Tại sao Bitcoin có giá trị?

Tại sao Bitcoin có giá trị?

Ngay cả sau khi đã trải qua 11 năm, và giá của một đồng Bitcoin đã lên tới gần 20.000 đô la Mỹ, nhưng vẫn còn đó những hoài nghi về nó. Tôi có thể hiểu vì sao Bitcoin không giống như các dạng tài sản tài chính truyền thống khác. Ngay cả việc mô tả nó giống như một tài sản cũng là sai lầm. Nó không giống như cổ phiếu, một hệ thống thanh toán, hay một đồng tiền. Nó có đặc tính của tất cả chúng nhưng không giống chúng. Bitcoin là gì phụ thuộc vào công dụng của nó như một phương tiện lưu trữ  và chuyển giá trị, do đó dựa vào các quyền sở hữu được đảm bảo đối với một loại hàng hóa khan hiếm. Những ai không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này sẽ nhìn vào tất cả những điều này và ngao ngán rằng chẳng hiểu sao nó lại có giá trị.

Trong bài viết này, tôi sẽ cập nhật một phân tích mà tôi đã viết cách đây 6 năm. Nó vẫn đúng. Dành cho những ai không muốn đọc hết cả bài, luận điểm chính của tôi là giá trị của Bitcoin có được là từ công nghệ nền tảng của nó, đó là một cuốn sổ cái mã nguồn mở (open-source ledger) ghi lại quyền sở hữu và cho phép chuyển giao các quyền này. Bitcoin đã gói đơn vị tài khoản của nó với một hệ thống thanh toán tồn tại trên sổ cái. Đó chính là sự sáng tạo của nó và tại sao nó lại có được giá trị và giá trị đó lại tiếp tục tăng lên. 

Thử xem xét phê bình của những người ủng hộ vàng truyền thống , những người trong nhiều thập kỷ đã thúc đẩy ý tưởng rằng một đồng tiền mạnh phải dựa vào một thứ gì đó có thật, cứng, và có giá trị độc lập. Thế thì Bitcoin không đủ tiêu chuẩn phải không? Có thể là có đấy. 

Bitcoin lần đầu tiên nổi lên như một đối thủ tiềm năng đối với đồng tiền quốc gia được chính phủ quản lý vào năm 2009. Sách trắng của Satoshi Nakamoto đã được phát hành vào ngày 31 tháng 10 năm 2008. Dàn ý và ngôn ngữ của cuốn sách này đã gửi tới một thông điệp: đồng tiền này được dành cho các kỹ thuật viên máy tính, chứ không phải các nhà kinh tế học hay học giả chính trị. Tài liệu này bị hạn chế lưu thông; những người chưa có kinh nghiệm đọc xong cảm thấy hoang mang. 

Thế nhưng sự thiếu quan tâm không ngăn cản lịch sử bước tiếp. Hai tháng sau, những ai đang theo dõi đã chứng kiến sự nổi lên của “Khối Khởi nguyên” (Genesis Block), tức nhóm bitcoin đầu tiên được tạo ra thông qua khái niệm của Nakamoto về sổ cái phân tán tồn tại trên bất kỳ nút giao máy tính nào trên thế giới, muốn lưu trữ sổ. 

Đến nay, sau ngần ấy năm, một bitcoin có giá 18,500 đô la Mỹ, được nắm giữ và chấp nhận bởi hàng nghìn tổ chức, cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến. Hệ thống thanh toán của nó rất phổ biến không chỉ ở các nước nghèo không có hạng tầng ngân hàng rộng lớn mà còn ở các nước phát triển. Và các tổ chức lớn – bao gồm Cục Dự trữ liên bang, OECD, Ngân hàng thế giới, và các nhà đầu tư lớn – đang dành cho nó sự chú ý đặc biệt và áp dụng công nghệ blockchain vào các quy trình vận hành của họ. 

Những tín đồ, có thể được tìm thấy ở mọi quốc gia, cho rằng giá trị trao đổi của đồng tiền này sẽ còn tăng cao hơn nữa trong tương lai vì cung của nó cực kỳ có hạn và nó cung cấp một hệ thống ưu việt hơn nhiều so với đồng tiền của chính phủ. Bitcoin được chuyển giao giữa các cá nhân mà không cần một bên thứ ba. Chi phí giao dịch tương đối thấp. Nó có một lượng cung có thể dự đoán trước. Nó bền, có thể chuyển đổi, và phân chia được: vốn là tất cả các đặc tính quan trọng của một đồng tiền.  Nó tạo ra một hệ thống tiền tệ không phụ thuộc vào sự tin tưởng và danh tính, nói gì đến các ngân hàng trung ương và chính phủ. Nó là một hệ thống mới dành cho kỷ nguyên số.

Bài học đắt giá cho suy nghĩ kiểu tiền tươi thóc thật

Đối với những ai được giáo dục theo truyền thống “tiền tươi, thóc thật” thì toàn bộ ý tưởng này thực sự thách thức. Bản thân tôi đã đọc về bitcoin suốt hai năm trời trước khi tôi có thể gần hiểu được nó. Chỉ là còn một số thứ về toàn bộ ý tưởng này khiến tôi băn khoăn. Bạn không thể tự dưng tạo ra tiền, nhất là chỉ từ những dòng code máy tính. Thế thì tại sao nó lại có giá trị? Phải có gì đó sai sai ở đây. Đây không phải là cách mà chúng ta mong đợi cải cách tiền tệ. 

Vấn đề là sự kỳ vọng của chúng ta. Chúng ta nên dành nhiều sự chú ý hơn tới lý thuyết của Ludwig von Mises về cội nguồn của tiền tệ - không phải những gì chúng ta nghĩ ông ấy đã viết, mà là những gì ông ấy thực sự đã viết. 

Vào năm 1912, Mises cho xuất bản cuốn sách  The Theory of Money and Credit (Lý thuyết tiền tệ và tín dụng). Nó đã gây được tiếng vang lớn ở châu Âu khi được cho ra mắt bằng tiếng Đức, và đã được dịch sang tiếng Anh. Ngoài việc bao quát tất cả các khía cạnh của tiền tệ, đóng góp chính của ông là trong việc truy dấu giá trị và giá cả của tiền tệ - và không chỉ là bản thân tiền tệ - mà còn cả các cội nguồn của chúng. Thứ mà, ông đã giải thích, bằng một cách nào đó làm cho tiền tệ có được giá cả dưới dạng hàng hóa và dịch vụ mà nó mua được. Sau này, ông đã gọi quá phương pháp này là “định lý hồi quy”, và hóa ra, bitcoin thỏa mãn các điều kiện của định lý. 

Thầy của Mises, Carl Menger, đã chứng minh rằng tiền tự nó sinh ra từ thị trường – không phải từ Nhà nước hay từ khế ước xã hội. Nó dần dần nổi lên khi các doanh nhân tìm kiếm một dạng hàng hóa lý tưởng để phục vụ cho các giao dịch gián tiếp. Thay vì chỉ đổi chác với nhau, mọi người có được một loại hàng hóa không phải để tiêu thụ, mà để trao đổi. Hàng hóa đó trở thành tiền tệ, thứ hàng hóa thị trường nhất. 

Thế nhưng Mises đã bổ sung rằng giá trị của tiền tệ có nguồn gốc xa xưa hơn thế khi giá trị của nó chẳng khác gì món hàng để đổi chác. Mises nói rằng đây là cách duy nhất mà tiền có thể có giá trị. 

Lý thuyết về giá trị tiền tệ vì vậy có thể truy dấu giá trị trao đổi khách quan của tiền tệ về tới điểm mà ở đó nó mất đi giá trị của tiền tệ và trở thành giá trị của một món hàng đơn thuần… Theo cách này nếu chúng ta tiếp tục lùi về xa hơn và xa hơn nữa, cuối cùng chúng ta sẽ chạm đến một điểm mà ở đó chúng ta không còn tìm thấy cấu phần nào trong giá trị trao đổi khách quan của tiền tệ (thứ phát sinh từ sự định giá dựa trên chức năng của đồng tiền như một phương tiện trao đổi phổ biến); nơi mà giá trị của tiền tệ chẳng khác gì giá trị của một vật hữu dụng theo các cách nào đó khác với của tiền tệ…. Trước cả khi việc có được hàng hóa trên thị trường, thay vì để dành cho sự tiêu thụ cá nhân, đơn giản là để dùng chúng đổi lấy những hàng hóa khác thực sự muốn là chuyện thường lệ, mỗi hàng hóa riêng lẻ chỉ được gán cho giá trị theo sự định giá chủ quan dựa trên tính thỏa dụng trực tiếp của nó.

Giải thích của Mises đã hóa giải một vấn đề lớn từ lâu đã làm các nhà kinh tế bối rối. Nó là một câu chuyện về lịch sử dựa trên phỏng đoán, tuy vậy nó lại hoàn toàn hợp lý. Liệu muối có trở thành tiền tệ nếu nó hoàn toàn vô dụng? Liệu bộ lông hải ly có có được giá trị tiền tệ nếu như chúng chẳng dùng được cho việc ăn mặc? Liệu bạc hay vàng có được giá trị tiền tệ nếu trước đó chúng không có giá trị như những vật hữu dụng? Câu trả lời cho tất cả những trường hợp này rõ ràng là không. Giá trị ban đầu của tiền, trước khi chúng được trao đổi rộng rãi như tiền tệ, bắt nguồn từ sự thỏa dụng trực tiếp của nó. Nó là một sự giải thích được minh chứng thông qua sự tái dựng lịch sử. Đó là định lý hồi quy của Mises.

Giá trị sử dụng của Bitcoin 

Thoạt nhìn, bitcoin có vẻ là một ngoại lệ. Bạn không thể sử dụng một bitcoin cho bất kỳ thứ gì khác ngoài tiền. Nó không thể đeo được như trang sức. Bạn không thể dùng nó để chế tạo một cái máy. Bạn không thể ăn nó hoặc dùng nó để trang trí. Giá trị của nó chỉ được hiện thực hóa như một đơn vị phục vụ sự trao đổi gián tiếp. Mặc dù vậy, bitcoin vốn đã là tiền tệ. Nó được sử dụng hàng ngày. Bạn có thể quan sát các giao dịch ngay lập tức. Nó không phải là tưởng tượng. Nó là thật. 

Có vẻ như chúng ta phải lựa chọn. Phải chăng Mises sai? Có thể chúng ta phải vứt cả đống lý thuyết của ông ta đi. Hoặc có thể luận điểm của ông ta chỉ mang tính lịch sử thuần túy và không thể áp dụng vào tương lai của một kỷ nguyên số. Hoặc có thể định lý hồi quy của ông ta là minh chứng rằng bitcoin chỉ là một sự hưng phấn rỗng tuếch không có tính ổn định, bởi vì không thể đưa nó về giá trị như một vật hữu dụng. 

Dù vậy đi chăng nữa, bạn không cần phải dựa vào lý thuyết tiền tệ phức tạp để có thể hiểu được cảm giác lo sợ bao trùm bitcoin. Nhiều người, như tôi đã từng, có một cảm giác không an tâm về một loại tiền tệ mà không dựa trên các yếu tố hữu hình. Chắc chắn rồi, bạn có thể in bitcoin ra một mảnh giấy, nhưng có một mảnh giấy với một mã QR hoặc một khóa công khai (public key) không đủ để trấn áp cảm giác bất an đó. 

Làm thế nào chúng ta có thể giải quyết được vấn đề này? Trong đầu mình, tôi đã đã thử đùa cợt với vấn đề này hơn một năm trời. Nó đã làm tôi bối rối. Tôi tự hỏi liệu có phải hiểu biết của Mises chỉ áp dụng được trong thời đại trước kỹ thuật số. Tôi đã theo dõi những suy đoán trên mạng rằng giá trị của bitcoin sẽ bằng không, ngoại trừ đồng tiền quốc gia mà nó được đổi sang. Có thể cầu đối với bitcoin đã vượt qua những điều kiện trong tình huống của Mises nhờ một niềm khao khát muốn có một thứ gì đó khác ngoài đô-la.

Sau này – và tôi đã đọc công trình của  Konrad Graf, Peter Surda, and Daniel Krawisz – cuối cùng thì câu trả lời cũng hiện ra. Bitcoin vừa là một hệ thống thanh toán vừa là một đồng tiền. Hệ thống thanh toán chính là nguồn giá trị, còn đơn vị ghi sổ chỉ diễn tả giá trị đó dưới dạng giá cả. Sự thống nhất đơn vị tiền và thanh toán là đặc tính bất thường nhất của nó, và là thứ mà hầu hết những người bình luận hay gặp khó khăn khi tìm hiểu về nó.

Tất cả chúng ta đều quen với suy nghĩ rằng tiền tệ phải tách biệt khỏi các hệ thống thanh toán. Suy nghĩ này phản ánh những hạn chế công nghệ của lịch sử. Có đồng Đô la, có thẻ tín dụng, có đồng Euro và có Paypal, có đồng Yên và có các hãng thông tấn. Trong mỗi trường hợp, việc chuyển tiền đều phải dựa vào bên thứ ba (những nhà cung cấp dịch vụ). Để có thể sử dụng chúng, bạn cần tạo lập thứ mà được gọi là “lòng tin” với họ, hay nói một cách khác là tổ chức cung cấp dịch vụ tin rằng bạn sẽ trả tiền. 

Cái khe giữa đồng tiền và thanh toán đã luôn luôn ở với chúng ta, ngoại trừ trường hợp gần gũi về khoảng cách thực tế ngoài đời. 

Nếu tôi trả một Đô la cho miếng pizza của bạn, chẳng cần một bên thứ ba nào hết. Nhưng các hệ thống thanh toán, các bên thứ ba, và các mối quan hệ tin tưởng trở nên cần thiết một khi bạn ra khỏi khoảng cách gần gũi ngoài đời. Đó là khi các công ty như Visa và các thiết chế như ngân hàng trở nên rất quan trọng.  Chúng là các chương trình sai khiến những phần mềm tiền tệ làm những thứ mà bạn muốn nó làm. 

Mấu chốt ở đây chính là không phải ai cũng có các hệ thống thanh toán mà chúng ta có ngày nay. Thực tế là đại đa số nhân loại không thể tiếp cận với các công cụ như vậy, và đó cũng là một lý do chính dẫn đến tình trạng đói nghèo trên thế giới.

Những người bị tước đi quyền tiếp cận tài chính bị giới hạn trong các giao dịch địa phương và không thể mở rộng các mối quan hệ giao thương của họ ra thế giới. 

Mục đích chính, nếu không phải là cơ bản, của việc tạo ra Bitcoin là để giải quyết vấn đề này. Giao thức này bắt đầu tích hợp đặc tính của tiền tệ vào một hệ thống thanh toán. Hai thứ được liên kết với nhau trong cấu trúc của chính bộ mã. Sự kết nối này là thứ khiến cho bitcoin khác với bất kỳ loại tiền tệ quốc gia hiện hành nào, và trên thực tế, với bất kỳ loại tiền tệ nào trong lịch sử. 

Thử nghe những gì Nakamoto đã nói trong phần giới thiệu tóm tắt của cuốn sách trắng. Quan sát hệ thống thanh toán đóng vai trò trung tâm như thế nào đối với hệ thống tiền tệ mà ông đã tạo ra:

Một phiên bản tiền điện tử ngang hàng (peer-to-peer) thuần túy sẽ cho phép các thanh toán trực tuyến được gửi trực tiếp từ bên này sang bên kia mà không cần thông qua một thiết chế tài chính. Các chữ ký số là một phần của giải pháp, nhưng sẽ không có lợi gì nếu như vẫn phải cần đến một bên thứ ba được tin tưởng để ngăn chặn gian lận lặp chi (double-spending). Chúng tôi đề xuất một giải pháp cho vấn đề gian lận lặp chi bằng việc sử dụng một mạng ngang hàng. Mạng này cấp dấu thời gian (timestamp) cho các giao dịch bằng việc băm (hash) chúng vào một chuỗi thuật toán đồng thuận liên tục dựa trên hàm băm, tạo thành một bản ghi chép không thể bị thay đổi mà không phải làm lại thuật toán đồng thuận. Chuỗi dài nhất không chỉ đóng vai trò xác minh cho dãy liên tục các sự kiện được quan sát, mà còn chứng minh rằng nó đến từ một nhóm CPU mạnh nhất. Chỉ cần đa số sức mạnh CPU được kiểm soát bởi các nút giao không liên kết với nhau để tấn công mạng lưới, chúng sẽ tạo ra chuỗi dài nhất và loại bỏ những kẻ tấn công. Bản thân mạng lưới cần đến rất ít cấu trúc. Thông điệp được truyền tải dựa trên nguyên tắc cố gắng tối đa, và các nút giao có thể tùy ý rời bỏ hoặc gia nhập lại mạng lưới, chấp nhận chuỗi thuật toán đồng thuận dài nhất như bằng chứng cho những gì đã diễn ra trong lúc họ vắng mặt. 

Điều thực sự ấn tượng về đoạn văn này là trong đó không có một chữ nào đề cập đến đơn vị tiền tệ của nó. Chỉ có vấn đề gian lận lặp chi (vấn đề tạo ra lạm phát tiền tệ vượt qua ngưỡng mà giao thức đáng lẽ ra sẽ cho phép). Sự sáng tạo ở đây, ngay cả theo lời nói của người tạo ra nó, là hệ thống thanh toán, chứ không phải đồng tiền. Đồng tiền hoặc đơn vị điện tử chỉ biểu thị giá trị của hệ thống. Thứ hấp thụ và mang giá trị của hệ thống xuyên không gian và thời gian chính là một công cụ kế toán. 

Hệ thống này là một chuỗi khối (blockchain). Nó là một cuốn sổ cái tồn tại trên điện toán đám mây, và hoạt động của nó có thể được quan sát bởi bất cứ ai vào bất cứ khi nào. Nó được giám sát cẩn thận bởi tất cả người dùng. Nó cho phép sự chuyển giao các đoạn (bit) thông tin an toàn và không bị lặp lại từ một cá nhân tới bất kỳ cá nhân nào khác ở bất kỳ đâu trên thế giới, và những đoạn thông tin này được đảm bảo bằng một tên tài sản dạng điện tử. Thứ này được Nakamoto gọi là “các chữ ký số” (digital signatures). Phát minh sổ cái đám mây của ông cho phép các quyền sở hữu được xác thực mà không cần phải phụ thuộc vào một cơ quan được tin tưởng thứ ba.

Chuỗi khối giải quyết cái mà được biết đến như là bài toán của các vị tướng Byzantine ( Byzantine generals’ problem). Đây là vấn đề của việc phối hợp hành động trong một khoảng cách địa lý rộng lớn mà trong đó có sự xuất hiện của các nhân vật có khả năng gian lận. Bởi vì các vị tướng bị chia tách bởi không gian phải dựa vào người đưa thư và sự phụ thuộc này cần đến thời gian và sự tin tưởng, không có một vị tướng nào có thể chắc chắn rằng vị tướng kia đã nhận được và xác nhận thông điệp, chưa nói gì đến độ chính xác của nó. 

Đặt một cuốn sổ cái mà tất cả mọi người đều có thể truy cập trên mạng Internet giúp giải quyết vấn đề này. Cuốn sổ cái ghi lại lượng, thời gian, và địa chỉ công khai của mọi giao dịch. Thông tin được chia sẻ toàn cầu và luôn luôn được cập nhật. Cuốn sổ cái đảm bảo sự toàn vẹn của hệ thống và cho phép đơn vị tiền tệ trở thành một dạng tài sản điện tử với một cái tên. 

Một khi bạn hiểu được điều này, bạn có thể thấy rằng giá trị đề xuất của bitcoin bị ràng buộc với hệ thống thanh toán mà nó gắn liền. Đây là chỗ mà bạn tìm thấy giá trị sử dụng mà Mises nhắc đến. Nó không nằm ở bản thân đồng tiền mà nằm ở hệ thống thanh toán xuất xắc và sự sáng tạo. Nếu có thể tách chuỗi khối ra khỏi bitcoin (và thật ra là không thể), thì giá trị của đồng tiền này sẽ lập tức bằng không.

Chứng minh khái niệm 

Bây giờ, để hiểu sâu hơn lý thuyết của Mises khớp với bitcoin như thế nào, bạn cần phải hiểu một điểm nữa liên quan đến lịch sử của tiền điện tử. Vào cái ngày đầu tiên được phát hành phát hành (ngày 9 tháng 1 năm 2009), giá trị của bitcoin đúng bằng 0. Và cứ duy trì như vậy trong suốt 10 tháng kể từ khi được phát hành. Trong suốt khoảng thời gian này, các giao dịch được thực hiện, nhưng nó không có một giá trị niêm yết nào trên 0. 

Giá niêm yết đầu tiên của bitcoin xuất hiện vào ngày 5 tháng 10 năm 2009. Trong giao dịch này, 1 Đô-la tương đương với 1.309,03 Bitcoin (mức giá mà nhiều người coi là đắt vào thời điểm đó). Nói một cách khác, giá trị đầu tiên của bitcoin còn ít hơn cả 1/10 xu. Đúng thế đấy, nếu bạn mua bitcoin với 100 Đô la trong những ngày ấy, và không bán chúng trong một số lúc hoảng loạn, thì nay bạn đã trở thành một nửa-tỷ phú rồi. 

Vậy đây là câu hỏi: Điều gì đã xảy ra trong khoảng giữa ngày 9 tháng 1 và ngày 5 tháng 10 năm 2009, dẫn tới việc bitcoin có được một giá trị thị trường? Câu trả lời chính là các nhà môi giới, các tín đồ, các doanh nhân, và những người khác đang dùng thử chuỗi khối. Họ muốn biết liệu nó có hoạt động. Nó có chuyển được các đơn vị mà không bị lặp chi không? Một hệ thống phụ thuộc vào sức mạnh CPU tự nguyện có đủ khả năng để xác minh và xác nhận các giao dịch trên thực tế không? Liệu các bitcoin được hưởng có rơi vào đúng chỗ khi thanh toán cho các dịch vụ xác minh? Trên hết, liệu hệ thống này có thực hiện được trên thực tế công việc gần như là không thể - đó là, chuyển các đoạn thông tin dựa trên dải tên xuyên qua không gian địa lý, sử dụng mạng ngang hàng thay cho một bên thứ ba nào đó? 

Mất 10 tháng để xây dựng sự tự tin, và mất thêm 18 tháng nữa trước khi bitcoin đạt được giá trị ngang bằng với đồng Đô la Mỹ. Lịch sử này là cốt yếu để hiểu, đặc biệt là nếu bạn đang dựa trên một lý thuyết về cội nguồn của tiền tệ suy đoán về thời kỳ tiền sử của tiền, như những gì mà định lý hồi quy của Mises làm. Bitcoin không phải luôn là một loại tiền tệ có giá trị. Nó đã từng là một đơn vị kế toán thuần túy gắn với một cuốn sổ cái. Cuốn sổ cái này có được cái mà Mises gọi là “giá trị sử dụng”. Tất cả các điều kiện của định lý theo đó được thỏa mãn.

Tổng kết

Tóm lại, nếu có ai đó nói rằng bitcoin chẳng được dựa trên thứ gì ngoài không khí, rằng nó không thể là một đồng tiền vì nó không có lịch sử thực như một loại hàng hóa chính cống, và dù người nói câu này có thể là một người chưa có kinh nghiệm hoặc một nhà kinh tế lão luyện, bạn cần phải chỉ ra hai điểm chính. Một, bitcoin không chỉ đơn thuần là một loại tiền tệ mà là một đơn vị kế toán gắn với một hệ thống thanh toán đầy tính sáng tạo. Hai, hệ thống này và theo đó bitcoin có được giá trị thị trường của nó thông qua việc thử nghiệm thời gian thực trong một môi trường thị trường. 

Nói một cách khác, một khi bạn tính đến các đặc tính kỹ thuật rối rắm, bitcoin hiện ra chẳng khác gì mọi loại tiền tệ khác, từ muối cho đến vàng. Mọi người thấy hệ thống thanh toán đó hữu dụng, và công cụ kế toán đi kèm có thể lưu chuyển, có thể phân chia, có thể chuyển đổi, bền, và khan hiếm.

Một dạng tiền tệ mới đã được sinh ra. Đồng tiền này không chỉ có được tất cả các đặc tính tốt nhất của tiền tệ trong lịch sử mà còn thêm vào đó một hệ thống thanh toán phi không gian, phi trọng lượng, một hệ thống đáng tin cậy và được xác minh liên tục và ngay lập tức, giúp cả thế giới giao dịch mà chẳng cần dựa vào các bên thứ ba. 

Nhưng hãy chú ý tới thứ gì đó cực kỳ quan trọng ở đây. Chuỗi khối không chỉ là về tiền. Nó là về bất cứ các truyền tải thông tin mà cần đến sự an toàn, xác nhận, và đảm bảo hoàn toàn tính xác thực. Điều này đúng với cả các hợp đồng và mọi thể loại giao dịch, tất cả được thực hiện ngang hàng.

Công nhận, lĩnh vực này đã bị chi phối bởi các bên thứ ba hoạt động chủ yếu với tư cách là những người giám sát. Điểm cốt yếu đó là đây là xu hướng phát triển của thị trường được thúc đẩy bởi mong muốn của người tiêu dùng nhưng nó không cần thiết cho sự vận hành của hệ thống. Thêm vào đó, hàng nghìn loại tiền điện tử mới đã xuất hiện, vận hành và cạnh tranh trong mảng tiền mã hóa với tổng giá trị ở thời điểm hiện tại (thời điểm thực hiện bài viết này) lên tới 560 tỷ Đô la trên thị trường vốn hóa.

Thử nghĩ về một thế giới mà ở đó không có các bên thứ ba quan trọng nào, kể cả bên thứ ba nguy hiểm nhất từng được biết đến bởi loài người: nhà nước và ngân hàng trung ương. Tưởng tượng về tương lai đó và bạn bắt đầu hiểu được trọn vẹn những ý nghĩa của nó đối với tương lai của chúng ta. 

Ludwig von Mises sẽ thấy kinh ngạc và sửng sốt trước bitcoin. Nhưng ông ấy cũng có thể cảm thấy tự hào rằng lý thuyết tiền tệ của hơn một thế kỷ trước vừa được xác nhận và trao cho một sức sống mới trong thế kỷ 21.

Nguồn: Jeffrey A. Tucker, Why Does Bitcoin Have Value?, AIER, 2/12/2020

Dịch giả:
Hoàng Văn Trung
Hiệu đính:
Nguyễn Văn Thịnh