[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 37 - Thatcher

[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 37 - Thatcher

Nước Anh là nơi mà tiếng tăm của Hayek lừng lẫy nhất, chủ yếu nhờ những năm 1980, Margaret Thatcher đã biểu lộ sự hâm mộ công khai đối với ông như là người truyền cảm hứng triết học hàng đầu của mình. Danh tiếng Hayek nổi lên ở Anh sau khi Thatcher trở thành lãnh tụ Đảng Bảo thủ năm 1975 và thăng tiến nhanh chóng sau khi bà trở thành thủ tướng năm 1979.

Trong hồi ký của mình, Thatcher nhận xét rằng hồi còn trẻ, “tác phẩm chỉ trích mạnh mẽ nhất kế hoạch hoá xã hội chủ nghĩa và nhà nước xã hội chủ nghĩa” mà bà được đọc, và là tác phẩm mà bà từng “rất nhiều lần xem lại kể từ đó,” là Con đường tới nô lệ (The Road to Serfdom). Bà cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các công trình khác của Hayek, trong đó có những cuốn mà bà mô tả là “tuyệt tác,”Hiến pháp về quyền tự do (The Constitution of Liberty) và Luật, luật pháp và tự do (Law, Legislation and Liberty).

Richart Rockett thuật lại cuộc gặp mặt lần đầu tiên của Hayek với Thatcher, “không lâu sau khi Thatcher trở thành thủ lĩnh phe đối lập năm 1975, IEA đã thu xếp cho bà gặp Hayek lần đầu tiên tại Phố Lord North [Lord North Street, trụ sở IEA]. Thatcher đến và được dẫn vào phòng họp ban giám đốc để diện kiến riêng với Hayek, kéo dài chừng ba mươi phút. Cuối cùng, Thatcher rời khỏi đấy và các nhân viên của IEA ùa lại quanh một Hayek đang tỏ ra trầm ngâm khác thường, dò hỏi phản ứng của ông về cuộc gặp. Sau khi ngập ngừng lúc lâu, tất cả những gì mà ông phát biểu, với cảm tưởng rõ ràng, là ‘Bà ấy thật xinh đẹp.’”

Một quan chức thuộc Vụ Nghiên cứu Đảng Bảo thủ (Conservative Research Department) còn nhớ lần một đồng nghiệp của mình “chuẩn bị một bài viết với lập luận, ‘đường lối trung dung’ chính là con đường thiết thực để Đảng Bảo thủ đi theo, tránh những thái cực của cánh tả và cánh hữu. Trước khi anh ta đọc xong bài viết, tân lãnh tụ của Đảng thò tay vào cặp và lấy ra một cuốn sách. Đó là tác phẩm Con đường tới nô lệ của Friedrich von Hayek. Ngắt lời nhà thực dụng chủ nghĩa của chúng ta, bà cầm cuốn sách lên để tất cả chúng tôi đều nhìn thấy. ‘Đây,’ bà đanh giọng, ‘là những gì mà chúng ta tin tưởng,’ và đặt mạnh cuốn sách của Hayek lên bàn.”

Mức độ sâu sắc trong mối quan hệ cá nhân và chính trị, phân biệt với triết học, giữa Hayek và Thatcher có thể đã bị nhấn mạnh thái quá. Năm 1978, một năm trước khi bà trở thành thủ tướng, Hayek bình luận, “Tôi rất quan tâm đến chính trị; trên thực tế, xét từ góc độ nào đó thì tôi vẫn đang tham gia vào hoạt động này. Hiện nay tôi rất bận bịu với việc củng cố sự hậu thuẫn cho Thatcher trong cuộc đấu tranh của bà chống lại các nghiệp đoàn lao động. Tôi viết các bài báo, thậm chí gần đây tôi còn được vinh dự có bài đăng trên trang nhất tạp chí Times ở London về chủ đề cụ thể ấy. Ở Anh, tôi được mô tả là người truyền cảm hứng cho Thatcher, người mà tôi mới chỉ gặp hai lần trong đời. Tôi thích thú với điều đó, nhưng với nguyên tắc là tôi sẽ không đòi hỏi, trong mọi tình huống, điều gì hiện đang khả thi về mặt chính trị. Tôi tập trung vào những gì mà mình cho là đúng và cần được thực hiện nếu các bạn có thể thuyết phục được công chúng. Nếu các bạn không thể, điều ấy thật tồi tệ, song đấy lại không phải là việc của tôi.”

Sau khi Thatcher được bầu làm thủ tướng, Hayek thỉnh thoảng cố gắng khuyên bà về các chủ đề thực tiễn, chính trị, đặc biệt đầu nhiệm kỳ thủ tướng của bà, có lẽ là bằng cách gửi thư kèm theo ghi chép hoàn chỉnh về một cuộc phỏng vấn hay một bài thuyết trình nào đó. Tháng 8 năm 1979, ông viết một bức thư đề xuất việc trưng cầu dân ý về cải cách nghiệp đoàn lao động, tuy nhiên bà đã lịch sự khước từ lời khuyên của ông.Ông gửi cho bà một cuốn của tập thứ ba tác phẩm Luật, luật pháp và tự do khi nó xuất bản năm 1979, và bản in đầu tiên của ấn bản bọc da kỷ niệm bốn mươi năm tác phẩm Con đường tới nô lệ năm 1984. Thatcher không chịu nhiều ảnh hưởng của Hayek về các chủ đề chính trị đương thời. Trong toàn bộ quãng thời gian tại nhiệm của bà, họ chỉ có liên hệ đáng kể khoảng một hai lần mỗi năm hay đại loại thế.

Dù vậy, Hayek vẫn được liên tưởng trong giới truyền thông đại chúng ở Anh như là nhà cố vấn hậu trường của bà. Năm 1976, một tít bài trên tờ Daily Mirror đặt dấu hỏi, “Hayek là ai?” – và bài viết trả lời, “một vị giáo sư người Áo là nhân vật bí ẩn đứng đằng sau cuộc tranh cãi gay gắt trong Đảng Bảo thủ. Ông ta vẫn thực sự vô danh đối với dân chúng Anh.”Bốn năm sau, tờ Mirror lại chạy tít bài viết khác, “Bố già của Thatcher!”và đặt tựa đề cho một câu chuyện khác, “Vị linh mục và thủ tướng,” trong đó tác giả viết, “Giáo sư Friedrich August von Hayek là nguồn cảm hứng đằng sau các chính sách của chính phủ mà, nếu theo đuổi chúng, con số thất nghiệp sẽ bị đẩy lên quá hai triệu người và dẫn đến nhiều hiện tượng phá sản cùng với sự hồi sinh của cuộc chiến tranh giai cấp.”

Trong tác phẩm Margaret Thatcher: Đảng viên Bảo thủ và Đảng của bà (Margaret Thatcher: A Tory and Her Party, 1978), Patrick Cosgrave lưu ý về “mức độ mà danh tiếng của Hayek lại tăng lên trong những năm 1970 (ông đã trải qua một số năm thực sự tách biệt và im lặng), và làm thế nào mà ông giành được lượng người ủng hộ lớn hơn rất nhiều so với giai đoạn sau chiến tranh.”Do tình hình kinh tế đình đốn, quyền lực nghiệp đoàn thái quá, việc nhận Giải Nobel – và đặc biệt là địa vị đang lên của Thatcher – mà Hayek đã giành được danh tiếng ở Anh lớn hơn bao giờ hết so với trước đấy, và lớn hơn rất nhiều so với mức độ mà ông từng có được tại Mỹ hay bất cứ ở đâu. Năm 1978, Michael Foot, bấy giờ là thủ lĩnh Công Đảng ở Hạ viện, từng công kích Hayek là “vị giáo sư điên rồ,”và cáo buộc Thatcher, ít nhiều tương tự như sự chỉ trích mà Attlee từng dành cho Churchill trên ba mươi năm trước, là đã bị ông ta chi phối.

Hayek gặp Ronald Reagan qua Thatcher. Bà giới thiệu ông với Reagan năm 1982 ở London. Reagan nhắc chuyện ông đã đọc một trong những cuốn sách của Hayek và “học được nhiều từ nó.”Với tư cách thủ tướng, Thatcher phát biểu ở Hạ viện, “Tôi là người rất hâm mộ giáo sư Hayek. Vài cuốn sách của ông hẳn sẽ được một số thành viên danh giá đọc kỹ.”

Các chính khách khác ở Anh chịu ảnh hưởng của Hayek gồm có Enoch Powell và các thành viên nội các Thatcher là Keith Joseph, Geoffrey Howe, John Biffen, và Nigel Lawson. Edward Heath, thủ tướng Anh từ năm 1970-1974, là người từng tham dự một hội nghị khu vực của Hội Mont Pelerin năm 1953.

Hayek đều đặn tham gia vào cuộc tranh luận về chính sách công ở Anh. Đặc biệt sau khi nhận Giải Nobel, ông thường viết thư gửi cho các ban biên tập, nhất là tờ Times ở London, và có nhiều bài bày tỏ chính kiến dài hơi hơn được công bố trên một loạt đài phát thanh địa phương. Năm 1978, ông viết một lá thư cụ thể gây tranh cãi, khi ca ngợi lời kêu gọi chấm dứt nhập cư của Thatcher, “Không một ai từng trải qua giai đoạn trỗi dậy của chủ nghĩa bài Do Thái bạo lực vốn dẫn Hitler đến quyền lực lại có thể khước từ việc dành cho bà Thatcher sự cảm phục vì bà đã đưa lời cảnh báo dũng cảm và thẳng thắn. Khi tôi lớn lên ở Vienna, các gia đình Do Thái nền nếp là cộng đồng nhìn chung được tôn trọng và tất cả những người đứng đắn đều thường tỏ thái độ khó chịu trước những cơn bột phát bài Do Thái (anti-Semitism) không thường xuyên của một số ít chính khách nổi tiếng. Chính làn sóng số lượng lớn người Do Thái Galicia và Ba Lan đột ngột đổ vào [giai đoạn Thế chiến I]… đã làm thay đổi thái độ trong một thời gian ngắn. Sự khác biệt của họ là quá dễ thấy để có thể hoà nhập được ngay.”

Lá thư này dẫn đến ít nhất là năm phản ứng tiêu cực vào tuần kế tiếp, cùng với hai lá thư nữa từ Hayek. Bernard Levin, người phụ trách chuyên mục trên tờ Times, viết rằng theo luận điểm của Hayek, “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc thực sự hoàn toàn là lỗi lầm của các nạn nhân, những người chỉ việc phải giữ mình đủ không nổi bật và đủ không thành công để nó [chủ nghĩa phân biệt chủng tộc] biến mất.”Giáo sư Willi Frischauer viết, “khi giáo sư Hayek chỉ ra nguồn gốc của chủ nghĩa bài Do Thái Áo là làn sóng nhập cư của những người Do Thái với sự ‘khác biệt dễ thấy’ từ Ba Lan, ông ta hoặc là bị trí nhớ đánh lừa hoặc là thiếu hiểu biết về lịch sử chính trị và xã hội Áo.”Tiến sỹ George nói, “Việc giáo sư Hayek khẳng định chính dòng người Do Thái Ba Lan nhập cư ‘đã làm thay đổi thái độ” của xã hội Vienna là vừa thô bạo vừa nông cạn. Chủ nghĩa bài Do Thái tràn lan ở Áo.”Nicholas (nay là Lord) Kaldor nhảy vào thách thức kinh tế học của Hayek,và Ruth Glass tuyên bố, lá thư của Hayek “bắt đầu bằng sự xuyên tạc ghê gớm – là chính ‘sự trỗi dậy của chủ nghĩa bài Do Thái bạo lực vốn dẫn Hitler đến quyền lực,’ chứ không phải điều ngược lại.”

Tự bảo vệ mình trong bài hồi âm cuối cùng, Hayek viết rằng ông “không hiểu tại sao những phản ứng phẫn nộ về lá thư của tôi lại khăng khăng coi cái hiện tượng mà tôi đã rất cố gắng chỉ ra là một vấn đề của sự tiếp biến văn hoá (acculturation) là vấn đề về chủng tộc. Trong lá thư đầu tiên, tôi đã chủ ý nhắc đến làn sóng nhập cư của người Séc vào Vienna trước năm 1914 vốn đã dẫn đến các cuộc bạo loạn trên đường phố. Lịch sử gần đây chưa từng xuất hiện những cuộc bạo loạn tương tự, đòi hỏi chính phủ phải có hành động phân biệt nhằm vào người Do Thái, cho tới khi dòng người tị nạn (với lối ăn mặc khác!) từ Galicia kéo đến.”

Hayek có thể thiếu nhạy cảm về văn hoá và rập khuôn đối với các quốc tịch cụ thể.Tuy nhiên, ông đã không nhận thức được tính đa dạng sinh lý học đầy ý nghĩa của các chủng tộc người. Trong tác phẩm Con đường tới nô lệ (The Road to Serfdom), ông coi sự phê phán đối với kế hoạch hoá tập trung trên bình diện quốc tế là ở chỗ, “Liệu ở đây có thể có nhiều nghi ngờ là điều này ít nhiều sẽ ám chỉ nỗ lực có ý thức nhằm đảm bảo sự thống trị của người da trắng, và nó sẽ được tất các các chủng tộc khác nhìn nhận là đúng như thế hay không?”Trong một bản thảo tác phẩm Sự tự phụ chết người (The Fatal Conceit), ông viết rằng Phương Tây không có nghĩa vụ cung cấp cho các quốc gia kém phát triển hơn loại tư bản sẽ làm tăng năng suất công nhân của họ, ngụ ý chính việc thiếu tư bản và giáo dục là nguyên nhân của tình trạng kém phát triển, chứ không phải những thiên hướng tự nhiên của các dân tộc.

Năm 1961, tại một cuộc phỏng vấn ở Nam Phi, bình luận về các bộ luật phân biệt chủng tộc mới ra ở đó, Hayek phát biểu, đây “dường như là minh chứng rõ ràng và thậm chí mang tính thái cực về việc phân biệt đối xử dành cho những cá nhân khác nhau, điều mà đối với tôi có vẻ như không tương thích với sự ngự trị của tự do. Thực chất những gì tôi viết [trong cuốn Hiến pháp về quyền tự do] là thực tế theo đó những quy định pháp luật mà thông qua chúng chính phủ có thể sử dụng hành động cưỡng bức đều được áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi thành viên trưởng thành, có năng lực trách nhiệm trong xã hội ấy. Bất kỳ kiểu phân biệt nào – dù dựa trên cơ sở tôn giáo, quan điểm chính trị, chủng tộc, hay bất kể thứ gì – đều xem ra không tương thích với ý tưởng về tự do trong khuôn khổ pháp luật. Kinh nghiệm cho thấy sự phân biệt không bao giờ là bình đẳng và không thể bình đẳng.”Tuy nhiên, trên cơ sở cá nhân, ông lại tin rằng mọi người cần được phép phân biệt.

Hayek thừa nhận sự tồn tại của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Mỹ qua nhận xét, sau khi xem xét về khả năng gửi con mình sang Mỹ trong Thế chiến II, “Tôi có lẽ nên bổ sung rằng điều này dựa trên giả thuyết không nói ra là các con tôi sẽ được bố trí trong một gia đình người da trắng chứ không phải da màu.”Ông phản đối việc chính phủ trực tiếp cung cấp giáo dục phần nào với lý do là “việc chính phủ cung cấp giáo dục sẽ tạo ra những vấn đề như sự chia tách người da đen ở Mỹ.”Trong một cuộc phỏng vấn ở Nam Phi, ông nhận xét về hoạt động tuyển sinh của trường đại học, “chừng nào mà các trường đại học là những tổ chức công theo nghĩa chặt chẽ [tức là được chính phủ tài trợ], thì theo triết lý của tôi, chúng phải mở cửa bình đẳng cho tất cả mọi người đúng như tên gọi. Nếu chúng hoàn toàn là những tổ chức tư nhân, thì tôi sẽ nói các tổ chức tư nhân có quyền phân biệt.”

Trí tuệ Hayek được đánh dấu bởi tuổi trẻ ở Áo, thời trai tráng và tuổi trung niên ở Anh, mười hai năm ở Chicago, và danh tiếng vĩ đại sau này ở Anh, sau khi Margaret Thatcher trở thành thủ tướng. Những gì mà Schumpeter nhận xét về Keynes – “lời khuyên” của ông trước hết luôn là lời khuyên kiểu Anh”– trên nhiều phương diện cũng có thể áp dụng cho Hayek. Ở Anh ông tự nhiên như ở nhà, và chỉ do hoàn cảnh cá nhân mà ông đã không sống nốt những ngày cuối cùng của mình tại đây.

Ngày 26 tháng 3 năm 1980, ông diễn thuyết tại Câu lạc bộ Thứ Hai (Monday Club) ở London, nơi hoạch định chính sách của Đảng Bảo thủ, về “sự rối ren của đường lối trung dung.” Ông kết thúc bài nói với suy nghĩ là cuộc chiến vì sự tồn tại của Anh với tư cách một đất nước giàu có và quan trọng đang diễn ra trong Đảng Bảo thủ, và sự tiếp tục tồn tại của Anh phụ thuộc vào việc loại trừ đặc quyền của các nghiệp đoàn, sự kiểm soát lạm phát, và việc cự tuyệt khái niệm công bằng xã hội. Năm 1984, Hayek hân hoan tham gia hội nghị Hội Mont Pelerin tại Cambridge. Trong bài viết về cuộc hội nghị dành cho tờ National Review, John Chamberlain nhận xét, “sự khích lệ lớn nhất về hội nghị Hội Mont Pelerin là ở chỗ nó diễn ra trong một môi trường học thuật không còn mang bản chất cánh tả thịnh hành nữa… Đó là một quãng cách xa so với Cambridge những năm 1930, nơi mà các nhà cộng sản chủ nghĩa từng nhận thấy có nguồn đảng viên to lớn và thậm chí cả những kẻ phản bội triệt để. Thành Cambridge năm 1984 đã sẵn sàng chấp nhận sự hồi hương của Hayek với tư cách một nhân vật đại chúng.”

Không lâu sau khi trở thành thủ tướng, Margaret Thatcher viết thư cho Hayek, “Tôi rất tự hào là đã học được rất nhiều từ ngài trong ít năm vừa qua. Tôi hy vọng một số ý tưởng ấy sẽ được chính phủ của mình áp dụng vào thực tiễn. Với tư cách một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất của ngài, tôi nhất quyết chúng ta sẽ thành công. Nếu làm được như vậy, thì đóng góp của ngài vào thắng lợi cuối cùng của chúng ta sẽ vô cùng to lớn.”

Năm 1982 bà lại viết thư cho Hayek, hồi âm một bức thư của ông dường như là về thành công của chính phủ Chile trong việc giảm chi tiêu chính phủ tính theo tỷ trọng của nó trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Bà viết, “Sự tiến triển từ chủ nghĩa xã hội của Allende 1 sang nền kinh tế tư bản chủ nghĩa tự do kinh doanh những năm 1980 là một ví dụ ấn tượng về cải cách kinh tế mà từ đó chúng ta có thể rút ra nhiều bài học.” “Tuy nhiên, tôi chắc là ngài sẽ đồng ý rằng, với những thiết chế dân chủ của chúng ta và sự cần thiết phải có mức độ đồng thuận cao, thì một số biện pháp áp dụng ở Chile hoàn toàn không thể chấp nhận được ở Anh. Công cuộc cải cách của chúng ta phải theo truyền thống và Hiến pháp của chúng ta. Quá trình này đôi khi có thể mang vẻ chậm chạp đến khó chịu. Nhưng tôi tin chắc chúng ta sẽ cải cách thành công theo cách của chúng ta và trong kỷ nguyên của chúng ta. Và rồi chúng sẽ tồn tại lâu dài.”

Năm 1989, nhân dịp sinh nhật lần thứ 90 của Hayek, Thatcher viết thư cho ông, “Tuần này là tròn mười năm kể từ khi tôi vinh dự trở thành Thủ tướng. Nhiều người đã tỏ ra hết sức thiện chí với những lời bình luận về những gì mà chính phủ có thể đạt được trong quãng thời gian ấy. Tất nhiên vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng không có gì trong số đó sẽ là khả thi nếu không có những giá trị và niềm tin đặt chúng ta vào con đường đúng đắn và đem đến cho chúng ta cảm nhận đúng đắn về hướng đi. Vai trò dẫn dắt và nguồn cảm hứng mà các công trình và tư tưởng của ngài đã đem đến cho chúng tôi có ý nghĩa quyết định hoàn toàn; và chúng tôi nhờ ơn ngài rất lớn.”

Chú thích:

(1) Salvador Allende Gossens (1908-1973): Tổng thống Chile (1970-1973), người chủ trương đường lối xã hội chủ nghĩa, mất trong cuộc đảo chính quân sự năm 1973. (N.D.)

Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp, Phần VI, Chương 37, Nhà xuất bản Tri Thức 2007

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh