Những chuyển đổi sinh tồn

Những chuyển đổi sinh tồn

Trong cơn bão Covid-19, các doanh nghiệp ngành lữ hành, khách sạn đã chịu thiệt hại nặng nề. Trong khi chờ đợi các chính sách hỗ trợ thiết thực của chính phủ, các doanh nghiệp và lao động trong ngành đã và đang tự thân vận động để chuyển mình thích ứng với bối cảnh mới. Họ đã sinh tồn như thế nào và đâu sẽ là hướng đi triển vọng?

Phố Hội vắng bóng người. Ảnh: Chu Du Photography / Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Vịnh Lan Hạ, 5 giờ sáng, khi mặt trời còn ngủ yên và khu làng chài Cái Bèo vẫn chìm trong sự yên tĩnh đến đậm đặc, Thành bắt đầu trở mình. Anh thở dài lặng lẽ nhìn hai cậu con trai còn say giấc, chỉ chốc nữa thôi hai cậu bé sẽ lên đò đến trường trong đất liền, còn anh sẽ đi đánh cá tranh thủ lúc trời chưa nắng gắt.

Chuyển đến làng chài Cái Bèo gần mười năm nay, Thành đã xây dựng một gia đình nhỏ và bỏ vốn liếng cả trăm triệu đồng vào một con thuyền chở khách du lịch. Chưa kịp thu hồi vốn, anh đã rơi vào chuỗi ngày vô định khi nguồn thu nhập chính đã không còn kể từ khi dịch Covid-19 ập đến. Để kiếm tiền mưu sinh cho ba cha con, từ tháng 7, ngày nào anh cũng dậy sớm cùng bộ đồ nghề đánh cá đơn sơ để rong ruổi khắp vịnh Lan Hạ mênh mang nỗi buồn và cả những niềm hy vọng.

“Muốn câu được cá thì phải liên tục di chuyển để tìm chỗ câu và phải quen với sóng nước chòng chành liên tục trong hàng tiếng đồng hồ. Nếu ngày nào may mắn thì cũng đủ tiền ăn cho ba bố con!”, anh Thành chia sẻ.

Tồn tại hay không tồn tại?

Tại đảo du lịch Cát Bà, Hải Phòng, có lẽ anh Thành vẫn còn may mắn khi có phương kế sinh nhai. Một số bạn bè của anh đã đảo lộn hoàn toàn cuộc sống: những hướng dẫn viên du lịch từ nơi khác chuyển đến Cát Bà phải về quê hay tìm công việc mới trong lúc thị trường lao động đang hết sức khó khăn; các chủ tàu du lịch tìm cách thanh lý trong khi nhiều chủ khách sạn, nhà nghỉ phải gồng mình chịu lỗ hàng trăm triệu đồng để thoi thóp hoạt động.

Theo chia sẻ của cán bộ phòng du lịch Cát Hải, 78,9% thu nhập xã hội của Cát Bà đến từ du lịch với gần 4.000 lao động trong ngành và hàng trăm cơ sở lưu trú (khách sạn, tàu du lịch). Là huyện đảo có kinh tế gần như phụ thuộc hoàn toàn vào du lịch, sự vắng bóng của du khách quốc tế và khách nội địa đã đẩy nền kinh tế đảo này vào tình trạng đóng băng.

Tương tự Cát Bà, Hội An là địa phương có 70% cơ cấu kinh tế phụ thuộc vào du lịch, và cũng trải qua thảm họa khi gần như không hề có khách quốc tế trong dịch Covid-19 đợt 1 và lại phải sớm đóng cửa trước làn sóng Covid-19 thứ 2.

Áp lực lạnh lẽo của dòng tiền càng đẩy những doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh du lịch vào thảm cảnh, trong khi các doanh nghiệp lớn cũng không kém phần điêu đứng. Tuy nhiên, trong khi các doanh nghiệp lớn còn có thể tiếp cận với “những máy thở” từ ngân hàng, đối tác hay các cam kết hỗ trợ của chính phủ thì doanh nghiệp nhỏ và vừa thường phải “tự cứu mình trước khi trời cứu”.

Song không phải doanh nghiệp nào cũng may mắn được cứu hoặc có khả năng sinh tồn. Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tám tháng đầu năm 2020 tỷ lệ doanh nghiệp các ngành khách sạn, nhà hàng, du lịch phải tạm dừng hoạt động tăng tới gần 1,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ “sinh mới” của các doanh nghiệp các nhóm ngành này chỉ bằng 80%.

Chênh lệch “sinh tử” của các nhóm ngành du lịch, khách sạn thuộc tốp cao nhất so với tất cả các nhóm ngành khác(1). Điều này phản ánh tình hình khó khăn cực chẳng đã của doanh nghiệp và lao động toàn ngành du lịch, khách sạn, ăn uống.

Cái khó ló cái khôn

“Khó khăn chồng chất khó khăn” là cảm nhận chung của cá nhân và doanh nghiệp làm du lịch trên mọi miền đất nước. Trong sự bất định của đại dịch, mùa khách nội địa dần qua và thiếu đi nguồn hỗ trợ tài chính từ hệ thống ngân hàng, các lao động ngành du lịch và chủ doanh nghiệp đang dần thử nghiệm và tìm ra những hướng đi mới để cứu sống chính mình.

Các hướng dẫn viên du lịch chấp nhận chuyển ngành với những mức lương thấp hơn, có người bán bánh mì, làm shipper, dạy ngoại ngữ, dịch thuật, bán hải sản, làm hàng spa, bảo hiểm, bất động sản, hay về quê để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Các chủ doanh nghiệp thì đối diện với những quyết định khó khăn hơn: tinh giản nhân sự, thanh lý cơ sở du lịch và vẫn phải tìm cách gồng gánh lãi suất ngân hàng.

Trong khi chờ đợi dấu hiệu khởi sắc, các chủ tour và chủ khách sạn đã linh hoạt tận dụng không gian cơ sở của mình. Khách sạn Little Charm tại 44 Hàng Bồ Hà Nội chấp nhận chịu lỗ hàng trăm triệu đồng để duy trì cơ sở của mình phục vụ một lượng khách nội địa chi tiêu ít hơn, và biến sảnh khách sạn thành nhà hàng ăn.

Đối mặt với sóng gió Covid-19, Oxalis Adventures, công ty du lịch mạo hiểm chuyên tổ chức những tour du lịch khám phá trong hệ thống hang động Quảng Bình và là đơn vị độc quyền tổ chức tour Sơn Đoòng, đã “lội ngược dòng” và vẫn duy trì doanh thu khá cao nhờ thích ứng sớm với nhu cầu của du khách nội địa. Nhờ vậy, Oxalis vẫn đảm bảo doanh thu 40% so với năm 2019, đón hơn 5.000 khách Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 9-2020 và duy trì việc làm cho hơn 450 nhân sự.

Linh hoạt thích ứng và số hóa

Tổng kết lại, chúng ta thấy hai xu hướng thay đổi rõ rệt của các doanh nghiệp du lịch, khách sạn trong cơn bão Covid-19. Một tỷ lệ lớn trong số này đã tạm dừng hoạt động, giải thể. Đây là điều không hề mong muốn vì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội.

Tuy nhiên, theo hướng tích cực thì việc tạm dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp nhỏ cũng là một cách thích ứng hợp lý, giúp doanh nghiệp bảo toàn vốn và có thời gian tích lũy kinh nghiệm để trỗi dậy một khi cơ hội thị trường trở lại. Doanh nghiệp trên thị trường cũng tương tự như muôn hoa trong rừng thẳm, có thể sớm nở tối tàn nhưng sáng nào cũng nở, tươi mới như chưa bao giờ tàn lụi.

Xu hướng chuyển đổi thứ hai là thay đổi mô hình kinh doanh, chú trọng thị trường nội địa, tận dụng cơ sở hạ tầng để đa dạng hóa ngành, nghề kinh doanh hoặc tạo ra các gói sản phẩm du lịch an toàn, chủ động tiếp thị chớp cơ hội và điều chỉnh linh hoạt sản phẩm phù hợp với bối cảnh và các biện pháp phòng ngừa dịch theo từng địa phương.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng đã tranh thủ nâng cao khả năng số hóa, đưa ra các sản phẩm du lịch qua công nghệ thực tế ảo, thu thập thông tin và nghiên cứu hành vi khách hàng để cá nhân hóa sản phẩm, dịch vụ. Đây là các thực tiễn tốt có thể giúp doanh nghiệp có triển vọng thích nghi và tồn tại trong mùa dịch.

Chú thích:

(1) Ngành bất động sản và giáo dục cũng là nhóm ngành chịu thiệt hại nặng khi có chênh lệch giữa tỷ lệ rút khỏi thị trường và gia nhập thị trường rất cao.

Oxalis Adventures chuyển sang khai thác thị trường nội địa thành công

Oxalis Adventure là công ty tổ chức các tour du lịch mạo hiểm trong rừng sâu thành lập từ năm 2011 có trụ sở đặt tại làng Phong Nha (Quảng Bình). Công ty hoàn toàn thuộc sở hữu của người Việt Nam và 95% nhân viên là người địa phương. Hàng năm công ty tổ chức các đoàn thám hiểm với công suất tối đa 13.000-15.000 người, trong đó chủ yếu là du khách nước ngoài. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, du khách trong nước đã tăng lên, chiếm tỷ lệ khoảng 20% trên tổng số khách, đứng thứ nhì trong “tốp 10” khách đến từ các quốc gia trên thế giới, chỉ sau khách Mỹ.

Trong thời gian dịch Covid-19 xảy ra đến nay, Oxalis đã hủy tour của tất cả khách du lịch quốc tế do họ không thể vào Việt Nam, và toàn bộ nhân viên công ty tập trung tiếp cận và phục vụ khách Việt và những người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam.

Chia sẻ với TBKTSG, ông Châu Á Nguyễn, người sáng lập và là giám đốc của Oxalis Adventures, cho biết bí quyết để sinh tồn là biết định vị sản phẩm, đảm bảo yếu tố an toàn, minh bạch, xác định đối tượng khách hàng hợp lý trong từng thời điểm và thích ứng linh hoạt trong tiếp thị. Nhờ vậy, “Kết quả là vừa qua Oxalis đã có một mùa hè khá bận rộn và các tour đã chạy đều.

Chỉ từ ngày 15-5 đến 15-9-2020 Oxalis đã phục vụ hơn 5.000 khách Việt tham gia các tour Tú Làn, Hang Tiên, Hang Va, Hang Én và Sơn Đoòng. Cũng nhờ đó mà Oxalis đã duy trì được toàn bộ lực lượng lao động của mình, hơn 150 nhân viên văn phòng và 350 nhân viên khuân vác (porter) vẫn có việc làm và thu nhập ổn định cho đến khi Oxalis tạm đóng cửa trong hai tháng vào mùa mưa lũ như thường lệ”. “Nếu Việt Nam kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 thì hy vọng khoảng ngày 9-11-2020 chúng tôi mở lại các tour mạo hiểm vào rừng và tiếp tục được phục vụ du khách trong nước”, ông Châu Á Nguyễn nói.

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

 

Nguồn: Nguyễn Mai Trang, Nguyễn Văn Thịnh, Những chuyển đổi sinh tồn, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 18/9/2020