[Nền dân trị Mỹ] - Chương III: Trạng thái xã hội của người Mỹ gốc Anh

[Nền dân trị Mỹ] - Chương III: Trạng thái xã hội của người Mỹ gốc Anh

TRẠNG THÁI XÃ HỘI NGƯỜI MĨ GỐC ANH

Thông thường, trạng thái xã hội là sản phẩm của một sự kiện đã rồi, đôi khi là do luật pháp tạo ra, rất nhiều khi đó là do cả hai nguyên nhân hội lại. Nhưng một khi xuất hiện một trạng thái xã hội, thì ta lại có thể coi đó là nguyên nhân đầu tiên tạo ra hầu hết các luật lệ, các lối sống và các tư tưởng chi phối hành vi của các quốc gia. Cái gì không tạo ra thì nó [lấy từ cái có sẵn và] cải biến đi.

Vậy là, muốn hiểu rõ việc lập pháp và các tập tục của một dân tộc, ta cần phải bắt đầu bằng cách nghiên cứu trạng thái xã hội của nó.

ĐIỀU NỔI BẬT CỦA TRẠNG THÁI XÃ HỘI NGƯỜI MĨ GỐC ANH LÀ SỰ DÂN CHỦ MANG TÍNH BẢN CHẤT

Những người di cư đầu tiên của New England. − Họ bình đẳng với nhau. − Những người quý tộc du nhập vào miền Nam. − Thời kì cách mạng. − Thay đổi luật về quyền thừa kế. − Tác động của sự thay đổi đó. − Quyền bình đẳng được đẩy tới giới hạn cuối cùng tại các bang mới ở miền Tây. − Sự bình đẳng trí tuệ.

Ta có thể có nhiều lưu ý quan trọng về trạng thái xã hội của người Mĩ gốc Anh, nhưng có một nét chế ngự toàn bộ.

Trạng thái xã hội của người Mĩ là cực kì dân chủ. Đặc điểm đó có từ khi các khẩn địa ra đời, và vẫn còn cho tới ngày nay.

Ở chương trước, tôi đã nói rằng giữa những người di dân tới lập nghiệp trên các bến bờ đất New England có một sự bình đẳng rất lớn. Ngay cái mầm quý tộc trị cũng chẳng khi nào được gieo vào phần đất liên bang này. Ở đó nếu có chăng người ta chỉ có thể cấy những ảnh hưởng trí tuệ. Dân chúng quen dần với việc xưng tụng một vài tên tuổi, coi như biểu tượng của trí tuệ và đức hạnh. Tiếng nói của một vài công dân có thể tác động tới người dân theo cách có thể gọi là quý tộc, nếu như điều đó có thể cha truyền con nối bất biến.

Điều này diễn ra ở miền Đông của sông Hudson. Nhưng ở vùng Tây Nam con sông này và đi xuôi xuống Florida, thì tình hình lại khác rồi.

Tại phần lớn các bang nằm ở Tây Nam sông Hudson, có những trang chủ lớn người Anh đến sinh sống. Họ du nhập vào đó những nguyên lí quý tộc trị, và cùng với chúng là những lệ luật của người Anh về quyền thừa kế. Tôi đã tìm hiểu những lí do ngăn cản người ta không thể làm cách nào gây dựng ở Mĩ một nền quý tộc trị vững mạnh. Những lí do ấy trong khi vẫn tồn tại vật vờ ở Tây Nam sông Hudson, thì so với ở miền Đông con sông này chúng lại ít mạnh mẽ. Ở miền Nam, một cá nhân với sự giúp sức của nô lệ có thể canh tác những khoảnh đất rất lớn. Vậy là ở phần lục địa này có thể bắt gặp những điền chủ giàu có. Thế nhưng ảnh hưởng của họ cũng không thực chất mang tính quý tộc kiểu như bên châu Âu, bởi vì những ông điền chủ ở đây chẳng có đặc quyền đặc lợi gì hết, và cách làm ăn canh tác nhờ nhân công nô lệ chẳng đem lại cho họ những người lao động kiểu tá điền, và do đó thì cũng chẳng có chế độ bảo trợ. Dẫu sao thì ở miền Nam sông Hudson cũng vẫn có một giai tầng bên trên với những tư tưởng và thị hiếu riêng và cũng chỉ tập trung trong hoạt động chính trị nội bộ họ mà thôi. Đó là một lớp quý tộc hơi khác với đông đảo dân chúng, là những con người với những đam mê và hứng thú dễ dàng được họ lôi cuốn mà không bị kích động cả tình yêu lẫn sự hận thù, nhìn chung tầng lớp quý tộc này yếu ớt và ít năng động. Ở miền Nam, chính cái giai tầng này lại hay đứng đầu các cuộc nổi dậy; những vĩ nhân của cách mạng Mĩ thường từ cái lò này mà ra.

Vào thời kì đó, toàn bộ xã hội bị lung lay chao đảo: nhân dân, mà nhân danh nó người ta đã chiến đấu, nhân dân khi trở thành một thế lực đã hình thành ước vọng tự mình hành động. Các bản năng dân chủ được thức tỉnh. Bằng cách bẻ gãy cái ách lục địa đè lên họ, người ta quen miệng với đủ món độc lập: ảnh hưởng của cá nhân dân dân ngừng bộc lộ; nếp sống và luật pháp bắt đầu cùng chung bước tiến hướng theo một mục đích.

Thế nhưng chính cái luật về quyền thừa kế đã tạo ra bước đi cuối cùng hoàn thiện quyền bình đẳng.

Tôi thấy ngạc nhiên vì những nhà viết chính luận cả xưa lẫn nay đều chưa khi nào nhìn nhận ở các bộ luật thừa kế một ảnh hưởng lớn hơn nữa đến tiến trình công việc của con người. Đúng là các luật này có tính chất dân sự. Nhưng nó cần được đặt lên hàng đầu các thiết chế chính trị, vì khi được thể hiện thành luật lệ về chính trị, nó tác động ghê gớm đến trạng thái xã hội của các dân tộc. Hơn nữa, luật lệ này là một cách tác động chắc chắn và đồng loạt lên xã hội. Có thể nói các luật này chi phối được các thế hệ ngay trước khi các thế hệ được sinh ra. Thông qua chúng, con người được trang bị một quyền lực như của trời ban đối với tương lai đồng loại. Nhà lập pháp giải quyết một lần chuyện thừa kế của các công dân, sau đó ông ta có thể nghỉ ngơi trong nhiều thế kỉ: sau khi phát động cho cỗ máy chạy, ông ta có thể rút tay ra. Cỗ máy sau đó tự chạy bằng sức của mình và như thể tự đi tới một mục tiêu cho sẵn. Được tạo thành theo cách tồn tại của nó, cỗ máy đó tập hợp lại, cô đúc lại, nhóm gộp tài sản sở hữu lại trong một đầu người, nhưng liền sau đó lại là quyền lực. Cỗ máy đó gần như đã làm nảy vọt ra nền quý tộc trị về đất đai. Nhưng nếu được dẫn dắt theo nguyên lí khác, nếu được hướng đi theo một con đường khác, hành động của nó còn nhanh hơn nữa. Nó phân chia, nó phân bổ, nó phân phát tài sản và quyền lực. Đôi khi ta thấy sợ vì bước tiến của nó mới nhanh làm sao. Tuyệt vọng vì không thể ngăn nổi bước tiến của nó, con người tìm cách ít ra cũng đặt vài ba khó khăn cản trở phía trước nó. Con người muốn làm cân bằng hành động của nó bằng vài ba nỗ lực ngược chiều. Toàn những thứ vô ích! Nó nghiền, hoặc nó làm vỡ tan tành mọi thứ gì nó gặp trên đường đi, nó đứng dậy rồi ngã xuống đất vô vàn lần, cho tới khi nước mắt ta nó chỉ còn là một thứ bụi, đám bụi di động tay ta không sao nắm giữ nổi, và bên trên nó dựng nên một nền dân trị.

Khi luật thừa kế cho phép, hơn thế nữa, còn ra lệnh phân chia tài sản của người cha cho tất cả con cái, khi ấy tác động sẽ gồm hai loại, mà chúng ta cần phân biệt cho kĩ càng, mặc dù cả hai loại tác động đó đều cùng đi tới một cái đích chung.

Thể theo luật thừa kế, người chủ sở hữu chết đi dẫn theo một cuộc cách mạng về tài sản. Không phải ở chỗ tài sản đổi chủ, mà có thể nói là chúng thay đổi cả về bản chất. Chúng không ngừng bị phân chia ngày càng nhỏ ra mãi.

Đó chính là tác động trực tiếp và có phần vật chất của luật thừa kế. Ở những nước mà việc lập pháp tạo ra quyền bình đẳng trong việc phân chia tài sản, thì các loại tài sản đặc biệt là gia tài đất đai có xu hướng ngày càng co dãn lại. Dẫu sao, tác động của các luật này chỉ thể hiện về lâu về dài, một khi luật lệ đó được bỏ mặc cho sức mạnh của chính nó. Bởi vì, khi mỗi gia đình chỉ nhỉnh hơn hai con (người ta cho rằng số con trung bình một gia đình ở một nước đông dân như Pháp chỉ là ba thôi), phân chia tài sản của mẹ cha, các đứa con này sẽ không bị nghèo hơn mẹ hoặc cha tính riêng rẽ từng người một.

Nhưng luật phân chia ngang nhau không chỉ có ảnh hưởng tới việc phân chia tài sản. Nó còn tác động vào tâm hồn của những người sở hữu, và nó được những đam mê của con người hỗ trợ cho việc thi hành luật. Chính là những tác động gián tiếp sẽ nhanh chóng tiêu diệt các gia sản lớn và nhất là những dinh cơ điền địa lớn.

Ở những dân tộc mà quyền thừa kế dựa trên quyền của con trưởng đích tôn, các dinh cơ điền địa thường khi được chuyển từ thế hệ này qua thế hệ khác mà không bị chia nhỏ. Kết quả từ đó là tinh thần gia tộc như thế được vật chất hoá trong đất đai. Dòng họ đại diện cho đất đai, đất đai đại diện cho dòng họ. Đất đai kéo dài mãi mãi tên tuổi của dòng họ, nguồn gốc, vinh quang, thế lực, đức độ của dòng họ. Đó là một chứng nhân bất khả vong của quá khứ và một bảo lãnh quý báu của cuộc sống tương lai.

Khi luật thừa kế xác lập việc chia tài sản ngang nhau, nó tiêu diệt mối dây thân tình gắn bó tinh thần gia tộc với sự bảo tồn đất đai. Đất đai thôi không còn đại diện cho dòng họ nữa, bởi vì, do chỗ không tránh khỏi bị phân chia trong vòng một hai thế hệ nữa, hiển nhiên là nó không ngừng bị thu hẹp lại và cuối cùng sẽ hoàn toàn biến mất. Những đứa con của một đại điền chủ, nếu số lượng nhỏ, hoặc nếu như gia tài của họ kha khá, thì có thể bảo tồn được niềm hi vọng không kém giàu hơn tác giả của toàn bộ gia tài, nhưng không hi vọng có cùng số lượng tài sản như tác giả ấy. Họ rồi sẽ giàu sang đến đâu nhất định là còn phải tuỳ thuộc vào những yếu tố khác với những yếu tố của chính họ.

Ấy thế mà, vào lúc ta tước đi khỏi tay các điền chủ một loạt tình cảm và kỉ niệm, lòng kiêu hãnh và tham vọng giữ gìn được đất đai, ta có thể tin chắc rằng sớm hay muộn thì họ cũng bán đất đai đó đi, vì họ rất cần tiền nên cần bán đất, vì tư bản động sản đem lại nhiều lợi nhuận hơn các loại tư bản khác, và còn dễ dàng hơn nữa cho chủ nhân được thoả mãn các đam mê tức thời.

Một khi đã được đem chia ra, các sở hữu đại điền địa sẽ không có cơ hội tái lập lại được nữa. Vì người tiểu điền chủ thu được lợi nhuận nhiều hơn từ cánh đồng của họ, so với lợi nhuận tương ứng của người đại điền chủ. Điền chủ nhỏ bán hàng được giá đắt hơn. Vậy là những tính toán kinh tế đã khiến người giàu bán đi những điền sản lớn, lại sẽ ngăn chặn họ mua về những điền sản nhỏ để từ đó lập lại những điền sản lớn.

Cái mà ta quen gọi là tinh thần gia đình dòng họ thường khi được xây dựng trên ảo tưởng ích kỉ cá nhân. Con người tựa hồ như tìm cách kéo dài cuộc sinh tồn của mình qua con cháu chút chít. Ở chỗ nào không còn tinh thần gia đình dòng họ nữa, tính ích kỉ cá nhân co lại trong các khuynh hướng riêng. Do chỗ gia đình dòng họ chỉ còn lại trong đầu óc con người một cách mơ hồ, bất định, không rõ nét, nên mỗi con người liền tập trung vào hiện tại cho rảnh. Người ta nghĩ tới việc dựng lại một thế hệ sẽ đến, và không còn gì hơn nữa.

Vậy là người ta không tìm cách kéo dài gia đình dòng họ nữa, hoặc ít ra là tìm cách kéo dài nó bằng các phương tiện khác chứ không chỉ bằng phương tiện sở hữu đất đai.

Vậy là, luật thừa kế không chỉ gây khó dễ cho các gia đình trong việc duy trì nguyên vẹn các dinh cơ sẵn có, mà còn tước bỏ cả cái ước vọng thử tìm cách duy trì chúng, và có thể nói là luật đó còn lôi cuốn họ vào việc hợp tác với luật để rồi tự mình tiêu diệt mình.

Luật thừa kế ngang nhau tiến hành theo hai cách: bằng cách tác động vào sự vật, nó tác động vào con người; và bằng cách tác động vào con người, nó đạt tới sự vật.

Bằng cả hai cách, luật thừa kế đó đạt được tới chỗ tiến công theo bề sâu vào tài sản đất đai và làm tiêu tan nhanh chóng các dòng họ cũng như các tài sản lớn.

Không phải việc của chúng ta, người Pháp thế kỉ XIX, những chứng nhân hàng ngày của những đổi thay chính trị và xã hội do luật thừa kế đẻ ra, là hoài nghi quyền lực của luật đó. Từng ngày một, chúng ta thấy luật đó không ngừng diễn đi diễn lại trên đất nước mình, và trên đường đi ngang nó đã lật nhào những bức tường dinh cơ và bờ rào các cánh đồng của chúng ta. Thế nhưng, nếu như luật thừa kế đã làm được biết bao nhiêu điều cho chúng ta, thì nó vẫn còn vô khối điều phải làm nữa. Những kỉ niệm của chúng ta, những ý kiến quan điểm và lối sống của chúng ta vẫn còn đang dựng lên những trở ngại vững mạnh để chống đối lại nó.

Ở Hoa Kì, công trình tàn phá của luật đó gần như đã hoàn thành. Chính ở đất nước này ta có thể nghiên cứu những kết quả chính yếu của luật đó.

Luật pháp của Anh về chuyển giao tài sản đã bị thủ tiêu ở hầu khắp các bang vào thời kì cách mạng.

Luật thừa kế đã được sửa đổi sao cho nó không cản trở một cách vô cảm sự di chuyển tự do các loại tài sản. (Xem G)

Thế hệ thứ nhất qua đi, đất đai bắt đầu được chia nhỏ ra. Thời gian càng trôi đi thì phong trào đó diễn ra càng ngày càng nhanh lên.

Hôm nay đây, khi gần sáu chục năm đã trôi qua, đã không còn nhận ra cái dáng vẻ của xã hội cũ nữa. Các gia đình đại điền chủ gần như là đã bị nuốt chửng vào trong lòng cái khối toàn dân. Tại bang New York, nơi xưa kia có vô số gia đình đại điền chủ, chỉ còn có hai gia đình cố ngoi ngóp trong cái vực sâu đã sẵn sàng nuốt lấy họ. Con cái của những công dân giàu có đó giờ đây đã thành thương nhân, luật gia, y sĩ. Phần lớn các gia đình đại điền chủ đều đã mất tăm. Dấu vết cuối cùng các thứ bậc và tước hiệu cha truyền con nối đã bị tiêu diệt. Luật thừa kế đã san bằng mọi chuyện ở mọi nơi.

Chẳng phải chỉ ở Hoa Kì cũng như ở mọi nơi mới có người giàu. Song tôi chưa từng thấy ở cái đất nước nào mà con người ta lại yêu tiền bạc đến thế, ở đó người ta dạy nhau khinh bỉ sâu sắc cái lí thuyết về tài sản bình đẳng thường xuyên. Ở đây tài sản chu chuyển với tốc độ không thể tin được, và kinh nghiệm cho thấy hiếm có hai thế hệ nhận được ân huệ từ hiện trạng đó.

Khung cảnh phác hoạ có đôi chút tô hồng đó cũng mới chỉ đem lại cho ta một ý niệm không đầy đủ về những gì đang diễn ra tại các bang mới lập ở miền Tây và Tây Nam.

Vào cuối thế kỉ trước, những kẻ phiêu lưu táo tợn bắt đầu thâm nhập vào các thung lũng sông Mississippi. Đó như thể là một chuyến phát hiện châu Mĩ lần nữa: chẳng bao lâu, đại bộ phận dân di cư lao vào vùng đó. Và ta thấy ở nơi hoang mạc bỗng mọc lên các tổ chức chẳng có tên tuổi gì hết. Những bang vài ba năm trước chưa hề tồn tại nay có vị trí trong lòng Liên bang Mĩ. Chính là ở miền Tây mà ta có thể nhận thấy nền dân trị đạt tới giới hạn cao nhất. Tại các bang này, như là ngẫu hứng mọc lên, cư dân của họ mới chỉ chân ướt chân ráo tới đây chiếm đất. Họ hầu như chưa quen biết nhau, và chẳng ai biết đến lai lịch của người láng giềng gần nhà mình nhất. Thế là tại cái phần lục địa Mĩ này, dân chúng không những chỉ thoát ra khỏi những tên tuổi lớn và những gia sản lớn, mà còn thoát ra khỏi cái chế độ quý tộc trị tự nhiên do trí tuệ và đức hạnh tạo ra. Chẳng có gì ở đó để thực thi cái quyền lực đáng kính của kỉ niệm xưa về một đời người làm việc thiện trước mắt họ. Các bang mới ở miền Tây đã có người đến ở, nhưng ở đó chưa có một xã hội.

Nhưng ở nước Mĩ không phải chỉ có chuyện bình đẳng về tài sản. Đến một mức nào đó, sự bình đẳng còn lan sang cả trí tuệ con người.

Tôi không cho rằng lại có đất nước nào trên thế giới này mà theo tỉ lệ dân chúng lại có ít người ngu dốt đến thế và hiếm nhà bác học đến như ở nước Mĩ.

Nền giáo dục tiểu học được dành cho từng con người. Giáo dục cao đẳng hầu như chứa trong tầm tay của mỗi con người.

Điều này dễ hiểu, và có thể nói đó là kết quả của những gì chúng tôi đã đưa ra ở bên trên.

Hầu hết người Mĩ sống dư dật, vậy là họ có thể dễ dàng tự tạo cho mình những yếu tố đầu tiên của tri thức con người.

Ở Mĩ, có ít người giàu, hầu hết người Mĩ đều có nhu cầu hành một nghề nào đó. Thế mà, nghề nào thì cũng phải học. Vậy là người Mĩ chỉ có thể dành những năm đầu đời cho học vấn phổ thông. Đến tuổi mười lăm là họ đã có nghề rồi. Như vậy là việc học của họ chấm hết ở cái thời điểm chúng ta bắt đầu. Nếu họ học thêm nữa, họ chỉ có thể đi theo hướng chuyên sâu và sinh lợi. Ở đây người ta học một khoa học cũng như hành một nghề. Và người ta chỉ làm cái gì có thể thực hành và được thừa nhận là hữu dụng.

Ở nước Mĩ, phần lớn người giàu đều khởi nghiệp là những người nghèo. Hầu hết những kẻ lười biếng đều là những con người rất bận rộn vào thời niên thiếu. Từ đó mà có chuyện khi con người có thể ham học thì lại không có thời giờ để lao vào việc học, và khi có thời giờ học thì lại không còn thích thú học hành gì nữa.

Vậy là ở nước Mĩ không có cái giai tầng mang thiên hướng thú vui trí tuệ truyền lại cho nhau cùng với cuộc sống sung túc và cách sống nhàn tản, và coi những công việc trí óc như một thứ vinh dự.

Đồng thời cũng thiếu cả cái ý chí lẫn quyền lực lao vào loại hoạt động đó.

Ở Mĩ, trình độ hiểu biết về nhân văn chỉ ở cỡ tầm tầm. Tất cả các trí óc đều đạt trình độ ấy, có những trường hợp hạ xuống cho vừa, có những trường hợp nâng cao lên cho tới.

Vậy là ta bắt gặp vô thiên lủng các cá nhân có cùng một khối lượng khái niệm gần gần ngang nhau về tôn giáo, lịch sử, khoa học, kinh tế, chính trị, luật pháp và chính quyền.

Sự bất bình đẳng về trí tuệ do Chúa trực tiếp ban cho, và con người chẳng biết làm cách nào ngăn cản việc đó cứ xảy ra mãi mãi.

Thế nhưng từ những điều chúng tôi vừa nói, ít ra cũng có điều là trí tuệ con người ở Mĩ, tuy vẫn không đồng đều theo đúng ý Đấng tối cao, nhưng họ lại có sẵn những phương tiện trí tuệ ngang nhau.

Vì thế cho nên, hiện thời ở nước Mĩ, thành phần quý tộc, là thứ luôn luôn yếu kém ngay từ khi sinh ra, nếu không bị tiêu diệt rồi thì cũng bị suy yếu, đến độ là ta khó mà có thể gán cho nó một ảnh hưởng nào đó trong tiến trình công việc.

Ngược lại, thời gian, các biến cố và luật pháp ở nước Mĩ đã khiến cho thành phần dân chủ không chỉ trở nên ưu thắng, mà có thể nói đó là yếu tố duy nhất. Trong yếu tố dân chủ đó, không thấy một ảnh hưởng gia đình dòng họ hoặc đoàn thể nào. Lắm khi ta còn chẳng thể nào nhận ra ở đó cái ảnh hưởng hơi kéo dài của những cá nhân.

Vậy là xét trong trạng thái xã hội, nước Mĩ là hiện tượng kì lạ nhất hạng. Con người ở đó tỏ ra bình đẳng hơn về tài sản và về trí tuệ, hoặc nói theo cách khác, họ đều cùng khoẻ khoắn như nhau hơn là ở bất cứ nước nào trên thế giới, và điều đó cũng chưa từng thấy ở một thế kỉ nào mà lịch sử còn ghi nhớ được.

HỆ QUẢ CHÍNH TRỊ CỦA TRẠNG THÁI XÃ HỘI NGƯỜI MĨ GỐC ANH

Ta có thể dễ dàng suy ra những hệ quả chính trị của một trạng thái xã hội như thế.

Không thể nào hiểu nổi rằng sự bình đẳng cuối cùng lại không thâm nhập được vào thế giới chính trị cũng như mọi lĩnh vực khác. Ta khó có thể quan niệm việc con người vĩnh viễn bất bình đẳng ở chỉ một điểm, tức là bình đẳng bên trên kẻ khác. Như vậy, đến một lúc nào đó, họ sẽ bình đẳng bên trên tất cả mọi thứ.

Thế mà tôi chỉ biết được hai cách để tạo ra quyền bình đẳng trong thế giới chính trị: phải trao quyền cho mỗi công dân, hoặc là không trao quyền cho bất kì ai.

Đối với các dân tộc đã đi tới chỗ có cùng trạng thái xã hội như người Mĩ gốc Anh, thì rất khó nhìn thấy một biện pháp trung gian giữa chủ quyền tối cao của tất cả mọi người và quyền chuyên chế của một người.

Ta chẳng nên che giấu điều này, rằng trạng thái xã hội mà tôi vừa mới miêu tả không dễ gì dẫn tới cả hai hệ quả đó.

Thực ra cũng có một thứ đam mê nam tính và chính đáng đối với quyền bình đẳng, nó kích thích toàn bộ đàn ông muốn mình mạnh mẽ và được trọng vọng. Niềm đam mê này có xu hướng nâng cao những con người bé nhỏ lên ngang hàng những con người to lớn. Nhưng trong lòng con người cũng có cả cái thú vui sa đoạ muốn bình đẳng, trường hợp của những kẻ yếu hèn muốn ngoi lên hàng những kẻ mạnh, điều này dẫn con người đến chỗ sẽ chọn cái bình đẳng trong nô lệ hơn là cái bất bình đẳng trong tự do. Đó không phải là vì những dân tộc có trạng thái xã hội dân chủ thường khinh rẻ tự do. Ngược lại là khác, những dân tộc này thích tự do một cách bản năng. Nhưng với họ tự do không phải là đối tượng chính và liên tục của ước vọng. Cái mà họ vĩnh viễn yêu quý là sự bình đẳng. Họ lao tới tự do bằng một xung động nhanh nhạy và bằng những nỗ lực bất chợt, và nếu họ bị hụt cái đích, họ đầu hàng. Nhưng nếu không có quyền bình đẳng thì chẳng có gì khả dĩ thoả mãn họ, và họ thà chết còn hơn là mất quyền bình đẳng.

Mặt khác, khi các công dân đều gần bình đẳng như nhau, thật khó cho họ khi phải bảo vệ sự độc lập chống lại những xâm chiếm quyền lực. Không ai trong bọn họ đủ mạnh để chiến đấu đơn độc mà thắng thế được, mà chỉ có sự kết hợp sức mạnh của tất cả thì mới bảo đảm được tự do. Vậy nhưng không phải là luôn luôn bắt gặp được một sự kết hợp như thế.

Vậy là từ một trạng thái xã hội giống nhau, các dân tộc phải rút ra hai hệ quả chính trị to lớn: các hệ quả đó khác nhau ghê gớm nhưng cả hai lại cùng là kết quả từ một sự kiện.

Là những kẻ đầu tiên bị buộc phải lựa chọn giữa hai con đường như tôi vừa mới miêu tả đó, người Mĩ gốc Anh thật khá là may mắn vì họ đã có thể thoát khỏi nạn quyền lực chuyên chế. Hoàn cảnh họ, nguồn gốc họ, sự sáng láng của họ, và nhất là các tập tục của họ đã cho phép họ xây dựng và duy trì được quyền tối thượng chính đáng của nhân dân.

CHÚ THÍCH

(G)

Trong cuốn Hồi ức Jefferson chúng ta đọc được như sau: “Trong những thời kì người Anh mới đặt chân lên Virginia, khi đất đai có giá cả chẳng đáng bao nhiêu, có khi còn không mất xu nào, một số người nhìn xa trông rộng đã có được những khoảnh đồn điền lớn, và do chỗ họ muốn duy trì to tát tên tuổi dòng họ, tài sản của họ đã được truyền lại cho con cháu, việc lưu truyền tài sản như vậy từ thế hệ này qua thế hệ khác cho những con người mang cùng một họ cuối cùng tạo nên một tầng lớp tách biệt gồm những gia đình biết dùng luật pháp để thành đặc quyền kéo dài của cải, do vậy mà hình thành ra một tầng lớp quý tộc với mọi điều cao sang và xa hoa. Nhà vua tìm trong lớp người này những người giữ chân cố vấn bang.” (Jefferson’s Memoirs).

Ở Hoa Kì, những phần cơ bản của luật pháp nước Anh liên quan đến quyền thừa kế đều đã bị vứt bỏ một cách phổ biến.

Ông Kent viết: “Quy tắc đầu tiên mà chúng ta tuân theo về việc thừa kế là như sau: Khi một người nào chết mà chưa viết di chúc, tài sản của ông ta truyền lại cho những người thừa kế trực hệ; nếu chỉ có một người thừa kế nam hoặc nữ, người đàn ông hoặc đàn bà đó được nhận toàn bộ di sản kế thừa. Nếu có nhiều người thừa kế ngang cấp nhau, họ chia đều với nhau tài sản kế thừa, không phân biệt giới tính”.

Nguyên tắc này được đề ra lần đầu tiên ở bang New York bằng một pháp lệnh kí ngày 23 tháng Hai năm 1786 (xin xem Revised Statutes (Pháp lệnh sửa đổi), tập III, phần Phụ lục, trang 48). Kể từ đó nó được chấp nhận trong các pháp lệnh chỉnh sửa trong bang này. Còn bây giờ thì nó thắng thế tại tất cả các bang ở Hoa Kì, chỉ duy nhất ngoại lệ tại bang Vermont người thừa kế nam giới được suất gấp đôi. Kent’s Commentaries (Lời bình của Kent) − tập IV, trang 370.

Trong cùng tác phẩm đó, tập IV, trang 1-22, Kent kể ra lịch trình xây dựng luật pháp ở nước Mĩ liên quan đến vấn đề quyền đại diện thế chấp. Trước cuộc cách mạng ở Mĩ luật pháp nước Anh về quyền đại diện thừa kế là luật chung tại các khẩn địa. Những quyền đại diện thừa kế thực sự (Estates’ tail − chứa tiếng Anh trong nguyên bản, về Luật học, có nghĩa “hạn định thừa kế một gia sản cho một bên đương sự đặc biệt nào đó” − ND) bị bãi bỏ ở Virginia vào năm 1776 (việc bãi bỏ này diễn ra theo kiến nghị của Jefferson; xin xem Jefferson’s Memoirs), và ở bang New York vào năm 1786. Điều này cũng bị bãi bỏ cùng thời gian đó tại bang Carolina Bắc, Kentucky, Tennessee, Georgia, Missouri. Tại bang Vermont, Indiana, Illinois, Carolina Nam và Louisiana, các điều khoản về quyền đại diện thừa kế đều không được áp dụng. Các bang nào vẻ như còn duy trì luật pháp nước Anh về quyền đại diện thừa kế đều chỉnh sửa sao cho các yếu tố quý tộc chủ yếu đều bị tước bỏ đi. “Các nguyên tắc chung về chính quyền của chúng ta,” lời Kent, “nhằm đi tới việc ủng hộ sự chu chuyển tự do các tài sản”.

Đối với bạn đọc người Pháp quan tâm nghiên cứu việc xây dựng luật thừa kế ở Mĩ, điều gây ấn tượng mạnh cho họ ấy là luật pháp của nước Pháp về điều này lại tỏ ra dân chủ hơn là ở bên Mĩ.

Luật bên Mĩ chia đều các tài sản của người cha nhưng chỉ trong trường hợp người ta không rõ nguyện vọng của người cha: “Vì mỗi người đàn ông trong bang New York,” luật viết như vậy (Revised Statutes, tập III, phần Phụ lục, trang 51) “có toàn quyền tự do và uy tín xử lí tài sản của mình bằng di chúc, để trao lại và phân chia có lợi cho người nào đó có quyền được hưởng, miễn là di chúc không làm lợi cho một tổ chức chính trị hoặc một hội có tổ chức nào đó.”

Luật của Pháp thì chia đều hoặc gần như đều.

Phần lớn các nước cộng hoà Mĩ vẫn còn chấp nhận các quyền đại diện thừa kế và chỉ giới hạn ở việc thu hẹp tác động của chúng.

Luật của Pháp không chấp nhận quyền đại diện thừa kế trong bất kể trường hợp nào.

Nếu như trạng thái xã hội ở Mĩ tỏ ra dân chủ hơn chúng ta, luật pháp của chúng ta lại dân chủ hơn của họ. Điều này được giải thích rõ hơn như sau: ở Pháp, nền dân chủ vẫn còn mãi lo chuyện đập phá, còn ở Mĩ nền dân trị đang bình tĩnh dựng xây bên trên những hoang tàn đổ nát.

Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)

Dịch giả:
Phạm Toàn