Lịch sử phân tích kinh tế (Phần 2)

Lịch sử phân tích kinh tế (Phần 2)

3. Tiến hoá của lí thuyết kinh tế

3.1 Adam Smith (1723-1790)

Những nghiên cứu về bản chất và nguyên nhân của của cải của các dân tộc (1776), tác phẩm nổi tiếng nhất của Smith, vẽ nên một bức họa lớn về nền kinh tế thị trường dựa trên một cơ chế điều chỉnh tự phát và hiệu quả: sự cạnh tranh. Trong tác phẩm này, ông bảo vệ mạnh mẽ luận đề của chủ nghĩa tự do kinh tế theo đó cách tốt nhất để gia tăng của cải một quốc gia là để cho những tác nhân kinh tế khác nhau theo đuổi quyền lợi cá nhân của họ, vai trò của chính phủ chỉ giới hạn ở việc thực thi luật pháp. Nhờ quyển sách này, Smith được xem là người sáng lập ra kinh tế chính trị học, dù cho trên điểm này còn những ý kiến không đồng tình. Chẳng hạn, Schumpeter trong một đoạn xuất sắc của Lịch sử phân tích kinh tế (1954) tuyên bố rằng Smith đã không đề xuất những ý tưởng mới nhưng thiên tài của ông là đã có những phát biểu tầm thường, đúng lúc, dễ hiểu và không làm phiền ai! Đóng góp của chúng tôi chỉ giới hạn ở hai điểm – mối liên hệ được Smith xác lập giữa triết lí chính trị với tư duy kinh tế và lí thuyết giá trị – và không phải là không có liên quan đến cuộc tranh luận mà lời bình của Schumpeter đã mở ra. Nhưng chúng tôi sẽ không cố gắng kết luận cuộc tranh luận!

Trước Smith rất lâu, triết lí chính trị đã nghiên cứu chủ nghĩa tự do và vấn đề mối liên hệ giữa đam mê của con người và trật tự xã hội – phải chăng có thể quan niệm được là những hành vi ganh đua và ích kỉ có thể dẫn đến một kết quả hài hòa và phúc lợi xã hợi? Một cuộc tranh luận như vậy có lẽ sẽ không bao giờ kết thúc. Tuy nhiên Smith đã đóng góp vào cuộc tranh luận này, đặc biệt là về sự đánh giá bản tính con người. Trong lúc Hobbes có một cái nhìn rất đen tối về bản tính này thì Smith, môn đồ của Locke, có một cái nhìn ôn hoà hơn, nếu không muốn nói là lạc quan. Thật vậy, ông nghĩ rằng con người tự dựng lên những rào cản cho chính những nỗi đam mê của mình. Do đó phải cần đến những biện pháp hà khắc như Hobbes chủ trương là không thích đáng. Những trực giác này đã có ngay trong quyển sách đầu của Smith, Lí thuyết về những tình cảm đạo đức (1769), một tựa sách bí ẩn đối với ngày hôm nay. Nội dung tác phẩm tra hỏi nguồn gốc những tình cảm đồng tình hay không đồng tình xã hội, và quá trình hình thành những đánh giá của tư tưởng con người về những cư xử cần có hay nên tránh. Mặc dù trên nguyên tắc đây là một tác phẩm triết học, nhưng có thể tìm thấy trong đó những ý chính của Của cải của các dân tộc, như ý về “bàn tay vô hình”. Những đoạn Smith dành cho những đam mê tiền bạc là đặc biệt lí thú. Theo ông, nếu tích lũy của cải là kết quả của những động cơ vốn là không đáng kể dưới mắt của nhà đạo đức thì cần khuyến khích loại hành vi này do nó tạo được những kết quả có lợi về mặt xã hội. Bởi thế Smith có một câu trả lời kinh tế cho những vấn đề triết lí chính trị. Thay vì nhấn mạnh đến ý một khế ước xã hội tạo lập ông cố gắng chứng minh việc hòa giải lợi ích cá nhân và phúc lợi xã hội được hoàn thành trong lĩnh vực kinh tế, bằng cạnh tranh. Đây là bước ngoặt thứ nhì được tác phẩm ông đánh dấu.

Tầm quan trọng của Smith trong lịch sử kinh tế thể hiện qua việc là tất cả những trào lưu lí thuyết hiện có đều có thể viện dẫn ông. Nếu đây là điểm vinh quang cho ông thì nó cũng có mặt trái tiêu cực là một tư tưởng như vậy, khuôn mẫu của những cách tiếp cận đối lập nhau, có nguy cơ lớn là không đồng nhất! Và thực sự đúng là như thế. Ta có thể thấy điều này qua một vấn đề trung tâm, lí thuyết giá trị của Smith được tóm tắt bằng ba điểm như sau:

1.   Giá trị trao đổi (hay giá tương đối) của một sản phẩm là hao phí thực tế của nó, khái niệm mà ta có thể hiểu trong nghĩa chi phí cơ hội (“toil and trouble” tránh được nhờ sở hữu sản phẩm). Tuy nhiên chi phí này là không thể đo trực tiếp được.

2.   Về việc xác định giá cân bằng (hay giá tự nhiên) của một hàng hoá, Smith đề nghị lí thuyết những thành tố. Giá tự nhiên của một hàng hoá phải trả đủ cho những nhân tố sản xuất (lao động, đất đai, tư bản) theo tỉ suất tự nhiên.

3.   Cần phân biệt giá tự nhiên với giá thị trường. Giá thứ nhất qui chiếu về dài hạn và giá thứ nhì về ngắn hạn. Giá thị trường khác với giá cân bằng tùy theo những mất cân bằng giữa cung và cầu. Nhưng trong dài hạn những chênh lệch này có xu hướng thu hẹp lại. Đó là sức hấp dẫn nổi tiếng.             

Tuy nhiên vấn đề trở nên phức tạp do Smith còn những nhận xét khác. Trước hết, ông đề xuất ý rằng nhìn chung lao động là nguồn gốc của mọi giá trị, điều này gợi ý là ông theo lí thuyết giá trị lao động kết tinh (travail incorporé/stored-up labour), cơ sở đối chọn  (và đặc biệt “cổ điển”) của một lí thuyết giá cả. Hơn nữa hao phí thực tế là không đo được nên Smith đề nghị dùng lương làm thước đo của giá trị. Đó là lí thuyết lao động hàm chứa (travail commandé/labour-embodied): giá trị của một sản phẩm được đo bằng số lượng lao động làm công mà nó có thể mua được. Người ta nhanh chóng nhận thấy nguy cơ nhập nhằng của lựa chọn này, dù cho lí lẽ của lựa chọn là gì đi nữa. Sai lầm cần tránh là quan niệm lí thuyết giá trị lao động hàm chứa như một lí thuyết giá trị, một đối chọn cho lí thuyết giá trị kết tinh. Quả vậy sự thật không phải là thế. Đối tượng của lí thuyết giá trị lao động hàm chứa không phải là giá trị hay việc xác định giá cân bằng mà là thước đo của sức mua. Do đó thước đo giá trị và việc ấn định giá trị là hai khái niệm nhất định phải tách bạch với nhau. Tiếc rằng trên điểm này chính Smith cũng không rõ ràng và để cho người ta hiểu là, trong “thời kì đầu và còn thô sơ”, giá cả do lượng lao động ấn định. Sau ông, điều này đã khiến Ricardo và Marx dung nạp ông khi đề nghị cách hiểu là lập luận của Smith, sau khi xuất phát từ những cơ sở tốt (chấp nhận giá trị lao động kết tinh), đã lầm lạc vào một lí thuyết những cấu phần (của giá cả). Theo chúng tôi cách hiểu này là thiên lệch và làm yếu đi quan điểm lí thuyết của Smith. Thật vậy quan niệm của ông về giá cả sẽ chặt chẽ hơn nếu được hiểu như một lí thuyết những cấu phần, ngay cả khi phân tích “thời kì đầu và còn thô sơ”.                

Song như vậy cũng không tránh được rằng tư tưởng của Smith về giá trị là lai tạp. Về tiêu chí trung tâm của việc ấn định giá trị, ông có một cách nhìn, không phải là cổ điển mà là tân cổ điển. Do đó ông là người báo trước lí thuyết hiện đại. Nhưng trên những khía cạnh khác (tách biệt giá trị sử dụng/giá trị trao đổi, phân biệt giá tự nhiên/giá thị trường) ông lại hoàn toàn là cổ điển. Cũng tương tự như thế đối với những tùy chọn phương pháp luận cơ bản khác. Bởi thế có thể nêu hai khẳng định có vẻ trái ngược nhau: ông là nhà sáng lập tư tưởng cổ điển và chính ông cũng không hoàn toàn là một tác gia cổ điển ...

3.2 David Ricardo (1772-1823)

Sự nghiệp trí thức của Ricardo là rất ngắn và chỉ diễn ra trong vòng mười ba năm. Sau khi bắt đầu quan tâm đến những vấn đề tiền tệ, ông tập trung vào những vấn đề tăng trưởng và phân phối. Cuộc tranh luận sôi nổi về thương mại ngũ cốc vào đầu năm 1813 trong nghị viện Anh đã khơi dậy mối quan tâm này. Ricardo có một quan điểm dấn thân và độc đáo, cố gắng chứng minh là những thuế đánh trên lúa mì nhập khẩu kéo theo những hiệu ứng dây chuyền: gia tăng của giá lúa, nhưng giá những sản phẩm khác vẫn giữ nguyên, khả năng sinh lời của tư bản và tăng trưởng giảm. Một luận điểm như vậy đối lập với cách nhìn của Smith được Malthus, người phản biện quen thuộc của Ricardo, bảo vệ. Thật vậy, trong khuôn khổ lí thuyết những cấu phần của giá cả, gia tăng của lương được lí giải bằng gia tăng của giá cả mà vẫn để nguyên lợi nhuận. Ngược lại, Ricardo cho rằng gia tăng của lương kéo theo sụt giảm của lợi nhuận mà vẫn không ảnh hưởng đến giá cả.

Cuộc bàn luận này khiến Ricardo phát triển trong Essay on Profits (1815) “mô hình ngũ cốc” nổi tiếng, mà logic sâu sắc được Sraffa làm rõ trong phần giới thiệu toàn tập Works and Correspondence of David Ricardo (1951-1973). Mô hình dựa trên hai nét chính. Thứ nhất là một lí thuyết địa tô chênh lệch, dựa trên những khác biệt về độ phì nhiêu của đất đai. Thứ nhì là tính đồng nhất của đầu vào và đầu ra của sản xuất, cả hai đầu đều là lúa. Từ mô hình này suy ra hai kết quả. Thứ nhất là chứng minh sự tồn tại của một quan hệ ngược chiều giữa lợi nhuận và lương. Lợi nhuận tùy thuộc vào lương và là cao hay thấp tùy theo là lợi nhuận thấp hay cao. Kết quả thứ hai, tổng quát hơn, liên quan đến triển vọng tăng trưởng của một nền kinh tế có dân số tăng và công nghệ không đổi, với độ phì nhiêu giảm dần của đất đai. Kết luận rút ra ở đây là bi quan, mô hình dẫn đến một suy giảm của tỉ suất lợi nhuận và tích lũy ngưng lại.     

 Nhưng những kết luận dứt khoát này phụ thuộc vào những giả thiết ban đầu, đặc biệt là vào tính đồng nhất của đầu vào và đầu ra như Malthus đã nhận xét. Do đó Ricardo buộc phải đề cập đến việc ấn định các giá tương đối, một vấn đề trước đó bị ông coi nhẹ. Kết quả của cố gắng này được trình bày trong các chương đầu của những Nguyên lí kinh tế chính trị học (1817). Trong tác phẩm này, lí thuyết giá trị lao động, theo đó những giá tương đối của hàng hoá tỉ lệ với lượng lao động, trực tiếp và gián tiếp, mà chúng kết tinh, có một vai trò trung tâm giống như vai trò của lúa mì trong những Essays. Mục tiêu vẫn là để chứng minh rằng những vấn đề xác định giá trị và phân chia sản phẩm độc lập với nhau, một hệ luận của trực giác ban đầu về quan hệ ngược giữa lương và lợi nhuận. Buồn thay cho Ricardo vì ông vẫn chưa hết phải nhọc nhằn. Luôn bị Malthus kích thích ông phải thừa nhận là lí thuyết giá trị của ông đến lượt nó gặp một số trở ngại. Như chính ông đã chỉ ra, trong một mô hình có hai ngành khi thời gian của quá trình sản xuất của hai ngành là khác nhau thì những giá tương đối không còn phụ thuộc độc nhất vào tỉ suất giữa những số lượng lao động kết tinh. Như thế xuất hiện một sự không tương thích giữa việc ấn định các giá tương đối chỉ bằng lao động kết tinh và sự cần thiết của những tỉ suất lợi nhuận bằng nhau trong cả hai ngành. Do đó tính độc lập mong chờ giữa giá trị và phân phối bị phá sản. Tuy nhiên Ricardo cũng không quyết định từ bỏ những trực giác của mình và thử tìm những hướng mới nhưng không thành công, như những di cảo của ông cho thấy.

Để làm nổi lên tầm quan trọng của Ricardo trong lịch sử phân tích kinh tế, cần phải tách ảnh hưởng phương pháp luận của ông ra khỏi ảnh hưởng của nội dung tư tưởng ông. Về điểm đầu ông đã để lại một dấu ấn căn bản. Như Blaug viết “nếu quan niệm kinh tế học trước hết như mộtcỗ máy phân tích”, một phương pháp tư duy hơn là một tổng thể những kết quả có thực chất thì Ricardo đã sáng tạo ra kĩ thuật của kinh tế học“ (1985). Về mặt nội dung, lí thuyết của Ricardo, được Marx và Sraffa sửa sai và làm thêm phong phú, tạo nên cơ sở của cách tiếp cận cổ điển. Nhưng lí thuyết này chỉ thống trị trong một thời gian ngắn. Tiếp đó, dù cho vẫn còn những qui chiếu dai dẳng về Ricardo, thật ra thực tiễn lí thuyết xa rời những quan điểm của ông. Đặc biệt là lí thuyết giá trị lao động bị bỏ rơi và thay thế bằng một lí thuyết những chi phí sản xuất, gần với Smith hơn là với Ricardo. Tuy nhiên tư tưởng cổ điển vẫn tiếp tục tồn tại như một hệ chuẩn của thiểu số. Sau thế chiến, lí thuyết cổ điển trỗi dậy một cách có ý nghĩa, trước hết nhờ công trình của Sraffa (1960) và gần đây hơn nhờ những công trình nhằm đổi mới động thái cổ điển (Abraham-Frois và Berrebi, 1976; Arena, 1987; Duménil và Lévy, 1987).         

3.3 Karl Marx (1818-1883)

Hai đánh giá cực đoan về sự nghiệp kinh tế của Marx cùng tồn tại. Theo cách thứ nhất, lí thuyết marxian đánh dấu một bước ngoặt tri thức triệt để trong lịch sử kinh tế và thực hiện một cuộc cách mạng khoa học, một đánh giá mà bản thân Marx chắc cũng đồng tình! Theo cách thứ hai, lí thuyết này là không có gì quan trọng và không đáng để được nhắc đến nếu không có vị trí lịch sử của tác giả. Cách nhìn cuối cùng này một thời gian dài là thống trị, vả lại đi cùng với một hiểu biết hời hợt về sự nghiệp này.

Không một đánh giá nào trong hai đánh giá trên là có cơ sở. Không thể gạt ngang Marx vào hàng “nhà kinh tế thứ yếu” vì không thể nghi ngờ được là ông đã làm cho cách tiếp cận cổ điển tiến triển mà vừa không thuộc vào “cộng đồng khoa học” cổ điển. Một bảng liệt kê không đầy đủ những đóng góp của ông phải bao gồm việc khái niệm hoá giá trị, mối tương quan giữa giá trị và giá cả (tuy nhiên đây là vấn đề mà Marx không giải quyết xong), những sơ đồ tái sản xuất, việc phát biểu lại qui luật xu hướng giảm dần của lợi nhuận trong bối cảnh công nghiệp. Nhưng, theo chúng tôi, điều cần nhấn mạnh là những đóng góp này đều nằm trong cách đặt vấn đề cổ điển. Đó là một sự vượt qua trong chính cùng một hướng nghiên cứu chứ không phải là một đoạn tuyệt lí thuyết. Nói cách khác, ngược lại với những gì Marx nói, ông đã không tạo ra một cách tiếp cận mới. Sự đoạn tuyệt, và quả thật có một việc như thế, nằm ở bình diện siêu lí thuyết. Như vậy trong lúc với Ricardo lí thuyết thặng dư có một hàm nghĩa tự nhiên chủ nghĩa, Marx đã kiến giải lí thuyết này bằng sự bóc lột. Hơn nữa, quả thật là Marx bao quát một lĩnh vực rộng hơn vì ông đã nghiên cứu một cách mạnh mẽ và hiệu quả chủ nghĩa tư bản hơn là những người đi trước. Những suy tư của ông về lịch sử các lí thuyết kinh tế, dù cho bị lệch bởi thường xuyên trộn lẫn những quan điểm lí thuyết và ý thức hệ, cũng làm ông khác hẳn những tác giả khác. Song những điểm này không thể xét lại luận đề rằng đứng về mặt lí thuyết, Marx là một nhà cổ điển.   

Tuy nhiên, tư tưởng của ông là không đồng nhất và song song với phương pháp cổ điển, Marx cũng đã phát triển những trực giác độc đáo làm ông trở nên người báo trước cách tiếp cận tiền tệ. Những trực giác này liên quan đến – một lần nữa, chúng tôi chỉ có thể liệt kê – bản chất và những đặc điểm của một nền kinh tế phi tập trung (bất trắc, khả năng khủng hoảng, sự cần thiết làm cho những quyết định tư nhân có hiệu lực), vai trò của tiền tệ, tính đặc thù của trao đổi làm công ăn lương, sự phân biệt lao động/sức lao động, khả năng (với khái niệm thặng dư tương đối) nội sinh hoá lương thực tế, sức ép của thất nghiệp trên cuộc thương thảo về tiền công. Những yếu tố phi chính thống này mang theo một cách nhìn triệt để mới và xác lập một mối liên hệ ngầm giữa Marx và Keynes. Nhưng, theo chúng tôi, chúng chỉ giữ một vị trí thứ yếu so với những yếu tố cổ điển. Một trong những trở ngại chính cho việc nẩy nở những yếu tố này là, như Joan Robinson đã nhấn mạnh năm 1942, do Marx (và những nhà marxist) đã chấp nhận lí thuyết giá trị lao động. Đối với bản thân Marx, việc từ bỏ lí thuyết này có lẽ là không thể hình dung được, vì ông nghĩ rằng đó là một bước bắt buộc cho ý đồ của ông nhằm chứng minh (trong nghĩa mạnh của từ này) sự bóc lột, hơn là đặt nó như một tiền đề, tất nhiên bảo vệ được, nhưng không được chứng minh. Một lối chứng minh như thế đòi hỏi là phải đặt mình trong một cách nhìn cân bằng đã thực hiện, dù chỉ để loại trừ những “lợi nhuận lưu thông”, gắn với những mất cân bằng của thị trường. Một kết quả nghịch lí của cách tiếp cận của Marx là quyết tâm chứng minh sự bóc lột, cuối cùng đã khiến ông đề nghị một cách biểu trưng hoàn toàn tất định của nền kinh tế thị trường, trong đó những yếu tố đấu tranh giai cấp chỉ còn một vai trò tối thiểu.      

3.4 Cuộc cách mạng cận biên

Cuộc cách mạng cận biên thường được trình bày như một khám phá đồng thời và độc lập của những nhà nghiên cứu khác nhau về những ý tưởng lí thuyết giống nhau, lí thuyết chủ quan về giá trị và phân tích cận biên. Tất nhiên đằng sau hình ảnh sáo mòn này, sự thật là phức tạp hơn. Có ba câu hỏi được đặt ra. Thật sự có chăng một tính độc nhất lí thuyết giữa ba trào lưu xuất phát từ những công trình đi đầu, các trường phái marshallian, walrasian và Áo? Thật chăng là có một cuộc cách mạng, nghĩa là một sự đảo ngược triệt để, tập trung trong thời gian, và hơn nữa phải chăng rằng những người chủ chốt đã ý thức được cuộc cách mạng ấy? Cuối cùng đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?

(Còn nữa)

Nguồn: “Histoire de l’analyse économiques” của Michel De Vroey trong Encyclopédie économique (Bách khoa kinh tế), nhà xuất bản Economica, Paris, 1990, trang 55-92

Nguồn dịch: Phantichkinhte123:Lịch sử phân tích kinh tế

Dịch giả:
Nguyễn Đôn Phước