[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp] Chương 15: Phương pháp luận về nghiên cứu hiện tượng xã hội

[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp] Chương 15: Phương pháp luận về nghiên cứu hiện tượng xã hội

Tags: Tiểu sử

Thế chiến II là giai đoạn Hayek bắt đầu hòa mình hoàn toàn vào nước Anh. Ông viết trong tự truyện rằng, đối với ông, cuộc sống ở Cambridge những năm tháng chiến tranh là “cực kỳ đồng cảm” và ông đã “hoàn tất quá trình hòa nhập hoàn toàn” vào đời sống nước Anh, điều mà ông thấy rất dễ dàng ngay từ khi chuyển đến đây năm 1931.

“Chẳng hiểu sao cái tình thái chung và bầu không khí trí tuệ của đất nước này đã và ngay lập tức chứng tỏ sự hấp dẫn lạ thường đối với tôi, cùng với hoàn cảnh của cuộc chiến mà tôi vốn dành hết cảm tình cho người Anh, quá trình biến mình trở thành người nhà đã diễn ra chóng vánh.”

Trong tất cả những “mô thức cuộc sống” sẵn có, thì một trường thuộc Đại học Oxford hay Đại học Cambridge đối với ông xem ra là nơi “hấp dẫn nhất.” Theo bài viết của ông nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập LSE, ngay cả

giai đoạn ở Cambridge cũng bù đắp cho những khó khăn và bất tiện mà nó gây ra cho những sinh viên và viên chức đã không may buộc phải tìm nơi trú ngụ tại Cambridge hay được thu xếp phòng ở tại trường Peterhouse College cũng như tại các trường khác. Lòng mến khách của trường Peterhouse sẽ vẫn còn in sâu trong trí nhớ của nhiều giáo viên như là một trong những kỷ niệm dễ chịu nhất về năm tháng chiến tranh."

Thời gian ở Anh – và đặc biệt ở Cambridge – là thời kỳ đỉnh cao trong cuộc sống của ông.

Kingsley Martin là một nhà xã hội chủ nghĩa và là người viết tiểu sử của Laski, ông đã mô tả thời gian LSE sơ tán đến Cambridge, đồng thời cũng cho thấy bức tranh nào đấy về hoàn cảnh trước đó của nó:

“Đặc điểm của Trường Kinh tế London đã thay đổi khi chuyển tới Cambridge. Cả giáo viên cũng như sinh viên đều chịu ảnh hưởng từ việc đột ngột bị cắt đứt khỏi bối cảnh chính trị và kinh tế của London và thấy mình bước sang môi trường đại học nội trú. Với quy mô nhỏ hơn lúc này, sự truyền đạt cá nhân và quan hệ thân thiết diễn ra dễ dàng, điều vốn không thể nào có được ở khu vực đông đúc trên đường Houghton1. Ở London, nơi những lối đi san sát và lớp lớp phòng học luôn ken chặt sinh viên, hầu hết bọn họ thực sự lạ mặt với nhau và xa lạ với tất cả ngoại trừ những giáo viên gần gũi nhất của mình. Việc duy trì đời sống nhà trường luôn gặp khó khăn. Ở Cambridge, giáo viên và sinh viên đều trở thành bạn bè như nhau, hòa trộn về mặt xã hội và hình thành nên một nhóm cố kết trong đời sống tại đây.”

Joan Abase, cựu sinh viên thời chiến của LSE, còn nhớ là mặc dù

“chiến tranh có vẻ như kéo dài bất tận, thì Cambridge vẫn giống như một ốc đảo hết sức dễ chịu của hạnh phúc và viên mãn giữa cái thế giới đang ngấp nghé sự huỷ diệt. Tại Cambridge, LSE là một chốn lý tưởng mà ở đó cuộc sống sinh viên có thể thăng hoa. Những phẩm chất lâu đời hơn và không ngừng trau dồi của Cambridge lại càng thêm phần lý thú nhờ bầu không khí khoan dung, sôi động và không hình thức của LSE. Chúng tôi có thể tận hưởng vẻ đẹp hút hồn nơi đây mà không phải chịu những bất lợi của cuộc sống trường học cách ly [theo giới tính], như hầu hết mọi người đều nhận thấy."

Ian Gilbert, sinh viên LSE giai đoạn 1942-1943, còn nhớ

“năm học ở Cambridge là năm tốt nhất trong đời tôi. Chúng tôi làm việc chăm chỉ trong một môi trường khích lệ hết mình. Chúng tôi cũng vui chơi nhiều, thể thao và sinh hoạt cộng đồng, và thậm chí còn có thời gian để chuẩn bị phục vụ chiến tranh.”

Anne Bohm, trợ lý quản trị của LSE tại Cambridge và là viên chức lâu năm của trường, kể rằng,

Hayek “ngay lập tức lãnh đạo Khoa Kinh tế sau khi các đồng nghiệp người Anh chuyển sang phục vụ bộ máy chiến tranh. Ông là người hơi khó gần và tôi luôn có chút e dè trước ông. Trong trí nhớ của tôi, ông luôn luôn vận đôi giày đi xe đạp và rảo bước qua phòng hội đồng.”

Eric Rose, sinh viên của Hayek ở Cambridge, còn nhớ

“giọng Đức của ông nặng đến nỗi ông nói tiếng Anh rất khó hiểu và nội dung bài giảng cũng không dễ gì nắm bắt. Ông là người rất bài bác Keynes… Hayek đặc biệt phản đối khái niệm Multiplier (hệ số nhân)2, thứ mà ông gọi là Peter-Outer (hệ số teo dần). Đây là thời kỳ khó khăn đối với Hayek vì LSE rất ủng hộ cánh tả và việc đọc Marx là bắt buộc.”

LSE thay đổi mạnh mẽ theo diễn tiến của chiến tranh, số lượng sinh viên giảm, và tỷ lệ sinh viên nữ tăng lên. Điều này ảnh hưởng đến công tác giảng dạy, với nhiều phụ nữ nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực như xã hội học hơn. Các bài thuyết trình của hầu hết các môn học được tiến hành như một phần nằm trong chương trình giảng dạy phối hợp với số giảng viên còn lại của Đại học Cambridge. Hayek thuyết trình về lý thuyết kinh tế học cao cấp, còn nhà kinh tế học của Đại học Cambridge, Arthur Cecil Pigou, giảng dạy các khóa đại cương. Số lượng nghiên cứu sinh thu nhỏ nhanh chóng khi vòng xoáy chiến tranh càng sâu, và đến khi chiến tranh kết thúc thì chỉ còn không đáng kể ngoài một số ít sinh viên ngoại quốc bị kẹt lại ở Anh.

Những chủ đề về phương pháp luận (phương pháp khoa học hay triết học) thuộc số nội dung khó nhất của khoa học xã hội và triết học. Hayek quan tâm đến các chủ đề này từ khi tham gia vào cuộc tranh luận về bài toán xã hội chủ nghĩa ở thập niên 1930. Ông bắt đầu đào sâu vấn đề: trật tự xã hội khả dĩ được hình thành như thế nào khi không có chủ thể nào xếp đặt. Đây là vấn đề tiếp theo cuộc tranh luận về bài toán xã hội chủ nghĩa, vì lời giải đáp cho nó thực sự là luận điểm trung tâm của chủ nghĩa tư bản – nếu không có sự quản lý cụ thể của chính phủ, cá nhân sẽ đạt hiệu quả hơn so với trong xã hội mà ở đó chính phủ sở hữu và quản lý toàn bộ phương tiện sản xuất kinh tế.

Cá nhân luận đối với ông là phương pháp tiếp cận then chốt trong phương pháp nghiên cứu. Hành động tập thể của con người có thể hiểu được thông qua việc nắm bắt hành động cá nhân. Trong một bài viết có tính chuẩn bị cho tác phẩm Sự lạm dụng và suy tàn của lý tính, mà về sau trở thành một phần của cuốn Cuộc cách mạng ngược trong khoa học, ông nhận định, “có lẽ không quá lời khi nói rằng mỗi tiến bộ quan trọng trong lý thuyết kinh tế suốt một trăm năm qua là một bước tiến xa hơn trong sự vận dụng kiên định chủ quan luận (subjectivism).” Tất cả hành động của một cá nhân có thể được phán đoán dựa trên giả thuyết về hành vi tối đa hoá tính thỏa dụng.

Đồng thời, trong tác phẩm “Kinh tế học và tri thức” ông cũng lập luận, những vấn đề về hành động tập thể của con người chính là về quá trình lan truyền thông tin. Ở đây, vấn đề then chốt là thông tin lan truyền giữa các cá nhân như thế nào. Nếu chỉ biết cá nhân tự theo đuổi mục đích riêng thì vẫn chưa đủ. Cách thức mà họ trao đổi thông tin và việc thông tin mới được tạo ra như thế nào cũng mang ý nghĩa quan trọng như thế. Cá nhân chỉ có thể hành động dựa trên thông tin mà mình có. Vì thế, sự lan truyền của thông tin rời rạc thông qua những thiết chế xã hội của thị trường cạnh tranh – bao gồm tư hữu, giá cả, lợi nhuận, hợp đồng, cùng khả năng trao đổi hàng hoá và dịch vụ – được xác lập thông qua pháp luật, bắt đầu trở thành tâm điểm trong nghiên cứu của ông.

Ông nhấn mạnh ý tưởng về tính phức hợp trong tư tưởng phương pháp luận và nhận thức luận (epistemological) của mình. Trong thế giới xã hội, chỉ có thể tồn tại “phán đoán mô thức” (pattern prediction) vì tính phức tạp của đời sống xã hội. Trong tác phẩm “Thuyết duy khoa học và sự nghiên cứu xã hội” (Scientism and the Study of Society), một trong những bài luận dự định cấu thành cuốn Sự lạm dụng và suy tàn của lý tính, khi Hayek lưu ý về điều mà ông coi là “sự tin tưởng sai lầm, theo đó những cái tên được sử dụng chung để chỉ các giai đoạn hay sự kiện lịch sử, chẳng hạn như ‘nước Pháp giai đoạn Cách mạng’ hay ‘Thời kỳ Commonwealth’3, là biểu trưng cho những khách thể được xác định rõ ràng – những cá thể duy nhất mà chúng ta biết đến theo cùng cách thức giống như những đơn vị tự nhiên mà các loài sinh học hay các hành tinh tự biểu thị mình,” ông muốn nói các hiện tượng xã hội phức tạp hơn những hiện tượng, chẳng hạn, vật lý.

Theo Hayek, các dữ kiện trong thế giới xã hội có tính chất “đa hợp” (compositive). Điều này không có nghĩa là một thực tế chẳng hạn như “nước Pháp giai đoạn Cách mạng” thì lại khác biệt về mặt định tính so với các loài sinh vật học hay tự nhiên khác, mà vấn đề ở đây là sự khác biệt về mặt định lượng và việc không nhận được ra điều này. Vì trong thế giới xã hội phức tạp có quá nhiều yếu tố nên chỉ có phán đoán mô thức là khả thi, giống như, với cùng lý do, chỉ có sự định hướng chung hay các nguyên tắc khung là khả thi – bởi tính phức tạp của thế giới xã hội. Hàng thập kỷ sau, trong tác phẩm “Các lý thuyết về cấu trúc xã hội” (Theories of Social Structures), phần “Lý thuyết về các hiện tượng phức hợp” (The Theory of Complex Phenomena, 1961), ông viết,

“ở đây các sự kiện cá thể phụ thuộc thường xuyên vào nhiều hoàn cảnh cụ thể đến mức trên thực tế chúng ta sẽ không bao giờ có khả năng kiểm chứng hết toàn bộ; và kết cục là sự phán đoán và kiểm soát lý tưởng kia phần lớn vẫn nằm ngoài tầm với của chúng ta.”

Trong suy nghĩ của ông, rốt cục không có sự khác biệt về chất nào giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, mà chỉ đơn giản là những khác biệt về tính đa hợp, trong đó khoa học xã hội có cấu trúc phức tạp hơn. Do tính phức tạp của đời sống xã hội, không nên cố gắng tổ chức nó từ một điểm nào hết.

Chú thích:

(1) Địa điểm của LSE ở London. (N.D.)

(2) Multiplier: hệ số nhân trong lý thuyết kinh tế của Keynes. (N.D.)

(3) Giai đoạn nhà nước và chính phủ Anh dưới quyền lực độc tài của Oliver Cromwell (1599-1658) sau cái chết của hoàng đế Charles Đệ nhất năm 1649 cho đến sự phục hồi của chế độ quân chủ năm 1660. (N.D.)

Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp, Phần III, Chương 15, Nhà xuất bản Tri Thức 2007

Dịch giả:
Lê Anh Hùng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh