[Chủ nghĩa tự do truyền thống] - Chủ nghĩa tự do và các chính đảng (Phần 5)

[Chủ nghĩa tự do truyền thống] - Chủ nghĩa tự do và các chính đảng (Phần 5)

Đây là phần trích đăng từ chương "LIBERALISM AND THE POLITICAL PARTIES" trong cuốn sách "Chủ nghĩa tự do truyền thống", tác phẩm kinh điển, có tính chất đặt nền móng cho chủ nghĩa tự do cá nhân của Ludwig von Mises, xuất bản lần đầu năm 1929. Nhan đề bài viết do TTTD Academy đặt.

- Thị trường Tự do Academy

5. Tương lai của chủ nghĩa tự do

Tất cả các nền văn minh trước đây đều bị diệt vong hay ít nhất cũng lâm vào tình trạng trì trệ trước khi đạt đến mức độ phát triển về mặt vật chất mà nền văn minh châu Âu đương đại đã đạt được. Các dân tộc bị những cuộc chiến tranh với kẻ thù bên ngoài cũng như những cuộc xung đột nội bộ làm cho tan nát.

Chế độ vô chính phủ đẩy lùi quá trình phân công lao động; các thành phố, nền thương mại và công nghiệp suy tàn; và cùng với sự tan rã của nền tảng kinh tế, sự tao nhã về mặt trí tuệ và đức hạnh phải nhường chỗ cho ngu dốt và bạo tàn. Người châu Âu hiện nay đã làm cho những mối liên kết xã hội giữa các cá nhân và các dân tộc trở nên mạnh mẽ chưa từng thấy trong suốt chiều dài lịch sử. Đấy chính là thành tựu của hệ tư tưởng của chủ nghĩa tự do, từ cuối thế kỉ XVII chủ nghĩa này tiếp tục gây được ảnh hưởng đối với trái tim và khối óc của nhiều người. Chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản đã đặt nền móng cho tất cả những điều kì diệu đặc trưng cho lối sống hiện nay của chúng ta.

Hiện nay nền văn minh của chúng ta đã bắt đầu phát ra mùi tử khí. Nhiều kẻ tay ngang tuyên bố ầm ĩ rằng tất cả các nền văn minh, trong đó có nền văn minh của chúng ta, đều phải sụp đổ: đấy là quy luật tất yếu. Giờ cáo chung của châu Âu đã điểm, những kẻ tiên tri của ngày phán xử cuối cùng cảnh báo như vậy, thế mà cũng có người tin. Tâm trạng chán nản bắt đầu xuất hiện khắp nơi.

Nhưng nền văn minh của chúng ta sẽ không thể chết được, đấy là nói nếu nó không tự hủy hoại chính mình. Không có kẻ thù bên ngoài nào có thể phá hoại được nó như người Tây Ban Nha đã từng phá hủy nền văn minh của người Aztec, vì trên trái đất này hiện không có kẻ nào có thể địch lại được với những người đại diện của nền văn minh đương đại. Chỉ có kẻ thù bên trong mới có thể đe dọa được nó. Nền văn minh hiện đại chỉ có thể bị hủy diệt nếu tư tưởng bài chủ nghĩa tự do, thù địch với sự hợp tác xã hội, hất cẳng được những tư tưởng của chủ nghĩa tự do.

Ngày càng có nhiều người nhận thức được rằng sự tiến bộ về mặt vật chất chỉ có thể trở thành hiện thực trong xã hội tư bản-tự do. Ngay cả nếu điều này không được những người bài chủ nghĩa tự do công nhận một cách trực tiếp thì họ lại công nhận nó một cách gián tiếp trong những bài tụng ca tán dương tư tưởng ổn định và trật tự. Họ cho rằng sự tiến bộ về mặt vật chất của những thế hệ gần đây dĩ nhiên là rất tốt và rất có ích. Nhưng đây là lúc phải ngừng lại. Nhịp sống hối hả và cuồng nhiệt của chủ nghĩa tư bản đương đại phải nhường chỗ cho sự suy tư thâm trầm. Người ta phải có thời gian suy ngẫm, và như vậy là một hệ thống kinh tế mới phải thay thế cho chủ nghĩa tư bản, vốn dĩ luôn điên cuồng theo đuổi những phát minh và tạo mới. Người mơ mộng hoài vọng về những điều kiện kinh tế của thời Trung cổ - không phải hoài vọng về cái thời Trung cổ như nó vốn là mà hoài vọng về hình ảnh anh ta tự nghĩ ra, dù chẳng có liên quan gì với hiện thực lịch sử. Hoặc là quay sang phương Đông - dĩ nhiên là cũng không phải phương Đông thực mà chỉ là phương Đông trong giấc mơ của anh ta. Con người thật là hạnh phúc khi không có công nghệ và nền văn hóa hiện đại như bây giờ! Tại sao chúng ta lại có thể dễ dang từ bỏ cái thiên đường đó như thế?

Những người kêu gọi quay về với những hình thức tổ chức kinh tế đơn giản cần nhớ rằng chỉ có hệ thống của chúng ta mới có điều kiện giữ được lối sống mà chúng ta cùng với rất nhiều người dân trên trái đất đã quen. Quay về với thời Trung cổ nghĩa là tiêu diệt hàng trăm triệu người. Đúng là những người muốn ổn định và trật tự có nói rằng không được đi quá xa đến thế. Giữ gìn những thứ đã có và không tiến thêm nữa là đủ.

Những người ca tụng trật tự và ổn định quên mất một điều rằng trong con người - đấy là nói con người như một thực thể biết tư duy - đã có sẵn ước mơ cải thiện điều kiện vật chất của chính mình. Đấy chính là động cơ hoạt động của con người, không thể xóa bỏ được. Nếu con người không được hoạt động vì lợi ích của xã hội, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của chính mình thì anh ta chỉ còn một con đường: áp bức và cướp đoạt một cách tàn bạo để làm cho mình giàu lên và làm cho người khác nghèo đi.

Đúng là tất cả những căng thẳng và tranh đấu nhằm nâng cao mức sống không làm cho con người hạnh phúc hơn. Nhưng bản chất con người là luôn phấn đấu nhằm cải thiện điều kiện vật chất của mình. Nếu nguyện vọng này không được thỏa mãn thì anh ta sẽ trở thành một kẻ ngu dốt và vũ phu. Quần chúng sẽ chẳng thèm nghe những lời kêu gọi phải sống khiêm nhường và an phận. Những triết gia răn dạy như thế là những người tự lừa mình chăng? Nếu ta bảo với người dân rằng ông cha họ khổ hơn rất nhiều thì họ sẽ trả lời rằng vì sao họ lại không thể sống tốt hơn.

Như vậy, dù xấu hay tốt, dù được người kiểm duyệt về mặt đức hạnh cho phép hay là không, thì con người đã, luôn và sẽ mãi phấn đấu nhằm cải thiện điều kiện sống của mình. Đấy là số phận của con người, không ai có thể thoát được. Sự năng động và bất an của con người hiện đại là do sự kích động của tâm trí, của hệ thần kinh và các giác quan. Khôi phục lại tình trạng trong trắng, ngây thơ của thời niên thiếu là việc làm bất khả, đưa người ta quay trở lại với tình trạng thụ động của thời quá khứ cũng là việc khó khăn không kém.

Nhưng từ bỏ sự tiến bộ về mặt vật chất thì người ra sẽ được gì? Hạnh phúc và an lạc, hòa bình và hòa hợp trong tâm hồn không thể hình thành một cách đơn giản chỉ vì người ta không còn phấn đấu nhằm đáp ứng một cách tốt hơn nhu cầu của mình. Những người có học tưởng rằng nghèo túng và diệt dục sẽ tạo điều kiện đặc biệt thuận lợi cho sự phát triển trí tuệ con người. Nhưng đấy là điều hoàn toàn nhảm nhí. Khi thảo luận những vấn đề như thế này ta phải tránh các sáo ngữ, và phải gọi đúng tên của sự vật. Tình trạng giàu có hiện nay được thể hiện trước hết ở sự sùng bái cơ thể con người: vệ sinh, sạch sẽ và thể thao. Hiện nay đấy vẫn còn là món xa xỉ phẩm của những người khá giả - không chỉ ở Mĩ, mà còn ở những nơi khác nữa - những nó sẽ trở thành thông dụng với tất cả mọi người trong một tương lai không xa nếu kinh tế vẫn phát triển với tốc độ như hiện nay. Quần chúng không được hưởng thụ những thành quả của nền văn minh vật chất, như những người khá giả hiện nay, thì đời sống nội tâm của con người có thể phát triển được không? Một người nhếch nhác có thể hạnh phúc được không?

Chỉ có thể trả lời những người tán tụng thời Trung cổ rằng chúng ta không biết người thời đó có cảm thấy hạnh phúc hơn người thời nay hay không. Còn những người quản bá lối sống của phương Đông thì chúng ta có thể hỏi rằng châu Á có đúng là thiên đường như họ nói hay không?

Tán dương một cách trơ trẽn nền kinh tế trì trệ, coi đấy là lí tưởng xã hội là luận cứ còn lại cuối cùng mà kẻ thù của chủ nghĩa tự do phải dựa vào nhằm biện hộ cho học thuyết của họ. Những phải luôn nhớ rằng xuất phát điểm của họ là lời kết án cho rằng chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản cản trở sự phát triển lực lượng sản xuất và phải chịu trách nhiệm trước sự nghèo đói của quần chúng. Kẻ thù của chủ nghĩa tự do nói rằng mục tiêu của họ là trật tự xã hội có khả năng tạo ra nhiều của cải hơn là chế độ mà họ đang công kích. Còn bây giờ, sau khi đã bị những cuộc phản kích của kinh tế học và xã hội học đẩy vào chân tường, họ buộc phải công nhận rằng chỉ có chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tự do, chỉ có sở hưu tư nhân và các nghiệp chủ được hoạt động mà không bị gây khó dễ, mới có thể đảm bảo được năng suất lao động cao nhất.

Người ta thường nói rằng các đảng chính trị hiện nay bị chia rẽ bởi những mâu thuẫn căn bản trong quan điểm triết học của họ. Lí lẽ không thể giải quyết được những vấn đề như thế. Thảo luận những mâu thuẫn có tính đối kháng như thế chắc chắn là công việc vô ích. Mỗi bên sẽ vẫn giữ quan điểm của mình vì đấy là thế giới quan mà lí lẽ không thể lay chuyển được. Mục tiêu phấn đấu của mỗi người mỗi khác. Không thể có chuyện là những người phấn đấu cho những mục tiêu khác nhau đó lại chấp nhận cùng một phương pháp hành động được.

Không có gì vô lí hơn là lời khẳng định như thế. Ngoại trừ một vài người kiên định với lối sống khổ hạnh, đấy là những người tìm cách từ bỏ tất cả những thứ phù phiếm của cuộc đời và cuối cùng đạt đến trạng thái chẳng còn mong ước và cũng không cần hành động, thực chất đấy chính là trạng thái tự phủ nhận chính mình, còn tất cả những người da trắng khác, dù có quan điểm khác nhau như thế nào về những vấn đề siêu nhiên, đều thích hệ thống xã hội có năng suất lao động cao hơn là hệ thống có năng suất lao động thấp. Ngay cả những người tin rằng việc cải thiện liên tục nhu cầu của con người không hẳn là điều hay và sẽ là tốt hơn nếu chúng ta sản xuất ít đi - mặc dù khó tin là có nhiều người nghĩ như thế - cũng không muốn là sẽ tạo ra hàng hóa ít hơn với cùng lượng lao động như cũ. Chắc chắn là họ muốn làm ít đi và kết quả là sản phẩm ít đi, chứ không phải là vẫn muốn làm như thế những sản phẩm lại ít đi.

Mâu thuẫn đối kháng về mặt chính trị hiện nay không phải là cuộc luận chiến về những vấn đề triết học cơ bản mà là những đáp án khác nhau đối với câu hỏi: làm sao đạt được mục đích - mà ai cũng công nhận là hợp lẽ - một cách nhanh nhất và ít tốn kém nhất? Mục đích mà mọi người đều hướng tới chính là đáp ứng các nhu cầu của con người một cách tốt nhất, đấy là thịnh vượng và giàu có. Dĩ nhiên đấy không phải là tất cả những điều mà người ta khao khát, nhưng đấy là tất cả những gì người ta có thể hi vọng giành được cùng với sự trợ giúp của những phương tiện bên ngoài và hợp tác xã hội. Còn sự thanh thản nội tâm - hạnh phúc, bình an, phấn khởi - thì mỗi người phải tự tìm lấy trong chính mình.

Chủ nghĩa tự do không phải là một tôn giáo, không phải là một thế giới quan, không phải là một đảng của những lợi ích đặc biệt. Chủ nghĩa tự do không phải là tôn giáo cho nên nó không đòi hỏi người ta phải tin hay sùng bái vì nó không có gì bí mật và cũng không có một tín điều nào. Chủ nghĩa tự do không phải là thế giới quan vì nó không tìm cách giải thích vũ trụ, nó cũng không giải thích và không tìm cách giải thích ý nghĩa và mục đích của đời sống con người. Chủ nghĩa tự do cũng không phải là đảng của những lợi ích đặc biệt vì nó không cung cấp và không tìm cách cung cấp bất kì lợi thế nào cho bất kì ai hay bất kì nhóm người nào. Hoàn toàn không phải như thế. Đấy là hệ tư tưởng, là học thuyết về quan hệ tương thuộc giữa những thành viên của xã hội, và đồng thời áp dụng học thuyết đó đối với cách hành xử của con người trong xã hội cụ thể. Nó không hứa hẹn những điều vượt quá khả năng của xã hội và bên ngoài xã hội. Chủ nghĩa tự do chỉ tìm cách cung cấp cho con người một thứ: gia tăng phúc lợi của mọi người một cách hòa bình và không bị rối loạn, và nhờ đó, giúp họ giảm được những khó nhọc và đau khổ đến từ bên ngoài. Nó sẽ làm được điều này chừng nào các thể chế xã hội còn có đủ sức để nuôi dưỡng nó. Tăng hạnh phúc và giảm khổ đau chính là mục đích của nó.

Không có giáo phái hay đảng chính trị nào có thể tin được rằng nó có thể thúc đẩy được sự nghiệp của mình khi từ bỏ các biện pháp thu hút giác quan của người dân. Ngôn từ hoa mĩ, nhạc điệu và giọng ca, khẩu hiệu và cờ hoa là những biểu tượng, còn những vị lãnh tụ thì tìm mọi cách làm cho các môn đồ gắn bó với bản thân mình. Chủ nghĩa tự do hoàn toàn không làm những việc như thế. Nó không có cờ đảng, không có đảng ca và không có thần tượng, không có biểu tượng và không có khẩu hiệu. Nó chỉ có thực chất và lí lẽ. Đấy là những điều sẽ dẫn nó đến thắng lợi.

Nguồn bản gốc: Liberalism - The Classical Tradition. Edited by Bettina Bien Greaves, Liberty Fund, Inc. 2005

Nguồn bản dịch: Mises, Ludwig von (2013[1927]). Chủ nghĩa tự do truyền thống. Phạm Nguyên Trường dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Liberalism (1927) Liberalismus (bản tiếng Đức)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường