[Nền dân trị Mỹ] - Chương II: Về điểm xuất phát và tầm quan trọng của cấu hình bề mặt Bắc Mỹ đối với tương lai người Mỹ gốc Anh (Phần 1)

[Nền dân trị Mỹ] - Chương II: Về điểm xuất phát và tầm quan trọng của cấu hình bề mặt Bắc Mỹ đối với tương lai người Mỹ gốc Anh (Phần 1)

VỀ ĐIỂM XUẤT PHÁT VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA NÓ ĐỐI VỚI TƯƠNG LAI NGƯỜI MĨ GỐC ANH

Ích lợi của việc biết điểm xuất phát của các dân tộc để hiểu tình trạng xã hội và luật pháp của họ. − Nước Mĩ là xứ sở duy nhất nơi ta có thể nhìn rõ ràng điểm xuất phát của một dân tộc lớn. − Tất cả những con người đến và tạo thành nước Mĩ của người Anh giống nhau ở những điểm gì. − Họ khác nhau ở những điểm gì. − Nhận xét có thể đem áp dụng cho tất cả những người Âu châu đến lập nghiệp trên các bến bờ Tân thế giới. − Khẩn địa hoá vùng Virginia. − Như trên ở vùng New England. − Tính cách độc đáo của những cư dân đầu tiên vùng New England. − Khi họ tới nơi. − Luật lệ đầu tiên của họ. − Khế ước xã hội. − Hình luật mượn theo cách làm luật của Moïse. − Nhiệt tình tôn giáo. − Tư tưởng cộng hoà. − Gắn bó chặt chẽ giữa tôn giáo và tinh thần tự do.

Một con người mới ra đời. Những năm đầu đời của nó diễn ra chẳng ai biết tới trong những thú vui hoặc những trò trẻ con. Nó lớn lên. Bắt đầu trưởng thành về mọi mặt. Rồi cánh cửa cuộc đời mở ra đón nó. Nó bắt đầu có liên hệ với đồng loại. Lần đầu tiên người ta nghiên cứu nó, và người ta ngỡ nhìn thấy trong con người nó đang hình thành các tật xấu và các đức tính của tuổi trưởng thành.

Nếu tôi không lầm, đó chính là một (nhận thức) sai lầm ghê gớm.

Ta hãy quay ngược về thời điểm trước. Ta hãy quan sát đứa nhỏ ngay từ khi đang còn trong đôi tay của bà mẹ. Hãy nhìn thế giới bên ngoài lần đầu tiên phản ánh lên tấm gương còn kín như bưng của trí khôn đứa bé ấy. Hãy ngắm kĩ những vật gì đầu tiên lọt vào mắt nó. Hãy lắng nghe những tiếng nói đầu tiên đã đánh thức trong nó những sức mạnh tư duy vẫn còn đang ngủ yên. Hãy tham gia vào những cuộc vật lộn đầu tiên của nó. Và chỉ khi đó ta sẽ hiểu từ đâu nó có những định kiến, những lối sống và những đam mê rồi sẽ chế ngự cuộc đời nó. Có thể nói, con người đã thành hình toàn bộ ngay từ khi còn ủ tã lót trong nôi.

Có điều gì tương tự cũng xảy ra với các dân tộc. Con người luôn luôn chịu ảnh hưởng của nguồn gốc mình. Những điều kiện đi kèm từ lúc ra đời và phục vụ cho sự phát triển của họ đều ảnh hưởng lên toàn bộ sự nghiệp đời người còn lại.

Nếu chúng ta có khả năng đi ngược về những yếu tố tạo thành các xã hội và xem xét những công trình lịch sử xã hội đầu tiên, không hồ nghi gì nữa, chúng ta có thể tìm thấy ở đó những nguyên nhân ban đầu đẻ ra định kiến, lối sống, những đam mê chủ chốt, tóm lại là về mọi thứ gì tạo thành cái ta gọi là tính dân tộc. Khi đó hẳn là chúng ta có thể gặp được cách giải thích những cung cách mà ngày nay hầu như trái ngược với các tập tục đang ngự trị, những luật lệ dường như đối lập với những nguyên tắc đã được thừa nhận, những ý kiến không nhất quán tồn tại đây đó trong xã hội tựa như những mảnh của sợi xích đứt gãy vẫn còn thấy lủng lẳng song chẳng treo vật gì ở vòm trần toà nhà cũ. Theo cách đó cũng lí giải được số phận những dân tộc nhất định dường như bị một sức mạnh giấu mặt lôi cuốn vào một mục đích mà chính họ cũng chẳng hiểu rõ là gì. Thế nhưng cho tới nay còn thiếu những dữ kiện để có thể tiến hành công trình nghiên cứu như vậy. Tư duy phân tích chỉ có cho các dân tộc chừng nào họ già đi và khi cuối cùng họ nghĩ đến chuyện chiêm ngưỡng cái nôi xưa. Thời gian đã bọc cái nôi trong một đám mây mờ, sự ngu dốt và lòng kiêu hãnh đã bọc nó trong những huyền thoại che khuất mất sự thật ở phía sau.

Nước Mĩ là đất nước duy nhất nơi ta có thể tham gia vào những sự phát triển tự nhiên và thanh bình của một xã hội, và là nơi ta có thể thấy một cách chính xác ảnh hưởng của điểm xuất phát đối với tương lai các bang của Hoa Kì sau này.

Vào cái thời mà người Âu châu đổ bộ lên bến bờ Tân thế giới, những nét tính cách dân tộc của họ đều đã khá định hình. Mỗi dân tộc đó đều có tướng trạng riêng biệt. Và do chỗ các dân tộc đó đều đã đạt tới độ văn minh đủ khiến con người tự nghiên cứu chính mình, họ đã chuyển giao lại cho chúng ta bức hoạ trung thành các quan niệm, các tập tục và luật lệ của họ. Những con người ở thế kỉ XV hầu như cũng được hiểu rõ như chúng ta bây giờ. Vậy nhìn vào nước Mĩ là nhìn thấy được giữa ban ngày ban mặt những gì sự ngu dốt hoặc sự dã man mấy thuở ban đầu đã che khỏi mắt ta.

Khá gần với cái thời kì khi thành lập nên các xã hội Mĩ, muốn hiểu kĩ chi tiết các yếu tố cấu thành những xã hội ấy, song do chỗ đứng cách khá xa với thời kì ấy để có thể phán xét những mầm mống đó đã tạo ra những sản phẩm gì, con người thời chúng ta dường như tất yếu phải nhìn rất xa so với những người đi trước trong các sự biến con người phải trải qua. Ơn chúa, trong tầm tay chúng ta có được một ngọn đuốc mà cha ông chúng ta không có, và nhờ đó mà chúng ta có thể nhận ra được trong số phận các quốc gia đâu là những nguyên nhân cơ bản mà bóng tối quá khứ đã tước đoạt mất.

Một khi nghiên cứu kĩ càng xong xuôi lịch sử nước Mĩ, ta xem xét tỉ mỉ trạng thái chính trị và xã hội nước này, ta cảm thấy mình được cái chân lí này thuyết phục mạnh mẽ: không có một quan niệm nào, không một nếp sống nào, không một bộ luật nào, thậm chí có thể nói là không có một biến cố nào lại khó hiểu nếu hiểu rõ cái điểm xuất phát của đất nước này. Những ai đọc sách này rồi sẽ thấy trong chương sách đang đọc đây cái mầm của mọi thứ gì sẽ tiếp diễn và thấy được cái chìa khoá của hầu như toàn hộ công trình này.

Khác nhau trên vô số điểm là những người di cư vào những thời kì khác nhau tới chiếm lấy cái lãnh thổ bây giờ là Liên bang Mĩ. Mục đích của họ không giống nhau, và họ tự điều hành theo những nguyên lí đa dạng khác nhau.

Tuy nhiên, những con người ấy vẫn có những nét chung, và tất cả những con người đó đều ở trong một tình huống tương tự như nhau.

Có lẽ mối dây liên hệ ngôn ngữ là mạnh hơn cả và lâu bền hơn cả khả dĩ gắn bó mọi con người. Tất cả những người di cư cùng nói một thứ tiếng. Tất cả đều là con em của một dân tộc. Sinh ra trong một xứ sở đã diễn ra cuộc đấu tranh giữa các phe đảng trải nhiều thế kỉ và mỗi phe phái lại lần lượt bị bắt buộc phải đòi luật pháp che chở, những con người ấy đã được giáo dục về chính trị trong cái nhà trường thô kệch đó, và ta thấy phổ biến ở họ vô số quan điểm luật pháp, vô số nguyên lí tự do chân chính hơn là ở những nước Âu châu khác. Vào thời kì diễn ra những cuộc di dân đầu tiên, chính quyền cộng đồng, cái mầm sinh sôi ra những thiết chế tự do ấy, đã ăn sâu vào nếp sống người Anh, và cùng với nó là cái giáo điều về quyền tối cao của nhân dân cũng được du nhập vào ngay bên trong nền quân chủ chuyên chế của dòng họ Tudor[48].

Khi đó đang ở giữa thời kì những cuộc tranh cãi tôn giáo làm rung động thế giới đạo Ki Tô. Nước Anh đã như thế hung hãn lao vào cái đấu trường mới đó. Tính cách người dân vốn trang nghiêm và trầm tĩnh trở nên khắc khổ và hay biện luận. Nền giáo dục đã được mở mang nhiều trong những cuộc đấu tranh trí tuệ đó. Tư duy đã được nuôi dưỡng sâu sắc. Trong khi con người mải mê bàn chuyện tôn giáo, tập tục trở nên thanh lọc hơn. Tất cả những nét chung đó của một quốc gia rồi sẽ ít nhiều được gặp lại trong gương mặt những đứa con đi tìm một tương lai mới mẻ trên bờ đại dương mé bên kia.

Vả chăng đây là một nhận xét mà rồi chúng ta sẽ còn có dịp vận dụng không chỉ vào trường hợp người Anh, mà còn cho cả người Pháp, người Tây Ban Nha và cho tất cả những người Âu châu tiếp tục đi lập nghiệp nơi bến bờ Tân thế giới. Tất cả các thực dân địa Âu châu mới đều chứa đựng nếu không là sự phát triển đầy đủ thì ít ra cũng là cái mầm của một nền dân trị đầy đủ. Có hai nguyên nhân dẫn tới kết quả này: có thể nói là nhìn chung khi rời bỏ tổ quốc ra đi, những người di cư chẳng có ý niệm nào về chút thứ bậc cao thấp khác nhau giữa mọi người. Kẻ ra đi đâu phải là người sung sướng và có quyền lực, và sự nghèo khó cùng nỗi bất hạnh là những bảo đảm tốt nhất cho quyền bình đẳng từng thấy giữa con người với nhau, tuy rằng cũng nhiều lần có những đại vương công đi qua Mĩ sau những cuộc đấu nhau về chính trị hoặc tôn giáo. Người ta khi ấy cũng có đặt ra ở bên đó những luật lệ để phục hồi thứ bậc cao thấp, nhưng rồi người ta sớm nhận thấy rằng đất Mĩ tuyệt đối không chứa chấp giới quý tộc điền địa. Người ta thấy rằng, muốn khai hoang cái mảnh đất bất trị đó, cái duy nhất ta cần là những nỗ lực bền bỉ và hám lợi của chính người chủ đất. Tạo được cái vốn đất rồi, người ta lại thấy rằng sản phẩm đất đai không đủ lớn để làm giàu đồng thời cả ông chủ đất lẫn anh nông dân làm thuê. Vậy là đất đai tự nhiên được cắt ra thành nông trang nhỏ để riêng mình người chủ sở hữu canh tác. Ấy thế mà, chính đất cát làm nên giới quý tộc, họ bám lấy đất và dựa vào đất mà thành quý tộc. Không phải chỉ riêng những đặc quyền đặc lợi làm nên giới quý tộc. Không phải là lai lịch tạo thành quý tộc. Chính cái sở hữu đất đai cha truyền con nối làm thành giới quý tộc. Một quốc gia có thể có những tài sản mênh mông cũng như những khốn cùng to lớn. Nhưng nếu như tài sản không còn là đất cát nữa, thì ta sẽ thấy trong lòng nó tuy có kẻ giàu và người nghèo, nhưng nói cho đúng, khi đó chẳng có nền quý tộc trị nữa.

Vậy là vào lúc mới ra đời, giữa tất cả các thực dân địa Anh với nhau đều có cái đại không khí một gia đình. Tất cả các thực dân địa đó, và từ đây mà sinh ra cái nguyên lí của họ, dường như đều bị buộc phải đóng góp vào sự phát triển nền tự do, không phải cái tự do quý tộc ở tổ quốc xưa, mà là cái tự do thị dân và dân chủ chưa từng có một khuôn mẫu hoàn chỉnh nào trong lịch sử thế giới.

Tuy nhiên giữa cái sắc màu chung đó cũng có vô khối biến sắc rất mạnh mà ta cần chỉ ra.

Trong đại gia đình người Mĩ gốc Anh có hai đứa con hoang quan trọng mà cho tới nay vẫn lớn lên mà không hoàn toàn lẫn với nhau, một ở phương Nam, một ở phương Bắc.

Xứ Virginia là nơi có khẩn địa Anh đầu tiên. Người di cư đến đó vào năm 1607. Vào thời kì đó, châu Âu vẫn còn chúi mũi vào ý tưởng cho rằng mỏ vàng và mỏ bạc tạo nên sự giàu có của các dân tộc. Đó là một ý tưởng tai hoạ đã làm nghèo những quốc gia châu Âu nào lao vào con đường đó và đã giết chết những người qua Mĩ làm việc đó nhiều hơn số bị chết vì chiến tranh và vì mọi luật lệ tàn bạo khác cộng lại. Vậy là mới đầu người ta gửi tới Virginia những người đi tìm vàng, những kẻ thành tích bất hảo và đầu trộn đuôi cướp, đầu óc bất ổn và tính nết bất trị của họ đã làm loạn khẩn địa từ thuở mới khai sinh và khiến cho các tiến bộ tạo ra được ở khẩn địa thành ra bấp bênh. Sau đó lần lượt qua khẩn địa là các nhà công nghiệp và các nhà nông, loại người có đạo đức hơn và tính nết yên lành hơn, nhưng trình độ của họ gần như không cao hơn chút gì so với các tầng lớp bên dưới của nước Anh. Không có một tư tưởng cao xa nào, không có một suy nghĩ cao siêu nào chỉ đạo công việc xây dựng các tổ chức mới. Và khẩn địa vừa mới dựng lên thì liền du nhập ngay chế độ nô lệ. Đó là sự kiện cơ bản rồi sẽ tác động ghê gớm lên tính cách, luật pháp và tương lai toàn bộ miền Nam nước Mĩ.

Như rồi chúng tôi sẽ lí giải, chế độ nô lệ làm ô uế lao động của con người. Nó gây ra nạn lười biếng trong xã hội, và cùng với tình trạng đó là sự ngu dốt và tính kiêu ngạo, là sự nghèo hèn và thói chưng diện. Nó khiến cho trí tuệ con người bị suy yếu đi và nó ru ngủ hoạt động của con người. Ảnh hưởng của chế độ nô lệ, cộng với tính cách của người Anh, lí giải cho ta vì sao lại có các tập tục và trạng thái xã hội ở miền Nam nước Mĩ.

Vẫn cùng chung cái nền Anglo đó, song ở miền Bắc lại có những sắc độ trái ngược hẳn. Xin cho tôi đi vào một vài chi tiết ở đoạn này.

Chính là các khẩn địa Anh tại miền Bắc, vẫn gọi gộp chung là các bang thuộc New England, nơi đã có một số ý tưởng chủ chốt ngày nay tạo thành cơ sở học thuyết xã hội của Hoa Kì.

Những nguyên lí của New England mới đầu lan sang các bang láng giềng. Tiếp theo, các tư tưởng đó loang dần sang các bang xa hơn nữa, để rồi thâm nhập vào toàn liên bang. Giờ đây các nguyên lí đó có ảnh hưởng xa hơn những giới hạn ban đầu để tác động lên toàn bộ Hoa Kì. Nền văn minh New England giống như những đốm lửa đốt trên đỉnh núi cao mà sau khi toả nhiệt ra xung quanh thì ánh sáng của nó chiếu rọi ra tận những chân trời xa.

Việc thành lập New England đã đem lại một cảnh quan mới mẻ. Mọi thứ ở đó đều đặc biệt và độc đáo.

Cư dân ban đầu ở hầu hết các khẩn địa đều là những con người không được học hành và không có nguồn lực gì cả, cảnh khốn quẫn và thói vô đạo đẩy họ ra khỏi miền đất họ chào đời, hoặc giả đó là những kẻ đầu cơ tham lam hoặc là những người đốc công của các ngành công nghiệp. Song lại có những khẩn địa không dám nói rằng nguồn gốc của mình là những cư dân như vừa được kể ra: cư dân khẩn địa Saint-Domingue là kẻ cướp, và các toà án nước Anh đang chăm lo đem dân đến phủ đầy nước Úc.

Những người di cư tới lập nghiệp trên các bến bờ New England đều thuộc các tầng lớp khá giả của tổ quốc. Ngay từ buổi ban đầu, việc họ tụ hội trên đất Mĩ tạo thành một hiện tượng đặc biệt của một xã hội nơi đó không có cả những vương tôn tên tuổi lẫn những kẻ bần dân, và có thể nói là cũng chẳng có kẻ giàu lẫn người nghèo. Nói cho có chừng mực, trong những con người này, có một khối lượng lớn ánh sáng toả ra từ họ so với nội bộ bất kì quốc gia Âu châu nào hiện thời. Tất cả, không ngoại trừ một trường hợp nào, đều được hưởng một nền giáo dục khá cao, và vô số người trong bọn họ đã có tài năng và trình độ hiểu biết được châu Âu biết tới. Những khẩn địa khác đều được thành lập bởi những kẻ phiêu lưu vô gia đình. Những người di cư tới New England mang theo họ những yếu tố trật tự và đạo lí tuyệt vời. Họ đem theo vợ và con đi tới các miền hoang mạc. Nhưng điều làm họ khác biệt hẳn với tất cả những kẻ khác, ấy là họ lập nghiệp có mục đích. Không phải là nhu cầu tồn tại buộc họ phải từ bỏ đất nước. Họ để lại sau lưng một vị trí xã hội đáng để phải tiếc rẻ và những phương tiện sinh sống chắc chắn. Họ cũng chẳng qua Tân thế giới để nâng cao cuộc sống và làm giàu thêm. Họ dứt bỏ khỏi chăn êm đệm ấm ở tổ quốc cũ để nghe theo tiếng gọi của một nhu cầu thuần tuý trí tuệ. Khi họ ưỡn ngực đón nhận những nỗi khốn khó tất yếu ở chốn lưu đày, ấy là họ muốn giành chiến thắng cho một tư tưởng.

Những người di dân, hoặc như họ tự gọi là những kẻ hành hương (pilgrims) thuộc về cái phái tôn giáo nước Anh có nguyên lí sống khắc khổ được gọi thành tên là Thanh giáo. Thanh giáo không chỉ là một học thuyết tôn giáo. Nó còn có rất nhiều điểm hoà trộn được với các lí thuyết dân chủ và cộng hoà tuyệt đối nhất. Từ đó mà họ hấp dẫn nhiều kẻ thù vô cùng nguy hiểm. Họ bị chính quyền của tổ quốc xưa tróc nã, họ bị xúc phạm khi nguyên tắc sống chặt chẽ phải cọ xát với cuộc đời thường ngày trong lòng cái xã hội nơi những con người thanh sạch lại chọn lựa một mảnh đất hoang dại đến thế và lánh đời đến thế, dù chỉ là để họ còn có thể sống theo lối sống riêng và tự do nguyện cầu Thiên Chúa.

Đưa ra đây vài lời trích dẫn sẽ giúp ta hiểu rõ hơn tinh thần những con người phiêu lưu sùng đạo này và chẳng cần bình luận gì thêm nữa.

Nathaniel Morton, nhà sử học New England những năm đầu lập nghiệp, đã viết như sau: “Do chỗ cha ông chúng ta đều đã có vô vàn cam kết với đấng Tối cao để lập ra khẩn địa này, nên tôi luôn luôn tin tưởng rằng chúng ta đều có sứ mệnh thiêng liêng phải viết thành lời văn để làm trường tồn hồi ức của công cuộc đó. Những gì chúng ta nhìn thấy và những gì được nghe cha ông kể lại, chúng ta phải trao lại cho con cái, sao cho các thế hệ sắp tới biết rõ để mà vinh danh đấng Tối cao. Sao cho dòng giống của Abraham kẻ tôi tớ của Người và các con của Jacob kẻ được Người tuyển chọn luôn luôn giữ được kí ức những công trình huyền diệu của Chúa (Kinh Thánh, Kinh nhật tụng, CV, 5, 6). Con cái chúng ta phải biết rõ đấng Tối cao đã đem cành nho vào trong hoang mạc như thế nào; Người đã trồng cây và đã xua đuổi bọn tà đạo như thế nào; Người đã chuẩn bị chỗ trồng cây như thế nào, cành nho đem giâm đã bén rễ sâu xuống chỗ đất đó ra sao và Người đã để cho cây vươn xa phủ bóng lên khắp mặt đất như thế nào (Kinh Thánh, Kinh nhật tụng, LXXX, 13, 15). Và không chỉ có vậy, còn cả việc Người đã dẫn dắt con dân của mình ra sao để đến được thánh địa linh thiêng và cho định cư trên ngọn núi thừa kế của Người (Kinh Thánh, Di trú, XV, 13). Những sự kiện đó mọi người phải được biết rõ, sao cho Thiên Chúa có được vinh dự xứng với Người, và sao cho một vài tia vinh quang của Người đủ sức rơi xuống những tên tuổi khả kính của các thánh đã được Người sai khiến.”

Không thể nào đọc những dòng mở đầu ấy mà không thấy lòng mình ngập tràn ấn tượng tín ngưỡng và long trọng. Dường như ta hít thở được ở đó một không khí cổ xưa và một thứ hương thơm của Kinh Thánh.

Niềm tin làm rạo rực nhà văn và tôn cao ngôn ngữ ông dùng. Trước mắt các bạn, cũng như trước mắt nhà văn kia, đây không còn là một nhóm những kẻ phiêu lưu vượt biển đi tìm của báu. Đó là hạt giống của đám con dân vĩ đại được Chúa tự tay đem đặt lên một mảnh đất tiên định.

Tác giả tiếp tục và miêu tả như sau cảnh xuất phát của những di dân đầu tiên:

Họ từ biệt thành phố này (Delft-Haleft) nơi họ đã được nghỉ ngơi. Song họ thật là bình thản. Họ biết rằng ở chốn trần gian này, họ là những kẻ hành hương và xa lạ. Họ không gắn bó với những sự vật trên mặt đất, mà họ ngước mắt lên trời cao, xứ sở yêu dấu của họ, nơi Chúa đã chuẩn bị sẵn thành phố thiêng cho họ. Rồi họ đến bến cảng nơi có con tàu đã đợi sẵn. Vô số bạn bè không đi được cùng họ đều theo chân họ tới đó. Đêm trôi đi mà chẳng ai ngủ. Tiếp tục trong bóng đêm con người trao cho nhau những tình cảm bè bạn, những lời lẽ thành kính, những biểu đạt đầy yêu thương chân thành của người theo đạo Ki Tô. Sáng mai, họ bước lên tàu. Bạn bè vẫn còn muốn theo chân lên tận đó. Chỉ tới khi đó mới nghe thấy những tiếng thở dài nặng nề cùng những con mắt chảy tràn nước mắt, và nghe thấy mọi người ôm hôn nhau nồng nàn cùng những lời nguyện cầu cháy bỏng mà ngay cả những người xa lạ cũng xúc động tấm lòng. Tiếng còi hiệu báo tàu sắp rời, tất cả quỳ xuống, và đấng chăn chiên ngước đôi mắt đẫm lệ lên trời gửi gấm họ cho lòng xót thương của Chúa. Sau rồi họ chia tay nhau và cất lên tiếng chào tạm biệt mà đối với nhiều người trong bọn họ sẽ thành lời vĩnh biệt.

Những người di dân đông chừng khoảng một trăm năm mươi người, cả đàn ông đàn bà và con nhỏ. Mục tiêu của họ là tới xây dựng một khẩn địa trên đôi bờ sông Hudson. Nhưng sau khi lạc lõng mãi trên đại dương, cuối cùng họ buộc lòng phải cập bờ đất khô cằn của vùng New England, nơi bây giờ mọc lên thành phố Plymouth. Giờ đây vẫn còn thấy rõ cái mỏm đá từ đó những người hành hương bước xuống.

Nhưng trước khi nói thêm nhiều điều khác nữa, lời nhà sử học mà tôi đã dẫn, ta hãy xem qua tình cảnh đám dân khốn khó đó, và ta hãy cảm phục tấm lòng nhân từ của Chúa đã cứu vớt họ.

Những con người đó đã vượt qua đại dương mênh mông, họ đã tới đích của cuộc hành trình, nhưng họ chẳng thấy một người bạn nào ra đón, chẳng thấy người dân nào để cho họ xin trú chân. Khi đó là đang giữa mùa đông. Và những ai biết rõ khí hậu chúng ta hẳn sẽ biết mùa đông thì khắc nghiệt ra sao và những cơn cuồng phong thổi bạt mọi thứ trên bờ bến thì hung hãn dữ dội thế nào. Vào mùa đó, thật khó mà vượt ngang những nơi ta đã quen chân bước, chưa nói gì đến việc lập nghiệp trên những bờ bãi mới. Xung quanh họ chỉ thấy hiện ra một hoang mạc gớm ghiếc và hoang vu, đầy những con vật và những con người hoang dại mà họ chưa biết chúng đông tới bao nhiêu và hung hãn đến chừng mức nào. Đất đóng băng. Mặt đất phủ đầy rừng cây và bờ bụi. Toàn cảnh hoang dã. Sau lưng họ chỉ có đại dương ngăn cách họ với thế giới văn minh. Để có chút thanh thản và hi vọng, họ chỉ còn có thể ngước mắt lên trời cao.

Ta chớ nên tin rằng lòng sùng đạo của những tín đồ Thanh giáo chỉ là điều do ta biện luận và suy đoán, và nó cũng chẳng hề xa lạ gì đối với bước tiến của những sự kiện trong cuộc sống loài người. Thanh giáo, như trên kia tôi có nói đến, gần như vừa là một học thuyết chính trị vừa như là một học thuyết tôn giáo. Vừa mới đặt chân lên cái bến bờ không mến khách kia, như Nathaniel Morton mới miêu tả, điều quan tâm đầu tiên của người di cư là tự tổ chức thành một xã hội. Ngay lập tức họ thông qua một điều khoản nói rõ rằng:

Chúng tôi, có tên dưới đây, vì vinh quang của Chúa, vì sự phát triển lòng tin Ki Tô giáo và danh dự tổ quốc, đã tiến hành dựng lên khẩn địa đầu tiên trên những bến bờ heo hút này, chúng tôi thoả thuận trong đồng tình trang nghiêm và trước Thiên Chúa những dòng dưới đây, là sẽ lập thành một tổ chức xã hội chính trị, với mục đích tự quản trị và lao động nhằm thực hiện những mục đích của mình. Và theo đúng tinh thần khế ước này, chúng tôi đồng lòng tạo ra các luật lệ, các điều khoản, các quy chế, và khi cần thì thiết lập ra những toà án mà chúng tôi hứa sẽ tuân thủ hoàn toàn.

Điều này đã diễn ra vào năm 1520. Kể từ thời kì đó trở đi, công cuộc di cư không hề chững lại. Những đam mê tôn giáo và chính trị vốn đã xé nát đế quốc Anh trong suốt thời kì trị vì của vua Charles Đệ nhất cứ mỗi năm lại đầy những đàn ông giáo phái mới tới các bến bờ châu Mĩ. Tại Anh quốc, cái nôi của Thanh giáo tiếp tục bị rơi vào tay các giai tầng trung lưu, và phần lớn những người di cư sinh ra từ trong lòng các giai tầng trung lưu này. Dân số New England gia tăng nhanh chóng, và trong khi ở bên tổ quốc xưa tính chất thứ bậc vẫn còn phân hạng mọi con người, thì ở nơi khẩn địa mỗi ngày lại một hiện ra rõ nét một xã hội mà mọi bộ phận đều thuần chất. Nền dân trị, điều ở thời cổ đại con người không thể mơ tưởng nổi, sang thời kì xã hội phong kiến cũ kĩ lại càng hoàn toàn tuột khỏi tay con người.

Hài lòng với việc cách li mọi mầm mống hỗn loạn và những yếu tố của những cuộc cách mạng mới, chính phủ Anh không khó gì mà không nhận ra ngay công cuộc di dân đông đúc này. Chính phủ dùng toàn quyền để tạo thuận lợi cho nó, và dường như chẳng lo lắng mấy cho số phận những con người sang đất Mĩ tìm chốn nương náu tránh các luật pháp ngặt nghèo của nước Anh. có thể nói rằng chính phủ Anh đã coi miền đất New England như một vùng phó mặc cho những giấc mơ của trí tưởng tượng và bỏ mặc đó cho những thử nghiệm tự do của những con người sáng tạo.

Những khẩn địa của người Anh luôn luôn được hưởng nhiều tự do nội bộ và nhiều độc lập chính trị hơn hẳn các khẩn địa của những di dân nước khác, và đấy là một trong những nguyên nhân căn bản vì sao khẩn địa Anh lại hưng thịnh. Nhưng cũng chẳng có nơi nào cái nguyên lí tự do đó lại được áp dụng hoàn chỉnh đến như ở các bang của New England.

Khi đó, nói chung người ta chấp nhận là đất đai của Tân thế giới thuộc về cái quốc gia Âu châu nào phát hiện chúng trước nhất.

Hầu khắp vùng dọc bờ biển Bắc Mĩ do đó trở thành tài sản của nước Anh cho tới tận cuối thế kỉ thứ XVI. Những phương pháp chính phủ Anh đã dùng để đưa dân tới ở các cơ ngơi mới đó có tính chất thật đa dạng. Có những khi nhà vua cắt một khúc đất đai rồi giao cho một viên thống đốc do nhà vua chọn, vị này chịu trách nhiệm cai quản đất nước nhân danh nhà vua và nhận lệnh trực tiếp của nhà vua; các nước châu Âu khác cũng dùng cách này để lập nên hệ thống thuộc địa của họ. Có những trường hợp khác, nhà vua nhượng cho một người hoặc một công ti quyền sở hữu những khúc lãnh thổ nhất định ở đất Mĩ. Tất cả các quyền hành dân sự và chính trị khi đó được tập trung trong tay của một hoặc nhiều cá nhân, họ bán đất cát và họ cai trị người dân dưới quyền thanh tra của nhà vua. Sau nữa, còn một phương pháp là giao cho một số di dân nào đó cái quyền tạo lập thành tổ chức chính trị, dưới sự đỡ đầu của tổ quốc cũ, và được tự cai trị trên mọi phương diện nào không trái ngược với luật pháp của tổ quốc cũ.

Cách thức xây dựng thuộc địa này, khá ưu ái sự tự do, chỉ được thực thi tại vùng New England.

Ngay từ năm 1628, một pháp lệnh cùng loại này đã được vua Charles Đệ nhất ban cho người di dân tới lập khẩn địa tại Massachusetts.

Nhưng nói chung pháp lệnh chỉ được cấp cho các khẩn địa vùng New England rất lâu sau khi công cuộc sinh sống của họ trở thành một việc đã rồi. Plymouth, Providence, New Haven, bang Connecticut và Rhode Island đều được thành lập mà không có bất kì sự trợ giúp nào từ phía tổ quốc cũ. Những cư dân mới, không chối bỏ vị trí bề trên của bên lục địa châu Âu, song vẫn không tìm ở đó nguồn quyền lực, mà họ tự tạo ra quyền lực, và chỉ ba bốn chục năm sau, vào thời vua Charles II thì mới có một pháp lệnh của nhà vua hợp thức hoá cuộc sống của họ.

Vì thế mà khi chúng ta xem xét những công trình lịch sử và lập pháp của New England, đôi khi ta cũng khó mà nhận ra được mối dây liên hệ gắn bó người di cư với đất nước của tổ tiên họ. Ta thấy họ từng lúc lại bày tỏ chủ quyền của mình. Họ cắt cử các quan toà, họ tuyên chiến và hưu chiến, họ đặt ra các quy chế cảnh sát, họ tự tạo ra luật pháp tựa hồ như họ chỉ phụ thuộc vào riêng một đức Chúa Trời mà thôi.

Không có gì đặc biệt hơn và đem lại những bài học toàn diện hơn là nhìn vào công việc lập pháp thời đó. Chính trong công việc này ta sẽ tìm thấy cái đại bí quyết xã hội mà Hoa Kì ngày nay trưng ra cho toàn thế giới được biết.

Trong số những công trình đồ sộ ấy, chúng ta đặc biệt nhận thấy một trong những sản phẩm tiêu biểu hơn cả, ấy là bộ luật do cái bang Connecticut bé nhỏ xây dựng vào năm 1650.

Những nhà lập pháp của Connecticut trước hết quan tâm đến luật hình, và để soạn thảo bộ luật này, họ có cái ý tưởng lạ lùng là tìm nội dung ý nghĩa ngay trong các sách kinh; ngay câu mở đầu đó là:

“Kẻ nào phụng thờ một Bề trên khác với đức Chúa Trời sẽ bị xử tử hình”.

Rồi tiếp theo là mười hoặc mười hai điều có cùng bản chất vay mượn nguyên văn từ Kinh Thánh trong các phần Dân số (Deutéronome), Di trú (Exode) và Thánh chức (Lévitique).

Tội báng bổ, tội hành nghề phù thuỷ, tôi ngoại tình, tội hiếp dâm, đều bị phạt tử hình. Con cái phạm tội lăng nhục bố mẹ cũng bị xử tội như thế. Như vậy là người ta đã chuyển công việc lập pháp của một nhân dân thô tục và nửa văn minh vào trong lòng một xã hội có tư tưởng sáng láng và tập tục hiền hoà. Và thế là việc xử tử hình không tràn lan nhiều hơn sang mọi bộ luật và cũng áp dụng cho ít người phạm tội hơn đi.

Trong các bộ luật hình này, các nhà lập pháp quan tâm nhiều hơn cả đến việc giữ gìn trật tự đạo đức và duy trì tập tục tốt đẹp trong lương tâm con người, và gần như không có tội lỗi nào lại không được quan toà giám sát. Bạn đọc có thể nhận thấy các bộ luật này tỏ ra nghiêm khắc với tội ngoại tình và tội hiếp dâm. Việc vi phạm nhẹ giữa trai chưa vợ gái chưa chồng được xử nặng. Quan toà có quyền chọn một trong ba hình phạt sau: phạt tiền, phạt roi, bắt cưới. Và nếu chúng ta tin vào những hồ sơ lưu tại các toà án thời xưa tại bang New Haven, thì có thể nói rằng những cách xử phạt như loại này thật không hiếm. Vào ngày 1 tháng Năm năm 1660, có một bản án phạt và đánh roi một cô gái bị kết án vì đã nói đôi ba lời lộ liễu và đã để cho người ta hôn một cái. Bộ luật năm 1650 đầy rẫy những điều khoản phòng ngừa. Tội lười biếng và tội say rượu bị phạt thật nghiêm. Những người bán quán không được bán quá một lượng rượu vang nhất định cho một người tiêu thụ: nếu nói dối gây tác hại thì có thể bị phạt tiền hoặc bị phạt roi. Tại những nơi khác, các nhà lập pháp quên hẳn các nguyên lí tự do tôn giáo chính mình từng đòi hỏi khi còn ở châu Âu, đã ban hành điều khoản bắt buộc tham dự các buổi lễ, bằng không thì bị phạt, và có khi nhà làm luật còn đi xa đến mức phạt rất nặng thậm chí có khi tử hình những người có đạo lại thờ cúng theo cách khác cách ông ta quen thờ. Sau hết, đôi khi nhiệt tình làm luật quá cao như lên đồng đã khiến nhà làm luật chăm lo những chuyện không xứng với mình. Vì thế mà có điều khoản cấm hút thuốc lá. Vả chăng chúng ta không nên quên rằng các luật lệ kì quặc hoặc ác ôn này không do áp đặt mà có. Chúng đã được tự do chấp thuận bởi chính những đương sự, và ở ngoài đời các tập tục còn khắc khổ hơn và Thanh giáo hơn rất nhiều so với luật lệ trên giấy. Kể từ thời điểm năm 1649, ở Boston người ta còn lập ra một tổ chức nghiêm chỉnh có mục đích tiên báo cái trò xa hoa đua đòi của những kẻ để tóc dài. (Xem E)

Những lầm lạc tương tự hẳn làm cho trí tuệ con người thấy hổ thẹn. Chúng xác nhận tình trạng thấp kém của bản tính con người chúng ta, là cái không có khả năng nắm bắt chắc cái thật và cái công chính, nên thường khi bị rơi vào tình trạng chỉ có một lựa chọn nằm giữa hai điều quá trớn.

Bên cạnh việc xây dựng hình luật mang dấu ấn rõ rệt của đầu óc giáo phái hẹp hòi và của mọi đam mê tôn giáo vẫn còn kích động, nung ủ và đọng lại trong tâm hồn con người, ta thấy cùng với và như thể gắn bó với chúng là một loạt những bộ luật chính trị, mà dù là dược xây dựng từ hai trăm năm trước nhưng xem ra về tinh thần tự do thì vẫn bỏ rất xa thời dại chúng ta ngày nay.

Những nguyên lí chung làm cơ sở cho các hiến pháp đương thời, những nguyên lí mà hầu hết người Âu châu thế kỉ XVII mới hiểu biết sơ qua và cũng mới chỉ thắng lợi chưa trọn vẹn trên đất Anh quốc, thì lại đều được công nhận và cố định trong các bộ luật ở New England: nhân dân được can thiệp vào các việc công ích, tự do bỏ phiếu về thuế khoá, trách nhiệm của các quan chức, tự do cá nhân và việc xử án bởi hội đồng xét xử, là những điều được xác định trong luật mà không cần bàn cãi và đều được thực thi.

Những nguyên lí gốc đó được thực thi và được phát triển thêm mà không một quốc gia châu Âu nào dám đứng ra làm thử.

Ở bang Connecticut, ngay từ đầu, đoàn cử tri là toàn thể các công dân, và điều đó được chấp nhận dễ dàng. Ở cái dân tộc đang hình thành này khi đó ngự trị một quyền bình đẳng hoàn chỉnh về tài sản và còn bình đẳng hơn nữa về trí tuệ.

Ở bang Connecticut vào thời kì đó người ta bầu ra tất cả mọi người trong ngành hành pháp cho tới tận chức thống đốc bang.

Mọi công dân trên mười sáu tuổi đều có nghĩa vụ phải đóng góp vào công cuộc chung. Họ gia nhập Dân quân quốc gia, tự bầu ra sĩ quan chỉ huy và phải luôn luôn sẵn sàng bảo vệ đất nước.

Chính là trong luật pháp bang Connecticut cũng như trong tất cả các bang nằm trong New England mà ta thấy nảy sinh và phát triển sự độc lập mang tính công xã đó, là cái cho tới tận ngày nay vẫn là nguyên lí cuộc sống và sự tự do của người Mĩ.

Tại phần lớn các quốc gia châu Âu, chính trị bắt đầu có cuộc sống từ những giai tầng xã hội bên trên rồi mới dần dần lan xuống và bao giờ cũng không đầy đủ tới những bộ phận khác nhau của xã hội.

Ở Mĩ thì trái lại, có thể nói là công xã được tổ chức trước cấp quận, cấp quận trước cấp bang, và cấp bang trước cấp liên bang.

Ở vùng New England ngay từ năm 1650 đã hoàn thành việc xây dựng dứt khoát nên các công xã. Xoay quanh quyền lợi riêng của cộng đồng công xã là những gắn bó chặt chẽ các quyền lợi cá nhân, các đam mê, những nghĩa vụ và những quyền. Ngự trị trong lòng công xã là một cuộc sống về chính trị có thực, tích cực, hoàn toàn dân chủ và cộng hoà. Các khẩn địa vẫn công nhận lục địa có quyền tối cao đối với họ, tức là nền quân chủ chuyên chế vẫn là pháp luật của bang, nhưng nền dân trị đã hoàn toàn sống thực trong đời sống công xã rồi.

Công xã đặt ra các pháp quan đủ loại, tự đặt ra các loại thuế, tự mình phân bổ và thu thuế chính mình. Trong công xã ở New England, người ta không chấp nhận luật về quyền đại diện. Mà ngay tại chốn quảng trường công cộng và tại đại hội nghị toàn dân, như ở Athènes xưa, mọi người cùng xem xét xử lí các công việc liên quan đến quyền lợi của tất cả mọi người.

Khi ta nghiên cứu thật kĩ các luật lệ đã được đặt ra trong những ngày đầu của nước cộng hoà Mĩ, ta thấy bất ngờ vì sự khôn ngoan trong công việc điều hành chính quyền và tính chất tiên tiến của các lí thuyết do các nhà lập pháp đề xuất.

Hiển nhiên là nhà lập pháp ở đây đã có quan niệm cao hơn và hoàn thiện hơn các nhà lập pháp Âu châu thời đó về những gì xã hội phải làm cho các thành viên và cũng áp đặt cho xã hội những nghĩa vụ mà ở nơi khác vẫn còn bị tuột ra. Ngay từ khởi thuỷ, tại các bang của New England, thân phận người nghèo đã được bảo lãnh. Có những biện pháp nghiêm ngặt đề ra trong việc duy tu bảo dưỡng đường xá, có cắt cử viên chức theo dõi công việc này. Các công xã có hồ sơ đăng kí công cộng ghi biên bản kết quả những cuộc thảo luận tranh cãi chung, về người chết, về cưới xin, về sinh đẻ của mọi công dân. Có các viên chức phụ trách giữ và vào sổ các loại sổ sách đó. Có các viên chức phụ trách điều hành các tài sản thừa kế nhưng vô thừa nhận, có những viên chức khác điều hành giới hạn thừa kế gia sản. Có rất nhiều viên chức có chức năng chính là duy trì sự thanh bình công cộng trong công xã.

Luật pháp đi vào cả ngàn chi tiết khác nhau nhằm tiên đoán và thoả mãn cả ngàn nhu cầu xã hội mà ngày nay ở nước Pháp chúng ta vẫn còn thấy nhập nhằng.

Nhưng chính là qua những điều quy định liên quan đến công cuộc giáo dục mà ngay từ nguyên lí chúng ta đã thấy được hoàn toàn sáng tỏ tính chất độc đáo của nền văn minh nước Mĩ. Luật đó nói thế này:

“Nhân vì Satan, kẻ thù của giống người, tìm thấy trong sự ngu dốt của con người những vũ khí mạnh mẽ nhất, và muốn cho những nguồn sáng mà cha ông chúng ta đem lại sẽ không bị chôn vùi trong nấm mồ các vị; − vì lẽ rằng việc giáo dục con cái là một trong những điều quan tâm đầu tiên của nhà nước, cùng với sự trợ giúp của Đấng tối cao…” Tiếp theo là những điều khoản về mở trường học ở tất cả các công xã và bắt buộc mọi cư dân phải có trách nhiệm duy trì nếu không muốn bị phạt nặng. Các trường cao đẳng cũng được thành lập theo cách đó ở các quận đông dân nhất. Các pháp quan thị chính phải chăm nom sao cho phụ huynh phải gửi con đi học. Họ có quyền tuyên phạt những bậc cha mẹ nào từ chối cho con đi học. Và nếu cha mẹ tiếp tục từ chối thì xã hội sẽ thay thế cha mẹ giành lấy những con em kia và tước đoạt quyền làm cha của những ông bố có cái quyền do thiên nhiên trao cho nhưng lại hoàn toàn không biết cách dùng quyền đó. Bạn đọc hẳn là đã chú ý đến lời nói đầu của những luật lệ đó: ở nước Mĩ, tôn giáo dẫn con người tới ánh sáng, và sự tôn trọng và thực thi các luật trời ban là điều dẫn dắt con người đến tự do.

Sau khi chúng ta đã lướt nhanh qua xã hội Mĩ năm 1650, chúng ta xem xét lại tình trạng châu Âu và nhất là tình trạng cả lục địa khoảng cùng giai đoạn đó, ta sẽ thấy kinh ngạc quá chừng: trên lục địa châu Âu, hồi bắt đầu thế kỉ XVII, khắp nơi nơi trên những hoang tàn của nền tự do cho thiểu số chính giới và quân chủ thời Trung thế kỉ, là sự chiến thắng của nền quân chủ chuyên chế. Trong lòng cái châu Âu sáng láng và lắm chữ nghĩa đó, có thể là chưa từng khi nào ý tưởng về các quyền lại bị hoàn toàn tảng lờ đi đến thế; chưa từng khi nào các dân tộc lại ít được sống đời sống chính trị đến thế; chưa từng khi nào cái ý tưởng về nền tự do chân chính lại ít được quan tâm đến thế. Ấy vậy mà, cũng những nguyên lí bị các quốc gia châu Âu tảng lờ hoặc khinh rẻ ấy lại được tuyên ngôn trong các hoang mạc Tân thế giới và trở thành biểu trưng tương lai của một dân tộc vĩ đại. Những lí thuyết táo bạo nhất của tư tưởng loài người được diễn ra trong thực tiễn ở cái xã hội có vẻ ngoài khiêm nhường đến thế, nơi chẳng một chính khách nào thèm ngó ngàng đến. Bị buộc phải sống trong cái bản tính độc đáo của mình, trí tưởng tượng của con người ở đó đã ngẫu hứng tìm ra một nền lập pháp chưa từng có. Trong lòng của cái nền dân trị vô danh tiểu tốt ấy, nơi chưa từng sinh sôi ra tướng lĩnh nào, chẳng có triết gia nào, chẳng có đại văn hào nào, lại có một con người đủ sức đứng lên trước một dân tộc tự do và trước sự cổ vái của tất cả mọi người, để đưa ra cái định nghĩa tuyệt đẹp này về Tự do:

“Chúng ta chớ nên nhầm lẫn về những gì ta phải hiểu về nội dung khái niệm độc lập của mình. Thực vậy, có một thứ tự do thối nát theo cách dùng khái niệm của lũ động vật cũng như của con người, nội dung là muốn làm gì thì làm. Tự do như thế là kẻ thù của mọi quyền uy. Tự do như thế không chịu theo nổi một lệ luật nào. Tự do mà như thế thì chúng ta phải nằm dưới chính bản thân chúng ta. Đó là kẻ thù của chân lí và hoà bình, và Chúa Trời chắc là cũng chống lại thứ tự do ấy! Nhưng có một thứ tự do dân sự và đạo lí có sức mạnh trong sự đoàn kết và sứ mệnh của quyền lực là phải bảo vệ cho cái tự do ấy. Đó là cái tự do làm mọi thứ gì là công minh và tốt đẹp mà không phải sợ hãi gì. Cái nền tự do thiêng liêng đó, chúng ta phải bảo vệ nó chống lại mọi ngẫu nhiên và nếu cần thì đem mạng sống chúng ta ra mà che chở nó.”

Tôi đã nói khá đủ để làm sáng tỏ tính chất nền văn minh người Mĩ gốc Anh. Đó là sản phẩm (và cái điểm xuất phát này ta cần luôn luôn nhớ đến) của hai yếu tố hoàn toàn khác biệt, cái mà ở nơi khác chúng vẫn thường giao tranh với nhau, nhưng ở nước Mĩ chúng lại gần như nhập cái nọ vào với cái kia và kết hợp với nhau đến độ tuyệt vời. Tôi muốn nói, đó là tinh thần tôn giáo và tinh thần tự do.

Những người gây dựng nên New England đều cùng lúc là những kẻ tôn giáo phân liệt đầy nhiệt tình và là những kẻ cách tân đầy nhiệt huyết. Khi bị kìm chân trong những mối dây trói hẹp hòi của những niềm tin tôn giáo nhất định, họ được thoát khỏi mọi định kiến chính trị.

Từ đó mà có hai khuynh hướng khác nhau, nhưng không trái ngược nhau, mà ta dễ dàng tìm thấy dấu vết chúng ở khắp nơi, trong tập tục cũng như trong luật pháp.

Có những con người vì một quan điểm tôn giáo mà hi sinh bè bạn, gia đình và tổ quốc. Ta có thể coi như họ bị cuốn hút vào việc đeo đuổi cái tài sản tinh thần mà họ tới để mua bằng cái giá thật cao. Song ta cũng thường thấy những con người đó bằng một lòng nhiệt thành gần như nhau đi tìm những tài sản vật chất và những thú vui đạo lí: trời cao ở một thế giới khác, hạnh phúc vật chất và tự do ở thế giới nơi đây.

Trong tay những con người đó, các nguyên lí chính trị, luật pháp và các thiết chế của con người dường như là những sự vật có thể dát mỏng ra được, những thứ có thể thay đổi và kết hợp tuỳ theo ý thích của con người.

Trước mặt họ, các thanh chắn đã cầm tù xã hội nơi họ sinh ra đều bị hạ xuống. Những quan niệm xưa cũ từng chi phối thế giới con người hàng bao thế kỉ phải tan biến đi. Trước mắt họ trải ra một tiền đồ hầu như không giới hạn, một cánh đồng không chân trời, trí não con người lao thẳng vào đó, trí não con người đi ngang đi dọc khắp nơi. Thế nhưng, khi đi tới những giới hạn của thế giới chính trị thì tự nhiên trí tuệ đó dừng lại. Nó run rẩy không dám đem dùng những năng lực khủng khiếp nhất nó từng có. Nó tuyệt giao với sự hoài nghi. Nó khước từ cái nhu cầu được đổi mới. Thậm chí nó ngồi im không dám vén cao tấm màn che thánh đường. Nó kính cẩn nghiêng mình trước những chân lí được nó chấp nhận mà chẳng hề tranh cãi lại.

Vậy là, trong cái thế giới đạo lí, mọi thứ đều được phân loại, được kết hợp, được tiên báo, được quyết định sẵn. Trong thế giới chính trị, mọi thứ đều nhộn nhạo, phân tranh, vô định. Trong thế giới đạo lí thì con người thụ động vâng lời, dù là với tinh thần tự nguyện. Còn trong thế giới chính trị thì có sự độc lập, sự khinh thường sự trải nghiệm và khao khát mọi quyền uy.

Hai khuynh hướng ấy, vẻ ngoài khá là chống đối nhau, thực ra còn xa mới tự mất đi, chúng cùng tiến bước và dường như còn trụ đỡ lẫn nhau nữa.

Tôn giáo nhìn thấy trong tự do dân sự một sự thực hành cao quý các khả năng con người. Và nó thấy trong thế giới chính trị một sân chơi được Đấng tối cao đem cho con người để con người thử sức trí tuệ mình. Được tự do và mạnh mẽ trong lĩnh vực của mình, tự mãn vì vị trí dành cho mình, tôn giáo biết rằng thế lực của nó càng vững vàng khi nó chỉ trị vì bằng sức mạnh riêng và thả sức chế ngự trái tim con người.

Còn tự do thì nhìn thấy ở tôn giáo một người bạn đường trong đấu tranh và chiến thắng. Tôn giáo, đó là cái nôi của tự do, đó là nguồn thiêng của các quyền. Tự do coi tôn giáo như là kẻ bảo vệ tập tục, và coi tập tục như kẻ bảo vệ luật pháp và là sự bảo chứng cho tự đo được trường tồn. (Xem F)

LÍ GIẢI MỘT SỐ ĐIỂM ĐẶC BIỆT TRONG LUẬT PHÁP VÀ TẬP TỤC CỦA NGƯỜI MĨ GỐC ANH

Một số dấu vết còn sót của các thiết chế quý tộc trị trong lòng một nền dân trị hoàn hảo bậc nhất. − Tại sao? − Cần phải phân biệt chỗ nào có nguồn gốc Thanh giáo và chỗ nào có nguồn gốc dân tộc Anh.

Đọc những phần vừa rồi, mong rằng bạn đọc không nên rút ra ngay những hệ luận quá chung chung và quá tuyệt đối. Không nghi ngờ gì, điều kiện xã hội, tôn giáo và tập tục của những người di dân đầu tiên đã có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến số phận tổ quốc mới của họ. Dẫu sao, công việc xây dựng xã hội lại không phụ thuộc vào họ, vì đó là cái xã hội mà điểm xuất phát lại không đặt ở ngay bên trong những con người này. Chẳng có một ai biết cách thoát ra hoàn toàn khỏi quá khứ. Đã có tình trạng khi vô tình khi hữu ý họ đã lẫn lộn các tư tưởng và cách làm riêng của mình với những tư tưởng và cách làm được đào tạo nhờ nền giáo dục và truyền thống dân tộc trước đó trên đất nước họ.

Khi ta muốn biết rõ và phán xét những người Mĩ gốc Anh ngày nay, ta cần phân biệt kĩ cái gì mang nguồn gốc Thanh giáo và cái gì mang nguồn gốc dân tộc Anh.

Ta thường gặp ở Hoa Kì những luật lệ hoặc tập tục trái ngược với môi trường xung quanh. Những luật lệ đó có vẻ như được biên soạn bởi một đầu óc đối lập với tư tưởng lập pháp ngự trị nước Mĩ. Những tập tục đó dường như trái ngược với toàn bộ trạng thái xã hội. Nếu các khẩn địa Anh đã được xây dựng trong một thế kỉ tối tăm xa xưa, hoặc nếu như nguồn gốc các khẩn địa đó đã mất hút trong thời gian, thì câu hỏi sẽ không giải đáp nổi.

Tôi xin kể ra một dẫn chứng để bạn đọc hiểu ý tôi.

Việc lập pháp dân sự và hình sự của người Mĩ chỉ biết tới hai cách hành động: dùng nhà tù hoặc là dùng tiền bảo lãnh. Hành động đầu tiên trong tố tụng là thu được tiền bảo lãnh của bị cáo, hoặc nếu anh ta từ chối, thì tống vào tù. Sau đó người ta mới tranh tụng về tội danh hoặc sự trầm trọng của cáo trạng.

Rõ ràng một thứ thủ tục tố tụng như vậy chống lại người nghèo và chỉ có lợi cho người giàu.

Người nghèo không bao giờ có được tiền bảo lãnh, ngay cả là bảo lãnh dân sự, và nếu anh ta bị buộc phải vào tù mà chờ đợi công lí, thì bị buộc phải ngồi im một chỗ rồi sẽ đưa anh ta tới cảnh khốn cùng.

Ngược lại, người giàu luôn luôn có khả năng thoát cảnh tù tội về những vấn đề dân sự. Hơn thế, nếu anh ta phạm tội, thì cũng dễ dàng thoát khỏi sự trừng phạt đang đợi anh ta; sau khi nộp phạt, anh ta biến luôn. Vậy là ta có thể nói rằng đối với anh ta mọi hình phạt theo luật chỉ còn quy về phạt tiền. Còn gì quý tộc trị hơn là một thủ tục tố tụng như vậy?

Song, ở nước Mĩ, chính người nghèo mới là người làm luật, và thông thường họ giữ lại cho mình những thuận lợi to tát nhất của xã hội.

Ta phải đi tìm cách lí giải hiện tượng này ở Anh, vì các luật vừa mới nói đến là luật của Anh. Người Mĩ đã chẳng thay đổi chúng lấy mảy may, cho dù chúng trái ngược với toàn bộ công việc lập pháp và toàn bộ tư tưởng của họ.

Điều mà một dân tộc ít thay đổi hơn cả sau sử dụng là lập pháp dân sự. Các luật dân sự chỉ quen thuộc với những nhà luật pháp học, tức là những người quan tâm trực tiếp đến việc duy trì các luật như vốn có, dù tốt dù xấu thì cũng duy trì chúng, vì lí do là họ biết rõ các luật đó. Phần lớn mọi người trong nước hiểu biết không nhiều về các luật đó. Họ chỉ nhìn thấy luật trong những trường hợp riêng biệt, họ khó mà nắm bắt được xu hướng của chúng và có tuân theo luật thì cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều.

Tôi đã kể ra một thí dụ, thực ra còn có thể kể vô khối nữa.

Hình ảnh xã hội Mĩ, nếu tôi có thể diễn đạt như sau, được một lớp màn dân chủ bên trên che phủ, bên dưới đó thỉnh thoảng lại thấy thò lên những màu sắc quý tộc trị xưa cũ.

Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)

Dịch giả:
Phạm Toàn