáng suốt của chúng ta”.25 Năm 1963, trong một bài thuyết trình, Hayek đã gọi Hume là “triết gia xuất chúng về lý thuyết chính trị và pháp lý tự do chủ nghĩa”.26 Trong bản thảo một bài nói chuyện năm 1980, Hayek mô tả Hume là nguồn cảm hứng chủ yếu của mình, và trong một bài thuyết trình năm 1982, ông đã nhắc tới “thần tượng vĩ đại David Hume của tôi.”27

Sức cuốn hút của Hume đối với ông, người được ông trích dẫn nhiều hơn bất cứ ai khác trong các tác phẩm lớn của mình, có nhiều nguồn gốc khác nhau. Hayek giải thích, “một trong những đóng góp quan trọng nhất của ông đối với luật học chính là qua việc phân tích những điều kiện quyết định quá trình tiến hoá của các thiết chế pháp lý chủ yếu, trong đó ông cho thấy tại sao một nền văn minh phức tạp chỉ có thể phát triển ở những nơi đã có một số kiểu thiết chế pháp lý nhất định phát triển. Lý thuyết kinh tế học và lý thuyết pháp lý và chính trị của ông được liên kết mật thiết qua việc xem xét những vấn đề này. Hume là một trong số ít nhà lý thuyết xã hội nhận thức được rõ ràng mối quan hệ giữa những nguyên tắc mà con người tuân thủ và trật tự được hình thành qua đó.”28

Hayek là một người theo thuyết vị lợi nguyên tắc (rule utilitarian) đối với việc tiếp cận vấn đề đạo đức.29 Mặc dù phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa vị lợi hành vi (act utilitarianism – theo đó hành động được đánh giá bằng việc áp dụng ngay lập tức một chuẩn mực luân lý), ông vẫn ủng hộ mục tiêu đạo đức vì lợi ích lớn nhất cho nhiều người nhất, điều ông nghĩ là đạt được thông qua những nguyên tắc chung đã biết, áp dụng cho tất cả mọi người.30 Ông tán đồng khi trích dẫn Christian Bay, “Hume có thể được gọi là bậc tiền bối của Darwin trong lĩnh vực đạo đức. Trên thực tế, ông tuyên bố một học thuyết về sự tồn tại của quy ước phù hợp nhất trong những quy ước của con người – phù hợp nhất về tính thỏa dụng xã hội tối đa.”31

Hayek nhận xét về Hume là ông “đã mô tả súc tích những lợi thế của sự ‘phân chia việc làm’ (partition of employments, chính là khái niệm về sau được Adam Smith biến thành nổi tiếng qua thuật ngữ ‘phân công lao động’ của Mandeville32)”.33 Ông kết thúc bài thuyết trình năm 1963 về Hume: Hume “không hề phủ nhận việc chính phủ có những nhiệm vụ tích cực. Giống như Adam Smith sau này, ông cũng biết là chỉ nhờ những quyền lực tùy ý (discretionary power) được trao cho chính phủ mà ‘các cây cầu mới được xây, hải cảng mới được mở; nhờ có sự chăm nom của chính phủ mà tất cả mọi nơi, cho dù gồm những con người khó lòng tránh khỏi những khiếm khuyết nhân bản, nhưng qua một trong số những phát minh tốt nhất và rực rỡ nhất có thể hình dung được, lại đều trở thành một tập hợp mà ở mức độ nào đó thoát khỏi tất cả những khiếm khuyết trên.’”34

Mối quan tâm của Hayek đến Bernard Mandeville thể hiện đầy ý nghĩa, và giống như bất kỳ sử gia tư tưởng nào khác, ông cũng đặt Mandeville vào một vị trí quan trọng. Đây là một trong những lời ca tụng mà Hayek dành cho Mandeville: “Việc ta không biết tại sao ta lại làm những gì ta làm, và kết quả từ những quyết định của ta thường khác xa với những gì mà ta hình dung, chính là hai cơ sở của thứ nghệ thuật trào phúng vốn là mục tiêu đầu tiên của ông về tính tự phụ của kỷ nguyên duy lý. Tôi thực sự muốn quả quyết cho Mandeville rằng những chiêm nghiệm bắt nguồn từ kiểu jeu d’esprit (nhận xét dí dỏm) ấy đã đánh dấu sự đột phá rõ ràng trong tư tưởng cận đại thể hiện ở hai ý tưởng song sinh về quá trình tiến hoá và quá trình hình thành tự phát của một trật tự.” Ông nhận xét mối quan hệ giữa Mandeville và Hume, “Tôi không có ý định quả quyết thay cho Mandeville nhiều hơn việc khẳng định rằng ông đã khiến cho Hume tồn tại. Thực sự, chính đánh giá của tôi rằng Hume có lẽ là con người vĩ đại nhất trong tất cả những sinh viên cận đại trên địa hạt trí tuệ và xã hội đã khiến cho Mandeville quan trọng đến thế đối với tôi.”35

Hayek viết về Adam Smith trong bài luận “Những kết quả từ hành động con người chứ không phải từ ý đồ con người” (The Results of Human Action but not of Human Design) năm 1966, cũng như mười năm sau nhân kỷ niệm 200 năm tác phẩm Của cải các quốc gia (The Wealth of Nations). Ở bài luận trước, ông nhận xét rằng quan niệm của Adam Smith về “bàn tay vô hình”, qua đó “con người được dẫn dắt đi đến thúc đẩy một mục đích nằm ngoài ý định của mình”, là luận điểm trung tâm của khái niệm trật tự tự phát.36 Nhân kỷ niệm 200 năm tác phẩm Của cải các quốc gia, ông viết: “thành tựu vĩ đại của Adam Smith là đã nhận ra rằng nỗ lực của một người sẽ có lợi cho nhiều người hơn, và xét trên tổng thể sẽ thỏa mãn nhiều nhu cầu hơn, khi anh ta để cho bản thân mình được dẫn dắt bởi những tín hiệu giá cả trừu tượng thay vì những nhu cầu hình dung được, và bằng phương thức này chúng ta có thể vượt qua sự thiếu hiểu biết cố hữu về phần lớn những dữ kiện cụ thể một cách ngoạn mục nhất, và có thể sử dụng đầy đủ nhất tri thức về những điều kiện cụ thể, phân tán rộng rãi trong hàng triệu cá nhân.”37 Các mối quan tâm lịch sử của Hayek có xu hướng chuyển dịch theo suốt tiến trình sự nghiệp khi ông thay đổi những quan tâm hàng đầu của mình. Đánh giá của ông về Adam Smith tăng lên dần theo năm tháng.

Có lẽ công trình có tính lịch sử đặc biệt của Hayek thu hút nhiều chú ý nhất vào thời điểm công bố là tuyển tập bài luận của các thành viên Hội Mont Pelerin do ông biên tập, Chủ nghĩa tư bản và các sử gia (Capitalism and Historians, 1954). Trái với nhiều hiểu biết học thuật thịnh hành thời bấy giờ, ông lập luận ở đây rằng cuộc Cách mạng Công nghiệp – thay vì là kỷ nguyên nghèo khổ ngày càng tăng của quần chúng lao động – là thời đại với những tiến bộ to lớn nhất về điều kiện sống của nhiều người hơn bao giờ hết trong lịch sử.

Ông đặt câu hỏi ví von, “Có ai lại chưa từng nghe tới ‘những nỗi kinh hoàng của chủ nghĩa tư bản thời kỳ đầu’ và bị ám ảnh rằng sự xuất hiện của hệ thống này đã đem đến những nỗi thống khổ không đếm xuể?” Ông bày tỏ quan niệm của mình về vai trò của cách thể hiện lịch sử trong tuyển tập Chủ nghĩa tư bản và các sử gia. Ông viết, “ý kiến và quan niệm của công chúng về các sự kiện lịch sử đã và luôn phải được liên hệ mật thiết với nhau”. “Cuối cùng, ngay cả những người chưa từng đọc lấy một cuốn sách và có lẽ chưa từng nghe tới cả tên của các sử gia vốn có những quan điểm ảnh hưởng đến mình cũng đi đến nhìn nhận quá khứ qua nhãn quan của họ.”38

Những cách giải nghĩa quá khứ giúp cho việc định hình tương lai. Trước tác của Hayek về lịch sử tư tưởng nhằm góp phần định hình tương lai mà ông muốn thấy.

Chú thích:

(1) HA, 93-11.

(2) SO, 185.

(3) Sđd, 191, 192.

(4) CW IV, 178.

(5) John Gray, Hayek on Liberty (Oxford: Basil Blackwell, 1984), 13.

(6) Ludwig Wittgenstein, Tractatus Logico-Philosophicus (London: Routledge, 1995), 3.

(7) SO, 192.

(8) F. A. Hayek, “The Sensory Order After 25 Years”, trong tác phẩm do Walter B. Weimer và David S. Palermo biên tập, Cognition and the Symbolic Processes (Hillsdal, New Jersey: Lawrence Erbaum Associaté, 1982), 288.

(9) CRS, 40.

(10) Hayek, “The Sensory Order After 25 Years”, 325.

(11) Sđd, 329.

(12) Hayek, “The Sensory Order After 25 Years”, 290.

(13) Studies, 18.

(14) HH, 28.

(15) Studies, 67.

(16) Spiegel, 545.

(17) Schumpeter, History of Economic Analysis, 689.

(18) Ben Seligman, Main Currents in Modern Economics (New Brunswick, New Jersey: Transaction Publishers, 1990), 342.

(19) CW III, viii.

(20) Theo họ chồng. (N.D.)

(21) Vera Smith, The Rationale of Central Banking and the Free Banking Alternative (Indianapolis: Liberty Press, 1990), 167.

(22) HH, 128.

(23) Đảng Whig tại Anh thế kỷ 18 và 19, đối lập với Đảng Tory (từ năm 1832 được biết đến với tên Đảng Bảo thủ). (N.D.)

(24) Studies, 109.

(25) CL, 420.

(26) Studies, 110.

(27) On Toleration, Susan Mendus và David Edwards (Oxford: Clarendon Press, 1987), 35.

(28) Studies, 111-112.

(29) Graham Walker, Hayek on Liberty, 59, 37-38; Leland Yeager, Critical Review, 333. Hayek bộc lộ các quan điểm vị lợi chủ nghĩa ở một số chỗ trong Law, Legislation and Liberty (tập II, 132; tập I, 103; tập II, 106, 115), cũng như qua các công trình của mình.

(30) Trong The Constitution of Liberty, Hayek nhắc tới luận bàn của Mill về chủ nghĩa vị lợi nguyên tắc, trái với hành vi (159, 425). Xem thêm J. S. Mill, On Liberty (Oxford University Press, 1981), 94; J. O. Urmson, “The Interpretation of the Moral Philosophy of J. S. Mill”, Philosophical Quarterly (1953).

(31) Studies, 111.

(32) Bertrand Mandeville (1670?-1733): Thầy thuốc, triết gia và nhà văn trào phúng người Anh gốc Hà Lan. Công trình chủ yếu của ông là The Fable of the Bees, mô tả tư lợi như là động cơ của mọi hoạt động. (N.D.)

(33) Sđd, 112.

(34) Sđd, 112.

(35) NS, 250, 264.

(36) Studies, 99.

(37) NS, 269.

(38) CH, 10, 3.

Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp, Phần V, Chương 31, Nhà xuất bản Tri Thức 2007

 

Hiệu đính:
Lê Anh Hùng
Biên tập:
Đinh Tuấn Minh

Bài viết liên quan