[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 3: Chúng ta có những quyền gì? (Phần 4)

[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 3: Chúng ta có những quyền gì? (Phần 4)

Hàm ý của quyền tự nhiên

Những nguyên tắc cơ bản của quyền tự làm chủ chính mình, luật về quyền tự do như nhau và tiên đề không gây hấn có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nhà nước có thể nghĩ ra bao nhiêu biện pháp nhằm quản lý và tước đoạt đời sống của người dân thì những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân cũng có thể tìm được bấy nhiêu quyền.

Nỗ lực rõ ràng nhất và tàn bạo nhất nhằm tước đoạt quyền tự làm chủ chính mình là tình trạng nô lệ ép buộc. Từ thời xa xưa, người ta đã tuyên bố rằng có quyền giữ người khác làm nô lệ. Chế độ nô lệ không phải lúc nào cũng là chế độ phân biệt chủng tộc, nó thường bắt đầu bằng việc bắt tù binh của phe bại trận. Những người đi chinh phục biến kẻ bị chinh phục thành nô lệ. Cuộc thập tự chinh vĩ đại nhất trong lịch sử của chủ nghĩa tự do cá nhân là nỗ lực nhằm bãi bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ, mà đỉnh cao là phong trào bãi nô thế kỷ XIX và Con Đường Ngầm Anh Hùng1. Nhưng, mặc dù Tu Chính Án Thứ Mười Ba – bãi bỏ chế độ nô lệ ép buộc - đã được thông qua, hiện nay chúng ta vẫn còn thấy vết tích của nó. Nghĩa vụ quân sự - lệnh nhập ngũ là gì – đấy có phải là chế độ nô lệ có thời hạn (với những hậu quả không thể nào khắc phục được đối với những người lính bị chết trong giai đoạn thi hành nghĩa vụ) hay không? Hiện nay, vấn đề này là đường phân giới rõ ràng nhất giữa những người thuộc phái chủ nghĩa tự do cá nhân và những người đặt tập thể lên trên cá nhân. Người theo chủ nghĩa tự do cá nhân tin rằng, người ta sẽ tự nguyện bảo vệ đất nước xứng đáng được bảo vệ, và rằng không có nhóm người nào có quyền cưỡng ép nhóm khác hy sinh một hoặc hai năm - và có thể hy sinh mạng sống của mình – khi chưa được chính họ đồng ý. Những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân cho rằng, coi cá nhân là tài nguyên quốc gia là vi phạm nguyên tắc cơ bản nhất về nhân phẩm cá nhân. Một số người bảo thủ (như Thượng nghị sĩ John McCain (sinh năm 1936, từng bị bắt làm tù binh ở Việt Nam –ND) và William F. Buckley, Jr. và một số người được gọi là theo phái tự do (như Thượng nghị sĩ Edward M. Kennedy và chủ tịch quỹ Ford (Ford Foundation), Franklin Thomas ủng hộ hệ thống phục vụ đất nước, trong đó tất cả thanh niên đều phải làm việc cho chính phủ một hoặc hai năm. Hệ thống như thế sẽ là vi phạm quyền tự làm chủ chính mình một cách ghê tởm nhất và chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng Tòa án tối cao sẽ công nhận là bất hợp hiến vì trái với Tu Chính Án Thứ Mười Ba.

Tự do lương tâm

Hầu hết mọi người đều dễ dàng nhận thấy hàm ý của chủ nghĩa tự do cá nhân đối với quyền tự do lương tâm, tự do ngôn luận và tự do cá nhân. Những ý tưởng hiện đại của chủ nghĩa tự do cá nhân xuất phát từ cuộc đấu tranh cho lòng khoan dung tôn giáo. Cái gì gắn bó hơn, mang tính cá nhân hơn là những suy nghĩ trong đầu óc người ta? Tư tưởng về các quyền tự nhiên và lĩnh vực riêng tư xuất hiện khi những người bất đồng ý kiến trong tôn giáo xây dựng luận cứ nhằm bảo vệ lòng khoan dung. Tự do ngôn luận và tự do báo chí là những khía cạnh khác của quyền tự do lương tâm. Không ai có quyền ngăn chặn người khác thể hiện suy nghĩ của mình và cố gắng thuyết phục người khác nghe theo ý kiến của mình. Hiện nay, luận cứ này phải được áp dụng cho đài phát thanh và truyền hình, truyền hình cáp, Internet và những hình thức thông tin điện tử khác. Những người không muốn đọc sách do những người cộng sản viết (hay những người theo phái chủ nghĩa tự do cá nhân viết!) hay không thích xem phim bạo lực hay tải ảnh khiêu dâm sẽ không phải làm như thế, nhưng họ cũng không có quyền ngăn cản người khác làm theo ý mình.

Chính phủ có rất nhiều biện pháp nhằm can thiệp vào quyền tự do ngôn luận. Chính phủ Mỹ không ngừng tìm cách cấm hoặc điều chỉnh những bộ phim hay sách báo được cho là khiếm nhã, tục tĩu, khiêu dâm, mặc dù Tu Chính Án Thứ Nhất đã nói rõ ràng như sau: “Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm … ngăn cấm tự do ngôn luận hay tự do báo chí”. Như nhan đề một bài trên tờ tạp chí Wired: “Bạn không hiểu từ nào trong cụm từ ‘không ban hành một đạo luật nào’”?

Những người theo phái tự do cá nhân nhận thấy hàng chục vụ vi phạm quyền tự do ngôn luận trong pháp luật của Mỹ. Bộ luật thông qua năm 1999 về quản lý thông tin trên Internet, đã cấm truyền bá thông tin về phá thai. Chính phủ liên bang thường sử dụng độc quyền trong ngành bưu điện nhằm ngăn chặn việc gửi những tài liệu mà họ coi là chướng tai gai mắt về mặt đạo đức hay chính trị. Đài phát thanh và truyền hình phải được chính phủ liên bang cấp phép và phải đáp ứng những quy định khác nhau của liên bang về nội dung các chương trình phát sóng. Cục quản lý Rượu, Thuốc lá và Súng cấm các nhà sản xuất rượu vang và thức uống có cồn khác ghi trên nhãn rằng những công trình nghiên cứu y tế chỉ ra rằng uống rượu một cách điều độ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tăng tuổi thọ, mặc dù trong tài liệu hướng dẫn mới nhất về chế độ ăn uống của Bộ Y tế và Dịch vụ Xã hội có nói đến lợi ích của việc uống rượu một cách điều độ. Trong những năm 1990, hơn một chục bang đã thông qua những đạo luật cấm công khai chê bai chất lượng của những món hàng dễ hư hỏng - trái cây và rau quả - mà không có “kết quả nghiên cứu khoa học, sự kiện hay dữ liệu vững chắc” khẳng định điều đó.

Người có nhà cho thuê không được quảng cáo là “có thể đi bộ từ nhà tới Giáo đường” – một cách tiếp thị hiệu quả đối với những người Do Thái theo Chính thống giáo, tức là những người không được phép lái xe trong ngày Sabbath - bởi vì câu này được cho có ý định phân biệt đối xử. Các trường đại học tìm cách cấm những bài phát biểu lệch lạc về mặt chính trị, trường Đại học Connecticut (University of Connecticut) cấm sinh viên tham gia vào những “trò cười không thích hợp, những trò đùa không thích hợp và gạt phắt [học sinh khác] không cho tham gia nói chuyện”. (Để cho chính xác, tôi tin rằng các trường đại học tư nhân có quyền đặt ra các quy tắc cho quan hệ giữa giảng viên và sinh viên, trong đó có quy định về cách nói năng, nhưng điều đó không có nghĩa quy định đó là khôn ngoan. Nhưng quy định của nhà nước thì phải tuân thủ Tu Chính Án Thứ Nhất).

Và, tất nhiên, mỗi công nghệ mới lại mang đến cùng với nó những yêu cầu mới về kiểm duyệt, đấy là từ những người không hiểu nó hoặc những người hiểu quá rõ rằng những hình thức truyền thông mới có thể làm lung lay những trật tự đã được thiết lập. Luật về cải cách ngành viễn thông, thông qua năm 1996, đã không còn điều tiết nhiều lĩnh vực trong ngành này, nhưng lại kèm theo Đạo luật về sự đúng đắn trong Truyền thông, cấm người lớn xem phim ảnh có thể không phù hợp cho trẻ em. Một đạo luật thông qua năm 1996, ở Pháp, yêu cầu ít nhất 40 phần trăm các bản nhạc phát trên các đài phát thanh phải là của Pháp. Đạo luật này cũng đòi hỏi rằng cứ hai bài hát tiếng Pháp thì phải có một bài do một nghệ sĩ chưa nổi tiếng (hit) trình bày. “Chúng ta đang bắt người dân phải nghe những bài hát mà họ không muốn nghe”, người quản lý chương trình của một đài phát thanh nói.

Và quan trọng nhất là, những người muốn hỗ trợ các ứng cử viên mà họ thích chỉ được đóng góp tối đa là 1.000 USD – có khác gì nói với tờ New York Times rằng có thể viết một bài xã luận ủng hộ Bill Clinton, nhưng chỉ in 1.000 bản. Đó là cách mà giới quyền uy chính trị - trong khi tuyên bố lòng trung thành của mình với quyền tự do ngôn luận – gây khó khăn cho những hình thức ngôn luận mà trên thực tế có thể đe dọa quyền lực của họ.

Luận cứ của phái công lợi ủng hộ cho tự do ngôn luận như sau: sự va chạm giữa các ý kiến sẽ làm bật ra sự thật. Như John Milton nói: "Ai đã thấy dù chỉ một lần chân lý bị đánh bại trong cuộc tranh luận tự do và cởi mở hay chưa?”. Nhưng đối với phần lớn những người theo phái tự do cá nhân thì lý do quan trọng nhất để bảo vệ quyền tự do thể hiện là quyền cá nhân.

Quyền tự làm chủ chính mình chắc chắn ngụ ý rằng chúng ta có quyền quyết định đưa những món đồ ăn, đồ uống và loại thuốc nào vào cơ thể của mình, làm tình với ai (giả sử là đối tác mà chúng ta lựa chọn đồng ý), và cách chữa bệnh mà chúng ta muốn (giả sử rằng bác sĩ đồng ý chữa theo cách đó). Những quyết định này chắc chắn là hoàn toàn mang tính cá nhân và riêng tư, cũng tương tự như lựa chọn đức tin vậy. Chúng ta có thể sai lầm (chí ít là trong mắt người khác), nhưng quyền tự làm chủ cuộc sống riêng của chúng ta có nghĩa là những người khác chỉ được can thiệp bằng lời khuyên và thuyết phục về mặt đạo đức, chứ không được cưỡng ép. Trong xã hội tự do, lời khuyên như thế phải xuất phát từ cá nhân nhân hay tổ chức tư nhân, chứ không phải từ chính phủ, chính phủ chí ít cũng là lực lưỡng cưỡng chế tiềm tàng (và trong xã hội của chúng ta, nó thực sự là lực lượng cưỡng chế). Vai trò của chính phủ là bảo vệ quyền lợi của chúng ta, chứ không phải là gí mũi vào đời sống cá nhân của chúng ta. Thế mà, gần đây, trong những năm 1980, một số chính quyền bang đã cấm rượu trong các nhà hàng, và hiện có khoảng hai mươi bang cấm quan hệ đồng tính. Chính phủ liên bang hiện nay vẫn cấm sử dụng một số loại ma túy có thể cứu được mạng sống và giảm đau được bán ở châu Âu. Chính phủ dọa bỏ tù nếu chúng ta quyết định sử dụng các loại ma túy như cần sa hay cocaine. Ngay cả khi chính phủ không cấm một cái gì đó thì nó vẫn can thiệp vào sự lựa chọn của cá nhân chúng ta. Nó dọa chúng ta về hậu qủa của việc hút thuốc lá hay làm cho chúng ta bực mình về chế độ ăn uống thích hợp - tất cả các loại thực phẩm mà chúng ta ăn hằng ngày phải được đưa vào sơ đồ kim tự tháp – và khuyên chúng ta nên có đời sống tình dục an toàn và hạnh phúc. Những người theo phái tự do cá nhân không phản đối lời khuyên, nhưng chúng tôi không nghĩ rằng chính phủ phải ép chúng ta đóng thuế rồi sau đó sử dụng vào việc tư vấn cho người dân về cách sống.

Tự do hợp đồng

Quyền ký kết các hợp đồng là cực quan trọng đối với chủ nghĩa tự do cá nhân và với bản thân nền văn minh. Một học giả người Anh, Henry Sumner Maine, viết rằng lịch sử của nền văn minh là chuyển từ xã hội của địa vị sang xã hội của hợp đồng - nghĩa là, chuyển từ xã hội, trong đó mỗi người được đặt vào địa vị và được xác định bởi địa vị của mình ngay từ khi lọt lòng sang xã hội, trong đó các mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau được xác định bằng đồng thuận và thỏa thuận.

Chủ nghĩa tự do cá nhân không phải là tự do vô tổ chức hay hỗn loạn. Người dân trong xã hội theo chủ nghĩa tự do cá nhân có thể bị ràng buộc bởi nhiều quy định và hạn chế. Nhưng chỉ có một quy định chung nhất mà tất cả mọi người đều phải tuân thủ: Nghĩa vụ tối thiểu là tôn trọng quyền tự nhiên của tất cả những người khác. Trong xã hội tự do, hầu hết các quy tắc ràng buộc chúng ta là do chúng ta chấp nhận theo những hợp đồng mà chúng ta ký kết, nghĩa là theo lựa chọn của chúng ta. Ví dụ, chúng ta có thể nhận trách nhiệm khi ký hợp đồng thuê nhà. Trong trường hợp đó, chủ nhà nhận trách nhiệm cho người thuê nhà vào sống trong ngôi nhà, ví dụ là một năm và giữ ngôi nhà trong tình trạng như ghi trong hợp đồng. Người thuê chấp nhận nghĩa vụ trả tiền thuê hàng tháng và tránh gây ra những thiệt hại không cần thiết cho ngôi nhà. Hợp đồng có thể ghi rõ những nghĩa vụ khác mà cả hai bên đều phải tuân thủ - muốn chấm dứt hợp đồng thì phải thông báo cho phía bên kia trước ba mươi ngày, bảo đảm có lò sưởi và nước nóng (có thể dùng cho nước Mỹ hiện nay, nhưng không phải là nước Mỹ năm mươi năm trước hay nhiều nước khác trên thế giới trong giai đoạn hiện nay), không có những buổi tiệc tùng ồn ào..v.v.. Sau khi hợp đồng được ký, cả hai bên phải tuân thủ những điều kiện của nó. Có thể nói rằng, bằng việc ký hợp đồng này, hai đã kiếm được những quyền mới – không phải là những quyền tự nhiên, mà là những quyền đặc biệt. Hàng tháng, chủ nhà có quyền nhận tiền của người thuê nhà, còn người thuê thì có quyền được sống trong ngôi nhà theo những điều kiện đã thỏa thuận. Đây không phải là quyền được có thu nhập hay quyền có nhà ở nói chung, mà là một quyền đặc biệt, được tạo ra bằng thỏa thuận tự nguyện.

Tất nhiên, trong xã hội tự do, mọi thứ đều có thể trở thành đối tượng của hợp đồng : thế chấp, hôn nhân, việc làm, bán hàng, thỏa thuận hợp tác, bảo hiểm, thành viên câu lạc bộ hay hiệp hội..v.v.. Tại sao người ta ký hợp đồng? Chủ yếu để loại bỏ tình trạng không chắc chắn của cuộc sống và tạo điều kiện cho chúng ta theo đuổi những dự án cần có sự đảm bảo rằng những người khác sẽ tiếp tục hợp tác với chúng ta. Sáng nào bạn cũng có thể gọi điện cho người sử dụng lao động để hỏi xem ông có cần người không và trả bao nhiêu, nhưng cả hai người sẽ thích thỏa thuận lâu dài hơn (ngay cả khi phần lớn các hợp đồng lao động ở Mỹ cho phép một trong hai bên hủy bỏ thỏa thuận theo ý muốn). Bạn có thể trả tiền bà chủ nhà mỗi sang, vì bà ta đã cho bạn ở qua đêm, nhưng rõ ràng là cả hai người đều thích loại bỏ tình trạng không chắc chắn của cách làm đó đó. Còn đối với những người người không thể ký những thỏa thuận lâu dài thì có thể thỏa thuận ngắn hạn, ví dụ, khách sạn cho người du lịch với hợp đồng thường là một đêm.

Bản chất của hợp đồng là gì? Có phải chỉ là một lời hứa không? Không, hợp đồng là một vụ trao đổi quyền sở hữu. Muốn cho hợp đồng có giá trị thì hai bên đều phải có quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản mà họ đem ra trao đổi. Phải có quyền đó thì họ mới có thể đồng ý chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác để đổi lại quyền sở hữu đối với tài sản mà người kia sở hữu. Xin nhớ rằng, mỗi đối tượng có một loạt quyền tài sản gắn liền với nó, chủ sở hữu có thể chuyển toàn bộ quyền sở hữu hay chỉ chuyển một số quyền mà thôi. Khi bán một quả táo hay một ngôi nhà, bạn thường chuyển toàn bộ quyền sở hữu để đổi lấy một sự bù đắp nào đó - có thể bằng tiền - từ phía đối tác. Nhưng khi cho thuê một căn nhà, bạn chỉ chuyển giao quyền được sống trong căn nhà đó trong một thời hạn nhất định và theo những điều khoản nhất định. Khi cho vay tiền, bạn chuyển quyền sở hữu một khoản tiền nhất định trong hiện tại, để đổi lấy quyền sở hữu một khoản tiền nhất định trong tương lai. Vì có tiền ngay bao giờ cũng tốt hơn là sau này cho nên người vay thường đồng ý trả khoản tiền lớn hơn là khoản mà họ vay. Như vậy là “lãi” là sự khích lệ người cho vay bỏ tiền ra vào lúc này và sau một thời gian thì mới được nhận lại.

Không thực hiện hợp đồng là trộm cắp. Nếu Smith vay của Jones 1.000 USD và đồng ý sau một năm sẽ trả 1.100 USD nhưng lại không làm như vậy thì rõ ràng Smith là một tên ăn trộm rồi. Ông ta ăn cắp 1.100 USD của Jones. Nếu Jones bán cho Smith một chiếc xe với lời bảo đảm rằng xe có chiếc radio vẫn còn hoạt động, nhưng hóa ra không phải thì Jones là một tên ăn trộm: ông ta đã cầm tiền của Smith nhưng không giao cái mà ông ta đã ghi trong hợp đồng.

Không có hợp đồng thì nền kinh tế sẽ khó vươn lên cao hơn mức sống để không chết đói. Hợp đồng tạo điều kiện cho chúng ta thực hiện những kế hoạch dài hạn và kinh doanh trên khu vực rộng lớn và với những người mà chúng ta không biết mặt.

Muốn cho xã hội rộng mở hoạt động thì điều quan trọng là mọi người phải thực hiện những  nghĩa vụ mà họ đã nhận và hợp đồng được thực thi. Nếu mọi người đều không đáng tin thì không ai trong chúng ta muốn ký hợp đồng với những người mà chúng ta không biết và nền kinh tế thị trường sẽ không thể mở rộng và thịnh vượng được. Nếu những cá nhân cụ thể bội ước, không thực hiện hợp đồng thì người ta sẽ không muốn kinh doanh với họ và trong nền kinh tế thị trường, họ sẽ chẳng có mấy cơ hội. Nhưng khi người ta thực hiện các hợp đồng đã ký và đặc biệt là khi hầu hết mọi người đều làm như thế thì mạng lưới hợp đồng rộng lớn và phức tạp có thể tạo được một dây chuyền sản xuất kéo dài theo thời gian và trải rộng theo khoảng cách, tạo điều kiện cho chúng ta đạt được những thành tựu công nghệ tuyệt vời và điều kiện sống mà trước đây không thể nào tưởng tượng nổi.

(Còn nữa)

Chú thích:

(1) the heroic Underground Railroad - Con Đường Ngầm Anh Hùng là mạng lưới những con đường bí mật và nhà ở an toàn được những người nô lệ gốc Phi ở Mỹ sử dụng, hồi cuối thế kỉ XIX, để chạy tới những bang tự do và Canada với sự trợ giúp của những người đấu tranh đòi xóa bỏ chế độ nô lệ .

Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.

 

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường