Phỏng vấn Robert M. Solow (Phần 2/3)

Phỏng vấn Robert M. Solow (Phần 2/3)

Tăng trưởng kinh tế

Trong những năm gần đây, toàn bộ vấn đề tăng trưởng kinh tế trải qua một sự tái sinh và nhiều nhà kinh tế lỗi lạc như Robert Barro và Sala-i-Martin (1995)1 đánh giá đó là phần kinh tế vĩ mô thật sự quan trọng. Dường như những giải thưởng Nobel đã bỏ quên lĩnh vực này, vậy giáo sư có dự kiến là sự sao lãng tương đối này sẽ được điều chỉnh trong tương lai vì tầm quan trọng của tăng trưởng cho phúc lợi của nhân loại không?

Tôi không mô tả điều này như một sao lãng tương đối. Tôi nghĩ điều có vẻ như là một sự sao lãng thật ra là một điều hoàn toàn khác. Giải Nobel về kinh tế bắt đầu có từ năm 1969, và khác với vật lí học hay hoá học, vốn đã có giải này từ lâu, tất nhiên có một số lớn những nhân vật rõ ràng là có tầm cỡ, nếu bạn đặt ra một giải như thế. Do đó điều tự nhiên là bắt đầu tuần tự trao giải cho họ. Có những ngoại lệ. Một số người không theo đúng trình tự này ví dụ Ken Arrow (rất xứng đáng) được giải sớm nhưng cùng với John Hicks lúc bấy giờ đã lớn tuổi rồi. Năm 1987 khi tôi được giải chưa có người nào được giải trước tôi lại sinh sau tôi cả, do đó vấn đề chỉ là một cách trải thảm cho những người lớn tuổi. Quan điểm của tôi là nếu lí thuyết tăng trưởng, phân tích thực nghiệm về tăng trưởng, và những ý tưởng liên quan đến chúng vẫn tiếp tục được nhiều người ưa chuộng thì chủ đề này còn thu hút những người giỏi nhất trong ngành. Vâng, chắc chắn là sẽ còn nhiều giải hơn cho lĩnh vực này. Nhân đây tôi không biết bạn xếp Arthur Lewis và Ted Schultz[*] vào đâu, cả hai nhà kinh tế này đều quan tâm đến phát triển kinh tế -Ted Schultz theo một cách khác- nhưng Arthur Lewis có đóng góp một bài viết quan trọng năm 1954 về “Phát triển kinh tế với cung lao động không giới hạn”2. Do đó tôi không nói là có một sự sao lãng, tôi sẽ nói rằng thời điểm trao giải là theo một trình tự tự nhiên. Có khả năng là sẽ có nhiều ngạc nhiên, theo một tốc độ lớn hơn trong quá khứ, vì nay chúng ta đã tới những nhà kinh tế đương đại, những nhà kinh tế bắt đầu nghiên cứu khá gần đây thôi. Kể từ năm 1987 đã có một sự bùng nổ thật sự của những công trình về tăng trưởng và trong tương lai sẽ có nhiều giải hơn trong lĩnh vực này.

Hai bài viết năm 19563 và 1957 4 của giáo sư rõ ràng là có một ảnh hưởng sâu sắc đến hướng nghiên cứu trong lĩnh vực tăng trưởng kinh tế. Giáo sư có thể cho biết những tác động nào đã đưa giáo sư vào nghiên cứu lĩnh vực này và điều gì đã sinh ra hai bài viết trên.

Tôi còn nhớ điều gì khiến tôi tiến hành cuộc nghiên cứu này. Tôi bắt đầu quan tâm đến tăng trưởng vì ba lí do chính. Thứ nhất vào đầu thập niên 1950 mọi người đều quan tâm đến sự phát triển kinh tế vì lí do hiển nhiên là phần lớn dân số thế giới đều sống trong những nền kinh tế nghèo. Tôi quan tâm một cách bị động đến phát triển kinh tế, nhưng chưa bao giờ tích cực quan tâm -trong nghĩa nghiên cứu- những gì xảy ra trong các nước chậm phát triển. Nhưng tôi có suy nghĩ về những vấn đề phát triển và có đọc Arthur Lewis. Tôi biết là tôi sẽ không nghiên cứu những vấn đề phát triển, nhưng tôi quan tâm chung đến lĩnh vực phát triển kinh tế. Rồi Paul Samuelson và tôi bắt đầu nghĩ về điều sau này trở thành Dorfman, Samuelson và Solow (1958), quyển sách về qui hoạch tuyến tính5. Đó là yếu tố thứ hai. Trong quá trình nghiên cứu này, chúng tôi suy nghĩ về mô hình Von Neumann6 và mô hình Ramsey7. Như thế từ mục tiêu tối ưu hoá và qui hoạch tuyến tính và ý tưởng sử dụng lí thuyết qui hoạch để xử lí tối ưu hoá liên thời gian, tôi cũng quan tâm đến tăng trưởng. Ảnh hưởng thứ ba là do tôi đọc công trình của Harrod8 và Domar; nhưng tôi đoán là phản ứng của tôi đối với những ý tưởng của họ là hơi khác với một số nhà kinh tế khác. Tôi nghi ngờ mô hình Harrod-Domar vì nhiều lí do mà tôi đã có dịp giải thích. Tôi chợt nảy ra ý là nếu thế giới vận động theo cách gợi ý của mô hình của họ thì lịch sử của chủ nghĩa tư bản sẽ là thất thường hơn diễn tiến đã qua của nó. Nếu mô hình Harrod-Domar là một mô hình vĩ mô tốt của dài hạn thì, theo tôi, không thể giải thích bằng cách nào đã có những dao động kinh tế, bằng cách nào có thể vạch một xu hướng và xem xét những dao động chung quanh xu hướng này, và bằng cách nào những dao động này phân bổ trong biên độ 3-4 phần trăm ở hai bên xu hướng này, ngoại trừ đối với một số ít cuộc suy thoái. Tôi nghĩ là phải có một cách mô hình hoá tăng trưởng không có đặc tính điểm tựa mong manh của mô hình Harrod-Domar. Đây là những ảnh hưởng dẫn tôi đến việc viết bài năm 1956.

Giáo sư nhắc đến Arthur Lewis trong câu trả lời trên. Mô hình của ông được mô tả như một mô hình cổ điển hơn là một mô hình tân cổ điển. Giáo sư có nghĩ là các nhà kinh tế cổ điển đã để lại lâu dài cái nhìn sâu sắc nào về vấn đề tăng trưởng kinh tế không?

Khi bạn nói các nhà kinh tế cổ điển phải chăng bạn nhắc đến Smith, Ricardo và Mill, và v.v...?

Vâng.

Nếu thế thì tôi không được sự trợ giúp tri thức nào từ phía này, vì nhiều lẽ. Thứ nhất, tôi không đọc nhiều về lịch sử tư tưởng kinh tế. Tôi biết những phiên bản dọn sẵn của Smith, Ricardo và Mill nhưng tôi không bao giờ tin rằng mình hiểu sâu kinh tế học cổ điển. Tôi đã nhìn lại xem mình có điều gì mình đã bỏ qua không và tôi phải nói là ngoài Mill về trạng thái tĩnh, và Ricardo trong chừng mực ông là người đi trước Mill, thì tôi chỉ tìm được ở những nhà cổ điển những ý mơ hồ. Hiển nhiên là họ quan tâm đến dài hạn nhưng điều đó không thật sự phết bơ lên củ cải nào cả. Quan hệ giữa năng suất giảm dần và trạng thái dừng, đặc biệt là ở Mill, rõ ràng có quan hệ với nghiên cứu của tôi vào giữa thập niên 1950. Điều này mang lại kết quả tốt. Mặt khác điều rõ ràng về mặt giới hạn là Ricardo lúc đầu, và Mill sau này trong quá trình của cuộc cách mạng công nghiệp, suy nghĩ về dài hạn và không tác giả nào xem xét một cách nghiêm túc khái niệm cho rằng có thể duy trì tăng trưởng bằng những cải tiến công nghệ.

Bài viết năm 1956 của giáo sư có được chấp nhận đăng ngay không?

Vâng. Tôi có thể nói chính xác lúc nào tôi viết bài đó, đó là vào năm 1955. Tôi gởi nó cho tạp chí Quarterly Journal of Economics và bài được chấp nhận ngay. Đối với tôi, viết bài là rất khó; và vì thế suốt cả sự nghiệp của tôi, tôi chỉ viết bài khi tôi nghĩ hoặc là tôi có điều gì thật sự nghiêm túc muốn nói, hoặc là tôi phải viết một bài cho một Fetschrift (tuyển tập để kỉ niệm một học giả - ND) hay tương tự như thế. Trong trường hợp cuối này bất kì tri thức đáng kính nào cũng đủ. Nhưng những bài tôi tự mình có ý viết thường là nghiêm túc, nếu không thì chả bõ công, vì thật sự tôi không thích viết.

Trên đây giáo sư nhắc đến mối quan tâm tăng dần đối với kinh tế phát triển như một lĩnh vực nghiên cứu trong thập niên 1950. Vì sao kinh tế phát triển nổi lên vào thời kì đó từ lí thuyết tăng trưởng như một ngành riêng của kinh tế học?

Vì sao nó lại xảy ra theo cách ấy ư? Tôi sẽ cung cấp một gợi ý mà nguồn gốc không phải là của tôi. Tôi đoán xuất xứ của nó là từ Paul Krugman của MIT. Nói chung trong giới kinh tế tính cánh điển hình của người quan tâm đến phát triển kinh tế không phải là những nhà xây dựng mô hình. Họ là những người thu thập số liệu và khái quát hoá từ những số liệu thực nghiệm thô, như Simon Kuznets9; hoặc như Ted Schultz, một người chuyên sâu về nông nghiệp chậm tiến, hoặc đó là những người quan tâm đến lịch sử và sự chậm phát triển vì chính lĩnh vực này. Tính cách này không phù hợp với việc xây dựng mô hình. Lí thuyết tăng trưởng, ở mức cao nhất, nhường chỗ cho việc xây dựng mô hình. Như thế, ngay cả Arthur Lewis, mà tôi vừa nhắc đến, cũng xem bài viết năm 1954 của ông như là một phần thứ yếu phụ cho tác phẩm của ông về Lí thuyết tăng trưởng kinh tế (1955)10. Những ai quan tâm đến lí thuyết tăng trưởng kinh tế cũng quan tâm đến việc xây dựng mô hình.

Khi chúng tôi nói chuyện với James Tobin vào năm 1993 ông ấy có nhận xét là trong kinh tế học những bài viết thật sự tốt luôn chứa đựng một điều bất ngờ. Giáo sư có ngạc nhiên khi tìm ra rằng tỉ suất tăng trưởng đều đặn độc lập với tỉ suất tiết kiệm không?

Vâng. Tôi viết bài ấy tức thì và muốn cho đăng ngay mặc dù tôi không ưa viết bài. Tôi nghĩ là bài này gây ra nhiều sự sửng sốt. Đây là điều hoàn toàn tôi không chờ đợi, và tiện đây khi tôi viết bài năm 1957 về biến đổi kĩ thuật tôi cũng chờ đợi một câu trả lời khác với câu mà tôi đã tìm ra. Tôi chờ đợi là nguồn gốc chính của tăng trưởng phải là tích luỹ tư bản vì đó là điều mà mọi người bàn đến và tôi đã từng nghe suốt cuộc đời sinh viên. Cả hai khám phá trên quả thật là những điều bất ngờ.

Bài viết năm 1957 này đã gợi cảm hứng cho một kinh văn rộng lớn về việc tính toán tăng trưởng với những đóng góp của các nhà kinh tế như Denison, Kendrick, Jorgenson, Maddison và nhiều tác giả khác, Sau 40 năm lao động, chúng ta đã biết được gì về những nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế?

Tôi nghĩ là chúng ta đã học được nhiều, không phải so với điều chúng ta có thể học được mà so với những gì chúng ta đã học được trong những lĩnh vực khác của kinh tế học vĩ mô. Khái niệm cho rằng biến đổi kĩ thuật hay số dư giải thích tăng trưởng nhiều hơn là bạn đã chờ đợi, là nguyên nhân của gia tăng của năng suất hơn cả tích luỹ tư bản, đã đứng vững. Trong trường hợp nó không đứng vững được -như trong những công trình của Alwyn Young (1995)11, Jong il Kim và Larry Lau (1994)12, Sue Collins và Barry Bosworth (1996)13 về bốn con rồng châu Á- thì nó đã có sức quyến rũ và hiện nay bạn học được nhiều điều từ việc những nước này có mức tăng trưởng nhanh gây sửng sốt, nhưng theo một cách khác với những nền kinh tế tư bản trước đây trong lịch sử. Sự phân biệt cơ bản giữa tích lũy tư bản và số dư đã chứng tỏ là có tác dụng nâng cao kiến thức. Chúng ta cũng đã học được nhiều về tầm quan trọng của vốn con người, như một yếu tố khác với vốn hữu hình, tuỳ theo thời kì, mô hình và những nhân tố khác, đặc biệt là tùy theo cách mà “vốn con người” được đo. Sau này tôi rất vui mừng được biết là trong phần mở đầu của bài viết năm 1957, cái tôi gọi là thay đổi kĩ thuật gồm nhiều nhân tố như vốn con người, cho dù lúc bấy giờ tôi không dùng thuật ngữ này. Nhưng những nghiên cứu về tính toán tăng trưởng, bắt đầu với Edward Denison, và đến nay vẫn còn tiếp tục, đã dạy chúng ta nhiều điều về tính chất của tăng trưởng. Tôi muốn nói là sự tăng trưởng của những nền kinh tế công nghiệp tiên tiến hiện nay chỉ được qui một phần nhỏ cho việc khai thác tài nguyên thiên nhiên là một điều lí thú, và biết được điều này là cũng nhờ có những phương pháp tính toán sự tăng trưởng.

Năm 1970 tác phẩm của giáo sư, Growth Theory: An Exposition, được xuất bản. Trong suốt 16 năm tiếp sau đó, mối quan tâm của các nhà kinh tế vĩ mô đối với vấn đề tăng trưởng kinh tế, hay chính xác hơn đối với lí thuyết tăng trưởng, tương đối có suy giảm. Theo giáo sư, tại sao lại có hiện tượng như thế?

Tôi nghĩ điều này xảy ra vì giới kinh tế đã cạn ý và bạn không thể duy trì sự quan tâm về bất kì chủ đề nào đơn giản trên cơ sở xét kĩ vào chi tiết những ý tưởng hiện có. Edward Denison vẫn tiếp tục viết sách trong thời gian này, tôi đều đọc tất cả và khâm phục ông. Nhưng không có những ý mới. Những đóng góp của Paul Romer (1986)14 và của Bob Lucas (1988)15 -tôi không biết cách chia công trạng giữa hai người- đã có công hâm nóng mối quan tâm đối với chủ đề bằng cách đưa vào những ý mới. Đối với bất kì ngành nào của kinh tế học điều này luôn thu hút sự chú ý và tôi đoán chừng là điều này cũng đúng cho hoá học. Như thế đó chỉ là một trường hợp của năng suất tri thức giảm dần. Vào khoảng 1970 đơn giản là chúng ta đã cạn ý.

Bài viết đầu tiên về tăng trưởng nội sinh trong giai đoạn mới quan tâm đến tăng trưởng kinh tế là của Paul Roemers (1986) “Increasing Returns and Long-Run Growth. Theo giáo sư điều gì đã tạo hứng cho nghiên cứu mới này? Phải chăng là do vấn đề hội tụ cũng nổi lên cùng thời gian đó với những đóng góp của Abramovitz (1986)16 và Baumol (1986)17?

Các bạn nên đặt câu hỏi này cho Lucas và Romer.

Được rồi, chúng tôi sẽ hỏi Paul Romer câu này khi phỏng vấn ông ấy ngày mai.

Tôi sẽ nói rằng, chỉ từ việc đọc những bài viết của họ thôi, thì vấn đề hội tụ có vẻ kích thích Bob Lucas hơn là Paul Romer. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến Paul Romer, song tôi không nhớ có bất cứ điều gì trong bài viết 1986 của ông ta gợi lên điều này, mặc dù rất có thể là tôi đã quên. Tôi thiên về giả thiết cho rằng Paul Romer có một ý tưởng, thấy ý tưởng này là hứng thú và khai thác nó. Nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy Lucas bị những so sánh quốc tế quyến rũ hơn.

Ý kiến của giáo sư về vấn đề hội tụ? Mô hình năm 1956 của giáo sư tiên đoán sự hội tụ có điều kiện và tiên đoán này dường như khớp tương đối tốt cho một số nước, một “câu lạc bộ hội tụ”. Tuy nhiên còn có một số nước nghèo ít có dấu hiệu gì cho thấy đuổi kịp các nước công nghiệp giàu.

Hoàn toàn tôi không có những suy nghĩ độc lập về vấn đề này. Tôi chỉ đọc kinh văn, không phải là đọc hết vì có quá nhiều. Nhưng tôi đọc đủ để phát triển những ý có thể được phát biểu như sau. Trước hết về cơ bản tôi rất nghi ngờ đối với những nghiên cứu quốc tế chéo này. Tôi đọc những nghiên cứu này, đôi khi là những nghiên cứu lí thú, nhiều lúc lại là không, nhưng trong thâm tâm của tôi luôn có câu hỏi là nên tin chúng hay không. Lí do cơ bản khiến tôi hoài nghi là vì không có giải pháp cho vấn đề nhân quả. Càng có nhiều biến bên vế phải của những phương trình hồi qui này thì đối với tôi chúng càng có khả năng chỉ là hệ quả của những thành công hay thất bại của tăng trưởng dài hạn, như những nguyên nhân. Lí do thứ hai tôi tỏ ra nghi ngờ là vì tôi học được cách đây khá lâu từ Ross Levine ở Ngân hàng thế giới, rằng những kết quả này là không vững chắc. Chúng đứng không vững nếu bạn thay đổi chút ít. Lí do thứ ba khiến tôi ngờ vực là do tôi luôn tự hỏi liệu mình có thật sự tin rằng có một diện tích đâu đó trong không gian với những trục được gán tất cả những điều mà Robert Baro và bạn bè của ông ghi trên đó không? Tôi có thật tin là một diện tích như thế tồn tại không và những nước hoặc điểm trên diện tích này về nguyên tắc có thể di chuyển từ toạ độ này sang toạ độ khác và quay trở lại điểm bắt đầu khi họ thay đổi dạng chính quyền hay có nhiều hoặc ít cuộc ám sát không? Một tiếng nói yếu ớt cất lên rằng có thể, nhưng tôi đánh cuộc bất cứ điều gì cho sự tồn tại của một diện tích như thế. Vì thế tôi nghi ngờ toàn bộ hướng nghiên cứu này. Nếu bạn xem đó như một vấn đề chuỗi thời gian thuần túy, theo cách làm của Dany Quah (1993)18, nếu bạn xét sự hội tụ có điều kiện -và hội tụ có điều kiện là phiên bản duy nhất có ý nghĩa của giả thiết này- thì hiển nhiên là sự thật ít nhiều gần với điều là có cái gì đó phân biệt giữa tăng trưởng và phát triển. Có một nhóm nước, vì một lí do nào đó, đã không lên chiếc xe lửa nằm trên đường ray khi xe chuyển bánh và tôi thiên về hướng gán điều này cho việc thiếu một số cơ sở hạ tầng thể chế, một số cơ sở hạ tầng xã hội, hoặc bất kì cơ sở hạ tầng cùng loại. Nếu tôi buộc phải lựa chọn giữa hai phe thì tôi sẽ ủng hộ câu lạc bộ hội tụ.  

Một nhân tố khác đã góp phần hâm nóng lại mối quan tâm về vấn đề tăng trưởng là cái gọi là sự giảm tốc tăng trưởng của năng suất bắt đầu từ cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970. Giáo sư có nghĩ rằng là có một sự giảm tốc này không, và nếu có, đâu là những nguyên nhân có thể?

Vâng, tôi tin là có một sự giảm tốc tăng trưởng của năng suất. Đối với tôi, toàn bộ cuộc tranh luận về chỉ số giá không trưng ra được một trường hợp có sức thuyết phục bác bỏ quan sát là đã có hiện tượng giảm tốc của năng suất. Không có lí do gì để tin là nếu bạn cũng chỉnh lại những chỉ số giá cả trước 1970 theo cùng một phương pháp thì bạn sẽ không có ít ra là một lạm phát được phóng đại bằng như trước khi điều chỉnh. Do đó tôi tin là có một sự giảm tốc của năng suất. Tôi nghĩ là sự giảm tốc này có tính quốc tế, nó đã giảm ở Nhật nhiều bằng với ở Hoa Kì, và tôi nghĩ là chừng nào còn chưa có ai giải thích ít ra là một nửa hoặc hơn nửa hiện tượng này thì đó vẫn còn là một bí ẩn. Nhưng khi tôi nói đến bí ẩn thì tôi nghĩ là chúng ta phải phân biệt hai nghĩa của từ không giải thích được (hay bí ẩn cũng thế). Khi tôi nói một điều là không giải thích được hay rằng đó là một bí ẩn thì điều này có nghĩa là tôi không thể định nghĩa một cách chính xác và chi tiết những nguyên nhân của hiện tượng. Song không giải thích được cũng có nghĩa là hoàn toàn gây sốc!!! Làm sao một điều như thế có thể xảy ra? Tôi nghĩ rằng sự giảm tốc của năng suất chỉ là không giải thích được theo nghĩa thứ nhất. Không có bất kì điều gì trong kinh tế tăng trưởng, về mặt lí thuyết lẫn thực nghiệm, nói rằng tỉ suất tăng trưởng của số dư là một bất biến, rằng nó không thể thay đổi từ thời kì này qua thời kì sau. Chúng ta biết, bằng phép ngoại suy hồi cố, là năng suất không thể tăng 1 hay 2 phần trăm mãi mãi nếu không thì Oliver Cromwell đã không phải là nhà độc tài. Nhân đây, ta quay trở lại một vấn đề phân tích có ý nghĩa. Khi tôi nói là trong những công trình của thập niên 1950 tôi xử lí thay đổi kĩ thuật như một biến ngoại sinh, điều này không có nghĩa là lúc bấy giờ tôi thật sự tin rằng biến đổi này không có những nguyên nhân kinh tế nội tại. Cũng trong những bài đó tôi luôn coi tăng trưởng dân số như một biến ngoại, nhưng tôi có biết đến Malthus, và rõ ràng là có một mối liên hệ giữa phát triển kinh tế và tiến trình của dân số. Khi tôi nói một biến là ngoại sinh điều đó có nghĩa là tôi không có tham vọng hiểu được nó, tôi không có điều gì có giá trị để nói về hiện tượng đó bởi thế tôi có thể coi thay đổi kĩ thuật như là một điều cho trước vì những lí do không giải thích được trong nghĩa thứ nhất của từ này tôi nói ở trên. Tôi không biết vào chi tiết những nhân tố quyết định sự thay đổi kĩ thuật. Nhưng thay đổi kĩ thuật không phải là không giải thích được, theo nghĩa thứ hai. Tôi không sửng sốt khi biết rằng tăng trưởng của năng suất sau 1973 là chậm hơn trước 1973, cũng như tôi sẽ không bị sửng sốt nếu tỉ suất này là cao hơn trước.

Nếu ta nhìn trong dài hạn, trở ngược một trăm năm về trước hay hơn nữa, có thể rằng câu đố lớn nhất là xu hướng thành tựu trên đây của thời kì hậu chiến cho đến thập niên 1970.

Đúng thế. Tôi tin vào điều này. Đối với tôi đây là một giả thiết có ý nghĩa; và tôi có thể kể một câu chuyện có ý nghĩa để giải thích điều này. Nhưng hãy nhớ là, ấy là nói như vậy, tôi đang ước lượng một tham số với một bậc tự do, do đó thật ra không có một kiểm định nào được tiến hành. Từ 1930 đến 1947, hay vào khoảng đó, đã có một số biến đổi kĩ thuật hay cải tiến khác về liên quan đến việc hiểu biết năng suất nhưng chúng đã không được đưa vào nền kinh tế hiện thực, thứ nhất vì có cuộc Đại suy thoái và sau đó vì có chiến tranh. Như vậy bắt đầu từ khoảng 1950 thế giới đã có 20 năm những cải tiến kĩ thuật ứ đọng chờ được đưa vào sử dụng. Điều này đã xảy ra sau năm 1950. Kịch bản này có vẻ là hoàn toàn có ý nghĩa, nhưng tôi không tin là ta có thể kiểm định giả thiết này vì không có gì để so sánh với nó cả.

Có chăng những lí do vững chắc về mặt lí thuyết hoặc thực nghiệm để tin rằng lạm phát vừa phải dưới 10 phần trăm có những tác động tai hại có ý nghĩa trên tăng trưởng kinh tế không?

Tôi không theo dõi toàn bộ kinh văn về chủ đề này. Nhưng những gì tôi thu hoạch được, ít ra là về mặt thực nghiệm, là hiển nhiên rằng lạm phát nhanh là một việc tuyệt đối xấu cho tăng trưởng kinh tế, nhưng, không có sự tương quan nào giữa thành tựu kinh tế và lạm phát tương đối chậm, có lẽ ngay cả với một lạm phát trung bình là 10 phần trăm mỗi năm. Tôi nghi ngờ rằng lí thuyết buộc phải có quan điểm này, nhưng tôi có thể hình dung dễ dàng là lí thuyết có thể tương thích với cách nhìn này.

Giai đoạn hiện đại của lí thuyết tăng trưởng nội sinh nay đã được hơn mười năm. Theo giáo sư đâu là phát triển quan trọng nhất hoặc quan niệm sâu sắc nổi lên từ chương trình nghiên cứu này? Chúng ta đã học điều gì có ích không?

Ít hơn là tôi đã hi vọng. Quan điểm riêng của tôi, mà tôi nghĩ là nay được Paul Roemer chia sẻ, là những phát triển ban đầu -cái gọi là mô hình AK rốt cuộc đơn giản là nói rằng hãy giả định là có những năng suất không đổi theo qui mô cho tập những nhân tố sản xuất tích luỹ được, vốn con người và vốn hữu hình- không đưa đến đâu cả vì đó không phải là một lí thuyết vững chắc. Rất ít có khả năng là có thể có tăng trưởng theo cách này. Nếu bạn theo quan điểm của AK thì điều đơn giản nhất trên thế giới là nói rằng: tôi có thể chỉ cho bạn cách giảm một sắc thuế trên tư bản sẽ làm tăng tỉ suất tăng trưởng, hoặc là tôi có thể chỉ cho bạn cách làm cho nhàn rỗi ít hấp dẫn hơn để cho tỉ suất tăng trưởng tăng. Nhưng chiêu này không đưa đến đâu cả và không thêm được điều gì thật sự sâu sắc cả vì hoàn toàn dựa trên một tính tuyến tính ít có khả năng là có thật. Nhưng khi bạn bắt đầu đặt câu hỏi điều gì chi phối việc tích luỹ tri thức công nghệ, bằng cách nào hình thức hoá việc tích lũy vốn con người thì bạn bắt đầu thật sự đi vào những vấn đề lí thú. Đó là lí do vì sao tôi thích toàn bộ kinh văn này.

Cuộc khủng hoảng hiện nay của những cái gọi là “con hổ châu Á” hiện là vấn đề thời sự. Thành công của chúng trong quá khứ đã được qui cho, trong một số nhân tố khác, thành tựu của xuất khẩu. Theo giáo sư thì đâu là quan hệ giữa ngoại thương và tăng trưởng? Có phải là “phép lạ” của tăng trưởng của Đông Á là do xuất khẩu kéo? 

Tôi không biết chắc quan hệ giữa thương mại và tăng trưởng. Về mặt thực nghiệm hình như có một quan hệ. Tôi có nhiều người bạn nghiên cứu vấn đề thực nghiệm này và trong khi những kết quả của họ là khác nhau, và một số không thu được kết quả nào thì điều nổi lên là mở cửa cho thương mại tạo điều kiện dễ dàng cho thành tựu. Điều ít rõ ràng hơn một chút, ít ra là trong kinh văn tôi đã đọc được, đâu là nguồn gốc của quan hệ này. Cần phải phân biệt giữa những nhân tố có tác dụng tăng trưởng và những nhân tố có những tác dụng đến các mức. Hãy hình dung một tăng trưởng theo hàm mũ như một xu hướng tuyến tính trên giấy kẻ nửa loga. Bạn có thể hỏi: có chăng những lực nắm lấy đường xu hướng của một nước và nâng đường này lên mà không làm thay đổi độ dốc của nó, một hiệu ứng mức, dịch chuyển xu hướng một cách xấp xỉ song song? Rõ ràng là bất cứ điều gì cải thiện năng suất kinh tế có thể làm được việc này. Do đó thương mại làm tăng năng suất có thể gần như chắc chắn làm được điều này. Nếu bạn chờ đợi một điều gì làm thay đổi độ dốc của đường xu hướng, tỉ suất tăng trưởng, thì những lợi thế hầu như thẳng đứng của năng suất không thể làm được điều này trừ khi là tạm thời, chứ không trên một khoảng thời gian dài được. Cách duy nhất để cho thương mại có tác động có ý nghĩa đến tỉ suất tăng trưởng dài hạn không phải là mức độ xuất khẩu của nước đó nhưng là mức độ quan hệ của nước đó với phần còn lại của thế giới.     

Như thế nhân tố quan trọng của tăng trưởng là mức độ mở cửa của một nền kinh tế?

Vâng, mở cửa nói chung và đặc biệt là ý chí và khả năng nắm bắt công nghệ và ý tưởng mới từ phần còn lại của thế giới. Đối với tôi rõ ràng là sẽ có một ảnh hưởng tích cực của thương mại trên năng suất và mức của sản xuất, và những nước nào đi vào hướng tăng trưởng bằng xuất khẩu hơn là vào hướng nhập khẩu thay thế tự hoà nhập vào nền kinh tế thế giới và học hỏi được nhiều điều. Những nước này có thể học thông qua những cơ sở được cấy ghép trên nội địa, từ đầu tư trực tiếp của nước ngoài và của những công ti đa quốc gia. Nhưng dù có hay không những thay đổi thật sự dài hạn của tỉ suất tăng trưởng như là kết quả của thương mại thì tôi nghĩ rằng ít có khả năng là trường hợp này xảy ra. Tôi có thể dễ dàng hình dung một nước thoát khỏi một nền kinh tế chậm tiến trì trệ để nhảy lên xe lửa của tăng trưởng như là kết quả của thương mại. Điều này tôi thấy được một cách dễ dàng. Nhưng theo tôi một nước đã tăng trưởng theo một tỉ suất như kiểu tỉ suất của những nền kinh tế của OECD có thể cải thiện tỉ suất tăng trưởng của nó trên một thời kì trải dài trên nhiều thập niên nhờ mở cửa hay nhờ thương mại, là một điều không được chứng minh.

Có một vài bài viết lí thú của Robert Barro, Alberto Alesina và nhiều tác giả khác đăng trong số đầu của Journal of Economic Growth (1996) về quan hệ giữa dân chủ và tăng trưởng kinh tế, bất ổn chính trị và tăng trưởng kinh tế. Ví dụ, Barro gợi ý rằng cách tốt nhất chúng ta có thể giúp các nước nghèo là xuất khẩu cho họ hệ thống kinh tế của chúng ta và, nếu kết quả là nền kinh tế của họ được cải thiện, thì họ sẽ có xu hướng trở nên dân chủ hơn. Nói cách khác, tự do kinh tế, bằng cách đẩy mạnh tăng trưởng, có thể đưa đến những kết quả dân chủ hơn trong những nước ngày nay còn nghèo. Giáo sư có đọc loại kinh văn này và có ý kiến gì về những vấn đề này?

Bạn đặt những vấn đề quá lớn cho một người già nhỏ như tôi (Cười). Nhưng phản ứng của tôi trước loại kinh văn này luôn là như sau. Tôi dễ dàng thấy là nếu bạn so sánh một nước được tổ chức dân chủ với một nước được tổ chức chặt chẽ theo chính thể đầu sỏ chính trị thì nền kinh tế tổ chức một cách dân chủ sẽ khai thác trữ lượng lớn nhất của óc kinh doanh trong khi những kẻ đầu sỏ trong những nước không dân chủ sẽ sớm từ bỏ mọi tham vọng kinh doanh mà họ có thể có để ưu tiên cho rượu, gái, nhạc hay bất cứ gì khác (Cười). Cũng còn có vấn đề là bạn có thể vận hành một nền kinh tế hiện đại trong một chế độ độc đoán hay là hai điều này là không tương thích với nhau. Điều gì sẽ xảy ra tới đây cho Trung quốc là một ví dụ lớn của thế đôi ngã này. Tôi có thể hiểu sự khác biệt này. Nhưng khái niệm cho rằng nếu bạn có thể lựa ra những nước xấp xỉ dân chủ và sắp xếp chúng theo một thang bậc từ 0 đến 1 thì chuyển từ 0,5 lên 0,6 của thước đo dân chủ cho bạn một sai biệt lớn hay có thể phát hiện được về tỉ suất tăng trưởng hoặc ngay cả mức sản xuất, theo tôi là một khái niệm ít có khả năng hiện thực.

Những nhà hoạt động xanh và những nhà bảo vệ môi trường luôn cảnh báo mọi người là cái giá của tăng trưởng kinh tế có thể vượt quá những điều lợi mà tăng trưởng mang lại. Giáo sư có bao giờ quan tâm đến những hậu quả môi trường của tăng trưởng không? Thế giới có thể chịu nổi khi mức sản xuất trên đầu người của Trung Quốc, Nam Á, châu Phi và châu Mĩ Latinh bằng mức sản xuất trên đầu người của các nước OECD không?

Vâng. Trước hết tôi ngại là sự tăng trưởng nhanh của dân số sẽ bắt đầu lấn át những khả năng cải thiện năng suất và môi trường. Hơn nữa, một trong những đứa con trai của tôi vì nghề nghiệp quan tâm đến những vấn đề này thích ví von rằng Trung Quốc được làm bằng than và Trung Quốc chỉ là một bể trầm tích than vĩ đại. Nay nếu họ chỉ đơn giản đốt than này, thì cho dù việc này có thể không ảnh hưởng đến tỉ suất tăng trưởng của GDP theo cách chúng ta vẫn tính GDP nhưng nhất dịnh nó có tác động lớn đến tăng trưởng của một phúc lợi tương đương với GDP. Vâng, đương nhiên là tôi lo ngại những vấn đề như thế. Tôi ngại những điều này hơn là ngại tình trạng cạn kiệt tài nguyên, đơn giản vì dường như còn lâu chúng ta mới đến tình trạng này. Nhân thể, tôi nghĩ rằng vấn đề mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và môi trường, nói một cách thô sơ, chung qui là một cuộc chạy đua giữa công nghệ và ô nhiễm. Chúng ta không có nhiều khả năng kiểm soát kết quả có thể của cuộc đua này và có khả năng là không thể kiểm soát được. Sẽ là ngu xuẩn nếu ta lạc quan một cách dại dột về những vấn đề này nhưng cũng sẽ là ngu xuẩn nếu tin rằng chúng ta đã hết khả năng khắc phục những giới hạn của tài nguyên bằng công nghệ.

(Còn nữa)

Chú thích:

(1) Economic Growth, New York: McGraw-Hill.[*]nhà kinh tế Mĩ (1902-1998), Nobel 1979 cùng với Lewis, nhờ “những công trình tiên phong nghiên cứu sự phát triển kinh tế và đặc biệt là những vấn đề của các nước đang phát triển” (ND).

(2) “Economic development with unlimited supplies of labour”, Manchester School of Economics and Social Studies, May.

(3) “A contribution to the theory of economic growth”, Quarterly Journal of Economics, February.

(4) “Technical change and the aggregate production function”, Review of Economics and Statistics, August.

(5) Linear Programming and Economic Analysis, New York, Mac-Graw Hill

(6) Xem mục “Von neumann (mô hình tăng trưởng của)” và “Tăng trưởng tối ưu (mô hình)” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế: kinh tế học vi mô, kinh tế học vĩ mô, lí thuyết trò chơi, v.v. của Bernard Guerrien, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).

(7) Xem mục “Tăng trưởng tối ưu (mô hình)” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế: kinh tế học vi mô, kinh tế học vĩ mô, lí thuyết trò chơi, v.v. của Bernard Guerrien, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).

(8) Xem mục “Harrod (mô hình)” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế: kinh tế học vi mô, kinh tế học vĩ mô, lí thuyết trò chơi, v.v. của Bernard Guerrien, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).

(9) nhà kinh tế Mĩ (1901-1985), Nobel 1971 nhờ đã “kiến giải tăng trưởng kinh tế, một cách kiến giải thực nghiệm, mở đường cho một hiểu biết mới và sâu sắc cấu trúc kinh tế và xã hội và những quá trình phát triển” (ND).

(10) The Theory of Economic Growth, London: Allen and Unwin.

(11) “The tyranny of numbers: confronting the statistical realities of the East-Asian growth experience”, Quarterly Journal of Economics, August.

(12) “The Sources of Economic Growth of the East Asian Newly Industrialized Countries”, Journal of the Japanese and International Economies, September.

(13) “Economic growth in East: accumulation versus assimilation”, Brookings Papers on Economic Activity.

(14) “Increasing Returns and Long-Run Growth”, Journal of Political Economy, October.

(15) “On the mechanics of economic development”, Journal of Monetary Economics, July.

(16) “Catching up, forging ahead, and falling behind”, Journal of Economic History, June.

(17) “Productivity growth, convergence and welfare: what the long-run data show”, American Economic Review, December.

(18) “Galton’s fallacy and test of the convergence hypothesis”, Scandinavian Journal of Economics, December.

Nguồn: Conversations with Leading Economists. Interpreting Modern Macroeconomics của Brian Snowdon và Howard R. Vane, nhà xuất bản Edward Elgard, Cheltenham, 1999, UK, trang 270-291

Dịch giả:
Nguyễn Đôn Phước