Hoà bình là một lựa chọn (Phần 1)

Hoà bình là một lựa chọn (Phần 1)

Tags: Văn hóa
 

“Thật đáng sợ là một nền hòa bình lâu dài trên toàn thế giới, kể cả trong một khoảng hữu hạn thời gian, có thể sẽ không bao giờ xảy ra. Nếu có, nó cũng chỉ tồn tại trong những ảo ảnh huyễn hoặc các nhà triết học và trong trái tim bác ái của những con người tâm huyết. Còn sự thật là chiến tranh luôn chất chứa quá nhiều điên rồ và xấu xa.Tuy nhiên, hy vọng có thể xuất hiện từ tiến trình phát triển của lý tính.Dù là hy vọng về bất kỳ điều gì, chỉ cần có hi vọng, mọi khả năng đều đáng để thử.” – James Madison 

Bản chất của chiến tranh là gì? Liệu chiến tranh có phải là bản chất của con người? Chiến tranh có thể biện minh được không? Nếu có, nó có thể được biện minh trong những hoàn cảnh nào? Nó gây ảnh hưởng gì đến đạo đức và tự do?

Chiến tranh không tự nhiên xảy ra. Nó không giống như lốc xoáy và thiên thạch rơi, và lý do không phải ở chỗ nócó sức hủy diệt khủng khiếp hơn thảm hoạ tự nhiên gấp bội phần. Điểm khác biệt lớn nhất nằm ở chỗ lốc xoáy và thiên thạch rơi không phải là hệ quả của những lựa chọn và suy tính của con người. Nhưng chiến tranh thì ngược lại. Có rất nhiều tư tưởng, chính sách ủng hộ thúc đẩy chiến tranh. Những tư tưởng, chính sách ấy có thể được kiểm tra, so sánh và thảo luận một cách duy lý. Ai cũng nghĩ rằng “tất cả mọi người đều yêu hòa bình”; tuy nhiên, điều đó không đúng, ngược lại, có rất nhiều tư tưởng mang bản chất xung đột và bạo lực. Thậm chí trong một vài trường hợp, khi thể hiện trước công chúng, người ta dễ dàng tuyên bố họ phản đối chiến tranh, ủng hộ hòa bình, thế nhưng đằng sau, họ lại tán thành những chính sách thúc đẩy xung đột làm châm ngòi chiến tranh. James Madison, một trong những nhân vật vĩ đại trong thời kỳ Khai sáng của Hoa Kỳ và là tác giả đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ đã nói: chiến tranh “ẩn chứa quá nhiều điên rồ và xấu xa” vậy nên chúng ta phải nỗ lực hết sức để hạn chế nó.

Vậy có điều gì về chiến tranh mà chưa được đề cập tới? Tôi gõ từ khóa “chiến tranh” trên trang tìm kiếm Google và lập tức trong vòng 0,49 giây, tôi nhận được “khoảng 536.000.000 kết quả.” Đây chỉ là kết quả bằng tiếng Anh. Trong vòng 0,23 giây, tôi nhận được “khoảng 36.700.000 kết quả” bằng tiếng Pháp (guerre); trong vòng 0,30 giây, tôi nhận được “khoảng 14.700.000 kết quả” bằng tiếng Đức (krieg); với tiếng Trung, trong vòng 0,38 giây tôi nhận được “khoảng 55.900.000 kết quả” khi sử dụng chữ giản thể (战争) và “khoảng 6.360.000 kết quả” trong vòng 0,34 giây khi sử dụng chữ phồn thể truyền thống (戰爭). Liệu chúng ta có thể bổ sung được gì vào kho tàng kiến thức khổng lồ về chiến tranh đã có?

Tuy nhiên, vẫn có thể bổ sung được một thứ vô cùng quan trọng vào kho tàng đó. Đó là lý luận. Cần nhiều hơn nữa những lý luận lô-gíc trong thảo luận.Giống như Madison đã từng gợi ý, “Hy vọng được tạo ra từ tiến trình phát triển của lý tính.”

Chiến tranh là một hình thức bạo lực có tổ chức của con người

Trong từ điển, chiến tranh được định nghĩa là “một trạng thái xung đột vũ trang giữa các quốc gia hoặc nhà nước khác nhau hoặc giữa các nhóm người khác nhau trong cùng một quốc gia hoặc cùng một nhà nước.” Ví dụ về cách sử dụng từ: “Áo tiến hành chiến tranh với Ý” hoặc “Giữa Áo và Ý đang có chiến tranh.” Chúng ta cũng có thể sử dụng từ này với nghĩa ẩn dụ: “Anh ta đang gây chiến với hàng xóm” hoặc “Chính phủ đang phát động cuốn chiến chống ma túy.” Tuy nhiên, trong cuốn sách này, chiến tranh được sử dụng với tầng nghĩa cơ bản liên quan đến trạng thái xung đột vũ lực giữa các nhà nước.(Như vậy, “cuộc chiến chống ma túy” có nghĩa là xung đột vũ trang giữa chính quyền với các nhà cung cấp, khách hàng và các kênh phân phối ma túy chứ không phải là sự đối đầu giữa các nhà nước với nhau.)

“Xung đột vũ trang” nghĩa là thương vong. Nhắc đến chiến tranh là nhắc đến chết chóc. Tuy nhiên, đó không đơn giản chỉ là cái chết bởi cái chết ấy là cái chết do chính đồng loại gây ra. Chiến tranh và việc sử dụng lực lượng quân đội đều liên quan đến giết chóc. Kể cả đàn ông hay đàn bà, một khi tham gia quân ngũ, họ phải nhận thức được sự thật này. Tuy nhiên, các chính trị gia thường lảng tránh vấn đề giết chóc. Madeleine Albright, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hợp quốc và sau này là Ngoại trưởng Mỹ, nổi tiếng với câu hỏi dành cho Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Colin L. Powell: “Thành lập một quân đội hoành tráng để làm gì nếu như chúng ta chẳng thể dùng?”

Powell đã viết trong hồi ký của mình: “Tôi không tin vào tai mình, cứ như tự nhiên máu không thể chạy lên tới não vậy”. Cũng có lẽ là thế thật. Bởi Albright đã coi quân đội giống như  những công cụ khác của Nhà nước, và công cụ ấy sẽ được sử dụng để hiện thực hoá mục đích của nhà cầm quyền. Để đáp lại câu hỏi của Albright, Powell đã giải thích rằng: “Quân đội Hoa Kỳ không phải là những chú lính đồ chơi được điều động trên bàn cờ vua toàn cầu” và “chúng ta không nên điều động lực lượng quân đội khi chưa có mục tiêu chính trị cụ thể.” Là một người lính, Tướng Powell hiểu rằng một khi “sử dụng” tới quân đội, thì không phải trò đùa bởi sẽ có những con người bằng xương bằng thịt bị giết.5

Tôi nhớ rằng, rất nhiều năm về trước, khi ngồi cạnh Chuẩn Đô đốc Gene LaRoque (thuộc lực lượng Hải quân Hoa Kỳ - nay đã nghỉ hưu), tôi đã hỏi ông về việc dụng binh. Ông giải thích rất rõ ràng (theo như trong hồi tưởng của tôi): “mục đích của lực lượng vũ trang là giết chết kẻ địch và ngăn ngừa khả năng kẻ địch gây tổn hại đến mình. Chúng tôi sẽ không xây cầu trừ phi cần mở đường để xe tăng qua vực. Chúng tôi không biết cách dạy trẻ con 8 tuổi tập đọc và tập viết. Chúng tôi không biết cách dạy về luật pháp và dân chủ. Chúng tôi chỉ biết giết kẻ địch và ngăn ngừa khả năng kẻ định gây tổn hại đến chúng tôi.Khi anh buộc phải giết người và phá hủy thì hãy gọi chúng tôi. Nếu không, thì đừng.” Bước vào chiến tranh nghĩa là một sống một còn.Những người ít nói về nó lại là những người phải chứng kiến –phải tham gia vào– việc giết chóc nhiều nhất.

Madaleine Albright, một giáo sư ngành khoa học chính trị, một quan chức trong bộ máy chính quyền Hoa Kỳ, nhìn nhận về chiến tranh rất khác với những người đã từng chứng kiến chiến tranh như các tướng lĩnh trên đây. Bà công khai ủng hộ mạnh mẽ sự kiện đánh bom ở Iraq, một sự kiện đã dẫn đến cái chết của rất nhiều người dân vô tội. Trong một diễn đàn mở tại Mỹ bàn về chiến tranh Iraq, một công dân tham dự đã công khai chất vấn bà như sau: “Chúng ta sẽ không gửi thông điệp đến Saddam Hussein bằng máu của người dân Iraq”, anh ta nói. “Nếu bà muốn đối đầu với Saddam, hãy chỉ đối đầu với Saddam, đừng làm gì hại đến người dân Iraq.” Về sau, câu trả lời của bà được tiết lộ:

“Những gì chúng tôi làm là để đem lại cho các bạn những đêm ngon giấc.Tôi tự hào về những gì chúng tôi đang làm. Nước Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới [ngừng để đợi vỗ tay], là một đất nước không khoanh tay đứng nhìn (indispensable nation), chúng ta sẵn sàng làm mọi việc để xây dựng một thế giới tốt đẹp và an toàn cho con cháu chúng ta, và cho tất cả các quốc gia biết tuân thủ luật pháp.6

Albright và cộng sự của bà ta đã bảo vệ cho ý kiến đánh bom và thi hành cấm vận tại Iraq, một đề xuất nếu được chấp nhận sẽ gây nên những tổn thất nặng nề về người, với lý luận rằng: Đó là hành động vì nước Mỹ, là trách nhiệm của một “quốc gia không khoanh tay đứng nhìn” đang cầm trịch vận mệnh thế giới, để  “xây dựng một thế giới an toàn hơn cho con cháu chúng ta”. Trên thực tế, cuộc chiến Iraq đã không xảy ra vào thời của Albright, mà là vào thời của Chính quyền George W. Bush sau đó. Tuy vậy, cuộc chiến đầy chết chóc và tốn kém dưới thời Bush đó đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt từ Albright.Liệu đó có phải là một quyết định đúng đắn? Thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Lý do phát động chiến tranh của họ là vô căn cứ. Không có bất kỳ chứng cứ nào về việc chính quyền Iraq đang phát triển một loại “vũ khí hủy diệt hàng loạt” mà có thể phát hoả chỉ “trong vòng bốn mươi lăm phút” từ lúc mệnh lệnh ban hành. Cũng không có bất kỳ một chứng cứ nào chỉ ra rằng chế độ đó có dính líu đến cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Hoa Kỳ. Đây đều là những cáo buộc ban đầu mà chính quyền đưa ra như là lý do để phát động chiến tranh Iraq.

Cái giá của cuộc chiến này là gì? Thật khó lòng đưa ra được một con số cụ thể. Tuy nhiên, bên cạnh ít nhất mười ngàn lính Iraq tử vong để chống lại cuộc xâm lược, thì cũng có hàng ngàn binh lính Mỹ, Anh và đồng minh hi sinh và hàng vạn người khác bị thương. Theo thống kê sơ bộ, ít nhất 118.789 người dân bị giết một cách dã man từ năm 2003 đến 2011. Hầu hết đều là các nạn nhân của các cuộc nội chiến đẫm máu và các cuộc tranh giành quyền lực tàn khốc trong khi đất nước bị xâm lược và chiếm đóng.

Cái giá phải trả về vật chất là gì? Riêng chính phủ Hoa Kỳ đã vay khoảng 2 nghìn tỷ đô la để tài trợ cho cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan (rất khó để tách riêng hai cuộc chiến tranh này bởi thời gian diễn ra của cả hai chồng chéo lên nhau.) Tổng thiệt hại của hai cuộc chiến, tính theo giá trị hiện tại, có thể lên tới 4 nghìn tỷ đô la nhưng chắc chắn còn nhiều hơn thế nữa. Anh và rất nhiều nước khác cũng đã đổ một khoản tiền lớn vào đây trong khi cơ sở hạ tầng của Iraq bị phá hủy nghiêm trọng trong suốt cuộc xung đột. Liệu rằng việc hy sinh tất cả mạng sống và tài sản để gây nên chết chóc và phá hủy có phải là việc làm đúng đắn?

(Đọc tiếp Phần 2)

Nguồn: Palmer, T. G., Pinker, S., & Martin, E., Peace, Love & Liberty, Jameson Books, Incorporated, 2014, Chapter 1, 5-17 

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh