Hai mươi năm đổi mới: Một cuộc cải cách sở hữu còn dang dở

Hai mươi năm đổi mới: Một cuộc cải cách sở hữu còn dang dở

Hai mươi năm sau đổi mới, cô gái thị trường đã đến tuổi khó bảo, làm cho quan viên quản lí nhà nước nhiều phen phải phiền lòng. Khi sốt, khi đóng băng; chỉ riêng cái thị trường nhà đất đã rối bời, nói chi đến những thị trường vốn với nợ đọng khó đòi hay thị trường lao động với hàng ngàn vụ đình công bất hợp pháp và quy mô ngày càng lan rộng.

Dường như có điều gì chưa thật ổn trong mối tơ duyên giữa công quyền và quyền lực thị trường. Bài viết dưới đây góp vài thiển ý cùng nhìn nhận lại vai trò của phi tập trung hóa quyền tài sản trong các chính sách kinh tế ở nước ta.

Dân phú, quốc cường là lời của người xưa, mà việc thực hiện nó có lẽ cũng chẳng đến mức quá khó. Dân chỉ ham muốn làm giàu, nếu nền công lực thật lòng bảo vệ quyền tài sản tư của họ. Của tư phải khác của công ở chỗ việc sử dụng và định đoạt nó có tính loại trừ; bảo vệ sở hữu tư nhân hóa ra về căn bản là bảo vệ quyền định đoạt mang tính loại trừ của người chủ.

Hai thập kỉ đổi mới ở nước ta, theo một cách nhìn hạn hẹp, có lẽ cũng là từng bước chấp nhận và tăng dần sự bảo hộ đối với các quyền tài sản tư nhân của người dân. Mảnh đất nhận khoán ngày nào nay đã được giao lâu dài cho các hộ nông dân, quyền canh tác, chuyển đổi và nhượng bán của họ đã được ghi nhận. Sau cuộc bình thường hóa quan hệ với người Mỹ, đất đai chợt có giá, thổ cư mau chóng biến thành vàng; quyền tư hữu đối với đất ở mau chóng được tái xác lập, được mua, được bán, thế chấp cho tặng như ngàn xưa. Trên cái xác khô cứng của sở hữu toàn dân, quyền tài sản tư về đất đai đã được tái xác lập lan rộng và khó có thể đảo ngược được.

Cũng như thế, thương nhân giành lấy quyền tài sản tư đối với sản nghiệp, văn sĩ giành lấy tác quyền và thợ thuyền hiểu nỗi cay nghiệt của hàng hóa sức lao động. Trong cuộc cổ phần hóa, các nhóm cổ đông đa số cấu kết với người quản lí mà trở thành ông chủ mới đích thực của công ty. Hiển hiện ở khắp nơi, quyền tài sản tư đã trở thành một thực tế ngày càng mạnh mẽ trong một xứ sở chưa thật yêu mến sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và chấp nhận sức kéo của mãnh lực thị trường.

Tuy nhiên, vô số rắc rối cũng phát sinh từ sự chót nhỡ duyên do hoàn cảnh ấy. Quan viên quản lí nhà nước chưa thể quen với quyền loại trừ của chủ tài sản. Kìa là những chính sách úp úp mở mở "xây nhà xong mới được bán" hay lại cho bán đất nền dự án, kìa là quyền ấn định bảng giá đất mới; chỉ có quan viên nhà nước mới có cái quyền biến đất trồng rau muống thành đất công nghiệp hay đất ở. Những cái quyền to lớn biến cục đất thành cục vàng ấy là gì, nếu không phải là quyền định đoạt. Nếu quả đúng như vậy, thì sổ đỏ cấp cho đất nông nghiệp của nông dân chẳng thể có nhiều giá trị.

Nếu xem nhà đất là quyền tài sản tư, thì chỉ có chủ nhà đất đó mới có quyền định đoạt và sự can thiệp của quan viên nhà nước cũng phải chiều theo sức mạnh thị trường. Căn cứ phát sinh cái quyền tài sản tư đó là thừa kế, hay do mua bán, cấp phát tặng cho hoặc tự khẩn khai tổn tạo mà có; sổ đỏ hay hồng của cơ quan nhà nước chỉ ghi nhận, cơ quan địa chính chỉ cung cấp dịch vụ đăng kí, chứ không thể ban phát các quyền tài sản tư nhân đó.

Cũng như thế, ông chủ đích thực của công quỹ hiện nay chính là vô số cơ quan nhà nước có quyền định đoạt khối tài sản đó. Điều này đúng với các doanh nghiệp quốc hữu, mà cũng đúng với chi dùng công cộng nói chung. Khi quyền tài sản không rõ ràng và mọi sự giám sát của công luận trở nên yếu ớt, thì cơ hội lạm quyền của người quản lí gia tăng; sau muôn vàn kẽ hở của công mau chóng rơi vào túi người có quyền cũng là điều dễ hiểu.

Cuộc chấn hưng kinh tế ở Việt Nam chỉ có thể được đẩy xa hơn nữa, nếu người nước ta yêu mến sở hữu tư nhân và hết lòng bảo hộ cái giá trị giản đơn, song thiêng liêng đó. Nó giản đơn, vì một chút của riêng tư làm người ai chẳng muốn; nó thiêng liêng vì quyền tài sản tư là động lực ganh đua của mọi giống người, ơn sự ganh đua khốc liệt đó mà mọi nguồn tài nguyên khan hiếm của quốc gia được sử dụng có hiệu quả, xã hội được văn minh. Nền quan chế nước ta phải minh định rạch ròi tài sản công và những gì có thể được xem là quyền tài sản tư và ra sức bảo vệ cho những quyền định đoạt của chủ tài sản. Bởi thế, có thể nói hai thập kỉ cải cách dường như mới chỉ là sự bắt đầu, còn ngổn ngang chông gai trên con đường đi tới. Thay đổi cách nhìn nhận về sở hữu, gia tăng bảo hộ quyền tài sản tư nhân của người dân có lẽ nên là một định hướng mà người hoạch định chính sách nước ta quan tâm.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 2006, Số 10, tr.14