[Chủ nghĩa tự do truyền thống] - Chính sách kinh tế tự do (Phần 4)

[Chủ nghĩa tự do truyền thống] - Chính sách kinh tế tự do (Phần 4)

Đây là phần trích đăng từ chương "Liberal Economic Policy" trong cuốn sách "Chủ nghĩa tự do truyền thống", tác phẩm kinh điển, có tính chất đặt nền móng cho chủ nghĩa tự do cá nhân của Ludwig von Mises, xuất bản lần đầu năm 1929. Nhan đề bài viết do TTTD Academy đặt.

- Thị trường Tự do Academy

6. Chủ nghĩa tư bản: phương thức tổ chức xã hội khả thi duy nhất

Mỗi khi suy nghĩ về những phương pháp tổ chức xã hội khác nhau trên cơ sở phân công lao động, rốt cuộc ta cũng đi đến cùng một kết luận: chỉ có thể lựa chọn giữa sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Tất cả những hình thức trung gian đều vô ích, và trên thực tế nhất định sẽ dẫn đến thất bại. Nếu công nhận rằng chủ nghĩa xã hội cũng không thể thực hiện được thì người ta không thể không thú nhận rằng chủ nghĩa tư bản là hệ thống tổ chức duy nhất khả thi đối với xã hội dựa trên cơ sở phân công lao động. Kết quả của công trình nghiên cứu lí thuyết như thế không làm cho nhà sử học hay triết học lịch sử phải ngạc nhiên. Nếu chủ nghĩa tư bản có thể đứng vững mặc cho thái độ thù địch của các chính quyền và của quần chúng, nếu nó không phải nhường đường cho những hình thức hợp tác xã hội được các lí thuyết gia và những người làm chính sách ưu ái hơn, thì chỉ là vì không có hình thức tổ chức xã hội nào khác tỏ ra khả thi mà thôi.

Chẳng cần phải giải thích vì sao chúng ta không thể quay lại với những hình thức tổ chức kinh tế và xã hội của thời Trung cổ. Hệ thống kinh tế thời Trung cổ chỉ có thể nuôi được một phần số người đang sống trên vùng lãnh thổ có người ở châu Âu hiện nay, và nó cũng chỉ cung cấp cho mỗi người số lượng hàng hóa ít hơn nhiều so với những gì mà phương pháp sản xuất tư bản hiện nay đang cung cấp. Nếu người ta không sẵn sàng giảm dân số xuống một phần mười hoặc một phần mười hai hiện nay và hơn nữa, không buộc mỗi người phải chấp nhận tiêu dùng ít ỏi đến mức không thể tưởng tượng thì chẳng nên nói đến chuyện trở lại thời Trung cổ.

Tất cả những người cầm bút ủng hộ cho việc quay lại thời Trung cổ, hay như họ nói là “Tân” Trung cổ, coi đó là lí tưởng xã hội duy nhất cần phải hướng tới, đều là những người phê phán thời đại tư bản trước hết là do thái độ và não trạng sùng bái vật chất của nó. Nhưng thực ra họ lại là những người sùng bái vật chất hơn là họ tưởng. Nhiều người trong số họ vẫn nghĩ rằng sau khi trở về với hình thức tổ chức kinh tế và chính trị đặc trưng thời Trung cổ, xã hội vẫn giữ được những tiến bộ về mặt công nghệ, và nhờ đó vẫn giữ được năng suất lao động cao như thời tư bản chủ nghĩa, đấy không phải là chủ nghĩa duy vật thô lậu nhất hay sao? Năng suất lao động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là kết quả của não trạng tư bản và phương pháp tiếp cận theo lối tư bản đối với con người và tiếp cận đối với việc đáp ứng các nhu cầu của con người. Năng suất lao động là kết quả của nền công nghệ hiện đại trong chừng mực khi mà sự phát triển của công nghệ phải xuất phát từ não trạng tư bản chủ nghĩa. Thật chẳng có gì vô nghĩa lí hơn là nguyên tắc duy vật lịch sử của Marx: “Cối xay bằng tay tạo ra chủ nghĩa phong kiến; cối xay chạy bằng hơi nước tạo ra chủ nghĩa tư bản.”. Chính xã hội tư bản mới là môi trường không thể thiếu để tạo dựng những điều kiện thiết yếu cho việc phát minh và đưa máy xay chạy bằng hơi nước vào hoạt động. Chính chủ nghĩa tư bản đã tạo ra nền công nghệ chứ không phải ngược lại. Và thật là vớ vẩn khi người ta vẫn nghĩ rằng có thể giữ được những tiềm năng về công nghệ và vật chất của nền kinh tế ngay cả sau khi nền tảng trí tuệ mà chúng dựa vào đã bị đập tan. Một khi hoài niệm truyền thống và niềm tin vào chính quyền quay trở lại thành não trạng giữ thế thượng phong thì không thể nào làm cho hoạt động kinh tế trở nên hữu lí. Không thể nào tưởng tượng được một nghiệp chủ - tức tác nhân xúc tác của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và đồng thời cũng là của nền công nghệ hiện đại - ở trong môi trường mà ai cũng chỉ muốn có một đời sống thanh tịnh.

Nếu cho rằng chỉ có hệ thống dựa trên quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất là khả thi còn tất cả các hệ thống khác đều bất khả thì ta phải rút ra kết luận là phải bảo vệ sở hữu tư nhân, như là cơ sở cho sự hợp tác và liên kết xã hội, và phải kiên quyết đấu tranh với mọi cố gắng nhằm loại bỏ nó. Chính vì lí do đó mà chủ nghĩa tự do luôn bảo vệ thể chế sở hữu tư nhân, chống lại mọi cố gắng nhằm phá hủy nó. Vì vậy mà người ta đã hoàn toàn có lí khi gọi người theo trường phái tự do là người biện hộ cho sở hữu tư nhân vì từ người biện hộ (apologist) có nguồn gốc từ một chữ Hi Lạp có nghĩa là người bảo vệ (defender). Dĩ nhiên, tốt hơn hết là nên tránh dùng từ nước ngoài, và chỉ dùng tiếng Anh thuần túy. Vì đối với nhiều người thì từ biện hộ (apology) và kẻ biện hộ thường hàm ý là bảo vệ điều không công chính.

Tuy nhiên, quan trọng không phải là bác bỏ những ám chỉ tiêu cực có thể có trong những từ này mà là nhận thức rằng thể chế sở hữu tư nhân không đòi hỏi phải được bảo vệ, biện hộ, ủng hộ hay biện minh. Sự tồn tại của xã hội phụ thuộc vào sở hữu tư nhân, và vì con người cần xã hội cho nên muốn tránh làm hại quyền lợi của chính mình và quyền lợi của những người khác thì họ phải bám chặt lấy thể chế sở hữu tư nhân. Vì xã hội chỉ có thể tiếp tục tồn tại trên cơ sở sở hữu tư nhân. Người bảo vệ sở hữu tư nhân cũng là người bảo vệ những mối ràng buộc xã hội, gắn kết nhân loại; bảo vệ nền văn hóa và văn minh. Đấy cũng là người bảo vệ, người biện hộ của xã hội, của văn hóa và nền văn minh, và bởi vì người đó coi những cái đấy là mục đích của mình nên anh ta cũng bảo vệ phương tiện duy nhất đưa đến những mục đích như thế, nói cụ thể hơn thì đấy chính là bảo vệ sở hữu tư nhân.

Bảo vệ quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất hoàn toàn không có nghĩa là cho rằng chủ nghĩa tư bản dựa trên sở hữu tư nhân là hệ thống hoàn hảo. Chẳng có gì trên đời là hoàn hảo. Ngay cả trong hệ thống tư bản chủ nghĩa cũng có thứ này thứ khác, nhiều thứ, thậm chí mọi thứ đều không phù hợp với khẩu vị của người này hay người kia. Nhưng đây là hệ thống xã hội khả thi duy nhất. Người ta có thể bắt tay cải tạo một số đặc điểm này khác của nó miễn là việc cải tạo như thế không động chạm đến bản chất và nền tảng của toàn thể trật tự xã hội, mà cụ thể là không động đến sở hữu tư nhân. Rốt cuộc, chúng ta đành phải chấp nhận hệ thống này vì đơn giản là không có hệ thống nào khác.

Trong tự nhiên có thể có nhiều thứ chúng ta không thích. Nhưng chúng ta không thể thay đổi được bản chất cố hữu của các hiện tượng tự nhiên. Ví dụ, ta không thể nào tranh luận được với người nghĩ – và vẫn còn khẳng định – rằng nạp, tiêu hóa và hấp thụ thức ăn vào cơ thể là việc đáng tởm. Chỉ có thể nói với anh ta: không làm thế thì chết đói. Không có cách thứ ba. Sở hữu cũng như thế: “Hoặc là thế này hoặc là thế kia”. – hoặc sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất hoặc là cảnh đói rét và khốn nạn cho tất cả mọi người.

Những người phản đối chủ nghĩa tự do thường gọi học thuyết kinh tế của chủ nghĩa tự do là “lạc quan”. Họ coi đấy là một lời phê phán hoặc chế giễu phương pháp của tư duy trường phái tự do.

Nếu dùng từ “lạc quan” để nói rằng chủ nghĩa tự do coi thế giới tư bản là thế giới tốt nhất có thể thì đấy là việc làm hoàn toàn vô nghĩa. Đối với một hệ tư tưởng được xây dựng trên cơ sở hoàn toàn khoa học, như hệ tư tưởng của chủ nghĩa tự do, thì những câu hỏi đại loại như chủ nghĩa tư bản là tốt hay xấu, liệu có thể có hệ thống tốt hơn hay không, và liệu nó có bị bác bỏ nếu dựa vào cơ sở triết học hay siêu hình học nào đó hay không là những câu hỏi hoàn toàn không thích hợp. Chủ nghĩa tự do có nguồn gốc từ các môn khoa học thuần túy là kinh tế học và xã hội học, tức là những môn khoa học không đưa ra những đánh giá chủ quan và không bàn luận về cái gì nên, cái gì không nên, cái gì tốt, cái gì xấu, mà ngược lại chỉ tìm hiểu bản chất của sự vật và cách nó vận động. Khi những môn khoa học này chỉ cho chúng ta thấy rằng trong tất cả các phương pháp tổ chức xã hội có thể tưởng tượng, chỉ có một cách, mà cụ thể là hệ thống dựa trên quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất là có thể vận hành được vì tất cả các hệ thống tổ chức xã hội khác đều bất khả thi thì đấy hoàn toàn không có bất cứ điều gì có thể gọi là “lạc quan”. Chủ nghĩa tư bản là khả thi và có thể vận hành được là kết luận chẳng liên quan đến chủ nghĩa lạc quan.

Chắc chắn là những người phê phán chủ nghĩa tự do cho rằng đấy là một xã hội tồi dở. Vì khẳng định này chứa đựng đánh giá mang tính chủ quan, nên thực ra không đáng để đem ra thảo luận, đấy là nói một cuộc thảo luận có ý định đi xa hơn những đánh giá mang tính chủ quan, và vì vậy mà không khoa học. Nhưng vì lời khẳng định này đặt căn bản trên nhận thức sai lầm về những hiện tượng diễn ra trong hệ thống tư bản chủ nghĩa cho nên kinh tế học và xã hội học có thể uốn nắn được. Nhưng đây cũng không phải là chủ nghĩa lạc quan. Dù hệ thống tư bản chủ nghĩa không phải là hoàn hảo, thậm chí có rất nhiều khuyết tật, thì điều đó cũng chẳng có nghĩa lí gì đối với việc giải quyết các vấn đề chính sách xã hội chừng nào mà người ta còn không chứng minh được rằng tồn tại một hệ thống xã hội khác, không chỉ tốt hơn mà quan trọng nhất là có thể thực hiện. Nhưng không ai làm được điều đó. Khoa học đã chứng minh được rằng tất cả những hệ thống xã hội thay thế cho hệ thống tư bản chủ nghĩa mà ta có thể tưởng tượng đều chứa những mâu thuẫn nội tại và không có tương lai, cho nên không thể đưa đến những kết quả mà những người ủng hộ chúng kì vọng.

Chẳng có mấy lí do để nói đến “chủ nghĩa lạc quan” hay “chủ nghĩa bi quan” trong chuyện này, và việc gắn tính chất “lạc quan” lên chủ nghĩa tự do chỉ nhằm mục đích làm cho nó bị mang tiếng oan bởi những nhận định cảm tính, thiếu khoa học. Người ta cũng có thể gọi những người tin vào khả năng xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội hoặc chủ nghĩa can thiệp là “lạc quan” với cùng lí do như thế. Đa số những người cầm bút viết về các vấn đề kinh tế đều không bỏ lỡ dịp tung lên đầu lên cổ hệ thống tư bản chủ nghĩa những lời xỉ vả vô nghĩa và trẻ con, và ca ngợi hết lời chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa can thiệp, thậm chí cả chủ nghĩa xã hội nông nghiệp hay chủ nghĩa công đoàn, và coi đấy là những định chế tuyệt đích. Mặt khác, có rất ít người cầm bút ca tụng hệ thống tư bản, dù chỉ bằng những lời lẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. Nếu muốn, người ta có thể gọi những người cầm bút đó là “lạc quan”. Nhưng nếu làm như thế thì người ta còn có hàng ngàn lí do để gọi những người cầm bút theo trường phái bài chủ nghĩa tự do là “siêu lạc quan” về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa can thiệp, chủ nghĩa xã hội nông nghiệp, và chủ nghĩa công đoàn. Nhưng điều đó đã không xảy ra, và việc người ta chỉ gọi những người như Bastiat (9) là “lạc quan” chứng tỏ rằng đây không phải là sự phân loại mang tính khoa học mà chỉ là sự chế giễu mang tính phe phái.

Xin nhắc lại, chủ nghĩa tự do không khẳng định rằng chủ nghĩa tư bản là tốt, nếu nhìn từ một quan điểm cụ thể nào đó. Chủ nghĩa tự do chỉ nói rằng chỉ có hệ thống tư bản mới dẫn người ta đến những mục tiêu mà người ta đang nghĩ trong đầu, và tất cả những cố gắng nhằm hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa can thiệp, chủ nghĩa xã hội nông nghiệp, chủ nghĩa công đoàn, chắc chắn đều dẫn đến thất bại. Những người nóng nảy, không thể chấp nhận được sự thật này, thường gọi kinh tế học là khoa học tăm tối. Nhưng kinh tế học và xã hội học là những môn khoa học chỉ ra cho chúng ta thấy hiện thực như nó vốn là, chúng không hề tăm tối hơn các môn khoa học khác, ví dụ như môn cơ khí, là môn chỉ chứng minh cho chúng ta thấy rằng không thể có động cơ vĩnh cửu, hay môn sinh vật học, là môn dạy chúng ta biết rằng mọi sinh vật đều sẽ chết.

7. Các tập đoàn kinh tế, tập đoàn độc quyền và chủ nghĩa tự do

Những người phản đối chủ nghĩa tự do khẳng định rằng trong thế giới ngày nay không còn những điều kiện tiên quyết để có thể thực thi cương lĩnh của chủ nghĩa tự do. Chủ nghĩa tự do đã từng khả thi, đấy là khi mà trong mỗi lĩnh vực sản xuất đều có rất nhiều công ty quy mô trung bình, cạnh tranh quyết liệt với nhau. Còn hiện nay, vì các tập đoàn kinh tế lớn và các công ty độc quyền đã kiểm soát toàn bộ thị trường cho nên chủ nghĩa tự do đã không còn đất dụng võ nữa. Không phải các chính trị gia mà chính là xu hướng hiện hữu bên trong quá trình tiến triển không gì cưỡng lại được của hệ thống kinh doanh tự do đã giết chết.

Quá trình phân công lao động đã tạo cho mỗi đơn vị sản xuất một chức năng riêng biệt. Sản xuất càng phát triển thì quá trình này sẽ không bao giờ ngừng. Chúng ta đã bỏ qua giai đoạn khi mà một nhà máy sản xuất tất cả máy móc từ lâu rồi. Hiện nay nhà máy chế tạo máy mà không chuyên sản xuất một số loại máy móc nhất định thì không thể nào cạnh tranh được. Cùng với việc chuyên môn hóa, lĩnh vực phục vụ của một người cung cấp riêng biệt sẽ phải liên tục mở rộng. Thị trường do một nhà máy dệt chuyên sản xuất một vài loại vải phải rộng hơn thị trường được cung ứng bởi một người thợ dệt làm ra tất cả các loại vải. Không nghi ngờ gì khi quá trình chuyên môn hóa sản xuất sẽ diễn ra trong tất cả các loại hình xí nghiệp có thị trường trên toàn thế giới. Nếu quá trình phát triển này không bị chủ nghĩa bảo hộ và những biện pháp bài tư bản khác cản trở, thì kết quả sẽ là: trong mỗi lĩnh vực sản xuất sẽ chỉ còn một ít công ty, thậm chí một công ty chuyên sản xuất với mức độ chuyên nghiệp hóa cực kì cao và cung cấp cho toàn thế giới.

Hiện nay, dĩ nhiên đấy còn là điều xa lạ với chúng ta vì tất cả các chính phủ đều thi hành chính sách nhằm chia cắt nền kinh tế thế giới thành những mảnh nhỏ, trong đó, bằng những loại thuế xuất nhập khẩu và những biện pháp bảo trợ khác, người ta cố tình giữ lại hoặc thành lập mới những công ty không thể cạnh tranh trên thị trường tự do. Người ta cho rằng những chính sách nhằm chống lại việc tập trung hóa năng lực sản xuất như thế là nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi sự bóc lột của những tổ hợp độc quyền.

Để xem xét giá trị của luận điểm này ta sẽ giả sử rằng quá trình phân công lao động trên thế giới đã tiến xa đến mức việc sản xuất mỗi mặt hàng đều tập trung trong tay một hãng duy nhất, và người tiêu dùng, với tư cách là người mua, bao giờ cũng phải đối mặt với một người bán hàng duy nhất. Trong những điều kiện như thế, nếu theo lí thuyết kinh tế thiếu cân nhắc thì người sản xuất sẽ có thể treo giá thật cao để được lợi nhuận khổng lồ, và như vậy là làm giảm đáng kể mức sống của người tiêu dùng. Dễ dàng nhận thấy rằng đây là ý tưởng hoàn toàn sai lầm. Giá cả độc quyền, nếu đấy không phải là do những hành động can thiệp của chính phủ, chỉ có thể giữ được giữ được nếu kiểm soát được các loại khoáng sản và những nguồn lực cần thiết khác. Lợi nhuận của một công ty sản xuất độc quyền mà lớn hơn lợi nhuận của các công ty khác thì chắc chắn sẽ thúc đẩy sự hình thành các công ty cạnh tranh, và cạnh tranh là nhằm loại bỏ thế độc quyền, và đưa giá và lợi nhuận về tiêu chuẩn chung.

Tuy nhiên, các công ty độc quyền trong các lĩnh vực sản xuất không thể trở thành hiện tượng phổ biến được vì ở mỗi mức độ tích lũy của cải của nền kinh tế, số vốn được đầu tư và số lao động sẵn sàng tham gia sản xuất – và kết quả là số sản phẩm xã hội – là đại lượng cho trước. Quy mô sản xuất có thể cắt giảm nhằm tăng giá bán trên một đơn vị sản phẩm và lợi nhuận gộp của một nhà độc quyền hay một số nhà độc quyền trong một hay một số lĩnh vực sản xuất, và khi đó thì vốn đầu tư và lao động tham gia sản xuất trong (những) lĩnh vực đó có thể bị cắt giảm tương ứng. Vốn và lao động được giải phóng sẽ chảy vào các lĩnh vực sản xuất khác. Nhưng nếu tất cả các ngành đều tìm cách cắt giảm sản xuất để bán được giá cao hơn thì số vốn và lao động được giải phóng sẽ được cung ứng với giá thấp hơn và sẽ tạo ra động lực cho việc hình thành những xí nghiệp sản xuất mới, những xí nghiệp này sẽ đập tan vị thế độc quyền của các xí nghiệp khác. Đấy là lí do vì sao ý tưởng về những tập đoàn hay công ty độc quyền bao trùm lên tất cả là ý tưởng không thể đứng vững. Các công ty độc quyền thật sự chỉ có thể được hình thành bằng cách kiểm soát đất đai và các nguồn tài nguyên. Quan điểm cho rằng tất cả đất canh tác trên hành tinh này đều có thể tập trung vào tay một công ty độc quyền duy nhất chẳng đáng được đem ra bàn thảo. Chúng ta sẽ chỉ xem xét những công ty độc quyền hình thành nhờ kiểm soát được những cơ sở khai thác các loại khoáng chất hữu ích. Trên thực tế đã có những công ty độc quyền kiểu đó; đấy là những công ty khai thác một số khoáng sản không quan trọng lắm; và những cố gắng nhằm giành độc quyền khai thác các loại khoáng sản khác cũng có thể sẽ thành công trong tương lai. Điều đó có nghĩa là chủ nhân của những khu mỏ và khai khoáng đó sẽ nhận được mức địa tô cao hơn, còn người tiêu dùng thì giảm tiêu thụ và sẽ tìm những vật liệu thay thế cho những loại vật liệu đã trở nên đắt đỏ. Việc một công ty độc quyền toàn cầu trong lĩnh vực dầu mỏ sẽ dẫn đến sự gia tăng nhu cầu đối với thủy điện và than đá v.v. Từ quan điểm của nền kinh tế toàn cầu như sub specie aeternitatis [từ quan điểm vĩnh cửu - ND], điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ sử dụng những loại nguyên liệu đắt tiền một cách tiết kiệm hơn, và như thế sẽ để lại cho các thế hệ tương lai nhiều hơn là trong nền kinh tế thiếu vắng độc quyền.

Con ngáo ộp độc quyền, thường xuất hiện trong tâm trí mỗi khi người ta nói tới sự phát triển kinh tế một cách tự do, không phải là điều đáng lo. Các công ty độc quyền toàn cầu chỉ có thể thực sự khả thi đối với một vài sản phẩm thuộc ngành khai khoáng. Chưa thể nói được là hậu quả sẽ tốt hay xấu. Đối với những người mà trong khi xem xét những vấn đề kinh tế nhưng vẫn chưa thoát khỏi cảm giác đố kị thì những công ty độc quyền này được coi là có hại vì mang lại cho chủ nhân của chúng lợi nhuận quá cao. Còn những người tiếp cận với vấn đề mà không có thái độ châm chước sẽ thấy rằng các công ty này buộc người ta phải sử dụng một cách tiết kiệm những nguồn nguyên liệu hạn chế mà con người đang nắm trong tay. Nếu thực sự có thái độ đố kị với lợi nhuận của các nhà tư bản độc quyền thì người ta có thể đánh thuế thu nhập từ những khu mỏ đó và đưa vào ngân khố quốc gia, đấy là cách làm an toàn mà không sợ có những hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế.

Khác với các công ty độc quyền toàn cầu vừa nói, đã có các công ty độc quyền trên bình diện quốc gia và xuyên quốc gia. Hiện nay đấy là những công ty đáng quan tâm vì chúng không xuất phát từ xu hướng tiến triển tự nhiên của hệ thống kinh tế như là một bộ phận của hệ thống kinh tế được vận hành một cách tự do, mà là sản phẩm của những chính sách kinh tế bài chủ nghĩa tự do. Những cố gắng nhằm bảo đảm địa vị độc quyền đối với một số mặt hàng trong tất cả các trường hợp chỉ có thể trở thành khả thi vì mức thuế xuất nhập khẩu cao, chia cắt thị trường thế giới thành những thị trường quốc gia nhỏ bé. Ngoài những công ty độc quyền kiểu này, chỉ còn những tập đoàn do các ông chủ nắm được một số nguồn lực tự nhiên có chi phí vận tải cao giúp ngăn chặn được sự cạnh tranh của các công ty từ những khu vực khác là đáng quan tâm.

Bàn về hậu quả của các tập đoàn, các tổng công ty hay xí nghiệp chuyên cung cấp cho thị trường một loại hàng hóa nào đó mà nói rằng công ty độc quyền “kiểm soát” thị trường hay “áp đặt” giá cả là sai lầm căn bản. Công ty độc quyền không kiểm soát, nó cũng chẳng có khả năng áp đặt giá cả. Ta chỉ có thể nói đến kiểm soát thị trường hay áp đặt giá cả cho một mặt hàng nếu đấy là loại hàng hóa cực kì cần thiết, theo đúng nghĩa đen của từ này, đối với người tiêu dùng và hoàn toàn không thể thay thế được bằng bất cứ món hàng nào khác. Điều này rõ ràng là không đúng đối với bất cứ loại hàng hóa nào. Chẳng có loại hàng hóa nào lại là cái gì đó không thể thiếu đối với những người sẵn sàng mua nó trên thị trường.

Việc hình thành giá cả độc quyền khác với việc hình thành giá cạnh tranh ở chỗ: trong những điều kiện rất đặc biệt, công ty độc quyền có thể thu được lợi nhuận lớn hơn nhờ bán một số lượng hàng hóa ít hơn với giá cao hơn (chúng ta gọi đấy là giá cả độc quyền) so với giá mà thị trường sẽ quyết định trong trường hợp có nhiều người bán hơn tham gia cạnh tranh (ta gọi đấy là giá cạnh tranh). Giá độc quyền chỉ có thể xuất hiện trong những điều kiện đặc biệt: giá tăng nhưng cầu không giảm mạnh đến mức có thể ngăn chặn được lợi nhuận ròng quá cao từ việc bán ít hàng hơn với giá cao hơn. Nếu quả thật người ta có thể giành được vị trí độc quyền trên thương trường, và sử dụng nó để tạo ra giá cả độc quyền thì lợi nhuận trong lĩnh vực này sẽ cao hơn lợi nhuận trung bình.

Có thể xảy ra hiện tượng là mặc dù lợi nhuận cao như thế nhưng vẫn không xuất hiện các xí nghiệp mới cùng loại vì người ta sợ rằng sau khi giá giảm từ độc quyền xuống cạnh tranh thì các xí nghiệp này sẽ không đem lại lợi nhuận tương xứng. Tuy nhiên, người ta phải tính đến khả năng là những ngành có liên quan có thể tham gia sản xuất món hàng do một công ty nào đó nắm độc quyền với giá tương đối thấp và trở thành những hãng cạnh tranh. Và dù thế nào đi nữa thì những ngành sản xuất các món hàng thay thế cũng sẽ lợi dụng những hoàn cảnh thuận lợi như thế nằm mở rộng lĩnh vực sản xuất của chính mình. Tất cả những tác nhân như thế khiến khó xảy ra việc một công ty không nắm được độc quyền kiểm soát những loại nguyên liệu thô đặc thù trở thành công ty độc quyền trong một lĩnh vực sản xuất nào đó. Những công ty như thế chỉ có thể xuất hiện nhờ những biện pháp hành chính như bằng sáng chế, thuế xuất nhập khẩu, ưu đãi về thuế khóa, môn bài và những ưu tiên ưu đãi khác, hoặc những ưu tiên ưu đãi tương tự. Mấy chục năm trước người ta thường nói tới độc quyền trong lĩnh vực giao thông vận tải. Hệ thống môn bài có tác dụng tới mức độ nào đối với sự độc quyền trong lĩnh vực này vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Hiện nay, nói chung, người ta đã không còn lo lắng nhiều về vấn đề này. Ô tô và máy bay đã trở thành những phương tiện cạnh tranh đầy thách thức đối với ngành đường sắt. Nhưng ngay cả trước khi các phương tiện đó xuất hiện thì việc sử dụng đường thủy cũng đã đặt ra mức trần đối với giá vé mà ngành đường sắt có thể thu trên một số tuyến đường.

Quan điểm của nhiều người hiện nay cho rằng các công ty độc quyền sẽ giết chết những điều kiện tiên quyết cho việc thực thi lí tưởng tự do của chủ nghĩa tư bản chẳng những là một sự thổi phồng quá đáng mà còn là sự thiếu hiểu biết thực tế. Dù có xuyên tạc vấn đề độc quyền như thế nào thì chúng ta vẫn luôn đi đến kết luận rằng giá cả độc quyền chỉ có thể xảy ra nếu người ta kiểm soát được những nguồn lực tự nhiên đặc thù nào đó, hoặc những quy định của pháp luật và bộ máy hành chính tạo ra những điều kiện cần thiết cho sự hình thành các doanh nghiệp độc quyền. Nếu kinh tế được phát triển một cách tự do thì, ngoại trừ ngành khai khoáng và một vài lĩnh vực có liên quan, xu hướng cản trở cạnh tranh sẽ không có đất sống. Ý kiến thường được người ta đưa ra nhằm chống lại chủ nghĩa tự do là những điều kiện cạnh tranh từng tồn tại trong thời kì khi mà kinh tế học và tư tưởng tự do cổ điển vừa mới xuất hiện đã không còn giữ thế thượng phong là ý kiến hoàn toàn không đúng. Muốn tái lập những điều kiện đó thì chỉ cần thực hiện một vài yêu cầu của chủ nghĩa tự do, mà cụ thể là: tự do thương mại trong từng nước và giữa các nước.

Nguồn bản gốc: Liberalism - The Classical Tradition. Edited by Bettina Bien Greaves, Liberty Fund, Inc. 2005

Nguồn bản dịch: Mises, Ludwig von (2013[1927]). Chủ nghĩa tự do truyền thống. Phạm Nguyên Trường dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Liberalism (1927) Liberalismus (bản tiếng Đức)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường

Tác giả liên quan