Các thể chế (Phần 1)

Các thể chế (Phần 1)

Các thể chế là những ràng buộc do con người tạo ra, nhằm định hình các mối quan hệ tương tác về chính trị, kinh tế và xã hội. Những ràng buộc này bao gồm các ràng buộc phi chính thức (biện pháp trừng phạt, điều cấm kỵ, tập quán, truyền thống và quy tắc ứng xử) và các ràng buộc chính thức (hiến pháp, luật pháp, quyền sở hữu). Xuyên suốt chiều dài lịch sử, các thể chế được con người tạo ra nhằm thiết lập trật tự và giảm thiểu bất trắc trong giao dịch. Cùng với những ràng buộc chuẩn thức của kinh tế học, các thể chế xác định tập hợp lựa chọn và nhờ đó quyết định chi phí sản xuất và chi phí giao dịch, khả năng sinh lời và tính khả thi của việc tham gia vào hoạt động kinh tế. Các thể chế tiến triển một cách từ từ, kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai; vì thế, lịch sử đa phần là câu chuyện về sự tiến hóa của các thể chế, ở đó kết quả hoạt động của các nền kinh tế theo thời gian có thể chỉ được xem như là phần hệ quả của câu chuyện. Các thể chế cung cấp cấu trúc khuyến khích đối với nền kinh tế; khi cấu trúc này tiến triển, nó định hình chiều hướng thay đổi của nền kinh tế là tăng trưởng, trì trệ hay suy giảm. Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày chi tiết vai trò của các thể chế đối với kết quả hoạt động của các nền kinh tế và minh họa cho những phân tích của mình bằng những bằng chứng lịch sử kinh tế.

Tại sao việc ràng buộc tương tác của con người bằng các các thể chế lại cần thiết? Vấn đề này có thể tóm tắt một cách cô đọng trong khung cảnh lý thuyết trò chơi. Các cá nhân mong muốn tối đa hóa lợi ích sẽ thường tìm thấy lợi ích của việc hợp tác với những người chơi khác khi trò chơi được lặp lại, khi họ có được thông tin đầy đủ về hành vi của những người chơi khác trong quá khứ, và khi số lượng người chơi ít. Nhưng bây giờ xoay ngược lại bối cảnh của trò chơi. Việc hợp tác sẽ rất khó duy trì khi trò chơi không được lặp lại (hay đó là một ván chơi cuối cùng), khi thông tin giữa những người chơi không đầy đủ và khi có một số lượng lớn người chơi.

Hai thái cực trên phản ánh những điều kiện môi trường kinh tế tương phản trong cuộc sống thực. Có nhiều ví dụ về các thể chế trao đổi giản đơn, cho phép chi phí giao dịch ở mức thấp trong các điều kiện của khung cảnh đầu. Nhưng các thể chế cho phép chi phí giao dịch và sản xuất thấp trong một thế giới chuyên môn hóa và phân công lao động đòi hỏi phải giải quyết các vấn đề về hợp tác của con người dưới các điều kiện của khung cảnh sau.

Cần nhiều nguồn lực để xác định và thực thi những thỏa thuận trao đổi. Ngay cả khi mọi người đều có chung một hàm mục tiêu (giống như việc tối đa hóa lợi nhuận của các hãng kinh doanh) thì giao dịch vẫn tiêu tốn những nguồn lực nhất định; còn trong bối cảnh các cá nhân theo đuổi mục tiêu tối đa hóa lợi ích riêng và tồn tại thông tin bất đối xứng về những thuộc tính quan trọng của những thứ đang được trao đổi (hay năng lực thực hiện của các bên) thì các mức chi phí giao dịch trở thành yếu tố then chốt, quyết định kết quả hoạt động kinh tế. Các thể chế và hiệu lực thực thi chúng (cùng với công nghệ được sử dụng) sẽ quyết định chi phí giao dịch. Những thể chế có hiệu quả sẽ làm tăng lợi ích cho các giải pháp hợp tác hay làm tăng chi phí cho các hành vi bất hợp tác, đấy là theo ngôn ngữ lý thuyết trò chơi. Còn theo ngôn ngữ của lý thuyết chi phí giao dịch, các thể chế giúp làm giảm các mức chi phí sản xuất và chi phí giao dịch trên mỗi giao dịch tới một mức độ mà tại đó người ta có thể thấy được những lợi ích tiềm tàng từ hoạt động giao thương. Các thể chế của cả hai loại, thế chế chính trị và thể chế kinh tế, đều là những phần thiết yếu của một ma trận thể chế hiệu quả.

Trọng tâm chính của tổng luận nghiên cứu về thể chế và chi phí giao dịch là về các thể chế, vốn được xem như là các giải pháp hiệu quả cho các vấn đề tổ chức trong một khung khổ cạnh tranh (Williamson, 1975; 1985). Do đó, theo nhánh nghiên cứu này, trao đổi trên thị trường, nhượng quyền thương mại, hay tích hợp dọc (vertical integration) đều được xem như là những giải pháp hiệu quả cho những bài toán hóc búa mà các nhà khởi tạo kinh doanh phải đương đầu trong những điều kiện cạnh tranh khác nhau. Mặc dù có giá trị, cách tiếp cận như trên đã bỏ qua trọng tâm của bài viết này: giải thích sự đa dạng của những kết quả hoạt động của các nền kinh tế cả trong quá khứ lẫn hiện tại.

Làm thế nào mà một nền kinh tế có được những thị trường hiệu quả và cạnh tranh như được giả định theo cách tiếp cận trước đây? Những ràng buộc kinh tế chuẩn thức hay những quyền sở hữu đều được các thể chế chính trị quy định cụ thể và duy trì hiệu lực; và tổng luận nghiên cứu theo cách tiếp cận trước đây đơn giản coi điều đó như là hiển nhiên. Nhưng lịch sử kinh tế về cơ bản là một câu chuyện về các nền kinh tế mà đã thất bại trong việc đưa ra một bộ các luật chơi kinh tế (và có thể duy trì hiệu lực) có khả năng tạo ra tăng trưởng kinh tế ổn định. Vấn đề trung tâm của bộ môn lịch sử kinh tế và phát triển kinh tế là phải xem xét sự tiến hóa của các thể chế chính trị và kinh tế dưới góc độ tạo nên một môi trường kinh tế khiến cho năng suất ngày càng gia tăng.

(còn nữa)

Douglass C. North là giáo sư Luce về Tự do và Luật, đồng thời là Giám đốc trung tâm Kinh tế chính trị, Đại học Washinton, St. Louis, Missouri.

Nguồn:  Douglass C. North, “Institutions”, The Journal of Economic Perspectives, Quyển 5, Số 1 (Mùa đông 1991)