Phỏng vấn Robert M. Solow (Phần 1/3)

Phỏng vấn Robert M. Solow (Phần 1/3)

Robert Solow hiện nay là Institute Professor Emeritus of Economics and Finance tại Masachusetts of Institute Technology. Ngoài những đóng góp có ảnh hưởng sâu xa về lí thuyết tăng trưởng, ông còn được biết đến nhiều nhờ việc phát triển và bảo vệ lí thuyết kinh tế tân keynesian. Năm 1987, ông được giải Nobel về kinh tế nhờ “những đóng góp cho lí thuyết tăng trưởng kinh tế”.

Chúng tôi phỏng vấn Giáo sư Solow tại Chicago, trong phòng khách sạn của ông, ngày 4 tháng giêng 1998, trong thời gian tham gia hội nghị hàng năm của Hội kinh tế Mĩ.

Thông tin căn bản

Kể từ lúc nào giáo sư quyết định học kinh tế?

Có cả một câu chuyện đó. Tôi vào Harvard College năm 1940 như một sinh viên 16 tuổi không có ý định học kinh tế; ngay cả kinh tế tôi cũng không biết là gì nữa. Vào thời điểm đó tôi nghĩ là mình có thể trở thành một nhà sinh học nhưng do tôi không giỏi môn này nên tôi bắt đầu học môn chính là khoa học xã hội tổng quát. Tôi học những môn như kinh tế học sơ đẳng, tâm lí học, xã hội học và nhân loại học. Lí do khiến tôi quan tâm đến khoa học xã hội chỉ là do hoàn cảnh thời bấy giờ. Nhớ lại đó là năm 1940, cuộc Suy thoái vừa mới chấm dứt và chiến tranh vừa mới bắt đầu. Sau hai năm, năm 1942, tôi rời Harvard College và vào quân đội, lúc bấy giờ đối với tôi là quan trọng hơn. Năm 1945 tôi trở về đi học và nói với người bạn gái để lại trước khi ra đi và là vợ của tôi từ đó đến nay, “môn học chính của em là kinh tế, môn này có lí thú không?”. Khi nàng nói có, tôi quyết định học thử kinh tế. Lúc bấy giờ tôi bị áp lực phải lựa học một môn gì đó vì tôi được giải ngũ vào tháng tám và trường nhập học vào tháng chín. Tôi vẫn là một sinh viên chưa tốt nghiệp. Dù sao đi nữa mọi việc diễn ra tốt đẹp. Như vậy lí do vì sao tôi học kinh tế vừa liên quan đến mối quan tâm chung của tôi về những gì đã xảy ra -vì sao xã hội không hoạt động tốt trong thập niên 1930 và 1940- và để tránh tuyệt vọng vì tôi phải làm một điều gì trong lúc cấp bách.

Lúc còn là sinh viên, trong số thầy của giáo sư ai là người khơi dậy nơi giáo sư mối quan tâm đến kinh tế học?

Chủ yếu là Wassily Leontief, người dạy tôi một giáo trình, ngay cả trước khi tôi vào quân đội. Vào thời đó, Harvard College có một hệ thống phụ đạo và mỗi sinh viên lấy kinh tế học làm môn học chính được một thầy phụ đạo do khoa chỉ định theo dõi. Chúng tôi gặp nhau mỗi tuần một lần và hiển nhiên đây là bắt chước hệ thống của Oxford và Cambridge. Wassily là thầy phụ đạo của tôi và tôi thật sự học kinh tế học với ông ấy; chắc chắn là chính ông đã truyền cho tôi cảm hứng quan tâm đến kinh tế học. Người thầy duy nhất khác lôi cuốn trí tưởng tượng của tôi là Dick Goodwin, người dạy tôi kinh tế sơ đẳng năm 1940-41. Chúng tôi rất tâm đầu ý hợp. Sau chiến tranh khi tôi trở về, tôi học thêm kinh tế học với ông ấy.

Những nhà kinh tế nào đã có ảnh hưởng lớn nhất đến việc định hướng những công trình của giáo sư?

Khi tôi hoàn tất Ph. D, Paul Samuelson và Jim Tobin -cả hai đều là những người bạn thân- là những người có phong cách làm kinh tế mà tôi ngưỡng mộ và vẫn còn ngưỡng mộ. Họ đại diện cho điều mà bây giờ tôi gọi là (lúc đó tôi không nhìn như thế) một phong cách mới làm kinh tế sau chiến tranh. Kinh tế học từ một kiểu chủ đề văn minh trở thành một bộ môn xây dựng mô hình, và tôi thích điều này. Paul Samuelson và Jim Tobin theo tôi là những điển hình cho cách tiếp cận mới. Một tên tuổi khác mà tôi muốn nêu, không phải do có quan hệ cá nhân, mà chỉ trên công trình của ông là Lloyd Metzler. Tôi đọc những công trình của Metzler sau khi đọc bài của Samuelson (1939) viết về số nhân-gia tốc1. Những bài của Metzler (1941, 1947)2 về chu kì tồn kho và bài “Của cải, tiết kiệm và lãi suất” (1951)3 là vô cùng tuyệt vời. Tôi không biết rõ Lloyd Metzler vì lúc bấy giờ ông đã dời về Chicago và sau đó bị một khối u trong óc. Sau này ông không còn thật sự là Lloyd Metzler nữa.

Câu hỏi tiếp đây chúng tôi đã hỏi James Tobin, Milton Friedman, Franco Modigliani và Robert Lucas. Năm 1987, giáo sư được trao giải Nobel vì những đóng góp cho phân tích tăng trưởng kinh tế. Bản thân giáo sư lúc bấy giờ cảm thấy thế nào và phản ứng ra sao trước giải thưởng đó?

Tôi có thể mô tả sự việc. Tiếng chuông kéo tôi ra khỏi giường vào lúc 6 giờ sáng để trả lời điện thoại. Suy nghĩ đầu tiên của chúng tôi hiển nhiên là có điều gì đã xảy cho một trong mấy đứa con trai. Tôi áng chừng là tôi biết rằng vào khoảng thời gian đó viện hàn lâm Thụy Điển đang chuẩn bị ra quyết định. Tất cả bạn bè của tôi trong nhiều năm nói với tôi rằng tôi có thể nhận được giải này, nhưng với những người bạn như thế bạn không cần kẻ thù (Cười). Nhưng thật tình là tôi không chú ý đến khả năng được giải này. Rồi tôi nghe một giọng Thụy Điển và từ từ hiểu ra nội dung cuộc điện. Ai đó hỏi tôi có muốn đi Stockholm nhận giải không và tất nhiên tôi trả lời là có thể cho phép mình giải quyết được. Khi đặt máy xuống tôi nói có lẽ đó là câu ngu xuẩn ngắn nhất tôi từng thốt ra trong đời mình. Tôi nói với vợ “thôi quay trở lại đi ngủ” (Cười). Nhưng không thể được nữa vì điện thoại bắt đầu liên tục kêu.

Có những ai gọi cho giáo sư?

Các phóng viên, các đồng nghiệp của tôi và bất kì ai biết được tin này, ngay cả vào lúc 6.30 sáng. Như vậy tôi rất bị kích thích, và ai lại chẳng thế. Tôi nghĩ đó là một điều vô cùng kì diệu. Quả là điều tốt đẹp khi nghĩ là năm 1987, hơn 30 năm sau những bài viết này, có ai đó nghĩ rằng công trình của tôi có giá trị xứng đáng nhận một giải thưởng như thế. Đương nhiên MIT thu xếp một cuộc họp báo và tôi phải vật lộn thay áo quần do điện thoại kêu liên tục. Một trong những đồng nghiệp của tôi, Dick Eckaus, cũng đến trước cửa nhà, nghĩ rằng tôi chưa biết tin. Tôi xoay xở để nói chuyện với các con qua điện thoại và John, đứa con trai của tôi cũng là một nhà kinh tế, khuyên tôi một điều không chỉ cực kì quý giúp tôi suốt thời gian này mà còn cho tôi cách giải quyết vấn đề. Trong lúc nói chuyện John nói với tôi “Bố cố gắng đừng tuyên bố điều gì ngu xuẩn về thị trường chứng khoán nhé!” (Cười). Do đó khi người ta hỏi tôi về thị trường chứng khoán tôi có thể trích dẫn lời khuyên của con. Tất cả thiên hạ đều muốn hỏi bạn về thị trường chứng khoán và cách duy nhất để không tuyên bố điều gì ngu xuẩn là đừng nói gì cả (Cười). Ở tuổi tôi buổi họp báo quả là một trò chơi.   

(Còn nữa)

Chú thích:

(1)“Interaction between the multiplier analysis and the principle of acceleration”, Review of Economics and Statistics, May.

(2) “The nature and stability of inventory cycles”, Review of Economics and Statistics, August 1941.“Factors governing the inventory cycles”, Review of Economics and Statistics, February 1947.

(3) “Wealth, saving and the rate of interest”, Journal of Political Economy, April.

Nguồn: Conversations with Leading Economists. Interpreting Modern Macroeconomics của Brian Snowdon và Howard R. Vane, nhà xuất bản Edward Elgard, Cheltenham, 1999, UK, trang 270-291

Dịch giả:
Nguyễn Đôn Phước