Phỏng vấn Robert Barro (Phần 2/2)

Phỏng vấn Robert Barro (Phần 2/2)

Giáo sư nghĩ gì về toan tính của những nhà keynesian mới nhằm sửa chữa việc kinh tế học keynesian thiếu những cơ sở kinh tế vi mô?

Thật tình tôi nghĩ là trên điểm này họ đã có một bước tiến quan trọng. Một kết quả lí thú liên quan đến công trình về những chi phí thay đổi thực đơn của Akerlof và Mankiw. Nhưng một trong những phê phán là dường như chi phí trực tiếp của thay đổi giá là không mấy quan trọng khiến cho khó hiểu được là tại sao lại phát triển một lí thuyết như thế. Kết luận là chi phí riêng lẻ thay thế giá là yếu, nhưng những hệ quả kinh tế vĩ mô có thể là quan trọng. Nhưng điều này không thực sự đúng. Thật vậy, nếu bạn không còn ở thế toàn dụng lao động thì những chi phí tư nhân không còn là không đáng kể. Một vấn đề song song cũng được đặt ra trong những mô hình của các nhà cổ điển mới, liên quan đến tầm quan trọng của tiền tệ. Tất cả dựa trên những thiếu sót thông tin, như việc không biết khối lượng tiền tệ. Thế mà, trong những nước như Hoa Kì, loại thông tin này được phổ biến rộng rãi. Tương tự như thế, chi phí thay đổi giá cả trong lí thuyết keynesian mới hình như không phải là một lối giải thích quan trọng lắm. Tôi nghĩ là cả hai phê phán đều có giá trị và cả hai lí thuyết đều bỏ qua một điều gì rất quan trọng. Còn có những trào lưu phân tích keynesian khác, như lí thuyết về lương hiệu quả, nhưng tôi nghĩ là không thể rút tỉa được gì nhiều lắm từ đấy đó hoàn toàn không phải là một lí thuyết tiền tệ và không liên quan đến vấn đề tầm quan trọng của tiền tệ trong những chu kì kinh tế.

Blanchard và Fischer trong Lectures on Macroeconomics [1989]8 gợi ý rằng bề ngoài hình như kinh tế học vĩ mô là một bộ môn được chia thành nhiều trường phái khác nhau, nhưng có điều đó chỉ là do những xảo thuật về giao tiếp công cộng và sự khuyến khích mạnh mẽ trong giới đại học để làm cho các sản phẩm khác biệt nhau. Giáo sư có đồng tình với nhận định này không?

Tôi chấp nhận là người ta thích khác biệt hoá sản phẩm của họ để làm cho thiên hạ tin rằng những gì họ làm là quan trọng và duy nhất, nhưng điều này không ngăn cản là các ý kiến thường rất khác nhau. Có những khác biệt thật sự giữa các trường phái này, đặc biệt về những khuyến nghị chính sách kinh tế. Một số chủ trương chủ nghĩa tích cực dưới nhiều dạng khác nhau, tiền tệ hay tài chính, hay ngay cả việc can thiệp trực tiếp. Ý kiến cũng khác nhau về cách đúng đắn để xem xét nền kinh tế hay về điều gì là một đề tài nghiên cứu lí thú.

Đâu là vai trò của chính sách tài khoá?

Tôi nghĩ là quan niệm ricardian đã gặt hái thành công lớn [Cười]. Tôi đã từ bỏ rất nhiều những ý nghĩ lúc trước, trừ ý này. Tôi nghĩ về cơ bản đó là một ý đúng. Mặc dù một sự chú ý lớn được dành cho những thâm hụt ngân sách và nợ công cộng, những chứng cớ thực nghiệm cho thấy là chúng không có một vai trò quan trọng trong việc giải thích những lãi suất, cán cân hiện hành và tiến hoá của đầu tư.

Giáo sư có nghĩ rằng những thâm hụt ngân sách tài chính quan trọng là một điều xấu cho nước Mĩ không?

Tôi nghĩ vấn đề của thập niên vừa qua là tỉ trọng của Nhà nước. Reagan muốn một nhà nước liên bang nhỏ, và để đạt mục tiêu đó, ông ta muốn giảm thuế và tính sử dụng việc này như một đòn bẫy để giảm chi tiêu. Tôi nghĩ là ông ta có lí. Xung đột thực tế xảy ra giữa những ai muốn tăng thuế và có một Nhà nước quan trọng hơn và những ai muốn giảm thuế nhằm giảm chi tiêu công cộng. Đó là thực chất của cuộc tranh luận chứ không phải đâu là tầm quan trọng của thâm hụt.

Phải chăng đó là một lập luận chính trị hơn là một lập luận kinh tế?

Có lẽ là người ta có thể áp dụng những công cụ kinh tế để xác định là chi tiêu công cộng là có ích hay không, nhưng tôi thừa nhận rằng một phần lập luận là một lập luận chính trị. Bush trong thực tế đã từ bỏ chương trình này bằng cách tăng thuế, và như thế là chấp nhận có một Nhà nước quan trọng hơn. Và bây giờ Clinton háo hức tiếp tục ý có một Nhà nước quan trọng hơn. Khi ông ta nói là phải có can đảm và tăng giá vì ông ta quan tâm đến nợ và thâm hụt, phải hiểu là ông ta thích có một chính phủ giàu hơn vì có thể nghĩ rằng đó là điều hữu ích.

Theo giáo sư đâu là những sự kiện cách điệu hoá quan trọng nhất của chu kì kinh tế mà mọi lí thuyết kinh tế vĩ mô tốt đều phải giải thích?

Đầu tư là một thành phần mấu chốt trong chu kì kinh tế. Chuyển động chủ yếu của sản xuất trong chu kì kinh tế liên quan đến thành phần mà ta gọi là đầu tư, hay nói chung hơn, những sản phẩm lâu bền nếu tôi kể cả những sản phẩm tiêu dùng lâu bền và những tồn kho. Vì bạn quan sát là tiêu dùng của những sản phẩm không lâu bền và dịch vụ ít tiến hoá hơn. Đây là những sự kiện cần phải giải thích. Năng suất và lương thực tế là thuận chu kì hơn trong lúc nhiều lí thuyết dẫn đến những kết luận ngược lại. Trong rất nhiều nước, mức giá của thời kì hậu chiến thật ra là ngược chu kì, trong khi nhìn chung người ta nghĩ một cách sai lầm rằng nó là thuận chu kì và cố gắng giải thích vì sao. Do đó, trong một số trường hợp, có một sự hiểu lầm ngay về bản chất của những sự kiện.

Một số những phê phán các nhà cổ điển mới liên quan đến việc thiếu những chứng cứ về sự tồn tại của những hiệu ứng liên thời gian của lao động, vốn rất quan trọng. Giáo sư nghĩ gì về kiểu phê phán này?

Khó có thể có những chứng cứ trực tiếp về điểm này, cũng như khó mà biết được tính nhạy cảm của đầu tư với chi phí của đồng tiền đó thuộc về cùng một loại vấn đề. Đầu tư cũng rất biến động trong suốt chu kì, cũng như lao động vậy. Nếu bạn theo một quan điểm cân bằng đối với việc làm thì bạn phải giải thích điều gì khiến việc làm biến động như thế. Nhưng những chứng cứ trực tiếp của việc thay thế liên thời gian của lao động là khó mà tách bạch. Điều này cũng đúng đối với tiêu dùng. Khó mà nắm bắt những hiệu ứng liên thời gian, dù cho các tác nhân có xu hướng chấp nhận những biến động này. Thật ra, việc xác định một cách thực nghiệm những hàm cung và hàm cầu là một điều khó và đặt ra vấn đề đồng nhất hoá.

Giáo sư có nghĩ là còn luôn phải nói đếnchu kì kinh tếsau khi có những đóng góp của các nhà lí thuyết về chu kì kinh doanh thực tế không?

Những mô hình kinh tế thực tế tương thích với những chuyển động tạm thời của sản xuất và việc làm. Hiên nay có thể có một lí thuyết chỉ bị chi phối duy nhất bởi những nhiễu loạn công nghệ, trong đó sản xuất dường như di động ngẫu nhiên so với xu thế tiến hoá của nó. Do đó chỉ có những chuyển động thường xuyên. Nhưng kiểu lí thuyết này không phải là không tránh được việc sản xuất những loại kết quả như thế.

Trong thập niên 1980, mặc dù có tất cả những phê phán của các nhà cổ điển mới, kinh tế học keynesian hình như đã được quan tâm trở lại. Giáo sư có nhận thấy những phát triển mới đây là như thế không?

Có lẽ điều này đúng về mặt sự kiện. Công trình của các nhà tân cổ điển có tính đổi mới và kích thích vào giữa thập niên 1970 và mọi người đều muốn học nó để dạy lại cho sinh viên. Và không thể tránh được rằng tiếp sau đó là một thời kì ít có tiến bộ hơn, mặc dù có những công trình về chu kì kinh doanh thực tế và việc đổi mới những lí thuyết tăng trưởng. Tôi nghĩ là có một xu hướng nhất định muốn rời xa những gì không còn là mới, là thời trang nữa. Tôi không tin rằng sự trở về của những nhà keynesian là do có những chứng cứ thực nghiệm mới hay những chỉ báo là lí thuyết vận hành tốt hơn. Tổng thống Clinton và chính quyền của ông có lẽ là có thiện cảm hơn đối với những lí thuyết can thiệp. Chúng ta sẽ tiêu 15 tỉ đô la rồi mọi việc sẽ tốt! [Cười]

Tại sao những lí thuyết về chu kì kinh doanh thực tế có vẻ xem thất nghiệp là một vấn đề thứ yếu?

Để giải thích thất nghiệp ở thế cân bằng, cần phải đưa vào những khái niệm tìm việc làm và thông tin, hay chi phí dịch chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác; như ý về dịch chuyển khu vực được David Lilien [1982]9 phát triển. Tôi nghĩ công trình là thú vị, nhưng tôi chưa bao giờ biết chắc chắn cách xử lí tốt nhất thất nghiệp ở thế cân bằng.

Giáo sư nghĩ sao về Keynes, nhà kinh tế? Giáo sư có nghĩ rằng ông ấy xứng đáng được giải Nobel kinh tế không?

Tất nhiên rồi. Keynes là một nhà kinh tế xuất sắc. Ông ấy đã đề nghị một lí thuyết khéo léo trong một bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Dù cho cuối cùng tôi nghĩ rằng lí thuyết của ông là không tốt thì điều này chứng minh được gì? Có rất nhiều lí thuyết không đúng. Trước đó, ông cũng có một công trình rất lí thú về tiền tệ, không liên quan gì đến điều ngày nay ta gọi là học thuyết Keynes ví dụ quyển Tract on Monetary Reform.

Kinh văn về chu kì chính trị-kinh tế và tính tiền hậu bất nhất trong thời gian có biện hộ cho những quy tắc tiền tệ và tài chính không hay chúng ta phải tin tưởng các nhà chính trị và để họ tùy nghi sử dụng những công cụ chính sách kinh tế?

Tôi nghĩ đây là một hướng nghiên cứu nhiều hứa hẹn. Một đồng nghiệp của tôi, Alberto Alesina, đã có một trong những công trình tốt nhất trên lĩnh vực này. Ông ấy tìm ra vài kết quả thú vị về sự tương tác giữa những biến cố chính trị, những chính sách kinh tế vĩ mô và những biến động kinh tế. Từ kinh văn về tính tiền hậu bất nhất trong thời gian nổi lên đôi điều có ích cho cách nên khuôn chính sách kinh tế. Kinh văn này chứng minh tính hữu ích của một chính sách tiền tệ chỉ dành duy nhất để duy trì sự ổn định của giá cả. Cùng một cách nhìn dưới góc độ hiến pháp được áp dụng cho chính sách tài khoá. Ý cho rằng các chính phủ được khuyến khích để nuốt lời hứa của họ hay sau đó theo đuổi một chính sách không được chờ đợi là rất phổ biến. Ví dụ, Clinton muốn nhắm vào những công ti bào chế thuốc vì giá thuốc quá cao, nhưng giá cao là để tài trợ cho nghiên cứu cho phép tìm ra những sản phẩm mới. Đó cũng chính là điều đối với chính sách tiền tệ hay những khoản nợ khi Nhà nước định làm giảm nợ bằng lạm phát. Tất cả những vấn đề này là giống nhau. Một ví dụ khác: đã có một cơn bão đổ bộ vào Miami và chính phủ đã giúp dân ở đấy vượt qua thiên tai. Làm như thế chính phủ khuyến khích dân sống không đúng chỗ, nơi mà họ bị nhiều nguy hiểm!

Giáo sư có nghĩ rằng có một ngân hàng trung ương độc lập là một điều thiết yếu cho tính ổn định của giá cả?

Tính độc lập là một vấn đề mức độ. Một số tác giả đã xem xét vấn đề một cách thực nghiệm và dường như là có nhiều độc lập hơn cho phép giảm lạm phát mà không làm hại đến tăng trưởng. Alain Cukierman và một số đồng nghiệp của ông đã viết một cuốn sách trong đó họ nghiên cứu nhiều nước đang phát triển khác nhau. Họ đã nhận xét là những nước có một ngân hàng trung ương độc lập không chỉ có ít lạm phát mà còn có tăng trưởng mạnh. Sẽ là quá đáng để cho rằng đây là một điều thiết yếu vì không thể chối cãi là có rất nhiều cách để có được sự ổn định giá cả.

Giáo sư có nghĩ rằng những chính sách tiền tệ và tài khoá tùy nghi không tránh khỏi sinh ra lạm phát không?

Rõ ràng là ta đang đi trên chiều hướng này. Tuy nhiên các chính phủ không phải là hoàn toàn không cưỡng lại được sự quyến rũ này. Không phải lúc nào họ cũng sa ngã vì những lí do mà tôi không hoàn toàn hiểu hết.

Kinh tế học vĩ mô của những nhà cổ điển mới có làm đảo lộn kinh tế học vĩ mô không?

Vâng, tôi nghĩ là điều này đã thay đổi cách mà những người sử dụng khuôn khổ phân tích này nhìn những yếu tố kinh tế vĩ mô quyết định các chính sách. Thứ nhất, đó là một cách tích cực để giải thích điều gì xảy ra khi nền kinh tế chịu phải một nhiễu loạn. Thứ hai, đó là một cách đánh giá hoàn toàn khác những chính sách kinh tế. Hiện có một xu hướng xem xét những vấn đề này dưới góc độ hiến pháp.

Kinh tế học vĩ mô của các nhà cổ điển mới có vững chắc hơn học thuyết trọng tiền không?

Tôi không biết là kinh tế học vĩ mô này có trở thành khung phân tích thống trị để mọi người qui phục không, nhưng điều rõ ràng là nó có những khía cạnh thường xuyên liên quan đến cách tư duy kinh tế vĩ mô, như các dự kiến duy lí. Quan niệm ridardian về nợ công cộng là quan trọng. Dù cho thiên hạ nghĩ rằng đó không phải là một quan niệm đúng thì họ vẫn buộc phải biết đến nó. Tương tác giữa cung và cầu trong một khuôn khổ cân bằng vĩ mô là trung tâm và thường dẫn đến những khái niệm về các lực của thị trường và sự điều chỉnh của thị trường.

Giáo sư có chia sẻ quan điểm của Stanley Fischer cho rằng những quan điểm của Milton Friedman, Karl Brunner và Alan Meltzer là gần với quan điểm của các nhà keynesian hơn là với trường phái chu kì kinh doanh thực tế không?

Vâng, có lẽ đúng như thế [Cười]. Tôi thích Milton hơn khi ông ấy làm về lí thuyết giá cả ứng dụng và nối nó với những vấn đề xã hội, hơn nữa Monetary History là một tác phẩm lớn.

Giáo sư có nghĩ rằng 20 năm nghiên cứu vừa qua về kinh tế học vĩ mô gợi ý là các nhà kinh tế nên theo một cách tiếp cận chiết trung trong việc xây dựng mô hình của họ không?

Tôi không rõ là cách tiếp cận chiết trung đó sẽ như thế nào, cũng không biết làm cách nào để theo cách tiếp cận đó. Bằng cách nào bạn có thể trộn chung những khía cạnh tốt nhất của những mô hình kinh tế vĩ mô khác nhau? Kinh văn về chu kì kinh doanh thực tế đã có công nối liền lí thuyết với những đều đặn thực nghiệm một cách có tổ chức. Nó coi những tiến hoá thực nghiệm như một kiểm định của lí thuyết. Các nhà keynesian không theo cách tiếp cận này, ít ra là chưa theo. Họ không quan tâm đến việc buộc lí thuyết phải qua những cuộc kiểm định thực nghiệm. Mô hình IS-LM kéo theo điều gì liên quan đến tiến hoá chu kì của đầu tư, năng suất, lương thực tế và những lãi suất và bằng cách nào những tiến hoá này có theo sát những dữ kiện không? Thường thì các nhà keynesian không theo cách tiếp cận này.

Giáo sư có thấy dấu hiệu của sự đồng thuận trong kinh tế học vĩ mô không, và nếu có, sẽ là dưới dạng nào?

Thật ra tôi không thấy dấu hiệu nào cả. Olivier Blanchard muốn rằng tôi nói có. Ông ta cho rằng không có đồng thuận là một điều không hay. Nhưng theo tôi thì không có đồng thuận.

Nếu giáo sư phải cố vấn cho tổng thống Clinton, đâu là ý kiến của giáo sư về chính sách kinh tế vĩ mô cho thập niên 1990?

Ý nghĩ cho rằng tôi có thể cố vấn cho tổng thống Clinton quả là buồn cười. Nhưng dù sao đi nữa thì ổn định giá cả là điều ưu tiên. Thiên hạ đã trở nên quá lạc quan và coi như làm giảm lạm phát là điều đã đạt được. Tôi cho rằng điều này còn quá mong manh. May thay ta có thể tin tưởng Alan Greenspan, và cũng may cho tổng thống Clinton rằng ông này ở Quĩ dự trữ liên bang. Bạn không thể có những thâm hụt ngân sách thường xuyên và một tỉ số nợ/GDP luôn tăng. Tới một lúc nào đó, thì thuế phải tài trợ cho chi tiêu, song đó không phải là một thảm kịch. Tôi rất muốn là người ta giảm bớt những chương trình chi tiêu thường là vô ích và làm nhiễu loạn nền kinh tế. Reagan đi đúng hướng nhưng lại đi không được xa, Trên bình diện kinh tế vĩ mô, tôi thích là người ta có một cái nhìn dài hạn. Điều thật sự quan trọng là tỉ suất tăng trưởng và bành trướng của năng suất trong dài hạn và chính phủ phải được thúc đẩy để hành động trong chiều hướng này. Ngoài việc ổn định giá cả, cũng còn phải đối xử thuận lợi hơn cho những thu nhập của vốn. Theo tôi dường như một số đầu tư cho cơ sở hạ tầng là có ích, song không phải là những chương trình xã hội to lớn mà Clinton nghĩ đến.

(Hết)

Chú thích:

(8) Lectures on Macroeconomics, Cambridge, MIT, Press.

(9) “Sectoral Shifts and Cyclical Unemployment”, Journal of Political Economy, August 1982.

 

Nguồn: A Modern Guide to Macroeconomics. An Introduction to Competing Schools of Thought của Brian Snowdon, Howard Vane và Peter Wynarczyk, Edward Elgar Publishing Limited, Hants, UK.

 

 

Dịch giả:
Nguyễn Đôn Phước